Bản tin An Viên 24H 02.09.2023

03/09/2023 14:30:59 266 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 02/09/2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ra mắt ban quản trị chùa Quốc n Khải Tường tại Đồng Nai; Đồng Nai: Khánh tuế Đại lão Hoà thượng Thích Thanh Từ; n tổ quốc trong Phật giáo.

Đồng Nai: Khánh tuế Đại lão Hòa thượng. Thích Thanh Từ

Ngày 1/9 tại tỉnh Đồng Nai, chư Tăng Ni Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam cùng đông đảo quý Phật tử đã vân tập về tổ đình Thường Chiếu đảnh lễ khánh tuế Đại lão Hoà thượng – Thiền sư Thích Thanh Từ, Phó Pháp chủ HĐCM, tông chủ Thiền phái Trúc Lâm.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Nhật Quang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam đã cung kính dâng lời tác bạch khánh tuế Hòa thượng tôn sư; đại diện chư Tăng Ni trong Ban Quản trị dâng hoa, trà khánh thọ Ngài trong niềm hiếu kính. Dịp này, 2 tập sách mới tiếp theo trong bộ Thanh Từ toàn tập do Thiền phái biên tập, ấn tống đã ra mắt. Được biết, buổi lễ là sự kiện thường niên của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam sau mỗi mùa An cư kiết hạ.

Đồng Nai: Ra mắt ban quản trị chùa Quốc Ân Khải Tường

Cũng tại tỉnh Đồng Nai, sáng nay ngày 2/9, Đại lễ Vu Lan báo hiếu và công bố quyết định, ra mắt Ban Quản trị chùa Quốc Ân Khải Tường đã được tổ chức. Quang lâm chứng minh có Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS GHPGVN.

Quốc ân Khải Tường là ngôi già lam cổ nhất nhì ở vùng đất Sài Gòn – Gia Định; từng được nhà vua sắc phong và cũng là nơi chứng kiến vua Minh Mạng chào đời, nhưng đã bị phá hủy dưới thời Pháp thuộc. Sau gần 300 năm, nay chùa được xây mới khang trang với với quy mô diện tích hơn 20 ha.

Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã trao quyết định bổ nhiệm Ban Quản trị chùa Quốc Ân Khải Tường tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 7 thành viên do Thượng tọa Thích Phước Nguyên – Phó Tổng Thư ký HĐTS, Chánh Văn phòng 2 Trung ương Giáo hội làm Trưởng ban. Cũng tại buổi lễ, chư tôn đức cũng ủng hộ 80 triệu đồng cho CLB vì Hoàng Sa – Trường Sa thân yêu và xây nhà cho đối tượng chính sách của Hải quân. Cùng với đó là 1 nghìn phần quà cho các gia đình khó khăn.

Khoá lễ vu lan báo hiếu đã trang nghiêm diễn ra với thời thuyết giảng về đạo hiếu cùng nhiều nghi thức tâm linh, nghi thức hoa hồng cài áo.

CỤM TIN PHẬT SỰ

Chiều cùng ngày 2/9, tại chùa Linh Sơn, BTS GHPGVN tỉnh Lai Châu phối hợp Công an tỉnh ký kết, triển khai Kế hoạch phổ biến, giáo dục, vận động tăng ni, phật tử tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2023-2026.

Lai Châu: Ký kết tuyên truyền tham gia đảm bảo trật tự, ATGT

Việc ký kết nhằm phát huy việc giảng dạy giáo lý đạo Phật, tu tập, hành đạo trong chư Tăng ni, phật tử; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác bảo đảm TTATGT; treo băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi về an toàn giao thông ngắn gọn, dễ hiểu tại các cơ sở thờ tự Phật giáo trên địa bàn toàn tỉnh; phổ biến kinh nghiệm hay trong công tác tuyên truyền về ATGT… Ngoài ra, hai bên thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền về TTATGT, gắn với những hoạt động của GHPGVN tỉnh; tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phối hợp.

Sóc Trăng: Khai mạc khóa tu xuất gia gieo duyên lần thứ 4

Còn ở tỉnh Sóc Trăng, vào sáng ngày 1/9, Khóa tu Xuất gia gieo duyên lần thứ 4 tại chùa Quan Âm Đông Hải thuộc xã Vĩnh Hải, TX. Vĩnh Châu đã –khai mạc. Diễn ra trong 1 tuần, Khóa tu lần này có 320 hành giả tham dự. Trong 7 ngày xuất gia gieo duyên, chư hành giả trải nghiệm đời sống của 1 tu sĩ thực thụ, qua đó tăng trưởng đạo tâm, vững bước trên con đường tu học sau này.

CỤM TỪ THIỆN

Với tấm lòng của người con Phật, những ngày vừa qua, PG tại nhiều tỉnh thành chung tay, góp sức tổ chức các đợt từ thiện giúp đỡ bà con khó khăn đúng với tinh thần từ bi, lợi đạo ích đời.

TT – Huế

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 1/9, BTC chương trình “Tiếp sức em đến trường – tôi yêu Tổ quốc tôi năm 2023” đã đến xã Nhâm, huyện A Lưới để tặng 7 chiếc xe đạp, 200 phần quà cùng 30 suất học bổng cho học sinh nghèo trên địa bàn. Ngoài ra, đoàn cũng trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn, tổng giá trị 87 triệu đồng.

Bình Phước

Sáng nay ngày 02/09, tại chùa Thanh Lâm, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đã diễn ra Đại lễ Vu lan – Báo hiếu với nghi thức cài hoa hồng, dâng y cà sa và phát 100 phần quà cho các hộ nghèo và 100 phần quà các học sinh hiếu học với tổng kinh phí 51 triệu đồng. Chư tôn đức mong muốn phần nào giúp bà con vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Bạc Liêu

Cũng trong ngày 1/9 tại Bạc Liêu, Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP. Bạc Liêu phối hợp cùng Tịnh xá Giác Chánh tại Thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân đã trao tặng 100 phần quà cho người dân khó khăn trên địa bàn. Với tổng giá trị 35 triệu đồng, những suất quà giúp bà con vơi bớt nỗi vất vả, an tâm hơn trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày.

Bếp cơm an yên đồng hành cùng bệnh nhân nghèo

Đều đặn thứ 4 và chủ nhật hàng tuần, bếp cơm An Yên ở quận Hà Đông, Hà Nội lại đỏ lửa, chuẩn bị hàng trăm suất cơm để hỗ trợ các bệnh nhân nghèo tại bệnh viện trên địa bàn. Bằng tấm lòng yêu thương, các thành viên mong sao có thể góp sức nhỏ bé, động viên bệnh nhân và người nhà mau chóng vượt qua nghịch cảnh, tích cực điều trị, trở về với gia đình.

Tết Nguyên Đán 2023 khi các hàng quán, nhóm từ thiện đều dừng hoạt động, chị Vân cùng một số người quen đã đứng ra thành lập bếp ăn từ thiện An Yên, nhằm giúp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được nhận những suất cơm thiện nguyện. Với sự chung tay góp sức, hiện nay, mỗi ngày bếp cơm chuẩn bị từ 500-600 suất, hỗ trợ Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Bếp cơm thường xuyên cập nhật hoạt động trên các trang mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Zalo… nhằm lan tỏa hành trình thiện nguyện, đồng thời kết nối những trái tim nhân ái mong muốn sẻ chia khó khăn với người bệnh nghèo. Chị Kim Chi, người phụ trách công việc này nhiều tháng qua cho rằng đây là một cách làm hiệu quả.

Thực đơn luôn được bếp thay đổi theo ngày để vừa ngon miệng, vừa đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. Vì vậy, ai nấy cũng cố gắng dốc hết sức mình.

Tháng 7 đền đáp tứ trọng ân

Ân nghĩa là một truyền thống đạo đức được truyền từ ngàn xưa đến nay. Bất cứ dân tộc nào, đất nước nào cũng đều lấy ân nghĩa làm trọng yếu. Cho nên tục ngữ có câu: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Nhưng thực ra, không chỉ trong những ngày tháng 7 hay ngày Vu lan mới thể hiện tinh thần tri ân mà mỗi người phải biết yêu thương, biết nhớ ơn suốt cuộc đời.

Những ngày tháng 7, các tự viện trên cả nước đều tổ chức lễ Vu lan hay các buổi thuyết pháp nhắc nhớ về lòng tri ân báo ân. Theo lời Phật dạy, 4 ơn lớn mà người Phật tử không bao giờ có thể quên và nên thực hành mỗi ngày, đó là: ơn quốc gia dân tộc, ơn chúng sinh, ơn Tam bảo, ơn cha mẹ. Mỗi lời chư tôn đức giảng đều thấm thía, khắc cốt ghi tâm, trở thành hành trang để mọi người sống hướng thiện, biết yêu thương nhiều hơn.

“Khi nào còn biết ơn, khi ấy còn hạnh phúc” – Lời Phật dạy đã và đang trở thành kim chỉ nam của nhiều người. Với các hoạt động thiết thực như giúp đỡ người qua đường, phóng sinh, dâng hương tưởng niệm AHLS và các bậc tiền bối hữu công,… Bấy nhiêu thôi đã làm mùa tri ân trở nên thật ý nghĩa.

Để có được hình hài, được thành nhân như ngày hôm nay, mỗi người con không giờ được quên ơn 2 đấng sinh thành. Trong những ngày này, còn ngần ngại gì mà không về nhà, trao cho mẹ cha những cái ôm thật ấm áp, nói những lời ngọt ngào từ tận đáy lòng rằng cảm ơn cha mẹ thật nhiều.

Tự hào làng nghề may cờ tổ quốc thiêng liêng

Cả nước đang sống trong những ngày mùa thu lịch sử, kỷ niệm 78 năm ngày Quốc khánh 2/9. Người dân Việt Nam đều có chung một niềm xúc động thiêng liêng về lịch sử hào hùng của dân tộc. Niềm tự hào về ngày Quốc khánh chính là dòng cảm xúc bất tận, là tài sản tinh thần vô giá. Cảm xúc chung nhưng mỗi người dân đất Việt sẽ có những cách riêng để thể hiện tình yêu với Tổ Quốc. Và câu chuyện của những người dân trong ngôi làng đặc biệt đã gần 80 năm nổi tiếng xa gần với truyền thống may cờ Tổ quốc là một minh chứng cho tình yêu đất nước – dung dị nhưng có sức lay động và truyền cảm hứng mạnh mẽ.

Hơn 40 năm gắn bó với làng nghề truyền thống, hằng ngày, bà Vương Thị Nhung, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội, vẫn luôn cần mẫn, dành cả trái tim, tâm huyết với tấm vải đỏ, kim chỉ để tạo ra những sản phẩm cờ Tổ quốc chất lượng nhất. Bởi đối với bà, đây chính là nghề thiêng liêng, và rất đỗi tự hào.

Không chỉ riêng bà Nhung, hàng trăm gia đình tại làng nghề truyền thống đặc biệt đều có chung niềm tự hào. Vào những ngày trọng đại của Tổ quốc, lòng nhiệt huyết với lá cờ càng nồng nhiệt hơn khi lá cờ bà con nơi đây thêu sẽ được treo ở mọi miền Tổ quốc. Nghề thêu cờ rất vất vả, để làm được một lá cờ hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn từ khâu thiết kế, chọn vải cho đến khâu cắt, may, thêu hay đóng hàng…  công đoạn nào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận chu đáo. Đối với bà con làng Từ Vân lá cờ là hình ảnh dân tộc, vì vậy, cần phải nâng niu trân trọng.

Theo lưu truyền, người dân thôn Từ Vân đã thêu cờ từ những ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8 năm 1945. Ngày 02/9/1945, ở thời khắc Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng là thời điểm hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng của làng Từ Vân tung bay trên Quảng trường Ba Đình. Vì thế, dù trải qua những thăng trầm, người dân trong thôn vẫn dành sự gắn bó, cố gắng giữ gìn và dành hết tâm sức để lưu truyền cho thế hệ sau. Bởi đó chính là niềm vinh dự, may mắn, cũng là trách nhiệm nhắc nhở thế hệ trẻ luôn ghi nhớ công ơn của thế hệ cha ông đã ngã xuống vì tự do của Tổ quốc.

Hàng vạn, hàng triệu lá cờ đỏ sao vàng với đủ kích cỡ ở Làng Từ Vân được gửi đi mọi miền đất nước. Đối với những người dân làng Từ Vân, may cờ là sự may mắn, vinh dự không phải ai cũng có. Bởi mỗi lá cờ làm ra mang đến cho họ niềm tự hào vì đã dệt nên một phần linh hồn dân tộc. Càng ý nghĩa hơn khi những lá cờ Tổ quốc tung bay trên khắp mọi miền của đất nước, từ miền ngược tới miền xuôi. Có những lá cờ Tổ quốc kích thước khổng lồ mang theo niềm tự hào dân tộc đến với những đảo xa, nơi địa đầu của Tổ quốc.

Cờ Tổ quốc là hình ảnh đại diện của quốc gia, là một trong những biểu tượng thiêng liêng của dân tộc. Vẻ đẹp thiêng liêng ấy đang được những người dân làng Từ Vân thổi hồn vào từng đường kim mũi chỉ. Cho dù phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả, nhưng những lá cờ được làm ra từ bàn tay tài hoa, cần mẫn của người thợ vẫn bền bỉ, óng đẹp, tung bay trên khắp mọi miền Tổ quốc. Đó là niềm tự hào và cũng chính là niềm tin nghề may cờ Tổ quốc của làng Từ Vân sẽ tồn tại mãi với thời gian.

Ân quốc gia trong Phật giáo

Ân quốc gia, dân tộc là 1 trong tứ trọng ân của người con Phật, được nuôi dưỡng và gìn giữ qua bao thế hệ. Điều đó được thể hiện rõ nét thông qua nhiều hoạt động thiết thực nhằm tô bồi truyền thống tri ân báo ân tổ quốc nhân ngày lễ lớn của đất nước như: Lễ tri ân tại các tự viện, các hoạt động tưởng nhớ, thăm viếng nghĩa trang, tuyên truyền thế hệ trẻ luôn ghi nhớ, phát huy tinh thần chiến đấu, bảo vệ tổ quốc… Các tự viện trên cả nước đã và đang làm rất tốt điều này. Chính nơi đây giúp lan toả tinh thần yêu nước, lòng biết ơn của thế hệ con cháu sau này với cha anh đã hi sinh để bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Đến xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nhắc đến cụm di tích đình, chùa Cổ Viễn thì không một người dân nào là không biết. Chính nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện chống đế quốc thực dân. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, di tích trở thành cơ sở hoạt động từ thời kỳ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.

Di tích đình, chùa Cổ viễn từng là cơ sở nơi nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ xứ ủy, liên Tỉnh ủy khu C, Tỉnh ủy Hà Nam. Tại nơi đây, nhiều hội nghị quan trọng của Đảng đã diễn ra nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh, lãnh đạo nhân dân kháng chiến. Chính tại di tích này, nhiều tài liệu mật được cất giữ. Đây cũng là địa điểm tập trung lực lượng của dân quân du kích địa phương đánh trả những cuộc càn quét của địch vào thôn xóm.

Trong giai đoạn đấu tranh cam go và ác liệt đó, người tu sĩ nơi đây cũng gấp áo cà sa, khoác chiến bào để đứng lên, bảo vệ dân tộc. Truyền thống ấy đã được những đệ tử Phật sau này ghi nhớ và khắc ghi mãi mãi. Giờ đây, khi sống trong hoà bình, người con Cổ Viễn một lòng tưởng nhớ tới những vị đã có công với quốc gia, với dân tộc. Việc gìn giữ, phát huy tinh thần cha ông trong bảo vệ Tổ quốc là một trong những hoạt động thể hiện tứ trọng ân của người con Phật. Và điều đó được thể hiện qua nhiều hành động cụ thể như: bảo vệ tu bổ di tích, tuyên truyền đến người dân, phật tử hiểu về ân quốc gia, dân tộc, lan toả giá trị tốt đẹp của lòng biết ơn thông qua giáo lý đạo Phật…

Tại tỉnh Bến Tre, ngôi chùa Tuyên Linh cũng là một ngôi chùa có bề dày truyền thống. Thời kháng chiến chống Pháp, đây là một là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã động viên các nhà sư và Phật tử trong tỉnh tham gia vào các hoạt động kháng chiến. Trong những năm trước Đồng khởi, chùa Tuyên Linh vẫn là một trong những nơi có phong trào Cách mạng phát triển mạnh mẽ nhất của tỉnh Bến Tre. Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã từng nhiều lần ghé lại tá túc tại chùa Tuyên Linh.

Hằng năm tại di tích, nhân dân cùng chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tri ân, báo ân. Nơi đây không chỉ là địa điểm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tôn giáo mà đã trở thành là địa chỉ giáo dục cho  thế hệ trẻ.

Vào những ngày lễ lớn của dân tộc như thế này, mỗi người dân Việt Nam lại càng tự hào, xúc động và biết ơn những công lao, đóng góp to lớn của thế hệ đi trước trong việc bảo vệ, giữ gìn biên cương tổ quốc. Cùng với các tổ chức xã hội, Phật giáo luôn cho thấy sự tri ân, báo ân đối với  các vị tiền nhân. Từ đó tuyên truyền, hướng dẫn người dân, phật tử có nghĩa vụ, trọng trách trong việc bảo vệ, giữ gìn độc lập dân tộc, nhằm phát huy truyền thống dân tộc, giúp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

CỤM XÃ HỘI

Chuyển sang các thông tin đáng chú ý khác! Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 165 năm Ngày Đà Nẵng kháng Pháp, vừa qua, tại Khu di tích quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang đã diễn ra Lễ tưởng niệm các anh hùng nghĩa sỹ đã vị quốc vong thân trong buổi đầu kháng Pháp những năm giữa thế kỷ 19.

Tưởng niệm anh hùng nghĩa sĩ thời kỳ đầu kháng Pháp

Lễ tưởng niệm nhằm tri ân công lao to lớn của các vị danh tướng Đào Trí, Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương cùng hàng nghìn nghĩa sĩ, đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858-1860.  Với tinh thần chiến đấu, quân dân ta đã buộc liên quân Pháp – Tây Ban Nha phải rút khỏi Đà Nẵng sau hơn 18 tháng. 165 năm đã trôi qua nhưng sự kiện người Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước đánh thắng Pháp trận đầu đã đi vào tâm thức của hậu thế bằng niềm tự tôn dân tộc.

Tăng mức trợ cấp người có công từ ngày 5/9

Cũng nhằm tri ân các gia đình chính sách, từ ngày 5/9 tới đây, mức chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng sẽ tăng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng theo quy định mới. Đây là mức chuẩn làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi với người có công và thân nhân người có công. Cùng với đó, mức trợ cấp, phụ cấp với thương binh, thương binh loại B được tăng thêm 26,5% so với mức hưởng cũ.

“Đất nước tôi” khơi dậy niềm tự hào dân tộc Việt Nam

Kỷ niệm ngày quốc khánh 2/9, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tuyển chọn và giới thiệu hơn 80 tác phẩm hội họa đặc sắc, tôn vinh đất nước, con người Việt Nam qua từng thời kỳ tại triển lãm chuyên đề “Đất nước tôi”.

“Bình minh trên núi rừng Tây Nguyên” (Xu Man, Sơn mài, 1925-2007)

“Bến thuyền ở Cần Thơ” (Đặng Chung, Sơn dầu, 1981)

Đó là 2 trong những bức tranh đang được trưng bày tại triển lãm mang tên “ Đất nước tôi”. Từ cái tên cho đến hình ảnh đều được các tác giả truyền tải hết sức mộc mạc, giản dị nhưng vẫn đầy sức mạnh bởi nó chạm đến một miền cảm xúc vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, vừa ẩn sâu, thường trực trong mỗi con người.

80 tác phẩm trên nhiều chất liệu và bút pháp khác nhau, được sáng tác qua nhiều giai đoạn từ năm 1930 cho đến năm 2007. Bên cạnh việc trưng bày các tác phẩm bản gốc, Bảo tàng còn kết hợp với kỹ thuật trình chiếu và ảnh động cinemagraph mang đến công chúng trải nghiệm với cách thưởng lãm mới.

Thông qua buổi triển lãm này, công chúng có thêm cơ hội tiếp cận, chiêm ngưỡng, hiểu hơn hình ảnh con người Việt Nam hồn hậu, chất phác, yêu lao động. Mỗi tác phẩm đều thấm đẫm tình yêu dành cho quê hương, cho Tổ quốc của nhiều thế hệ họa sĩ Việt Nam. Triển lãm “Đất nước tôi” mở cửa phục vụ công chúng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) đến hết ngày 10/9.

Không khí Tết độc lập 02/09 nơi thủ đô

Cũng hân hoan trong trong ngày đại lễ của đất nước, tại thủ đô Hà Nội, trên khắp con phố, các ngả đường, người dân đã kết hoa treo cờ. Sắc đỏ cờ sao rợp trời tung bay, tạo sự xúc động, niềm tự hào thiêng liêng không chỉ đối với người dân TP mà cả với du khách có dịp dừng chân trên mảnh đất nghìn năm văn hiến ngày Tết Độc lập.

Lung linh và rực rỡ sắc màu!

Đó là khung cảnh Thủ đô Hà Nội trong những ngày này.

Trong kỳ nghỉ lễ dài 4 ngày, người dân ngoại ô Hà Nội đều đổ về các tuyến đường trung tâm, vừa ngắm cảnh đẹp Thủ đô, vừa tận hưởng sắc thu đang về. Tại phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, khung cảnh rộn ràng hơn thường lệ. Bên cạnh màn trình diễn của các bạn trẻ, bà Đỗ Toan và CLB Vũ điệu Hồ Gươm cũng đến đây, góp thêm tiếng hát ca ngợi quê hương đất nước.

Sinh ra trong hòa bình, đó là một điều may mắn. Vì vậy, để nhắc nhớ cho giới trẻ về giá trị của hòa bình, về lịch sử hào hùng của dân tộc, nhiều gia đình không quản ngại xa xôi đưa các con đến thăm Thủ đô, thăm Lăng Bác để tưởng nhớ và tri ân người cha già của dân tộc.

Dịp này, nhiều Phật tử cũng lên chùa, đảnh lễ Tam bảo, thực hiện các thời khóa cùng chư tôn đức. Giản dị, không cầu kỳ, tất cả người dân Hà Nội như đang tận hưởng 1 cái Tết độc lập thật ý nghĩa bên người thân và gia đình.

CỤM QUỐC TẾ

Phần cuối bản tin là những tin tức Quốc tế đang diễn ra. Tại Mỹ, một đợt trưng bày đặc biệt về Xá lợi đức Phật đến từ Ấn Độ đang diễn ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo những người yêu mến đạo Phật – tìm đến Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York.

Mỹ: Triển lãm nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ

Một trong những trưng bày thu hút sự quan tâm nhất liên quan đến Xá lợi Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu. Tiếp đến là triển lãm ‘Cây và Rắn – Nghệ thuật Phật giáo sơ khai ở Ấn Độ từ năm 200 trước Tây lịch đến năm 400 sau Tây lịch’. Triển lãm kéo dài đến ngày 13 tháng 11, trưng bày hơn 125 hiện vật Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu và khám phá nguồn gốc của nghệ thuật tạo hình Ấn Độ. Các hiện vật là các tác phẩm điêu khắc được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như vàng, bạc, đồng, đá vôi và thạch anh.

Nhật Bản: Nhiều bức tượng khổng lồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Trong khi đó tại Nhật Bản, hàng chục những bức tượng Phật khổng lồ nằm rải rác khắp đất nước mặt trời mọc đang rơi vào tình trạng hư hỏng nặng do nhiều nguyên nhân đã làm dấy lên lo ngại về an toàn, mất mỹ quan và là gánh nặng trong việc duy tu bảo dưỡng. Trong đó, có nhiều bức tượng nằm ngay giữa những toà nhà chung cư, trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Với chiều cao từ vài chục tới hơn trăm mét, các bức tượng này không mang lại hiệu quả kinh tế lại có nguy cơ gây mất an toàn cho các chuyến bay qua vào ban đêm. Cùng với đó những mảng xi măng bong tróc cũng có thể gây nguy hiểm cho người dân xung quanh nếu không may bị rơi trúng.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 02.09.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

16 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2620 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1638 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3729 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2695 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4634 lượt xem 0 Bình luận