Bản tin An Viên 24H 01.11.2023

02/11/2023 09:08:40 320 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 01.11.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Bộ Tài Chính hướng dẫn kiểm tra tiền công đức tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; TP.HCM: Chuẩn bị Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổ sư Minh Đăng Quang; Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang trong dòng chảy Phật giáo Việt Nam.

 Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm tra tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội

Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành hướng dẫn thực hiện kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội tại các di tích lịch sử – văn hóa. Văn bản được gửi đến ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; yêu cầu các địa phương thực hiện kiểm tra và báo cáo kết quả kiểm tra trước quý I năm 2024, về công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích năm 2023.

Bộ Tài chính đã yêu cầu các đơn vị (trừ tỉnh Quảng Ninh) ban hành quyết định kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội tại các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn cấp tỉnh. Cụ thể, các đơn vị sẽ kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội; xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích trong năm 2023, báo cáo gửi Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2024.

Chủ tịch UBND các cấp được yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích về mục đích, đối tượng và nội dung kiểm tra việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn. Trước đó, vào tháng 3, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh.

TP.HCM: Chuẩn Bị Lễ Kỷ Niệm 100 Năm Ngày Sinh Tổ Sư Minh Đăng Quang

Chỉ còn ít ngày nữa, chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổ sư Minh Đăng Quang chính thức diễn ra. Những ngày qua, các khâu chuẩn bị cuối cùng hướng về Đại lễ đang được gấp rút hoàn thiện, với nhiều chương trình kỷ niệm, hội thảo, triển lãm, văn hóa nghệ thuật đặc biệt cúng dường Tổ sư.

Pháp viện Minh Đăng Quang, TP. Thủ Đức, TP.HCM… rực rỡ banner, biểu ngữ, cờ hoa… hướng về Đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổ sư Minh Đăng Quang. Ban khánh tiết đã đăng tải các mẫu thiết kế trên trang web và facebook của hệ phái, đảm bảo tính thống nhất tại tất cả các tịnh xá trên cả nước. BTC đã thành lập 30 tiểu ban, trưởng tiểu ban chịu trách nhiệm điều hành, đảm bảo các khu vực đón tiếp, nghỉ ngơi cho hàng ngàn đại biểu về dự.

Chương trình Đại lễ kéo dài 7 ngày với nhiều hoạt động: Triển lãm “Tổ sư Minh Đăng Quang: Khởi nguyên và sự truyền thừa”, Hội thảo “Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, lịch sử truyền thừa và những đóng góp”, chương trình nghệ thuật  “Minh Đăng tỏa rạng”, Pháp hội hoa đăng… tri ân công đức Tổ sư đã khai sáng hệ phái khất sĩ Việt Nam, làm tỏa sáng giáo lý Phật đà trên con đường lợi lại nhân sinh.

Chính lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tổ sư Minh Đăng Quang diễn ra lúc 8h sáng ngày 8/11, nhằm ngày 25/9 AL với khoá lễ cầu nguyện, tưởng niệm của Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo TƯGH.

CỤM TIN PHẬT SỰ

Đồng Nai: Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh triển khai Phật sự

Tại Hội nghị, chư Tôn đức đã thông qua Điều 10 Quy chế của Ban Tăng sự TƯGH về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Tăng sự cấp tỉnh phải; nghe b áo cáo một số hoạt động còn tồn đọng, hạn chế của Ban. Dịp này, chư tôn đức cũng thảo luận các công tác Phật sự sắp tới như: Bổ nhiệm Trụ trì, tổ chức lễ Bố tát thường kỳ tại Chùa Tỉnh Hội, giải quyết một số nội dung còn tồn đọng ở các Tự viện và đặc biệt là việc lập kế hoạch tổ chức Đại giới đàn Đạt Thanh vào trung tuần tháng 3/2024.

Còn tại tỉnh Nghệ An, vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội nghị tọa đàm: “Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong công tác tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo”. Qua đó, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân vùng đồng bào dân tộc và tôn giáo về các chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giúp ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tại buổi tọa đàm, nhiều cách làm hay, mô hình tốt được trình bày và chia sẻ.

TP.HCM: Đại Lễ Dâng Y Kathina 2023 tại chùa Bửu Long

Tại TP.HCM, chùa Bửu Long (TP.Thủ Đức) đã trang nghiêm tổ chức lễ dâng y Kathina PL.2567 Dl.2023, với nghi thức lễ bái Tam bảo, phát nguyện thọ trì tam quy và ngũ giới. Sau đó, các Phật tử nhiễu y 3 vòng, đồng tụng bài kệ dâng y; chư Tôn đức cử hành khóa lễ cầu chúc an lành đến các thí chủ và thân bằng quyến thuộc, cùng chư vị cửu huyền thất tổ được về cõi an lành.

Rộn ràng Lễ Dâng Y Kathina xứ Tây Đô

Theo truyền thống hàng năm của Phật giáo Nam tông, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) đã tổ chức Đại lễ dâng y Kathina. Đông đảo Phật tử đã thành kính dâng y ca sa, hoa và tứ vật dụng cúng dường chư tăng sau 3 tháng an cư kiết hạ, thành kính tri ân Tam Bảo.

Đối với đồng bào Khmer, lễ dâng y rất quan trọng. Năm nay, hàng trăm Phật từ khắp nơi đã trở về HVPG Nam Tông Khmer tại Cần Thơ, dâng y Kathina, đặt sớt bát gần 500 chư Tăng. Ai ai cũng hoan hỉ, thành tâm. Những vật phẩm gồm: cà sa (vật phẩm quan trọng nhất trong lễ), bình bát và đồ dùng sinh hoạt hàng ngày cần thiết khác… được chuẩn bị rất trang trọng, bày tỏ lòng thành kính.

Hằng năm, trong khoảng thời gian từ 15.9 đến 15.10 âm lịch, đồng bào Khmer Nam Bộ lại rộn ràng tổ chức Lễ Dâng y Kathina hay còn gọi là Lễ Dâng bông, Lễ Dâng y cà sa. Nghi thức này bắt nguồn từ khi Đức Phật còn tại thế, mang một ý nghĩa hết sức to lớn, vừa thể hiện thiện tâm của Phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, vừa tạo nên niềm vui lớn trong mùa lễ hội cho Phật tử tại gia.

Sau lễ dâng y, Tăng đoàn gần 500 vị thực hiện nghi thức đi bát hội xung quanh khuôn viên Học viện. Đây cũng là dịp để Phật tử cúng dường chư Tăng, gieo duyên lành với Tam bảo, nhắc nhở nhau luôn luôn giúp đỡ người khó khăn – đó là một trong những nhân lành sinh phước báu.

CỤM TIN TỪ THIỆN

 Lâm Đồng

Còn tại Lâm Đồng, Ban tôn giáo tỉnh vừa phối hợp Ban từ thiện xã hội GHPGVN TP.Đà Lạt trao 220 phần quà cho bà con đồng bào dân tộc khó khăn tại huyện Di Linh. Mỗi phần quà gồm: Gạo, mì tôm, nhu yếu phẩm và tịnh tài, với tổng kinh phí 110 triệu đồng, góp phần thực tốt công tác từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội trên địa bàn.

Ấn Độ

Trong chuyến về thánh tích Ấn Độ từ ngày 26/10 đến ngày 1/11, NS. Thích Nữ Huệ Thiện – Phó Trưởng Ban Từ thiện xã hội TƯ đã hướng dẫn đoàn tặng 600 phần quà đến người dân và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Ấn Độ; Hỗ trợ kinh phí xây dựng 2 giếng nước sạch. Hoạt động do chư tôn đức, kết nối quý Phật tử, mạnh thường quân gần xa đóng góp, giúp bà con cải thiện cuộc sống.

Hơn 16 năm mang bữa cơm yêu thương đến bệnh nhân

Hơn 16 năm nay, bữa cơm tình thương chùa Sắc Tứ Khải Đoan, tỉnh Đắk Lắk 2 lần mỗi tháng vẫn nổi lửa liên tục, không ngừng nghỉ. Dù các thành viên có thay đổi, nhưng tình thương, sự chu đáo chứa đựng trong các suất cơm vẫn nguyên vẹn như ngày đầu.

Thực đơn lên theo ngày. Đa dạng, đầy đủ chất dinh dưỡng.

Mỗi tháng 2 ngày 1 và 15 âm lịch, nhóm Bữa cơm tình thương chùa Sắc Tứ Khải Đoan hoạt động hết công suất cả sáng và chiều. Gần 30 thành viên, tùy thời điểm khác nhau mà số lượng cơm dao động 300 đến 400 suất. Công việc từng khâu được phân chia cụ thể, rõ ràng. Qua đôi bàn tay của quý Phật tử, các món chay được chế biến sạch sẽ, thơm ngon, đậm đà.

Khi cơm chín thì cũng là lúc các món ăn đã được hoàn thành. 2 hàng song song, người chia cơm, người chia canh. Công việc này đã diễn ra liên tục 16 năm nay nên dường như ai cũng thuần thục, nhanh chóng. Với đặc trưng ẩm thực vùng Tây Nguyên, nên mỗi suất ăn còn được chuẩn bị thêm 1 quả ớt. Bao bì in dòng chữ “Bữa cơm tình thương chùa Sắc Tứ Khải Đoan”, gói ghém tình cảm của những người con Phật nơi đại ngàn.

Hiện nhóm đang phát cơm tại 3 địa điểm gồm Bệnh viện Lao và Phổi tỉnh Dak Lak, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên; Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Qua khung cửa sắt tại Bệnh viện tâm thần, sau khi nghe tiếng gọi của nhóm Phật tử, các bệnh nhân lần lượt ra nhận. Mỗi người một hoàn cảnh, một dạng bệnh, tuy ý thức không được ổn định; nhưng khi nhận được thực phẩm, họ vẫn biết nói 2 tiếng Cảm ơn. Và với các thành viên như thế là đủ! 

Đồng bào Khmer Sóc Trăng vào mùa Lễ hội Oóc Om Bóc

Công tác chuẩn bị cho Lễ hội Ooc om boc – Đua ghe ngo Sóc Trăng năm nay đến sớm hơn mọi năm. Nhân tiết trời khô ráo, tại một số địa phương các đội ghe Ngo từ công tác huy động lực lượng vận động viên tham gia tập luyện, đến khâu đóng mới, sửa chữa ghe ngo đã được thực hiện gần một tháng nay. Tất cả đều với quyết tâm và kỳ vọng sẽ đột phá, đạt thành tích cao vào ngày hội đua sắp tới. Song song đó, ngày hội văn hóa – thể thao lớn nhất trong năm của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng cũng có nhiều hoạt động nổi bật.

Gần đến ngày diễn ra lễ hội Ooc Om Boc thì sân chùa càng nhộn nhịp với các hoạt động dành cho ghe Ngo. Công việc sản xuất mùa màng dù có bận rộn đến đâu, bà con cũng dành thời gian để tham gia luyện tập. Tất cả đều là sự trân quý và niềm đam mê đối với môn thể thao của dân tộc mình.

Để góp phần chuẩn bị thật tốt cho công tác luyện tập, các tự viện, ban huấn luyện cũng như chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con, vận động viên tham gia cỗ vũ, tập dượt với hy vọng đạt được thành tích cao trong cuộc tranh tài năm nay.

Những năm qua, các địa phương luôn tạo điều kiện để đồng bào tổ chức lễ hội thật khoa học và chỉnh chu nhất nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Khmer. Trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội năm nay sẽ có 9 nội dung, hoạt động với sự đa dạng, phong phú, khắc họa hình ảnh sinh động về văn hoá, lễ hội đặc trưng của đồng bào Khmer Sóc Trăng.

Kể từ năm 2010, lễ hội Ooc Om Boc của đồng bào Khmer đã được nâng lên tầm Festival. Ngày hội là sự kiện văn hóa có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đồng bào Khmer, thể hiện đậm nét sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân tộc Kinh – Hoa – Khmer trên địa bàn tỉnh.

Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang trong dòng chảy Phật giáo Việt Nam

Bắc Giang là vùng đất cổ, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa Phật giáo gắn liền với vùng đất và con người xứ Kinh Bắc. Tuy nhiên, những giá trị di sản văn hóa cũng như hiện trạng, vấn đề mới phát sinh, những thách thức của sự phát triển trong tương lai Phật giáo Bắc Giang vẫn là vấn đề bỏ ngỏ, chưa được được quan tâm nghiên cứu. Vì vậy, trong 2 ngày 31/10 và 1/11, Hội thảo khoa học quốc gia “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)” đã được tổ chức với mong muốn làm sáng rõ, lan tỏa những giá trị mang tính di sản và đương đại một cách có hệ thống và đưa ra giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy, những giá trị này.

Hàng nghìn năm trước, người Việt cổ sống gắn bó với sông nước, hình thành nên hệ thống văn hóa sông nước. Hàng loạt các loại hình văn hóa, nghệ thuật ra đời cũng bắt nguồn từ các con sông. Và Bắc Giang “phên dậu” của Thủ đô Hà Nội và là một trong “tứ trấn” trọng yếu của đất nước, với lãnh thổ có 3 con sông lớn là sông Cầu, sông Thương và Lục Nam chảy qua, tạo nên sự trù phú, đa dạng văn hoá, mà các dấu tích, di chỉ còn lưu đến ngày nay.

Phật giáo xuất hiện ở Bắc Giang rất sớm, khoảng thế kỷ thứ 3 sau Tây lịch nhưng dấu tích còn lại không nhiều. Các hiện vật Phật giáo được phát hiện sớm tại vùng đất này phần nhiều, từ thời Lý với chân tảng đá, cột tháp hoa văn sóng nước, phù điêu lá đề…

Nổi bật và đầy đủ hơn cả là hiện vật Phật giáo thời Trần, cho thấy sự phát triển cực thịnh của Phật giáo giai đoạn này, cũng như vị thế quan trọng của Bắc Giang khi được Phật hoàng – Trần Nhân Tông chọn làm nơi đặt trụ sở của GHPG Trúc Lâm Yên Tử. 

Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, nơi lưu giữ xá lị Ngài, thì Tây Yên Tử là con đường Ngài hoằng dương Phật pháp. Trước đây, nhà vua lên đỉnh Yên Tử chính là từ phía tây sang phía đông. Không chỉ Phật hoàng, mà từ thế kỷ XI cho đến thế kỷ XIII, có nhiều chư Tăng cũng chọn con đường lên Yên Tử bắt đầu từ vùng đất thiêng phía tây để tu hành, dựng chùa, xây tháp, phát đạo.

Dấu chân Phật hoàng Trần Nhân Tông trên vùng đất Tây Yên Tử, Bắc Giang đã tạo nên một không gian văn hóa – Phật giáo Trúc Lâm vùng Tây Yên Tử đặc sắc. Chùa Vĩnh nghiêm là nơi Phật Hoàng bắt đầu con đường bộ hành hoằng dương Phật pháp, đi qua các điểm chùa, tháp dọc sườn Tây Yên Tử, lên đến chùa Đồng.

Cổ tự Vĩnh nghiêm cũng là nơi Tam tổ Trúc Lâm thuyết giảng Phật pháp cho chư tăng ni, Phật tử cả nước. Hiện nơi đây vẫn còn lưu vô số bộ mộc bản kinh Phật hàng trăm năm tuổi và đã trở thành Di sản tư liệu thế giới.

Cùng với chốn tổ Phật giáo Trúc Lâm – chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang còn là chốn tổ của sơn môn Phật giáo Lâm Tế với chùa Bổ Đà. Đây là hai dòng Phật giáo tiêu biểu, có sự ảnh hưởng lớn bậc nhất ở Việt Nam. Lịch sử Phật giáo rực rỡ nơi vùng đất Kinh Bắc này hình thành nên gần 940 ngôi chùa đến ngày nay.

Để đưa những giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể trong không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang thành tài nguyên, thành sức mạnh nội sinh và động lực phát triển KT-XH, Viện Trần Nhân Tông (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cùng nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành đã tổ chức nhiều sự kiện, hội thảo.

Trong giai đoạn 2011-2020, thực hiện đề án “Bảo tồn và Phát huy di sản văn hoá các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020” công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc giang đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã có 4 di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt, 13 di tích xếp hạng quốc gia, 163 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 445 di tích được tu bổ, 11 điểm khảo cổ được khai quật….

Bên cạnh việc khai quật, bảo tồn di sản vật thể thì những giá trị phi vật thể cũng đặc biệt được quan tâm. Như trong bài tham luận “ Kế thừa và phát huy phương pháp tu tập và hành đạo của Tam tổ Trúc Lâm”,  Đại đức Thích Huệ Lương đã nghiên cứu về 4 phương pháp tu tập của chư tổ gồm: Lục thời sám hối, Phản quang tự kỷ, Biết vọng không theo và Chân tâm hiện tiền để giúp không chỉ những người tu hành, mà cả những người mếm mộ đạo Phật cũng có thể học tập, hành trì và từ đó đưa ra kiến nghị, giải pháp để phát huy hơn nữa tinh thần nhập thế tích cực, tuỳ duyên lạc đạo vì một xã hội đoàn kết, yêu thương, tích cực làm việc thiện và những giá trị khác của phật giáo thời Trần.

Nhằm phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước, Bắc giang đã tập trung bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, trong đó có các giá trị văn hóa Phật giáo hết sức phong phú của địa phương để phát triển du lịch. Công tác quảng bá những giá trị di sản văn hóa Phật giáo, tổ chức các lễ hội phục vụ sinh hoạt văn hoá tinh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng đã giúp ngày du lịch chuyển biến mạnh mẽ và từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Với bề dày lịch sử và những công trình hiện có, Bắc Giang hội đủ các yếu tố để xây dựng không gian Phật giáo dành cho du lịch tâm linh với đầy đủ các trải nghiệm, khám phá, và nghiên cứu. Tuy nhiên, phát triển du lịch tâm linh Phật giáo cần có sự định hướng của các ngành quản lý; có sự tuyên truyền giáo lý của chư Tăng Ni, thái độ tu tập nghiêm túc của quý cư sĩ. Bởi mô hình này không chỉ để hoằng dương đạo pháp, mà quan trọng hơn là để khai tâm, hướng Phật. Có như thế, mối quan hệ giữa đạo pháp và xã hội mới cân bằng, trọn vẹn được giá trị mà chư Phật, chư Tổ tựu tác truyền lưu.

CỤM TIN QUỐC TẾ

Trung Quốc: Bảo tồn nghệ thuật in khắc gỗ Kinh Điển Phật giáo

Khi Phật giáo thịnh hành ở Trung Quốc vào thời nhà Đường (618-907), nhu cầu sản xuất lượng lớn kinh điển và việc sao chép bằng tay không thể đáp ứng được vì nhu cầu ngày càng tăng. Do đó, các thợ thủ công Trung Quốc cổ đại đã nghĩ ra một cách mới để sản xuất hàng loạt tác phẩm in. Nguyên mẫu của in khắc gỗ ra đời. Theo thông tin từ Thư viện Anh, kinh Kim Cương in năm 868, là “cuốn sách in có niên đại sớm nhất”. Nghệ thuật in khắc gỗ đã được ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO năm 2009.

Hàn Quốc: Trao trả bức Tượng Phật thất lạc cho Nhật Bản

Còn tại Hàn Quốc, Phật giáo xứ Kim Chi đã công nhận Bức tượng Bồ Tát Quán Thế Âm Bức tượng cao 50,5 cm, nặng 38,6 kg, mạ vàng bằng đồng thuộc quyền sở hữu của một tự viện tại Nhật Bản. Theo một văn bản được tìm thấy vào năm 1951, bức tượng  được đúc vào năm 1330 tại Hàn Quốc. Tuy nhiên từ năm 1352 – 1381 bức tượng đã bị thất lạc; và được lưu giữ tại chùa Kannon, ở tỉnh Tsushima, Nhật Bản từ năm 1526, trước khi bị đưa sang Hàn Quốc vào năm 2012. Hiện, Phật giáo Hàn Quốc đang hoàn thiện quá trình bàn giao tượng Quán Thế Âm cho Nhật Bản

CỤM TIN VĂN HÓA

Sẵn sàng cho tuần lễ du lịch TP HCM

Diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 4 đến ngày 10 tháng 12, Tuần lễ du lịch TP Hồ Chí Minh 2023 có nhiều hoạt động phức hợp nhằm phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây là năm đầu tiên tất cả các quận huyện cùng tham gia, hướng đến những sản phẩm du lịch xanh, bền vững bảo vệ môi trường. Với tiêu chí “Xanh trên mỗi hành trình”, đây không chỉ là chương trình kích cầu du lịch mà còn từng bước tạo hướng đi mới cho du lịch TP xanh và bền vững.

Việt Nam đón 10 triệu khách quốc tế

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tháng 10/2023, Việt Nam đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 5,2 triệu lượt khách nội địa. Tính chung 10 tháng, Việt Nam đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 98,7 triệu lượt khách nội địa, tổng thu ước đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10, tăng 5,5% so với tháng trước và gấp 2, 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Hội An gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo Unesco

Ban thư ký Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đã xác nhận Hội An là đại diện tiếp theo của Việt Nam trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian. Mạng lưới được thành lập năm 2004 với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố được công nhận sáng tạo, là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường

Tour đêm thâm trầm và tinh tế ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Với mục đích phát huy giá trị đặc trưng về đạo học của Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, thu hút khách tham quan, trải nghiệm di tích về đêm và làm phong phú sản phẩm du lịch Hà Nội, Tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính thức ra mắt. Không gian di sản này trở nên thâm trầm, lung linh và huyền ảo khác hẳn so với trải nghiệm thường thấy vào ban ngày.

Ngay khi bước qua cổng chính của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, khách tham quan được chìm đắm vào một không gian đầy màu sắc huyền ảo với những dấu son về đạo học… Điểm chạm cảm xúc nhất khi Trải nghiệm Đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám là phần trình chiếu mapping 3D theo chủ đề “Tinh hoa đạo học”. Toàn bộ mặt tiền của nhà Tiền đường trên sân Thái học biến thành một màn hình khổng lồ giúp cho khách tham quan khám phá giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt. Điều này vừa không làm hỏng cảnh quan của di tích mà còn tạo nét nổi bật lên vẻ đẹp kiến trúc. Mỗi chi tiết trong chương trình đều được chăm chút một cách tỉ mỉ… Tất cả cùng hòa quyện.

Ứng dụng công nghệ hiện đại nhất khiến mọi không gian di sản đều trở nên ấn tượng, lung linh hơn thường ngày, song vẫn giữ được nét thâm trầm, tinh tế của một khu di sản vốn được coi như ngôi trường quốc học đầu tiên của Việt Nam. Tất cả mở ra một không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám vừa quen, vừa lạ.

Tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính thức mở phục vụ khách tham quan từ ngày 1/11 với tần suất 1 tuần 3 buổi: thứ 4, thứ 7 và chủ nhật trong các khung giờ 19h, 20h và 21h.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 1.11.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

12 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2621 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1640 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3729 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2695 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4635 lượt xem 0 Bình luận