Bản tin An Viên 24H 06.10.2023
Bản tin An Viên 24H 06.10.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Trang nghiêm cử hành lễ truy điệu và trà-tỳ kim quan cố Đại lão Hoà thượng Dương Nhơn; Lễ rước nước cầu quốc thái dân an; Học viện PGVN tại TP.HCM tổng khai giảng năm học 2023-2024.
Trung ương giáo hội viếng tang cố Đại lão Hoà thượng Dương Nhơn
Trong chiều ngày 05.10 và 06.10, phái đoàn TƯGH và Phật giáo các địa phương đã trở về chùa Cần Đước, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng viếng tang cố Đại lão HT.Dương Nhơn, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Chiều nay ngày 06.10, phái đoàn chư tôn giáo phẩm lãnh đạo HĐTS do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội làm trưởng đoàn đã quang lâm chùa Cần Đước, tỉnh Sóc Trăng thành kính viếng tang cố Đại lão Hòa thượng Dương Nhơn – Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM GHPGVN.
Trước Giác linh đài, chư Tôn giáo phẩm thành kính dâng nén tâm hương, nhất tâm cầu nguyện Giác linh cố Đại lão Hòa thượng được cao đăng Phật quốc. Phái đoàn hữu nhiễu kim quan, thành kính tiễn biệt người pháp lữ.
Ghi sổ tang lưu niệm, Hòa thượng Chủ tịch cùng chư tôn giáo phẩm lãnh đạo HĐTS cho biết Giáo hội và môn đồ pháp quyến vừa mất đi một vị cao tăng, một vị thầy khả kính và đức hạnh.
Chiều ngày 05.10, Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty, Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh, Phó Pháp chủ HĐCM cùng Chư tôn Giáo phẩm Ban thường trực HĐCM đã trang nghiêm niêm hương cúng dường, tụng kinh cầu nguyện Giác linh cố Đại lão Hoà thượng tân viên tịch cao đăng Phật quốc.
Chư tôn giáo phẩm HĐCM đã hữu nhiễu kim quan, bày tỏ niềm kính trọng đối với vị giáo phẩm đã suốt một đời cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc, nỗ lực xây dựng khối đại đoàn kết, vì sự ổn định, an lạc cho số đông.
Cũng trong niềm kính tiếc, Ban Giáo dục Phật giáo, Ban TTXH, Ban HDPT, Ban Hoằng pháp TƯGH, VP2 T.Ư; BTS, Hội ĐKSSYN các tỉnh Long An, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bình Phước; đoàn Phân ban Ni Giới TƯ, TP.HCM, các đoàn Phật giáo là các tự viện trong và ngoài tỉnh, quý Phật tử đã về tưởng niệm cố Đại lão HT.Dương Nhơn.
Trang nghiêm cử hành lễ truy điệu và trà-tỳ kim quan cố Đại lão Hoà thượng Dương Nhơn
Sau một tuần trang nghiêm diễn ra tang lễ, chiều ngày 06.10 (nhằm ngày 22.08 năm Quý Mão), lễ trà-tỳ kim quan cố Đại lão HT.Dương Nhơn trong khuôn viên chùa Cần Đước, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng được trọng thể cử hành. Trong giờ phút vĩnh biệt, Trung ương Giáo hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer và tỉnh Sóc Trăng long trọng Truy niệm, tưởng nhớ công đức của cố Đại lão Hòa Thượng suốt một đời dâng hiến phụng sự Đạo pháp và Dân tộc.
Trước Giác linh đài Cố Đại lão Hòa Thượng Dương Nhơn, Trưởng lão HT. Tăng Nô cung tuyên tiểu sử, ôn lại hành trạng một đời tu hành với 93 năm trụ thế của Ngài. Trong thời gian ý nghĩa đó, Ngài đã có nhiều cống hiến vì Đạo pháp và Dân tộc. Đại lão Hòa Thượng đảm đương nhiều cương vị như Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Nguyên PCT HĐTS, Đại biểu Quốc hội khoá IX, Nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQVN, Nguyên Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Sóc Trăng, Nguyên Hội trưởng Hội ĐKSSYN tỉnh Sóc Trăng và nhiều cương vị quan trọng khác.
Ghi nhận và biểu dương những đóng góp của Cố Đại lão Hòa thượng, Đảng, Nhà nước, GHPGVN đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Thay mặt TƯGH, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS dâng điếu văn tưởng niệm, khẳng định cố Đại lão Hòa thượng đã tiếp chúng độ sinh, thừa hành Phật pháp, hoằng truyền giáo pháp Nam tông, làm cho gương đạo hạnh tỏa ngát hương lành, hạnh nguyện lợi tha sáng soi như nhật nguyệt, pháp âm vang dội khắp Đồng bằng sông nước Cửu Long, đậm nét chân truyền, chan hòa tình đạo pháp, nghĩa đồng bào.
Sau lễ truy điệu, Chư tôn giáo phẩm cùng đông đảo Phật tử hướng về đài hỏa táng, trì tụng kinh văn theo nghi lễ Bắc truyền và Nam truyền, cầu nguyện giác linh cố Đại lão Hoà thượng tân viên tịch cao đăng Phật quốc trong khi chư Tăng hệ phái Nam tông thực hiện nghi thức trà-tỳ.
Trước đó, sáng cùng ngày nơi Giác linh đường, chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer thực hiện nghi thức của hệ phái, cung thỉnh Kim quan cố đại lão Hoà thượng Dương Nhơn di chuyển trong khuôn viên chùa và nhiễu Phật ba vòng Chánh điện. Trong không khí trang nghiêm, đông đảo Phật tử đảnh lễ, thể hiện lòng tôn kính đến vị cao tăng cả một đời vì Đạo pháp, Dân tộc.
Sóc Trăng: Phật tử địa phương tiễn biệt Hoà thượng Dương Nhơn
Cố Đại lão Hòa Thượng Dương Nhơn – Phó pháp chủ kiêm giám luật Hội đồng chứng minh GHPGVN viên tịch đã khiến cho bà con làng quê Thạnh Phú của tỉnh Sóc Trăng nghẹn ngào, tiếc thương. Với lòng kính trọng và niềm thương yêu, môn đồ Pháp quyến, đồng bào phật tử cùng nhau phối hợp với Ban tổ chức lo tang lễ thật chu đáo, cầu nguyện giác linh cố Đại lão Hòa thượng cao đăng Phật quốc.
Trong suốt thời gian làm lễ tang, rất nhiều đoàn đại diện lãnh đạo Trung ương, địa phương; Ban trị sự GHPGVN các địa phương, chư chư tăng và phật tử trong và ngoài tỉnh đã đến chia buồn, thắp hương cầu nguyện trước Giác linh đài của cố Đại lão Hòa thượng. Trong dòng người đến tiễn đưa, có người chu đáo sắp xếp việc nhà để hợp sức phụ giúp lễ tang thật tận tụy, hoàn mỹ. Không ai bảo ai, mỗi người xung phong nhận nhiệm vụ mà không quản ngại ngày đêm để tiếp đón cộng đồng phật tử tứ phương đến viếng.
Đại đức Lâm Chanh Sầm Nang là đệ tử thế phát của cố đại lão Hòa Thượng, được ngài dìu dắt tu tập đến hiện tại đã 21 năm. Cố Đại lão Hòa thượng viên tịch là mất mát lớn lao đối với vị Tăng trẻ này, nhưng vượt tất cả, đại đức động viên mọi người chung tay lo cho tang lễ thật trang nghiêm, đầy đủ nghi thức.
Cố Đại lão hòa thượng Dương Nhơn trở về cõi Phật, để lại sự bồi hồi, ngậm ngùi cho môn đồ tăng ni, phật tử. Nhớ lời dạy chân thành và giáo huấn cao thượng, Ban quản trị, chư Tăng và đồng bào phật tử trong phum sóc sẽ cố gắng tu tập, xiển dương đạo pháp ngày càng vững mạnh và phát triển, xứng đáng là môn đồ tiêu biểu của vị giáo phẩm khả kính.
Cao Bằng: Lễ rước nước cầu quốc thái dân an
Sáng ngày 06.10, tại Chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, TƯGH tổ chức lễ rước nước cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà. Đây là sự kiện ý nghĩa trong Lễ hội Du lịch thác Bản Giốc. Tham dự có lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND, MTTQVN tỉnh và BTC lễ hội du lịch thác Bản Giốc, đông đảo quần chúng nhân dân, du khách thập phương.
Từ 00h, ngày 06.10 đoàn làm lễ lấy nước thiêng tại chân thác Bản Giốc rước lên chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc. Với người dân nơi địa đầu Tổ quốc, dòng Quây Sơn như mạch nguồn sự sống, tưới mát ruộng đồng. Nhiều đoạn, dòng sông cũng là đường biên giới tự nhiên, đánh dấu chủ quyền biên giới quốc gia và chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc cũng như một cột mốc tâm linh nơi biên cương Đông Bắc.
Sau nghi thức rước nước thiêng, sáng nay, các đoàn đại biểu, nhân dân thành kính cử hành nghi thức niệm hương và làm lễ cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà.
Đây là một trong những hoạt động thường niên có ý nghĩa đặc biệt, đồng thời là dịp giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, vùng đất, con người của huyện Trùng Khánh đến với bạn bè trong nước và quốc tế, gắn hoạt động văn hóa tâm linh với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế -xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại địa phương.
Học viện PGVN tại TP.HCM tổng khai giảng năm học 2023-2024
Cũng trong ngày 06.10, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã Tổng khai giảng năm học 2023-2024 tại cơ sở 2 (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Trong không khí hân hoan, chư tôn đức chúc mừng gần 300 tân Tăng, Ni sinh khóa XVIII bắt đầu hành trình học tập tại trung tâm giáo dục Phật học có quy mô lớn và chất lượng cao; khuyến tấn Tăng Ni sinh không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi tri thức, nghiên cứu khoa học để lĩnh hội trọn vẹn nguồn kiến thức quý giá được truyền trao.
Sau 39 năm hình thành, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM hiện có hơn 1.000 Tăng, Ni sinh đang theo học. Dịp này, chư tôn đức đại diện 12 khoa chuyên môn lần lượt giới thiệu chương trình đào tạo và giải đáp các thắc mắc của các tân Tăng Ni sinh.
Hải Phòng: Đại hội Uỷ ban Hoà bình TP nhiệm kỳ 2023 – 2028
Trong khi đó tại Hải Phòng, Ủy ban Hòa bình thành phố vừa tổ chức Đại hội, bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 35 vị. Hòa thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TP, được suy cử vị trí Phó Chủ tịch Ủy ban. Dịp này, Hoà thượng đã có bài tham về “Hoạt động vì hòa bình, chống chiến tranh hạt nhân trên thế giới”, qua đó nhấn mạnh, từ khi du nhập vào Việt Nam Phật giáo được tôn vinh là tôn giáo hoà bình, trọng lễ nghĩa, phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc.
Cụm từ thiện
Sáng ngày 06.10 tại Hậu Giang, chư Tôn đức BTS GHPGVN TP.Vị Thanh cùng Hội khuyến học Thành phố trao 50 suất học bổng “Học không bao giờ cùng” lần thứ II năm 2023 cho các em học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn, góp phần tiếp bước tới trường, viết tiếp ước mơ với hành trang tri thức. Tổng giá trị của đợt trao tặng là 215 triệu đồng.
Trước đó tại tỉnh Bạc Liêu, Hội Từ thiện Chùa Bửu Linh, huyện Hòa Bình,l do ĐĐ.Thích Huệ Thường – Trụ trì kiêm Hội trưởng, đã trao tặng 27 triệu đồng tới hộ gia đình bà Nguyễn Thị Oanh 63 tuổi, cư ngụ thị xã Giá Rai. Qua đó, tiếp sức hoàn cảnh gia đình khó khăn, đau ốm, không có khả năng lao động, động viên gia đình mau chóng ổn định đời sống.
Cần Thơ: Tích cực chuẩn bị Tết SENE DOLTA 2023
Tết Sene Dolta của người Khmer đang đến rất gần, và lễ hội đua ghe Ngo là một hoạt động quan trọng trong dịp này, nhằm thể hiện tình cảm và lòng biết ơn đối với sông ngòi đã bù đắp phù sa mang đến nhiều nguồn lợi dồi dào cho sự sống của con người. Các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang tích cực chuẩn bị cho lễ hội đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia này.
Còn khoảng hơn 1 tuần nữa mới đến Tết Sene Dolta của đồng bào Khmer nhưng thời gian này không khí chuẩn bị đã rộn ràng khắp các phum sóc. Một lễ bàn giao ghe ngo từ UBND huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ cho ban quản trị chùa Settodor đã diễn ra long trọng với sự tham dự của chính quyền địa phương, chư Tăng Nam tông Khmer TP.Cần Thơ và đội dự thi của chùa. Ai nấy đều rất phấn khởi mong chờ đến ngày dự thi.
Lễ hội đua ghe ngo từ lâu không chỉ là hoạt động thể thao, thể hiện tính cộng đồng mà còn có ý nghĩa văn hóa, tâm linh đặc biệt với đồng bào dân tộc Khmer. Mỗi chiếc ghe ngo đại diện cho chùa, cho phum sóc người Khmer tham gia tranh tài; và mỗi chiếc có một biểu tượng riêng.
Năm nay, các tự viện Phật giáo Khmer TP.Cần Thơ cũng đã có sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng cho cuộc tranh tài đua ghe ngo dịp Tết Sene Dolta; hướng tới một tinh thần vui tươi, đầm ấm trong mùa tri ân tháng 9.
Nơi lan toả tri thức Phật giáo
Tại Việt Nam, kinh sách giáo lý đạo Phật được xuất bản, ấn hành và truyền bá hết sức phong phú, đa dạng. Tuy nhiên việc thất lạc kinh sách do thiên tai, hoả hoạn, binh biến, hay việc phục hồi, xuất bản với nhiều bản dịch khác nhau đều gây khó cho chư tăng ni và người yêu mến đạo Phật trong việc tu học và nghiên cứu. Chính vì vậy, sự ra đời của một Trung tâm Biên phiên dịch tư liệu Phật giáo Quốc tế với tâm nguyện Việt hoá, phổ cập kinh điển Phật giáo trở nên vô cùng thiết thực vào năm 2019. Kỷ niệm 4 năm thành lập Trung tâm, cùng nhìn lại những dấu mốc mà chư tôn đức, Tăng ni nơi đây đã nỗ lực đạt được.
Phòng Pháp Âm của TTBPDTLPGQT. Đây là nơi đã cho ra đời hàng trăm đầu sách nói. Thiết bị hiện đại, nội dung phong phú, sách nói không chỉ thu hút đông đảo và đa dạng các thế hệ thính giả, mà còn cho thấy sự nhanh nhạy, nắm bắt xu hướng độc giả trong cuộc sống hiện đại.
Không chỉ phòng Pháp Âm, ban lãnh đạo trung tâm còn chú trọng ứng dụng công nghệ số vào nhiều hạng mục như: số hoá 500 tác phẩm kinh điển, những tác phẩm kinh luận luật thuộc dạng miễn phí hoặc đã hết bản quyền trên trang web vbeta.vn; hợp tác với một số đơn vị phát hành sách điện tử và sách nói; review sách khi có tác phẩm mới…
Bên cạnh các sản phẩm số hoá, thì với sự nỗ lực của ban lãnh đạo trung tâm, sự miệt mài của các dịch giả với từng con chữ, sự cần mẫn của các tổ hiệu đính, sự chăm chỉ của tổ biên tập thì tính đến ngày 6/10/2023, trung tâm đã phát hành 114 tác phẩm, xuất bản hơn 400 nghìn bản có giá trị ứng dụng và ảnh hưởng lớn trong đời sống.
Có được những thành tựu bước đầu đó, TTBPDTLPGQT phải trải qua những năm đầu khó khăn khi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đội ngũ nhân lực ít ỏi. Bởi dù lực lượng tăng tài và giới nghiên cứu trong nước đông đảo nhưng việc vừa phải hiểu giáo lý, giỏi ngôn ngữ nguồn (chữ Pali, Hán cổ…), và có kinh nghiệm biên phiên dịch là một thách thức lớn. Vi dụ như bản Phật thuyết Kinh A Di ĐÀ, Bát Nhã Tâm kinh… có trên dưới 300 bản dịch khác nhau.
Ban lãnh đạo trung tâm đã lên kế hoạch từ ngắn hạn đến dài hạn để xây dựng đội ngũ biên phiên dịch. Trong đó, trước mắt là hợp tác với chư Tăng ni, các nhà nghiên cứu đã từng đi du học; Đào tạo ngắn hạn và trung hạn với Viện Trần Nhân Tông, trường KHXH&NV để bồi dưỡng kỹ năng biên dịch và kiến thức Phật học cho sinh viện khoa Hán Nôm; lâu dài, cử nhân sự trung tâm đi du học.
Với chính sách đúng đắn, sau 4 năm, đến nay Trung tâm đã có 76 nhân sự làm việc trực tiếp và 135 nhân sự làm việc online. Liên hệ đưa 7 vị du học ở Đài Loan (TQ), 3 vị ở Ấn Độ. Cơ sở vật chất cũng được xây dựng khang trang. Trên diện tích 600 m2, TTBPDTLPGQT gồm 6 tầng, với 6 phòng ban và 1 nhà sách Vĩnh Nghiêm đầy đủ trang thiết bị.
Khi sự phát triển về nhân lực, cơ sở vật chất được đảm bảo thì cũng là lúc giá trị của trung tâm được lan toả. Như trong tháng 4, đầu năm 2023, triển lãm Kinh Điển Phật giáo lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội đã tạo làn sóng thu hút đông đảo công chúng. Đây không chỉ là niềm hạnh phúc của chư tôn đức, mà còn với những Phật tử luôn đồng hành, hộ trì trung tâm từ những ngày đầu.
Niềm vui của người con Phật chính là truyền tải giáo lý Phật giáo tới tất cả độc giả. Chính vì vậy trung tâm đã tổ chức nhiều chương trình cúng dường tủ sách Phật học cho các học viện, cơ sở thờ tự, trường học vùng sâu vùng xa, bệnh viện, và trại giam… Niềm hân hoan của các bé, giây phút tĩnh tâm của người phạm tội, hay sự an nhiên từ người bệnh chính là động lực cho tất cả thành viên nỗ lực trên hành trình lan tỏa tri thức Phật giáo.
Với kết quả đã đạt được, TTBPDTLPGQT đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ dịch xong phần Tịnh Độ trong Đại Tạng Kinh; 3 năm tiếp theo sẽ dịch xong phần A Hàm; và cứ gối đầu 2 năm thì dịch xong 1 hợp phần của Đại tạng kinh. Biết rằng mỗi hợp phần khoảng 30 tập, mỗi tập khoảng 1 nghìn trang.
Chặng đường 4 năm mới chỉ là bắt đầu. Và với những mục tiêu rất lớn đề ra, TTBPDTLPGQT trực thuộc Ban Phật giáo Quốc Tế Trung ương, GHPGVN sẽ không chỉ mang ánh sáng Phật pháp đến với những người Việt yêu mến đạo Phật, mà còn giúp thế giới hiểu hơn lịch sử Phật giáo Việt Nam, cũng như hình ảnh, tinh thần nhập thế của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Rõ ràng ý nghĩa của trung tâm không chỉ nằm ở 3 chữ biên phiên dịch, mà trở thành sợi dây, kết nối Phật giáo Việt với thế giới.
Nhiều ngôi đình cổ ở Thanh Hoá xuống cấp nghiêm trọng
Là nơi phát tích của vương triều Nguyễn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa còn giữ được số lượng các đình làng cổ nhiều nhất trong tỉnh với 27 ngôi đình có tuổi đời từ 200 đến 600 năm, đã được xếp hạng, công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tuy nhiên, tại đây, hiện có gần 20 ngôi đình đang rơi vào tình trạng xuống cấp hết sức nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Đình Quan Chiêm ở xã Hà Giang, huyện Hà Trung, là công trình cổ với quy mô, cấu trúc và nghệ thuật điêu khắc công phu, tinh xảo trong hệ thống đình làng xứ Thanh. Tuy nhiên, trải qua hơn 200 năm, đến nay hầu hết các hạng mục của tòa đại đình trong tình trạng mục hỏng, xập xệ. Các hàng cột gỗ lim, câu đầu, kẻ bẩy… bị mối mục, tiêu tâm. Đáng lo ngại hơn cả là hệ thống chân cột đã bị lún sâu xuống nền từ 5-20 cm.
Cách đình Quan Chiêm khoảng 5km, là đình làng Đô Mỹ, của xã Hà Tân, cũng đang xuống cấp nặng nề. Vốn là một tòa đại đình mang nhiều giá trị lịch sử nhưng các hạng mục kiến trúc gốc còn lại đều đã hư hỏng, các kết cấu gỗ không còn khả năng liên kết và chịu lực. Để bảo vệ ngôi đình, người dân và chính quyền địa phương phải dùng cột sắt, cột tre, gia cố tạm thời.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn từ năm 2021- 2025, UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ huyện Hà Trung kinh phí bảo quản, tu bổ 11 di tích, trong đó có 10 di tích là đình làng. Tuy nhiên, ngân sách tối đa không quá 1 tỷ đồng cho di tích thì khó để trùng tu, tôn tạo.
Trong khi đợi ngành Văn hóa và huyện Hà Trung thực hiện các quy trình, thủ tục về di sản văn hóa, xây dựng, đầu tư… theo quy định của pháp luật thì các ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Độc đáo nghệ thuật khảm sành sứ cung đình Huế
Du khách đến tham quan khu vực Tử Cấm Thành, tỉnh TT-Huế đều ngỡ ngàng với vẻ đẹp bên ngoài nổi bật, lộng lẫy, nguy nga của điện Kiến Trung, đang được bàn tay tài hoa của những người thợ khảm sành sứ giỏi nhất đất Cố đô phục dựng. Nghệ thuật trang trí sành sứ được xem như chiếc “áo choàng” rực rỡ, thổi hồn vào ngôi điện mang phong cách kiến trúc Đông Dương độc đáo này, tạo điểm nhấn giữa không gian cổ kính trầm mặc của Cung đình Huế.
Điện Kiến Trung bên trong Tử Cấm Thành Huế đang trong quá trình hoàn thiện phần trang trí khảm sành sứ, đây là điểm nhấn quan trọng nhất của công trình. Nghệ thuật khảm sành sứ được xem là một trong những thành tựu nổi bật của mỹ thuật thời Nguyễn, đỉnh cao ở thời vua Khải Định. Việc phục dựng lại Điện Kiến Trung từ phế tích, thực sự là thách thức không nhỏ đối với những người thợ khảm sành sứ hiện nay, để làm sao đảm bảo được sự đồng nhất về phong cách với những công trình khác cùng thời.
Chỉ với hai dụng cụ đơn giản là chiếc kìm bấm và chiếc bay nhỏ, bàn tay cắt tỉa tài hoa của người thợ đã biến những mảnh sành sứ thô cứng trở nên mềm mại, được ghép tài tình thành hàng ngàn hình ảnh với nhiều chủ đề trang trí khác nhau. Có những chi tiết được cắt tỉa tỉ mỉ chỉ vài cm, tạo nên những chi tiết sống động, uyển chuyển và rực rỡ sắc màu.
Nghệ thuật khảm sành sứ ở TT-Huế, có từ thế kỷ XVII và đạt đến phát triển đỉnh cao vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; trong đó tiêu biểu có công trình Điện Kiến Trung. Dự án Phục hồi và tôn tạo ngôi điện này được khởi công vào năm 2019 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Đây là dấu mốc quan trọng trong hành trình 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 06.10.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
19 lượt thích 0 bình luận