Bản tin An Viên 24H 19.07.2023

20/07/2023 16:23:44 459 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 19.07.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước hi sinh tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh thành Văn phòng điện tử và khai mạc khoá bồi dưỡng trụ trì tại Kiên Giang, Tưởng nhớ 4 vị Hòa thượng liệt sĩ Khmer.

BRVT: Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước hy sinh

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sĩ, sáng nay 19/7, Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, BRVT. Tham dự lễ viếng có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo, các ban, bộ, ngành, chư tôn giáo phẩm HĐTS, BTS GHPGVN tỉnh.

Với lòng biết ơn vô hạn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu thành kính dâng nén hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nguyện cầu cho anh linh các anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước viên mãn nghìn thu và luôn phù hộ cho Tổ quốc ta, Dân tộc phát triển đi lên, văn minh, giàu đẹp.

Sau nghi lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, các đại biểu thắp hương từng phần mộ liệt sĩ, nhà yêu nước đang an nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương và trồng cây lưu niệm.

* Trong ngày 19/7, tại huyện Côn Đảo diễn ra nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước như: Gặp mặt các cựu tù chính trị Côn Đảo; Lễ thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Hàng Dương; Cầu truyền hình đặc biệt “Bản hùng ca bất diệt” kết nối giữa Nghĩa trang Hàng Dương và Nghĩa trang Liệt sĩ A1 (tỉnh Điện Biên).

Nhiều tỉnh thành đã tham gia ký kết về phối hợp đảm bảo trật tự ATGT

Hưởng ứng lời kêu gọi của HĐTS GHPGVN, trong chưa đầy 1 tháng qua, đã có 10 tỉnh thành phố trên cả nước ký kết phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, vận động Tăng Ni, Phật tử đảm bảo Trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2023 – 2026. Sau đây là ghi nhận của Bản tin An Viên 24h.

Theo thống kê của Bản tin An Viên 24h, tính đến hôm nay 19/7, đã có 10 tỉnh thành phố trên cả nước ký kết kế hoạch phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông bao gồm: Hà Nội, Điện Biên, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Nam, Bạc Liêu, Đắc Nông, Long An. Theo đó, BTS và Công an các tỉnh, thành phố đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng: tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách về trật tự an toàn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn, bảo đảm toàn vẹn tính mạng con người, lồng ghép với những triết lý và bài học Phật giáo.

Rất nhiều trường hạ cũng đã mời báo cáo viên, phổ cập kiến thức và kỹ năng an toàn khi tham gia giao thông tới đông đảo Tăng Ni, Phật tử nhân mùa An cư kiết hạ Pl.2567. Cùng với đó, thông qua các khóa tu mùa hè, Chư tôn đức đã lan tỏa kiến thức đảm bảo ATGT tới các Phật tử trẻ.

Kiên Giang: Khánh thành VP điện tử và khai mạc khóa bồi dưỡng trụ trì

Ngày 19/07, BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang đã khánh thành văn phòng hành chính điện tử đồng thời khai mạc khóa Bồi dưỡng Trụ trì tại chùa Phật Quang Phổ Chiếu. Đây được xem là dấu mốc mới nhằm đáp ứng với nhu cầu thực tế, trong thời kỳ hội nhập và phát triển kỷ nguyên kỹ thuật số, phù hợp với cuộc cách mạng 4.0

Phát biểu tại buổi lễ, hòa thượng Danh Đổng – UVTT HĐTS, Trưởng BTS cho biết, Văn phòng hành chính điện tử có ý nghĩa rất quan trọng, giúp kết nối hệ thống trực tuyến, tổ chức các phiên họp trực tuyến với TƯGH và BTS GHPGVN các địa phương khác được thông suốt, giúp gửi nhận văn thư, phân cấp quản lý hành chính trực tuyến, trao đổi công việc, hệ thống số hóa, lưu trữ văn bản… Tại buổi lễ, chư tôn đức đã bấm nút khởi động văn phòng. Đây được xem là bước tiến mới của Phật giáo Kiên Giang qua việc áp dụng CNTT vào công tác hành chính giáo hội.

* Dịp này, BTS GHPGVN tỉnh cũng khai mạc khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì cho gần 200 chư Tăng ni toàn tỉnh. Khóa học diễn ra từ ngày 19-22/07, trang bị những kiến thức quan trọng đối với thời kỳ hội nhập và phát triển, đồng thời triển khai các văn kiện đại hội, hiến chương GH, luật tín ngưỡng tôn giáo….

Nét văn hóa dân tộc nơi ngôi chùa giữa đại ngàn

 Nếu có dịp đến với chùa Hoa Nghiêm (huyện Cư M’gar, tỉnh Dak Lak), bất kì ai cũng ấn tượng với nét đẹp đặc trưng văn hóa các dân tộc. Việc thiết trí tự viện như vậy góp phần gắn kết Phật giáo với bà con, khiến nơi đây như ngôi nhà tâm linh của các Phật tử người đồng bào.

Những bức tường trắng giờ đã được khoác lên mình màu áo mới, mang lại vẻ đẹp tươi vui cho ngôi chùa Hoa Nghiêm, tỉnh Dak Lak. Đa số các bức vẽ đều mang màu sắc dân tộc, như trang phục Ê đê, cái gùi, thác nước, đàn voi, nhà dài,… Đây cũng là mong muốn của chư Tăng nhà chùa để bà con cảm thấy gần gũi, quen thuộc mỗi khi về chùa.

Nét vẽ trau chuốt cho thấy sự tâm huyết của người họa sĩ làm đẹp cho chùa, cho đời. Nhiều cảnh quan nổi tiếng Tây Nguyên như núi đá voi, thác Dray Nur,… được khắc họa chân thật, gần gũi. Ngôi chùa trở thành điểm check in của nhiều bà con Phật tử đến tham quan, lễ Phật.

Đặc biệt, khi ghé thăm chùa Hoa Nghiêm, ai ai cũng ấn tượng với ngôi nhà sàn – nét văn hóa đặc trưng của người Ê đê. Đây vừa là nét tô điểm cảnh quan tự viện, vừa là nơi sinh hoạt của bà con trong buôn.

Những năm qua, chùa Hoa Nghiêm trở thành trung tâm tu học của bà con Phật tử các dân tộc tỉnh Dak Lak. Nét đẹp này góp phần không nhỏ tô bồi sự đồng hành giữa đạo và đời, gắn kết người dân địa phương với nhà chùa.

Tưởng nhớ 4 vị Hòa thượng liệt sĩ Khmer

Nghe theo tiếng gọi của núi sông; Cà sa gửi lại chốn thư phòng…” Trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, chư tăng ni có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thậm chí anh dũng, hy sinh thân mình vì độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân. Tiêu biểu là sự kiện ngày 10/6/1974 ở Kiên Giang đã đi vào lịch sử. Bốn vị Hòa thượng dẫn đầu đoàn biểu tình đấu tranh, đòi trả tự do bình yên cho đồng bào. Trong những ngày tháng 7 tri ân anh hùng liệt sỹ, kính mời quý vị cùng ôn lại những hình ảnh hào hùng ấy.

Trong những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ 20, phong trào đấu tranh chống chế độ Mỹ – Diệm, ngụy quân – ngụy quyền dâng cao. Chế độ thực dân tay sai đàn áp nhân dân, đàn áp tôn giáo, không cho Chư tăng và đồng bào Phật tử tự do học tập, sinh hoạt tôn giáo và phân biệt chia rẽ khối đoàn kết các dân tộc… Trước tình hình đó, ngày 10/6/1974 ở tỉnh Kiên Giang, bốn vị sư liệt sĩ gồm Hòa thượng Lâm Hùng, Hòa thượng Danh Tấp, Hòa thượng Danh Hom và Hòa thượng Danh Hoi đã dẫn đầu đoàn biểu tình với hơn 3.000 chư tăng và Phật tử tham gia phản đối đòi chính quyền Mỹ-Ngụy, yêu cầu phải thực hiện quyền tự do sinh hoạt tôn giáo, không bắn phá chùa chiền và đảm bảo bình đẳng mọi mặt. Trong cuộc chiến này, 4 vị tôn đức đã anh dũng hy sinh vì chính nghĩa, vì sự tồn vong của tôn giáo và dân tộc Khmer cũng như các dân tộc anh em.

Sự hy sinh của chư tôn đức đã làm chấn động cả nước và thế giới, thể hiện tinh thần, ý chí của các bậc chân tu có phẩm hạnh, đức độ cao đẹp. Hiện nay, tháp 4 sư liệt sĩ được đặt tại khu phố Minh Phú, Thị trấn Minh Lương, tỉnh Kiên Giang. Để “Tri ân báo ân” chư tôn đức đã hiến dâng thân mình vì nền độc lập dân tộc và hạnh phúc nhân dân, năm 1990, Tháp 4 sư liệt sĩ được Bộ văn hoá ban hành Quyết định số 993, công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Phát huy truyền thống yêu nước tốt đẹp, chư tăng và đồng bào phật tử thường xuyên có những hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ công ơn của 4 vị hòa thượng. Vào dịp tết cổ truyền Sene Đôn Ta, các ngày lễ lớn, chính quyền tỉnh phối hợp chư tăng và đồng bào phật tử làm lễ dâng hương, thắp nến tri ân, cũng như tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc đến các thế hệ trẻ.

Cuộc đấu tranh ngày 10/6/1974 là đã đi vào lịch sử dân tộc. Đây là bài học quý báu, thể hiện tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong sự nghiệp chống ngoại xâm, là một trong những cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc “Tổng tiến công mùa xuân 1975” giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sự hy sinh cao cả của chư tôn đức đã trở thành tấm gương sáng ngời cho các thế hệ Tăng, Ni, Phật tử cả nước về tấm lòng dũng cảm, bi nhẫn, vì hạnh phúc của cộng đồng mà không màng đến sự báo ân. Những tấm gương bất khuất cao cả ấy mãi được lịch sử và nhân dân ghi tạc, tôn vinh.

Còn rất nhiều tấm gương chư Tăng, Phật tử “Vì nước quên thân hiến máu đào”, vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, nhân dân được sống trong độc lập, tự do, nhưng sự hy sinh của chư Tăng liệt sĩ là tấm gương sáng cho các thế hệ sau. Chư tôn đức đã tô thắm thêm truyền thống “Hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”; là minh chứng về sự nhập thế của Phật giáo Việt Nam, là hiện thân cho giáo lý nhà Phật trong sáng hòa quyện chặt chẽ giữa đạo và đời.

Người trẻ thổi hồn sen vào tà áo dài truyền thống

Ngày nay, giữa guồng quay của xã hội hiện đại, vẫn có nhiều bạn trẻ nặng lòng với những giá trị truyền thống, dành nhiều thời gian và tâm sức để lan tỏa tinh hoa văn hóa dân tộc đến cộng đồng. Trong phóng sự sau đây, xin mời quý vị đến với câu chuyện của nhà thiết kế trẻ đến từ Hà Nội với hành trình thổi hồn hoa sen vào tà áo dài truyền thống.

Với tình yêu với giá trị xưa, nhiều năm qua, Nhật Thực, một nhà thiết kế trẻ tại Hà Nội đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để sáng tạo những tà áo dài với họa tiết và màu sắc đặc trưng của hoa sen. Cần mẫn cắt may, thêu chi tiết vô cùng cầu kỳ, chàng trai 9x cùng các cộng sự mong thể hiện rõ nét nhất hồn cốt hoa sen trên mỗi bộ trang phục. Với Nhật Thực, bất cứ bộ phận nào của hoa sen cũng là nguồn cảm hứng bất tận.

Nhật Thực cùng các cộng sự đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng tới các bạn nhỏ. Mới đây, buổi trình diễn “Tơ sen” đã tạo nên sức hút với đông đảo khán giả khi giới thiệu hàng trăm bộ trang phục áo dài hoa sen, với sân khấu đặc biệt giữa đầm sen tại Hang Múa, Ninh Bình.

Được tiếp xúc với tà áo dài truyền thống, các bạn nhỏ thêm yêu và thêm hiểu về hình tượng hoa sen, từ đó khơi dậy sự tò mò, niềm yêu thích khám phá các giá trị văn hóa của dân tộc. Đó chính là điều mà nhiều phụ huynh trăn trở giữa xã hội hiện đại ngày nay.

Có thể thấy, bằng những đóng góp lặng thầm đầy nhiệt huyết, nhiều người trẻ đang chung tay gìn giữ tinh hoa mà thế hệ cha ông đã trao truyền. Từ đó, với sự sáng tạo và niềm say mê, không ngừng phát huy vai trò sứ giả văn hóa, họ nhận thức trách nhiệm kế thừa, lan tỏa, quảng bá giá trị văn hóa rực rỡ ấy đến với xã hội đương đại.

Ấn tượng sắc màu Tây Nguyên

Không chỉ cá nhân các bạn trẻ, mà ngày nay nhiều đơn vị, tổ chức cũng thực hiện các dự án nhằm bảo tồn nét đẹp trang phục truyền thống, mang đậm bản sắc của các dân tộc, vùng miền. Vừa qua, hơn 200 nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu đến từ Hà Nội, TPHCM, Đắk Lắk vừa trình diễn 7 bộ sưu tập thời trang thổ cẩm của các nhà thiết kế Việt Nam… Đặc biệt, chương trình có sự tham gia biểu diễn của nghệ nhân cồng chiêng, bà con người dân tộc và các em học sinh tại địa phương.

Chương trình nghệ thuật với tên gọi “Ban Mê ơi” kết hợp giữa trình diễn thời trang thổ cẩm, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn nghề thủ công truyền thống. Các bộ sưu tập được thiết kế độc đáo, quyến rũ và huyền bí được các người mẫu giới thiệu trên nền âm nhạc và những bài hát, điệu múa mang âm hưởng Tây nguyên đã làm nổi bật thêm sắc màu của thổ cẩm.

Trăn trở với “giấc mơ thổ cẩm” từ nhiều năm qua, nhà thiết kế Minh Hạnh vẫn luôn đan cài những nét văn hóa truyền thống dân tộc vào các mẫu trang phục hiện đại để “thổi hơi thở của núi rừng” vào thời trang.

Thổ cẩm là chất liệu xuyên suốt dẫn dắt cảm xúc, kết nối khán giả đến với câu chuyện của Tây Nguyên từ thuở sơ khai đến hiện đại, từ quá khứ đến tương lai. Tôn vinh nét đẹp lao động của những nghệ nhân làm gốm, dệt vải, đúc tượng,… với mong muốn gìn giữ giá trị xưa cũ, phát huy vẻ đẹp truyền thống.

Theo Ban tổ chức, các tỉnh Tây Nguyên cần đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác và phát huy các làng nghề thổ cẩm truyền thống theo hướng phục vụ du lịch, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ số trong sản xuất để sản phẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống hằng ngày, từ đó có thể vươn xa hơn ra thị trường quốc tế.            

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube anvientvbchannel.

17 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2620 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1638 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3729 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2695 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4634 lượt xem 0 Bình luận