Bản tin An Viên 24H 01.07.2023
Bản tin An Viên 24H 01.07.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Đoàn Đại biểu Quốc hội Điện Biên tiếp xúc cử tri, Tuyên dương đóng góp cho Đại lễ Phật đản 2023 tại TP.HCM, Phát triển du lịch gắn với bảo tồn động vật hoang dã.
Điện Biên: Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri
Nhằm thông tin kết quả của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, trong sáng ngày 1/7, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điên Biên đã có buổi tiếp xúc cử tri thuộc địa bàn TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Tham dự Hội nghị có Thượng tọa. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN; Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, Thượng tọa. Thích Đức Thiện cùng đoàn ĐBQH đã thông tin về kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tới cử tri tỉnh Điện Biên. Theo đó, kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 23 ngày và đã thông qua 08 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án luật khác;
Cử tri đã bày tỏ sự đồng tình với những nội dung đã được Quốc hội thông qua; đồng thời kiến nghị gửi đến Đoàn đại biểu một số vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế, đời sống xã hội cần điều chỉnh để tốt hơn. Đoàn đã ghi nhận và đối với những ý kiến, kiến nghị vượt thẩm quyền của tỉnh, sẽ được phản ánh tại nghị trường Quốc hội khóa XV cũng như gửi văn bản tới các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết.
TƯGH đề nghị việc đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử vneid
Ban Thường trực HĐTS GHPGVN vừa ra công văn đề nghị Phật giáo các cấp phối hợp cùng với ngành Công an tổ chức các buổi đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử – VNeID cho chư Tăng Ni, Phật tử.
Công văn nêu rõ việc đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử – VNeID nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến. Tài khoản định danh điện tử được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID của Bộ Công an, mang tới sự thuận tiện trong nhiều hoạt động đời sống xã hội. Vì vậy việc đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của chư Tăng Ni, Phật tử.
TƯGH đề nghị BTS GHPGVN các tỉnh, thành phố phối hợp cùng ngành Công An tổ chức các buổi đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử cho Tăng Ni, Phật tử tại trụ sở BTS và tại các Hạ trường trong thời gian An cư kiết hạ. Đồng thời, truyền thông tới người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc này.
Hướng dẫn đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử
Tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID sẽ tích hợp và thay thế nhiều giấy tờ truyền thống của công dân. Điều này giúp mỗi cá nhân thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch hành chính. Ở phần tiếp theo của chương trình, Bản tin xin được giới thiệu cách đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID.
Trên điện thoại di động, chư Tăng Ni, Phật tử có thể cài đặt VNeID trên kho ứng dụng của hệ điều hành Android hoặc IOS. Ấn chọn đăng ký.
Bước 2, quý vị nhập số định danh cá nhân chính là số thẻ căn cước công dân và số điện thoại cá nhân. Ấn đăng ký. Hệ thống sẽ yêu cầu được truy cập camera của điện thoại, chọn đồng ý. Hệ thống sẽ quét mã QR code trên thẻ căn cước công dân có gắn chip. Với những trường hợp không thể quét mã, chư Tăng Ni có thể nhập thông tin cá nhân ở phần đăng ký tài khoản. Ấn chọn điều khoản dịch vụ, chọn đồng ý và đăng ký.
Bước 3, sau khi có mã OTP được gửi về điện thoại, tiến hành đăng nhập. Ở phần thiết lập mật khẩu, mật khẩu phải từ 8 đến 20 ký tự, gồm số, chữ viết hoa, chữ viết thường và có ít nhất 1 ký tự đặc biệt, ví dụ như @ hoặc *#. Sau khi cài đặt thành công mật khẩu, quý vị trở lại phần đăng nhập để tiến hành đăng ký tài khoản mức 1.
Hệ thống sẽ gửi tin nhắn Hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử đã được phê duyệt về số điện thoại cá nhân, chư Tăng Ni và Phật tử tiếp tục tiến hành kích hoạt tài khoản.
Bước 5, chư Tăng, Ni, Phật tử nhập số căn cước công dân và số điện thoại rồi ấn gửi yêu cầu. Sau đó, hệ thống sẽ thông báo Tài khoản của quý vị đã được định danh điện tử, vui lòng kích hoạt trên thiết bị theo hướng dẫn. Tại thông báo, quý vị ấn chọn xác nhận để tiếp tục kích hoạt tài khoản. Sau đó, nhập mã OTP mà hệ thống gửi tin nhắn về điện thoại của quý vị.
Bước 6, thiết lập mật khẩu phải từ 8 đến 20 ký tự, gồm số, chữ viết hoa, chữ viết thường và có ít nhất 1 ký tự đặc biệt, ví dụ như @ hoặc *#. Ấn xác nhận, hệ thống sẽ báo “thiết lập tài khoản thành công, bạn cần thiết lập passcode để bảo vệ tài khoản”. Tại thông báo, ấn đóng để chuyển sang bước tiếp theo.
Thiết lập passcode nên tránh các số liên quan đến ngày sinh, số căn cước công dân, các số dễ đoán,… đề phòng trường hợp lộ thông tin cá nhân.
Bước 7, thiết lập 2 câu hỏi bảo mật, lưu ý hệ thống có phân biệt chữ viết hoa và chữ viết thường. Sau đó, ấn chọn xác nhận. Lúc này, hệ thống sẽ thông báo “Bạn đã kích hoạt tài khoản định danh điện tử thành công”.
Sau khi kích hoạt thành công tài khoản trên VNeID, chư Tăng Ni và Phật tử tiến hành đăng nhập để kiểm tra các loại giấy tờ đã chính xác hay chưa.
TP.HCM: Tuyên dương đóng góp cho đại lễ Phật đản 2023
Ngày 1/7, BTS GHPGVN TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị mở rộng nhằm triển khai một số hoạt động phật sự trong thời gian tới. Dịp này, BTS đã tuyên dương những đóng góp của cá nhân, tập thể cho thành công của Đại lễ Phật đản PL 2567 vừa qua.
Tại hội nghị, BTS GHPGVN TP.HCM đã trao Bằng tuyên dương công đức đến 42 tập thể đã đóng góp xuất sắc trong Đại lễ Phật đản và kỷ niệm 60 năm ngày Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Đồng thời, biểu dương, tán thán tinh thần hòa hợp, đồng lòng của chư tôn đức Tăng Ni đã tích cực, tạo nên thành công của chuỗi sự kiện vừa qua.
Dịp này, hội nghị cũng triển khai các hoạt động sắp tới, Ban Hoằng pháp thông qua kế hoạch hội thi diễn giảng cấp quận huyện và thành phố trong mùa An cư kiết hạ; Ban Trị sự GHPGVN TP tổ chức 7 đoàn đến thăm, cúng dường các trường hạ tập trung trên địa bàn TP.HCM dự kiến vào ngày 23/7.
Ấm áp nồi cháo yêu thương
Từ nhiều năm nay, đều đặn vào chiều thứ 5 hàng tuần, câu lạc bộ Cháo từ thiện Hà Nội là các phật tử là y bác sĩ làm việc tại bệnh viện E đều đặn nấu cháo và tặng bệnh nhân nghèo đang điều trị tại đây. Những bát cháo dinh dưỡng nóng hổi, thơm phức như tiếp thêm động lực để bệnh nhân vượt qua bệnh tật. Cũng chính từ đây, mầm từ bi, hạt giống thiện lành đã được tô bồi, vun trồng và làm đẹp hơn về hình ảnh người con Phật.
Giữa cái nắng oi ả của trưa hè tháng 6, tại một góc sân nhỏ, các thành viên Câu lạc bộ Cháo từ thiện Hà Nội đang tất bật hoàn thiện công đoạn cuối cùng trước khi những bát cháo thơm ngon được chuyển đến tay những bệnh nhân tại Bệnh viện E. Vất vả, nhọc nhằn là vậy nhưng ai nấy đều hoan hỷ với mong muốn phần nào giúp đỡ người bệnh lúc khó khăn, hoạn nạn.
Những nồi cháo nóng hổi, thơm ngon ngay sau khi tắt bếp được vận chuyển một cách nhanh nhất đến bệnh viện. Tập thể phụ nữ chân yếu tay mềm cùng nhau chung sức, đồng lòng với hi vọng trao yêu thương đến nhiều bệnh nhân hơn. Mỗi bát cháo trao đi chất chứa bao sự sẻ chia mà người con Phật muốn gửi gắm. Nếu như thời gian đầu, nhiều bệnh nhân và người nhà chưa quen với hình ảnh bát cháo cửa thiền thì đến nay, tất cả mọi người đều hoan hỷ đón nhận với tấm lòng biết ơn nhất.
Cư như thế, hành trình tiếp nối yêu thương được lan tỏa. Mỗi bát cháo trao đi, một tấm lòng thiện được gợi mở. Hi vọng rằng, nghĩa cử cao đẹp này sẽ được tiếp tục mãi để nhiều hơn nữa bệnh nhân nghèo được quan tâm, tiếp sức, cùng vượt qua nỗi đau bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống.
Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hoằng pháp hướng đến đồng bào dân tộc vùng cao luôn là chủ trương lớn của Giáo hội, được sự quan tâm của các ban, ngành chuyên môn trực thuộc. Nhiều chương trình được hoạch định, triển khai nơi vùng biên để Phật Pháp lan tỏa, người đồng bào dân tộc tiếp cận lời Phật dạy một cách dễ dàng.
Từ mảnh đất trống khô cằn, sau hơn 10 năm, chùa Thạnh Mỹ – một ngôi Tam bảo tại huyện vùng cao Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã được xây dựng khang trang và trở thành nơi tu tập của đông đảo Phật tử. Và đây cũng là nơi chở che cho những mảnh đời bất hạnh nơi vùng cao này. Đến nay, chùa đã quy y cho hàng nghìn Phật tử vùng núi Nam Giang. Trong đó có hơn 500 Phật tử là người dân tộc, giúp bà con loại bỏ các thủ tục lạc hậu và có cuộc sống tâm linh lành mạnh, tu tập hướng thiện theo giáo lý nhà Phật.
Chư tôn đức nơi đây luôn dành thời gian đồng hành, cảm hóa mọi người đi theo con đường thiện lành. Hàng tháng chùa vẫn đều đặn tổ chức các khoá tu vào ngày mồng 1 và 15 AL, thực hiện đầy đủ các hoạt động sinh hoạt, tu tập cho Phật tử, đem giáo lý của Đức Phật truyền tải bằng cách gần gũi nhất đến mọi người.
“Thầy đến đây, thầy dạy đồng bào đừng săn bắt nữa, thầy dạy không nên uống rượu nhiều, chăm lo làm ăn. Nghe lời thầy dạy, cuộc sống của tôi và gia đình tốt hơn, vui hơn”
Giúp cho bà con có đời sống tu tập lành mạnh là hạnh nguyện mà các vị tu sĩ Phật giáo đang dấn thân hoằng truyền nơi đại ngàn. Những chồi non được chư tôn đức gieo hạt cứ lặng lẽ lên xanh. Chư Tăng ni vùng cao đã trở thành điểm tựa tâm linh cho bà con, mạch nguồn của no ấm, ban phát những niệm màu cho đời sống nơi đây.
Phát triển du lịch gắn với bảo tồn động vật hoang dã
Những hình ảnh, bài báo vừa rồi đã gióng lên một hồi chuông mạnh mẽ về vấn đề bảo tồn động vật hoang dã. Và 1 trong những cách thức được đặc biệt quan tâm thời gian gần đây chính là thúc đẩy du lịch có trách nhiệm gắn với bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã. Việt Nam hiện có 33 vườn quốc gia, 57 khu dự trữ thiên nhiên, 13 khu bảo tồn loài và sinh cảnh, 53 khu bảo vệ cảnh quan và 9 khu dự trữ sinh quyển… qua đó, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch xây dựng tour đặc trưng cho từng địa phương, vùng miền. Phát triển du lịch gắn với trách nhiệm cộng đồng để bảo vệ môi trường thiên nhiên là một trong những giải pháp giúp ngành du lịch phát triển bền vững.
“Quý khách lưu ý, không cho động vật hoang dã ăn”. Tấm biển cảnh báo bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh được treo xung quanh khuôn viên chùa Linh Ứng (bán đảo Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Vốn là nơi đông khách du lịch ghé thăm, việc làm này như lời nhắc nhở cũng là cảnh báo để mọi người chung tay bảo vệ khỉ. Bởi, nhiều du khách không biết rằng việc vô tư cho khỉ ăn uống đang vô tình làm thay đổi tập tính kiếm ăn trong tự nhiên của động vật.
Dọc cung đường quanh bán đảo Sơn Trà nói chung và chùa Linh Ứng nói riêng, mỗi ngày có hàng chục chú khỉ vàng thản nhiên đi lại. Thực tế có thể thấy, công tác tuyên truyền nhận thức về việc không cho khỉ ăn để bảo vệ khả năng tìm thức ăn tự nhiên của loài này đã và đang được chư tôn đức, Phật tử tại chùa đặc biệt chú ý. Ngoài các biển báo, chùa còn nhắc nhở khách thập phương nếu phát hiện có hành vi xâm nhập đến đời sống của khỉ.
Không chỉ riêng ở chùa Linh Ứng, bán đảo Sơn Trà; việc phát triển du lịch đi đôi bảo tồn động vật hoang dã ngày càng được quan tâm, chú trọng. Là một điểm đến lý tưởng cho du khách, thời gian qua, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đẩy mạnh việc phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với bảo vệ loài gấu và lồng ghép nhiều chương trình giáo dục nhằm lan tỏa thông điệp nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã tới cộng đồng.
Hiện Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đang nuôi dưỡng 47 cá thể gấu từng là nạn nhân của việc nuôi nhốt lấy mật và buôn bán, vận chuyển trái phép. Cơ sở với 8 khu bán hoang dã, tạo cho gấu không gian sống gần với tự nhiên. Đến đây, du khách được tham quan, chứng kiến cảnh sinh hoạt ngoài trời của những chú gấu từ tuyến đường trên cao dài 250 mét; tham gia triển lãm tương tác về loài gấu, tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của chúng và công việc của những người chăm sóc. Cùng nhiều chương trình giáo dục trải nghiệm như: “Ngụy trang đồ ăn cho gấu”, “Dự án về gấu”,.. được thiết kế theo yêu cầu, phù hợp với lứa tuổi.
Ninh Bình xác định đây là dự án không chỉ mang tính chất nhân văn mà còn có tầm ảnh hưởng mang tính quốc tế. Trong năm 2022, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình đã đón hơn 10.000 lượt khách và nhận được rất nhiều đánh giá tích cực. Song song với các hoạt động cứu hộ nhân đạo, Cơ sở vận hành mô hình du lịch bền vững kết hợp giáo dục thay đổi hành vi, tập trung vào thông điệp: Hãy đối xử với động vật bằng sự tôn trọng, cảm thông và thấu hiểu; nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã; hay mỗi hành động nhỏ sẽ góp phần tạo ra hiệu quả lớn trong bảo vệ thiên nhiên và môi trường…
Cũng tại Ninh Bình, Tour Về nhà tại Vườn quốc gia Cúc Phương đã và đang ngày càng hút khách du lịch; bởi họ trực tiếp thả động vật hoang dã được cứu hộ về rừng sau những vụ buôn bán, săn bắt trái phép. Tuy nhiên số lượng được tham gia cũng rất hạn chế. Hoạt động này đã phần nào khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi người về việc bảo vệ động vật hoang dã.
Liên quan đến bảo tồn động vật hoang dã; một hình thức du lịch mới mẻ ở Tây Nguyên cũng đang dần chiếm ưu thế với du khách, đó chính là du lịch thân thiện với voi. Thay vì phải cưỡi một khối lượng lớn trên lưng, thì nay các chú được tự do đi lại, ăn uống tùy ý, chơi đùa… Điểm đặc biệt của mô hình du lịch thân thiện với voi chính là phúc lợi của các chú được đặt lên hàng đầu; tức là không ép voi làm việc trái với lối sống tự nhiên của chúng. Đây cũng là kết quả của sự phối hợp giữa tổ chức động vật Châu Á và vườn quốc gia Yok Đôn trong nỗ lực bảo tồn loài voi tại Việt Nam.
Có thể thấy, ngành Du lịch đã và đang tích cực hướng đến các hoạt động du lịch có trách nhiệm, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường; đồng thời, khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong ngành Du lịch tích cực tham gia bảo vệ các loài động vật hoang dã của Việt Nam và trên thế giới. Rõ ràng, chỉ khi có sự tham gia từ nhiều phía, nhất là sự ủng hộ của du khách với hành động “du lịch có trách nhiệm”, thì ngành Du lịch mới phát triển bền vững, góp phần giảm thiểu việc buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã.
Lễ hội pháo hoa tăng sức hút cho du lịch Đà Nẵng
Sự tăng trưởng của Du lịch Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ngoài sức hút của điểm đến thân thiện, an toàn thì các địa phương cũng liên tục tổ chức các sự kiện Lễ hội, tạo điểm nhấn thu hút du khách. Và câu chuyện ở thành phố Đà Nẵng dưới đây là 1 ví dụ.
Tháng 6, thành phố biển nổi tiếng Đà Nẵng chính thức bước vào giai đoạn cao điểm đón khách du lịch. Năm nay, Lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF được tổ chức trở lại khiến điểm đến này thêm hút với du khách trong và ngoài nước. Tính riêng 4 đêm thi bắn pháo hoa diễn ra trong tháng 6, Đà Nẵng đã đón khoảng 240 nghìn khách lưu trú.
Không chỉ các đêm bắn pháo hoa, mà Đà Nẵng tấp nập du khách cả những ngày trong tuần và cuối tuần. Cũng không chỉ các khách sạn, nhà hàng, mà các ngành dịch vụ liên quan du lịch tại Đà Nẵng cũng trở nên sôi động hơn.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Đà Nẵng đón trên 3,5 triệu lượt khách, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái, thậm chí vượt 4,4% so với cùng thời điểm năm 2019. Trong đó, khách quốc tế đạt mức ấn tượng với 930 nghìn lượt. Các dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành sôi động trở lại với doanh thu hơn 6.230 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2019.
Du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng, vẫn còn rất nhiều khó khăn sau COVID-19, nhưng việc nỗ lực đưa các sự kiện, lễ hội sôi động trở lại và mức tăng trưởng ấn tượng về lượng khách là tín hiệu lạc quan đối với tốc độ phục hồi của điểm đến này trong năm nay và các năm tiếp theo.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 01.07.2023:
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
18 lượt thích 0 bình luận