Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.07.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TƯGH ban hành Thông bạch Đại lễ Vu lan báo hiếu PL.2568; Sách tấn chư hành giả nỗ lực tu học mùa An cư; Lan tỏa các mô hình tu học đồng bào dân tộc.
Cần Thơ: Thủ tướng tiếp xúc cử tri quận Thốt Nốt
Sau kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 15, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã liên tục tiếp xúc cử tri để thông báo kết quả cũng như lắng nghe, tiếp thu, giải đáp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội. Trong đó, vào ngày 14/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ đã gặp mặt, tiếp xúc cử tri quận Thốt Nốt. Tham dự Hội nghị còn có chư tôn giáo phẩm GHPGVN địa phương.
Thông báo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 tới cử tri quận Thốt Nốt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và chúc mừng những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thành phố Cần Thơ, góp phần tích cực vào thành tựu chung của cả nước. Giải đáp nhiều kiến nghị của cử tri như: đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông; chống sạt lở; tăng tiếp cận vốn thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại Đồng bằng sông Cửu Long… Thủ tướng cho rằng đây đều là những ý kiến tâm huyết, được xã hội quan tâm; đề nghị các sở ngành của Thành phố tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết.
Dịp này, nhân Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ, Thủ tướng đã đến thăm, tặng quà 1 số gia đình chính sách địa phương.
TƯGH ban hành Thông bạch Đại lễ Vu lan báo hiếu PL.2568
Hướng tới mùa báo hiếu tháng 7 sắp diễn ra, sáng nay ngày 15/7, TƯGH đã ban hành Thông bạch về việc tổ chức Đại lễ Vu lan PL.2568 – DL.2024. Đây là văn bản quan trọng, giúp các địa phương thực hiện tốt Phật sự trọng tâm của tháng 7 âm lịch tới đây.
Thông bạch nêu rõ, Phật giáo các địa phương, các tự viện tổ chức Đại lễ Vu Lan trong tháng 7 âm lịch, chính lễ diễn ra vào ngày rằm tháng 7 nhằm ngày 18/8 dương lịch. Địa điểm thực hiện ở các cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; trong trường hợp tổ chức tại nơi sinh hoạt cộng đồng, địa điểm văn hóa phải được sự chấp thuận của chính quyền các cấp. Song song với nghi thức tâm linh truyền thống, chư Tăng, Ni nên tích cực tham gia hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, Tổ chức đại lễ cầu siêu, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang.
Đáng lưu ý, Trung ương Giáo hội khuyến cáo tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống. Không đốt vàng mã và đảm bảo công tác PCCC.
THÔNG BẠCH VỀ ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU PL. 2568
- Thời gian tổ chức:
– Các ngày trong tháng Bảy âm lịch năm Giáp Thìn.
– Chính lễ: Ngày Rằm tháng Bảy năm Giáp Thìn (tức 18/8/2024).
- Địa điểm tổ chức:
– Tại các cơ sở tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
– Tưởng niệm, tri ân, cầu siêu anh linh anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang liệt sỹ.
– Trong trường hợp tổ chức tại các địa điểm văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng phải được sự chấp thuận của chính quyền các cấp.
THÔNG BẠCH VỀ ĐẠI LỄ VU LAN BÁO HIẾU PL. 2568
- Nội dung chương trình:
– Tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”. Thăm và tặng quà đối tượng người có công, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ.
– Tổ chức đại lễ cầu siêu, thắp nến tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang.
– Tụng kinh Vu lan, kinh Báo hiếu Phụ mẫu, Kinh Mục Liên Sám pháp, kinh A Di Đà… cầu siêu tiến anh linh anh hùng liệt sỹ, cửu huyền thất tổ.
– Thuyết giảng ý nghĩa Vu lan Báo hiếu.
– Nghi thức Bông hồng cài áo tri ân công đức sinh thành của cha mẹ.
– Nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sỹ và cửu huyền thất tổ.
– Chương trình nghệ thuật công cha nghĩa mẹ (nếu có).
Thanh Hóa: 6 đại biểu Phật giáo được bầu vào MTTQVN tỉnh khóa mới
Ngày 14/7, Đại hội đại biểu Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lần thứ 15, nhiệm kỳ 2024 – 2029 đã thành công tốt đẹp. Tại đây, Phật giáo địa phương có nhiều đại biểu được tín nhiệm bầu vào Ủy ban MTTQVN tỉnh khóa mới.
Đánh giá cao các thành tựu đạt được trong 5 năm qua, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến yêu cầu Mặt trận các cấp tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, tăng cường xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Ở nhiệm kỳ 2019 – 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu đề ra, huy động được hơn 2.900 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; hơn 1.900 tỷ cho công tác an sinh; xây dựng và sửa chữa 4.987 căn nhà cho người khó khăn.
Đại hội đã hiệp thương cử 120/125 vị Ủy viên tham gia MTTQ Việt Nam tỉnh khóa 15. Trong đó, TT.Thích Tâm Đức, Ủy viên Thường trực HĐTS, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh; TT. Thích Tâm Định, Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS cùng 4 vị giáo phẩm được hiệp thương tham gia Ủy ban nhiệm kỳ mới.
TP.HCM: 185 Tăng Ni sinh thi tuyển sinh Cử nhân Phật học
Ngày 14/7, kỳ thi tuyển sinh Cử nhân Phật học khóa 19 của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra. Bằng sự nghiêm túc, chư Tăng Ni sinh đã tạo nên thành công chung của kỳ thi.
185 Tăng Ni thí sinh đã trải qua 3 môn thi gồm: Phật học, Văn học Việt Nam và Ngoại ngữ, đảm bảo chất lượng đầu vào cho Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Ban giám thị đã làm việc nghiêm túc, chất lượng và công tâm.
Sau 18 khoá đào tạo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã cung cấp nguồn nhân lực cho Giáo hội. Tăng, Ni sinh khóa XIX trúng tuyển sẽ tu học trong môi trường đào tạo chất lượng, tích luỹ tri thức để phụng đạo, ích đời.
Khai mạc Hội trại Giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ năm 2024
Ngày 15/7 tại chùa Phật Quốc Vạn Thành, tỉnh Bình Phước, khoá tu – hội trại giao lưu Phật tử các dân tộc Tây Nguyên, Miền Trung và Đông Nam Bộ năm 2024 chính thức khai mạc. Sự kiện chào đón hơn 3.000 chư tôn đức, lãnh đạo chính quyền và bà con dân tộc của 21 tỉnh thành tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ Thượng tọa Thích Quảng Tuấn, UVTT HĐTS, Phó Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử TƯGH, Trưởng Phân ban Phật tử Dân tộc T.Ư, Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh “Đồng bào dân tộc anh em là một bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết dân tộc và Giáo hội các cấp luôn quan tâm, giúp đỡ, đáp ứng mọi nhu cầu sinh hoạt, tu học chân chính của bà con.”.
Trong 3 ngày tham dự khoá tu, các tu sinh được giao lưu văn hóa nghệ thuật, lắng nghe pháp thoại, thắp nến tri ân cha mẹ, quy y tam bảo, học an toàn giao thông … Đặc biệt, đồng bào được hướng dẫn tụng kinh, thực hành tọa thiền, chánh niệm thọ trai, ứng dụng lời Phật dạy vào thực tiễn.
Đây là lần đầu tiên Phân ban Phật tử Dân tộc T.Ư tổ chức một chương trình lớn dành cho Phật tử đồng bào dân tộc với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, gắn liền nếp sống – nếp nghĩ của người đồng bào. Đây là tiền đề quan trọng để chư tôn đức Phân ban tiếp tục tổ chức hoạt động ý nghĩa hướng về đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại lễ khai mạc, Ban Kinh tế tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao 100 suất học bổng trị giá 300 triệu đồng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số vượt khó; Ban tổ chức trao 3.000 phần quà cho các khóa sinh tham gia khóa tu – hội trại, mỗi phần trị giá 300 ngàn đồng; hỗ trợ 80 triệu đồng xây nhà đại đoàn kết cho gia đình anh Điểu Heo, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Sau lễ khai mạc, chư tôn đức Phân ban Phật tử dân tộc TƯ, BTS GHPGVN tỉnh Bình Phước đã đến dâng hương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết
Lan tỏa các mô hình tu học đồng bào dân tộc
Trong nhiều năm qua, bằng những nỗ lực khác nhau, chư Tăng ni ở khắp mọi miền của đất nước đã nỗ lực đưa ánh sáng của Phật pháp đến với đồng bào. Không chỉ mang đến đời sống văn hóa tâm linh phong phú, chư tôn đức còn góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo môi trường thuận lợi cho người dân an tâm sinh sống, xây dựng quê hương. Nhân khoá tu – hội trại giao lưu Phật tử các dân tộc diễn ra tại tỉnh Bình Phước do Phân ban Hướng dẫn Phật tử dân tộc TƯ tổ chức, cùng tìm hiểu những mô hình tu học hiệu quả, đổi mới dành cho các dân tộc anh em đang được dày công xây dựng.
Khoác lên mình bộ trang phục người đồng bào… Không ai nghĩ rằng, đây là hình ảnh của một vị chư tăng đang miệt mài hướng dẫn bà con tu học… Đó cũng là cách mà chư tôn đức tỉnh Ninh Thuận khéo léo để tạo sự gần gũi, thân thiết với bà con dân bản. Bằng tình cảm chân thành, sự gắn kết, nhiều năm nay, chư tôn đức đã không ngừng nỗ lực, vượt qua rào cản để hướng dẫn bà con tu học theo chánh pháp.
Với một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Raglai sinh sống, địa hình ở vùng sâu vùng xa, vùng núi, dân cư thưa thớt, chư tôn đức tỉnh Ninh Thuận còn chia sẻ Phật pháp đến với những vị trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào. Chính điều này tạo nên cầu nối quan trọng giữa chư tăng ni với bà con để vận động đồng bào chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của của Nhà nước, sống tốt đời đẹp đạo, có niềm tin với tam bảo, xây dựng cuộc sống an lạc.
Cuộc sống của người đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến nhiều nét văn hóa tốt đẹp có nguy cơ phai nhạt. Cũng bởi thế, trong nhiều năm qua, các tự viện tỉnh Bình Phước luôn có những giải pháp, đến từng gia đình, người dân thăm hỏi, quan tâm giúp bà con khi khó khăn… Đặc biệt, chư tôn đức tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, các lớp học chữ cho đồng bào Khmer, nhằm giúp người dân và các em học sinh hiểu thêm về văn hóa dân tộc. Những việc làm thiết thực hằng ngày đã giúp bà con dân tộc có niềm tin vào chánh pháp, thường xuyên đến chùa tu tập.
Ổn định cuộc sống với những sinh kế bền vững cũng chính là cách làm thiết thực để kiến tạo những mô hình tu học hiệu quả. Tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, miệt mài suốt 20 năm qua, Thượng tọa Thích Đồng Châu, trụ trì chùa Di Đà vừa hướng dẫn tu học, vừa tìm cách giải quyết việc làm cho bà con. Hiện nay, mô hình sản xuất chè, cà phê sạch tại cơ sở chùa Di Đà có khoảng 200 nhân công là người đồng bào tích cực tham gia các công đoạn, tạo nguồn sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường.
Không chỉ tạo công ăn việc làm cho bà con, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao giá trị sản phẩm chè, cà phê cũng được Thượng tọa chia sẻ, từ đó, tạo ra những mô hình kinh tế mới. Nhờ có sự quan tâm, hướng dẫn sát sao như vậy, đời sống bà con thôn Tân Lộc ngày càng phát triển, chất lượng được cải thiện rõ rệt. Hiện nay, có đến 90% bà con trong vùng hiểu và hành trì theo phật pháp. Điều đó là minh chứng rõ nhất cho thấy sự tâm huyết của chư tôn đức đối với bà con dân tộc.
Mỗi một địa phương, mỗi vùng miền đều có phong tục, tập quán khác nhau. Bằng sự linh hoạt, chư tôn đức luôn tìm phương pháp, mô hình hợp lý để tạo thuận duyên kết nối với bà con dân tộc. Đây cũng chính là giải pháp để Phân ban Phật tử dân tộc TƯ phát triển thời gian tới. Bằng kinh nghiệm thực tế trong quá trình đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa khắp các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam, Chư tôn đức, quý cư sĩ thành viên Phân ban xây dựng chiến lược lâu dài, bền vững, lan tỏa sâu rộng Phật pháp đến với đồng bào dân tộc.
Việc tập hợp bà con dân tộc các địa phương về với khóa tu – hội trại giao lưu Phật tử các dân tộc diễn ra tại tỉnh Bình Phước lần này cũng chính là để chư tôn đức hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc ở khắp mọi nơi, xoá đi rào cản ngôn ngữ, tạo sự gắn kết giữa các vùng miền. Từ đó, chư tôn đức Phân ban phật tử Dân tộc TƯ sẽ xây dựng được nhiều mô hình, phương pháp hiệu quả, bền vững với bà con dân tộc thiểu số.
21 tỉnh thành, mang đến màu sắc văn hóa khác nhau được tụ họp dưới mái nhà chung Phật pháp. Ở nơi này, không phân biệt độ tuổi, sắc phục, vùng miền, họ được sống giữa cộng đồng, hòa chung con tim hướng về Tam bảo, thắt chặt hơn nữa tinh thần đoàn kết tôn giáo và dân tộc.
Có thể thấy rằng, trên con đường trải dài khó khăn, thử thách, chư tôn đức vẫn nỗ lực từng ngày, từng giờ, mang ánh sáng Phật pháp đến những vùng đất cằn cỗi. Tin tưởng rằng, thời gian tới, với sự tâm huyết, chân thành, chư tôn đức ở khắp các vùng sâu, vùng xa sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực, hữu hiệu hơn nữa cho công cuộc hoằng pháp lợi sinh.
Độc đáo kiến trúc Phật giáo xứ Đông
Từ xa xưa, xứ Đông, vùng đất phía Đông Bắc đồng bằng sông Hồng đã trở thành là trung tâm văn hóa, là vùng đất đón nhận sự du nhập của Phật giáo vào nước ta. Bởi vậy, kiến trúc các tự viện nơi đây vừa có nét chung của Phật giáo Việt Nam, vừa có nét riêng, thể hiện ở nhiều ngôi chùa, tháp với niên đại trải dài từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19. Trong phần cuối của bản tin hôm nay, xin mời quý vị tìm hiểu về nét đặc sắc về kiến trúc cũng như nỗ lực gìn giữ, phát huy giá trị di sản Phật giáo của vùng đất này.
Tại xứ Đông bên cạnh những ngôi chùa đơn giản với mặt bằng chữ Đinh, chữ Nhị, chữ Công thì cũng có những ngôi chùa mặt bằng nội công – ngoại quốc. Tổng thể ngôi chùa hài hòa nhiều hạng mục kiến trúc như Tam quan, Gác chuông, nhà Cửu Phẩm, nhà Tổ, nhà Tăng… Đặc biệt, từ thời Đinh, Lê, Lý, Trần đã có những chùa tháp rất lớn như tại chùa Động Ngọ, Minh Khánh (Hải Dương), chùa Quỳnh Lâm, Ngọa Vân, Hồ Thiên (Quảng Ninh)… tiêu biểu trong số đó phải để đến chùa Tháp Tường Long tại Đồ Sơn, Hải Phòng.
Hệ thống chùa, tháp Phật giáo Xứ Đông còn lưu giữ nhiều di sản, di vật có giá trị lịch sử, văn hóa mỹ thuật cao. Xứ Đông lưu giữ những tấm bia Phật giáo thời Lý (chùa Quỳnh Lâm – Quảng Ninh), bia thời Trần (chùa Thanh Mai, Côn Sơn, Sùng Thiên – Hải Dương), bia thế kỷ 16 (chùa Trà Phương, Nhân Trai – Hải Phòng)… Chính vì vậy, Chư tôn đức cùng các cơ quan dành nhiều tâm huyết để bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa một cách đồng bộ.
Việc tìm hiểu, gìn giữ giá trị kiến trúc Phật giáo Xứ Đông là việc làm rất quan trọng đặc biệt là bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay. Từ đó, góp phần bảo tồn và phát huy di sản vật thể, phi vật thể trong dòng chảy văn hóa chung của dân tộc.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 15.07.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
15 lượt thích 0 bình luận