Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.07.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TƯGH gửi thư chia buồn về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần; Hà Nội: Đoàn Ủy Ban MTTQVN TP dự Lễ tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thực tập hạnh Bồ Tát trong từng phút giây.
TƯGH gửi thư chia buồn về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
Với sự tiếc thương vô hạn khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, HĐCM và HĐTS Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã gửi thư chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, UB TƯ MTTQ Việt Nam và Gia đình Tổng Bí thư.
Thư chia buồn của HĐCM và HĐTS GHPGVN nhấn mạnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo lỗi lạc, một trí tuệ lớn và là nhà tư tưởng, nhà văn hoá kiệt xuất của nước ta. Ngài đã hiến dâng trọn cả cuộc đời mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất không gì bù đắp được đối với tất cả người dân Việt Nam.
Trong giờ phút tiếc thương vô hạn này, TƯ GHPGVN với tình cảm, sự trân quý đặc biệt của Đức Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS TƯ GHPGVN, toàn thể Tăng Ni, tín đồ Phật tử Việt Nam ở trong nước và nước ngoài xin được gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới BCH TƯ Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, UBMTTQVN và gia quyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuối thư, TƯGH khẳng định Tăng Ni, tín đồ Phật tử GHPGVN sẽ cùng Nhân dân cả nước biến đau thương thành sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, tiếp tục phát huy những di sản vô giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, vững bước tiến lên xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, ngày càng nâng cao cơ đồ, vị thế và đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Hà Nội: Đoàn Ủy Ban MTTQVN TP dự Lễ tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bày tỏ lòng tiếc thương, tưởng nhớ đến cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 23/7 đến hết thời gian quốc tang, 18 hạ trường an cư trên địa bàn TP. Hà Nội đều đặn tổ chức các Lễ tưởng niệm, cầu siêu. Trong đó vào sáng nay ngày 23/7, Đoàn Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã có mặt ở Hạ trường chùa Bồ Đề và tham dự buổi lễ.
Phái đoàn do bà Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQVN TP. Hà Nội dẫn đầu đã cùng 128 hành giả an cư tại hạ trường chùa Bồ Đề thực hiện các thời khóa tâm linh, dâng hương tưởng niệm, thể hiện lòng tiếc thương của nhân dân, Phật tử Thủ đô đối với cố Tổng Bí thư. Đáng chú ý, từ nay cho đến hết thời gian quốc tang, BTS GHPGVN TP. Hà Nội đã hướng dẫn các tự viện trên địa bàn tổ chức các thời khóa tâm linh nhằm tưởng niệm, cầu siêu cho cố Tổng Bí thư.
Dịp này, đoàn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến BTS GHPGVN TP. Hà Nội đã kịp thời tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Qua đó, góp thêm nén tâm hương, cùng nhân dân Thủ đô tri ân vị lãnh đạo đã có nhiều công lao với đất nước.
Theo dấu chân chiến sĩ Điện Biên năm xưa
Ngày 23/7, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TTTT TƯGH cùng BTC chương trình “Vu lan – Đạo hiếu và Dân tộc 2024” đã tổ chức hành trình “Theo dấu chân chiến sĩ Điện Biên năm xưa,” viếng Nghĩa trang quốc gia A1, khảo sát tiến độ xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách, khó khăn.
Giữa những ngày tháng 7 thiêng liêng, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia A1 – tỉnh Điện Biên, Chư tôn đức, quý Phật tử thành kính dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Đây là hoạt động ý nghĩa, thể hiện rõ nét tinh thần Tứ trọng ân cao đẹp của Đạo Phật. Nghĩa trang A1 là nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó hầu hết là liệt sĩ chưa xác định tên tuổi.
Dịp này, đoàn Ban tổ chức chương trình Vu lan – Đạo hiếu và Dân tộc 2024 cũng tổ chức lễ khai móng, khảo sát tiến độ xây dựng nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách khó khăn. Căn nhà mới kiên cố khang trang sắp được hoàn thành, đem lại niềm hạnh phúc cho những cựu thanh niên xung phong.
Chương trình mong muốn lan tỏa giá trị nhân văn, nhắc nhở mỗi người luôn ghi nhớ và thực hành đạo hiếu, chung tay chăm sóc, chia sẻ, giúp đỡ gia đình chính sách, người có công, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
TT-Huế: Trang nghiêm Khai mạc Lễ Quán Thế Âm 2024
Ngày 23/7, nhằm ngày 18/6 năm Giáp Thìn, tại Trung tâm Du lịch Tâm linh Phật giáo Quán Thế Âm (TP.Huế), BTS GHPGVN tỉnh TT-Huế đã khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm 2024.
Trong không khí trang nghiêm, Chư tôn giáo phẩm Chứng minh và Ban Tổ chức đã niêm hương, khai kinh cầu nguyện, nhất tâm hướng về tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm cầu nguyện Tổ quốc vinh quang, đạo pháp trường tồn. Lễ hội Quán Thế Âm là sự kiện quan trọng thường niên, thể hiện tinh thần nhập thế, sự hòa quyện giữa bản sắc dân tộc và văn hóa Phật giáo.
Lễ hội Quán Thế Âm nhằm lan tỏa thông điệp nhân văn, giúp các Phật tử tích cực làm những việc có ích, lợi lạc cho tha nhân, đúng theo hạnh nguyện Bồ tát cứu khổ ban vui. Tại buổi lễ, nhiều Phật tử đã bày tỏ ước nguyện cao cả, thể hiện tinh thần tri ân, báo ân.
Dịp này, BTC chương trình đã trao hàng trăm suất quà tới người dân khó khăn tại địa phương, lan tỏa nghĩa cử cao đẹp của Phật giáo vì cộng đồng. Lễ hội Quán Thế Âm 2024 diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/7, nhằm ngày 18 và 19/6/Giáp Thìn.
Hải Phòng: Ra mắt cuốn sách “Chùa Hải Phòng xưa và nay”
Tại TP. Hải Phòng, hôm qua 22/7, cuốn sách “Chùa Hải Phòng xưa và nay” tập IV đã được ra mắt. Đây là bộ sách do BTS GHPGVN thành phố chỉ đạo biên soạn.
Cuốn sách là cẩm nang, tổng hợp những thông tin cơ bản nhất về tất cả các ngôi chùa hiện có của thành phố Hải Phòng, thuận tiện cho việc tra cứu, tham khảo của nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Trong đó tập thứ IV giới thiệu tổng số 112 ngôi chùa tại huyện Tiên Lãng, vùng đất có truyền thống văn hóa lịch sử với nhiều chư Tăng đã gấp áo cà sa, khoác chiến bào, xông pha ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc.
Dự kiến đến cuối quý IV năm 2026, 4 tập sách còn lại sẽ được ra mắt với nội dung, hình ảnh các chùa trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo và huyện An Dương…
Thực tập hạnh Bồ Tát trong từng phút giây
Quán Thế Âm là vị bồ tát quán sát chúng sinh khổ đau trong thế gian mà khởi lòng đại bi, đoàn trừ phiền não, làm cho chúng sinh được an lạc. Hình ảnh Quán Thế Âm bồ tát nhắc nhở tự thân mở rộng tâm đại từ, đại bi, tấm lòng thương yêu và san sẻ tình thương đó đến vạn loài chúng sinh.
Quán Thế Âm Bồ Tát có tên nguyên bản tiếng Phạn là Avalokiteśvara. Ngài đã giác ngộ, biết rõ chân lý của vũ trụ, chứng được phép “nhĩ căn viên thông”, nghe thông suốt hết thảy âm thanh của vạn vật, nhận biết chân tướng các sự vật, động tịnh trong ngoài. Cho nên người nào xưng niệm danh hiệu Ngài liền được tầm thanh cứu khổ, giải thoát khỏi tai ách, hoạn nạn. Ngài đã chứng được bản thể của âm thanh vốn dĩ là không, vô thường, vô ngã nên Ngài thường được tôn xưng là Quán Thế Âm.
Ngài là hình ảnh của đại từ đại bi, của tình thương bao la, vì bi nguyện độ sinh mà có thể tùy duyên ứng hiện ra nhiều hình tướng khác nhau, từ thân Phật, cho đến thân quỷ dạ xoa, la sát để hoá độ chúng sinh. Một trong những hình tướng độc đáo của Bồ Tát Quan Thế Âm đó là nghìn tay và nghìn mắt. Nghìn mắt là để quan sát và nhìn khắp mọi nơi để có thể biết chúng sanh nơi nào đang gặp khổ nạn. Nghìn tay là để có thể cứu khổ muôn vàn chúng sanh trong sanh tử luân hồi.
Hình tượng bồ tát không phải viễn vọng, cao xa, mà đó là cái tâm không sân giận, không làm tổn hại đến ai đó chính là hình tượng bồ tát cao đẹp nhất. Người Phật tử cần phải thực tập hạnh bồ tát trong từng giây phút với sự chánh niệm, tỉnh giác thì sẽ có được tâm mát mẻ, thanh lương trong đời sống hằng ngày.
Gần như tượng Bồ Tát Quán Thế Âm xuất hiện trong mọi ngôi chùa trên đất nước Việt Nam, nhắc nhở mỗi người dân Phật tử phải biết lắng nghe, thấu hiểu, yêu thương. Như tại chùa Trúc Lâm Cô Tô – ngôi chùa duy nhất trên huyện đảo Cô Tô – nơi đầu sóng ngọn gió của đất nước; có 1 bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm cao 12m, ứng với 12 hạnh nguyện của Ngài mặt hướng ra biển. Hình ảnh này có ý nghĩa đặc biệt với người dân nơi đây, và cả những ngư dân đánh bắt ngoài khơi cũng có thể lễ vọng Ngài từ xa.
Hàng năm, hướng đến ngày vía Bồ Tát Quán Âm thành đạo 19/6 AL, du khách, bà con nhân dân Phật tử thường dâng đăng, hướng về người mẹ hiền với lòng thương yêu vô bờ bến, luôn dang rộng vòng tay để đón lấy những người con; như hòn đảo bình yên cho con trở về nương tựa trong cơn giông bão của cuộc đời. Sau khi niệm Nam mô Bồ Tát Quán Thế Âm, tất cả cùng nguyện cầu thế giới hòa bình, người người ấm no hạnh phúc và nguyện thực tập theo hạnh Đại Từ, Đại Bi, Tầm Thinh cứu khổ của Ngài.
Ở huyện đảo tiền tiêu, biên giới phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, chư tôn đức luôn mong muốn tạo nét văn hóa Phật giáo đặc trưng của Cô Tô khi tổ chức Pháp hội Quán Thế Âm hay là Lễ rước đăng vào ngày vía Quán Thế Âm 19/6 AL hằng năm. Cờ Tổ quốc, cờ ngũ sắc, trang phục các dân tộc hòa cùng không gian mênh mang của biển khơi, gây ấn tượng mạnh với khách du lịch. Đó cũng chính là cách để đưa Phật giáo đến gần hơn với người dân.
Không chỉ tại huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh, trên cả nước, các tự viện cũng có nhiều cách thức để tưởng nhớ và ôn lại công hạnh của Quán Thế Âm Bồ Tát. Tu tập theo Ngài là cách bày tỏ tấm lòng quy kính của mình một cách cao trọng và ý nghĩa nhất. Chẳng phải những việc làm xa vời, mà chỉ cần biết yêu thương, lắng nghe, tha thứ, bao dung đến tất cả mọi người; hay thực hiện những hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội – đó cũng là quá tuyệt vời rồi.
Thực tập hạnh Bồ tát trong từng phút giây – Tưởng dễ mà lại khó. Mở rộng tâm từ, san sẻ yêu thương đến vạn loại chúng sinh – đó là con đường dẫn đến thành tựu hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm để tự mình hóa giải nỗi khổ niềm đau, từng bước có được an lạc hạnh phúc trong cuộc sống.
Duyên Ninh – Cổ tự vùng Cố đô Hoa Lư
Với bề dày lịch sử và thiên nhiên phong phú, Việt Nam sở hữu nhiều danh lam, thắng tích nổi tiếng. Như tại vùng đất Cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, giữa hồn thiêng sông núi hùng vĩ, cùng sự coi trọng Phật giáo của vua Đinh Tiên Hoàng, nhiều ngôi chùa đã được trùng tu, xây dựng và trở thành điểm du lịch tâm linh, nơi nương tựa cho bà con gần xa từ thế kỷ X đến nay. Trong đó, Duyên Ninh tọa lạc phía tây di tích Cố đô Hoa Lư là một trong nhiều chốn già lam như thế.
Chùa Duyên Ninh hay còn gọi là chùa Thủ được xây dựng dưới thời vua Đinh Tiên Hoàng. Vì được xây dựng từ thế kỷ X, ngôi chùa đã phải trải qua nhiều đợt trùng tu và sửa chữa. Do đó, các đường nét kiến trúc cổ đã hao mòn, không còn được nguyên vẹn như xưa. Chùa hiện gồm khu vực chính điện, nhà tổ, phòng khách, nhà ăn, vườn cây và tháp xá lợi; thờ Phật cùng nhiều vị thần như Ông Tơ – Bà Nguyệt, Kim Hoa Thánh Mẫu…
Ngôi chùa cổ kính, nằm nép mình bên dãy núi, được các công chúa thời Đinh-Lê thường qua lại và cũng là nơi công chúa Lê Thị Phất Ngân, con gái vua Lê Đại Hành và tướng công Lý Công Uẩn đã thề hẹn, nên duyên. Và Duyên Ninh chính là tên gọi do vua Lý Thái Tông đặt cho chùa.
Chùa Duyên Ninh cùng với chùa Am Tiên, Kim Ngân, Cổ Am, Nhất Trụ là những cổ tự thời Đinh – Lê nằm trong khuôn viên kinh thành Hoa Lư còn tồn tại đến ngày nay. Tương truyền, mỗi chùa gắn với một sự tích khác nhau như cầu phúc thì đến Cổ Am, cầu lộc Kim Ngân, cầu danh Nhất Trụ, cầu tài Am Tiên, và Duyên Ninh thì nổi tiếng với việc cầu duyên.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 23.07.2024:
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
17 lượt thích 0 bình luận