Bản tin Bchannel – An Viên 24H 28.08.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 28.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tưởng niệm Cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Phật giáo thúc đẩy quyền bình đẳng giới; Điện Biên: Phật giáo chung tay khắc phục hậu quả sau mưa lũ.
Tưởng niệm Cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông
Mỗi ngày trôi qua, lại có những người mãi mãi ra đi hoặc mang thương tật vĩnh viễn vì tai nạn giao thông. Điều này trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình, của cả xã hội. Nhưng xót xa hơn cả là nỗi đau của người ở lại, đó là những mất mát không gì bù đắp được. Để “Tưởng nhớ người đi – Vì người ở lại”, năm nay, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp TƯGH, BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh tổ chức Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông vào ngày 30-31/8. Đây là hoạt động mang ý nghĩa to lớn, nhằm chia sẻ nỗi đau thương mất mát với gia đình các nạn nhân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông trong cộng đồng.
Hải Phòng: Tuyên truyền bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu
Ngày 28/8, BTS GHPGVN TP.Hải Phòng phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP tổ chức Hội nghị tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu đến Chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn.
Hội nghị đề cập việc phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải nhựa, đồng thời cung cấp những kiến thức, phương pháp để các cơ sở tự viện tái sử dụng các vật dụng từ nhựa… lan tỏa trách nhiệm với môi trường sống.
Dịp này, nhiều ý kiến đóng góp được đưa ra, để mỗi Tăng Ni, Phật tử trở thành một tuyên truyền viên tích cực, góp phần xây dựng một xã hội phát triển bền vững, sống hài hoà với thiên nhiên.
Hà Nội: Giới thiệu đặc trưng Văn hóa Phật giáo Việt Nam
Tại Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội, Ban Chỉ đạo tôn giáo huyện đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền, định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam trên địa bàn huyện năm 2024.
Tại Hội nghị, Hòa thượng Thích Thọ Lạc – UVTT HDTS, Trưởng Ban Văn hóa TƯGH đã giới thiệu về 4 đề án văn hóa Phật giáo Việt Nam: Ngôn ngữ, Pháp phục, Kiến trúc, Di sản với các kết quả đã đạt được và giải pháp đến lãnh đạo UBMTTQVN và các đoàn thể, BTS GHPGVN huyện, các cán bộ các cấp và chú Tăng, Ni trên địa bàn. Từ đó, kêu gọi xã hội giữ gìn, bảo tồn văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng, góp phần xây dựng văn hóa dân tộc.
Hành trình lan tỏa giáo lý đồng bào dân tộc
Để hoằng pháp cho người đồng bào gặp không ít khó khăn, rào cản về ngôn ngữ, phong tục và khoảng cách địa lý. Thế nhưng, để giáo lý của Đức Phật gần gũi hơn với người đồng bào, chư tôn đức Phân ban Phật tử dân tộc T.Ư đã có nhiều cách làm sáng tạo mang đến cuộc sống đủ đầy cho bà con.
Nhìn lại hành trình đến với bà con dân tộc ở khắp các tỉnh miền Bắc, Trung, Nam, Thượng tọa Thích Quảng Tuấn, UVTT HĐTS, Phó trưởng ban HDPT TƯ, Trưởng phân ban PTDT T.Ư cảm thấy tự hào trước những nỗ lực của các thành viên. Dù có nhiều bỡ ngỡ, khó khăn, nhưng với cương vị người đứng đầu Phân ban, Thượng tọa Thích Quảng Tuấn dành hết tâm sức, phối hợp đưa ra kế hoạch chi tiết, tiếp cận với bà con người đồng bào một cách gần gũi.
Trong suốt gần 2 năm qua, chư tôn đức trong Phân ban không quản ngại gian khó, đến từng tỉnh thành để lắng nghe tâm tư, tình cảm, phong tục tập quán của từng dân tộc. Từ đó, có cách tiếp cận, hoằng pháp phù hợp, lựa chọn những vị trưởng bản có uy tín, phối hợp trao tặng ngôi nhà đại đoàn kết, suất quà ý nghĩa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tinh thần cho bà con vùng đồng bào.
Chứng kiến đời sống bà con dân tộc thay đổi từng ngày. Đó là niềm mong mỏi, và cũng là niềm tự hào của chư tôn đức Phân ban, tiếp thêm động lực để phát triển và hoàn thành sứ mệnh mang phật pháp đến với bà con người đồng bào.
Gần 2 năm, không phải là thời gian dài, nhưng đã đủ minh chứng cho những nỗ lực của Phân ban trong việc hoằng dương Phật pháp, hỗ trợ đồng bào dân tộc. Những hình ảnh chân thực, xúc động về các hoạt động Phật sự, thiện nguyện của Phân ban góp phần lan tỏa tinh thần nhân ái của Phật giáo.
Điện Biên: Phật giáo chung tay khắc phục hậu quả sau mưa lũ
Ngay sau chuyến thăm, trao quà tại tỉnh Sơn La, đoàn ban TTXH TƯGH đã có mặt tại tỉnh Điện Biên để thăm hỏi, hỗ trợ bà con chịu ảnh hưởng nghiêm trọng sau mưa lũ. Hành động cấp bách, kịp thời của những người con Phật, phần nào chia sẻ, động viên, giúp đỡ người dân nơi đây vượt qua khó khăn, dần ổn định cuộc sống.
Ngay từ sớm, rất đông bà con bản Lĩnh, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên đã có mặt tại điểm phát quà của đoàn ban TTXH TƯGH. Có những người mất nhà, có người lại mất hết tài sản, hoa màu, ruộng vườn sau lũ quét, nên hôm nay được nhận quà, ai nấy đều rất xúc động, vui mừng.
Trận lũ quét xảy ra tại đây đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đến nay dù đã hơn 1 tháng nỗ lực khắc phục nhưng mọi thứ vẫn hoang tàn, ngổn ngang. Đến tận nơi, chứng kiến những mất mát mà bà con phải gánh chịu, chư tôn đức đoàn ban TTXH TƯGH đều cảm thấy xót xa, mong muốn có thể hỗ trợ để người dân sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tại tỉnh Điện Biên, đoàn ban TTXH TƯGH đã trao 1000 phần quà cho bà con dân tộc bị thiệt hại sau lũ tại 2 xã Mường Pồn và Búng Lao. Đoàn cũng hỗ trợ 20 căn nhà tình thương để bà con có nơi an cư, ổn định cuộc sống sau lũ.
Trước đó, chiều tối qua ngày 27/08, tại chùa Linh Quang, đoàn ban TTXH TƯGH cùng lãnh đạo tỉnh Điện Biên trao đổi về hoạt động từ thiện, hỗ trợ người dân sau mưa lũ. Ông Trần Quốc Cường, UV BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tiếp đoàn. Tại đây, lãnh đạo tỉnh cho biết sẽ theo sát và chỉ đạo các cơ quan ban ngành hỗ trợ đoàn thực hiện tốt công tác từ thiện lần này.
Đoàn cũng tới trụ sở MTTQ VN tỉnh chúc mừng thành công của Đại hội MTTQ tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029, chúc mừng ông Mùa A Vảng, UV Dự khuyết BCH TƯ Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh uỷ được bầu làm Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Điện Biên. Đoàn cũng trao đổi về công tác từ thiện và cứu trợ đồng bào bị lũ quét vừa qua.
Phật giáo thúc đẩy quyền bình đẳng giới
Thúc đẩy sự bình đẳng, xóa tan khoảng cách giữa người với người là 1 trong những triết lý cốt lõi từ giáo pháp của Đức Thế tôn. Kế thừa tư tưởng đó, nhiều năm qua, chư tôn đức Tăng, Ni luôn tiên phong, đẩy mạnh quyền bình đẳng giới, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em gái. Để mỗi cá nhân có thể nhận thức, duy trì nếp sống văn minh, tôn trọng nữ giới trong xã hội hiện đại.
Thượng tọa Thích Thanh Huân, trụ trì chùa đang có lời pháp thoại với chủ đề “Lan tỏa sự bình đẳng trong gia đình và xã hội”. Những chia sẻ của Thượng tọa trụ trì đã giúp quý Phật tử hiểu hơn tư tưởng bình đẳng giới trong Phật giáo. Từ đó giúp họ thay đổi trong nhận thức, ứng xử phù hợp từ gia đình đến xã hội.
Yêu thương, tôn trọng, lắng nghe và sẻ chia, đó là những nội hàm quan trọng nhất để duy trì mối quan hệ hòa ái giữa mỗi cá nhân. Thấm nhuần lời chỉ bảo của Thượng tọa Thích Thanh Huân, mỗi cá nhân, nhất là các nam Phật tử đã nhận thức đầy đủ, có nhiều thay đổi trong lối ứng xử với các thành viên nữ trong gia đình, biết quan tâm, lắng nghe và sẻ chia những công việc nhà. Để từ đó, họ trở thành những tuyên truyền viên, thúc đẩy quyền bình đẳng giới cho phụ nữ trong toàn xã hội.
Vận động, đưa nam giới trở thành những tuyên truyền viên thúc đẩy quyền phụ nữ chỉ là 1 trong những việc làm của chư tôn đức Tăng Ni. Trong nhiều năm qua, bằng những hành động cụ thể, Giáo hội các cấp liên tục tổ chức những chương trình nhằm xóa mờ khoảng cách giới, nâng cao quyền, lợi ích cho phụ nữ và trẻ em gái. Cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, Phân ban Ni giới các địa phương đã tổ chức nhiều tọa đàm để cùng thảo luận, tìm ra giải pháp nhằm thúc đẩy nhận thức về giới trong cộng đồng.
Cùng với mong muốn phát huy vai trò của Chư Ni và nữ tín đồ, Phật tử, tháng 10 năm 2022, BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương phối hợp với Hội LHPN tỉnh chính thức thành lập và ra mắt “Chi hội Phụ nữ Phật giáo Bình Dương”. Từ đó, tăng cường sự gắn kết các tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ có đạo, nữ tu sĩ Phật giáo trong cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần nâng cao tinh thần lục hòa cộng trụ, tinh tiến tu học theo chính pháp. Đặc biệt, chi hội áp dụng giáo lý Đức Phật vào cuộc sống, tập hợp nữ chức sắc Phật giáo, nâng cao vị thế, phát huy vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội.
Từ 9 thành viên từ khi thành lập, đến nay Chi hội đã thu hút được trên 500 thành viên tham gia, phát huy trách nhiệm trong các hoạt động từ thiện xã hội, hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, hỗ trợ người nghèo, đền ơn đáp nghĩa, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa… Các hoạt động nhân văn đều gắn với nhiệm vụ hoằng pháp, xây dựng nếp sống văn hóa mới, giúp đỡ phụ nữ yếu thế, vươn lên thoát nghèo.
Trong dòng chảy lịch sử, những người con gái của Đức Phật luôn khẳng định vai trò, vị trí, đóng góp không chỉ đối với Giáo hội mà còn đối với nhiều lĩnh vực hoạt động, đặc biệt trong công tác an sinh xã hội, vì cộng đồng. Làm rõ tinh thần nhập thế của nữ giới Phật giáo Việt Nam xưa và nay, nhiều hội thảo khoa học đã được tổ chức, khẳng định hoạt động mà chư ni, nữ Phật tử thực hiện, là sự kế thừa của lịch sử, đáp ứng đòi hỏi của bối cảnh hiện đại.
Thời gian qua, với nhiều hoạt động, mô hình thiết thực, Chư Ni cùng nữ tín đồ Phật tử đang không ngừng phát huy vai trò nhập thể, xây dựng nếp sống văn hóa tại khu dân cư, lan tỏa chính pháp, giúp cộng đồng sống tốt đời đẹp đạo. Từ đó, khẳng định vai trò, tiếng nói của phụ nữ trong các lĩnh vực đời sống, là tấm gương sáng trong tu học, lao động sản xuất, góp phần xây dựng xã hội văn minh, nghĩa tình.
Mái ấm nơi cửa thiền
Ngoài việc là một điểm tựa tâm linh cho người dân địa phương, hàng chục năm qua, ngôi chùa Hiền Lương, tại huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế, còn là mái ấm tình thương của gần 20 em nhỏ kém may mắn. Chư Ni cùng các Phật tử đã vượt qua nhiều khó khăn thiếu thốn, chăm sóc các em bằng tình yêu thương con trẻ.
Nhiều năm nay, chùa Hiền Lương, huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế, rộn ràng tiếng nói cười trẻ thơ. 15 em nhỏ hiện đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại chùa bởi Chư Ni và các Phật tử. Mỗi em một hoàn cảnh, có em bị bỏ lại cửa chùa khi mới lọt lòng, có em mồ côi cha mẹ hoặc gia đình khó khăn … thế nhưng tất cả đều cảm thấy vô cùng ấm áp, khi được lớn lên, trưởng thành dưới mái chùa, bên lời kinh tiếng kệ.
Dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn, thế nhưng Chư Ni và các Phật tử luôn dốc lòng yêu thương, quan tâm từng bữa ăn giấc ngủ, chăm sóc các em như con, cháu trong gia đình. Chính vì thế, nhiều em dù tuổi còn nhỏ nhưng đã rất tự giác, ngoan ngoãn, nề nếp, để Quý Sư cô, Phật tử không phải phiền lòng.
Từ mái chùa Hiền Lương, nhiều em nhỏ đã khôn lớn, trưởng thành, học hết Đại học và tự lập trong cuộc sống. Sống trong tình yêu thương, thấm nhuần triết lý cao đẹp của đạo Phật, hy vọng các em vượt qua nghịch cảnh, cống hiến cho cộng đồng xã hội.
Xóm làm lồng đèn tất bật mùa cao điểm
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Trung thu. Thời điểm này, tại khu xóm Phú Bình, nơi cung cấp lồng đèn truyền thống lớn nhất TP.HCM, không khí đã tất bất, nhộn nhịp. Những người thợ, nghệ nhân đang gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng để cho ra những chiếc lồng đèn đầy màu sắc, đa dạng mẫu mã phục vụ thị trường.
Cha truyền con nối, gia đình ông Nguyễn Trọng Bình đã hơn 50 năm làm lồng đèn truyền thống. Theo ông Bình, năm nay lượng đơn hàng tăng vọt so với mọi năm, gia đình ông cung cấp ra thị trường hơn 10.000 chiếc vì thế mà cả gia đình ông và thợ tất bật từ sáng đến đêm để kịp đơn hàng.
Để làm được một chiếc đèn trung thu truyền thống cần qua rất nhiều công đoạn từ chọn nguyên liệu đến chẻ nứa, làm hồ, tạo hình, dán giấy kiếng, vẽ trang trí,… đòi hỏi người làm nghề phải tỉ mỉ từng chi tiết, tạo nên sản phẩm lung linh, nhiều màu sắc, phù hợp với thị hiếu của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, người thợ cũng sáng lồng đèn cỡ đại, kiểu dáng mới để phù hợp với nhu cầu thị trường.
Xóm lồng đèn Phú Bình hiện chỉ còn khoảng gần 30 hộ làm nghề. Những người thợ vẫn miệt mài giữ nghề truyền thống để cứ đến dịp trung thu, xóm trở nên tất bật, nhộn nhịp. Năm nay, khách hàng trở lại với lồng đèn truyền thống, mang đến niềm vui cho những người thợ yêu nghề.
Những chiếc đèn cá chép, thỏ ngọc, ông sao, tàu bay, 12 con giáp … với đường nét hoa văn sắc xảo, lung linh, đầy màu sắc đã sẵn sàng xuống phố cùng những em nhỏ phá cỗ đêm rằm, gợi nhớ những ký ức tuổi thơ vui vẻ của bao thế hệ.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 28.08.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Kỹ sư Hoàng Thanh Bình: Đánh thức nội tâm bên trong nhờ cuốn sách “An Lạc Từng Bước Chân”
Chưa phân loại 11/10/2024 16:24:00
Kỹ sư Hoàng Thanh Bình: Đánh thức nội tâm bên trong nhờ cuốn sách “An Lạc Từng Bước Chân”
Chưa phân loại 11-10-2024 16:24:00
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 18.06.2024
Chưa phân loại 19/06/2024 10:47:05
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 18.06.2024
Chưa phân loại 19-06-2024 10:47:05
Những người anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh
Chưa phân loại 18/04/2024 09:41:31
Những người anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh
Chưa phân loại 18-04-2024 09:41:31
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.02.2024
Chưa phân loại 16/02/2024 09:08:58
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.02.2024
Chưa phân loại 16-02-2024 09:08:58
Các tự viện chủ động đảm bảo phòng cháy chữa cháy ngày Tết
Tin Phật sự 07/02/2024 16:50:35
Các tự viện chủ động đảm bảo phòng cháy chữa cháy ngày Tết
Tin Phật sự 07-02-2024 16:50:35
11 lượt thích 0 bình luận