Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.12.2023
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 06.12.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Đoàn Phật giáo Việt Nam dự pháp hội trùng tụng kinh Pali tại Bồ Đề Đạo Tràng; Đồng Nai: Họp mặt các tổ chức tôn giáo năm 2023; Góp sức của đại biểu chức sắc đối với sự phát triển địa phương.
Đoàn Phật giáo Việt Nam dự pháp hội trùng tụng kinh Pali tại Bồ Đề Đạo Tràng
Từ ngày 2 đến 12.12, pháp hội trùng tụng kinh tạng Pali quốc tế lần thứ XVIII được tổ chức tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya, Ấn Độ). Phái đoàn Phật giáo Việt Nam do HT.Thích Bửu Chánh, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa TƯGH dẫn đầu, cùng 600 Tăng Ni và Phật tử, đã tham dự sự kiện.
Pháp hội năm nay còn có sự tham gia của Chư Tăng Ni, Phật từ đến từ các quốc gia: Ấn Độ, Nepal, Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh, Campuchia, Lào… Đại diện đoàn Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Bửu Chánh có bài phát biểu chúc mừng và tán thán chư vị tham gia pháp hội thuộc các truyền thống Phật giáo các nước bằng tiếng Anh và tiếng Pali. Theo chương trình, pháp hội diễn ra đến hết ngày 12.12.
Theo truyền thống, mỗi năm, tại Bodh Gaya, Ấn Độ, đông đáo Tăng Ni, Phật tử từ khắp nơi trên thế giới tụ hội về trùng tụng lại Tam tạng Thánh điển Pāli, tạo nên sự lan tỏa lời Đức Phật dạy đến với mọi người trên thế giới.
Đồng Nai: Họp mặt các tổ chức tôn giáo năm 2023
Vừa qua, Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai họp mặt các tổ chức tôn giáo năm 2023. Đây là dịp tỉnh và các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo gặp gỡ, trao đổi thông tin về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh địa phương.
Đại diện Ban Tôn giáo tỉnh biểu dương các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo đã tích cực tham gia vận động bà con tín đồ thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, nhân đạo từ thiện. Đồng thời mong muốn thắt chặt mối gắn kết giữa chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể với các tôn giáo, phát huy phương châm sống “tốt đời đẹp đạo”.
Dịp này, chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh gửi lời cảm ơn các cấp chính quyền đã hỗ trợ chư Tăng Ni, Phật tử tỉnh sinh hoạt tôn giáo, và sẽ tiếp tục vận động tín đồ tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội năm 2023 của tỉnh.
Cụm tin Phật sự
Hậu Giang: Chuẩn bị cho hội nghị tổng kết Phật sự 2023
Sáng ngày 07.12, BTS GHPGVN tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ bố tát và họp Tăng sự định kỳ, đánh giá các Phật sự đã triển khai trong tháng, chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết Phật sự năm 2023.
Tại cuộc họp, Chư tôn đức đã lắng nghe kết quả các Phật sự vừa qua, đặc biệt, công tác từ thiện xã hội với số tiền huy động trên 800 triệu đồng. Chư tôn đức đã thảo luận kế hoạch tổ chức Hội nghị Tổng kết Phật sự 2023, thống nhất việc tặng bằng công đức cho các tập thể cá nhân có đóng góp trong năm. Trước đó, Lễ bố tát đã được diễn ra trang nghiêm, nhằm thanh tịnh ba nghiệp, tăng trưởng đạo tâm.
Đồng Nai: BTS GHPGVN tỉnh làm việc với Phật giáo huyện Vĩnh Cửu
Cùng ngày tại Đồng Nai, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã đến thăm và làm việc cùng Ban Trị sự GHPGVN huyện Vĩnh Cửu. Tại đây, chư Tôn đức nghe báo cáo Phật sự năm 2023, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết một số vướng mắc. Dịp này, một số nội dung quan trọng của Hiến chương Giáo hội, Quy chế về Ban Quản trị cơ sở Tự viện cũng được triển khai.
Tinh thần nhập thế của tác phẩm “Cư Trần Lạc Đạo”
Đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông không chỉ là một vị anh hùng có công lớn trong kháng chiến chống quân Nguyên mà còn là một danh nhân văn hóa, một thiền sư sắc sảo, uyên bác với nhiều tác phẩm thơ phú đặc sắc mang đậm màu sắc Thiền tông đời Trần. Các tác phẩm của Ngài phá vỡ khoảng cách giữa lý luận và thực tế, gắn kết Đạo và Đời. Và “Cư Trần Lạc Đạo Phú” là một tác phẩm tiêu biểu, phản ánh sâu sắc tinh thần nhập thế của bậc vĩ nhân.
Cư trần lạc đạo là một bài thiền kệ được trích trong bài phú cùng tên của Giác hoàng Trần Nhân Tông, được xem là biểu tượng trí tuệ tâm linh của Phật giáo Việt Nam thời đại nhà Trần. Bài kệ gồm bốn câu thơ Đường luật, mà giá trị triết lý nhập thế của nó đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam:
“Ở đời vui đạo, hãy tùy duyên
Khát uống, đói ăn, mệt ngủ liền
Báu sẵn trong nhà, đừng kiếm nữa
Vô tâm trước cảnh hỏi chi Thiền”
Ý nghĩa của xuất thế – nhập thế trong thiền – cuộc sống trong “Cư Trần Lạc Đạo” chính là tinh thần “tự tại”, “tự nhiên”, “vô trụ”, “vô chấp”, “Phật tại tâm” của Thiền tông Đại Việt.
Khi Thiền sư Trần Nhân Tông dạy: “Khát uống, đói ăn, mệt ngủ liền” là dạy cách thuận theo quy luật tự nhiên, “ở đời vui đạo” chứ không phải “ở đời vui đời” vốn nhiều đắm nhiễm. “Báu sẵn trong nhà, đừng kiếm nữa” là tiến trình nhận thức, quay vào bên trong, thay vì tìm kiếm bên ngoài. Thái độ “thôi tìm kiếm” được Thiền sư Trần Nhân Tông nêu ra trong bài kệ này là nhằm khẳng định rằng mỗi người đã sẵn tuệ giác hay Phật tính bên trong, không phải nhọc công tìm kiếm.
“Vô tâm trước cảnh, hỏi chi thiền” là lời giải đáp về bản chất của thiền Phật giáo, đối trước trần cảnh mà tâm bất động, không xao động, không bị nhiễm, quyết chí rèn luyện, tiến tu. Có thể thấy, bài kệ “Ở đời vui đạo” của Thiền sư Trần Nhân Tông là tiến trình nhập thế tích cực, nhẹ nhàng, thông qua đó, hiểu và áp dụng được những phương pháp tu tâm ngay giữa chốn trần gian nhiều phiền não.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong giảm nghèo
Với tinh thần hết lòng vì người dân nghèo, thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh Bến Tre luôn trú trọng công tác vận động xã hội hóa nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, các tổ chức trong đó có Phật giáo đã chung tay cùng chính quyền địa phương chăm lo giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nhiều năm qua, tịnh xá Bồ Đề tại thị trấn Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đã trở thành điểm sáng trong công tác từ thiện xã hội. Nhiều hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, nhiều ngôi nhà tình nghĩa được chư tăng, phật tử vận động xây dựng, mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho bà con.
Để giảm nghèo bền vững, UBMTTQVN huyện Mỏ Cày Nam cùng với các tổ chức thành viên, các chức sắc tôn giáo tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia an sinh xã hội. Công tác chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn luôn được đặc biệt quan tâm với trọng tâm là xây nhà đại đoàn kết, hỗ trợ sinh kế.
Những kết quả đạt được thời gian qua đã góp phần củng cố niềm tin, khẳng định vị trí, vai trò của mặt trận tổ quốc và sức mạnh kết nối các tấm lòng hảo tâm của Phật giáo vì an sinh xã hội, ổn định và phát triển địa phương.
Góp sức của đại biểu chức sắc đối với sự phát triển địa phương
Trong thời gian qua, chức sắc tôn giáo có vai trò đặc biệt đối với sự phát triển của các địa phương. Chính vì thế, nhiều tỉnh thành tổ chức các hội nghị để gặp mặt, lắng nghe ý kiến của chư tôn đức. Ngay trong các kỳ họp HĐND, tiếng nói của chức sắc tôn giáo cũng được đề cao khi gắn đạo với đời, quan tâm nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Đây là lần đầu tiên Bắc Ninh tổ chức Hội nghị gặp mặt các chức sắc Phật giáo. Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo tỉnh thông tin về tình hình kinh tế, chính trị, giao thông của tỉnh trong năm 2023 – nhiệm vụ năm 2024, và tình hình tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Để có những kết quả khởi sắc đó, không thể không kể đến những đóng góp của Giáo hội các cấp như một nguồn lực của sự phát triển.
Hội nghị chính là dịp để chư tôn đức Tăng Ni nói lên ý kiến, quan điểm của mình, cũng như đưa ra các câu hỏi, kiến nghị liên quan nhằm nâng cao quản lý Tăng Ni tự viện; hay việc đóng góp cho địa phương thông qua các hoạt động từ thiện an sinh xã hội, tuyên truyền nhân dân Phật tử sống tốt đời đẹp đạo,… Mỗi năm việc gặp gỡ, làm việc giữa chư tôn đức và lãnh đạo các cơ quan ban ngành tỉnh đều diễn ra nhưng việc tổ chức 1 Hội nghị chính thức cho thấy sự quan tâm của địa phương đến tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng; và mong muốn đóng góp ý kiến, góp phần xây dựng quê hương của chư Tăng Ni.
Hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có 613 chùa, trong đó 3 ngôi chùa là di tích cấp quốc gia, hơn 500 Tăng Ni đang sinh hoạt. Những năm qua, ngoài công tác Phật sự, Phật giáo các cấp trong tỉnh thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các hoạt động từ thiện, nhân đạo. Để có được kết quả này chính là một phần lớn nhờ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp và nỗ lực, đoàn kết của chư Tăng Ni toàn tỉnh. Lãnh đạo các cấp cũng khẳng định vai trò quan trọng của Phật giáo trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân; đánh giá cao những đóng góp của GHPGVN tỉnh, chư tăng ni, Phật tử trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của quê hương.
Không chỉ riêng Bắc Ninh, nhiều địa phương cũng đã tổ chức gặp mặt, lắng nghe những đóng góp của chức sắc tôn giáo. Tại tỉnh Đắk Nông, trong buổi làm việc, gặp mặt giữa Sở Nội vụ tỉnh phối hợp với Ban Dân vận, UBMTTQVN, Công an tỉnh và chư tôn đức Phật giáo tỉnh; công tác quản lý, hỗ trợ các huyện còn vướng mắc về thủ tục thành lập cơ sở, điểm sinh hoạt Tôn giáo tập trung đã được giải quyết; bởi chỉ khi chư Tăng Ni, Phật tử ổn định việc sinh hoạt; thì mới có thể yên tâm phụng sự, đóng góp cho địa phương. Việc phối kết hợp với cơ quan ban ngành các cấp để tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, quan tâm đến đời sống bà con vùng sâu vùng xa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng được quan tâm đặc biệt tại địa phương nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Đắk Nông.
Bên cạnh những cuộc đối thoại tôn giáo thì các kỳ họp của HĐND các cấp cũng là nơi để những người tu sĩ Phật giáo đại diện cho đồng bào nhân dân, Phật tử tham gia chất vấn, thảo luận, đóng góp ý kiến, đề xuất xây dựng những chủ trương, chính sách quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Là một trong 50 đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình khoá XV, NK 2021 – 2026, dù bận rộn với các công tác Phật sự nhưng TT.Thích Minh Quang, Uỷ viên Thư ký HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh luôn dành thời gian để tiếp xúc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các cử tri và người dân để từ đó có những đề đạt kịp thời tới các cấp chính quyền tại các kỳ họp của HĐND tỉnh. Mới đây nhất, qua chuyến khảo sát các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh, Thượng tọa nhận nhiều ý kiến hay từ chư Tăng Ni, Phật tử và người dân để góp phần phát huy các giá trị di tích vào phát triển văn hoá – xã hội và kinh tế của địa phương.
Cũng với tinh thần làm việc cần mẫn của một người tu sĩ Phật giáo, Hoà thượng Thích Huệ Vinh – Đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng luôn quan tâm, gần gũi người dân. Trước mỗi kỳ họp của HĐND, Hoà thượng luôn dành thời gian xuống địa bàn, cơ sở để lắng nghe ý kiến, góp ý của cử tri về những vấn đề, vướng mắc trong các hoạt động xã hội, văn hoá, giáo dục và tôn giáo .v.v. qua đó tổng hợp đề xuất lên HĐND và các ban ngành liên quan.
Không quản ngại gian khó, luôn có thể xuất hiện ở bất cứ địa bàn nào từ thành thị tới nông thôn, các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nên chư Tăng Ni GHPGVN có thể thấu hiểu dân sinh, nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc của bà con trong cuộc sống…Cũng chính vì vậy mà trong vai trò đại biểu HĐND, chư Tăng Ni luôn đưa ra được những ý kiến, đề xuất xác đáng, thiết thực, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là trong các chương trình an sinh, từ thiện.
Có thể nói, chư Tăng Ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tinh thần “sống tốt đời, đẹp đạo”, trong vài trò của người đại biểu HĐND các cấp đã và đang tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh trong đấu tranh với cái xấu, điều ác; nỗ lực làm việc tốt, điều thiện. Bằng những hành động thiết thực, các đại biểu Phật giáo từng bước khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng trong các mặt hoạt động vì sự phát triển của mỗi địa phương.
Cụm tin văn hoá
Ấn tượng với “Ký ức thời hoa lửa”
Chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 – 22.12.2023) và 78 năm Ngày truyền thống Quân khu 7 (10.12.1945 – 10.12.2023), ngày 5.12 tại Bảo tàng Quân khu 7 (quận Tân Bình, TP.HCM), Cục Chính trị Quân khu 7 phối hợp Cục Chính trị Quân đoàn 4 tổ chức Triển lãm chuyên đề “Ký ức thời hoa lửa”.
Triển lãm trưng bày gần 200 hiện vật, tư liệu được chia thành ba phần: Thư, nhật ký chiến trường; cuộc chiến thời bình; bộ sưu tập Báo Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đó là những kỷ vật của các văn nghệ sĩ, phóng viên, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam… Triển lãm góp phần khắc họa sinh động hình ảnh và phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, luôn sống lạc quan, yêu đời, thủy chung, son sắt, tin tưởng vào thắng lợi của đất nước.
Hà Nam – Điểm đến văn hoá địa phương hàng đầu thế giới
Với những giá trị văn hóa, lịch sử phong phú, hấp dẫn riêng có, lần đầu tiên Hà Nam được Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”. Để có chiến thắng này, Hà Nam vượt qua nhiều “đối thủ” xuất sắc khác như: thành phố George Town (Malaysia), thành phố Gjirokastër (Albania), thung lũng Kathmandu Valley (Nepal), thành phố Oaxaca (Mexico). Hà Nam đã được vinh danh vì có nhiều di sản lịch sử văn hóa giá trị, giàu tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, văn hóa và sinh thái, ẩm thực.
Nam Định: Tinh khôi sắc trắng cúc hoạ mi
Nếu như trước đây, người dân đặc biệt là các bạn trẻ tại thành phố Nam ĐỊnh muốn được chụp ảnh với hoa cúc họa mi thường phải đi rất xa sang các tỉnh thành khác, thì năm nay, ngay tại thành phố, người dân cũng có thể thỏa sức ngắm nhìn loài hoa độc đáo này. Không chỉ có các bạn trẻ mà nhiều người trung tuổi cũng đến đây để chiêm ngưỡng, ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ cùng với loài hoa độc đáo mỗi năm chỉ nở một mùa này. Tuy diện tích vườn hoa chưa đầu tư nhiều vào các góc chụp, tiểu cảnh phụ trợ, nhưng vì là vườn cúc họa mi duy nhất tại Nam Định nên thu hút rất đông khách tham quan.
Hai cha con bám bản gieo chữ cho học trò nghèo
Trên những ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn trùng điệp, nơi điểm trường Nước Nia , xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, Quảng Nam nằm lẫn khuất giữa đại ngàn xanh thẳm với lòng yêu nghề, mến trẻ, thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn và con gái là cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ vẫn tình nguyện bám trường để ngày đêm cần mẫn gieo chữ cho học trò nghèo người dân tộc Cor. Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hai cha con thầy giáo hy vọng những học trò có được cái chữ để làm nền tảng cho việc học hành, sau này thành đạt, trở về cống hiến để phát triển bản làng nơi miền cao này…
Điểm trường lẻ thôn Nước Nia thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Bùi Cách điểm trường chính khoảng 55Km, là nơi 02 cha con thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn đang giảng dạy. Đường đến Nước Nia có khoảng 10 km là đường rừng; nhiều đoạn dốc núi cheo leo, ngoằn ngoèo, luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ. Gần 30 năm công tác nơi vùng cao, thầy Nguyễn Thanh Tuấn thấu hiểu những khó khăn, vất vả của học sinh nơi đây. Từ sự yêu thương và trách nhiệm với nghề, thầy Tuấn đã không ngại khó khăn, tình nguyện giúp các em tìm đến với con chữ.
Ngọn lửa yêu nghề từ người cha đã truyền sang đứa con gái là cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ (sinh năm 1996) sau khi tốt nghiệp đã tình nguyện theo cha lên vùng cao dạy học. Học sinh vùng cao, nhất là học sinh lớp 1 và 2 thì việc tiếp cận kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông mới còn khá bỡ ngỡ. Cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ phải nỗ lực nhiều, học thêm ngôn ngữ địa phương và tự tìm tòi cách dạy để các em dễ dàng tiếp cận kiến thức.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Bùi có 3 điểm trường lẻ, trong đó điểm gần nhất cách điểm chính 7Km, còn 2 điểm Nước Nia và thôn Quế cách điểm chính hơn 50Km. Không chỉ cách điểm trường chính khoảng cách lớn, mà đường đến 2 điểm trường này rất khó khăn nên việc bám lớp, bám trường của các giáo viên chủ yếu là sự tự giác, lòng yêu nghề, yêu trẻ.
Vượt qua những gian nan, thiếu thốn, với tấm lòng và trách nhiệm của người giáo viên, 02 cha con thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn và cô giáo Nguyễn Thị Ý Mỹ đưa con từng chữ nảy mầm nơi vùng đất khó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Nhờ đó, tỷ lệ lên lớp các cấp năm sau cao hơn năm học trước; duy trì tốt sĩ số học sinh.
Ngôi cổ tự giữa vùng đồng bằng Quảng Yên
Chùa Giữa Đồng thuộc địa phận Phường Nam Hòa – TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Trải qua năm tháng, do tác động của thiên nhiên, đã bị hư hại, xuống cấp. Nhưng với sự nỗ lực của thượng toạ trụ trì cũng như chính quyền và bà con, ngôi chùa đã được trùng tu, xây dựng lại khang trang, trở thành nơi sinh hoạt,-đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng cho người dân địa phương.
Cách trung tâm TX.Quảng Yên chưa đầy 10km, chùa Giữa Đồng tọa lạc giữa cánh đồng bao la, bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Tương truyền, xưa ruộng của làng Phong Cốc rất rộng lớn. Năm 1797, dân làng xây dựng một ngôi chùa để giữ đồng, nên đặt tên là chùa Giữ Đồng. Do nằm giữa ruộng lúa bao la, nên những ngày mưa bão, muốn đến chùa thì người dân phải đi thuyền nan. Nhưng với tấm lòng hướng Phật thì dù đường xá khó khăn, chùa vẫn là nơi gắn bó, thường xuyên lui tới của bà con địa phương. Với giá trị lịch sử và kiến trúc, năm 2015, chùa được công nhận là di tích cấp tỉnh.
Sau 3 lần tôn tạo vào các năm 1989, 2001 và 2016, đến nay Chùa có diện tích hơn 21.000m2 với 18 hạng mục công trình bằng nguồn xã hội hóa. Trong đó, Chùa chính thiết kế theo kiến trúc thời Lý gồm bảy gian hai trái với gỗ lim, đá nguyên khối, tám mái chồng diêm.
Chùa Giữa Đồng với không gian và kiến trúc đẹp, cùng di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng là điểm nhấn cho ngành du lịch Quảng Yên, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh, cũng như đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân. Hàng năm, Chùa mở lễ hội vào mùng 9 tháng Giêng (âm lịch).
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 07.12.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube anvientvbchannel.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
18 lượt thích 0 bình luận