Bản tin An Viên 24H 15.11.2023

16/11/2023 10:25:00 350 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 15.11.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm chùa Phật Tích; Phân ban Ni giới rà soát việc chuẩn bị Đại giới đàn Bửu Huệ; Trao quyền giới pháp cho Phật tử tại gia.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm chùa Phật Tích

Sáng ngày 15.11, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến thăm, lễ Phật và trồng cây tại chùa Phật Tích nhân ngày hội đại đoàn kết dân tộc.

Tại không gian chính điện chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng phái đoàn dâng hương, lễ Phật, cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân hạnh phúc.

Trong không khí thân mật, Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS, Trụ trì chùa Phật Tích cảm ơn và gửi lời chúc sức khỏe, thành công đến phái đoàn. Thượng tọa giới thiệu về chùa Phật Tích – ngôi cổ tự linh thiêng với kiến trúc mang đậm dấu ấn thời Lý. Với những giá trị to lớn này, năm 1962, Bộ Văn hóa đã công nhận chùa Phật Tích là Di tích Lịch sử- Văn hóa. Đây là một trong 4 ngôi chùa, đình đầu tiên ở Bắc Ninh được xếp hạng.

Dịp này, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cùng phái đoàn trồng cây lưu niệm trong khuôn viên chùa Phật Tích.

Trước đó, đoàn đã tham dự Ngày hội đại đoàn kết dân tộc khu dân cư Cổ Miếu, xã Phật Tích, huyện Tiên Du và trao quà đến các gia đình khó khăn trên địa bàn.

TP.HCM: VP2 TƯGH triển khai nhiều Phật sự quan trọng

Cũng trong sáng ngày 15.11, tại Thiền viện Quảng Đức (TP.HCM) chư Tôn đức Văn phòng 2 TƯGH đã họp giao ban (tháng 11) triển khai một số Phật sự quan trọng sắp tới.

Tại cuộc họp, chư Tôn đức báo cáo các hoạt động các Ban, viện Trung ương trong thời gian qua. Theo đó, nhiều Phật sự trong tháng được giải quyết trên cơ sở giáo luật, giới luật, Hiến chương Giáo hội, Quy chế hoạt động Ban Tăng sự T.Ư, Quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành.

Dịp này, chư Tôn đức đã thảo luận triển khai công tác chuẩn bị cho Đại lễ tưởng niệm 5 năm cố Đại lão Hoà thượng Thích Hiển Pháp, Phó Pháp Chủ HĐCM, Hội nghị sinh hoạt hành chánh Giáo hội được tổ chức vào cuối năm nay tại Văn phòng 2 TƯGH, TP.HCM.

Cụm tin Phật sự

Tiếp tục bản tin sẽ là thông tin cập nhật từ BTS GHPGVN các tỉnh thành nhằm đánh giá các Phật sự thời gian qua và triển khai hoạt động trọng tâm thời gian tới.

Kiên Giang

Ngày 14.11, tại chùa Phật Quang Phổ Chiếu, huyện Hòn Đất, Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Kiên Giang, họp Tăng sự Thường kỳ để triển khai các công tác Phật sự trọng tâm trong 3 tháng cuối năm. Sau khi nghe báo cáo kết quả các Phật sự vừa diễn ra, chư tôn đức thảo luận và triển khai kế hoạch khóa Kiết đông Thất nhựt giáo giới vào ngày 16.10 ÂL, lễ động thổ chùa long Quang tại xã đảo Nam Du, cập nhật quá trình xây dựng Ni viện Phật giáo tỉnh…

Gia Lai

Tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên, BTS GHPGVN tỉnh đã họp thảo luận kế hoạch tổ chức Tưởng niệm lần thứ 715 ngày Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn; việc đăng ký điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, thống nhất kế hoạch tổng kết Phật sự 2023; nghe báo cáo kết quả sơ bộ Hội nghị Ban Pháp chế TƯ diễn ra vừa qua. Thời gian tới, BTS sẽ thăm tỉnh Ratanakari, vương quốc Campuchia; tăng cường hơn nữa các hoạt động an sinh xã hội ở địa phương.

Hậu Giang

Trước đó tại tỉnh Hậu Giang, BTS GHPGVN tỉnh đã họp, thông tin kết quả tham dự Khóa Bồi dưỡng chuyên ngành Hướng dẫn Phật tử 19 tỉnh Miền Tây và Đông Nam Bộ, Khóa lễ lạy Ngũ Bách Danh, lễ thắp nến tri ân và cầu nguyện Quốc thái dân an. Công tác Từ thiện Xã hội. BTS mong muốn chư Tăng ni nêu cao tinh thần đoàn kết vì sự ổn định và phát triển chung. Trước đó, Chư Tăng Ni toàn tỉnh Bố tát định kỳ, nuôi dưỡng ba nghiệp thanh tịnh nhằm tăng trưởng đạo tâm.

Cụm tin địa phương

TP.HCM: Phân ban Ni giới rà soát việc chuẩn bị Đại giới đàn Bửu Huệ

Chiều ngày 14.11, tại Việt Nam Quốc Tự, TP.HCM, Phân ban Ni giới GHPGVN TP đã họp rà soát các công tác phục vụ giới đàn Ni tại Đại giới đàn Bửu Huệ sắp diễn ra. Tại cuộc họp, Chư Tôn đức ni cũng đóng góp và thống nhất việc sắp xếp từng khâu, từng vai trò của nhân sự được phân công phục vụ cho giới trường Ni tại chùa Thanh Tâm, quận Bình Chánh, TP.HCM.

Kiên Giang: Phối hợp tổ chức sản xuất chương trình tiếng Khmer

Tại Kiên Giang, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh đã có buổi làm việc với Ban Dân tộc, Đài PTTH tỉnh về công tác phối hợp sản xuất chương trình tiếng Khmer, phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang và kênh VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam. Theo đó, các chương trình phục vụ bà con Khmer; tập trung vào “Chuyện tử tế”; Tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; Các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Dự kiến thời gian phát sóng từ tháng 12 năm 2023.

Đà Nẵng: Hỗ trợ sinh viên Lào trong chương trình ở nhà dân

Còn tại TP.Đà Nẵng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Hữu Nghị Việt Nam – Lào thành phố vừa họp với các cơ quan, đơn vị triển khai Chương trình ở nhà dân dành cho sinh viên Lào đang theo học tại các trường đại học trên địa bàn thành phố năm 2023. Qua đó, tạo điều kiện cho sinh viên nước bạn trao đổi ngôn ngữ, tìm hiểu văn hoá Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng. Trong số 147 sinh viên Lào của chương trình, hiện chùa Tam Bảo đã tiếp nhận 8 sinh viên gồm có 4 nhà sư và 4 Phật tử; hỗ trợ ăn ở, phương tiện đi học trong thời gian lưu trú tại Chùa.

Lan toả văn hoá đọc dưới mái chùa

Thời gian qua, nhiều hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc đã được tổ chức, lan tỏa những giá trị tri thức trong cộng đồng. Trong nỗ lực chung ấy, Phật giáo các địa phương đã thể hiện sự chung tay thông qua nhiều mô hình thư viện cộng đồng ý nghĩa. Trong phóng sự sau đây, kính mời quý vị đến với nỗ lực của chư Tăng, Phật tử chùa Phật Học Xá Lợi (TP.HCM), trong việc lan tỏa văn hóa đọc này.

Không gian thư viện cộng đồng chùa Phật học Xá Lợi (TP.HCM)… Hàng nghìn đầu sách, truyện dành cho mọi lứa tuổi được sắp xếp, phân loại một cách khoa học. Thư viện mở cửa tất cả các ngày trong tuần, chào đón các Phật tử đến đọc sách hoàn toàn miễn phí. Từ ngày có thư viện, các Phật tử thay nhau trông nom, sắp xếp bàn ghế… duy trì thói quen đọc và tích lũy tri thức từ nguồn tài nguyên sách vô giá.

Không chỉ có sách truyện, thư viện chùa còn là nơi lưu trữ các kinh sách Phật giáo quý giá, như nguồn tài liệu tham khảo cho việc tu học của Phật tử. Từ các tủ sách như thế này, những kiến thức căn bản về Phật pháp được lan tỏa sâu rộng tới mọi người, để bất cứ ai cũng thấm nhuần lời dạy Đức Thế Tôn mà áp dụng vào đời sống.

Thời gian tới, Chư tôn đức cùng các Phật tử sẽ tổ chức thu thập và phân loại sách cũ từ đông đảo Phật tử, vừa gia tăng vòng đời cho những cuốn sách, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Từ mái chùa, văn hóa đọc được phát huy trong cộng đồng, để những giây phút tĩnh lặng bên trang sách cũng là khoảnh khắc an yên và hướng về nội tâm mình.

Miệt mài với tranh Phật gieo duyên

Hơn 10 năm nay, một phật tử cao tuổi ở quận 5, TP.HCM đã miệt mài với công việc làm tranh Phật gieo duyên cho phật tử khắp nơi. Đối với ông, đây là cách để lan tỏa tinh thần Phật pháp đến với mọi người. Bởi việc sử dụng tranh Phật treo trên tường là để nhắc nhở phải tinh tấn tu hành theo hạnh của Ngài và mang đến sự thanh tịnh cho tâm hồn.

Ngày nào cũng vậy, trong căn nhà nằm trên con phố Hùng Vương, quận 5, TP.HCM luôn có tiếng khoan, đục. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng phật tử Nguyễn Như Dũng vẫn miệt mài, dành cả tấm lòng thành kính để làm ra 1 bức tranh đẹp, chỉn chu nhất đến nay những người hữu duyên. Các bức tranh đều được ông tỉ mỉ, trang trí, đóng khung cẩn thận. Suốt hơn 10 năm, hàng nghìn bức tranh được ông Dũng gieo duyên đến các trường hạ, phật tử, khoá tu.

Hơn 60 tuổi, Phật tử Nguyễn Như Dũng mới có duyên biết đến giáo lý Phật đà. Ấy vậy, ông luôn tâm niệm, “Tuổi già nhưng trí không già” sẽ cống hiến nhiều hơn nữa để giúp cho nhiều người biết đến phật pháp hơn. Từ ý chí, cảm phục tấm lòng của ông, nhiều bạn trẻ phát tâm phụ giúp các công việc cao đẹp này. Từ lâu các bạn xem ông Dũng như người “Thầy” dìu dắt trên con đường tu học.

Người đệ tử Phật 70 tuổi vẫn luôn cần mẫn giúp đời và thực hành những giáo lý tốt đẹp mà Người để lại. Ông Dũng luôn mong muốn, ngày càng có nhiều người hữu duyên đến nhận tranh thiết trí giúp gia đình có một không gian thanh tịnh. Để từ đó, mỗi người đều cố gắng tinh tấn tu học, áp dụng lời Phật dạy vào mỗi ý nghĩ, hành động, gieo mầm thiện cho bản thân, gia đình và xã hội.

Trao quyền giới pháp cho Phật tử tại gia

Thời gian qua, nhiều giới đàn truyền thọ Thập thiện – Bồ tát giới cho Phật tử tại gia đã được tổ chức; cho thấy việc hướng dẫn Phật tử tu học ngày càng được quan tâm, Phật pháp tới nhiều tầng lớp trong xã hội. Nhờ đó Phật tử tại gia hiểu đúng và làm theo chánh pháp. Và có thể thấy rằng, lực lượng Phật tử tại gia chính là những cánh tay nối dài để hướng dẫn người nhà nhà tu học, giúp cho Phật pháp được trường tồn.

Hơn 1000 giới tử từ các đơn vị trong toàn tỉnh Đắk Lắk… vân tập về chùa Sắc Tứ Khải Đoan.

Giới đàn Thập thiện, Bồ-tát giới cho chúng Phật tử tại gia năm nay có tôn hiệu Quang Huy. Được tổ chức vào hai ngày 11 – 12.11, đây cũng là dịp lễ tưởng niệm húy nhật lần thứ 30 nhị vị Hòa thượng nguyên trụ trì Khải Đoan: Hòa thượng Thích Đức Thiệu, Hòa thượng Thích Quang Huy. Giới đàn lần này do Hòa thượng Thích Châu Quang, UV HDTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Khải Đoan, đương vi đàn đầu Hòa thượng.

Hiểu một cách đơn giản, Thập thiện là những giới điều căn bản trong Phật giáo, là nấc thang đầu tiên để hình thành nếp sống của người đệ tử Phật. Người muốn thành tựu trong thực tập Phật pháp, bước đầu nhất định phải thọ trì Ngũ giới và Thập thiện. Mười thiện nghiệp là Thân không phạm sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; Khẩu không nói dối, không nói lời đôi chiều, không nói lời thêu dệt và không nói thô ác; Ý không tham lam, không sân giận và không si mê.

Giới Bồ-tát muốn thọ trì, trước phải phát Bồ-đề tâm, vì đây là giới mà Đức Phật căn cứ vào tâm địa chế ra. Người thọ nhận giới pháp này, bên cạnh việc phát khởi tâm Bồ-đề, tự thân nỗ lực hành trì còn phải nuôi lớn tâm đại bi, vì lòng thương người mà giúp đỡ, không ngại khó khăn gian khổ, để đem an vui lợi ích đến cho cộng đồng.

Mỗi Phật tử khi thọ giới, đều mang trong mình cảm xúc đặc biệt và có những ước nguyện riêng. Chư tôn đức khuyến tấn các Phật tử cần nỗ lực tinh tấn để thiện căn mỗi ngày một lớn mạnh. Người Phật tử cần chuyên tâm tu tập, học pháp Phật, thực hiện mọi điều lành, phát tâm quảng đại phụng sự chúng sinh, làm những việc lợi đạo ích đời.

Còn tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, nhân Đại giới đàn Minh Nguyệt vừa qua, gần 1000 giới tử cũng đã thọ nhận Thập thiện và Bồ-tát giới. Các Giới tử phát nguyện trước Tam bảo, xin trọn đời quy y Phật, Pháp, Tăng, phụng thỉnh Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và chư Bồ-tát chứng minh lời phát nguyện. Lúc này, các Giới tử cũng phát lồ sám hối 3 nghiệp thân, khẩu, ý, nguyên sống và hành động nương theo lời Phật dạy, hướng tới niềm an vui, giải thoát.

Thọ Thập thiện và Bồ tát giới là đi trên con đường cao thượng, nuôi lớn lòng đại bi, cứu giúp muôn người. Phát bồ đề tâm, hành Bồ Tát đạo là công đức và phước báu to lớn. Lấy đại bi tâm làm chủ, lấy bồ đề tâm dẫn đạo, là điểm then chốt của người học Phật cần khắc cốt ghi tâm.

Thông qua các giới đàn, hàng Phật tử tại gia có cơ hội hiểu hơn về ý nghĩa của việc thọ nhận Thập thiện và Bồ tát giới, từ đó có sự chuyển hóa trong suy nghĩ, lời nói và hành động, lan tỏa những giá trị nhân văn trong cuộc sống. Không chỉ dừng lại ở một nghi thức, để những giá trị của đạo Phật thực sự đi vào đời, sự thực tập của mỗi Phật tử tại gia là yếu tố tiên quyết phát triển mười nghiệp lành.

Thời gian qua, Chư tôn đức BTS GHPGVN các tỉnh thành thường xuyên tổ chức các hoạt động, chăm lo đời sống tinh thần của hàng Phật tử, cư sĩ tại gia. Đây là lực lượng có vai trò quan trọng, trở thành cánh tay nối dài của Chư tôn đức trên con đường hoằng dương chính pháp, góp phần làm lợi lạc chúng sinh. Chính vì thế, việc tổ chức đều đặn các khóa tu, thuyết giảng, khoá bồi dưỡng Phật tử,… đặc biệt nhân các dịp lễ trọng, các ngày vía, đem đến môi trường tu học lành mạnh cho các Phật tử.

Mục đích Đức Phật chế giới luật để giúp cho hàng đệ tử xuất gia, tại gia ngăn ngừa các hành động xấu ác, làm mọi điều thiện để có được cuộc sống an vui lợi lạc. Chính vì vậy, việc thọ nhận Thập thiện và Bồ tát giới là con đường để duy trì nếp sống thanh tịnh, hướng tới giá trị chân thiện mỹ. Đó chính là nhân duyên hiếm có trong cuộc đời, gặt hái giá trị thiết thực của Pháp vị, đem lại lợi lạc cho bản thân và cộng đồng.

Phát triển sản phẩm du lịch từ sen

Phát huy những tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều dự án trồng sen giống mới kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Từ đó, các đặc sản về sen và đặc biệt là những sản phẩm du lịch như nón, hoa, trà được làm từ lá, hoa, đài sen đã trở thành sản phẩm độc đáo tạo ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước.

Xã Ninh Xuân nổi tiếng với Khu du lịch Hang Múa. Vì vậy đây là 1 trong 3 xã được UBND huyện Hoa Lư chọn để triển khai mô hình trồng Sen Nhật gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đến nay, mô hình không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao mà còn thu hút đông đảo du khách đến tham quan vẻ đẹp của cánh đồng sen.

Nhận thấy người dân sau khi thu hoạch hạt sen đều bỏ phí phần đài, năm 2022, anh Kiề-u Cao Dũng, Thạch Thất, Hà Nội phối hợp với 1 đơn vị sản xuất thành công việc làm giấy từ đài sen và đã xuất ra thị trường các sản phẩm như nón lá sen, hoa sen bất tử, tranh làm từ giấy sen, trà sen… Các sản phẩm này hiện không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn được xuất bán ra các thị trường nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản.

Đến nay, tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục triển khai mô hình và mở rộng quy mô diện tích trồng sen. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các mô hình sản xuất các sản phẩm du lịch tạo ra các sản phẩm độc đáo thu hút du khách. Các sản phẩm du lịch từ sen hứa hẹn sẽ góp phần gia tăng chuỗi giá trị từ cây sen, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương./.

Chùa Giác Lâm – Ngôi cổ tự giữa lòng Sài Gòn

Là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam, chùa Giác Lâm còn có tên khác là Cẩm Sơn hay Cẩm Đệm. Chùa có diện tích gần 29.000 m2. Từ khi thành lập cho đến năm 1742, chùa chỉ là một ngôi nhà tranh vách đất, còn gọi là Niệm Phật đường.

Chùa Giác Lâm được xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ Tam, gồm 3 lớp chính: chính điện, giảng đường và tăng xá. Qua ba lần trùng tu lớn, chùa có thêm các công trình như khu tháp tổ, tháp Xá Lợi, cổng… Chính điện của chùa được xây theo kiểu nhà dân gian truyền thống: Một gian, hai trái với bốn cột chính hay còn gọi là tứ trụ, nhà giảng với kiến trúc ba gian hai chái.

Trong chùa có 113 pho tượng cổ, chủ yếu là tượng gỗ, trong đó có 7 tượng đồng. Đặc biệt chùa có 2 bộ tượng Thập bát La Hán và 2 bộ tượng Thập điện Diêm Vương. Bộ tượng năm vị của chùa Giác Lâm được xem là bộ tượng đặc biệt nhất, được tạc bằng gỗ mít nài, thếp vàng, cao 80cm.

Kiến trúc chùa Giác Lâm được coi là tiêu biểu cho lối kiến trúc của các tự viện Nam bộ. Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia được trao bằng vào ngày 28/12/1989. Hàng năm vào những dịp lễ lớn, chùa Giác Lâm đón hàng ngàn khách đến tham quan và lễ Phật…

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 15.11.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

19 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2573 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1541 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3691 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2639 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4603 lượt xem 0 Bình luận