Bản tin An Viên 24H 03.10.2023

04/10/2023 12:23:36 252 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 03.10.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Đại lão HT. Dương Nhơn – phó Pháp chủ GHPGVN viên tịch; Ban hành quy chế hoạt động BQT cơ sở tự viện của GHPGVN; Hải Dương: Lễ cầu an và đêm hội hoa đăng trên sông Cầu.

Đại lão Hòa thượng. Dương Nhơn – Phó Pháp Chủ GHPGVN viên tịch

Do niên cao lạp trưởng, Đại lão Hòa thượng Dương Nhơn, Phó Pháp chủ GHPGVN đã thu thần viên tịch vào lúc 1 giờ 17 phút ngày 3-10-2023, tại chùa Cần Đước, xã Thành Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Đại lão Hòa thượng Dương Nhơn sinh năm 1930, là vị giáo phẩm có uy tín đối với đồng bào Khmer nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Ngài được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng, được suy cử Hội trưởng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng liên tục nhiều năm, từ 2003 đến nay.

Đại lão Hòa thượng cũng từng đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự (2002-2017), Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Sóc Trăng (1993-2017), Phó ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Hậu Giang (1982-1992).

Ngài là Đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên UBTƯ MTTQVN khóa III, IV, V; Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQVN khóa VI, VII; Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng (1981-1986), Phó Chủ tịch không chuyên trách UBMTTQVN tỉnh Sóc Trăng khóa VI, VII.

ĐẠI LÃO HT. DƯƠNG NHƠN

PHÓ PHÁP CHỦ – GIÁM LUẬT HĐCM GHPGVN

– Nguyên Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN.

– Nguyên Đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.

– Nguyên Uỷ viên Uỷ ban TƯ MTTQVN.

– Nguyên Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Sóc Trăng.

– Nguyên Phó Chủ tịch UB MTTQVN tỉnh Sóc Trăng.

– Nguyên Hội trưởng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng.

– Nguyên Hiệu trưởng trường Trung cấp Pali Nam bộ tỉnh Sóc Trăng.

Sóc Trăng: Lễ nhập kim quan cố Đại lão Hòa thượng. Dương Nhơn

Vào lúc 13h00 chiều nay ngày 3/10, lễ nhập kim quan cố Đại lão hòa thượng Dương Nhơn, Đức Phó pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN đã được cử hành trang nghiêm, thành kính tại chùa Cần Đước, xã Thành Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Tại buổi lễ, Chư tôn đức đã cử hành các nghi thức truyền thống, cung thỉnh nhục thân tứ đại của cố Đại lão Hòa thượng tân viên tịch rời thiền thất hướng đến Giác linh đường, nơi tôn trí kim quan, ảnh vị của ngài tại chùa Cần Đước, xã Thành Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của cố Đại lão Hòa thượng Dương Nhơn đối với Đạo pháp và Dân tộc, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh quyết định tổ chức lễ tang theo nghi thức cấp cao của GHPGVN.

Lễ viếng chính thức từ 15h00 ngày 03 tháng 10 năm 2023.

Lễ truy điệu được cử hành lúc 17h00 ngày 06 tháng 10 năm 2023. Sau đó cung thỉnh kim quan cố Đại lão Hòa thượng trà tỳ trong khuôn viên Chùa Chanđa Sophone (chùa Cần Đước), xã Thạnh, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Ban hành Quy chế hoạt động BQT cơ sở tự viện Của GHPGVN

Ngày 03/10, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN vừa ký ban hành Quy chế hoạt động Ban Quản Trị cơ sở tự viện của GHPGVN nhiệm kỳ (2022-2027) và Thông tư Hướng dẫn thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện nhiệm kỳ 2022 – 2027. Theo đó, đây là lần đầu tiên Trung ương Giáo hội ban hành quy chế về nội dung này kể từ khi Hiến chương tu chỉnh lần thứ 7 được thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX vào cuối năm 2022.

Quy chế hoạt động Ban Quản Trị cơ sở tự viện của GHPGVN nhiệm kỳ (2022-2027) vừa được ban hành gồm có 4 chương, 20 điều đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN thông qua trước đó, vào ngày 30-9-2023, chính thức có hiệu lực áp dụng kể từ ngày ký ban hành.

Đồng thời với quy chế được ban hành, TƯGH cũng ra Thông tư Hướng dẫn thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện nhiệm kỳ 2022 – 2027 gồm 8 điều nhằm giải thích, làm rõ các nội dung quan trọng quy định trong Quy chế cũng như Hiến chương của GHPGVN.

CỤM TIN PHẬT SỰ

Hải Dương: Lễ cầu an và đêm hội hoa đăng trên sông Cầu

Tối 2/10, tại bến Vạn Kiếp, sông Lục Đầu, khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Ban Tổ chức Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2023 tổ chức Lễ cầu an và hội hoa đăng. Ước tính có khoảng 1 vạn người dân và du khách tham dự.

Tại buổi lễ, TT.Thích Thanh Vân, UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh cùng chư tôn đức thực hiện nghi thức cầu an, hội hoa đăng – điểm nhấn, nét đặc trưng trong Lễ hội mùa Thu Côn Sơn – Kiếp Bạc. Khoá lễ bắt đầu từ 19h đến 21h nhằm tôn vinh công đức của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn; tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Nghi lễ kết thúc bằng màn pháo bông rực sáng bến Vạn Kiếp. Người dân lần lượt xuống sông Lục Đầu thả hoa đăng gửi theo những ước nguyện tốt lành.

Bến Tre: Giao lưu nữ giới Phật giáo tiêu biểu năm 2023

Trong khi đó, cùng thời gian này, tại chùa Từ Huệ, huyện Châu Thành, Ban thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Bến Tre tổ chức buổi “Giao lưu Tổ Phụ nữ Phật giáo tiêu biểu 2023 và tiệc Buffet chay” nhằm ngày chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội LHPNVN (20/101930 – 20/10/2023). Chương trình nhằm tạo điều kiện để các Tổ phụ nữ Phật giáo được giao lưu, học hỏi. Dịp này, HLHPN tỉnh cũng biểu dương thành tích và khen thưởng cho các tập thể và cá nhân Tổ Phụ nữ Phật giáo tiêu biểu trong năm 2023.

Đồng bào Khmer sẵn sàng cho Lễ hội Sene Dolta

Chỉ còn 10 ngày nữa là Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer Nam Bộ sẽ chính thức bắt đầu. Ngay từ cuối tháng 9, rất nhiều hoạt động chuẩn bị cho lễ hội lớn này được ráo riết chuẩn bị.

Năm nay, Lễ Sen Dolta sẽ được tổ chức từ ngày 13-15/10 với các nghi lễ truyền thống. Mặc dù chưa đến ngày lễ chính, nhưng nhiều địa phương đã bắt đầu tổ chức các hoạt động để chào mừng và tạo không khí sôi động cho dịp lễ. Như hội đua bò Bảy Núi, An Giang vừa diễn ra thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách; hay hội cấy mạ mừng lễ Sene Dolta của các sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…

Để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer đón Lễ Sen Dolta theo tinh thần đoàn kết, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, UBND một số tỉnh thành đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành tại địa phương phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội dịp Lễ; tổ chức thăm, chúc mừng các tự viện Phật giáo hệ phái Nam tông Khmer, chư tôn đức, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí và những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer. Vận động giúp đỡ, hỗ trợ những gia đình khó khăn để mọi người, mọi nhà cùng an tâm đón mừng lễ Sen Dolta 2023 với tinh thần vui tươi, đầm ấm và đoàn kết.

CỤM ĐỊA PHƯƠNG

Tiếp theo sẽ là một số phật sự địa phương đáng chú ý tại Trà Vinh và Quảng Ninh

Trà Vinh

Nhân kỷ niệm 62 năm “Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” (04/10-1961 – 04/10/2023) và 22 năm “Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (04/10/2001 – 04/10/2023), hôm qua ngày 02/10, Công an huyện Cầu Kè, Trà Vinh phối hợp với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện tặng 44 bình chữa cháy cho các chùa Nam Tông Khmer. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; vận động bà con phật tử chấp hành tốt các quy định về phòng cháy chữa cháy và trang bị phương tiện phòng cháy tại chỗ để chủ động xử lý các vụ cháy.

Quảng Ninh

Chiều ngày 2/10, BTS GHPGVN thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh họp triển khai các hoạt động phật sự; hướng dẫn chư tăng, ni trụ trì các tự viện về công lý đất đai, lập quy hoạnh, thống kê diện tích để cấp quyền sử dụng đất tôn giáo. Theo đó, BTS sẽ đẩy nhanh các thủ tục về đất đai tại các tự viện địa phương.

Nâng bước em đến trường

Ước mơ được học, được đến trường, được vui chơi như các bạn đồng trang lứa là ước mơ giản dị của hầu hết các em học sinh tại những vùng sâu, vùng xa. Ở nơi đó, cuộc sống khó khăn, nghèo đói đã khiến các em cùng gia đình khó có thể quan tâm được đến việc học, việc đến trường. Thấu hiểu những thiệt thòi, thiếu thốn đó, thông qua Chương trình “Cùng em tới trường”, chư Tăng Ni các tự viện tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với các tình nguyện viên, sinh viên Đại học kinh tế Huế đã cùng nhau chung sức nuôi dưỡng ước mơ tới trường của nhiều học sinh nghèo.

Khi trời vẫn còn tối đen, rất đông chư Tăng Ni cùng các sinh viên tình nguyện có mặt tại trường Đại học Huế. Vượt qua chặng đường dài và phải di chuyển từ rất sớm nhưng các thành viên trong đoàn đều cảm thấy rất vui, hào hứng vì có thể trao đi yêu thương, giúp đỡ các em học sinh nghèo trên hành trình đi tìm tri thức.

Tại chùa Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa tỉnh Quảng Trị, nơi diễn ra chương trình “Cùng em tới trường lần 2”, rất đông các em học sinh khó khăn đã có mặt. Là một trong số những học sinh nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chư tôn đức trong chương trình mùa trước, em Hồ Thị Lúa, xã Hướng Phùng, cảm thấy rất vui khi kết quả học tập năm vừa rồi đã vươn lên khá giỏi và năm nay lại tiếp tục nhận được sự giúp đỡ này.

Chương trình đã trao 20 suất học bổng và hơn 400 phần quà gồm vở cặp sách tổng trị giá hơn 100 triệu đồng để tiếp bước các em tới trường trong năm học mới 2023 – 2024. Những món quà tuy nhỏ nhưng phần nào giúp giảm bớt gánh nặng chi phí học tập khi năm học mới, tạo động lực để các em vươn lên. Đây cũng là cách để lan tỏa tinh thần từ bi, giúp Phật pháp len lỏi khắp mọi nơi.

Lớp học dưới bóng chùa Làng

Cũng với mong muốn khuyến học, cung cấp tri thức cho trẻ em nghèo, mở ra cơ hội đổi đời, vươn lên trong cuộc sống, tại Quảng Trị, một lớp học miễn phí đã được mở ra gần 20 năm qua trong ngôi chùa Lập Thạch. Tấm lòng yêu thương của chư tăng nơi đây cùng những giáo viên nhiệt tình cống hiến, tận tụy sớm chiều đã giúp các em thêm yêu lớp, tự tin khi đến trường, và bố mẹ yên tâm làm việc.

Trong không gian thanh tịnh của buổi sáng, tiếng ê a trong trẻo của những trẻ nhỏ đều đặn vang lên dưới mái già lam. Gần 20 năm qua, các lớp học như thế này được mở ra miễn phí cho các em học sinh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Vật Lý, hơn 200 em học sinh đến đây còn được học các môn ngoại khóa như võ thuật, cờ tướng, kỹ năng sống…

Năm 2003, lớp học đầu tiên được khai giảng. Đến nay chùa đã dạy kiến thức văn hóa, kỹ năng cho hơn 3.000 lượt học sinh từ lớp 2 đến lớp 9. Đây không chỉ là môi trường học tập hiệu quả, mà còn là nơi rèn luyện sức khỏe, vui chơi bổ ích cho các em. Toàn bộ giáo viên đứng lớp đều là thầy cô có kinh nghiệm sư phạm, giàu tình thương con trẻ.

Chính sự từ bi, nhân ái của quý thầy cô đã giúp khơi dậy tình yêu thương, lòng biết ơn, ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng trong con trẻ. Dù mỗi em một hoàn cảnh nhưng khi tề tựu dưới mái trường đặc biệt như ngôi nhà thứ 2 này, thì đều trở nên thân thiết như những người anh em để rồi giúp đỡ, động viên nhau cùng học tập tiến bộ. Và khi những mầm non tương lai của đất nước biết vươn lên, đâm chồi mạnh mẽ, thì đó cũng là niềm hạnh phúc của chư tăng nơi đây.

Văn hóa, thể thao gắn kết các tôn giáo

Đã từ lâu, các hoạt động văn hoá, thể thao là sợi dây gắn kết giữa con người với con người. Với đặc điểm như vậy, trong thời gian qua các địa phương đã có sáng kiến tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hoá, thể thao góp phần tạo nên sự hoà hợp, đoàn kết giữa các tôn giáo. Trong Tiêu điểm của Bản tin hôm nay xin được đề cập tới các hoạt động ý nghĩa này.

“Ngày hội văn hoá – thể thao thanh niên dân tộc, tôn  giáo”,  “Giải giao lưu bóng đá các tôn giáo”, “ Cuộc thi những tấm gương bình dị mà cao quý”, “Lễ hội mùa xuân” hay “Liên hoan văn nghệ các tôn giáo, tín ngưỡng” .v.v. Đó là những sự kiện Văn hóa – Thể thao dành riêng cho chức sắc, tín đồ các tôn giáo mà các địa phương đã tổ chức trong thời gian qua. Đây là dịp để mỗi người thể hiện tình yêu thương, tinh thần đoàn kết, đồng lòng phụng sự Tổ quốc, dân tộc, đúng theo tinh thần “tốt đời, đẹp đạo” mà các tôn giáo luôn hướng tới.

Thể thao nâng cao sức khỏe, điều mà tất cả những VĐV các tôn giáo có thể cảm nhận khi tham dự Giải giao lưu bóng đá do Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ TP. Đà Nẵng tổ chức. Là chương trình thường niên, sự kiện không chỉ khích lệ phong trào rèn luyện thể dục thể thao mà còn tạo môi trường giao lưu, gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị làm công tác tôn giáo với các tổ chức tôn giáo, khẳng định sự đoàn kết giữa các tôn giáo trên địa bàn thành phố.

Khoẻ để học tập, lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…có khoẻ mới có thể hết lòng phụng sự Giáo hội…trên tinh thần đó mà chư Tăng Ni, Phật tử luôn được khuyến khích rèn luyện thể dục, thể thao. Hoạt động không chỉ mang lại sự cường tráng về thể chất, phát triển trí tuệ, phong phú về tinh thần mà còn giúp chư Tăng Ni có lối sống lành mạnh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Giáo hội. 

Với tinh thần phụng sự, Phật giáo các địa phương trong thời gian qua tham gia nhiệt tình các hoạt động thể thao gắn kết tôn giáo. Như trong Ngày hội văn hóa-thể thao thanh niên dân tộc, tôn giáo huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam vừa qua, Các chùa trên địa bàn huyện và đông đảo Phật tử đã tích cực tham dự cùng với 17 xã, thị trấn với nhiều hoạt động mang tinh thần Phật giáo.

Tại sự kiện, các đơn vị đã chuẩn bị công phu cho những tiết mục văn nghệ, bên cạnh những nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, truyền thống đấu tranh bảo vệ tổ quốc, một số tiết mục đã chuyển tải thông điệp Phật giáo hòa mình cùng dân tộc, tôn vinh giá trị đạo Phật trong dòng sử Việt.

Mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên đồng bào dân tộc và tín đồ các tôn giáo trong đời sống xã hội cũng là tiêu chỉ của đoàn Phật giáo tỉnh Thái Nguyên khi tham dự Ngày hội văn hóa, thể thao tôn giáo tỉnh Thái Nguyên lần thứ II vừa qua. Đây là dịp để các vị chức sắc, tôn giáo tiếp tục củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào các tôn giáo trên địa bàn, đồng thời góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.

Tại đây, chư tôn đức đã thi đấu các môn cầu lông, bóng bàn, bóng đá trên tinh thần “Đoàn kết – trung thực – cao thượng”, tuân thủ luật thi đấu và quy định của Ban Tổ chức, thi đấu hết mình, cống hiến cho khán giả những trận đấu chất lượng, thu hút đông đảo cổ động viên đến ủng hộ. Theo dõi chư tôn đức thể hiện các kỹ năng qua các môn thể thao vừa lạ mà vừa quen.

Sinh hoạt Phật giáo luôn hướng con người đến sự chân – thiện – mỹ, hòa hợp và đoàn kết. Bởi thế, hình ảnh chư Tăng cùng quý chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo bạn cùng tham dự các sự kiện, ngày hội văn hóa – thể thao thực sự là bức tranh đẹp, thể hiện mối quan hệ nồng thắm giữa các tôn giáo. Qua đó củng cố sự gắn bó giữa đồng bào các tôn giáo, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.

CỤM TIN VĂN HOÁ

Xin được chuyển sang 1 số tin tức văn hóa đáng chú ý. Mới đây vở Đại vũ kịch mang tên “Sắc màu tuổi thơ Vol5: Lắng” đã khép lại tại Nhà hát Lớn Hà Nội. 52 vũ công nhí đã dẫn dắt khán giả trải qua những cung bậc cảm xúc đa dạng, thú vị của Hà Nội bốn mùa.

Vũ công nhí kể chuyện Hà Nội bốn mùa qua đại vũ kịch độc đáo

52 vũ công nhí đã tập luyện suốt 1 năm để biểu diễn 2 đêm duy nhất tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trong hơn 110 phút trình diễn liên tục 24 trích đoạn, vở đại vũ kịch đã khắc họa cuộc sống của Hà Nội chân thực và gần gũi, sử dụng vũ điệu và âm nhạc để tái hiện lại vẻ đẹp thủ đô qua 4 mùa trong năm. Sự cộng hưởng giữa những bước nhảy đầy đam mê cùng kịch bản lớp lang, giàu cảm xúc, thêm vào đó là sự đầu tư kỹ lưỡng về âm thanh, ánh sáng đã giúp đại vũ kịch Sắc màu tuổi thơ Vol.05: Lắng thực sự trở thành hành trình khơi dậy cảm xúc cho khán giả.

“Thuỷ Triều Cảm Xúc” – Triển lãm truyền cảm hứng của hoạ sỹ – Bệnh nhân ung thư

Từ ngày 4/10/2023 đến ngày 30/3/2024, tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom, HN diễn ra triển lãm sắp đặt quy mô lớn mang tên “Thủy triều cảm xúc”, lần đầu tiên giới thiệu tại Việt Nam các tác phẩm của nữ nghệ sĩ người Nhật Bản Chiharu Shiota, một trong những tên tuổi hàng đầu thế giới về nghệ thuật ý niệm. Tác phẩm chính cùng tên triển lãm phủ kín không gian rộng lớn với mạng lưới chỉ đỏ – chất liệu tiêu biểu cho thực hành nghệ thuật của Chiharu Shiota – kết nối với những con thuyền cũ ẩn chứa vô số ẩn dụ về đất nước Việt Nam, nơi đường bờ biển trải dài ngút tầm mắt. Với thông điệp mang tính phổ quát và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đây là sự kiện nghệ thuật ý nghĩa, mở ra góc nhìn mới mẻ đa chiều đối với thế giới và cuộc sống.

Ra mắt triển lãm Mỹ thuật trực tuyến trên nền tảng số

MC: Sáng 3-10, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (Virtual Art Exhibition Space – VAES), nhân kỷ niệm Ngày chuyển đổi số quốc gia 10-10.

VAES là kết quả của sự hợp tác giữa Bảo tàng Mỹ thuật VN và Công ty Cổ phần Vietsoftpro, xuất phát từ mục đích đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng và ứng dụng chuyển đổi số vào quảng bá nền văn hóa, nghệ thuật Việt Nam. Đặc biệt, trên nền tảng của VAES, người xem có thể tiếp cận với các triển lãm và tác phẩm nghệ thuật mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có thiết bị kết nối internet. Không những thế, người yêu nghệ thuật có thể tương tác và tham gia quá trình tìm hiểu về tác phẩm bằng cách gửi phản hồi, chia sẻ ý kiến với nghệ sĩ và cộng đồng nghệ thuật.

Không còn bị giới hạn về khoảng cách địa lý, thời gian diễn ra triển lãm, hay cơ sở vật chất để thể hiện cá tính nghệ thuật của hoạ sĩ. Với không gian VAES, các bảo tàng có thể kết nối, chia sẻ dữ liệu tạo lên kho nghệ thuật khổng lồ, đa dạng. Nhờ tính năng đa dạng hóa thiết kế không gian, VAES cho phép tạo lập các không gian triển lãm linh hoạt, phản ánh bản sắc riêng của từng triển lãm và cá nhân nghệ sĩ.

Ra mắt triển lãm mỹ thuật trực tuyến trên nền tảng số không chỉ đáp ứng được nhu cầu thực tế cũng như phát huy hiệu quả hơn các bộ sưu tập của các tổ chức cá nhân, mà còn góp phần gia tăng cơ hội cho các nghệ sĩ Việt Nam giới thiệu tác phẩm của mình tới công chúng quốc tế, cũng như cho thế giới thấy được nền nghệ thuật phát triển mạnh mẽ đầy sức sống tại Việt Nam.

Mộc bản Phật giáo thu hút khách du lịch

Bắc Giang là mảnh đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Và nhắc đến Bắc Giang, đến Tây Yên Tử không thể không nói đến vẻ đẹp văn hóa tâm linh nơi đây, đặc biệt là Chùa Vĩnh Nghiêm, nơi được coi là chốn tổ Thiền phái Trúc Lâm. Ngôi cổ tự hơn 700 năm tuổi còn là nơi lưu giữ hệ thống Mộc Bản – Di sản tư liệu thế giới – khu vực châu Á Thái Bình Dương. Với những giá trị lịch sử tiêu biểu đó, ngôi chùa thu hút hàng triệu du khách mỗi năm về chiêm bái.

Chùa Vĩnh Nghiêm những ngày tháng 8, tấp nập các đoàn khách tìm về chốn tổ chiêm bái, lễ Phật. Chị Hương, người con Bắc Giang, dù rất thân thuộc với chốn già lam này, nhưng vẫn luôn chọn nơi đây là điểm xuất phát cho mọi chuyến đi. Bởi với chị, đến chùa lễ Phật chính là sự khởi đầu cho hành trình suôn sẻ, thuận lợi và bình an. Và chuyến thăm quan của những cựu học sinh trường cấp 3 Hiệp Hoà hôm nay cũng được khởi đầu như thế.

Cùng với vẻ đẹp kiến trúc được bảo tồn gần như nguyên vẹn, Vĩnh Nghiêm tự còn đặc biệt thu hút du khách bởi kho tư liệu mộc bản quý giá. Hơn 3000 tấm mộc bản được khắc từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt.

Số lượng du khách đến với chùa Vĩnh Nghiêm tăng qua mỗi năm không chỉ khẳng định giá trị, sức hút của mộc bản, mà còn cả sự đúng đắn trong tu bổ, cải tạo, nâng cấp các hạng mục, điển hình là hoàn thành xây dựng Nhà lưu giữ mộc bản, mở rộng khuôn viên chùa… của chư tăng chùa Vĩnh Nghiêm nói riêng và BTS GHPGVN tỉnh Bắc Giang nói chung. Đó cũng là cách Phật giáo nơi đây góp phần giới thiệu lịch sử và phát triển du lịch địa phương.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 03.10.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

20 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2573 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1541 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3691 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2639 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4603 lượt xem 0 Bình luận