Bản tin An Viên 24H 12.09.2023

13/09/2023 09:33:25 313 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 12.09.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Triển khai Phật sự trọng tâm thời gian sắp tới tại Đắk Nông; Phật giáo thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Thái Lan; Mái chùa xa xứ che chở hồn dân tộc.

Đắk Nông: Triển khai Phật sự trọng tâm thời gian tới

Sáng 12/9, tại chùa Pháp Hoa (TP.Gia Nghĩa), Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Nông đã họp nhằm báo cáo tổng kết Phật sự 6 tháng đầu năm và triển khai chương trình hoạt động thời gian tới.

Tại phiên họp, chư tôn đức Ban thư ký đã báo cáo các hoạt động nỗi bật của Ban Trị sự cùng những thành tựu thời gian qua, tổng kết khóa an cư kiết hạ. Dịp này, chư Tôn đức Trưởng các ban, ngành, Trưởng BTS GHPGVN các huyện đã đóng góp ý kiến, trình bày những thành tựu cũng như các khó khăn, vướng mắc.

Thời gian tới, Giáo hội tiếp tục đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội, tổ chức trung thu cho các cháu thiếu nhi, và duy trì hoạt động GDPT, các khóa tu, lớp giáo lý. Bên cạnh đó, BTS sẽ bổ nhiệm trụ trì một số tự viện vùng sâu vùng xa, đăng ký các điểm sinh hoạt Tôn giáo tập trung, xử lý hồ sơ thuyên chuyển sinh hoạt của chư Tăng Ni về địa phương.

Đà Nẵng: Phật giáo thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Thái Lan

Tại Đà Nẵng, từ ngày 10-12/9, Hội nghị lần thứ XII giữa hai Hội Hữu nghị Việt Nam – Thái Lan và Thái Lan – Việt Nam đã được tổ chức. Tại sự kiện, nhiều báo cáo, tham luận đã đánh giá cao sự góp sức của Phật giáo trong việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa 2 quốc gia, 2 dân tộc.

Tại Hội nghị, Đại đức Thích Pháp Hiếu, Ủy viên Ban Phật giáo Quốc tế TƯGH, Ủy viên Hội Hữu nghị Việt Nam-Thái Lan, trụ trì chùa Tam Bảo TP. Đà Nẵng cho biết trong nhiều năm qua, Phật giáo luôn đồng hành, có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả giúp thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam – Thái Lan, nổi bật là các sự kiện Hoàng gia Thái Lan dâng Y Kathina đến các tự viện Việt Nam hàng năm. Cùng với đó, Phật giáo hai nước thường xuyên thăm hỏi qua lại, góp phần thắt chặt mối quan hệ 2 quốc gia, 2 dân tộc. Trong thời gian tới, các công tác trên sẽ được chư tôn giáo phẩm đẩy mạnh nhằm tăng cường sự giao lưu, nâng tầm tình đoàn kết, phối hợp giữa Việt Nam và Thái Lan.

CỤM ĐỊA PHƯƠNG

Xin chuyển sang những thông tin đáng chú ý tại các địa phương! Thưa quý vị, mới đây, Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao Tôn giáo lần thứ II năm 2023; tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết giữa các tôn giáo trên địa bàn.

Thái Nguyên: Ngày Hội Văn Hóa, Thể Thao Tôn giáo lần thứ II năm 2023

Tham gia Ngày hội có gần 300 VĐV là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo cùng cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo trên địa bàn. Với 3 môn thi đấu gồm: Bóng đá, cầu lông, bóng bàn, trong suốt sự kiện, các VĐV đã tranh tài sôi nổi, góp phần tăng cường mối giao lưu, sự hiểu biết, đoàn kết, đồng thuận giữa các tôn giáo, giữa cơ quan thuộc hệ thống chính trị và tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Đồng Nai: Tăng cường hợp tác giữa Cảnh sát biển Và các Tôn giáo

Cùng thời gian này ở tỉnh Đồng Nai, chương trình “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo” năm 2023 đã được tổ chức tại chùa Chánh Tâm, huyện Nhơn Trạch. Trong khuôn khổ sự kiện, BTC đã tổ chức khám bệnh, cấp, phát thuốc miễn phí cho người dân; trao tặng 100 phần quà cho các gia đình chính sách, người khó khăn. Dịp này, lực lượng Cảnh sát Biển phát hơn 600 tài liệu, tờ rơi tuyên truyền đến đồng bào các tôn giáo trên địa bàn.

Ninh Thuận

Chiều ngày 11/9, BTS GHPGVN tỉnh Ninh Thuận phối hợp Phòng CSGT tổ chức lễ chiêu vong cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Chư tôn đức thỉnh linh tại điểm thường xuyên xảy ra tai nạn của huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước và Thành Phố Phan Rang – Tháp Chàm về an vị tại Chùa Sùng Ân. Trong 4 ngày, BTS đã tụng kinh, cầu nguyện, thắp nến tưởng niệm các nạn nhân tử nạn vì TNGT.

CỤM TỪ THIỆN

Tiếp tục bản tin là các hoạt động từ thiện nhằm lan tỏa tinh thần từ bi cứu khổ của người con Phật trên cả nước. Ghi nhận tại Dak Lak, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu và Trà Vinh.

Đắk Lắk

Sáng nay ngày 12/9, Phân ban Phật tử Dân tộc TƯGH, cùng các cơ quan địa phương và các nhà hảo tâm đã xây dựng 2 căn nhà tình thương cho 2 hộ khó khăn, tổng trị giá gần 180 triệu đồng. Qua đó, kết nối những tấm lòng nhân ái, động viên tinh thần bà con vươn lên làm kinh tế, ổn định cuộc sống.

Bình Phước

Còn tại Bình Phước, chùa Tịnh Đoan, phối hợp với các cơ quan thị xã Chơn Thành tặng 61 xuất học bổng cho các em học sinh và 250 phần quà cho người dân khó khăn, với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng. Tại buổi lễ, Lãnh đạo các cấp đánh giá cao sự và cảm ơn những đóng góp tích cực của chư tăng ni, phật tử tích cực tham gia, làm tốt công tác từ thiện, nhân đạo.

BRVT

Cùng thời gian này tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, UBMTTQVN phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ phối hợp cùng chùa Chuẩn đề và chùa Già Lâm phát tặng 50 phần quà cho các hộ nghèo, người khuyết tật. Tổng trị giá các phần quà là 105 triệu đồng, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Phật giáo, hỗ trợ người dân nghèo.

Trà Vinh

Riêng tại tỉnh Trà Vinh, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè kết hợp với chính quyền địa phương thăm và tặng quà 410 tăng sinh, học sinh người dân tộc Khmer đang theo học các lớp Sơ cấp, Trung cấp Phật Học năm học 2023-2024. ​Tại các nơi đến thăm, Hội mong muốn quý tăng sinh, học sinh nỗ lực nâng cao trình độ, tri thức, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Ấm tình người bệnh

Để động viên, chia sẻ với những khó khăn của người bệnh, 2 năm nay, Tổ công tác xã hội tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương- do tấm lòng hảo tâm và chư tăng ni huyện thành lập, đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực. Từ đó tích cực giúp đỡ bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua bệnh tật.

Đều đặn 3 lần 1 tuần vào các buổi sáng thứ 2, thứ 5 và thứ 6, những bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Thanh Hà được nhận những suất cháo dinh dưỡng từ chương trình “Bát cháo yêu thương”. Đây là hoạt động thường niên do Tổ công tác xã hội của trung tâm phối hợp với các nhà hảo tâm và chư Tăng Ni, phật tử trong và ngoài huyện.

Ngoài chương trình “Bát cháo yêu thương”, Tổ còn đặt 1 hòm từ thiện tại sảnh khám bệnh để tiếp nhận ủng hộ của cán bộ, y bác sĩ và những người đến khám bệnh. Hàng tháng, số tiền này được tặng đến những bệnh nhân khó khăn. 2 năm qua, với tấm lòng nhân hậu của các y bác sỹ và tinh thần từ bi của đạo Phật, hàng trăm bệnh nhân được hỗ trợ kinh phí, hàng nghìn suất cháo yêu thương được trao tặng cũng đủ làm ấm lòng những bệnh nhân gặp khó khăn.

Những hoạt động nghĩa tình ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Hà giúp cho người bệnh đến khám, điều trị không chỉ được chăm sóc sức khỏe, mà còn được động viên về tinh thần, tạo niềm tin để chiến thắng bệnh tật. Nhiều bệnh nhân khi ra viện cũng đã quay trở lại chung tay cùng các hoạt động nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

CỤM QUỐC TẾ

 Chuyển sang các thông tin Quốc tế đáng chú ý.

Trung Quốc: Khai mạc triển lãm “Đức Phật Trong Tôi”

Triển lãm chung các tác phẩm của Phật Quang Sơn năm 2023 do Hiệp hội đèn lồng Phật Quang Sơn và Bảo tàng Phật Quang Sơn tổ chức đã khai mạc vào ngày 11/9. Triển lãm có chủ đề “Đức Phật trong tôi”, trưng bày 237 tác phẩm,  với nhiều hạng mục như video, nhiếp ảnh, hội hoạ. Được tổ chức từ năm 2017, trải qua 7 lần tổ chức người xem như cảm nhận sự kính tín Tam Bảo của chư tăng ni tại Trung Quốc. Triển lãm kéo dài đến ngày 15 tháng 10.

Hàn Quốc: Triển lãm tranh Phật giáo tại chùa

Trong khi đó tại chùa Tongdosa, Triển lãm cá nhân lần thứ 10 của Jo Hae-jong, một họa sĩ tiêu biểu cho tranh Phật giáo Yeongnam, đã khai mạc vào ngày 11/9. Sau khi tốt nghiệp Khoa Nghệ thuật Phật giáo năm 1995, hoạ sĩ Jo Hae-jong, thực hiện đam mê với tranh Phật giáo hơn 30 năm với nhiều chất liệu và thể loại khác nhau, bao gồm cả tranh Phật giáo truyền thống và các tác phẩm nghệ thuật khác, không mang tính tượng hình. Ở triển lãm lần này, trưng bày hơn 50 tác phẩm bao gồm tranh Quán Thế Âm cỡ lớn, Thất Tinh, Phật A Di Đà và 42 bức tranh về Quán Thế Âm. Triển lãm mở cửa cho đến ngày 24/9.

Hiệu quả tuyên truyền ATGT trong mùa An cư

An toàn giao thông là câu chuyện không bao giờ cũ bởi những hiểm hoạ trên đường lúc nào cũng có thể xảy đến, gây nên mất mát khó gì bù đắp được. Nhằm góp sức vào việc đảm bảo an toàn trên mỗi cung đường, mỗi chuyến đi, Phật giáo các cấp đã cùng với công an các tỉnh thành-  phối hợp triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động tăng ni, phật tử- chung tay đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt trong mùa an cư năm nay, ATGT đã trở thành một trong những nội dung sinh hoạt ngoại điển quan trọng. Chuyên mục tiêu điểm hôm nay ,xin được giới thiệu với quý vị những hiệu quả bước đầu từ chương trình ý nghĩa này.

33 là con số các tỉnh thành đã chính thức ký kết chương trình phối hợp tăng cường công tác tuyên, phổ biến, giáo dục, vận động tăng ni phật tử tham gia đảm bảo trật tự  giai đoạn 2023-2026. Tuy nhiên, trên thực tế, các hoạt động liên kết, triển khai tuyên truyền nội dung liên quan đến ATGT đã được Giáo hội PGVN các tỉnh thành cùng CA các địa phương thực hiện từ nhiều năm nay.

Trên cơ sở biên bản phối hợp hành động được ký kết, các nội dung tuyên truyền phổ biến về ATGT đã được GHPGVN các cấp triển khai rộng khắp thông qua các ngày lễ trọng, các khóa tu và đặc biệt là trong 3 tháng an cư kiết hạ tập trung vừa qua. Với sự hướng dẫn của TƯG-H, ATGT trở thành nội dung quan trọng trong sinh hoạt ngoại điển mùa an cư PL2567. Chương trình góp phần cung cấp hiểu biết về Pháp luật ATGT cho chư Tăng Ni, phật tử. Bên cạnh đó, chư tăng ni, phật tử còn thực sự trở thành những nhân tố tuyên truyền tích cực, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, góp phần đảm bảo an toàn trong cộng đồng.

Là một trong những địa phương đi đầu trong công tác này, 3 tháng hạ vừa qua, Chư tôn đức BTS GHPGVN Thành phố Hà Nội và Công an Thành phố đã nghiêm túc triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến thông điệp đảm bảo ATGT, đảm bảo toàn vẹn tính mạng con người thông qua lồng ghép giáo lý đạo Phật đến chư tăng ni, phật tử tại tất cả các trường hạ. Qua đó, Xây dựng các mô hình “Tăng, ni, phật tử tham gia giao thông văn hóa – an toàn”; tổ chức các lớp tập huấn về thuyết pháp giảng dạy cho các phật tử tuân thủ pháp luật giao thông, tuyên dương cá nhân điển hình trong công tác đảm bảo TTATGT.

Cùng với Hà Nội, nhiều tỉnh thành cũng có các hoạt động thiết thực và đi vào chiều sâu trong công tác tuyên truyền an toàn giao thông. Như tại Nam Định, lần đầu tiên, BTS GHPGVN tỉnh đã cùng lúc làm lễ tại nhiều điểm nóng về tai nạn giao thông như Chân cầu Non Nước, Cầu Chuối hay Đầu đường 56… trước khi vân tập về chùa Tiên Hương, huyện Vụ Bản để thực hiện đại lễ cầu siêu. Với hoạt động này, Phật giáo tỉnh Nam Định hy vọng xoa dịu nỗi đau cho cả người đã ra đi hay người còn ở lại.

“…”

Tại điểm cầu siêu gần Cầu Giành, một trong những nơi xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đông đảo người dân đã có mặt từ rất sớm để cùng chư tôn đức cử hành nghi lễ. Trong đó, một số đến để sẻ chia nỗi buồn với người đã khuất, nhưng phần đông là thân nhân những nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông với những chia sẻ thực sự có sức lay động.

Như người đàn ông này, 10 năm đã trôi qua, nhưng chưa bao giờ ông quên được cái ngày mà con trai mình vĩnh viễn ra đi… ở đúng nơi đây. Cầu nguyện và tưởng nhớ…không biết có phải một sự ngẫu nhiên hay không…nhưng cơn gió lớn bất chợt nổi lên thổi bay sự oi ả của ngày hè…người cha già cảm thấy lòng mình nhẹ đi đôi chút.

Tất nhiên, Phật giáo tỉnh Nam Định nhiều năm qua vẫn thường xuyên chăm lo những hoàn cảnh đặc biệt này. Nhưng năm nay thì lại có phần trang trọng hơn khi sự kiện được thực hiện trên quy mô cấp tỉnh. Gần 300 Tăng Ni từ các trường hạ đã chung tay thực hiện đại lễ cầu siêu cho nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.

Theo BTS GHPGVN tỉnh Nam Định, các hoạt động này sẽ được duy trì và mở rộng vào những năm tiếp theo. Qua đó, tạo lời cảnh tỉnh đối với mỗi người về mức độ nghiêm trọng khi tham gia giao thông, cần nâng cao nhận thức, chấp hành luật lệ về an toàn giao thông để đảm bảo tính mạng cho bản thân và mọi người, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Tại đây, nhiều kiến thức về ATGT cũng đã được BTC phổ biến cho người dân.

“…”

Từ đó có thể thấy, mùa an cư là thời điểm mang đến rất nhiều hiệu quả trong công tác tuyên truyền an toàn giao thông của Phật giáo các tỉnh thành. Bởi đây là lúc trùng với dịp vu lan báo hiếu, sinh hoạt văn hóa cao đẹp của Phật giáo trong truyền thống văn hóa người Việt, đồng thời cũng là thời điểm tập hợp được đông đảo người dân để cùng hướng đến những hoạt động nhân văn và ý nghĩa.

CỤM VĂN HÓA

Xin chuyển sang các thông tin văn hóa đáng chú ý! Hơn 3 tuần nữa là Tết Trung Thu sẽ đến, và để giúp các em nhỏ có được 1 cái Tết Thiếu nhi thật trọn vẹn, nhiều hoạt động sẽ được diễn ra.

Nhiều hoạt động tại lễ hội Trung thu năm 2023

Diễn ra từ ngày 27 – 29/9 nhằm ngày 13 đến 15/8 âm lịch tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, TP. Hà Nội, các em nhỏ được tham gia các hoạt động vui chơi, trải nghiệm bổ ích như: Làm đèn lồng, diều, tô vẽ mặt nạ giấy bồi, làm con giống tò he; đồ chơi và bánh Trung thu truyền thống. Đặc biệt, Lễ hội Đêm rằm diễn ra tối 15/8 âm lịch có hoạt động diễu hành đường phố; liên hoan nhảy múa dân vũ, đồng dao thiếu nhi; phá cỗ hứa hẹn mang lại nhiều trải nghiệm khó quên cho các em thiếu nhi.

Hà Nội đẩy mạnh phát triển du lịch trong 3 tháng cuối năm

Cũng tại Hà Nội, ngành du lịch Thủ đô đang đề ra những kế hoạch nhằm kích cầu lượng khách trong 3 tháng cuối năm. Trong đó tập trung hình thành các tour trải nghiệm văn hóa, di sản trên địa bàn. Riêng 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, du lịch Hà Nội đã đón 640 nghìn lượt khách, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng.

Nhiều hoạt động kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa

Trong khi đó, UBND thị xã Sa Pa, Lào Cai vừa ban hành kế hoạch của Tuần văn hóa du lịch chào mừng 120 năm du lịch Sa Pa với nhiều hoạt động hấp dẫn. Lễ kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa diễn ra vào 23-9 tại trung tâm thị xã, với màn bắn pháo hoa tầm thấp. Chuỗi các sự kiện hưởng ứng kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa còn có giải bóng chuyền nữ quốc tế, sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn; liên hoan ẩm thực quốc tế; hội chợ Thương mại biên giới Việt – Trung.

Người ươm mầm tình yêu nghệ thuật truyền thống

Từng gây ấn tượng mạnh với những bộ sưu tập điêu khắc sơn mài con giáp đồ sộ – như 1.010 tượng trâu, 2.022 tượng hổ ,và năm nay là 2.023 tượng mèo, Nguyễn Tấn Phát được biết đến là nghệ nhân, họa sĩ giàu sức sáng tạo và luôn dành tình yêu đặc biệt cho văn hóa dân tộc. Không chỉ thể hiện tình yêu ấy bằng những sản phẩm sơn mài đặc sắc, anh còn khao khát lan tỏa tình yêu nghệ thuật – thông qua những lớp học mỹ thuật truyền thống miễn phí.

Cùng trải nghiệm lớp học với con gái, chị Kiều Anh cho biết các hoạt động nghệ thuật giúp trẻ thể hiện ý tưởng, tư duy và cảm xúc của mình sáng tạo. Hơn nữa, lớp học đặt tại làng cổ Đường Lâm – một trong những “địa chỉ đỏ” về văn hóa, lịch sử nên càng ý nghĩa hơn.

Ngoài những lớp học sơn mài, tranh khắc gỗ miễn phí, thời gian gần đây, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát còn mở lớp trải nghiệm nghề gốm với mong muốn một ngày nào đó những lò gốm vang tiếng một thời của Sơn Tây lại đỏ lửa và giúp các bạn nhỏ biết thêm loại hình nghệ thuật truyền thống.

Với những lớp học miễn phí, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết anh đã “lãi” được niềm vui, tiếng cười, và cả những trải nghiệm thú vị của các em nhỏ, du khách khi tìm hiểu, thực hành cùng nghệ thuật truyền thống. Rõ ràng, không chỉ lan tỏa tình yêu dành cho văn hóa dân tộc, người nghệ nhân còn đang góp phần mang đến sản phẩm du lịch hấp dẫn cho làng cổ Đường Lâm, giúp mảnh đất quê hương có thêm sức hút với du khách gần xa…

Phát huy giá trị bảo vật quốc gia

Tỉnh Nam Định có 5 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia bao gồm: Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ, niên đại thế kỷ thứ 17 được thờ tại Chùa Phổ Minh,; Tượng Phật thời Lý, thế kỷ 12, lưu giữ tại chùa Ngô Xá; Thành bậc lan can thời Lý, thế kỷ 12, Mô hình kiến trúc đất nung thời Trần, thế kỷ 13 – 14, Bộ chân đèn và lư hương gốm men thời Mạc, thế kỷ 16, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.  Nhiều năm qua, địa phương này phát huy tốt giá trị của bảo vật quốc gia – trong giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, giới thiệu, quảng bá tới nhân dân, du khách.

Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ, niên đại thế kỷ thứ XVII được thờ tại Chùa Phổ Minh, thành phố Nam Định là bảo vật quốc gia mới nhất được công nhận. Bộ tượng còn nguyên vẹn, bằng chất liệu gỗ, sơn son, thếp vàng, khắc họa ba vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm gồm đệ nhất Tổ Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang. Bộ tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ở chùa Phổ Minh đầu hướng về phía Đông, nơi có đền Trần thờ Thủy tổ và 14 vị Hoàng đế triều Trần, với ý nghĩa hướng về nguồn cội, tổ tiên.

Nhóm bảo vật quốc gia gồm: Thành bậc lan can thời Lý, thế kỷ XII; mô hình kiến trúc đất nung thời Trần, thế kỷ XIII – XIV và bộ chân đèn, lư hương gốm men thời Mạc, thế kỷ XVI hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định còn tương đối nguyên vẹn. Mỗi bảo vật mang đến nhiều câu chuyện về lịch sử, văn hóa, tư duy thẩm mỹ, khoa học của con người ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau. Nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh Nam Định trở thành địa chỉ tham qua, học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên, cán bộ và nhân dân, du khách.

Hiện bảo tàng tỉnh có hệ thống bảo quản an toàn. Đối với các bảo vật quốc gia đang được lưu giữ và thờ tự tại các địa phương, Ngành Văn hóa tỉnh Nam Định đã ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị của bảo vật quốc gia, không tự ý tu sửa, di chuyển, đảm bảo tính chính thể, nguyên vẹn của bảo vật quốc gia.

Với hệ thống bảo vật quốc gia quý giá, hi vọng rằng thời gian tới, chính quyền, cơ quan tỉnh Nam Định sẽ có giải pháp cụ thể, quan tâm hơn nữa đến việc khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa của bảo vật quốc gia, hiện vật gắn với phát triển du lịch, tạo thành điểm nhấn văn hóa thu hút nhân dân, du khách.

Mái chùa xa xứ che chở hồn dân tộc

Năm 1960, trước khi hành hương về Việt Nam, bà con kiều bào tại các tỉnh tại Thái Lan đã quyên góp tiền và công sức để xây dựng một số công trình đường xá, cổng chùa, tháp chuông ở chùa nhằm bày tỏ lòng tri ân tới nhà vua và vương quốc Thái Lan đã cưu mang cộng đồng người Việt Nam những ngày đầu định cư tại xứ chùa Vàng. Kể từ đó tới nay, những công trình đó vẫn được các Việt kiều ở lại chân trọng, giữ gìn và nâng cấp cho phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Thủ đô Bangkok có bảy ngôi chùa trong tổng số 21 ngôi chùa Việt Nam trên toàn lãnh thổ Thái-lan. Những ngôi chùa Việt cổ kính hàng trăm năm tọa lạc trên các con phố sầm uất, nhìn giản dị mà vững chãi, trầm mặc mà kiêu hãnh như cốt cách con người Việt. Các ngôi chùa gốc Việt tại xứ “chùa Vàng” chính là nơi bà con kiều bào giao lưu, gặp gỡ và thăm hỏi lẫn nhau, nhất là trong những dịp lễ tết. Đó cũng là không gian để mọi người gửi gắm tình cảm đối với quê hương đất tổ, là địa chỉ văn hóa tâm linh của những người con xa xứ.

Phật giáo đã trở thành tôn giáo truyền thống của người Việt từ xưa đến nay. Chính vì thế, những ngôi chùa Việt dần được “di cư” theo rất nhiều kiều bào xa xứ và có hàng trăm ngôi chùa của người Việt đã được dựng lên, trở thành địa chỉ văn hóa tâm linh của cộng đồng. Thời gian góp thêm những giá trị tâm linh cao cả và tô điểm cho nét văn hóa của người Việt nơi “đất khách quê người”.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 12.09.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

12 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2533 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1467 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3667 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2600 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4587 lượt xem 0 Bình luận