Bản tin Bchannel – An Viên 24H 11.12.2023

12/12/2023 09:50:24 641 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 11.12.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lễ gia trì Phật ngọc Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông; Đoàn GHPGVN dự hội nghị quốc tế tại Sri Lanka; Chuẩn bị hội nghị tổng kết Phật sự năm 2023.

Bắc Ninh: Lễ gia trì Phật ngọc Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông

Nhân kỷ niệm 715 năm ngày Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2023), chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm và Gia trì Khai mở tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tham dự có chư tôn giáo phẩm lãnh đạo HĐTS, các cơ quan ban ngành tỉnh Bắc Ninh và hàng nghìn Phật tử thập phương.

Trong không khí linh thiêng, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS, Trụ trì chùa Phật Tích cung tuyên hành trạng của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài là vị hoàng đế anh minh, lãnh tụ thiên tài, anh hùng dân tộc. Ngài đã để lại hệ tư tưởng đặc sắc về Phật giáo; là người sáng lập nền Phật giáo Trúc Lâm và dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Trong không khí trang nghiêm, thanh tịnh, đối trước tôn tượng, chư tôn giáo phẩm cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thành kính dâng hương, cầu nguyện quốc thái dân an, đất nước phát triển, Phật pháp trường tồn, mọi nhà ấm no, hạnh phúc.

Tôn tượng Phật ngọc Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông được chế tác từ viên ngọc bích được khai thác ở Canada hơn 8,8 tấn, do các nghệ nhân đá quý hàng đầu thế giới và nghệ nhân lành nghề Việt Nam thực hiện.

Ngay sau đó, tôn tượng đã được cung rước đến chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Nơi từng được đức Phật hoàng Trần Nhân Tông xây dựng thành trung tâm Phật giáo lớn của thời Trần, đổi tên chùa là Vĩnh Nghiêm.

Sau hành trình cung rước qua các chùa Bái Đính, Ninh Bình; chùa Yên Tử, Quảng Ninh; chùa Phật Tích, Bắc Ninh; chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang, tôn tượng sẽ được an vị tại chùa Phúc Sơn (tỉnh Bắc Giang).

Lạng Sơn: Tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông

Trong khi đó, hôm nay ngày 10.12 tại chùa Thành, BTS GHPGVN tỉnh Lạng Sơn long trọng tưởng niệm 715 năm ngày Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn và tưởng niệm lần thứ 30 ngày Trưởng lão Hòa thượng Thích Xuân Lôi viên tịch. Tại đây, chư Tôn đức, quý đại biểu lắng nghe tiểu sử và dâng hương tưởng niệm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và lịch đại chư vị Tổ sư đã làm rạng rỡ lịch sử Phật giáo Việt Nam suốt 2000 năm đồng hành cùng dân tộc.

Đoàn GHPGVN dự hội nghị quốc tế tại Sri Lanka

Sáng ngày 11.12, đoàn GHPGVN đã có mặt tại Sri Lanka dự hội nghị bàn tròn Phật giáo Đông Á và Đông Nam Á. Dẫn đầu phái đoàn là HT.Thích Hải Ấn, UVTT HĐTS, Viện trưởng Học viện PGVN tại Huế.

Mở đầu cho chuỗi hoạt động tại Sri Lanka, chư tôn giáo phẩm đoàn GHPGVN đã có buổi gặp mặt các đoàn Phật giáo Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Mông Cổ, Malaysia, Brunei, Philippine, Lào và chủ nhà Sri Lanka…tại chùa Gangaramaya, Thủ đô Colombo. Đây là ngôi chùa có nét kiến trúc kết hợp hài hoà giữa Phật giáo Bắc truyền và Nam truyền. Vậy nên, địa điểm gặp mặt mang hàm ý đoàn kết, hoà hợp của các truyền thống Phật giáo. Và đó cũng là mục đích chính của hội nghị khi cùng thảo luận, đưa ra sáng kiến giải quyết các vấn đề như kiến tạo hoà bình, bảo vệ môi trường.

Chiều cùng ngày, HT.Thích Hải Ấn đã dẫn đoàn tham dự hội nghị trù bị tại phủ thủ tướng Sri Lanka để đánh giá kết quả hội nghị năm 2022 tổ chức tại Campuchia, cùng với đó là thông qua nhật trình làm việc, nội dung của hội nghị năm nay 2023. Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 12-13/12.

Bến Tre: Chuẩn bị hội nghị tổng kết Phật sự năm 2023

 Tại chùa Viên Minh, BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre đã họp triển khai Phật sự trọng tâm thời gian tới.

Tại đây, chư tôn đức đánh giá lại các Phật sự năm 2023” và điểm lại những thành quả; cũng như các hạn chế, khó khăn, làm các Phật sự bị tồn đọng tại các cơ sở. Trong năm 2023, BTS đã bổ nhiệm Trụ trì cho 24 ngôi chùa và 03 ban Hộ tự; tổ chức thành công: Khóa bồi dưỡng trụ trì, Khóa kiết đông lần thứ I, huy động gần 94 tỷ đồng cho công tác ASXH.

Dịp này, Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh đề nghị Phật giáo cấp huyện cập nhật, thực hiện bản phương hướng, kế hoạch công tác Phật sự năm 2024 đã được đề xuất; góp phần giúp Phật giáo tỉnh Bến Tre ngày càng phát khởi, thành tựu.

Cụm tin địa phương

Đắk Nông: Ban TT-TT GHPGVN tỉnh tổng kết Phật sự năm 2023

Tại chùa Pháp Hoa, Ban TT-TT GHPGVN tỉnh Đắk Nông đã họp tổng kết Phật sự năm 2023 và định hướng hoạt động năm 2024. Năm 2023, mọi công tác Phật sự của tỉnh được kịp thời đăng tải trên các báo đài, các trang mạng Phật giáo; cập nhật đến chư Tôn đức Tăng Ni và Phật tử. Dịp này, chư Tôn đức và các thành viên góp ý nhằm phát huy nguồn lực làm truyền thông từ chư Tăng ni, Phật tử để mỗi người chính là 1 tuyên truyền viên tích cực.

Đồng Nai: BTS GHPGVN tỉnh làm việc Phật giáo huyện Định Quán

Trong khi đó tại Đồng Nai, đoàn BTS GHPGVN tỉnh đã có buổi làm việc với Phật giáo huyện Định Quán nhằm xử lý một số vướng mắc liên quan đến đất đai Tôn giáo và triển khai công tác Tăng sự đối với Tăng Ni trên địa bàn huyện. Dịp này, đoàn cũng nhận nhiều góp ý về việc lập Ban Quản trị tại các cơ sở tự viện để công tác này diễn ra thuận lợi.

Lâm Đồng: Tổng kết trại sáng tác ca khúc Phật giáo

Còn tại tỉnh Lâm Đồng, chiều qua ngày 10.12, ban văn hóa GHPGVN tỉnh đã tổng kết trại sáng tác các ca khúc Phật giáo năm 2023. Diễn ra trong 10 ngày từ 01.12-10.12, trại sáng tác đã nhận về 24 ca khúc dự thi có nội dung ca ngợi Đức Phật và giáo lý của Ngài, tri ân công hạnh về người mẹ… Qua đó góp phần làm phong phú hơn nguồn ca khúc Phật giáo; lan toả giáo lý Đức Phật đến với mọi người thông qua âm nhạc.

Lâm Đồng: BTS GHPGVN TP.Đà Lạt họp tổng kết năm 2023

Cũng tại tỉnh Lâm Đồng, sáng nay ngày 11.12, BTS GHPGVN TP.Đà Lạt tổng kết công tác phật sự năm 2023, nhấn mạnh đã hoàn thành nhiều Phật sự quan trọng như triển khai nghị quyết đại hội đại biểu Phật giáo lần thứ X, phổ biến hiến chương giáo hội, tổ chức đại lễ Phật đản, vu lan, khoá tu mùa hè, khoá an cư kiết hạ, vận động hơn 15 tỷ cho TTXH. Thời gian tới, Phật giáo TP tiếp tục vận động chư tăng ni đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội, tổ chức khoá tu dành cho phật tử…

Cần Thơ: Phật giáo quận Cái Răng tổng kết Phật sự năm 2023

Cùng thời gian này, nhận Hội nghị tổng kết Phật sự 2023, BTS GHPGVN quận Cái Răng cho biết năm 2023 đã đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông; phối hợp với các cơ quan, thực hiện nhiều chương trình từ thiện ý nghĩa. Dịp này, BTS tặng UBMTTQVN quận Cái Răng 1 tấn gạo, 100 thùng mì để hỗ trợ bà con đón tết.

Ni giới “Đồng hành cùng sinh viên”

Cuối tuần qua, các bạn sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM (TP.Thủ Đức) đã có một trải nghiệm vô cùng thú vị và bổ ích với phiên chợ từ tâm “Đồng hành cùng sinh viên” do Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử thuộc Phân ban Ni giới TƯGH tổ chức. Đến với phiên chợ, các bạn không chỉ được nhận những phần quà ý nghĩa, tình cảm ấm áp mà còn học được phương pháp hiệu quả để chánh niệm trong học tập cũng như trong cuộc sống.

500 sinh viên đã có mặt để tham dự buổi chia sẻ của chư Ni với chuyên đề: “Thiền – Liệu pháp giảm Stress”. Buổi chia sẻ được bắt đầu từ những câu chuyện trong đời sống đến các phương thức loại bỏ stress bằng chánh niệm, thiền, thở đúng phương pháp. Đây là lần đầu tiên Phân ban Ni giới T.Ư dạy thiền, giao lưu với sinh viên.

Dịp này, BTC tặng 20 suất học bổng đến các sinh viên vượt khó. Là sinh viên khó khăn, cha mất sớm khi mới chỉ lên 4 và được ông bà Nội nuôi dưỡng trưởng thành. Cô sinh viên Huyền Trân không khỏi xúc động khi được nhận học bổng và đại diện phát biểu tri ân quý chư Ni,  nhà trường.

Tại phiên chợ từ tâm và ẩm thực, mỗi sinh viên được tặng 1 phiếu mua hàng trị giá 300.000đ, và 1 phiếu buffet. Dù chỉ là những phần quà nhỏ nhưng các sinh viên không khỏi thích thú khi được tự do lựa chọn, mang về nhiều dụng cụ, trang thiết bị phục vụ cho học tập và thưởng thức những món ăn trong không gian ẩm thực chay đa dạng.

Một ngày Chủ nhật đầy ý nghĩa đã khép lại. Chuỗi hoạt động mà PBNG tổ chức phần nào giúp giảm bớt áp lực đời sống, trở thành nguồn động lực, cổ vũ các bạn sinh viên tiếp tục vươn lên trong cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội, cho cộng đồng.

Cụm tin từ thiện

Ngày 10/11, Sư cô Thích Diệu Ân, trụ trì Chùa Thọ Ân, Hà Giang phối hợp chùa Thịnh Tường, tỉnh Thái Bình và các đơn vị khánh thành cây Cầu dân sinh xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Công trình dài 12m, rộng 3,5m, tổng kinh phí xây 400 triệu đồng, phần giúp người dân thuận lợi, giao thương hàng hóa. Dịp này, đoàn trao hơn 100 xuất quà đến bà con khó khăn.

Cùng thời gian này, hội từ thiện chùa Bồ Đề Đạo Tràng (tỉnh Bình Dương) đã trao 200 phần quà đến hộ gia đình khó khăn và 300 phần quà đến trẻ em huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Tặng phẩm gồm: nhu yếu phẩm, chăn, quần áo, đồ dùng học tập… với tổng trị giá 120 triệu đồng; giúp bà con vơi bớt khó khăn; các em học sinh có thêm điều kiện đến trường.

Trong khi đó, Phân Ban PTDT TƯ vừa phối hợp các đơn vị bàn giao nhà cho gia đình đồng bào dân tộc Rắc Lây, tại huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Cùng ngày, đoàn khởi công xây dựng căn nhà Đại Đoàn Kết cho gia đình bà Vari Nhông Thị Ni Nơ, cũng dân tộc Rắc lây, tại huyện Ninh sơn.

Riêng tại tỉnh Cà Mau, Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh và các nhà hảo tâm khánh thành 10 cây cầu giao thông tại 4 huyện: Trần Văn Thời, Cái Nước, Đầm Dơi và Phú Tân. Tổng kinh phí xây dựng 10 cây cầu khoảng 999 triệu đồng. Dịp này, đoàn cũng tặng 150 suất quà cho các em học sinh vượt khó gồm cặp sách dụng cụ học tập, quà, bánh.

Nghĩa tình chương trình ở nhà dân dành cho sinh viên Lào

 Hưởng ứng, đồng hành cùng chương trình ở nhà dân (homestay) dành cho sinh viên Lào năm 2023, tại thành phố Đà Nẵng không chỉ các hộ gia đình nhiệt tình tham gia mà còn có cả các tự viện đã tiếp nhận các em đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố về chăm sóc. Đây có thể coi là một trong những điểm nhấn khá đặc biệt trong thời gian diễn ra chương trình này.

Saiphouluang Kham là một trong 4 sinh viên Phật tử Lào, đang theo học tại Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng đã lựa chọn về chùa Tam Bảo lưu trú trong chương trình ở nhà dân (homestay) do thành phố Đà Nẵng phát động. Trong 3 tuần ở chùa, tuy không dài nhưng để lại nhiều ấn tượng với Kham và các bạn.

Không chỉ là dịp để sinh viên Lào trao đổi ngôn ngữ, tìm hiểu văn hoá địa phương để, dàng hoà nhập với cuộc sống cộng đồng, chương trình còn mang nhiều ý nghĩa khi góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước Việt Nam – Lào.

Trong không gian thanh tịnh nơi chùa Việt, các em sinh viên Lào như cảm nhận sự nồng ấm mà chư Tăng dành cho. Tại đây, các em đã được chia sẻ nhiều điều bổ ích cho cuộc sống, giữ gìn truyền thống văn hoá Phật giáo, được hướng dẫn tụng kinh bằng tiếng Việt, ngồi thiền, niệm phật, sống thảnh thơi…

Được triển khai từ năm 2016 tới nay, chương trình Homestay ở nhà dân dành cho sinh viên Lào tại Đà Nẵng đã trở thành điểm nhấn và là hình mẫu trong công tác đối ngoại nhân dân, góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị vĩ đại của hai dân tộc anh em Việt Nam – Lào.

Vai trò của đào tạo Hán Nôm trong nghiên cứu Phật học

 Mới đây, lớp Hán Nôm cấp Đại học hệ vừa học vừa làm đầu tiên được khai giảng tại chùa Khai Nguyên – Hà nội cho thấy nhu cầu rất lớn trong tìm hiểu, nghiên cứu Hán Nôm bởi đây là công cụ quan trọng, hữu ích để nghiên cứu Phật học. Việc đào tạo Hán Nôm hiện đang diễn ra như thế nào, gặp những thách thức gì và có vai trò quan trọng ra sao?

Chữ Hán và chữ Nôm có vai trò quan trọng đối với việc hình thành, phát triển và bảo lưu văn hóa Việt, đồng thời thúc đẩy quá trình thuần thục văn hóa trong sự biến chuyển nhận thức xã hội qua từng giai đoạn lịch sử. Trong quá trình đó, thư tịch và sử liệu Hán-Nôm Phật giáo đóng vai trò không nhỏ đối với việc bảo lưu và truyền bá nền văn hóa dân tộc. Thông qua các ghi chép còn sót lại từ văn bia, mộc bản ở các tự viện trên khắp cả nước, chúng ta không chỉ hiểu thêm về lịch sử Việt Nam…mà từ đó còn là cả một kho tàng có giá trị lớn để nghiên cứu văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Chính vì lý do đó mà đào tạo về chuyên ngành Hán Nôm luôn được các học viện Phật giáo cả nước chú trọng. Đơn cử như HVPGVN tại Huế, chương trình giảng dạy Hán Nôm từ căn bản tới nâng cao, rồi sau đó là Hán Nôm Phật học căn bản đến nâng cao cho các Tăng Ni sinh chiếm đến 300 tiết học. Đây là khối lượng kiến thức rất lớn, đủ để thấy sự quan tâm đối với ngành học này. Tuy nhiên, theo đánh giá của chư tôn đức, thành tựu đạt được vẫn chưa cao.

Thêm một khó khăn nữa cho đào tạo Hán Nôm là bởi xu thế của thời đại, những ngành ngôn ngữ như Trung Văn, Anh Văn hay Sankrit thường được Tăng ni trẻ chú trọng hơn bởi tính thực tiễn của nó, là giao lưu và hội nhập. Trong khi ngành Hán Nôm hầu như chỉ phục vụ cho công tác dịch thuật và nghiên cứu. Tuy nhiên cần phải hiểu, chữ Nôm là một loại hình văn tự phức tạp được xây dựng trên cơ sở đường nét, thành tố và phương thức cấu tạo của chữ Hán để ghi chép từ Việt và tiếng Việt. Vì lý do đó mà Hán nôm là loại văn tự khó học lại càng kén người học.

Kinh phí cũng là một trong những cản trở trong nghiên cứu, bảo tồn tư liệu Hán nôm. Như khoảng 10 năm trước, nhận thấy phong trào trùng tu chùa chiền diễn ra đồng loạt khắp cả nước, tư liệu Phật giáo đặc biệt là tư liệu Hán Nôm mai một tính bằng ngày, Thư viện Huệ Quang tại TP.HCM đã bắt đầu tổ chức những đợt sưu tầm tư liệu Hán Nôm trong các chùa ở Nam bộ. Từ đó đến nay công tác sưu tầm Tư liệu Phật giáo Hán Nôm được tiến hành liên tục. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, việc làm này còn tản mạn, không theo kịp sự hư hoại quá mau chóng của tư liệu. Đây cũng là câu chuyện chung của nhiều đơn vị phụ trách công tác nghiên cứu Phật giáo trên khắp cả nước. Từ đó cho thấy, việc này cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội.

Trước những khó khăn đó, GHPGVN đã tìm ra hướng đi đúng đắn khi liên kết với các trường Đại học ngành xã hội. Như mô hình đào tạo song song 2 bằng giữa TCPH Hà Nội và Đại học sư phạm Hà Nội về chuyên ngành Hán Nôm. Ngoài việc được trang bị kiến thức, sau khi tốt nghiệp chương trình học Đại học Văn học chuyên ngành Hán Nôm, Tăng sinh có đầy đủ điều kiện để học lên Thạc sĩ trong nước hoặc du học ở nước ngoài. Như vậy đã phần nào giải quyết được bài toán học để làm gì.

Hay như cuối tháng 11 vừa qua, chùa Khai Nguyên, TX.Sơn Tây, Hà Nội đã kết hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội khai giảng lớp đại học ngành Hán Nôm hệ vừa học vừa làm tại chùa, thời gian đào tạo 4 năm. Các bộ môn của ngành Hán Nôm được tổ chức chuyên đề giảng dạy với đội ngũ cán bộ gồm các giáo sư, tiến sĩ, các giảng viên chuyên ngành đảm bảo đào tạo chất lượng tốt nhất cho học viên cũng như chia sẻ phần nào khó khăn cho tự viện.

Tìm ra hướng đi nào để giải quyết những khó khăn cho công tác đào tạo Hán Nôm vẫn đang là bài toán nan giải đối với không chỉ các cấp giáo hội mà còn là toàn xã hội. Tuy nhiên, khó vẫn phải làm và việc mở rộng các lớp đào tạo Hán Nôm cũng như mô hình liên kết này, dù chưa thể mang lại hiệu quả ngay lập tức nhưng ít nhất, cũng góp phần định vị lại chỗ đứng của Hán Nôm trong nhận thức người Việt…qua đó, hướng tới kết quả tốt đẹp hơn.

Cụm tin văn hoá

Bình Phước: Công nhận quần thể 162 cây di sản

Cuối tuần qua, tại khu rừng huyền thoại Mã Đà, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, UBND huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã công bố quyết định công nhận 162 cây cổ thụ là cây di sản của Việt Nam.

Quần thể Cây di sản ở đây thuộc 15 loài. Trong đó, có 7 cây trên 1000 tuổi, 1 cây khoảng 1.230 tuổi. Sự kiện góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn di sản đến các tầng lớp nhân dân. Dịp này, ông Phạm Công Trường, hội viên Hội Cựu chiến binh địa phương đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba vì có đóng góp cho công tác gìn giữ, bảo vệ rừng và các hoạt động thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa.

Quảng Nam: Rực rỡ sắc màu văn hoá Việt Nam – Hàn Quốc

Cùng thời gian này tại tỉnh Quảng Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc và Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp các cơ quan tổ chức sự kiện “Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Hội An 2023”.  Sự kiện góp phần mở rộng giao lưu, hợp tác, phát huy sức sáng tạo, đặc biệt với quốc gia có các thành phố sáng tạo cùng lĩnh vực với Hội An như Hàn Quốc. 

Vịnh Hạ Long là kỳ quan được ghé thăm nhiều nhất trong năm

Với 2,6 triệu lượt khách tham quan mỗi năm, Vịnh Hạ Long đứng thứ 4 trong top 10 kỳ quan thiên nhiên được tham quan nhiều nhất thế giới do chuyên trang du lịch của Mỹ-The Travel bình chọn. Việc lựa chọn dựa trên đánh giá của Tổ chức 7 kỳ quan thiên nhiên, Google và các cuộc khảo sát mới nhất từ Instagram, TikTok và TripAdvisor theo số lượng khách truy cập hằng năm.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 11.12.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

19 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2585 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1569 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3701 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2661 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4613 lượt xem 0 Bình luận