Bản tin An Viên 24H 18.09.2023

19/09/2023 09:45:34 270 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 18.09.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Xoa dịu nỗi đau người ở lại; Phú Yên: Phân ban Phật tử dân tộc TƯ thăm và làm việc với BTS, các cơ quan ban ngành tỉnh; Đồng Nai: BTS GHPGVN tỉnh triển khai công tác trọng tâm.

Cầu nguyện cho nạn nhân vụ hoả hoạn

Theo thông lệ, sáng thứ hai các công sở, trường học Hà Nội sẽ chào cờ, hát Quốc ca, nhưng riêng hôm nay, ngày 18/9 có thêm nghi lễ đặc biệt, Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong trong vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân. Hàng vạn học sinh, thầy cô và các cán bộ, công chức đã dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân xấu số. Trong không khí đau buồn này, BTS GHPGVN TP cũng có nhiều hoạt động ý nghĩa cầu nguyện cho người đã khuất và xoa dịu nỗi đau cho thân nhân người gặp nạn.

Hà Nội

Hàng trăm chư Tăng Ni, Phật tử và người dân đã vân tập về chùa Trấn Quốc – Hà Nội, cử hành lễ cầu siêu cho các nạn nhân thiệt mạng trong vụ hoả hoạn xảy ra ở “chung cư mini” phố Khương Hạ vừa qua. Việc thiết lập đàn cầu siêu là hoạt động thiết thực và nhân văn của BTS GHPGVN Quận Tây Hồ cũng như các huyện thị theo công văn của BTS GHPGVN TP. Hà Nội nhằm an ủi người đã mất và cầu mong người còn sống sẽ bình an, tai qua nạn khỏi, sớm ổn định cuộc sống.

Dịp này, khách du lịch từ nhiều quốc gia đến tham quan, vãn cảnh chùa Trấn Quốc khi nghe về sự việc cũng dâng nén hương thơm hướng về những hương linh đã mất. Sau buổi lễ, chư tôn đức BTS GHPGVN quận Tây Hồ đã tặng quà tới thân nhân người gặp nạn, mong các gia đình nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.

Hải Phòng

Cũng hướng về các nạn nhân, chiều hôm qua ngày 17/9, Ban Từ thiện – xã hội GHPGVN thành phố Hải Phòng đã tới thăm viếng, chia buồn, động viên các gia đình tại Hải Phòng có nạn nhân bị tử vong trong vụ cháy. Tại đây, Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử thành phố, CLB Hương Từ Tâm gửi lời thăm hỏi và gửi tới các gia đình tổng số tiền là 40 triệu đồng, mong các gia đình sớm vượt qua nỗi đau, ổn định tâm lý, cố gắng vượt qua khó khăn.

Xoa dịu nỗi đau người ở lại

 Cùng với việc cầu nguyện cho những nạn nhân được ra đi thanh thản, Phật giáo còn thực hiện nhiều hoạt động đồng hành, sẻ chia nỗi đau, khó khăn với người ở lại. Không chỉ là những hoạt động nhanh chóng, tức thời như 5 ngày vừa qua sau vụ cháy tại phố Khương Hạ, mà còn cả những chương trình lâu dài như với những nạn nhân đại dịch Covid-19 gần 3 năm qua.

Dù dịch bệnh Covid-19 đã được đẩy lùi thế nhưng những nỗi đau và mất mát vẫn còn kéo dài cho đến ngày hôm nay. Đã hơn 2 năm trôi qua, nhưng những trẻ em không may mồ côi cha mẹ do dịch bệnh vẫn rất cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng, giúp các em vơi bớt sự lẻ loi, cô đơn, hướng đến ngày mai vững vàng và tươi sáng. Em Lê Quang (TP.HCM) đã đến từ rất sớm để tham gia lễ cầu siêu, mong linh hồn cha mẹ vãng sanh về cõi an lành.

Tại buổi lễ, Chư tôn đức BTS GHPGVN Quận 6, TP.HCM đã dành một phút tưởng niệm các nạn nhân, đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh và chư Tăng Ni viên tịch trong đại dịch Covid-19. Đồng thời, thể hiện sự đồng hành cùng chính quyền chăm lo đời sống vật chất cho nhiều hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tổ chức lễ cầu siêu trang nghiêm tưởng nhớ người mất và giúp an lòng người ở lại.

Chư tôn đức cũng đã trao 100 phần quà bao gồm Dụng cụ học tập và 1,5 triệu đồng học bổng nhằm hy vọng giúp các em học sinh mồ côi do Covid-19 vững bước trên con đường tương lai. Với tinh thần từ bi, nhân ái, Phật giáo đã an ủi, động viên, xoa dịu nỗi đau, hướng tới tương lai tích cực và tươi sáng.

CỤM PHẬT SỰ

Tiếp tục với những thông tin Phật sự đáng chú ý khác. Thưa quý vị, sáng nay ngày 18/9, Phân ban Phật tử Dân tộc TƯ đã gặp gỡ, giao lưu với BTS GHPGVN tỉnh Phú Yên và thăm các cơ quan ban ngành tỉnh nhằm hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số.

Phú Yên: Phân Ban Phật tử dân tộc T.Ư thăm BTS, các cơ quan tỉnh

Tại buổi gặp mặt, chư Tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Phú Yên và Phân ban chia sẻ định hướng, phương pháp, chương trình, kế hoạch để thực hiện mục tiêu hỗ trợ tín đồ người đồng bào dân tộc tu học phù hợp với văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, đời sống của đồng bào dân tộc.

Dịp này, các ban ngành của tỉnh cũng đánh giá cao những thành tựu của BTS GHPGVN tỉnh Phú Yên, cho biết sẽ tạo điều kiện để các hoạt động Phật sự cụ thể tại các vùng đồng bào dân tộc thuận duyên, giúp nâng cao dân trí, phát triển kinh tế, giáo dục đạo đức, lối sống.

Đồng Nai: BTS GHPGVN Tỉnh triển khai công tác trọng tâm

Trong khi đó, phiên họp triển khai các Phật sự trọng tâm, BTS GHPGVN tỉnh Đồng Nai đã đề cập tới việc xin điều chỉnh chức danh 2 vị UVTT lên Phó Trưởng ban, đồng thời bổ sung 1 vị vào Ban Thường trực, sau khi được HĐTS và Văn phòng II TƯGH “đồng ý về nguyên tắc” đối với tờ trình trước đó. Kết luận về vấn đề này, chư Tôn đức thống nhất việc bổ sung, điều chỉnh nhân sự tiếp tục lấy ý kiến của BTS GHPGVN tỉnh trong hội nghị mở rộng vào ngày 2-10, sau đó tiến hành các quy trình tiếp theo. Dịp này, chư tôn đức cũng lắng nghe và biểu quyết thông qua 12 hoạt động Phật sự cuối năm do Ban Thư ký trình dự thảo.

TP.HCM: Ký kết triển khai hoạt động bảo vệ môi trường

Ngày 17/9, BTS GHPGVN TP.HCM phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức chương trình “Ngày Chủ nhật xanh” và ký kết kế hoạch phối hợp triển khai các hoạt động xây dựng môi trường xanh, nếp sống xanh và chung tay giảm thiểu rác thải nhựa trong thanh niên tín đồ Phật giáo giai đoạn 2023 – 2027. Đồng thời ra mắt 117 công trình góc xanh thanh niên tại các khu phố; trao tặng vật phẩm xanh – thân thiện môi trường cho người dân, các tự viện, tập huấn kỹ năng phòng cháy chữa cháy và thoát hiểm, trao tặng cờ Tổ quốc cho 500 hộ gia đình tại Chung cư K300.

Kết thúc buổi lễ, Chư tôn đức và các đơn vị cũng đã tới chùa Pothiwong, quận Tân Bình, trao tặng quà cho các học sinh khó khăn tại lớp học Khmer.

CỤM ĐÀO TẠO

 Liên quan đến giáo dục, đào tạo tại các địa phương, sáng nay 18-9, tại hạ trường cơ sở I – chùa Thánh Long, BTS GHPGVN tỉnh Thái Bình đã phổ biến chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo đến chư Tăng Ni hành giả an cư thuộc hai đơn vị TP. Thái Bình và H.Vũ Thư.

Thái Bình

Tại đây, gần 100 hành giả an cư được nghe phổ biến các chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, phổ biến các kiến thức về an ninh an toàn trên không gian mạng và hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID. Dịp này, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dục, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh đã sách tấn chư hành giả an cư cần nghiêm trì giới luật, chấp hành các chính sách pháp luật để thăng tiến trên hành trình tu học.

TP. HCM

Cùng thời gian này, tại TP. HCM, Trường Trung cấp Phật học thành phố tổ chức thi học kỳ cho Tăng Ni sinh lớp Cao Trung Phật. Kỳ thi diễn ra từ ngày 18-9 đến 23-9, bao gồm 12 môn học nằm trong hệ thống Kinh – Luật – Luận và một số môn học bổ trợ kiến thức khác. Trường TCPH hiện đào tạo Trung cấp các khóa 12, 13, 14 và Cao đẳng khóa 8 với tổng số Tăng ni sinh là 690 vị.

Đà Nẵng

Cũng trong ngày 17/8 tại Đà Nẵng, trường TCPH TP đã tổng kết năm học 2022-2023 với 193 học viên hoàn thành chương trình năm nhất hệ Sơ cấp và Trung cấp Phật học. Tại buổi lễ, BTS và Ban Giám hiệu nhà trường đã tặng giấy khen, phần thưởng cho các học viên đạt loại Giỏi trong năm học vừa qua đồng thời chính thức khai giảng năm học mới 2023-2024.

Truyền thông hoằng pháp thời đại mới

Sử dụng phương tiện truyền thông để truyền tải giáo pháp của Đức Phật đến với mọi người được xem là phương pháp hoằng pháp hiệu quả trong thời đại đa phương tiện như hiện nay. Để nắm bắt và tận dụng được các phương tiện đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả truyền thông Phật giáo, trong 2 ngày 17 và 18/09, Kênh Thông Tin Tổng Hợp Phật Sự Online đã tổ chức khóa tập huấn kỹ năng biên tập cho chư tôn đức Tăng Ni, cư sĩ phật tử tại ban TT TT các tỉnh.

Gần 100 Tăng ni, cư sĩ phật tử đang công tác tại ban TT-TT các tỉnh, thành đã có mặt tại chùa Phật Quang Phổ Chiếu, tỉnh Kiên Giang để tham gia khóa tập huấn kỹ năng biên tập. Chỉ diễn ra trong 2 ngày 17 và 18/09, rất nhiều nội dung liên quan đến nghiệp vụ báo chí được ban tổ chức hướng dẫn và phổ biến như: cách viết tin bài Phật sự, cách chụp ảnh, quay phim, cách đăng bài…. Khóa học rất hữu ích đối với công tác truyền thông phật giáo trong thời đại hiện nay.

Chính các kênh truyền hình Phật giáo cũng như các trang web, các trang mạng xã hội là cách giúp xã hội tiếp cận Phật giáo một cách chính thống, và dễ dàng. Qua đó, nêu cao tinh thần từ bi trí tuệ, xiển dương chính pháp trong đời sống, cũng như để Tăng Ni Phật tử nêu cao tinh thần phụng đạo yêu nước, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Truyền thông Phật giáo phát triển giúp đẩy mạnh hoằng pháp, từ đó định hướng dư luận xã hội, kịp thời chấn chỉnh những thông tin sai lệch, nêu cao giá trị đời sống đạo đức, tâm linh của người con Phật đến cộng đồng xã hội.

 CỤM TỪ THIỆN

Cùng với việc đẩy mạnh truyền thông hoằng pháp trong thời đại mới thì các hoạt động cứu trợ, từ thiện, ASXH cũng ngày càng được Phật giáo các cấp thực hiện, lan toả và đẩy mạnh năm sau cao hơn năm trước ở khắp các tỉnh thành. Ghi nhận tại Đắk Lắk, Bạc Liêu, Đồng Tháp và BR-VT.

Đắk Lắk

Ngày 17/9, Phân ban PTDT TƯ phối hợp cùng các cơ quan huyện Cư MGar, Chùa Hoa Nghiêm khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ bà H Noat Niê tại Xã Ea Tar và ông Hoàng Văn Hoàn tại Xã Ea Mnang, huyện CưM’gar. Mỗi căn nhà trị giá theo dự kiến ban đầu là 80 triệu đồng. Trong đó, Phân ban PTDT TƯ hỗ trợ 40 triệu đồng.

Trước đó, Phân ban, chùa Hoa Nghiêm cùng Hội chữ thập đỏ Huyện Cư M’gar tặng 200 phần quà và 10 suất học bổng đến quý Phật tử là người đồng bào và các em học sinh.

Đồng Tháp

Tại tỉnh Đồng Tháp, chùa Phước Đức, TP. Sa Đéc vừa trao 100 phần quà đến bà con khó khăn tại địa phương. Tặng phẩm gồm gạo, mì và các nhu yếu phẩm khác với tổng trị giá trên 20 triệu đồng.

Cùng ngày, chùa An Bửu cùng các đơn vị đã tặng 300 phần quà với tổng trị giá hơn 45 triệu đồng tới các em học sinh. Ngoài ra, Hội từ thiện Đông Hưng trao tặng 5 chiếc xe đạp học học sinh khó khăn.

Bạc Liêu

Trong khi đó, tại tỉnh Bạc Liêu, qua sự kết nối của Hòa thượng. Thích Chơn Tịnh, Trụ trì chùa Thường Quang, TP.HCM, Quỹ An sinh xã hội An Khang tỉnh và các nhà hảo tâm khánh thành cầu Phúc Lộc Thọ 1 tại xã An Phúc, huyện Đông Hải. Cây cầu có diện tích 2,8x22m, kinh phí 200 triệu đồng. Dịp này, đoàn cũng trao 50 suất quà gồm tiền mặt, gạo, dầu ăn đến các gia đình khó khăn tại địa phương.

Bà Rịa Vũng Tàu

 Còn tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Sư cô Thích nữ Huệ Trí, trụ trì chùa Hải Vân đã trao 700 “Túi Gạo Yêu Thương” đến các gia đình khó khăn với tổng trị giá 140 triệu đồng. Dịp này, Sư cô đã động viên, thăm hỏi và chúc bà con luôn mạnh khỏe và bình an.

Nghĩa tình suất ăn chay trao nhau

Thấm nhuần lời dạy của Đức Thế Tôn về tình yêu thương, sự đồng cảm với mảnh đời bất hạnh, người con Phật vẫn cố gắng duy trì nhiều thiện sự ý nghĩa, ích đạo lợi đời. Và những bếp cơm chay từ thiện ngày ngày đỏ lửa, không chỉ đem đến suất ăn nghĩa tình, giúp bà con nghèo vơi đi khó khăn trước mắt, mà còn gieo duyên lành, hướng tới điều tốt đẹp.

Suốt một tháng qua, căn bếp của đạo tràng An Hòa, chùa An Hòa (quận Thủ Đức TP.HCM) luôn đỏ lửa để chuẩn bị hàng trăm suất ăn chay mỗi ngày, dành tặng cho bà con khó khăn trên địa bàn. Các Phật tử đã chuẩn bị từ rất sớm, lựa chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Của cho không bằng cách cho, những suất cơm tuy nhỏ bé nhưng chất chứa bao tình cảm cao đẹp.

Không chỉ dành tặng cho bà con nghèo, chùa cũng phát tâm tặng những suất ăn tới đông đảo người dân địa phương, giúp gieo duyên ăn chay tới mọi đối tượng. Từ đó, mọi người có cơ hội duy trì thói quen dinh dưỡng lành mạnh, an lạc thân tâm, không sát sinh và sống hài hòa với muôn loài vạn vật.

Dù trời nắng hay mưa, căn bếp vẫn hoạt động hết công suất, đem lại niềm lợi lạc cho tất cả mọi người. Làm việc thiện cũng chính là cách thiết thực nhất để cúng dường chư Phật, lan toả lòng từ bi, sự sẻ chia trong đời sống hàng ngày.

DỰ án “Nuôi Em” – Nâng cánh những ước mơ

Bữa trưa là mèn mén hay những suất cơm chan nước từ lâu luôn là rào cản ngăn bước các em học sinh vùng cao đến trường. Xuất phát từ thực tế này, dự án Nuôi Em được thành lập. Hàng nghìn, hàng vạn trẻ nhỏ đã nhận được hàng triệu bữa ăn thiện nguyện nhờ sự chung tay góp sức của cộng đồng. Đây chính là một gạch nối ý nghĩa giúp xóa dần khoảng cách xa xôi, chắp cánh ước mơ đến trường của những em bé vùng cao.

Không quản ngại xa xôi, vượt quãng đường cả nghìn km, Anh Nguyễn Lâm, từ thành phố Hồ Chí Minh đã đến bản Phú Tiểu, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên để thăm em Lường Thúy Vân, một trong 4 em nhỏ mà anh nhận nuôi. Chuyến đi càng đặc biệt hơn khi anh đại diện cho bạn bè, công ty của anh đến để kết nối trực tiếp với 80 bạn nhỏ nơi vùng cao Tây Bắc.

Không chỉ với anh Lâm mà còn nhiều bạn trẻ hiện nay thay vì ăn một bữa ăn hay mua một món đồ, họ đã dùng số tiền 150.000 đồng/tháng để nuôi một em bé có những bữa ăn đầy đủ một năm học. Đó là ý nghĩa thiết thực của dự án “Nuôi em” – nơi chắp cánh ước mơ cho trẻ em vùng cao đến trường. Một trong những dự án được khởi xướng từ năm 2014, tính đến hết 2022 đã thực hiện hơn 18 triệu bữa ăn ấm nóng, hơn 60 nghìn trẻ tại 15 tỉnh được nuôi cơm xuyên suốt năm học. Dự án phát triển nhanh chóng trên cả nước, giúp các em học sinh vượt qua khó khăn, làm giảm tỷ lệ bỏ học buổi chiều của các em học sinh từ 80% xuống chỉ còn 5%.

Điểm trường cách xa nhà hàng chục cây số… Có những buổi học, thời tiết không ủng hộ… trên tay là những suất cơm được mang từ nhà nhưng không khỏi khiến ai nấy xót xa khi chứng kiến phần cơm trắng chan với nước… Cái nghèo cái khổ nơi vùng cao thật khắc nghiệt.

Năm 2019, lần đầu chứng kiến sự nghị lực phi thường của những thiên thần nhỏ bé, khi về nhận công tác tại đội cảnh sát giao thông trật tự công an huyện Mộc Châu, chàng chiến sĩ trẻ Dương Hải Anh đã quyết định chung tay cùng “Nuôi em” để giúp thay đổi âu cơm trắng thành những bữa ăn đủ đầy dinh dưỡng dưới ngôi trường khang trang, ấm áp đầy tình yêu thương của thầy cô và cộng đồng. Từ đó, không chỉ tiếp sức đưa các em đến trường, mà hơn hết còn nuôi dưỡng niềm đam mê học tập, giúp các em vùng cao này chạm gần hơn ước mơ.

Hành trình “Nuôi em” ý nghĩa tại Sơn La đã có sức lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc. Đồng hành cùng chương trình, Chư Tăng, phật tử Tổ đình Trung Hậu, TP. Hà Nội đã hỗ trợ em Hà Thị Hình, trường THCS xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Sinh ra trong một gia đình đặc biệt khó khăn. Mẹ bị khuyết tật vận động và trí tuệ nên không có khả năng lao động, mọi công việc trong nhà đều dồn lên đôi vai gầy của Hình. Để giúp em yên tâm học hành, đoàn đã trao tặng căn nhà Hạnh Phúc số 2, đồng thời trao tặng một suất học bổng trị giá 30 triệu đồng và một số đồ dùng học tập cho em Hình.

Cũng mang tâm nguyện từ bi của những người con Phật, nhóm thanh niên Phật tử Ước mơ cho em – TP.Hà Nội đã tham gia xây dựng dự án Nuôi em, kêu gọi sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, chung tay cùng nhà trường, tạo nên những bữa trưa đầy đủ dinh dưỡng.

Dù biết rằng, chặng đường phía trước còn nhiều gian nan nhưng khi các em nhỏ còn chưa ấm bụng thì những bước chân sẻ chia yêu thương của các anh chị nuôi, của chư Tăng, Ni sẽ chưa dừng lại. Hành trình đến trường của các em luôn được tiếp bước, dõi theo.

Dấu chân của dự án, dấu chân của những em nhỏ vùng cao sẽ luôn là dấu chân kiến tạo hạnh phúc, sự đủ đầy từ chính mỗi bữa ăn với chi phí chỉ 8.500 đồng do các thầy cô tại trường nấu, đầy đủ chất dinh dưỡng, ấm nóng tình thương. Ươm những mầm xanh của sự tử tế, lương thiện, tương thân, tương ái. Nhờ tiếng nói của cộng đồng mà dự án “Nuôi em” đang ngày càng được lan toả và nhân rộng trên khắp cả nước. Giờ đây, ở nhiều vùng cao, những chiếc bụng rỗng không còn là rào cản, ngăn các em nhỏ đến với ánh sáng tri thức.

CỤM QUỐC TẾ

Tiếp tục Bản tin với những tin tức Phật giáo quốc tế đáng chú ý. Tại Hàn Quốc, Cục Quản lý Di sản Văn hoá nước này vừa công bố 8 bức tượng Tứ Thiên Vương từ thế kỷ thứ 17, là những bảo vật.

Hàn Quốc: Tượng Tứ Thiên Vương là bảo vật quốc gia

8 trường hợp được công bố lần này là tượng Tứ Thiên Vương tại chùa Hwaeomsa, chùa Heungguksa, chùa Beopjusa, chùa Jikjisa, chùa Neunggasa, chùa Bulgapsa, chùa Sutasa và chùa Magoksa. Ở Hàn Quốc, tượng Tứ Thiên Vương được tạo ra với sứ mệnh chấn hưng Phật giáo trong quá trình tái thiết hệ thống các ngôi chùa vào thế kỷ 17 sau chiến tranh. Được bảo tồn tốt nên bức tượng được đánh giá là chân thực và tiêu biểu trong số các tác phẩm cùng trường phái.

Nepal: Khôi phục thành công tượng đài Phật giáo thế kỷ thứ 5

Trong khi đó, thành phố lịch sử Lalitpur của Nepal vừa mở cửa trở lại đón khách tham quan tu viện Phật giáo được xây dựng từ thế kỷ thứ 5. Công trình này đã bị hư hại nặng nề trong trận động đất lớn làm rung chuyển Nepal hồi tháng 4/2015, khiến gần 9.000 người thiệt mạng, hơn 21.000 người bị thương và hàng triệu người phải di dời. Sau 8 năm thực hiện trùng tu dưới sự tài trợ của Ấn Độ, nay di sản Phật giáo quý giá của Nepal đã có lại hình dáng ban đầu, phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân địa phương và thu hút khách du lịch.

CỤM VĂN HOÁ

Cuối tuần qua, tại thủ đô Riyadh, nước Cộng hòa Ả Rập Xê Út, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã chính thức gõ búa công nhận quần thể Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây chính là di sản thế giới liên tỉnh thành đầu tiên tại nước ta.

Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà là di sản thiên nhiên thế giới

Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà có 1.133 hòn đảo đá vôi với muôn hình, muôn vẻ. Theo UNESCO, Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà được xem là bảo tàng địa chất, chứa đựng những di sản với giá trị nổi bật toàn cầu, nơi chứng kiến sự thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển của Trái đất. Đây là khu vực có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển – đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển. Đồng thời, nơi đây là môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Khai mạc lễ hội đền Cửa Ông năm 2023

 Từ ngày 17/9 đến 4/10, tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, diễn ra lễ hội đền Cửa Ông năm 2023 (lễ hội mùa Thu) và lễ tưởng niệm 710 năm ngày mất của Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng (1313-2023). Đây là lễ hội thường niên thứ 2 trong năm của Di tích lịch sử quốc gia nhằm tưởng nhớ công ơn của Hưng Nhượng Đại Vương và nhân thần thời nhà Trần đã có công trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Nét văn hoá đặc sắc trong nghi thức Phật giáo Khmer

Trong cộng đồng người Khmer, ngôi chùa không chỉ là điểm tựa tâm linh mà còn là nơi bảo tồn, gìn giữ, là không gian sinh hoạt văn hoá của đồng bào. Bởi thế mà mỗi ngôi chùa được tôn tạo, xây dựng đều là sự kiện lớn của bà con phum, sóc. Khi hoàn thành, một trong những nghi thức đặc biệt quan trọng là lễ kiết giới sây ma, đòi hỏi chư Tăng phải làm đúng và đủ lễ. Đây là nghi lễ đặc sắc không phải ai cũng có cơ hội được diện kiến.

Lễ Kiết giới sây ma được đông đảo chư Tăng và bà con phật tử tham gia. Nghi lễ diễn ra 3 ngày, 3 đêm với nhiều nghi thức tùy theo cách thức của từng vùng. Trong Phật giáo, Tăng sự là một việc làm tối quan trọng của chư Tăng. Vì vậy, muốn cho Tăng sự trong sạch, hợp pháp thì cần phải có sây ma đúng phép, là không bị hư hỏng. Mà nếu sây ma bị hư hỏng thì tất cả Tăng sự đều hư hỏng. Bởi thế cho nên chỗ kiết giới sây ma cần phải thận trọng kỹ lưỡng để tránh những sự đáng tiếc xảy ra khi hành Tăng sự.

Để đảm bảo cho nghi thức đọc tuyên ngôn của các chư Tăng được thành tựu mỹ mãn, trước khi thực hiện Tăng sự, ngôi chánh điện thường phải đóng tất cả các cửa không để phật tử không phận sự đi vào. Chư Tăng tham gia đọc tuyên ngôn đều là các vị Tỳ-kheo và am tường chữ Pali. Trong khi đó, chư tôn Hòa thượng sẽ dò theo để đảm bảo tuyên ngôn chính xác.

Nghi thức cắt trụ đá sây ma mang đậm nét văn hóa của đồng bào Khmer. Sây ma có thành tựu hay không là do hoạt động của chư Tăng khi đọc tuyên ngôn, chứ không phải ở đặc điểm cắt trụ đá. Kiết giới sây ma đã trở thành một sự kiện quan trọng, vì thế mỗi khi các ngôi chùa Khmer tổ chức lễ kiết giới sây ma đều có hàng ngàn phật tử đến hành lễ cầu mong phước báu, sau đó chánh điện để dành phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 18.09.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

15 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2551 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1507 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3676 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2619 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4593 lượt xem 0 Bình luận