Bản tin An Viên 24H 06.07.2023

07/07/2023 09:12:35 758 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 06.07.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: BTS GHPGVN tỉnh Bình Phước sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm 2023, Tăng cường vận động đoàn kết tôn giáo, Tháng 7 – Tri ân những người đã ngã xuống vì dân tộc.

Bình Phước: Sơ kết công tác phật sự 6 tháng đầu năm 2023

Sáng ngày 6/7, tại chùa Tỉnh Hội; BTS GHPGVN tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội nghị Sơ kết hoạt động Phật sự 6 tháng đầu năm 2023 và thảo luận thông qua chương trình Phật sự 6 tháng cuối năm.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, các ban ngành chuyên môn trực thuộc Ban Trị sự đã phối hợp, tổ chức thành công Đại lễ Phật Đản tại Chùa Tỉnh Hội và tại các huyện thị với nhiều hoạt động nhân văn, ý nghĩa; khai mở hai trường hạ ở Chùa Tỉnh Hội và Chùa Quang Minh cho 250 chư tăng ni hành giả; tổ chức thăm và cúng dường trường hạ an cư; công bố và trao quyết định các ban chuyên môn. Đặc biệt, Phật giáo tỉnh Bình Phước đã tích cực tham gia công tác an sinh xã hội với tổng kinh phí hơn 22,6 tỷ đồng.

Đối với Phật sự 6 tháng cuối năm, BTS tiếp tục tổ chức Khóa tu, đạo tràng, khóa trại GĐPT, đẩy mạnh thông tin truyền thông, hướng dẫn Tăng Ni tu học theo tinh thần giới luật và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, để ổn định sinh hoạt của Giáo hội.

Đồng Nai: BTS GHPGVN tỉnh thăm các trường hạ an cư

Nằm trong chương trình Phật sự tháng 7/2023, đoàn BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai vừa có chuyến thăm các hạ trường nhân mùa an cư tại TP.Biên Hoà và huyện Xuân Lộc.

Tại thành phố Biên Hoà, đoàn đã đến thăm, sách tấn chư hành giả an cư tại tổ đình Long Thiền và chùa Hoàng Ân. Theo báo cáo, trường hạ tổ đình Long Thiền có 40 chư Tăng an cư và trường hạ chùa Hoàng Ân 89 hành giả Ni. Ngoài ra, TP.Biên Hòa còn có 4 điểm an cư tại chỗ, gồm: Quan Âm tu viện, tổ đình Phước Viên, chùa Viên Thông, Đại Giác cổ tự.

Trước đó, đoàn cũng đã tới thăm và sách tấn BTS GHPGVN huyện Xuân Lộc và 286 hành giả An cư tại hạ trường Tăng – chùa Linh Phú và hạ trường Ni – chùa Bảo Quang. Tại mỗi điểm đến, đoàn cúng dường và khuyến tấn chư hành giả về việc duy trì giới luật nhằm giữ gìn mạng mạch của Phật pháp.

Tăng cường vận động đoàn kết tôn giáo

Ngày 5/7,  Ban thường trực Ủy  ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Công tác vận động, đoàn kết các tôn giáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – Những vấn đề cần quan tâm”. Đây là dịp để các đại biểu góp ý kiến nhằm phát huy nguồn lực của các tôn giáo trong giai đoạn phát triển mới.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm, Mặt trận cần tiếp tục tăng cường tập hợp tâm tư, nguyện vọng của các tôn giáo; giám sát, phản biện xã hội, tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nhằm phát huy nguồn lực của các tôn giáo. Trong đó, cần chú trọng việc đổi mới công tác vận động, đoàn kết, tập hợp tôn giáo.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo với trên 26 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số cả nước) của 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động. Bên cạnh đó, còn khoảng 100 nhóm, phái và hiện tượng tôn giáo mới đang tồn tại. Vận động, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong công tác tôn giáo.

Giọt dầu công đức – Nét đẹp văn hoá việt

Phát tâm công đức “giọt dầu” là nét văn hóa mang ý nghĩa đẹp, thể hiện sức lao động, sự chắt chiu của phật tử, góp chút công đức xây dựng, tu bổ đền, chùa. Có hiệu lực từ ngày 19/3/2023, Thông tư số 04 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đang nhận được sự đồng thuận của người dân, cũng như các tự viện.

TP.Vũng Tàu hiện có 18 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó có 4 cơ sở tôn giáo thuộc di tích sử văn hoá cấp quốc gia, gồm: Thích ca Phật đài, Niết bàn tịnh xá, Linh sơn cổ tự, và chùa Phước Lâm. Theo thống kê, mỗi năm, nguồn công đức do nhân dân đóng góp vào tự viện ước khoảng hơn 500 triệu đồng. Chư tôn đức quản lý cơ sở chịu trách nhiệm sử dụng tiền công đức vào mục đích tu bổ, xây dựng, duy trì sinh hoạt.

Từ xưa tới nay, việc “phát tâm công đức giọt dầu” là nét đẹp văn hóa, là thói quen của nhiều người mỗi khi tới các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, với mong muốn cầu an, đóng góp công sức để các cơ sở tự viện duy trì hoạt động.  

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 04/2023 hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm phân định, tách bạch tiền công đức, tiền tài trợ cho hoạt động tôn giáo với các loại tiền công đức tài trợ khác.. Đây là cách để tiền công đức phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích chung cho cộng đồng..

Theo Thông tư số 04 của Bộ Tài chính, Nhà nước không quản lý tiền công đức, mà người đại diện cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tự quyết, tự chịu trách nhiệm. Điều đó cho thấy, thông tư này là văn bản pháp lý góp phần minh bạch tiền công đức, tài trợ nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng.

Ấn tống kinh sách – lan tỏa lời Phật dạy

 Ấn tống kinh sách đem lại nhiều phước báu, giúp lan tỏa lời Phật dạy tới mọi đối tượng trong xã hội. Nhiều năm qua, chùa Đại Giác, TX.Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vẫn duy trì Phật sự ý nghĩa này để lời kinh tiếng kệ tiếp cận những người hữu duyên; chung tay xây dựng cuộc sống sẻ chia, giúp mọi người vượt qua nỗi khổ, niềm đau.

Đều đặn cuối tuần, Phật tử Diệu Luyến cùng các Phật tử chùa Đại Giác, TX.Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh lại lên chùa trợ duyên chư tôn đức tại phòng ấn tống kinh sách. Kinh A Di Đà, Kinh sám hối, kinh nhật tụng… được dàn trang, in ấn, đóng cuốn vuông vắn, trang nghiêm. Việc ấn tống và cúng dường kinh sách đem lại niềm an vui lợi lạc to lớn cho mỗi Phật tử.

Hàng ngàn cuốn kinh đã được tặng nhiều gia đình tại địa phương, giúp các Phật tử tại gia có cơ hội tiếp cận kinh sách chính thống, để những lời kinh tiếng kệ vẫn đều đặn vang lên từng thời. Thấm nhuần lời Phật dạy, ai cũng cảm thấy an yên, hạnh phúc; nguyện lánh dữ làm lành.

Bên cạnh ấn tống, chùa Đại Giác cũng xây dựng thư viện kinh sách dành cho mọi lứa tuổi, đặc biệt hướng tới các Phật tử trẻ. Từ đó, các em tiếp cận với nguồn tư liệu Phật giáo phong phú, nuôi dưỡng nhân cách, ươm mầm trí tuệ nơi không gian thanh tịnh chốn thiền môn.

Tháng 7 – Tri ân những người đã ngã xuống vì dân tộc

Ngay từ đầu tháng 7 lịch sử, nhiều chương trình tri ân các anh hùng liệt sĩ đã diễn ra sôi nổi khắp cả nước, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc đều thấm đẫm sự hi sinh của các anh, để giờ đây mỗi bước phát triển của dân tộc Việt Nam đều nhắc đến các anh, lớp trẻ ngày nay luôn tưởng nhớ và gọi tên những anh hùng bất tử của dân tộc. Trong chuyên mục tiêu điểm ngày hôm nay, kính mời quý vị cùng theo dõi những câu chuyện, những con người đầy nghĩa tình đi cùng năm tháng.

Những năm qua, nước ta luôn quan tâm, thực hiện nhiều chính sách và chế độ cho thương binh – liệt sĩ, phát động toàn dân tích cực tham gia phong trào Đền ơn, đáp nghĩa. Tuy nhiên đã 48 mùa xuân qua kể từ khi đất nước được độc lập, hòa bình song đến nay vẫn còn 50 vạn liệt sĩ chưa xác định được thông tin, trong đó có 18 vạn hài cốt liệt sĩ đang nằm ở các chiến trường Việt Nam, Lào, Campuchia. Hàng vạn bà mẹ, hàng vạn người vợ, người con vẫn day dứt nỗi lòng vì chưa thực hiện được ước nguyện tìm thấy và đưa phần mộ của các anh hùng, liệt sĩ trở về với quê hương.

Nhằm tạo nguồn kinh phí cho hoạt động tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, sẻ chia với các gia đình cách mạng, trong nhiều năm qua, Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam phối hợp cùng Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia đã tổ chức phát động chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ – 2023.

Từ khi triển khai chương trình nhắn tin lần đầu tiên vào năm 2012 đến nay, chương trình trở thành hoạt động nhân văn sâu sắc, được nhân dân và chiến sĩ cả nước nhiệt tình ủng hộ, đóng góp bằng nhiều hình thức. Qua đó cùng chung tay, chung sức xoa dịu nỗi đau do chiến tranh để lại. 12 năm thực hiện chương trình, đồng bào, chiến sĩ cả nước đã ủng hộ gần 10 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền qua tin nhắn được Hội sử dụng để hỗ trợ giám định ADN, xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin, tặng sổ tiết kiệm, nhà tình nghĩa, tặng quà các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi người chỉ cần nhắn tin với cú pháp “TALS” gửi Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1405 là đã đóng góp được 20.000 đồng cho Quỹ tri ân liệt sĩ. Qua đó, góp phần bày tỏ sự biết ơn, trân trọng lòng quả cảm hy sinh của các tầng lớp nhân dân, đồng thời sẻ chia với các gia đình có thân nhân ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Hết rồi, cái cảnh bom rơi

Toàn dân tưởng nhớ ơn người biết bao

Suốt đời thầm nguyện ước ao

Vong linh chiến sĩ, bay cao trường tồn

Là một nữ y tá từng tham gia chiến đấu, thấu hiểu nỗi đau, mất mát của chiến tranh và tâm niệm rằng những việc làm của mình là để sưởi ấm các đồng chí, đồng đội đã hy sinh; tròn 20 năm qua, bà Nguyễn Thị Diên ở xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã tự nguyện chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sỹ. Dù đã gần 80 tuổi nhưng không quản nắng mưa, đều đặn hằng ngày, bà Diên đều đến nghĩa trang liệt sĩ của xã làm người quản trang thầm lặng. Đối với bà, được góp một phần công sức nhỏ bé, chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sĩ anh dũng hi sinh vì đất nước là niềm hạnh phúc lớn lao.

Nghĩa trang liệt sĩ xã Cam Thủy hiện có 232 phần mộ các anh hùng liệt sĩ, trong đó có nhiều phần mộ chưa biết tên. Bà Diên đã đảm nhiệm chăm sóc những phần mộ này như thân nhân của mình. Câu chuyện lặng thầm đầy xúc động của bà Diên góp phần làm cho đạo lí “uống nước nhớ nguồn” lan tỏa và nhân lên

Đồng hành cùng dân tộc, nhiều năm qua, Phật giáo các cấp có rất nhiều hoạt động ý nghĩa trong phong trào đền ơn đáp nghĩa nêu cao tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”.

Năm nào cũng vậy, gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Kim ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn đều chào đón chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh đến thăm nom. Mẹ Kim có 2 người con đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Dù đã 93 tuổi, nhưng Mẹ vẫn minh mẫn để có thể cảm nhận được tình cảm của chư tôn đức dành cho Mẹ…( Tiếng hiện trường)

Cảm phục, tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những đóng góp to lớn của Mẹ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, BTS nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Kim. Thường xuyên ân cần hỏi thăm, chăm sóc Mẹ. Đó như một cách đền đáp ân nghĩa, tri ân động viên Mẹ và gia đình tiếp tục giữ vững truyền thống và cũng là giáo dục lớp trẻ ghi nhớ công ơn đối với những hy sinh, đóng góp xương máu, công sức của các thế hệ cha ông.

Song song với hoạt động chăm lo Mẹ Việt Nam anh hùng, Phật giáo các cấp cũng thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách. Họ đã thực sự xúc động khi năm nào cũng nhận được sự quan tâm của chư tôn đức, nhân dân, Phật tử. Và vẫn luôn tự hào vì đã hy sinh một phần cơ thể của bản thân cho bình yên của Tổ quốc.

Còn ở vùng biên cương Tây Bắc, tỉnh Điện Biên hiện có 8 nghĩa trang với hơn 6.600 phần mộ liệt sỹ hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến. Có những phần mộ cho đến bây giờ vẫn không có thông tin, liệt sĩ vô danh,… Hằng năm, hướng đến ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Phật giáo tỉnh Điện Biên đều có những hoạt động ý nghĩa, nhằm tri ân báo ân những anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, dân tộc,… Với tấm lòng biết ơn vô hạn, lòng từ bi chan hòa pháp giới, bằng Phật lực gia trì, năng lực chú nguyện của chư tôn đức Tăng Ni cũng như các Phật tử, anh linh các anh hùng liệt sĩ chắc chắn sẽ siêu thoát.

Bằng nhiều việc làm khác nhau, các cơ quan ban ngành cũng như Phật giáo các cấp đã thể hiện tấm lòng thành kính, tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì nền độc lập hòa bình dân tộc ngày hôm nay, và xoa dịu nỗi đau của những người ở lại. Và có lẽ bất kì người Việt nào cũng mang trong mình cảm xúc như lời bài thơ “Các anh ơi” của tác giả Đào Mạnh Thạnh:

Cả đất nước tưởng nhớ một ngày chung

Hương khói tỏa muôn trùng bao thương tiếc

Từ rừng sâu ,núi sông, hay biển biếc

Lại trào dâng thương tiếc những anh linh

Toàn dân tộc lại kính cẩn nghiêng mình

Nhang khói tỏa …

…..kính dâng hồn liệt sĩ…….

Trung Quốc: Thiền hành kỷ niệm 40 năm khai mở núi linh cửu

Chư tôn đức và quý Phật tử từ khắp nơi trên thế giới đã vân tập tại chân núi và cùng hành hương. Trong không gian linh thiêng, từng bước chân chánh niệm đã hòa vào khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, khai mở lòng từ bi theo phong cách thiền của núi Linh Cửu. Dịp này lễ, kỷ niệm đã được tổ chức trọng thể với các nghi thức và tiết mục nghệ thuật truyền thống, khuyến khích Phật tử tiếp tục áp dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, hướng tới những giá trị chân thiện mỹ.

Thái Lan: Chung tay xóa bỏ khói thuốc lá trong trường học

Tại Thái Lan, Chư tôn đức tại Bangkok đã tích cực phối hợp Quỹ chiến dịch không khói thuốc lá triển khai tại 62 trường học, 13 mô hình phối hợp tại 10 tỉnh, thành trên toàn quốc. Cũng tại đây, Chư tôn đức nhận kỷ niệm chương cho những nỗ lực đẩy lùi khói thuốc lá trong trường học thời gian qua. Hiện nay, theo thống kê của Ủy ban phòng chống tác hại thuốc lá Thái Lan, cả nước có 9,9 triệu người hút thuốc lá, chiếm 17,4% dân số, trong đó số lượng người hút thuốc lá trong độ tuổi vị thành niên từ 15 – 24 đang báo động với hơn 3 triệu người.

Đà Nẵng: Cầu Vàng là biểu tượng du lịch thế giới

Tạp chí luxebook của Ấn Độ ca ngợi, cầu Vàng là một biểu tượng mới của du lịch Đà Nẵng kể từ khi khánh thành vào tháng 6/2018. Trong 5 năm qua, cầu Vàng đã trở thành một trong những địa điểm Check-in nổi tiếng tại thành phố biển bên bờ sông Hàn, thu hút  không chỉ du khách nội địa, mà là một lựa chọn tham quan ưa thích của nhiều khách du lịch nước ngoài khi tới Đà Nẵng.

Danh thắng Tràng An truyền cảm hứng cho các quốc gia

Còn tại Ninh Bình, mới đây, “Hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam” đã được Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức. Các chuyên gia đánh giá Kể từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới năm 2014, Quần thể Danh thắng Tràng An luôn được đánh giá kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Qua đó, Nơi đây đã trở thành hình mẫu thành công trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng giữa phát triể U n và bảo tồn di sản, truyền cảm hứng cho các quốc gia thành viên.

Đồng hồ Christophe Claret với hình ảnh Hai Hà Trưng của nghệ sĩ việt

Tại Thuỵ Sỹ, hãng đồng hồ nổi tiếng Christophe Claret đã khắc hoạ hình ảnh hai vị nữ tướng cưỡi voi của Việt Nam lên mặt đồng hồ. Đáng chú ý, bức tranh là một tác phẩm được chính tay hoạ sĩ người Việt – Xuân Lam tái hiện dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống theo phong cách đương đại. Chiếc đồng hồ Hai Bà Trưng được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật thể hiện tinh thần anh hùng và sự sáng tạo, nhận được sự yêu thích của các tín đồ đồng hồ và những người yêu nghệ thuật.

Thăm ngôi chùa lưu giữ lịch sử dân tộc nơi làng quê yên bình

Phật giáo luôn nêu cao truyền thống đi đầu trong khối đại đoàn kết dân tộc và tham gia phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đã có hàng nghìn tăng ni, Phật tử trở thành chiến sĩ yêu nước trong chiến tranh. Nhiều ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng. Và ở nơi phố biển Nha Trang, có một ngôi chùa mang dấu ấn vị tu sĩ đã có công trong công cuộc đấu tranh, thống nhất đất nước.

Chùa Sắc Tứ Thiên Ân toạ lạc tại xã Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, tuy đơn sơ, nhưng có một ý nghĩa rất lớn với lịch sử của dân tộc. Năm 1930, ngôi cổ tự này là nơi bồ tát Thích Quảng Đức thừa kế trụ trì và hành đạo đến năm 1945.  Một tấm bia tưởng niệm ngày Ngài vị pháp thiêu thân được đặt trang trọng tại chùa như chứng nhân cho những đóng góp to lớn của ngài cho nền độc lập dân tộc.

Di sản của Bồ tát để lại không chỉ là những kỷ vật hữu hình mà cả những di sản về mặt tinh thần đối với hàng chư tăng ni và Phật tử hậu học. Từ ngày ngài trụ trì chùa Thiên Ân đến nay, ngôi chùa đã trở thành điểm tựa tâm linh và là nơi tu tập của đông đảo Phật tử ở địa phương cũng như tỉnh Khánh Hòa.

Chùa Sắc tứ Thiên Ân ngày nay không chỉ lưu giữ những giá trị lịch sử mà còn là nơi Phật tử sớm tối đi về tụng kinh, niệm Phật, tu nhân hướng thiện tại làng quê yên bình Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa. Mỗi Phật tử khi đến với chùa đều nguyện nương theo công đức của Bồ tát để tu tập, trở thành người đệ tử Phật phụng sự Tam Bảo.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 06.07.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 trên kênh YouTube anvientvbchannel.

14 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2573 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1542 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3691 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2642 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4603 lượt xem 0 Bình luận