Bản tin Bchannel – An Viên 24H 13.07.2024

15/07/2024 14:12:47 3737 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 13.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Phân ban PTDT TƯ sơ kết Phật sự 6 tháng đầu năm 2024; Tiêu điểm: Tuyển sinh cử nhân Phật học – Những yêu cầu mới; Nghe Kinh Chuyển Pháp Luân qua âm nhạc.

Phân Ban Phật tử Dân tộc TƯ họp sơ kết 6 tháng đầu năm

Chiều ngày 13/7, tại chùa Phật Quốc Vạn Thành, tỉnh Bình Phước, Phân ban PTDT TƯ sơ kết Phật sự 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, Phân ban tích cực nêu cao khẩu hiệu “Phật tọa buôn làng, Phật ngự nhà sàn”. Thành lập các điểm nhóm sinh hoạt tập trung cho người đồng bào dân tộc tại Gia Lai và Quảng Trị, huy động 2,5 tỷ đồng cho công tác TTXH. Tuy vậy, vẫn còn có các trở ngại như: Một số tỉnh chưa thành lập Phân ban, vài hoạt động Phật sự bị hạn chế, chưa thực hiện.

Dịp này, Phân ban đã công bố và trao quyết định chuẩn y nhân sự bổ sung.

Sẵn sàng cho Hội trại giao lưu văn hoá các dân tộc Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ năm 2024

Hội trại giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ năm 2024 sẽ diễn ra từ ngày 14-16/7 tại chùa Phật Quốc Vạn Thành, tỉnh Bình Phước. Thời gian qua, Phân Ban phật tử dân tộc TƯ phối hợp BTS GHPGVN tỉnh Bình Phước đã chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất, sẵn sàng chào đón chư tôn đức, phật tử khắp nơi về tham dự.

Chùa Phật Quốc Vạn Thành, tỉnh Bình Phước hôm nay rộn ràng, tấp nập nhân dân, đồng bào phật tử khắp nơi trở về. Công tác thiết trí, khánh tiết đang gấp rút hoàn thành. Mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng không khí dựng trại sôi nổi hào hứng bởi đây là dịp để bà con đồng bào các tỉnh thành thêm gắn kết, giao lưu học hỏi về Phật pháp.

Ngay trong chiều nay, BTC có cuộc họp rà soát lại tất cả các công việc liên quan đến công tác tổ chức. Chư Tôn đức 14 Tiểu ban đã có sự chủ động triển khai công việc: công tác hậu cần, lưu trú, chuẩn bị các điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, kịch bản các hoạt động… tất cả đều chu toàn để chương trình diễn ra thành công.

Hội trại giao lưu văn các là sự kiện quan trọng, thu hút hơn 3000 chư Tôn đức Tăng Ni, cùng bà con Phật tử trên cả nước tham dự. Tin rằng, với  sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, chuyên nghiệp và trách nhiệm cao, Hội trại sẽ thành công rực rỡ, lan tỏa giá trị tốt đẹp tinh thần Phật giáo cho phật tử dân tộc ở khắp nơi.

Chung tay xây cầu tình thương

Trong hành trình thiện nguyện, lan toả yêu thương tới những vùng nông thôn, vùng sông nước, chư Tăng Ni rất quan tâm, hỗ trợ địa phương xây dựng các cây cầu để giúp bà con ổn định sinh hoạt, phát triển kinh tế. Chuyện kể về những cây cầu nối bờ vui, mang tới hy vọng đổi thay cuộc sống sẽ có trong phóng sự sau đây.

Sau nhiều năm đi lại trên cầu tạm bợ, xuống cấp, khó có thể tả hết niềm vui của bà con nhân dân sống 2 bên bờ kênh khóm Phú Bình, Thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp khi có cây cầu mới mang tên sứ mệnh Kim cương 8. Công trình bằng bê tông cốt thép trọng tải 2,5 tấn với kinh phí gần 200 triệu, được xây dựng nhờ sự chung tay của Phật giáo và chính quyền địa phương.

Cái Tàu Hạ có địa hình sông ngòi chằng chịt, hằng ngày nhiều người dân và học sinh đi lại trên các cầu tạm bợ, đầy rẫy hiểm nguy. Thấu hiểu khó khăn, vất vả của bà con, chùa Quan Âm, huyện Châu Thành đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân góp sức cùng địa phương xây cây cầu giao thông kiên cố, mở ra nhiều cơ hội cho người dân vươn lên trong cuộc sống.

Không chỉ dừng lại ở cây cầu sứ mệnh Kim cương 8, sắp tới nhiều cây cầu cũ ở vùng quê này sẽ tiếp tục được thay mới nhờ sự chung tay của chư Tăng Ni và những nhà hảo tâm.

Công trình này không chỉ có ý nghĩa nối liền đôi bờ, giúp làng quê thay da đổi thịt, xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí mà còn có ý nghĩa sâu sắc, tạo sự gắn kết giữa đạo và đời.

Tuyển sinh Cử nhân Phật học – Những yêu cầu mới

Giáo dục Phật giáo, đào tạo tăng tài luôn là Phật sự trọng yếu của GHPGVN. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục Phật giáo trên cả nước luôn không ngừng đổi mới, nâng cấp cả về cơ sở vật chất đến đội ngũ giảng sư, nội dung đào tạo, và tiêu chuẩn tuyển sinh để nâng cao chất lượng đầu ra, góp phần phát triển giáo hội và đem lại lợi lạc cho nhân sinh.

Sáng ngày 13/7, kỳ thi tuyển sinh cử nhân Phật học khóa XV (2024-2028) của HVPGVN tại Huế đã bắt đầu từ 7h10 sáng với môn thi Phật pháp căn bản. 57 thí sinh tham dự. Đây đều là những thí sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông, Trung cấp hoặc Cao đẳng Phật học, giới phẩm từ Sa-di, Sa-di-ni trở lên.

Xác định đây là kỳ thi tuyển chọn con người cho cả việc học và tu, chất lượng đầu vào phải đáp ứng yêu cầu, chuẩn xác, khách quan, vì vậy năm nay, HVPGVN tại Huế đã tăng cường kỷ cương trường thi, hội đồng thi thực hiện nghiêm quy chế, đề thi được giữ bảo mật và an toàn cao.

Theo đánh giá ban đầu, đề thi phù hợp với khả năng của thí sinh. Trong đó có những nội dung mở rộng, bám sát thời sự xã hội, giúp các thí sinh thể hiện được quan điểm và cách ứng dụng Phật pháp vào đời sống.

Sau khi trúng tuyển, các thí sinh sẽ l tu học nội trú 4 năm trong học viện.  Trong đó, năm thứ nhất, Hội đồng điều hành học viện tập trung đào tạo những kiến thức chung cho tăng ni sinh gồm: Văn, Triết, Sử, Tâm lý, Xã hội, Giáo dục, Tin học, và Ngoại ngữ. Năm 2 gồm kiến thức cơ sở liên quan đến Phật học. Và 2 năm cuối là chuyên ngành Phật học.

Lấy phương châm Văn – Tư – Tu làm kim chỉ nam cho đường hướng giáo dục, nhằm đào tạo tăng ni hoàn thiện cả về đạo phong và học phong, HVPGVN tại Huế đã hợp tác giáo dục với các Học viện Phật giáo trong nước, Đại học Huế, Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội)… xây dựng chương trình phù hợp với thực tiễn xã hội. Học viện thường xuyên tổ chức các hội thảo để nâng cao chất lượng đào tạo, giúp tăng ni sinh sau khi ra trường có kiến thức tổng quát, phục vụ giáo hội và tu tập tự thân.

Còn HVPGVN tại TP.HCM, ngày mai 14/7, kỳ thi tuyển sinh hệ cử nhân Phật học cũng diễn ra với 3 môn (thi viết): Phật học theo giáo trình “Phật học căn bản”, do Ban Giáo dục Phật giáo TƯGH biên soạn; Văn học Việt Nam theo giáo trình lớp 12 hiện hành của Bộ Giáo dục & Đào tạo; Ngoại ngữ: Chọn 1 trong 3 môn: Anh văn/Hán văn/Pali theo giáo trình Anh văn Phật pháp tập I và Hán văn (Hán cổ) tập I do Ban Giáo dục Phật giáo TƯGH biên soạn; chương trình Pali Trung cấp.

HVPGVN tại TP.HCM coi việc các thí sinh tham gia kỳ thi là nhân duyên. Vì vậy, bên cạnh điều kiện dự thi phải tốt nghiệp THPT hoặc tương dương, có bằng Trung cấp Phật học và phải là Sa-di trở lên thì HV cũng xem xét đặc biệt với các trường hợp ở vùng sâu xa, hải đảo…

Nhằm khuyến khích sự nỗ lực tu học tự thân nên HVPGVN TP.HCM thực hiện đào tạo theo tín chỉ. Vì vậy, nhiều cử nhân đã ra trường chỉ sau 3 – 3 năm rưỡi bằng sự chăm chỉ dưới sự chỉ dạy của quý giảng sư.

Bên cạnh việc cung thỉnh chư tôn đức uy tín truyền trao kiến thức thực tu cho tăng ni sinh, thì HV còn xây dựng đội ngũ giảng sư chất lượng, thường xuyên cập nhật công nghệ 4.0 và nâng cao nghiệp vụ sư phạm.

Học viện PGVN TP.HCM hiện vẫn duy trì 12 chương trình cử nhân Phật học, với nhiều chuyên ngành trọng tâm như Phật học, triết học Phật giáo, Phật học Sanskrit, Phật học Pali, Lịch sử Phật giáo, Phật giáo Việt Nam…

Cùng với kiến thức nội điển và ngoại điển thì dễ dàng nhận thấy sự đầu tư, chú trọng ngoại ngữ và kỹ năng sử dụng vi tính cho tăng ni sinh.

Với mục tiêu đào tạo toàn diện, không ngừng nâng cao và đổi mới, HVPGVN đã trở thành cơ sở tin cậy, chủ lực trong đào tạo tăng tài, cung cấp nhân lực cho giáo hội để phát triển. Đáp lại sự đầu tư đó, mong chư tăng ni, những thí sinh vượt qua kỳ thi hôm nay sẽ không ngừng nỗ lực, trao dồi giới đức, để xứng đáng trở thành đội ngũ kế thừa và là người sứ giả của Như Lai.

Nghe kinh Chuyển Pháp Luân qua âm nhạc

Nằm trong chuỗi sự kiện Tour âm nhạc xuyên Việt của Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, tối ngày 12/7, tại Nhà hát TP.HCM, Ban Văn hoá TƯGH phối hợp với Công ty TNHH đầu tư và phát triển Nibivision tổ chức đêm nhạc Phật giáo Việt Nam – Kinh Chuyển Pháp Luân.

Trong chương trình, các nghệ sĩ biểu diễn 6 ca khúc do nhạc sĩ Lê Minh Sơn phổ nhạc gồm Dâng hương, Con đường Như Lai, Giác đạo, Tứ diệu đế, Niệm Phật, Hồi hướng, Bốn trọng ân, Sóng với nước một thể. Những câu từ vốn là kinh kệ khi được hòa âm phối khí và thể hiện dưới hình thức âm nhạc để lại nhiều cảm xúc đặc biệt với khán giả.

Kinh Chuyển Pháp Luân là bộ kinh đầu tiên Đức Phật nói ngay sau khi Chứng ngộ, với triết lý trung đạo. GHPGVN đã chính thức lựa chọn Kinh Chuyển Pháp Luân làm bài tụng chung trong các quốc lễ và quốc tế lễ từ năm 2018.

Sau Hà Nội, Đà Nẵng, đêm nhạc ở TP.HCM lần này đã để lại ấn tượng sâu sắc với tất cả chư tôn đức, Phật tử và giới văn nghệ sĩ. Những giáo lý nhà Phật được truyền tải đến cộng đồng tự nhiên, gần gũi thông qua âm nhạc.

Sắc màu lớp vẽ lặng thinh

Trung tâm Bảo trợ trẻ em khuyết tật chùa Long Thọ (TP. Huế) có chức năng tiếp nhận các em khuyết tật về trí tuệ, nghe nói và vận động…Chính vì vậy, ở đây, âm thanh và màu sắc là điều mà mọi người tới đây đều có sự cảm nhận sâu sắc.

Trường học cho trẻ em khuyết tật chùa Long Thọ bao năm nay vẫn luôn ồn ào như thế. Ở đây đan xen âm thanh của các em nhỏ đang vui chơi nơi khoảng sân trước lớp, rồi tiếng tập đọc có phần chậm rãi, là tiếng lạch cạch của đồ chơi qua các bài rèn luyện khả năng vận động…và cả những tiếng cười làm cho lòng người quặn thắt.

Nhưng cũng có những phòng học thì là khoảng lặng, chỉ lặng thôi mà không hề u ám, bởi nơi đây ngập tràn màu sắc. Đó là lớp vẽ do chùa mới thành lập.

Hầu hết các học viên nhí tại lớp vẽ này đều là trẻ khiếm thính, mất khả năng nghe nói. Thời gian đầu, khó khăn trong giao tiếp làm cả thầy lẫn trò gặp trở ngại lớn, nhưng sau dần, các em nhận ra hội họa cũng là một thứ âm thanh diệu kì, mượn nét vẽ để nói lên lòng mình, thổ lộ mọi thứ bằng nét vẽ.

Hội họa đã giúp các em mở toang cánh cửa lòng, tự tin vượt qua những khiếm khuyết bản thân. Các em muôn màu muôn vẻ, có những em sở trường vẽ tranh phong cảnh quê hương, có em lại thích máy bay, tàu thuyền. Bằng màu sắc, đường nét, nhiều bức tranh biết nói được sáng tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo cùng trái tim đầy cảm xúc.

Có một loại âm thanh không thể chạm đến nhưng sống động và đẹp đẽ vô cùng, đó là âm thanh hội họa và tình người.

Ấn tượng Lễ hội Sen Hà Nội

Tối ngày 12/7, tại Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ, đã khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội. Sự kiện nhằm quảng bá thương hiệu sen Hà Nội, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hóa của vùng đất Thăng Long Hà Nội nói chung, của quận Tây Hồ nói riêng.

Đến với sen như một duyên lành, dành tình yêu và niềm đam mê với sen bởi sự thuần khiết, trong sáng, lễ hội sen lần đầu tiên được tổ chức tại Tây Hồ, Hà Nội là cơ hội quý để hoạ sĩ Kim Đức có thể giới thiệu vẻ đẹp của hoa sen đến với mọi người. Từ nhiều ngày nay, nữ hoạ sĩ cùng các cộng sự dành nhiều tâm huyết chuẩn bị hơn 3.500 bông sen bách diệp hồng và trắng để tạo nên không gian đặc biệt. Với điểm nhấn là bức tranh Liên hoa tịnh cảnh được trưng bày trong không gian ngập tràn hương sen thơm ngát, giúp mỗi người như lạc vào đầm sen yên bình, thư thái.

Lễ hội sen Hà Nội lần đầu tiên được tổ chức nhằm quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hoá của Thăng Long Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ, của “Sen” – loài hoa tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Thông qua Lễ hội, ban tổ chức mong muốn giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề “ướp trà sen” cũng như nét đặc trưng riêng có của văn hoá sen trong đời sống người Việt tới tất cả mọi người.

Diễn ra trong thời gian từ 12-16/7, lễ hội có nhiều hoạt động như: chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Chuyện của Sen”, trao giải cuộc thi ảnh “Người đẹp áo dài và Sen”, hội thảo “Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam”, đêm nhạc “Trịnh Công Sơn và những người bạn”… Tất cả nhằm mang đến người dân, du khách những trải nghiệm ấn tượng, độc đáo.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 13.07.2024:

 

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

13 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2620 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1637 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3729 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2693 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4634 lượt xem 0 Bình luận