Bản tin An Viên 24H 14.10.2023

16/10/2023 09:17:49 535 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 14.10.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TP. HCM: Nét truyền thống đồng bào Khmer giữa thành phố; Tọa đàm “Phát triển Vô Ưu trong dòng chảy văn hóa Phật giáo Việt Nam”; Lưu giữ dấu ấn văn hóa Khmer nơi thủ đô.

CỤM TIN SEN ĐÔN TA

 Ngày thứ 2 Lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer Nam Bộ. Trong ba ngày từ 13-15/10, đã có rất nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức trong không khí đầm ấm an vui mùa tri ân, báo ân. Ghi nhận tại Bình Phước và Sóc Trăng.

Bình Phước

Hòa chung không khí này, tại chùa Sóc Lớn, tỉnh Bình Phước đã trang nghiêm tổ chức ngày cuối cùng của mùa lễ Sen Dolta. Rất đông Phật tử từ nhiều ấp, có cả các em học sinh cấp một và thanh thiếu niên, đã vân tập về chùa từ 3:30 sáng để làm lễ hồi hướng cầu siêu, nhiễu hành hoa đăng, làm thuyền, vật phẩm để đưa tiễn ông bà tổ tiên và mong cho người thân được bình an. Dịp này, người dân, Phật tử cũng đã đặt bát cúng dường 30 vị tăng và dâng y Chư tăng chuẩn bị mãn hạ sắp tới.

Sóc Trăng

Cùng thời gian này, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập 15 đoàn đi thăm, chúc mừng và tặng quà cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc Khmer. Tại các nơi đến thăm, lãnh đạo tỉnh ân cần thăm hỏi sức khỏe chư tăng, cán bộ hưu trí, người có uy tín, gia đình chính sách và chúc bà con hưởng một mùa lễ vui tươi, an toàn. Đoàn mong muốn chư Tăng tiếp tục hướng dẫn bà con ra sức lao động nâng cao đời sống, góp phần giúp kinh tế xã hội địa phương ngày càng phát triển.

TP.HCM: Nét truyền thống đồng bào Khmer giữa thành phố

Giữa nhịp sống nhộn nhịp của TP.HCM, Chư Tăng chùa Candaransi nhiều năm qua vẫn luôn gìn giữ một không gian văn hóa đậm đà bản sắc, quan tâm tới đời sống tâm linh của bà con đồng bào Khmer. Sáng hôm nay 14/10, Lễ Sene Dolta được cử hành trang nghiêm theo nghi thức truyền thống, đem lại nhiều niềm phấn khởi cho bà con, đồng thời giới thiệu, lan tỏa những giá trị đạo hiếu của người Khmer tới đông đảo nhân dân, Phật tử địa phương.

Chùa Candaransi (quận 3, TP.HCM), hôm nay rộn ràng hơn mọi khi vì có sự hiện diện của hàng trăm chư tăng, Phật tử, nhân sỹ, trí thức, sinh viên Khmer trên địa bàn Thành phố và các tỉnh Đông Nam Bộ. Bắt đầu lễ Sene Dolta, HT.Danh Lung, UVTK HĐTS, trụ trì chùa đã ôn lại những ý nghĩa cao đẹp của Lễ Sene Dolta của đồng bào Khmer, đặc biệt là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn,” báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, tình đoàn kết trong cộng đồng.

Nhân dịp Lễ Sene Dolta, chùa Candaransi cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, biểu diễn các nghi lễ truyền thống… tạo không khí phấn khởi trong đồng bào. Nhiều năm qua, ông Danh Minh Quang, một Phật tử Khmer tại TP.HCM thường xuyên đến chùa dự lễ, tìm những giây phút bình an như một điểm tựa tâm linh, vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Không gian chùa, những lời ca tiếng hát, giọng nói thân thương… chính là động lực để ông cùng bà con vượt qua những bộn bề cuộc sống.

Không chỉ là dịp phục vụ nhu cầu tâm linh của bà con đồng bào Khmer, Lễ Sene Dolta hàng năm thể hiện nét đẹp truyền thống của đời sống văn hóa tại ngôi chùa Khmer giữa lòng thành phố phương Nam. Nhiều Phật tử, người dân và du khách thập phương cũng bày tỏ sự ấn tượng trước những nghi thức truyền thống, từ đó, không ngừng lan tỏa nét đẹp văn hóa Khmer trong cộng đồng.

Không phân biệt dân tộc, lứa tuổi, hoàn cảnh… Lễ Sene Dolta đã thực sự trở ngày ngày hội chung của cộng đồng, ở đó tỏa sáng tinh thần tri ân, báo ân ý nghĩa của người Khmer, của Phật giáo Nam tông đối với các đấng sinh thành. Đó cũng chính là tâm huyết của chư Tăng chùa Candaransi nói riêng và các chùa Khmer nói chung tại TP.HCM, mong muốn tạo nên không gian văn hóa Khmer đậm đà bản sắc giữa cuộc sống đô thị chốn Sài thành.

Lưu giữ dấu ấn văn hóa Khmer nơi thủ đô

Không chỉ tại các khu vực phía Nam, ngay tại Hà Nội, cộng đồng người Khmer cũng đang ngày ngày gìn giữ, lan tỏa nét đẹp truyền thống của các ngày trọng lễ đến toàn xã hội tại một ngôi chùa trong Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Lễ Sene Dolta có sự tham dự của Bà Chea Kimtha, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Vương quốc Campuchia tại Hà Nội và Đại tá Rem Kann, Tùy viên Quân sự Campuchia tại Việt Nam cùng gần 1000 cán bộ, học viên, sinh viên Campuchia và cộng đồng người Khmer tại miền Bắc.

Nhắc đến các lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của người Khmer ở khu vực phía Nam phải kể ngày lễ Sen Dolta. Vậy nên với những người con xa xứ, được tham dự buổi lễ này là việc vô cùng ý nghĩa. Hiểu được điều đó, gần 10 năm nay, đại đức Kim Tuệ – trụ trì chùa Khmer vẫn luôn phối hợp cùng Làng Văn hóa duy trì tổ chức ngày lễ trọng nhằm lan tỏa nét đẹp truyền thống với đạo lý “cây có cội, nước có nguồn” và tính giáo dục đạo đức nhân văn, sâu sắc của đồng bào Khmer.

Lần đầu đi học cách nhà gần 2000km, chàng sinh viên Lâm Quang Trường, quê Sóc Trăng không khỏi xúc động khi vẫn có thể tham dự buổi lễ Sen Dolta đầy ý nghĩa của dân tộc mình tại vùng đất Thủ đô, được cùng chư Tăng tụng kinh, cúng dường, cầu phước cho ông bà tổ tiên quá vãng, cầu bình an cho gia đình. Tham dự buổi lễ không chỉ có Phật tử là sinh viên người Khmer, mà còn có cả du học sinh Campuchia đang học tại Đại học Y Thái Bình và đặc biệt có sự góp mặt của Đoàn cán bộ quân đội Hoàng gia Campuchia. Dù thuộc nhiều quốc gia, dân tộc, nhưng tất cả đều nhất tâm hướng về tổ tiên, để tưởng nhớ công ơn của các bậc sinh thành và trách nhiệm, nghĩa vụ của con cháu.

Việc tổ chức những nghi lễ của Sen Dolta tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là dịp để mỗi người hồi tưởng và tri ân công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ, ông bà tổ tiên. Đây cũng là nơi lưu giữ truyền thống, lan toả nét văn hoá đặc trưng, thông qua đó gắn kết các dân tộc trong “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam ngay tại Thủ đô Hà Nội.

Đặt cơm nếp vắt – nét đẹp của đồng bào Khmer

Thời gian này tại nhiều tỉnh thành, không khí mùa lễ hiếu ân Sen Đôn ta đang ngập tràn phum sóc. Trong dịp này, bà con sẽ trở về các tự viện, lễ Phật, tụng kinh hằng ngày theo các thời khoá, hồi hướng phước lành cho ông bà cha mẹ. Một trong số rất nhiều nghi lễ truyền thống của bà con Khmer là nghi thức đặt cơm vắt.

Trong ngày lễ Sen Dolta ngoài cúng ở nhà, mọi nghi thức quan trọng đều diễn ra tại chùa. Trong đó, nghi thức cúng cơm vắt là một trong những nghi thức không thể thiếu của đồng bào Khmer. Bà con vào chùa nấu một loại cơm nếp rất dẻo và thơm, sau đó vo thành từng viên nhỏ, đặt vào một chiếc mâm tròn, xung quanh để thêm vài loại bánh và trái cây.

Bà con đồng bào Khmer luân phiên nhau chia thành nhóm theo từng xóm, ấp đến chùa đặt cơm nếp vắt. Lễ đặt cơm vắt được cúng liên tục tại chùa trong vòng 15 ngày, từ ngày 15 đến ngày 30 tháng 8 âm lịch. Đêm diễn ra lễ vắt cơm nếp, bà con phật tử được nghe chư Tăng tụng kinh, thuyết pháp hồi hướng phước báo đến các bậc hữu ân, thân bằng quyến thuộc đã quá vãng. Sau đó các viên cơm nếp được đặt tại các góc quanh chánh điện vào khoảng 4-5 giờ sáng, cầu nguyện hương linh được thọ nhận và siêu thoát nơi cảnh giới lành.

Khi đến chùa, các thành viên ban nghi lễ hướng dẫn diễu hành xung quanh chánh điện ba vòng rồi tập trung vào chánh điện dâng lên chư tăng. Dưới mái chùa chung của cả phum, sóc, mọi người đều hướng lòng thành kính về Đức Phật, tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên và đặt hy vọng vào những điều tốt đẹp.

Đến ngày cuối tháng, tức ngày 30 tháng 8 âm lịch, các xóm, ấp mang cơm vắt tập trung tại chùa, vẫn làm các hoạt động như những ngày trước nhưng lần này hội tụ đầy đủ mọi người nên gọi là hội tụ cơm vắt hay còn gọi là lễ Sene Đôn ta. Từng gia đình mang cơm, thức ăn, nhang đèn, hoa quả cùng nhau thiết lễ trai tăng cúng dường. Chư tăng tiếp nhận, tụng kinh cầu an và cầu siêu cho những người đã quá vãng. Sau đó, mọi người trở về nhà tổ chức cúng ông bà và gặp gỡ, giao lưu, hỏi thăm sức khỏe lẫn nhau và tổ chức họp mặt các thành viên trong gia đình.

Sene Dolta – Tôn vinh nét đẹp đạo hiếu

Đến với TP.Cần Thơ, không khí chuẩn bị đón Sen Đôn-ta đang rôm rả dưới những mái nhà của đồng bào Khmer. Bàn thờ gia tiên, mọi thứ trong nhà, ngoài ngõ đều được người dân dọn dẹp, vệ sinh sạch đẹp để mừng lễ. Dù không tưng bừng, rộn rã sắc màu bằng tết cổ truyền Chôl-chnăm-thmây hay lễ hội Oóc-om-bóc, nhưng Sen Đôn-ta từ lâu được xem là dịp lễ truyền thống đặc biệt của đồng bào Khmer, thông qua đó gìn giữ và tôn vinh nét đẹp hiếu đạo của con cháu với ông bà, tổ tiên quá cố.

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp lễ Sen Dolta, gia đình ông Đào Thái tại quận Ô Môn, TP.Cần Thơ đều quây quần cùng nhau chuẩn bị mâm cơm,  thắp hương cho ông bà, tổ tiên. Đối với gia đình ông Thái, lễ Sen Đôn-ta thêm đong đầy và đầm ấm hơn khi các thành viên sum vầy để cùng tưởng nhớ công ơn của những người đã khuất. Khoảnh khắc ấy đã giúp cho nét đẹp hiếu đạo được gìn giữ, ngày càng lớn lên trong mỗi ngôi nhà.

Ngoài cúng bái ở nhà, các nghi thức khác của Sen Đôn-ta đều diễn ra tại chùa. Tại ngôi chùa Pitu Khôsa Răngsây, quận Ninh Kiều, rất đông đồng bào Khmer mang đồ ăn thức uống và một số lễ vật đến chùa để cầu an, cầu siêu, tụng kinh hồi hướng, cúng tiễn ông bà. Không chỉ nhắc nhớ đến công ơn của ông bà, tổ tiên đã khuất, lễ Sen Đôn -ta còn là dịp để nhắc nhở thế hệ con cháu biết phụng dưỡng, báo hiếu với cha mẹ ngay khi còn sống.

Nhắc nhớ mọi người về lòng hiếu thảo, lễ  Sen Đôn-ta tuy không mang sinh khí rộn ràng như những lễ hội khác nhưng từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer. Lễ hội đã góp phần tô điểm cho bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo của đồng bào Khmer.

Mùa tri ân đầm ấm an vui

Vậy là một mùa Sene DolTa nữa đã về trong niềm hiếu hạnh, tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên của mỗi người Khmer Nam Bộ. Và được sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, Lễ Sene DolTa năm nay của bà con nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Sóc Trăng, diễn ra sung túc khi mùa màng bội thu, đời sống từng bước phát triển.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 400 nghìn người dân tộc Khmer, chiếm trên 30% dân số toàn tỉnh. Đây cũng là nơi có đồng bào dân tộc Khmer nhiều nhất cả nước. Những năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc Khmer giảm trên 4,5%/năm.

Năm 2023, Sóc Trăng cũng được Bộ Công an hỗ trợ xây dựng 1.200 căn nhà, góp phần quan trọng để bà con hộ nghèo, vùng đồng bào dân tộc Khmer yên tâm để an cư lạc nghiệp, được đón lễ Sene Dolta trong căn nhà mới.

5 năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ gần 26.900 hộ nghèo vùng đồng bào Khmer phát triển kinh tế; hỗ trợ nước sinh hoạt cho trên 2.800 hộ; vận động xã hội hóa xây dựng trên 1.200 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer. Từ đó, tình hình kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên

Với sự quan tâm của chính quyền các cấp trong hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, vùng đồng bào dân tộc Khmer đã ổn định đời sống, tạo thêm điều kiện sản xuất của đồng bào, góp phần thực hiện mục tiêu “Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh – quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc”.

Tọa đàm “Phát triển Vô Ưu trong dòng chảy văn hóa Phật giáo Việt Nam”

Hướng đến kỷ niệm 25 năm tập san Vô Ưu, chiều nay ngày 14/10, tại Tịnh xá Ngọc Quang (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk lắk), tọa đàm “Phát triển Vô Ưu trong dòng chảy văn hóa Phật giáo Việt Nam” đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của chư tôn đức Phật tử, đông đảo quý bạn đọc trong và ngoài tỉnh.

Trong không khí ấm tình đạo vị tại buổi tọa đàm, chư tôn đức, biên tập viên, cộng tác viên, độc giả của tập san Vô Ưu đã đóng góp ý kiến để Ban Biên tập Vô Ưu thêm kinh nghiệm truyền bá Phật pháp qua phương tiện báo chí. Mỗi ý kiến đều là tâm tư, tình cảm, mong muốn dành cho tập san Phật giáo gắn liền với Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Năm 1998, Ấn phẩm Vô Ưu được Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Đắk Lắk quyết định ra đời vào tháng 8 – trong dịp Đại lễ Vu Lan và được duy trì, phát triển đến nay vừa tròn 25 năm. Qua 78 kỳ phát hành, tập san Vô Ưu vẫn giữ nguyên khuôn khổ và hình thức của buổi đầu với chủ trương bài viết, kết hợp với hình ảnh, tạo ra sự hấp dẫn quý độc giả. Từ năm 2019 đến nay, Vô Ưu được giao cho Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh phụ trách biên.

Dịp này, triển lãm ảnh về hành trình 1/4t hế kỉ của Tập san Vô Ưu cũng được trưng bày, với đầy đủ cung bậc cảm xúc, sự kiện quan trọng, những dấu ấn đặc biệt của tập san Vô Ưu trong dòng chảy văn hoá Phật giáo Việt Nam.

Bến Tre: Ban GDPG TƯGH thăm, làm việc tại trường TCPH Tỉnh

Sáng nay ngày 14/10, tại chùa Viên Minh, TP. Bến Tre, đoàn Ban Giáo dục Phật giáo TƯGH đã đến thăm và làm việc với Ban Giám hiệu, Ban giảng huấn, cùng toàn thể Tăng Ni sinh trường TCPH tỉnh Bến Tre. Phái đoàn do Hòa thượng Thích Minh Thành – UV HĐTS, Phó ban GDPG TƯGH, Phó viện Trưởng HVPGVN tại TPHCM, làm Trưởng đoàn.

Tại đây, chư tôn đức Ban giám hiệu nhà trường báo cáo chương trình hoạt động, trình bày những khó khăn, trăn trở của trường. Trường Trung cấp Phật học tỉnh Bến Tre thành lập năm 2009, đến nay đã qua 04 khóa đào tạo với nhiều Tăng Ni đạt kết quả cao khi thi tuyển vào Học Viện Phật giáo Việt Nam, đào tạo Giảng sư, Cao đẳng Phật học.

Dịp này, đoàn đã sách tấn tinh thần tu học và nhắc nhở chư Tăng ni sinh nâng cao phẩm chất đạo đức, đạo hạnh tu tập ngay trong lúc còn ngồi ghế học đường. Trong niềm hân hoan, đoàn tặng tài liệu, kinh sách và kinh phí đến Ban giám hiệu nhà trường.

Vĩnh Long: Hội thao Thanh niên công nhân, tôn giáo, dân tộc năm 2023

Hướng đến chào mừng kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam 15/10, mới đây, Tỉnh Đoàn Vĩnh Long phối hợp cùng Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức Hội thao Thanh niên công nhân, tôn giáo, dân tộc năm 2023.

Tham gia hội thao có hơn 120 vận động viên thanh niên công nhân, tôn giáo, dân tộc tại tỉnh Vĩnh Long. Với tinh thần “đoàn kết, vui khỏe, hữu nghị và bổ ích”, các vận động viên đã tham gia tranh tài ở hai bộ môn gồm: bóng đá nam và bóng chuyền nữ. Dịp này, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh tặng 5 phần quà cho thanh niên dân tộc, tôn giáo khó khăn của Thị xã Bình Minh.

Lạng Sơn: Sôi động ngày hội Thanh niên dân tộc, tôn giáo

Ngày 14/10, tại chùa Thành, BTS GHPGVN tỉnh Lạng Sơn phối hợp các cơ quan tỉnh… tổ chức ngày hội Thanh niên các dân tộc, tôn giáo tỉnh. Hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với thanh niên DTTS, thanh niên tín đồ tôn giáo. Đây cũng là dịp để thanh niên người DTTS gặp gỡ, giao lưu, tăng cường tình đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước…

Phát huy truyền thống, các thế hệ thanh niên Lạng Sơn đã luôn thể hiện ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp góp phần xây dựng quê hương đất nước. Bằng sức trẻ và nhiệt huyết họ luôn là lực lượng  xung kích, sáng tạo, sẵn sàng có mặt ở mọi nơi, khó khăn, gian khổ. Đặc biệt trong số đó, có rất nhiều tấm gương thanh niên dân tộc, tôn giáo tiêu biểu trong học tập, lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ tổ quốc, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Trong khuôn khổ ngày hội thanh niên dân tộc tôn giáo 2023, BTS GHPGVN tỉnh phối hợp các đơn vị tặng 1 công trình “Không gian văn hóa đọc”, trưng bày các loại sách, tư liệu quý về cuộc đời, sự nghiệp của chủ tịch HCM, chính sách pháp luật của nhầ nước về tôn giáo, tín ngưỡng; Hỗ trợ xây dựng 1 công trình khu vui chơi, sân thể thao liên hợp, lành mạnh; Khám chữa bệnh miễn phí cho bà con, thanh thiếu nhi; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

Bên cạnh đó, Ngày hội còn tổ thăm và tặng quà gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn thành phố; Tham gia các trò chơi dân gian tập thể. Hoạt động nhằm lan tỏa sâu rộng trong thế hệ trẻ tinh thần chia sẻ, nhân ái, là cơ hội để giao lưu học hỏi, đồng thời gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

CỤM QUỐC TẾ

Trong những ngày qua, tình hình chiến sự tại Trung Đông đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận thế giới. Và trước những đau thương, mất mát của người dân, mới đây các tự viện tại Thái Lan đã tổ chức lễ cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh.

Thái Lan: Tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân chiến tranh

Các tự viện trên khắp Thái Lan đã tổ chức lễ cầu nguyện cho các nạn nhân của chiến tranh tại Trung Đông, người tử vong được vãng sinh lạc quốc, người bị thương tổn được bình an, tai qua nạn khỏi. Tính đến ngày 13/10, giới chức Thái Lan đã ghi nhận 20 công dân thiệt mạng, 13 người bị thương trong cuộc xung đột giữa Israel – Hamas. Hiện bằng các con đường ngoại giao, Chính phủ nước này nỗ lực bảo hộ công dân, đưa các nạn nhân về nước sớm nhất.

Ấn Độ: Mưa lũ chia cắt nhiều tự viện tại khu vực Đông Bắc

Còn tại Ấn Độ, tình hình mưa lũ những ngày qua gây nên tình trạng sạt lở đất, chia cắt nhiều tự viện và cộng đồng Phật giáo tại bang Sikkim (Xích – cừm), thuộc miền Đông Bắc nước này. Hiện lực lượng cứu hộ nỗ lực tiếp cận vùng bị nạn để tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, do địa hình khó khăn nên các công tác cứu hộ chưa có nhiều tiến triển. Nằm trên dãy Himalaya với phần lớn dân số là Phật tử, bang Sikkim (Xích – cừm) đã ghi nhận đợt mưa kỷ lục nhiều năm trở lại đây, khiến ít nhất 77 người thiệt mạng và hàng trăm người mất tích.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 14.10.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

14 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2551 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1507 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3676 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2619 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4593 lượt xem 0 Bình luận