Bản tin An Viên 24H 11.07.2023
Bản tin An Viên 24H cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Cuối năm 2023 khánh thành Thư viện Trí Quảng tại TP.HCM, Sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID – Quyền và nghĩa vụ của chư Tăng Ni, Thượng tọa Thích Đức Thiện dự hội thảo về di sản Phật giáo Gandhara tại Pakistan.
Pakistan: Thượng tọa Thích Đức Thiện dự hội thảo về di sản phật giáo Gandhara
Ngày 11/07 tại đất nước Pakistan, Hội thảo quốc tế Hồi sinh nền văn minh Gandhara và Di sản Phật giáo ở Pakistan đã khai mạc tại thủ đô Is-la-ma-bad. Đây là sự kiện Phật giáo quan trọng diễn ra trong 3 ngày từ 11-13/07 với sự tham dự của đại biểu đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại diện Phật giáo Việt Nam, TT. Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN tham dự và có bài phát biểu quan trọng.
Trong 3 ngày diễn ra, Hội thảo tập trung thảo luận về nền văn minh Phật giáo Gandhara và Di sản Phật giáo ở Pakistan. Với sự góp mặt của các học giả lỗi lạc và lãnh đạo Phật giáo đến từ các quốc gia như: Malaysia, Việt Nam, Thái Lan, Nepal, Hàn Quốc, Sri Lanka, Myanmar và Trung Quốc, hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng về lịch sử, văn hoá; đồng thời nâng cao nhận thức và nỗ lực bảo tồn nền văn minh Gandhara ở Pakistan.
Dự khai mạc Hội thảo, Tổng thống Pakistan Arif Alvi nhấn mạnh, trong bối cảnh xã hội phân cực mạnh mẽ như hiện nay, cần nhìn nhận rõ vai trò của ngoại giao văn hóa để thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn minh.
Phát biểu tại Hội thảo, TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN nhấn mạnh về tầm quan trọng của di sản Phật giáo Pakistan khi chứa đựng những bài học vô giá về lòng từ bi và nhận thức bất bạo động. Các giáo lý và triết lý Phật giáo thẩm thấu trong đó có thể truyền cảm hứng cho các cá nhân và cộng đồng xây dựng lối sống hòa bình.
Trước đó, chiều qua ngày 10/07, thông qua sự sắp xếp của Ngài Đại sứ Việt Nam tại Pakistan Nguyễn Tiên Phong; TT.Thích Đức Thiện đã có buổi làm việc song phương với ông Ramesh Kumar Vankwani, Bộ trưởng Quốc vụ khanh, đặc phái viên của Thủ tướng Pakistan về Phát triển di sản Gandhara. Tại đây, Thượng tọa đánh giá cao nền văn minh Phật giáo Gandhara phát triển rực rỡ qua nhiều thế kỷ.
Trong không khí thân mật, hai bên khẳng định về mối quan hệ tốt đẹp giữa Pakistan và Việt Nam; thảo luận về việc kết nối, giao lưu giữa GHPGVN với Pakistan.
TP.HCM: Cuối năm 2023 khánh thành thư viện Trí Quảng
Ngày 11/7, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM đã làm việc với Ban Giám đốc Trung tâm Thư viện Trí Quảng và khảo sát quá trình vận hành sơ bộ để sớm chính thức đưa vào hoạt động. Chủ trì buổi làm việc có Đức Pháp chủ GHPGVN, Viện trưởng Học viện, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng.
Tại buổi làm việc, chư tôn đức đã nghe báo cáo về các hạng mục công trình đã được đưa vào khai thác, các hạng mục đang được hoàn thiện, nguồn tài nguyên thông tin, kết quả tập huấn cho Tăng Ni sinh sử dụng thư viện, công tác đào tạo nhân sự vận hành và các kế hoạch hoạt động trong thời gian sắp tới.
Trên tổng thể, thư viện đã hoàn tất được 30% khối lượng công việc, đưa vào hoạt động giai đoạn 1, trong đó khu vực đọc sách của lầu 1 đang được khai thác có sức chứa 167 chỗ. Dự kiến, Thư viện sẽ được khánh thành vào cuối năm 2023. Về tài nguyên thông tin, thư viện đang quản lý 14.047 đầu sách giấy trên tổng số 34.847 bản hiện có. Về tài liệu số và tài liệu điện tử đang tiếp tục cập nhật.
Hà Nội: Thăm và tuyên truyền ATGT tại các trường hạ
Ngày 11/7, BTS GHPGVN TP.Hà Nội đã có chuyến thăm và làm việc tại các trường hạ trên địa bàn Thủ đô. Trong dịp này, đoàn cũng kết hợp tuyên truyền ATGT đến chư Tăng ni hành giả.
Đoàn Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hà Nội do Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó CT HĐTS, Trưởng BTS làm Trưởng đoàn đã phối hợp với Ban Tôn giáo, phòng Cảnh sát Giao thông – Công an thành phố đến thăm và làm việc với các Hạ trường.
Tại các nơi đến, đoàn thăm hỏi, động viên Chư Tăng Ni cũng như phổ biến Hiến chương GHPGVN (sửa đổi); Luật tín ngưỡng – tôn giáo và các quy định liên quan. Đặc biệt, đại diện phòng Cảnh sát Giao thông – Công an thành phố đã tuyên truyền, vận động chư Tăng Ni tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, theo đúng tinh thần Lễ ký kết phối hợp giai đoạn 2023-2026 giữa BTS và công an TP trước đó.
Mái nhà chung chăm sóc những hoàn cảnh khó khăn
Hỗ trợ, chăm lo cho cụ già neo đơn, người bệnh khó khăn, tặng quà, mở trung tâm khám chữa bệnh – chính là những việc làm thiết thực, thể hiện tinh thần từ bi, góp phần san sẻ nỗi đau, sự vất vả với bà con của cộng đồng Phật giáo. Với ý nghĩa đó, phòng khám từ thiện miễn phí tại chùa Liên Phái, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã được khai trương vào sáng nay, ngày 11/7.
Trong con ngõ nhỏ, đông đảo bà con, Phật tử, Y bác sĩ cùng tập trung về tham dự lễ khai trương phòng khám miễn phí chùa Liên Phái. Được thành lập từ cách đây tròn 10 năm, nhưng trung tâm khám chữa bệnh này phải tạm dừng hoạt động do covid19. Điều đó gây nhiều khó khăn cho những bệnh nhân đang điều trị. Vì vậy, việc phòng khám được khai trương trở lại chính là sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền địa phương, hội Đông Y quận và đặc biệt là HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, trụ trì chùa Liên Phái.
Các bệnh nhân đến khám là những gia đình chính sách, cựu chiến binh, thanh niên xung phong, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, người già neo đơn… Những trường hợp này sẽ nhận giấy mời, hẹn giờ khám và dịch vụ miễn phí như sự tri ân với người có công, thể hiện sự đồng hành với người khó khăn.
Phòng khám mở cửa 4 lần mỗi tuần, thứ 2, 4, 6, CN từ 13h30-17h30 với phương pháp điều trị bằng Y học Cổ truyền như: Bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu. Đội ngũ nhân sự gồm 10 bác sĩ, y sỹ, lương y là điểm tựa, người đồng hành không thể thiếu của người bệnh.
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong mỗi khóa tu
Bên cạnh một nội dung hay, chương trình hấp dẫn và ý nghĩa, thì để một khoá tu diễn ra thành công, khâu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dinh dưỡng cho các khóa sinh cũng vô cùng quan trọng. Bởi có “ăn ngon, ngủ yên” thì việc lên chùa học Phật với các em -mới thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong không gian bếp rộng rãi, sạch sẽ, bà Diệu Phước Thủ cùng các thành viên trong tổ hậu cần – những người đã có mặt ở chùa Thiên Phước, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháo từ rất sớm, bắt tay chuẩn bị bữa ăn cho hơn 300 khoá sinh tham dự khoá tu do nhà chùa tổ chức. Rau tươi, thực phẩm sạch từ các chợ địa phương đã được mang về, mỗi người theo phân công từ trước bắt đầu sơ chế, rồi chế biến theo đúng tiêu chí, yêu cầu của Ban tổ chức.
Tuyệt đối không dùng thực phẩm đóng hộp, đồ ăn sẵn… các món ăn ở đây chủ yếu là đồ chay do các Phật tử tự tay làm. Ban tổ chức cũng thường xuyên cử người xuống bếp, giám sát để đảm bảo không xảy ra bất kỳ sơ suất nào.
Sau mỗi thời khoá và tham gia vào các trò chơi đã khiến cho các khoá sinh thấm mệt, lúc này cũng đến giờ ẩm thực. Những món ăn chay được nấu bằng tất cả tấm lòng và sự chăm chút của các đầu bếp Phật tử, bày sẵn trên bàn thật bắt mắt và ngon miệng.
Giáo hội các cấp hiện có sự quán triệt, nhắc nhở tới từng tự viện về vấn đề đảm bảo nơi ăn chốn ở sạch đẹp, an toàn tại các khoá tu. Việc này đang được các địa phương thực hiện rất tốt với mục tiêu cao nhất là mang lại một mùa hè đầy ắp kỷ niệm và thực sự ý nghĩa với các em khoá sinh thân yêu.
Vượt khó hoằng pháp tại vùng cao nguyên nghèo
Nằm trên mảnh đất cao nguyên nắng gió, ngôi chùa Quang Đức tọa lạc tại xã Đạ sa, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng từ lâu là điểm tựa tâm linh của đông đảo người dân địa phương. Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chư tôn đức nơi nơi đây vẫn nỗ lực mang ánh sáng Phật pháp- lan tỏa đến gần hơn với bà con Phật tử vùng núi xa xôi.
Nằm trên trục đường quốc lộ 27 từ Đà Lạt đi Buôn Ma Thuột, chùa Quang Đức hiện ra uy nghi, vững chãi giữa núi rừng cao nguyên. Đây là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng tại huyện vùng núi nghèo để bà con có chỗ lễ bái, tu tập. Nếu như những ngày đầu, người dân, bà con dân tộc còn e ngại không dám đến chùa thì giờ đây, chùa Quang Đức đã trở thành mái nhà thứ 2 để bà con quanh vùng lui tới mỗi ngày.
Đam Rông là một huyện vùng núi nghèo nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 120 km. Người dân chủ yếu là bà con dân tộc và những người đi xây dựng kinh tế mới nên ít có cơ hội được tiếp cận, chưa hiểu biết về giáo lý đạo Phật . Để xây dựng được ngôi tam bảo này, chư tôn đức gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Từ khi ngôi chùa được hình thành, nơi đây trở thành gạch nối giữa đạo và đời, là nơi quy hướng cho đông đảo bà con địa phương.
Hơn 10 năm qua, chùa Quang Đức đã trở thành chốn đi về thân thuộc của người dân, phật tử địa phương. Nơi ấy có tiếng chuông chùa vang vọng, lời kinh ngân xa đã giúp giáo lý Phật đà lan tỏa, len lỏi vào đời sống người dân vùng núi khó khăn.
Sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID – Quyền và nghĩa vụ của chư Tăng Ni
Thời gian qua nhằm thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, cải cách thủ tục hành chính và hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến, thì việc tạo lập tài khoản định danh điện tử là yêu cầu bắt buộc. Chính vì vậy vào ngày 29/6, Hội đồng trị sự đã có Công văn đề nghị BTS GHPGVN các tỉnh, thành ,phối hợp cùng ngành Công an- tổ chức đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử VneID đến chư Tăng Ni, Phật tử. Trên tinh thần đó, Phật giáo nhiều địa phương đã tích cực triển khai thực hiện. Và câu chuyện này sẽ là chủ đề của mục Tiêu điểm ngày hôm nay.
Một buổi sáng tại HVPGVN tại Hà Nội!
Vẫn là những buổi sinh hoạt của Tăng chúng như mọi ngày, nhưng hôm nay Đại đức Thích Tục Khôi đang hướng dẫn cho huỵnh đệ đồng học về việc tải và sử dụng tài khoản định danh điện tử VneID. Đây là những kiến thức mà Đại đức được phổ biến trong Lễ phát động toàn dân đăng ký, kích hoạt và sử dụng Tài khoản định danh điện tử vừa qua ngay tại Học viện do Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tổ chức.
Qua lễ phát động, quý Tăng Ni sinh khi về các chùa sẽ vận động người dân, Phật tử triển khai việc cài đặt và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID. Điều này sẽ góp sức cùng xã hội xây dựng, phát triển dữ liệu số để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân.
Không chỉ ở Học viện mà trong những tuần qua, Phật giáo của nhiều tỉnh, thành cũng tích cực phối hợp cùng ngành công an để triển khai nhiệm vụ trên. Như ở tỉnh Tiền Giang, trong 2 ngày 8 và 9/7, BTS GHPGVN tỉnh cùng Phòng quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Tiền Giang đã tổ chức hướng dẫn cài đặt, kích hoạt, sử dụng Tài khoản định danh điện tử VNeID cho hơn 400 Tăng Ni ở 4 Trường hạ tập trung trên địa bàn.
Song song với đó, BTS GHPGVN tỉnh đã chỉ đạo đến Phật giáo của 11 huyện, thị, thành phố trực thuộc chủ động phối hợp với ngành Công an tại địa phương, giúp Tăng Ni các tự viện đồng loạt thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời có kế hoạch tuyên truyền đến đông đảo phật tử, cộng đồng tại địa phương.
Cũng sớm thực hiện chỉ đạo của HĐTS còn có tỉnh Hưng Yên. Tại đây, bên cạnh việc triển khai đến chư tăng ni, BTS GHPGVN tỉnh đã tuyên truyền tới đồng bào Phật tử về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử trong đời sống. Đặc biệt, trong những buổi sinh hoạt tập trung đông đảo tín đồ phật tử và nhân dân; chư Tăng đã phát huy vai trò trách nhiệm là cầu nối, phổ biến, tạo sự đồng thuận để bà con nhận thức rõ quyền lợi, nghĩa vụ, của việc sử dụng tài khoản điện tử định danh trong các giao dịch hàng ngày.
Hiểu rõ vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và tiện ích của tài khoản định danh điện tử VNeID, BTS GHPGVN tỉnh Hưng Yên nhanh chóng phối hợp để với Công an tỉnh để triển khai kích hoạt sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 1,2 cho tất cả chư hành giả an cư tại trường hạ. Hoạt động này thể hiện tinh thần trách nhiệm của chư Tăng Ni trong việc chung tay thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030 của Chính phủ.
Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID để thực hiện các giao dịch như thanh toán hóa đơn điện, nước; đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; chuyển tiền…, người dân sẽ được bảo mật thông tin; tránh bị giả mạo; giúp các giao dịch được an toàn, tiết kiệm thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Và có thể thấy chư Tăng Ni đang nỗ lực phối hợp cùng cơ quan chức năng thực hiện cài đặt, kích hoạt và sử dụng tiện ích trên đến toàn xã hội. Chắc chắn, với sự góp sức của Phật giáo, nhiệm vụ trên sẽ sớm hoàn thành, hướng đến 1 xã hội số để phù hợp với sự phát triển của thời đại.
Tăng Ni trẻ tích cực trau dồi kiến thức mùa An cư
Truyền thống An cư kiết hạ đến nay đã có lịch sử hàng ngàn năm. Ở thời đại ngày nay, mùa an cư không chỉ được chư Tăng ni các thế hệ lưu giữ đầy đủ sinh hoạt truyền thống mà còn có những bước phát triển, để đạt được nhiều thành tựu trên con đường tu tập.
Trường hạ Trúc Lâm Thiên Trường, tỉnh Nam Định… ngày khai pháp hậu an cư. Sau các nghi thức tâm linh truyền thống, hòa thượng đường chủ thuyết bài pháp đầu tiên là kinh Hiền ngu. Lúc này, quý Tăng Ni sinh vừa mở kinh, vừa tập đọc. Cùng với kinh hiền ngu, chư hành giả sẽ phải học nhiều kiến thức về nội điển.
Là trường hạ dành cho Tăng ni sinh trường Phật học nên có nhiều tu sĩ trẻ. Vậy nên, việc học…cũng có nhiều nét mới… không chỉ đơn thuần là trên giảng…dưới nghe.
Như buổi học nhóm này… Bài kinh Hiền ngu vốn đã được nghe từ sáng, giờ chư Tăng Ni cùng nhau ôn lại. Người đã am tường thì đọc lưu loát và chia sẻ cho mọi người… Còn với ai chưa tỏ… ban đầu có một chút ngượng ngùng…nhưng rồi…sau rất nhiều cái nhìn có phần khác lạ…và thậm chí cả tiếng cười dí dỏm của huynh đệ cùng trường…cuối cùng cũng vượt qua.
Không chỉ nội điển, chư hành giả trẻ còn có nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích như cắm hoa, nghi lễ. Tiếng trống, tiếng mõ và cả tiếng chuông vang lên trong không khí tươi vui, rộn ràng…mang đến nhiều giá trị tinh thần cho chư hành giả.
Những buổi học đơn giản, tươi vui mà hiệu quả như thế này đã được chư Tăng ni trẻ kiến tạo. Điều này không chỉ làm tăng trưởng công đức, tinh tấn tu học mà còn là một cách để xây dựng nên tinh thần lục hòa…một trong những giá trị đẹp nhất mà an cư kiết hạ mang lại.
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube anvientvbchannel.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
16 lượt thích 0 bình luận