Bản tin An Viên 24H 01.09.2023
Bản tin 24H ngày 01.09.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Đức Pháp chủ, Ban TT HĐTS tưởng niệm Hoà thượng Thích Minh Châu; Bếp ăn 0 đồng tiếp sức bệnh nhân khó khăn.
TP.HCM: Đức Pháp chủ, Ban TT HĐTS tưởng niệm Hoà thượng Thích Minh Châu
Chiều ngày 31.08, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ và Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN cùng chư tôn giáo phẩm TƯGH đã quang lâm thiền viện Vạn Hạnh (Q.Phú Nhuận) tưởng niệm húy nhật cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu.
Trong không khí trang nghiêm, Đức Pháp chủ đã dâng hương tưởng niệm công đức bậc thầy của nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử, trọn cuộc đời và tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo; đặt nền móng xây dựng và song hành cùng sự phát triển của GHPGVN ngay từ những ngày đầu thành lập. Dịp này, Đức Pháp chủ nhắc lại ân đức của Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu trong việc xây dựng Viện Nghiên cứu Phật học VN, Viện Đại học Vạn Hạnh và đặc biệt hệ thống Trường Cao cấp Phật học VN, nay là Học viện Phật giáo VN.
Chiều cùng ngày, phái đoàn Hội đồng Trị sự do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội làm trưởng đoàn cũng đã dâng hương tưởng niệm, cầu nguyện Giác linh cố Trưởng lão Hòa thượng tự tại thế giới vô tung bất diệt, chứng minh gia hộ cho Đạo pháp xương minh, Đất nước thanh bình, Giáo hội trang nghiêm.
Trong khi đó, sáng ngày 01.09, cũng tại thiền viện Vạn Hạnh, môn đồ pháp quyến trang nghiêm tưởng niệm 11 năm ngày cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh viên tịch.
Vụ công tác dân tộc địa phương thăm các tự viện Khmer
Nhân kỷ niệm 78 năm Quốc khánh, sáng nay ngày 01.09, ông Nguyễn Hoàng Hành, Phó Vụ trưởng Vụ công tác dân tộc địa phương, Ủy ban dân tộc dẫn đầu đoàn công tác về nguồn tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Trong chuyến về nguồn, đoàn đến thăm 22 tự viện phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn huyện. Tại đây, ông Nguyễn Hoàng Hành, cảm ơn những đóng góp của chư Tăng, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và khẳng định đây là cầu nối để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội, giúp thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc.
Dịp này, đoàn dâng hoa, dâng dương tại Khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út; tổ chức khám, phát thuốc điều trị bệnh miễn phí; tặng quà cho 200 gia đình chính sách, người có uy tín, cán bộ hưu trí, hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Cụm Phật sự
Nghệ An: Trang nghiêm tạ pháp An cư
Ban điều hành Hạ trường chùa Diệc đã báo cáo tổng kết 3 tháng An cư của chư hành giả. Thời khoá tu tập, học hành, sinh hoạt đều ổn định, đời sống và sức khỏe của chư Tăng được quan tâm; nhiều Tôn đức giảng sư đã đến thăm viếng, thuyết giảng, sách tấn, khích lệ tinh thần tu học. Năm nay, hạ trường tại Nghệ An được chia làm 2 điểm: 65 vị Tỳ-kheo an cư tại chùa Diệc và 10 Tỳ-kheo-ni an cư tại chùa Cần Linh.
TP.HCM: Trao chứng nhận đến Phật tử dự khoá tu mùa hạ
Trong khi đó, tại chùa Phật Đà, TP.HCM, Ban Hướng dẫn Phật tử TP đã bế giảng khóa tu mùa hạ Phật lịch 2567, khen thưởng và trao chứng nhận đến cư sĩ Phật tử tham gia. Khóa tu bắt đầu từ 16.04 ÂL đến 16.07 ÂL, ngoài tu học trực tiếp tại chùa Phật Đà, thì Ban Tổ chức còn tổ chức tu học qua hình thức online. các chủ đề như: Tham thiền phổ thuyết, Lịch sử chư Tổ, Kinh Pháp cú thí dụ … Theo đó, 143 Phật tử được cấp giấy chứng nhận.
Sóc Trăng: Tập huấn phòng chống ngộ độc thực phẩm
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tập huấn về công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm cho ban ngành, đoàn thể, Ban quản trị tự viện, các bếp ăn từ thiện trên địa bàn tỉnh. Khoá học tập trung vào các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm… Qua đó, giúp các đại biểu trang bị thêm kỹ năng, kiến thức đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại cơ sở, bếp ăn, tự viện.
Cụm từ thiện
Với tấm lòng của những người con Phật, những ngày vừa qua, Phật giáo tại nhiều tỉnh thành vẫn luôn chung tay, góp sức tổ chức các đợt từ thiện giúp đỡ bà con nghèo có hoàn cảnh khó khăn đúng với tinh thần từ bi, lợi đạo ích đời.
Chùa Nguyên Hương (Q.4, TP.HCM) phối hợp cùng quý mạnh thường quân, trao 400 phần quà đến những gia đình khó khăn và 20 phần học bổng cho các em hiếu học trên địa bàn quận. Tại đây Ni trưởng Thích Nữ Như Nghiêm – Trưởng PBNG GHPGVN quận 4, Trụ trì chùa Nguyên Hương đã ân cần hỏi thăm và động viên đến các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Tại tỉnh Kiên Giang, chư Tăng chùa Phước Linh (huyện Vĩnh Thuận) cũng trao 600 phần quà cho bà con khó khăn, người già neo đơn tại địa phương với tổng giá trị là 120 triệu đồng. Đoàn mong rằng, bà con có cuộc sống ổn định hơn.
Cũng với ý nghĩa trên, tại Bạc Liêu, TT.Thích Giác Nghi, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bạc Liêu, Trụ trì chùa Long Phước trao tặng 600 phần quà đến các hộ gia đình khó khăn, bà con khiếm khuyết. Tặng phẩm gồm gạo, mì và nhu yếu phẩm, tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng, do quý doanh nghiệp, mạnh thường quân trong và ngoài nước phát tâm hỗ trợ.
Bếp ăn 0 đồng tiếp sức bệnh nhân khó khăn
Không chỉ trao quà từ thiện, mà những cánh tay yêu thương của Phật giáo các cấp vẫn được nối dài bằng nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Tại tỉnh Dak Lak, có một bếp ăn 0 đồng mỗi tháng một lần đều đỏ lửa để tiếp sức bệnh nhân khó khăn.
Mỗi tháng một ngày – ngày 19, Tịnh xá Ngọc Nhiên, huyện Krông Pắc, tỉnh Dak Lak lại rộn ràng tiếng cười nói, người ra người vào tấp nập. Họ không đến để dự một chương trình nào đó, mà góp sức cho bếp chay 0 đồng của Tịnh xá. Các nguyên liệu đều được sơ chế cẩn thận, chế biến bằng cả tấm lòng giúp đời, giúp người.
Mọi công đoạn được phân chia cụ thể, rõ ràng như dây chuyền sản xuất nên ai nấy đều quen việc và đảm bảo thời gian. Hàng trăm suất ăn đầy đặn gồm cơm, rau và món chính. Chư tôn đức và Phật tử cùng khẩn trương để hoàn thiện trước 10h sáng.
Tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc, hàng dài bệnh nhân và người nhà đã xếp hàng đợi những suất cơm nóng hổi từ Tịnh xá Ngọc Nhiên. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, nhưng khi chịu cảnh ốm đau bệnh tật đã là nỗi khổ, sự thiệt thòi lớn. Cả già, trẻ, gái, trai đều thích cơm chay của chùa nên chỉ một thoáng cơm đã được phát hết sạch. Nhiều bệnh nhân khônc thể xuống điểm lấy cơm, các Phật tử còn lên tận nơi để trao.
Mỗi suất cơm được trao đi là thêm lần lòng yêu thương được nhân rộng, như lời đức Phật đã dạy “Phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”.
Nặng lòng với bà con đảo xa
Đảo Bạch Long Vĩ, thuộc TP.Hải Phòng có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng – an ninh. Những năm qua, huyện đảo đã phát triển về nhiều mặt và năm 2008, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.Hải Phòng đã dành nhiều tâm huyết xây dựng ngôi chùa mang tên Bạch Long, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và giữ gìn văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Vượt quãng đường hơn 6 giờ đồng hồ để đến với huyện Đảo Bạch Long Vĩ. Chứng kiến huyện đảo ngày càng phát triển, đời sống tinh thần bà con ngày càng được nâng cao, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, PCT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TP.Hải Phòng không dấu niềm tự hào, hạnh phúc. Ít ai biết rằng, để xây dựng ngôi chùa Bạch Long khang trang như ngày nay, là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi bởi xây dựng một ngôi chùa trên đảo khó hơn cả trăm lần trên đất liền.
Từ khi khởi công, Hòa thượng Thích Quảng Tùng là người trực tiếp giám sát thi công. Với sự chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương Giáo hội và các ban ngành, cộng thêm sự đóng góp công sức của toàn bộ lực lượng vũ trang và nhân dân, ngôi chùa được hoàn thiện sau 1 năm xây dựng. Từng viên gạch đều ghi dấu “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như một cách đánh dấu chủ quyền của Tổ quốc. Đó là cách để chư tôn đức và công dân thể hiện chủ quyền biển đảo, tình yêu quê hương.
Trong những năm qua, chùa Bạch Long không chỉ góp phần là điểm tựa tâm linh mang tới sự bình an cho lực lượng vũ trang và bà con nhân dân mà trở thành một biểu tượng gắn với chủ quyền của Tổ quốc.
Giữa muôn trùng nắng, gió biển khơi, những bông hoa, những cây quả sạm gió cát nhưng vẫn đầy sức sống cho thấy sự bền bỉ trên ngôi chùa Bạch Long. Đó cũng là cách đền ơn cho những tâm huyết mà chư tôn đức dành cả trái tim cho huyện đảo Bạch Long Vĩ.
Cụm Quốc tế
Mỹ: Triển lãm nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ
Một trong những trưng bày thu hút sự quan tâm nhất liên quan đến Xá lợi Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu. Tiếp đến là triển lãm ‘Cây và Rắn – Nghệ thuật Phật giáo sơ khai ở Ấn Độ từ năm 200 trước Tây lịch đến năm 400 sau Tây lịch’. Triển lãm kéo dài đến ngày 13 tháng 11, trưng bày hơn 125 hiện vật Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu và khám phá nguồn gốc của nghệ thuật tạo hình Ấn Độ. Các hiện vật là các tác phẩm điêu khắc được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như vàng, bạc, đồng, đá vôi và thạch anh.
Nhật Bản: Nhiều bức tượng khổng lồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Trong khi đó tại Nhật Bản, hàng chục những bức tượng Phật khổng lồ nằm rải rác khắp đất nước mặt trời mọc đang rơi vào tình trạng hư hỏng nặng do nhiều nguyên nhân đã làm dấy lên lo ngại về an toàn, mất mỹ quan và là gánh nặng trong việc duy tu bảo dưỡng. Trong đó, có nhiều bức tượng nằm ngay giữa nhữ
ng toà nhà chung cư, trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Với chiều cao từ vài chục tới hơn trăm mét, các bức tượng này không mang lại hiệu quả kinh tế lại có nguy cơ gây mất an toàn cho các chuyến bay qua vào ban đêm. Cùng với đó những mảng xi măng bong tróc cũng có thể gây nguy hiểm cho người dân xung quanh nếu không may bị rơi trúng.
Mùa Vu Lan trọn nghĩa tình
Đại lễ Vu Lan không chỉ mang ý nghĩa của một ngày lễ trọng của Phật giáo mà đã trở thành nét đẹp văn hóa, lan tỏa tinh thần tri ân báo ân của người dân Việt Nam. Trong suốt nửa tháng qua, không khí Vu Lan đã ngập tràn mọi miền đất nước với nhiều hoạt động đa dạng, đặc sắc, tôn vinh những giá trị nhân văn cao đẹp.
Vu Lan đã trở thành nếp sinh hoạt quen thuộc đối với nhiều người dân Việt mỗi dịp tháng 7 ÂL. Thế nhưng đối với nhiều bà con dân tộc thiểu số tại tỉnh Điện Biên, đây là lần đầu họ được dự lễ Vu lan và thực hiện nghi thức bông hồng cài áo. Từ khi Phật pháp về với vùng biên cương, đời sống tâm linh của bà con có nhiều thay đổi tích cực.
Mùa Vu Lan không chỉ là dịp bày tỏ tình cảm tri ân với bậc sinh thành, mà còn lan tỏa yêu thương, đồng hành cùng những mảnh đời bất hạnh. Từ miền ngược đến miền xuôi, từ biên giới đến hải đảo, nơi đâu cũng xuất hiện những nghĩa cử cao đẹp của người con Phật, để không ai bị bỏ lại phía sau. Tại các trại dưỡng lão, trại phong, các bệnh viện, Chư Tôn đức hết mực quan tâm đến những đối tượng đặc biệt, giúp họ vơi đi nỗi nhớ nhà, kiên cường chiến đấu với bệnh tật.
Hướng về Mùa Vu Lan, bên cạnh những nghi lễ Phật giáo truyền thống thì nhiều sự kiện văn hoá nghệ thuật quy mô, trang trọng cũng đã được tổ chức như: “Vu Lan – Đạo hiếu và dân tộc”, “Sen vàng Tứ trọng ân”, “Vu Lan 3 miền”, “Cha mẹ đời thầm thiêng”….
Mỗi nốt nhạc là tiếng lòng chạm đến trái tim người nghe. Và hơn cả, đó không chỉ dừng lại ở tình phụ tử – tình mẫu tử; mà còn là tứ trọng ân bao la, rộng lớn; nhằm lan tỏa văn hóa Phật giáo và tư tưởng, giá trị đạo đức nhân văn của dân tộc.
Không chỉ trong nước mà tại các ngôi chùa Việt ở nước ngoài đều tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của bà con cũng như nhằm gìn giữ văn hoá truyền thống trong đời sống cộng đồng người Việt. Tại mỗi quốc gia, các nghi thức trong Đại lễ Vu lan dù có thể thay đổi để phù hợp với các phong tục, tập quán nơi đó; thì cốt lõi vẫn là sự nhắc nhớ, tri ân 2 đấng sinh thành nói riêng, tứ trọng ân nói chung và nguyện cầu những điều an lành gửi về quê hương.
Dù bằng hình thức nào, ở bất cứ nơi đâu, Đại lễ Vu Lan vẫn giữ được giá trị cốt lõi cao đẹp, đó là hướng con người tới sự tri ân mẹ cha, vun bồi hạt mầm hiếu hạnh. Qua đó, hình thành nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội văn minh, nghĩa tình và giàu lòng biết ơn.
“Vu Lan 3 Miền” và sự góp sức thầm lặng
Để góp thêm vào sự thành công của mùa Vu Lan năm nay, tối ngày 29.08 vừa qua, Kênh truyền hìn
h An Viên – BChannel BTV9 đã tổ chức chương trình “Vu Lan 3 Miền” thường niên, giúp khán giả lắng lòng, tri ân công ơn sinh thành, dưỡng dục của đấng song thân. Và để thực hiện sự kiện quy mô như vậy là sự dày công chuẩn bị của ê kíp sản xuất chương trình.
Mẹ con ca sĩ Hoàng Bách đã không quản ngại vất vả, xa xôi, vượt hàng nghìn cây số từ TP.HCM đến đây để tham dự sự kiện. Là 1 trong những điểm nhấn của Vu Lan 3 Miền khi khán giả cả nước có lần hiếm hoi được theo dõi tiết mục song ca, cùng những chia sẻ về tình yêu của người ca sĩ sinh năm 1980
với người mẹ – Nghệ sĩ Ngô Thị Thục An. Hai mẹ con rất háo hức, dành nhiều tuần chuẩn bị để mang lại thành công cho chương trình.
Câu chuyện về mẹ con nghệ sĩ Ngô Thị Thục An – Hoàng Bách chỉ là 1 ví dụ cho sự dày công chuẩn bị của ê kíp sản xuất Vu Lan 3 Miền năm 2023. Với chủ đề về mẹ, xuyên suốt chương trình, khán giả cả nước đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ da diết, sâu lắng đến hạnh phúc ngập tràn. Tất cả đều nhờ vào sự tỷ mỉ đến từng chi tiết trong khâu xây dựng kịch bản của chư tôn đức cùng ê kíp sản xuất.
Là sự kiện thường niên vào mỗi mùa Vu Lan của Kênh An Viên – Bchannel BTV 9, ê kíp sản xuất đã sử dụng những thiết bị truyền hình hiện đại nhất Việt Nam thời điểm hiện tại để gửi đến Chư Tôn đức Tăng Ni cùng quý Phật tử cả nước 1 chương trình quy mô, ý nghĩa. Đặc biệt, ngoài những thời khóa tâm linh và các tiết mục văn nghệ, BTC cũng lồng ghép những bài pháp thoại, chia sẻ về đạo hiếu, nhằm giúp khán giả hiểu và duy trì sự hiếu hạnh mỗi ngày.
Hơn 1 tháng chuẩn bị với hàng trăm giờ lao động của hàng chục nhân sự, Vu Lan 3 Miền năm 2023 với chủ đề Mẹ đã mang đến cho hàng triệu khán giả của kênh Bchannel – BTV9 An Viên 1 chương trình cảm xúc và ý nghĩa. Quan trọng hơn, thông qua đó, mỗi người đã có những phút giây lắng lòng để tri ân 2 đấng sinh thành, giúp mùa Vu Lan thêm trọn vẹn.
Tháng 7 đền đáp tứ trọng ân
Ân nghĩa là một truyền thống đạo đức được truyền từ ngàn xưa đến nay. Bất cứ dân tộc nào, đất nước nào cũng đều lấy ân nghĩa làm trọng yếu. Cho nên tục ngữ có câu: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Nhưng thực ra, không chỉ trong những ngày tháng 7 hay ngày Vu Lan mới thể hiện tinh thần tri ân mà mỗi người phải biết yêu thương, biết nhớ ơn suốt cuộc đời.
Những ngày tháng 7, các tự viện trên cả nước đều tổ chức lễ Vu lan hay các buổi thuyết pháp nhắc nhớ về lòng tri ân báo ân. Theo lời Phật dạy, 4 ơn lớn mà người Phật tử không bao giờ có thể quên và nên thực hành mỗi ngày, đó là: ơn quốc gia dân tộc, ơn chúng sinh, ơn Tam bảo, ơn cha mẹ. Mỗi lời chư tôn đức giảng đều thấm thía, khắc cốt ghi tâm, trở thành hành trang để mọi người sống hướng thiện, biết yêu thương nhiều hơn.
“Khi nào còn biết ơn, khi ấy còn hạnh phúc” – Lời Phật dạy đã và đang trở thành kim chỉ nam của nhiều người. Với các hoạt động thiết thực như giúp đỡ người qua đường, phóng sinh, dâng hương tưởng niệm AHLS và các bậc tiền bối hữu công,… Bấy nhiêu thôi đã làm mùa tri ân trở nên thật ý nghĩa.
Để có được hình hài, được thành nhân như ngày hôm nay, mỗi người con không giờ được quên ơn 2 đấng sinh thành. Trong những ngày này, còn ngần ngại gì mà không về nhà, trao cho mẹ cha những cái ôm thật ấm áp, nói những lời ngọt ngào từ tận đáy lòng rằng cảm ơn cha mẹ thật nhiều.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
14 lượt thích 0 bình luận