Bản tin Bchannel – An Viên 24H 09.12.2023

11/12/2023 09:55:59 250 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 09.12.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Hà Nôi: Tưởng niệm 715 năm ngày Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn; Thái Nguyên: Triển khai Phật sự trọng tâm thời gian tới; Chuyển biến tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới.

Hà Nội: Tưởng niệm 715 năm ngày Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông Nhập Niết Bàn

Tại buổi lễ, chư tôn đức đã ôn lại Tiểu sử Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông, nhắc mỗi người con Phật khắc ghi hình ảnh vị Hoàng đế anh hùng, người đã lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần đánh tan đế quốc Nguyên Mông (1258 và 1288), đưa lại độc lập hòa bình cho đất nước.

Sau khi hoàn thành trách nhiệm vẻ vang với dân tộc, năm 1299 Ngài đã về Yên Tử xuất gia, thống nhất 3 thiền phái Phật giáo Việt Nam, lập nên Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử – nền Phật giáo thống nhất của người Việt với tư tưởng “Hòa quang đồng trần”, “Cư trần lạc đạo”; mang tinh thần nhập thế yêu nước, là sợi chỉ đỏ, kim chỉ nam xuyên suốt của Phật giáo Việt Nam cho đến tận ngày nay.

Hòa thượng.Thích Bảo Nghiêm, Phó chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS đã đọc văn tưởng niệm Đức Sơ Tổ Điều Ngự Trần Nhân Tông, với tấm lòng thành kính. Trong không khí trang nghiêm, chư tôn đức dâng hương tưởng niệm Đức Phật Hoàng và tụng thời kinh cầu nguyện cho đất nước thanh bình, xã hội phát triển.

Nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cho các tôn giáo

Ngày 9.12, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao năng lực, kiến thức về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tôn giáo tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

 Theo Ban Tổ chức, khoá tập huấn là dịp để trao đổi, thống nhất phương pháp, cách làm và bổ sung những kinh nghiệm thực tiễn giữa các địa phương nhằm phát huy vai trò của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022 – 2026.

Tại đây, các đại biểu đã được giới thiệu, giải đáp các vấn đề liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường; những nhiệm vụ cấp bách của Việt Nam, chính sách tôn giáo và việc phát huy vai trò của các tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Dịp này, các cách làm hay của Phật giáo tỉnh Ninh Bình và một số tôn giáo các tỉnh, thành phố trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được chia sẻ.

Triển khai Phật sự trọng tâm thời gian tới

Thái Nguyên

Tại phiên họp, chư tôn đức thông qua bản dự thảo Tổng kết Phật sự năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024; giao Ban TT-TT thiết kế phòng học online và Ban hoằng pháp chuẩn bị nhân sự, giáo án cho lớp giáo lý phật pháp online. Dự kiến, BTS sẽ kiểm tra công tác Tăng sự toàn tỉnh, tăng cường giám sát các hoạt động Phật sự như khoá tu, từ thiện xã hội nhằm đảm bảo đúng hiến chương Giáo hội và pháp luật; sớm lên kế hoạch cho các hoạt động an sinh xã hội giúp bà con có cái Tết ấm no, hạnh phúc.

Cùng ngày, đoàn Ban Tôn giáo CP do ông Nguyễn Phúc Nguyên – Chánh VP Ban Tôn giáo CP làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc mừng những thành tựu của Phật giáo tỉnh năm 2023.

Ninh Bình

Còn tại tỉnh Ninh Bình, chiều 9.12, BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình cũng họp thường kỳ, báo cáo các Phật sự thời gian qua. Theo đó, BTS phối hợp chùa Bái Đính cung nghinh tôn tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tưởng niệm 715 năm ngày Ngài nhập Niết bài, tổ chức khóa tu Phật tử đạo tràng Pháp Hoa miền Bắc; hoàn thiện hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho một số chùa. Thời gian tới, Phật giáo các cấp tổng kết Phật sự cuối năm; trao bằng khen Thủ tướng CP,  trao Giáo chỉ tấn phong, tổ chức Lễ Phật thành đạo, thăm và chúc Tết…

 CỤM TIN HỌP TỔNG KẾT

Cần Thơ: Phật Giáo huyện Phong Điền tổng kết Phật sự năm 2023

Vừa qua, BTS GHPGVN huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ đã tổng kết công tác Phật sự năm 2023 tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, nổi bật là công tác từ thiện xã hội với số tiền hơn 800 triệu đồng. Dịp này, BTS trao 1 tấn gạo và 100 thùng mì đến UBMTTQVN huyện để tặng bà con có hoàn cảnh khó khăn dịp Xuân 2024 về.

Bến Tre: BTS GHPGVN TP. Bến Tre từ thiện hơn 5 tỷ đồng năm 2023

Còn tại tỉnh Bến Tre, BTS GHPGVN TP.Bến Tre cũng Tổng kết công tác Phật sự năm 2023 và cho biết đã huy động trên 5 tỷ đồng vào công tác TTHX. Với 27 tự viện với 91 chư Tăng Ni, Phật giáo Thành phố luôn tích cực trên mọi phương diện, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, với phương châm “Tốt đời – đẹp Đạo”.

Bình Thuận: Phật Giáo huyện Hàm Tân tổng kết Phật sự năm 2023

Trong khi đó, sáng 9.12, tại Hội nghị Tổng kết Phật sự năm 2023, BTS GHPGVN huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận cho biết, nhiều Phật sự được thực hiện viên mãn, đặc biệt đã huy động gần 2.5 tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội. Trong năm 2024, Phật giáo huyện tập trung thành lập thêm các đạo tràng, đẩy mạnh công tác thuyết giảng nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của phật tử.

Tại Đồng Nai, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh vừa có buổi làm việc cùng Ban Trị sự GHPGVN huyện Tân Phú nhằm nắm bắt tâm tư của chư Tăng Ni, đồng thời hướng dẫn xử lý các vấn đề còn tồn đọng tại địa phương. Dịp này, Ban Trị sự GHPGVN huyện cũng tổng kết Phật sự năm 2023 với nhiều hoạt động khởi sắc, nổi bật là công tác Từ thiện xã hội với tổng kinh phí thực hiện gần 3,9 tỷ đồng.

Lớp võ truyền dạy tư tưởng bi – trí – dũng

Lấy sân chùa làm võ đường rèn luyện sức khỏe, trí dũng; lớp võ Vovinam ở chùa Hoa Nghiêm (tỉnh Đắk Lắk) nhận được sự hào hứng tham gia của nhiều bạn nhỏ và sự ủng hộ của các bậc phụ huynh. Khoác lên người bộ võ phục màu xanh, các môn sinh không chỉ được tập luyện để tự vệ, rèn luyện sức khỏe mà còn rèn nhân cách, luyện trí, dũng theo tinh thần Phật giáo.

Ngôi chùa Hoa Nghiêm ở huyện Cưmgar, cao nguyên Dak Lak xanh mướt màu xanh của núi rừng, vốn luôn yên tĩnh; nhưng cứ chiều thứ 2,4,6 mỗi tuần lại rộn ràng tiếng hô, tiếng nô đùa. Đó chính là lớp võ Vovinam tại chùa đã mở được gần 2 năm nay. Không giới hạn độ tuổi, giới tính; những ai có niềm đam mê với võ đều có thể đến học.

Học võ ở chùa, có đôi phần khác với các lớp võ thông thường; trước mỗi giờ vào lớp, các bạn đều trang nghiêm lễ Phật. Điều này đã phần nào cho thấy tinh thần bi – trí – dũng, mà chư tôn đức, huấn luyện viên muốn truyền đạt đến các võ sinh. Bên cạnh đó, lớp võ cửa thiền được duy trì còn với mục đích đẩy mạnh phong trào tập luyện võ dân tộc để rèn sức khỏe, lan tỏa tinh thần võ đạo.

Từng động tác, từng bài quyền dứt khoát, vừa mạnh mẽ vừa dẻo dai. Ai làm sai được thầy uốn nắn từng chút. Cả những bài đấu đối kháng cũng được rèn mỗi ngày, giúp các võ sinh tự tin, mạnh mẽ hơn nhiều. Ở miền quê còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; những lớp võ như này chính là điểm sáng để bạn trẻ có môi trường nâng cao thể lực, thư giãn sau giờ học, và an vui dưới mái chùa.

CỤM TIN TỪ THIỆN

Hà Nam: Phật giáo tỉnh hỗ trợ nhà cho đồng bào công giáo

Sáng 9.12, Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng  BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho gia đình ông Triệu Văn Tâm, thị xã Duy Tiên, Hà Nam. Gia đình anh nhận hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà mới khang trang, thể hiện sự chia sẻ của Phật giáo đối với công tác an sinh tại địa phương và tinh thần hòa hợp, đoàn kết giữa các tôn giáo.

Tiền Giang: BTS GHPGVN tỉnh trao quà tại Ấn Độ

Nhân chuyến hành hương về nguồn trên đất Ấn, phái đoàn Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang do Thượng tọa Thích Quảng Lộc – Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh dẫn đầu đã đến 1 số khu vực thuộc TP. Bodhgaya, bang Bihar, miền Đông Ấn Độ để tặng 500 phần quà và trao 9 giếng nước cho bà con trên địa bàn. Với tấm lòng của những người con Phật Việt Nam, người dân địa phương sẽ có nguồn nước sạch, nâng cao chất lượng sống.

Bình Thuận: Phân BAN HDPT dân tộc TƯ trao nhà đại đoàn kết

Cùng thời gian này, tại huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, Phân Ban HDPT dân tộc T.Ư do TT Thích Quảng Tuấn, UVTT HĐTS, Trưởng Phân Ban dẫn đầu đã bàn giao 2 căn nhà Đại Đoàn kết cho hộ gia đình ông Trần Văn Bảo và bà Thông Thị Thương là người dân tộc Chăm và Cờ Ho. Hai căn nhà mỗi căn với tổng diện tích 60m2, tổng kinh phí 80 triệu đồng/căn với mong muốn các gia đình an tâm làm ăn, ổn định cuộc sống.

Chuyển biến tích cực trong thúc đẩy bình đẳng giới

Tại Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, khoảng thời gian từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm được chọn là Tháng hành động vì bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ, nâng cao quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Mỗi năm một chủ đề, Tháng hành động đã góp phần mạnh mẽ trong việc thu hút sự quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, góp phần lan tỏa sự kiện này đến với đông đảo người dân.

Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2023. Chủ đề năm nay là “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” thể hiện ưu tiên và nội dung trọng tâm của Việt Nam hiện nay trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất; nhằm phát huy năng lực, vai trò, tiềm năng của phụ nữ cho sự phát triển của cộng đồng.

Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO năm 2021, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục. Theo thống kê của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, 63% phụ nữ từng chịu đựng một hoặc nhiều hình thức bạo lực về thể chất, tình dục, tinh thần, kinh tế và hành vi kiểm soát…. Những năm qua, Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới. Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022.

Một trong những đối tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt chính là phụ nữ và trẻ em yếu thế, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 đặt ra mục tiêu tại dự án số 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thay đổi nhận thức và hành động của nhiều phụ nữ và trẻ em vùng sâu vùng xa.

Ước vọng về cuộc sống bình đẳng chỉ có thể sớm thành hiện thực nếu cả xã hội cùng chung tay vun đắp với sự hiểu biết, trách nhiệm và tình yêu thương. Những nhiệm vụ và mục tiêu của Tháng hành động vì bình đẳng giới 2023 rất cần sự chung tay, phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan với các hành động cụ thể, thiết thực, hiệu quả đối với công tác bình đẳng giới, vì sự phát triển và phồn vinh, hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Để phụ nữ và trẻ em được sống bình đẳng

Để có được những kết quả tích cực ấy, toàn xã hội triển khai nhiều hoạt động, mô hình ý nghĩa và thiết thực, góp phần bảo vệ và chăm sóc cho phụ nữ và trẻ em bị xâm hại, bạo lực, tạo điều kiện để họ vươn lên hòa nhập cộng đồng. Một xã hội công bằng, tiến bộ đang dần được kiến tạo, góp phần giúp phụ nữ được cống hiến sức lực và trí tuệ một cách bình đẳng, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Những bước chân đầy sợ hãi, người phụ nữ này phải chạy trốn khỏi chính ngôi nhà của mình, tìm tới tư vấn tâm lý. Nhìn bề ngoài, chị có 1 gia đình yên ấm, không ai biết nỗi đau về thể xác và tinh thần mà chị gánh chịu một thời gian dài.

Nạn nhân bạo lực gia đình

Tới với Ngôi nhà bình yên của Hội LHPN Việt Nam, sau thời gian được tư vấn và chăm sóc, nhiều nạn nhân đã có những chuyển biến tích cực, bình tâm và lạc quan hơn.

Nạn nhân bạo lực gia đình

Được thành lập từ năm 2007, Ngôi nhà Bình yên đã hỗ trợ trực tiếp cho hơn 1,665 phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới và ngày càng chứng minh tính thiết thực, hiệu quả. Vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.Hà Nội đã cấp Giấy phép hoạt động cho Trung tâm Trợ giúp xã hội – Ngôi nhà Bình yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển. Việc chuyển mình từ một cơ sở tạm lánh thành trung tâm trợ giúp xã hội tạo điều kiện thuận lợi cả về cơ sở pháp lý và vận hành trong thời gian tới.

Không chỉ xóa bỏ bạo lực giới, theo chủ đề năm nay, việc tăng quyền cho phụ nữ, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy hết khả năng của bản thân, trọn hưởng một cách công bằng những cơ hội trong xã hội cũng là một cách thiết thức trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Phụ nữ hiện đại đã dần xóa bỏ định kiến giới về nghề, tự tin làm chủ cuộc đời, hoàn thành xuất sắc công việc mà trước đây nhiều người cho rằng chỉ nam giới mới có thể đảm nhận.

Ngày nay, thông qua nhiều hoạt động và mô hình thiết thực, phụ nữ và trẻ em gái đang dần xóa bỏ bất bình đẳng trong xã hội, tự tin cất lên tiếng nói, đóng góp khả năng, khẳng định vai trò trong cộng đồng. Đây là tiền đề quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, xây dựng xã hội bình yên, hạnh phúc.

Họp hội đồng quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam

Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam đã họp tổng kết năm 2023, đề ra phương hướng hoạt động năm 2024.

Tính đến 5/12, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam vận động trên 77 tỷ đồng, dự kiến cả năm đạt khoảng 111,56 tỷ đồng; hỗ trợ 113.833 lượt trẻ em với kinh phí gần 89,7 tỷ đồng. Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị Quỹ xác định rõ nhiệm vụ trước mắt để thích nghi kịp thời với bối cảnh; đồng thời đề ra nhiệm vụ dài hạn nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế đối với quyền trẻ em. Trước mắt là chăm lo cho trẻ em dịp Tết sắp tới.

Ban hành đề cương tuyên truyền Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp

Bắt đầu từ tháng 12 này, nhiều địa phương đã tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ 10, nhiệm kỳ 2024 – 2029 diễn ra vào tháng 10 năm sau. Do vậy, Đề cương tuyên truyền của chuỗi sự kiện này đã được ban hành.

Đề cương do Ban Tuyên giáo TƯ và Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam ban hành gồm 5 chương, khái quát các nội dung cơ bản trong việc tuyên truyền cho chuỗi sự kiện gồm: Lịch sử phát triển; Vị trí, mối quan hệ giữa MTTQ VIệt Nam với nhân dân, các tổ chức trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội; Kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ 9; Yêu cầu, nhiệm vụ của Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ 10; Ý nghĩa của Đại hội.

Với công tác tôn giáo, Đề cương nêu rõ các địa phương và cơ quan thông tấn, báo chí cần nêu bật thành tựu, sự góp sức của các tôn giáo trong mái nhà chung MTTQ Việt Nam. Trong đó, việc triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo”, tăng cường tiếp xúc đối thoại với lãnh đạo các tôn giáo, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực các tôn giáo trong phát triển đất nước.

CỤM TIN HỖ TRỢ NGƯỜI NGHÈO

Điện Biên: Hoàn thành hơn 3.800 căn nhà đại đoàn kết

Theo Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2023, toàn tỉnh Điện Biên đã có 4.989 hộ nghèo, cận nghèo được triển khai làm nhà ở theo Đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết, hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong đó 3.827 căn đã hoàn thành; 1.162 hộ đang triển khai làm nhà. Hiện toàn tỉnh chỉ còn 11 hộ nghèo, cận nghèo chưa triển khai.

TP.HCM: Thêm 12.000 nhà ở xã hội hỗ trợ người thu nhập thấp

Còn tại TP.HCM, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, từ nay đến năm 2025, UBND Thành phố phấn đấu đưa vào sử dụng khoảng 12 nghìn căn nhà ở xã hội với tổng vốn đầu tư khoảng 11.500 tỷ đồng. Chương trình này nằm trong kế hoạch phát triển 35 nghìn căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2025 cho hộ gia đình, người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn.

Trăn trở đạo làm trò thời hiện đại

Trong những ngày qua, vụ việc tại Trường THCS Văn Phú thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang gây xôn xao dư luận khi học sinh có hành động thách thức, vô lễ với giáo viên. Sự việc này tiếp tục khiến xã hội phải đặt ra câu hỏi vì sao lối ứng xử trong học đường ngày càng xuống cấp? Và đâu sẽ là giải pháp cho vấn đề này?

Tối ngày 4/12, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip tại lớp 7C, Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Một nhóm học sinh vây quanh, dồn giáo viên vào góc tường và có những lời lẽ, hành động hết sức vô lễ. Sự việc này gây chấn động toàn ngành giáo dục và 1 lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về bạo lực học đường mà nạn nhân là thầy cô giáo.

Dĩ nhiên câu chuyện nào cũng có nguyên do của nó và người có liên quan đều đã phải nhận các mức kỷ luật khác nhau. Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh câu chuyện xuống cấp đạo đức trong 1 bộ phận nhỏ học sinh khi liên tục ứng xử không phù hợp với thầy cô. Hãy nhìn vào hình ảnh này: cuối tháng 10/2022, dư luận xôn xao khi 1 nữ sinh tại Khánh Hòa đã ngang nhiên cự cãi, thậm chí là xưng hô không đúng mực với thầy giáo. Trước đó vào tháng 5/2020, 1 nam sinh tại Hà Nội đã sử dụng hành vi bạo lực với giáo viên ngay trong tiết học. Nguyên nhân của vấn nạn đến từ nhiều lý do, giới trẻ chịu ảnh hưởng của lối sống thoáng, do phim ảnh, sách truyện bạo lực trên internet cho đến sự thiếu quan tâm từ gia đình và nhà trường. Vậy đâu sẽ là giải pháp để khắc phục và cải thiện vấn đề trên?

Sẽ không thiếu các biện pháp răn đe, kỷ luật các học sinh vi phạm đạo đức ứng xử với thầy cô giáo, nhưng đây mới chỉ là cách khắc phục tạm thời. Quan trọng hơn là mỗi gia đình, cá nhân đứng trên bục giảng cần có sự thấu hiểu, sẻ chia với con trẻ. Từ đó truyền dạy cho các em nghĩa thầy trò, tinh thần tôn sư trọng đạo. Đó sẽ là giải pháp căn cơ để chấm dứt vấn đề nhức nhối trên.

CỤM TIN VĂN HÓA

Hà Nam là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới”

Được đánh giá có nhiều di sản lịch sử văn hóa, giàu tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, văn hóa và sinh thái, ẩm thực. Năm 2023, lượng khách du lịch đến Hà Nam ước đạt 4,38 triệu lượt người, trong đó có 131 nghìn lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt 3.382 tỷ đồng. Việc được bình chọn giúp địa phương tiếp tục thu hút hơn nữa khách du lịch trong tương lai.

“Sắc màu Di Sản – Hội tụ và lan tỏa” tại Festival Ninh Bình – Tràng An 2023

Cũng liên quan đến du lịch, Festival Ninh Bình – Tràng An với chủ đề “Sắc màu di sản – Hội tụ và lan tỏa” sẽ diễn ra từ ngày 26-31/12 tại thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư. Sự kiện năm nay gồm nhiều hoạt động như trình diễn nghệ thuật, triển lãm, giới thiệu sản phẩm nhằm tôn vinh di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.

Mái ấm An Yên đồng hành cùng bệnh nhi ung thư

Với mong muốn hỗ trợ bệnh nhi ung thư và người nhà khó khăn, một mái ấm mang tên “An Yên” đã ra đời, cung cấp nơi ở miễn phí cho những hoàn cảnh kém may mắn. Được sống trong không gian khang trang, bớt gánh nặng kinh tế, các em có thêm động lực để kiên cường chiến đấu với bạo bệnh.

Nằm cách bệnh viện K Tân Triều chỉ vài trăm mét, có một căn nhà lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười trẻ thơ. Dù đang gồng mình với những đợt điều trị, thế nhưng lúc nào các em cũng cảm thấy an yên như chính tên gọi của mái ấm này.

Không chỉ cung cấp nơi ăn, chốn ở miễn phí, mái ấm An Yên còn tạo cơ hội việc làm cho các phụ huynh của bệnh nhân nhi. Các chị được dạy nghề làm tóc giả, vừa có thêm thu nhập vừa như một sự giải tỏa về mặt tinh thần trong thời gian cùng con chiến đấu với bệnh tật.

Dù cuộc chiến với ung thư còn nhiều gian nan, vất vả; thế nhưng các chiến binh nhí không hề đơn độc, mà luôn có sự đồng hành hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân. Một tinh thần lạc quan, ý chí chiến đấu kiên cường chính là yếu tố quan trọng, giúp các em hy vọng về một ngày mai tươi sáng, mau chóng đoàn tụ gia đình.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin An Viên 24H ngày 09.12.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

18 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2551 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1507 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3676 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2619 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4593 lượt xem 0 Bình luận