Bản tin Bchannel – An Viên 24H 06.07.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 06.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Khởi công dự án Cảng hàng không Quảng Trị; Đào tạo lực lượng đoàn viên áo lam kế thừa; Những mùa An cư đặc biệt trong cuộc đời Đức Phật.
Khởi công dự án Cảng hàng không Quảng Trị
Vào chiều ngày 6/7, dự án Cảng hàng không Quảng Trị đã được khởi công. Đây là dự án trọng điểm nhằm tạo đà phát triển cho địa phương cũng như khu vực Bắc Trung Bộ. Tham dự buổi lễ có Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN.
Cảng hàng không Quảng Trị nằm tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai thuộc huyện Gio Linh. Dự án có quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 7/2026 sẽ đưa vào khai thác, sử dụng. Được kỳ vọng giúp địa phương có sự phát triển đồng bộ từ: du lịch, xuất nhập khẩu, dịch vụ thương mại; Cảng Hàng không Quảng Trị là điểm nhấn về hạ tầng giao thông, tạo cơ sở thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư.
Cùng với đó, việc có thêm sân bay ở khu vực Bắc Trung Bộ góp phần đảm bảo quốc phòng – an ninh; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn thuận lợi hơn.
Đào tạo lực lượng đoàn viên áo lam kế thừa
GĐPT là hạt nhân quan trọng nhằm lan tỏa Phật pháp. Do vậy, đội ngũ huynh trưởng có chuyên môn, năng lực sẽ giúp tổ chức này ngày càng phát triển, là tấm gương cho đoàn sinh noi theo. Bởi vậy, tổ chức áo Lam luôn chú trọng công tác này qua nhiều hình thức, chương trình huấn luyện và tu học.
Chùa Sơn Nguyên, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế những ngày hè tháng 7.
300 trại sinh là Huynh trưởng đến từ các đơn vị GĐPT của Hưng Yên, Bắc Ninh, Quảng Nam và TT. Huế đã tham gia Liên trại Huấn Luyện Huynh trưởng Sơ cấp Lộc Uyển 69 – Cấp 1 A Dục 40. Chỉ nhìn qua con số cũng thấy sự đông đảo, tín tâm của những đoàn viên áo Lam. Ngay từ sáng sớm, các huynh trưởng và đoàn sinh đã chuẩn bị đồ dùng dựng trại và tham gia nhiều hoạt động tu tập.
Liên trại huấn luyện diễn ra trong 3 ngày với rất nhiều nội dung như: khóa học về tinh thần trại; tổ chức, điều hành Đoàn, văn nghệ, lửa trại,… nhằm nắm vững chuyên môn, trở thành người Huynh trưởng thực thụ, có thể điều hành mọi hoạt động, sinh hoạt của đoàn sinh tại các đơn vị cơ sở.
Trại huấn luyện Lộc Uyển – A Dục là dịp để huynh trưởng nung nấu lòng trung kiên với tổ chức, cùng trao đổi kinh nghiệm, phương pháp quản trị đoàn, từ đó bổ túc thêm những kiến thức khi về điều hành ở đơn vị.
Gieo duyên lành đến các sinh viên ngoại quốc
Tại Thừa Thiên Huế, chùa Đức Sơn là mái ấm cho những số phận trẻ em kém may mắn mấy chục năm qua. Và để có sự hoạt động hiệu quả, ổn định như vậy là nỗ lực chung tay của chư Ni, chính quyền người dân toàn xã hội và cả những bạn trẻ quốc tế.
Mái ấm chùa Đức Sơn, huyện Hương Thuỷ những ngày này luôn có sự xuất hiện của những vị khách thật đặc biệt. Họ đến từ khắp các châu lục, đủ màu da, ngôn ngữ… và cùng chung mục đích làm tình nguyện. Nhiệm vụ của các bạn là hỗ trợ chư Ni dọn dẹp, chế biến thực phẩm và tạo cho các em nhỏ nơi đây những kỷ niệm đáng nhớ.
Capucine là tình nguyện viên tới từ Pháp. Trong ngày đầu có mặt tại chùa, cô sinh viên 20 tuổi cùng những người bạn đã tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho các em nhỏ… Chơi đồ chơi và ngắm gương mặt ngây thơ của con trẻ… khoảng thời gian thật hạnh phúc.
Trong khi đó, nhóm sinh viên tới từ Đài Loan – Trung Quốc cũng mang tới mái ấm nhiều hoạt động đặc sắc. Từ những tờ giấy màu đỏ này, các bạn dạy các em cách gấp đèn lồng. Đặc biệt, đây cũng là một trong số những đoàn lưu trú ở mái ấm trong thời gian dài.
Trong thời gian tới, chùa Đức sơn sẽ tiếp nhận thêm rất nhiều đoàn tình nguyện quốc tế. Những hoạt động giao lưu như vậy giúp các em nhỏ thêm tự tin để vững bước trên đường đời sau này…Và đây cũng là cơ hội để các sinh viên quốc tế gieo duyên lành cho chính bản thân mình.
Những mùa An cư đặc biệt trong cuộc đời Đức Phật
Hiện là thời điểm tất cả Tăng Ni Phật giáo Việt Nam đều đang thực hiện pháp An cư. Trong đó, nếu những trường hạ hậu an cư vừa mới khai pháp thì chư hành giả tiền An cư đã tu học được nửa chặng đường. Đây là thời gian hoà hợp thanh tịnh, tạo nên cộng đồng an lạc. Và những lợi ích đó đã được minh chứng qua chính những lần kết tập, an cư trong 45 năm hoằng pháp độ sinh của đức Phật.
Sau khi đạt thành quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác dưới cội Bồ-đề vào ngày trăng tròn tháng Vesak năm 588 TCN, Đức Phật đi khắp mọi nẻo đường để hoằng pháp độ sinh. Trong 45 năm hoằng pháp, Ngài đã trải qua những mùa an cư mùa mưa tại nhiều nơi, tiếp độ nhiều người và ra quy chế tạo nên 3 tháng an cư, đồng tu cộng trụ trong tăng đoàn.
Nếu lấy tinh thần từ bi, đoàn kết, tinh tấn tu tập làm giá trị tạo nên ngày an cư, thì có thể coi lần tập trung đầu tiên cũng là An cư.
Vào ngày rằm tháng 6, sau khi thành đạo được hai tháng, Đức Phật đã thuyết pháp tiếp độ 5 anh em Kiều Trần Như với bài Kinh Chuyển Pháp Luân. Nhờ bài pháp này, Ngài Kiều Trần Như đã thành tựu được Thánh quả Nhập lưu và xuất gia, trở thành vị Thánh Tăng đầu tiên trong Phật Giáo. Và chỉ sau 5 ngày đầu tiên, Đức Thế Tôn đã tiếp độ được 5 vị thánh tăng, góp phần vào việc hoằng pháp, xiển dương Phật giáo.
Chuyển Pháp Luân, bài kinh đầu tiên của Đức Phật, được coi là bài kinh quan trọng nhất, là con đường tỉnh thức. Dù đến nay, bài kinh này có nhiều phiên bản nhưng đều chung nội dung về tư tưởng Trung đạo và các điểm cốt lõi của Phật giáo gồm Tứ Diệu đế, Bát chánh đạo, Vô thường và Duyên khởi.
Sau khi được cúng dường các ngôi Tịnh xá, Đức Thế Tôn và tăng đoàn đã có nơi để nhập hạ tập trung. Và vào mùa an cư thứ 5, tại trường hạ gần kinh thành Xá Vệ, hoàng hậu Maha Pajapati (Ma-ha Ba-xà-ba-đề) cùng với nhiều người nữ đã tự cạo tóc, đắp y, bộ hành đến xin Đức Phật cho xuất gia. Sau nhiều lần thỉnh cầu, lần này, Đức Phật đã đồng ý. Ngài cũng ban 8 trọng pháp đến hoàng hậu về sự xuất gia Tỳ kheo Ni. Nhờ vậy, hội chúng Tỳ kheo Ni đã xuất hiện, tứ chúng cũng chính thức có mặt đầy đủ, góp phần quan trọng trong việc xiển dương chánh pháp, lan toả lời Phật dạy.
“Hạnh hiếu là hạnh Phật, Tâm hiếu là tâm Phật”. Vì vậy xưa nay trong nhiều bản kinh Phật đã cho thấy công lao trời bể của cha mẹ mà con cái có “vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, đi khắp năm châu bốn bể, tìm đủ mọi thứ ngon, mọi thứ vui dâng cha mẹ” thì vẫn không thể đền đáp hết công lao sinh thành, dưỡng dục. Đặc biệt trong kinh Địa tạng, Đức Phật còn chỉ rõ “Cha mẹ trong nhà là Phật ở đời”.
Vì vậy vào mùa an cư thứ 7, Đức Phật dành trọn vẹn 3 tháng mùa mưa lên cung trời thuyết giảng Vi Diệu Pháp cho thân mẫu. Và sau khi nghe xong, vị thiên tử – mẫu thân ngài đã đắc được Thánh quà Tu-đà-hoàn.
Nhắc đến những mùa an cư của Đức Phật, không thể không nhắc đến mùa an cư cuối cùng, khi ngài nhập niết bàn. Lúc này, Ngài dù lâm trọng bệnh nhưng vẫn cố gắng duy trì mạng mạch Phật pháp, thuyết pháp độ sinh đến hơi thở cuối cùng.
Và trước khi nhập diệt, ngài đã dạy 2 điều cốt yếu: Một là, Pháp và Luật đã được Ngài trao truyền trọn vẹn cho chúng Tăng; Pháp và Luật sẽ là thầy dẫn đường tối thượng cho các hội chúng Tỳ-kheo sau khi Như Lai nhập diệt. Hai là, mỗi vị đệ tử hãy tự mình thắp sáng chánh Pháp, hãy tự mình nương tựa Pháp mà trọng tâm là tu tập tứ niệm xứ.
Với những giá trị đã trao truyền, với các kết quả đã đạt được, có thể thấy Đức Phật đã dành cả đời để tìm ra con đường giúp nhân sinh hết khổ, thoát khổ và có cuộc sống an yên hạnh phúc. Và An cư với sự tập trung các hành giả đã tạo nên cơ duyên lan toả Phật pháp, giúp tăng sĩ được tĩnh tâm, cảm nhận trọn vẹn nguồn năng lượng và giá trị từ bi – trí tuệ trên con đường giải thoát, giác ngộ.
Hà Giang: Sẵn sàng cho lễ tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ
Cả nước đang tổ chức nhiều chương trình tri ân và báo ân, hướng đến 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Và ở mảnh đất Hà Giang, ngày 7/7 sắp tới cũng diễn ra Đại lễ tưởng niệm 40 năm trận Vị Xuyên trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Hướng đến sự kiện này, BTS GHPGVN tỉnh đang gấp rút chuẩn bị để Đại lễ diễn ra chu đáo, trang nghiêm nhất.
Từng bông hoa, mâm quả, thiết trí lễ đài,…tất cả đều được chư tôn đức, phật tử dành trọn tấm lòng, tự tay trang trí khu vực tổ chức Lễ cầu siêu, tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Vị Xuyên. Mỗi người một việc, bất kể sáng sớm, đêm muộn, ai ai cũng đều góp công sức để làm nên thành công cho chương trình. Có những phật tử vượt hàng trăm km cũng đến để góp chút tấm lòng.
Với sự chuẩn bị chu đáo, Nghĩa Trang Vị Xuyên đã ngập tràn cờ hoa, mọi công tác cơ bản được hoàn tất, đảm bảo cho các hoạt động được diễn ra thành công, giúp nhân dân, phật tử khắp nơi trở về tham dự trang nghiêm. Qua đó, giáo dục các thế hệ về truyền thống yêu nước, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Song song với việc khánh tiết, công tác tiếp đón đại biểu, an ninh, giao thông, vệ sinh môi trường cũng được chuẩn bị chu đáo. Chắc chắn rằng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ tấm lòng thành kính, tri ân sẽ giúp cho Đại lễ diễn ra viên mãn, trang trọng.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 06.07.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
20 lượt thích 0 bình luận