Bản tin An Viên 24H 13.11.2023

14/11/2023 09:55:30 274 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 13.11.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Khánh thành chùa Bồ Đề trên đất nước Triệu Voi; Ban Hoằng pháp khai đàn Dược Sư; Gần 1000 Giới tử thọ Thập thiện và Bồ Tát giới tại gia.

Khánh thành chùa Bồ Đề trên đất nước Triệu Voi

Ngày 12.11, TƯGH phối hợp với Trung ương Liên minh Giáo hội Phật giáo Lào khánh thành giai đoạn 1, dự án trùng tu chùa Bồ Đề, tỉnh Khammoune (Khăm-muộn), Lào. Tham dự có chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Liên minh Phật giáo; Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Ban Điều phối Phật giáo Việt Nam tại Lào; các cơ quan ban ngành cùng đông đảo bà con Phật tử kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại Lào, Pháp và Việt Nam.

Lễ khánh thành được thực hiện theo nghi thức Phật giáo Việt Nam và Lào. Chùa Bồ Đề là một trong những ngôi chùa Việt đầu tiên và lâu đời tại Lào. Việc trùng tu ngôi chùa tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa hai nước Lào – Việt Nam cũng như sự phát triển của xã hội Lào nói riêng. Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào, ông Nisith Keopanya nhấn mạnh, cộng đồng Phật tử và các chùa Việt Nam tại Lào có nhiều đóng góp to lớn trong các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người dân vùng sâu vùng xa, bị thiên tai và được Chính phủ Lào tuyên dương..

Trong giai đoạn 1, Dự án khôi phục Đại hùng bảo điện theo kiến trúc truyền thống Việt Nam xen lẫn những hoạ tiết văn hóa, kiến trúc Lào. Chùa sẽ tiếp tục được tu bổ để làm nơi quy tụ sự đoàn kết và hướng về quê hương của cộng đồng người Việt nói chung và Lào nói riêng.

Cụm tin Phật sự Hà Nội

Hà Nội: Ban Hoằng pháp khai đàn Dược Sư

Ngày 13.11 nhằm ngày 1.10 AL, chư tôn đức Ban Hoằng Pháp TƯGH và đông đảo chư tăng, Phật tử chùa Bằng – Linh Tiên tự khai đàn Dược Sư truyền thống 7 ngày cầu nguyện quốc thái dân an.

Tại pháp hội, Chư tôn đức sách tấn hàng Phật tử nhất tâm tu tập, áp dụng lời Phật dạy để xây dựng cuộc sống an bình, hạnh phúc. Sau đó, dưới sự chủ trì của HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp TƯGH, chư tôn đức và quý Phật tử đã trì tụng kinh Dược Sư cầu nguyện thế giới hòa bình, nhân dân ấm no hạnh phúc. Theo chương trình, từ ngày 13-18.11 chư Tăng ni lớp đào tạo giảng sư khu vực phía Bắc sẽ thuyết giảng về nội dung, ý nghĩa cũng như lợi ích của việc tu tập theo kinh Dược Sư.

Ra mắt Phật giáo viên Hàn Quốc tại Hà Nội

Cũng tại Hà Nội, sáng ngày 12.11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Phật giáo viên Hàn Quốc tại Hà Nội đã ra mắt, đón nhận biểu tượng và cử hành lễ phụng Phật. Qua đó, thúc đẩy sự tác trong triển khai Phật sự giữa Phật giáo VN và Hàn Quốc. Dịp này, Ban tổ chức tặng 30 suất học bổng, mỗi suất trị giá 3 triệu đồng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

TP.HCM: Hội nghị tuyên truyền về công tác đối ngoại

Còn tại TP.HCM, Hội nghị tuyên truyền về chủ trương, chính sách và thành quả công tác đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vừa được Ban Tôn giáo Chính Phủ tổ chức. Tham dự có chư tôn đức đại diện GHPGVN TPHCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.

Tại đây, đại biểu đã trình bày các vấn đề như: Chủ trương, chính sách  đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Thành quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua, Khái quát về cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài có tôn giáo; Hoạt động hỗ trợ cộng đồng sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.

Thông qua hội nghị, đại biểu, chư tôn đức hiểu rõ hơn về những thành quả mà kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đạt được, trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp tích cực vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo tồn văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.

Cụm tin Phật sự

Sóc Trăng: Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản

Ngày 12.11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh, BTS GHPGVN tỉnh Sóc Trăng thả 1,5 triệu con cua giống và tôm sú giống xuống ven biển 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh. Qua đó tuyên truyền người dân, phật tử trong công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Được biết, từ đầu năm đến nay, tỉnh Sóc Trăng thả hơn 3 triệu thuỷ góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Bình Dương: Ký kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Cùng thời gian này, Phòng CSGT Công an TP.Thủ Dầu Một đã phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP ký kết, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đến đông đảo Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn. Các kế hoạch phối hợp nhằm phát huy ưu thế của Phật giáo trong tuyên truyền về an toàn giao thông, hướng tới mục tiêu giảm số vụ tai nạn, góp phần đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc xã hội.

Đắk Lắk: Gần 1000 Giới tử thọ Thập thiện và Bồ Tát giới tại gia

Trong hai ngày 11,12/11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đắk Lắk phối hợp chùa Sắc tứ Khải Đoan tổ chức Giới đàn Thập thiện – Bồ tát tại gia với tôn hiệu Quang Huy, vị. Thập thiện là những giới điều căn bản trong Phật giáo. Giới Bồ tát là giới mà đức Phật căn cứ vào tâm địa chế ra. Qua giới đàn, chư Giới sư mong các Giới tử xa lìa ác pháp, tu tập tinh cần, báo Phật ân đức.

Đà Nẵng: Khoá tu cho người khuyết tật

Tại Đà Nẵng, khóa tu “Một ngày an lạc” lần thứ 5 dành cho người khiếm thị và khuyết tật cũng vừa diễn ra tại chùa Hải Hội quận Sơn Trà. Tại đây, các phật tử được nghe pháp thoại, thực hành khóa lễ niệm Phật, tham gia văn nghệ cùng nhau. Dịp này, ban tổ chức đã trao mỗi người đến tham dự khoá tu phần quà trị giá 400 ngàn đồng.

Ấn Độ: Trao 500 phần quà cho người nghèo

Nhân chuyến hành hương Phật tích 5 tại Ấn Độ, Hội từ thiện “Trái Tim Bồ Đề – Bodhgaya Heart Foundation tặng 500 phần quà đến các hộ nghèo trong 3 làng thuộc Bang Biha. Tổng trị giá là 250 triệu đồng. Tại đây, đoàn chúc bà con sức khoẻ, vươn lên trong cuộc sống và đón Tết cổ truyền Diwali đầm ấm.

Tôn vinh ngày nhà giáo Việt Nam

Hướng đến ngày 20.11, nhiều hoạt động được tổ chức tại các địa phương, thể hiện tinh thần tri ân đối với những người truyền trao tri thức cho lớp lớp thế hệ Tăng ni sinh.

Đồng Nai

Tại Đồng Nai, Hội Giáo chức – chùa Viên Giác cùng chư Tôn đức Tăng Ni Tp. Biên Hoà đã tổ chức lễ tôn vinh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Tại đây, đại diện quý Phật tử đã tặng hoa và dâng lời khánh tuế chư Tôn đức. Đáp lời, chư tôn đức đã tán thán, đồng thời chúc Hội Giáo chức gắn bó bền chặt để tiếp nối ngọn lửa của ngành giáo dục.

Bạc Liêu

Trong khi đó, Tăng Ni sinh Trường Trung cấp Phật học Bạc Liêu cũng có nhiều hoạt động nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà Giáo Việt Nam như: Hội trại, thi nấu ăn và cắm hoa. Dịp này, Thượng toạ Thích Giác Nghi, UV HĐTS, Trưởng BTS tri ân chư giáo thọ các thế hệ đã góp sức cho sự nghiệp Giáo dục của Phật giáo tỉnh; khuyến tấn Tăng Ni sinh nỗ lực học tập, phụng đạo ích đời.

Rộn ràng mùa lễ dâng y Kathina

Hàng năm vào thời điểm từ 15.09 đến 15.10 âm lịch, đồng bào Khmer Nam bộ lại rộn ràng trong không khí tổ chức lễ Kathina. hay còn gọi là dâng y cà sa. Đây là một nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, thể hiện ước nguyện về sự bình an, yên ấm cho gia đình, bình an cho cho phum sóc, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa.

Trong 2 ngày 11-12.11, không khí rộn ràng lan tỏa khắp không gian chùa Pitukhosarangsay (TP. Cần Thơ) – bởi đó là dịp mừng Đại lễ dâng y Kathina. Trong ngôn ngữ kinh điển của phật giáo Nam tông, “Kathina” có nghĩa là sự vững bền, chặt chẽ. Việc lựa chọn thí chủ không phân biệt, mà bất kì ai cũng có thể đăng ký. Gia đình thí chủ sẽ chuẩn bị dâng lễ dâng lên Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) tứ vật dụng. Và năm nay, gia đình thí chủ từ thủ đô Hà Nội vào xứ Tây Đô để dâng y.

Sau khi nhiễu y ba vòng xung quanh chánh điện, các Phật tử dâng hoa cúng dường Tam Bảo, nghe thuyết pháp về “Quả báu dâng y Kathina”, và thực hiện dâng y cà sa, tứ vật dụng tới tăng đoàn.

Thông qua buổi Lễ Dâng y, đồng bào Khmer sống gần gũi, thân thiện và đùm bọc nhau hơn. Phật tử đến dâng y với lòng thành kính hướng thiện, nguyện cùng chung tay vì sự phát triển của phun sóc.

Xu hướng chữa lành của giới trẻ

Hiện nay, “Chữa lành” trở thành chủ đề được nhiều bạn trẻ đề cập, tìm kiếm; các phương thức, dịch vụ chữa lành cũng chính vì thế mà đua nhau nở rộ. Khi hàng ngàn dịch vụ cùng xuất hiện, rõ ràng sẽ xảy ra tình trạng “Vàng thau lẫn lộn”.

Sự loay hoay, bế tắc tìm giải pháp tự chữa lành của người trẻ đã cho thấy trong thực tế hiện nay, nhu cầu chữa lành là rất lớn. Và sự ra đời của các sản phẩm, dịch vụ này cũng là điều tất yếu. Rất nhiều người đã trở thành chuyên gia lắng nghe, tâm sự và tháo gỡ. Có những hình thức chữa lành hoàn toàn phi lợi nhuận. Nhưng, không ít trường hợp, phải tốn số tiền lên đến hàng chục triệu đồng để tham gia các hoạt động này.

Nếu lên mạng và tìm kiếm cụm từ “chữa lành” thì chỉ trong 2 giây rất nhiều kết quả sẽ được hiện ra, từ trị liệu tâm lý, cho đến viết chữa lành, ăn lành, yêu lành rồi du lịch chữa lành. Mỗi bài viết là một câu chuyện, có những nhân chứng, kinh nghiệm được sẻ chia. Tuy vậy, nhiều hình thức chữa lành của cuộc sống đang thiên về sự hô hào, hình thức. Nhiều sản phẩm nghệ thuật gắn mác chữa lành giống như một cách để chạy theo trào lưu. Và tất nhiên, không phải cứ gắn hai chữ chữa lành là có thể… lành.

Trong không ít trường hợp, việc cố tình gợi lại nỗi đau như là cách để buộc con người phải đối diện, vượt qua nó trước khi đạt trạng thái an yên, nhưng lại khiến nỗi đau đó càng bị khoét sâu, tái hiện, lặp lại. Và, chữa lành đâu không thấy, lại càng làm tổn thương sâu sắc hơn. Điều này rõ ràng đang làm phản tác dụng và thậm chí còn nguy hiểm hơn.

Dù vậy không thể phủ nhận tính đa dạng, bước đầu có hiệu quả của một số giải pháp chữa lành. Trong số đó, nhiều dịch vụ mang lại sự cân bằng, duy trì và phục hồi cảm xúc. Các phương pháp như du lịch chữa lành, thiền, yoga hay thiền ứng dụng đang dần được lan tỏa sâu rộng và nhiều người yêu thích.

Một lớp thiền giản dị như thế này được nhiều bạn trẻ tìm đến. Mỗi người tham gia được chọn lấy một cây để trải nghiệm nghệ thuật trồng cây không chậu Kokedama. Sau đó, thông qua dẫn thiền và âm thanh chuông xoay, từng người sẽ được kết nối với Đất mẹ bằng chính cây Kokedama đã trồng. Phương pháp này giúp cân bằng năng lượng bản thân, cảm nhận sự biết ơn.

Bước đầu hiệu quả là thế. Nhưng vẫn còn vô số câu hỏi đặt ra. Khi đã là một dịch vụ, nó cần tuân theo những khuôn khổ pháp lý về sức khỏe thể chất và tinh thần của con người với những điều kiện nhất định. Sức khỏe tinh thần đang là vấn đề ngày càng được nhiều người, nhất là người trẻ quan tâm. Ai cũng sẽ có những vấn đề riêng, nhưng có thực sự cần chữa lành, hay chữa lành theo cách nào rất cần sự tỉnh táo. Vậy nên, ngay từ đầu, hãy chọn cho mình con đường đi đúng, tránh rơi vào vòng lặp luẩn quẩn. Cách chữa lành tốt nhất có lẽ vẫn là quay trở lại bản thể của chính mình, hiểu – cởi mở, sẻ chia và yêu thương nhiều hơn.

Cụm tin văn hoá

Khai mạc tuần văn hoá – Du lịch Gia Lai 2023

Cuối tuần qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã long trong Khai mạc Tuần Văn hóa – Du lịch Gia Lai 2023 với chủ đề “Gia Lai- Những sắc màu văn hóa” và Liên hoan Trình diễn Cồng chiêng Tây Nguyên Gia Lai 2023.

Với chủ đề “Gia Lai – Những sắc màu văn hóa”, xuyên suốt chương trình là những âm hưởng đại ngàn Tây Nguyên, tái hiện những trường ca, sử thi, dân ca gắn liền với những vị thần linh, anh hùng được nhân dân bao đời truyền tụng. Lễ khai mạc cũng giới thiệu phong tục, tập quán gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân Tây Nguyên. giới thiệu không gian văn hóa Cồng Chiêng của các dân các dân tộc Tây Nguyên: Jrai, Bahnar, Ê Đê, Xê Đăng… với bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời.

Trưng bày châu bản triều Nguyễn kết hợp công nghệ trình chiếu

Còn Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế) dự kiến sẽ khai mạc không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại” vào ngày 17.11 tới tại Hà Nội. 86.000 văn bản gốc của 11 triều vua nhà Nguyễn, trong đó có 10 vị vua để lại bút tích phê duyệt bằng mực son trên văn bản sẽ được trưng bày, kết hợp công nghệ trình chiếu, nghệ thuật sắp đặt, làm tôn lên giá trị của tài liệu, hiện vật trưng bày, hứa hẹn đem đến cho người xem những trải nghiệm sống động.

Hội tụ và lan toả làng nghề truyền thống Việt

Với một chuỗi các hoạt động diễn ra sôi động trong 4 ngày, từ ngày 09-12.11 vừa qua, Festival Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023 đã khẳng định tinh thần “Kết nối, hội tụ và lan tỏa làng nghề truyền thống”. Diễn ra tại di tích Hoàng Thành Thăng Long, sự kiện còn là dịp nâng các giá trị sản phẩm và phát triển du lịch làng nghề.

Hàng trăm nghệ nhân đến từ các làng nghề trong cả nước đã trưng bày và trình diễn những tinh túy, tinh hoa nghề mà họ lưu truyền, phát huy. Mỗi làng nghề đều gắn liền với câu chuyện đời sống vật chất, tinh thần, tiếp nối qua nhiều thế hệ và được chắt chiu, nâng niu trong từng sản phẩm. Từ bàn tay và khối óc sáng tạo, ngày càng nhiều những sản phẩm độc đáo, tạo nên giá trị đặc trưng của mỗi làng nghề.

Thú vị hơn, du khách đến với không gian này còn được các nghệ nhân tận tay hướng dẫn trải nghiệm các thao tác làm nghề truyền thống. Với các du khách quốc tế, tham quan và làm một người thợ thủ công sẽ là kỷ niệm khó quên trong hành trình đến Việt Nam.

Đi từ làng nghề này sang làng nghề khác, du khách khám phá được nhiều điều bất ngờ và thú vị. Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam không chỉ là nơi phô diễn những gì là tinh hoa mà đó còn là cơ hội để quảng bá và giúp công chúng hiểu hơn về đời sống của làng nghề từ xa xưa đến nay.

Thăm cây di sản nơi ngôi chùa cổ vùng đất Biên Hoa

Cây di sản trong những ngôi cổ tự luôn là hình tượng thiêng liêng, được chư tôn đức, phật tử dày công gìn giữ, nâng niu. Và cũng chính bên những bóng cây di sản này, niềm kính tin Tam bảo được vun bồi, lan tỏa tới phật tử và người dân muôn nơi.

Chùa Hoàng Ân tọa lạc tại TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai tính đến nay đã 297 năm. Khi xây dựng ngôi chùa đã có một cây dầu rái khá lớn trong khuôn viên. Hồ sơ của Hội đồng Cây di sản Việt Nam cho biết, cây dầu rái tại chùa Hoàng Ân có tuổi đời hơn 300 năm. Hiện nay, cây sinh trưởng tốt với chiều cao hơn 80m, tán cân đối, vòng tròn thân hơn 8,5m. Ngày 2/11 vừa qua, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức gắn bia công nhận và trao bằng cây di sản Việt Nam cho cây dầu rái hơn 300 năm tuổi. Đây cũng là cây di sản Việt Nam đầu tiên tại tỉnh Đồng Nai được gắn bảng và trao bằng công nhận.

Với độ cao lên tới 80m cùng tán cành lá sum suê nên để bảo vệ cây dầu khỏi sét đánh đổ gãy, nhà chùa đã phối hợp với các đơn vị liên quan lắp đặt một cột thiên lôi bên cạnh. Đây cũng là cây xanh đầu tiên trên cả nước được lắp đặt riêng cột chống sét với độ cao tương đương của cây. Cùng với thời gian, cây dầu chính là di sản tâm linh trong khuôn viên chùa.

Việc công nhận cây dầu là di sản góp phần tuyên truyền giá trị bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường cây di sản; đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ bảo tồn thiên nhiên cũng như đánh thức tiềm năng tham quan, du lịch văn hóa; giới thiệu hình ảnh vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai trải qua 325 năm hình thành và phát triển.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 13.11.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

18 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2585 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1569 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3701 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2661 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4613 lượt xem 0 Bình luận