Bản tin Bchannel – An Viên 24H 12.12.2023
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 12.12.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Sri Lanka: Khai mạc Diễn đàn Phật giáo Đông Á – Đông Nam Á; Phật giáo nhiều tỉnh thành tổ chức Lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông; Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đạo và đời.
Khai mạc Hội nghị bàn tròn Phật giáo Đông Á – Đông Nam Á
Sáng ngày 12.12, tại Thủ đô Colombo của Sri Lanka, hội nghị bàn tròn Phật giáo Đông Á và Đông Nam Á 2023 đã khai mạc với sự tham dự của hơn 25 đoàn Phật giáo quốc tế. Đoàn đại biểu GHPGVN do HT.Thích Hải Ấn, UVTT HĐTS, Viện trưởng học viện PGVN tại Huế dẫn đầu.
Lễ khai mạc diễn ra long trọng với sự góp mặt của Ngài Mahinda Rajapakshe, cựu tổng thống Sri Lanka. Tại đây, chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo các quốc gia và vùng lãnh thổ đã cùng nêu lên tầm quan trọng của hội nghị khi góp phần khởi xướng các đề xuất để thúc đẩy nền hoà bình thế giới.
Phát biểu tại diễn đàn, Hòa thượng.Thích Hải Ấn đã đại diện Giáo hội PGVN đề nghị song song với Hội nghị, sẽ tổ chức diễn đàn để Thanh niên Phật giáo giữa các nước trong khu vực chung tay vào sự nghiệp hoằng pháp, phát triển Phật giáo.
Cuối phiên khai mạc, phái đoàn từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký vào bản đúc kết 6 điểm gồm: tăng cường tình hữu nghị và trao đổi văn hoá giữa Phật giáo các nước; tăng cường và kết nối, bảo đảm nền hoà bình; lan toả triết học Phật giáo tới tất cả mọi người; hỗ trợ cho sự kết nối của thanh niên Phật giáo và theo đuổi các mục tiêu vững bền.
CỤM TƯỞNG NIỆM PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG
Quảng Ninh: Tưởng niệm 715 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông Nhập Niết bàn
Tại buổi lễ, chư tôn đức và các đại biểu đã thực hiện nghi lễ dâng hương, cầu nguyện quốc thái dân an; ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công đức lớn lao của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong quãng thời gian Ngài xuất gia, Yên Tử là nơi Phật Hoàng tu hành, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi Ngài hóa Phật vào ngày 1/11ÂL năm 1308. Bởi thế, Ngọa Vân như là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm.
Khoá còn là dịp nhắc nhở nhân dân, thế hệ trẻ về vai trò, ý nghĩa và những giá trị cần bảo tồn, phát huy của Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều.
Thanh Hóa: Tưởng niệm 715 năm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông Nhập Niết bàn
Cùng thời gian này, tại chùa Đại Bi, BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa cũng trang nghiêm tưởng niệm 715 năm Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và hiệp kỵ Hòa thượng Thích Thanh Tứ – Thành viên HĐCM, Phó Chủ tịch TT HĐTS, Chứng minh đạo sư BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa. Tại buổi lễ, chư tôn đức Tăng Ni, đại biểu ôn lại cuộc đời, sự nghiệp, công đức to lớn của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đặc biệt, buổi lễ có sự tham dự của phái đoàn Phật giáo tỉnh Hủa Phăn nhằm hiểu hơn về sự phát triển của Phật giáo Việt Nam và góp phần giao lưu văn hoá phật giáo hai nước.
Quảng Bình: Dâng hương tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Trong khi đó, tại chùa Hoằng Phúc, tỉnh Quảng Bình, nhân Đại lễ tưởng niệm 715 năm ngày Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, chư tôn đức đã ôn lại tiểu sử và thành kính dâng hương tưởng niệm Ngài. Chùa Hoằng Phúc vinh dự là ngôi chùa ghi dấu chân hoằng hoá cùa Ngài về phương nam vào năm 1301.
TT-Huế: Tưởng niệm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông
Cũng trong sáng ngày 12.12 tại Tổ đình Từ Đàm, tỉnh TT-Huế, BTS GHPGVN tỉnh cũng trang nghiêm cử hành lễ Tưởng niệm 715 năm Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Sau khi cung tuyên Tiểu sử vị vua đã lãnh đạo quân dân Đại Việt 2 lần đánh bại đế quốc Nguyên Mông; dành tâm huyết xây dựng thiền phái Trúc Lâm, làm lợi ích nhân sinh đến muôn đời; chư tôn đức và quý đại biểu đã dâng hương tưởng niệm Ngài.
Dấu ấn của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Hải Dương
Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông được hậu thế biết đến là bậc minh quân xuất chúng, khai mở dòng thiền Trúc Lâm. Mảnh đất xứ Đông xưa – Hải Dương nay vẫn còn lưu lại những dấu ấn về giai đoạn trị vì và xuất gia của ngài.
Ngôi chùa Cả, xã Tân An (tên chữ Đại Từ Khâm Thiên tự) là ngôi chùa cổ tại huyện Thanh Hà còn lưu giữ được kiến trúc xưa. Di tích hiện nay do các sư Tổ phái Lâm Tế kiến thiết cuối thế kỉ 19. Nhân dân vẫn truyền tụng, ngôi chùa được dựng nên nhằm kỷ niệm việc vua Trần Nhân Tông đã dừng chân giáo hóa. Cùng với kiến trúc và hệ thống tượng Phật, sắc phong; điểm nổi bật là tượng Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nơi Chính điện, đội mũ Tỳ Lư.
Trong lịch sử, vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ đỉnh cao quyền lực để đi tìm chân lý Giải thoát, Giác Ngộ, sáng lập thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc Đại Việt. Từ non thiêng Yên Tử, ngài đã đi tới nhiều vùng miền, khuyên nhân dân tu tâm, hướng thiện. Tại Hải Dương, nhiều ngôi chùa cổ như Sùng Nghiêm (Phả Lại), Côn Sơn, Thanh Mai (huyện Chí Linh); Cửu Phẩm, Đại Từ Khâm Thiên, Minh Khánh, Bạch Hào (huyện Thanh Hà), Đống Cao (Tp Hải Dương) đã ghi dấu ấn hành đạo của Ngài và sức lan tỏa của tư tưởng thiền Trúc Lâm.
Thiền phái Trúc Lâm với Giáo hội quy củ thời Trần đã đánh dấu lần thống nhất đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Mạch nguồn này đang được Giáo hội Phật giáo Việt Nam kế thừa, phát huy. Trong những trang sử vàng son đó, công đức của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn sống mãi với sự nghiệp hộ quốc an dân, đoàn kết dân tộc./.
Yên Bái: Triển khai công tác Phật sự cuối năm 2023
Sáng ngày 12.12, BTS GHPGVN tỉnh yên Bái họp thường kỳ nhằm triển khai Phật sự trọng tâm cuối năm.
Chư tôn đức BTS đã lắng nghe báo cáo tóm tắt phật sự trong thời gian qua. Trong đó, Ban tăng sự đã tiếp nhận 2 Sư cô tỉnh khác về tu tập, sinh hoạt.
Ngay sau đó, chư tôn đức triển khai Thông tư thành lập Ban quản trị Tự viện, thống nhất cử 15 tăng ni, phật tử dự tập huấn hoằng pháp viên tại tỉnh Phú Thọ; thông qua lịch Tổng kết Phật sự năm năm 2023 của tỉnh và các huyện; chuẩn bị tặng 300 phần quà tết cho người dân khó khăn.
CỤM TIN PHẬT SỰ
Thanh Hóa: Phật giáo tỉnh ký kết hợp tác với BTS GHPGVN tỉnh Quảng Nam
Theo đó, 2 bên Tăng cường trao đổi thăm viếng lẫn nhau, phối hợp trong các hoạt động từ thiện nhân đạo; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động Phật sự. Bản ghi nhớ hợp tác này có hiệu lực trong nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Ninh Thuận: Phật giáo TP.Phan Rang – Tháp Chàm tổng kết Phật sự 2023
Trước đó, vào chiều ngày 11.12 tại Ninh Thuận, BTS GHPGVN TP. Phan Rang – Tháp Chàm Tổng kết công tác Phật sự năm 2023. Thời gian qua, nhiều Phật sự quan trọng được thực hiện như: tổ chức trọng thể các lễ lớn; đẩy mạnh từ thiện an sinh xã hội. Dịp này, chư Tăng Ni lần lượt đóng góp ý kiến xây dựng Phật sự năm mới được thành công.
Cần Thơ: BTS GHPGVN Q.Bình Thủy tổng kết Phật sự năm 2023
Cũng tại Hội nghị tổng kết công tác Phật sự năm 2023, BTS GHPGVN quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ cho biết đã đạt được nhiều thành tựu từ Tăng sự, Giáo dục, truyền thông. Dịp này, chư tôn đức đã trao 8 tấn gạo và 800 thùng mì đến UBMTTQ VN quận để hỗ trợ bà con khó khăn đón xuân mới.
Tiền Giang: Học viện Viên Quang thăm trường TCPH tỉnh
Cùng thời gian này, tại chùa Vĩnh Tràng tỉnh Tiền Giang, Ban Giám hiệu Trường Trung cấp Phật học tỉnh đã đón tiếp phái đoàn Hội đồng điều hành Học viện Viên Quang (Đài Loan – Trung Quốc). Hai bên đã giới thiệu về quá trình hình thành, phát triển, công tác đào tạo cũng như giao lưu, trao đổi trên lĩnh vực Giáo dục Phật học. Qua đó, mở ra cơ hội hợp tác của 2 đơn vị trong tương lai.
Hành trình “Về Nguồn” của Tăng Ni sinh
Nhằm phát huy tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, vun bồi lòng tri ân báo ân cho thế hệ Tăng Ni sinh trẻ, HVPGVN tại Hà Nội đã tổ chức chương trình ngoại khóa “Về nguồn” thăm, tìm hiểu một số cột mốc biên cương Tổ quốc, dâng hương tưởng niệm AHLS.
Hơn 500 Tăng Ni sinh HVPGVN tại Hà Nội đã đến mũi Sa Vĩ thuộc TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Có vị là lần đầu tiên, cũng có người đã đến địa đầu cực Đông Bắc của Tổ quốc nhiều lần, nhưng đều chung 1 nỗi niềm cảm xúc – đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Tại đây, toàn thể Tăng Ni sinh được nghe giới thiệu về nơi đầu tiên ở miền Bắc đón ánh mặt trời, về cột mốc chủ quyền, đài quan sát, chốt canh phòng, và sự vất vả của những người lính biên phòng canh giữ nơi biên cương Tổ quốc.
Trong hành trình, đoàn còn đến thăm Khu Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn thuộc xã Hải Sơn, TP.Móng Cái. Mỗi nén hương thơm được dâng lên, chính là lòng tưởng nhớ các anh hùng dân tộc. Noi theo ý chí, khí phách kiên trung của mảnh đất và con người nơi đây; mỗi Tăng Ni sinh từ đó lại càng cố gắng, nỗ lực hơn nữa.
Có đi, tận mắt chứng kiến thì mới càng thêm trân trọng những gì được thừa hưởng ngày hôm nay. Những thước phim lịch sử ấy như lời nhắc nhở về tinh thần tri ân báo ân, sự nỗ lực đóng góp xây dựng GHPGVN nói riêng và đất nước nói chung ngày càng phát triển, hùng cường.
CỤM TIN TỪ THIỆN
An Giang: Trao quà đến bà con nghèo tại huyện Thoại Sơn
Tại tỉnh An Giang, hôm qua ngày 11/12, chùa Vạn Liên (TP.HCM) đã trao 200 phần quà đến bà con có hoàn cảnh khó khăn tại xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn. Mỗi phần quà gồm gạo, mì gói, giỏ quà và tiền mặt… với tổng trị giá 100 triệu đồng, giúp các hoàn cảnh yếu thế vươn lên trong cuộc sống.
Bến Tre: Khánh thành đường liên thông dân sinh
Trong khi đó tại Bến Tre, chư Tôn đức BTS GHPGVN tỉnh kết hợp với chính quyền địa phương khánh thành đường liên thông dân sinh huyện Châu Thành với tổng kinh phí 150.000.000đ. Đây là phần quà to lớn gửi đến người dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Sóc Trăng: Tặng bình chữa cháy cho bà con khó khăn
Cùng thời gian này, tại tỉnh Sóc Trăng, chùa Tam Bảo, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai phối hợp các nhà hảo tâm tặng 1.050 bình chữa cháy và hơn 1.000 phần quà cho bà con huyện Long Phú. Dịp này, đại diện an huyện Long Phú đã hướng dẫn bà con cách sử dụng thiết bị và diễn tập phòng cháy chữa cháy.
CỤM TIN QUỐC TẾ
Myanmar: Trường Đại học Itbmu tổ chức kỷ niệm 25 năm thành lập
Tại buổi lễ, chư tôn đức đã ôn lại vai trò cũng như lịch sử của ngôi trường trong 25 năm qua. Dịp này, Phái đoàn Học viện PGVN tại Huế và TP.HCM đã hỗ trợ tịnh tài đến 62 Tăng Ni sinh Việt Nam đang du học tại Trường. Qua đó, khích lệ Tăng Ni sinh nỗ lực tu học, trở về phụng sự quê hương và đạo Pháp.
Hàn Quốc: Tặng 1 tấn kim chi cho người khó khăn
Còn tại Hàn Quốc trong những ngày qua, chư tăng ni và Phật tử tại TP Seoul đã chuẩn bị hơn 1 tấn kim chi để tặng cho người khó khăn trên địa bàn. Theo đó, hơn 200 thùng kim chi sẽ được chuyển đến các gia đình khó khăn và các mái ấm tình thương trẻ em.
Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông – Đạo và đời
Lịch sử hàng nghìn năm qua của dân tộc, Phật giáo góp phần quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa, con người và đất nước Việt Nam. Trong đó có những con người đã hội tụ tinh hoa thần khí của non sông đất nước mà trở nên đại hùng đại lược, đại trí tuệ, đại từ bi, Đức vua Trần Nhân Tông – Điều Ngự giác hoàng là một người như vậy. Dù là hoàng thái tử, là bậc minh quân, là thái thượng hoàng, là thiền sư, là mây trắng nghìn năm thì Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông vẫn muôn thuở ung dung giữa Đời và Đạo, trở thành hình tượng tiêu biểu độc đáo trong lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng.
CƯ TRẦN LẠC ĐẠO
“…Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền…”
– Phật Hoàng Trần Nhân Tông –
Chỉ 4 câu kệ – nhưng đã đúc kết được tinh thần cốt lõi của thiền phái Trúc Lâm – ở đời mà vui với đạo, đi tu nhưng không lìa khỏi thế tục. Đây chính là tinh thần nhập thế, đạo chỉ có ý nghĩa khi làm đẹp cho cuộc đời này, cho nên việc đi tu phải làm đẹp, làm hưng thịnh, phát triển đất nước. Lý thuyết của thiền phái Trúc Lâm do đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông khởi xướng mang tư tưởng hòa nhập Đạo với Đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam, đó là: không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn nhớ đến cội nguồn…
Với Đời, đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị vua anh minh kiệt xuất, đã lãnh đạo đoàn kết quân dân hai lần đánh thắng giặc Nguyên – Mông. Sau khi nhường ngôi cho con, Ngài đã dành tâm huyết tìm kế sách khoan hòa trong nhân dân để ra chính sách an dân nhằm xây dựng, phát triển mở mang đất nước. Bên cạnh đó, Ngài còn là vị Vua Phật nguyện từ bỏ danh lợi, phú quý vinh hoa để chọn cho mình con đường đi độc đạo: xuất gia tu hành. Ngài tận tụy cho khát vọng xây dựng đạo Phật lý tưởng gắn chặt với thực tế đời sống của nhân dân, với vận mệnh của dân tộc, của non sông đất nước.
Vào thời nhà Trần, các vua Trần không chỉ là những Phật tử thuần thành mà còn là hành giả thâm chứng Phật pháp, với tư tưởng “Phật tại tâm, Tâm tức Phật” và chủ trương “không xa lánh cõi đời, cùng gánh vác việc đời”, các vua Trần đã thiết lập thể chế chính trị được xây dựng trên tinh thần từ bi, đạo đức, khoan dung của đạo Phật, khiến cho trật tự xã hội ổn định, nhờ đó đã gắn chặt khối đại đoàn kết dân tộc và phát huy truyền thống tự lực tự cường, bảo vệ vững chắc giang sơn xã tắc Đại Việt.
Với Đạo – Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là Thiền sư đắc đạo, là người sáng lập và lãnh đạo thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền riêng có của Phật giáo Việt Nam. Đây được xem như là mặt nổi bật nhất trong sự nghiệp văn hóa của Ngài. Đầu thế kỷ XII, ba Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường dần dần thống nhất, trên cơ sở đó hình thành phái Thiền Trúc Lâm. Điều quan trọng là Thiền phái Trúc Lâm đã thể hiện tinh thần hòa hợp giữa đạo và đời mãnh liệt. Bản thân Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, khi xuất gia vẫn quan tâm đến vận mệnh đất nước. Ngài chọn Yên Tử làm trung tâm của Giáo hội Trúc Lâm. Tại đây, trên đỉnh núi thiêng, cùng với việc tu chứng, Ngài có thể quan sát được sự động tĩnh của các cánh quân xâm lược. Mặt khác, Ngài đi khắp thôn dã, khuyên dân bỏ hủ tục, mê tín và thực hành giáo lý Thập thiện.
Giáo lý của Phật hoàng Trần Nhân Tông mà nổi bật nhất là tinh thần gắn đạo với đời, đậm nét dân tộc đã trở thành một thành tố văn hóa Việt Nam. Đến nay, Phật giáo Việt Nam luôn kế thừa và tiếp tục phát huy tinh thần nhập thế của “Cư trần lạc đạo” để phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt, tạo nên hệ giá trị góp phần xây dựng và phát triển đạo pháp cũng như bảo vệ đất nước. Dọc theo chiều dài lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc; vận động Tăng Ni, Phật tử cả nước sống theo đúng giáo luật và pháp luật, nhằm lan tỏa ánh sáng Phật pháp đi muôn nơi; tích cực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.
Đạo và Đời – cả hai dung hợp, linh động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh xã hội, làm cho Phật giáo trở thành tư tưởng triết lý hùng mạnh, góp phần xây dựng và phát triển đạo pháp, cũng như bảo vệ và mở mang đất nước dưới triều đại nhà Trần. Trong con người và sự nghiệp của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, Đạo và Đời luôn hòa quyện vì hạnh phúc muôn dân. Ngài đã khéo kết hợp lấy tâm, đức, trí của Đạo xây Đời cường thịnh. Lịch sử dù có sang trang nhưng vị trí và công đức của Ngài vẫn không đổi ngôi trong lòng dân đất Việt, còn lưu giữ tới ngày nay và mãi mãi trường tồn.
CỤM TIN VĂN HÓA
Lễ khai trương Phố Việt Nam tại tỉnh Udon Thani đã diễn ra. Là Phố Việt Nam đầu tiên tại xứ chùa Vàng cũng như trên thế giới, buổi lễ thu hút đông đảo bà con kiều bào tham dự.
Thái Lan: Khai trương phố Việt Nam đầu tiên
Là Phố Việt Nam đầu tiên và duy nhất trên thế giới, nhận sự ủng hộ mạnh mẽ của chính quyền tỉnh Udon Thani, Thái Lan. Qua đó, trở thành biểu tượng của tình hữu nghị, sự hòa hợp, gắn bó giữa người dân tỉnh Udon Thani và cộng đồng người Thái gốc Việt tại đây.
Tái hiện hành trình ngàn năm lúa gạo Việt Nam
Trong khi đó, Lễ khai mạc Triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam với chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt” vừa được diễn ra ở tỉnh Hậu Giang. Tại đây, lần đầu tiên mô hình Bản đồ Việt Nam được ghép từ giống lúa đặc trưng, đặc sản của 63 tỉnh, thành phố đã được trưng bày. Triển lãm diễn ra đến ngày 3/1/2024
Hà Nội: Khởi động năm du lịch sinh thái 2024
Còn tại Hà Nội, ngành du lịch đang khởi động các chương trình, hướng tới năm Du lịch sinh thái 2024. Với 8 địa điểm đã được công nhận, Du lịch sinh thái sẽ là trọng tâm của Thủ đô trong năm sau, khẳng định danh hiệu “Điểm đến hàng đầu của khu vực và thế giới” mà Hà Nội vừa nhận được.
Ngày hội của những nhà phê bình mỹ thuật Việt Nam
Sáng ngày 12/12 tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, lễ kỷ niệm 45 năm thành lập khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật đã được tổ chức. Đây được xem là ngày hội lớn của các họa sĩ, những nhà phê bình mỹ thuật cả nước.
Được thành lập năm 1978, khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật đã trở thành cái nôi đào tạo nên những nhà nghiên cứu, nhà phê bình và các giảng viên lý luận mỹ thuật hàng đầu trong cả nước. Sau 45 năm phát triển, khoa đào tạo được 22 khóa. Hôm nay, nhiều thế hệ của khoa đã cùng tụ họp lại nơi đây để giao lưu, trò chuyện, ôn lại kỷ niệm.
Không chỉ cùng nhau ngồi lại, các nhà phê bình, những người kỳ cựu ấy nay lại được trở về chiêm ngưỡng tác phẩm của các thế hệ giảng viên, sinh viên đã và đang giảng dạy và học tập tại Khoa.
Dịp này, Khoa cũng cho ra mắt cuốn sách “Những giác độ nghiên cứu mỹ thuật” là tập hợp những bài nghiên cứu của các cựu sinh viên giảng viên của khoa trong thời gian 5 năm gần đây. 45 năm, chặng đường đầy nỗ lực của những thế hệ làm nghiên cứu, lý luận mỹ thuật. Sáng tác làm cho nghiên cứu sâu sắc hơn và nghiên cứu cũng làm cho các sáng tạo nghệ thuật đầy đặn, nhiều nội hàm hơn. Lễ kỷ niệm này trở thành nguồn động viên để Khoa tiếp tục phát triển trên chặng đường mới với thành công mới.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 12.12.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
25 lượt thích 0 bình luận