Bản tin An Viên 24H 21.10.2023
Bản tin An Viên 24H 21.10.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Các địa phương triển khai thông tư thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện; Đoàn kết quân dân qua hội thi “Ẩm thực chay”; Nâng cao hoạt động ngành Hướng dẫn Phật tử giai đoạn hiện nay.
Cần Thơ: Khai giảng khóa bồi dưỡng chuyên ngành HDPT khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ
Sáng nay ngày 21/10, tại Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam, TP.Cần Thơ đã long trọng Khai mạc Khóa Bồi dưỡng chuyên ngành hướng dẫn Phật tử Khu vực miền Đông và Tây Nam Bộ năm 2023. Chương trình do Ban Hướng dẫn Phật tử TƯGH kết hợp Ban Trị sự, Ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN TP.Cần Thơ tổ chức.
Khóa bồi dưỡng nhằm nâng cao vai trò và kỹ năng chuyên môn của chư Tăng Ni, quý cư sĩ đạo hữu Phật tử trong tổ chức, quản lý, điều hành, hướng dẫn các mô hình sinh hoạt tu học. Qua đó, triển khai tốt các hoạt động Phật sự chuyên ngành của từng Phân ban và mở ra phương hướng Phật sự phù hợp cho công tác HDPT tại tỉnh thành.
Trong 3 ngày 20 – 22/10, chư Tăng Ni, quý Phật tử tại các tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam Bộ được Triển khai Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ VII; Triển khai chương trình hoạt động và Quy chế Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương; tọa đàm, trao đổi về những thuận lợi, khó khăn chuyên ngành.
CỤM BẢN TIN
Bạc Liêu: Triển khai Thông tư thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện
Tại phiên họp của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bạc Liêu, Thượng tọa. Thích Giác Nghi, UV HĐTS, Trưởng ban Trị sự triển khai Quy chế hoạt động của Ban Quản trị cùng thông tư hướng dẫn thành lập; Chư tôn đức đóng góp ý kiến việc thực hiện thông tư, tùy theo điều kiện mỗi cơ sở. Cuộc họp cũng đã thông qua nhân sự Ban Quản lý dự án và Ban Vận động trùng tu xây dựng khu Quán Âm Phật Đài; Bổ sung nhân sự BTS; Thông qua chương trình lễ vía Bồ-tát Quán Thế Âm tại Quán Âm Phật Đài vào ngày 18 – 19/9 năm Quý Mão.
Quảng Nam: Họp Ban Thường trực mở rộng năm 2023
Còn tại tỉnh Quảng Nam, chư tôn đức Thường trực BTS GHPGVN tỉnh đã có cuộc họp mở rộng, đóng góp ý kiến về các vấn đề trọng tâm như: thống nhất hoàn thành việc bổ nhiệm Ban Quản trị các cơ sở tự viện; thống nhất tổ chức Lễ Thành Đạo cấp tỉnh tại Văn phòng Ban Trị sự; phối hợp với các cơ quan hướng dẫn hồ sơ đăng ký phục hồi các cơ sở là di tích, phế tích; xin cấp phép hoạt động đối với các tự viện đã có từ rất lâu. Đặc biệt xin đăng ký sinh hoạt cho các tịnh thất do Tăng Ni xây dựng, tu tập trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và quy định của Giáo hội.
Bình Dương: Ký kết Tăng cường bảo đảm trật tự ATGT
Trong khi đó, tại Chùa Tổ Đỉa Long Hưng (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương); Ban Trị sự GHPGVN thị xã phối hợp cùng với Công an thị xã ký kết kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2023-2026. Theo đó, chư Tăng Ni lồng ghép các thông điệp, kỹ năng tham gia giao thông an toàn qua hình thức truyền tải Phật pháp đến Phật tử và cộng đồng xã hội.
CỤM TIN TỪ THIỆN:
Lào Cai: Phân ban Ni giới TƯGH trao quà thiện nguyện
Nằm trong chuỗi từ thiện vùng Tây Bắc, hôm nay ngày 21/10, PBNG TƯGH trao quà cho 500 hộ gia đình khó khăn và 500 em học sinh tại Cột cờ Lũng Pô, xã A Mú Sung và UBND xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Đây là một trong những huyện xa xôi, giao thông khó khăn và PBNG cố gắng đem yêu thương tới người dân, chắp cánh ước mơ cho các em học sinh vùng cao.
Quảng Ninh: Bàn giao nhà đại đoàn kết
Chiều ngày 20/10, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và phường Quang Trung (TP Uông Bí) phối hợp trao hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, thực hiện chương trình xóa nhà ở tạm, nhà dột nát năm 2023 cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Tiêu. Sau 2 tháng khởi công, ngôi nhà mới khang trang với diện tích 50m2 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với kinh phí gần 300 triệu đồng.
Đoàn kết Quân dân qua hội thi “Ẩm thực chay”
Thực hiện chương trình phối hợp của Bộ CHQS tỉnh BRVT và BTS GHPGVN tỉnh giai đoạn 2020-2025, tại chùa Bửu Lâm, 2 đơn vị đã phối hợp tổ chức Hội thi “Ẩm thực chay” năm 2023. Qua đó tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa đơn vị với các cơ sở Phật giáo trên địa bàn, tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Với chủ đề “Chay an lành”, hội thi có sự tham gia của 8 đội. Mỗi đội có 5 thành viên gồm cán bộ, chiến sĩ, hội viên phụ nữ và chư tăng ni, phật tử. Bằng sự khéo léo, phối hợp nhịp nhàng của các thành viên, các đội dự thi chế biến nhiều món ăn đẹp mắt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đầy đủ chất dinh dưỡng cho 10 người ăn. Bên cạch đó, các đội thuyết trình về tinh hoa của các món ăn, ý nghĩa của cách bài trí món ăn trên đĩa và trên bàn tiệc.
Hội thi không chỉ thể hiện khả năng nội trợ, sự khéo léo, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, phối hợp giữa các thành viên trong đội. Đồng thời phản ánh sự hiểu biết của mọi người về ý nghĩa, giá trị, đặc trưng, nét phong phú của ẩm thực chay trong đời sống.
Dự kiến, thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục phối hợp với BTS GHPGVN tỉnh BRVT tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như xây dựng và sửa chữa nhà, trao quà cho người nghèo, tổ chức “phiên chợ 0 đồng”….
Đồng hành cùng trẻ em vùng cao
Cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn, chính là lý do khiến nhiều em nhỏ vùng cao phải gác lại ước mơ đi tìm con chữ. Thấu hiểu nỗi khó khăn đó, thời gian qua, Phật giáo các cấp luôn dành nhiều nỗi ưu tư, ngược về vùng biên cương để chăm lo cho trẻ em nghèo. Và vừa qua, một chương trình thiện nguyện mang tên “Bữa ăn cho em” đã được tổ chức tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Làng Mô, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu với nhiều tình cảm ấm áp giữa miền ngược và miền xuôi.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú và THCS Làng Mô huyện Sìn Hồ tỉnh Lai Châu, hôm nay rộn ràng hơn mọi khi nhờ sự ghé thăm của đoàn thiện nguyện và quý mạnh thường quân. Các bạn nhỏ háo hức sắp xếp bàn ghế, phụ giúp mọi người chuẩn bị những bữa ăn trưa đầy đủ chất dinh dưỡng. Với các bạn nhỏ miền xuôi, đây có thể là những bữa ăn hàng ngày, còn với các em, đó là cả một niềm ao ước. Nhiều chiếc áo ấm, chăn đệm cũng được trao tặng, khi mùa đông lạnh giá đang cận kề.
Năm 2023 cũng là năm thứ 3 liên tiếp, TƯGH phối hợp cùng Truyền hình An Viên và MoMo phối hợp tổ chức chương trình từ thiện đem những bữa cơm ấm no, phần quà đầy ắp tình yêu thương tới vùng biên cương Tổ quốc. Thông qua đó, Chư tôn đức, các Phật tử và mạnh thường quân trao yêu thương tới các học sinh vùng cao, giúp các em có niềm tin yêu và động lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Hành trình đi tìm con chữ có thể còn nhiều khó khăn vất vả, thế nhưng những tình cảm ấm áp như thế này chính là động lực để các em nhỏ vùng cao bám trường lớp, chắp cánh ước mơ nơi biên cương xa xôi của Tổ quốc.
Nâng cao hoạt động ngành HDPT giai đoạn hiện nay
Trong cấu trúc “Tứ chúng đồng tu” của Phật giáo, hàng Phật tử tại gia là thành phần đông đảo, luôn được chư vị xuất gia hướng dẫn sinh hoạt tu học theo đúng chánh pháp, xây dựng đời sống an lạc. Cũng như nhiều ban ngành khác, thời gian qua ngành HDPT đối mặt với không ít khó khăn. Để thúc đẩy tinh thần, lan tỏa chánh pháp sâu rộng cho hàng phật tử tại gia, các Phân ban của ngành HDPT đã cùng nhau bắt tay xây dựng kế hoạch, triển khai những nội dung phật sự quan trọng thời gian tới.
Kế thừa thành tựu đạt được của nhiệm kỳ VIII, Ban Hướng dẫn Phật tử TƯGH nhiệm kỳ IX thành lập mới 4 phân ban, bổ sung nhiệm vụ cho 5 Phân ban đã hiện hữu. Ngay sau khi thành lập, Ban xây dựng quy chế hoạt động, phân công rõ nhiệm vụ, trách nghiệm đối với 9 phân ban và 4 tiểu ban chuyên trách. Điều này thể hiện rõ tính chuyên nghiệp, nghiêm túc của từng phân ban để sẵn sàng cho bước chuyển mình trong những công tác Phật sự, lan tỏa chánh pháp sâu rộng đến đông đảo phật tử, cư sĩ khắp các tỉnh thành.
Là một trong những phân ban quan trọng, Phân ban Cư sĩ Phật tử chuyên trách hướng dẫn sinh hoạt học tập cho hàng cư sĩ Phật tử. Để hoạt động hiệu quả, Phân ban xây dựng chiến lược “Phật hóa gia đình”, khuyến khích, động viên các thành viên trong hộ gia đình sinh hoạt theo lời Phật dạy, trau dồi đạo đức cá nhân, xây dựng gia đình hạnh phúc, trên thuận dưới hòa, nhiệt tâm hộ trì Tam bảo. Mỗi gia đình của Phật tử được cấp “Sổ tín đồ phật hóa gia đình”, tự viện lưu 01 sổ. Khi các thành viên trong hộ phát tâm quy y đầy đủ, vị Trụ trì cấp “Giấy chứng nhận phật hóa gia đình” vào dịp lễ thích hợp, để tán dương công đức.
Trong khi đó, Phân ban Gia đình Phật tử cũng đối mặt với nhiều khó khăn và trở ngại. Một số Phân ban, Ủy viên đại diện và các phụ tá tại huyện, thành phố chưa phát huy hết năng lực hoạt động, chưa mạnh dạn đổi mới phương thức sinh hoạt bằng các hình thức như: Hội thi giao lưu Phật pháp – Hoạt động thanh niên – Văn nghệ – Hoạt động xã hội… nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi giữa các đơn vị. Việc tập huấn, vận dụng trí tuệ tập thể, tăng cường sự đoàn kết của các đơn vị Gia đình phật tử, giúp cho Phân ban có hướng đi mới để nâng cao chất lượng thời gian tới.
Trong Ban HDPT thì Phân ban Thanh Thiếu nhi Phật tử là đơn vị có nhiều tiềm năng, sức trẻ. Đáp ứng sự phát triển của phong trào thanh niên thời đại mới; các tự viện thành lập CLB TTNPT, giúp phật tử trẻ có cơ hội được bồi dưỡng kỹ năng sống, hoàn thiện nhân cách đạo đức, từ đó, sống hữu ích, phát huy các giá trị tinh thần, khiến Phật pháp được ứng dụng một cách triệt để vào cuộc sống.
Là một đơn vị có nhiều đặc thù, Phân ban Phật tử dân tộc luôn chủ động xây dựng kế hoạch kết nối các tỉnh, thành để tạo mối quan hệ, củng cố ngành hướng dẫn Phật tử. Phân ban đặt ra mục tiêu tổ chức nhiều hoạt động như: Khoá tu giao lưu văn hoá các dân tộc; Trại họp mặt PTDT khu vực; …Dự kiến thực hiện vào quý I hoặc quý 3 năm 2024. Ngoài ra, Phân ban hiện đang cổ vũ Tăng, Ni theo học tiếng dân tộc để hướng dẫn cho các Phật tử; Biên soạn, phiên dịch kinh sách theo tiếng Dân tộc để Phật tử có cơ hội tiếp cận giáo lý đạo Phật hơn; Thăm và thuyết giảng bằng tiếng dân tộc cho các Phật tử dân tộc.
Là một trong số 4 ban mới được thành lập nhiệm kỳ 2022 – 2028, Phân ban đặc trách đạo tràng Phật tử có vai trò quan trọng trong việc quản lý, hướng dẫn các đạo tràng Phật tử sinh hoạt, tu tập. Thời gian tới, Phân Ban dự kiến Phối hợp, hướng dẫn, động viên Chư tôn đức Trụ trì các Tự viện thành lập các đạo tràng Phật tử để tu tập đúng Chính pháp; Tổ chức các lớp bồi dưỡng Giáo lý cho quý Phật tử, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên cương và hải đảo của tổ quốc.
Do cách trở ngôn ngữ, nên việc tiếp cận các thế hệ trẻ của Phật giáo ở Hải ngoại bị gián đoạn, không phát huy được mục đích như chương trình đã đề ra. Để công tác Phật sự được đồng bộ, phát huy các thế mạnh của ngành hướng dẫn Phật tử tại Hải ngoại, Phân ban phật tử hải ngoại đã và đang tiếp tục điều chỉnh, bổ sung thành phần nhân sự có chất lượng cao. Mỗi thành viên đều là người có khả năng hoằng pháp, hướng dẫn tu học tốt, nhiệt huyết với ngành. Lập các tiểu ban chuyên trách như: Khóa tu Phật đản, Khóa tu Vu lan, Khóa tu Phật thành đạo, Khóa tu mùa Xuân, Khóa tu mùa Hè, Khóa tu xuất gia gieo duyên,… để đồng bào Phật tử ở trong nước và ở nước ngoài tham gia tu học.
Có thể nói, trong chiều dài lịch sử, hàng Phật tử tại gia không chỉ thể hiện tinh thần mong cầu học tập mà còn hết lòng hộ trì Tam bảo, phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, nỗ lực thực hiện các hạnh lành trong tinh thần vô ngã vị tha. Nhận thức rõ được tầm quan trọng đó, Tăng Ni và Phật tử thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đều mang trên mình trọng trách hướng dẫn Phật tử sống tốt đạo đẹp đời. Tin chắc rằng, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự đồng bộ hóa và nhịp nhàng trong công tác Phật sự, hòa hợp trong tổ chức quản lý, Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội ngày càng phát triển, góp phần xây dựng Giáo hội trang nghiêm, vững mạnh.
Gắn biển công trình cung Trúc Lâm Yên Tử
Chiều qua ngày 20/10, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức gắn biển Công trình cung Trúc Lâm Yên Tử. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang xem xét đệ trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.
Cung Trúc Lâm Yên Tử được khởi công xây dựng vào tháng 10/2017, tại bến xe cũ Giải Oan thuộc xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Tổng mức đầu tư xây dựng khoảng 250 tỷ đồng, hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa do BTS GHPGVN tỉnh vận động và nguồn công đức của Phật tử tại chùa Yên Tử.
Đây là công trình quy mô trong tổng thể Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử; với tổng diện tích xây dựng giai đoạn I hơn 6000m², phần thờ tự và nội thất bằng chất liệu gỗ sơn thếp mang bản sắc văn hóa dân tộc, hài hòa với quần thể di tích danh thắng Yên Tử.
Công trình có sức chứa từ 5.000 đến 7.000 nghìn người, là nơi tôn vinh giá trị của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, là nơi tổ chức các sự kiện tưởng niệm, lễ hội, hội thảo và các hoạt động văn hóa Phật giáo. Sau khi khánh thành, đưa vào sử dụng sẽ cùng với chùa Đồng, Tượng Phật Hoàng và các công trình khác tạo cho Yên Tử một diện mạo mới; vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị nhiều mặt của khu di tích danh thắng Yên Tử, nối liền quá khứ hiện tại và tương lai.
Hiện Quảng Ninh đã phối hợp với tỉnh Hải Dương, Bắc Giang để hoàn thiện và trình hồ sơ, được Chính phủ đồng ý gửi tới UNESCO đề nghị công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới. Nếu được thông qua, đây sẽ là di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam, khẳng định vai trò trung tâm du lịch văn hóa tâm linh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh và ngành du lịch của Việt Nam.
Lưu giữ những giá trị xưa cũ qua mô hình tiểu cảnh
Trong kí ức của nhiều người, hình ảnh làng quê Việt Nam gắn liền với cây đa, bến nước, sân đình… Nên khi cuộc sống ngày càng hiện đại, khung cảnh làng quê cũng thay da đổi thịt và thưa dần những ngôi nhà 3 gian, 5 gian. Với niềm đam mê với không gian truyền thống, bằng tôi tay tài hoa, chàng trai Trương Văn Bộ (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã biến các khối xi-măng, đất cát thành những tiểu cảnh mô phỏng mái đình, mái chùa hết sức độc đáo.
Ký ức tuổi thơ ngày ấy có lẽ chính những góc sân, khoảng trời, với căn nhà 3 gian cũ kỹ, mái ngói đơn sơ nơi vùng quê Bắc bộ. Và những hình ảnh này không đến từ một bộ phim tài liệu, đó chính là những ngôi nhà nông thôn trong ký ức thuở ấy, chỉ khác là đã được thu nhỏ, dưới bàn tay tài hoa của chàng nghệ nhân năm nay vừa tròn 25 tuổi.
Và hồn cốt trong những tác phẩm của chàng trai trẻ ấy đến từ chính sự tự nhiên và gần gũi nhất.
Như một phần hoài niệm trong ký ức của bao người, những mô hình tiểu cảnh không chỉ dừng lại ở một thú chơi. Từng ngày, từng ngày nó còn đang gìn giữ nét đẹp kiến trúc văn hóa, để những người trẻ không lãng quên quá khứ, từ đó trân trọng hơn cuộc sống hiện tại.
Đặc sắc ngôi chùa khắc Kinh Phật lên đá
Tọa lạc trong một con hẻm trên đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận, TP.HCM), chùa Pháp Hoa được xây dựng từ năm 1928. Ngôi chùa được biết đến với nhiều kỉ lục Guiness, trong đó có công trình Bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa khắc trên đá đầu tiên tại Việt Nam.
Bước qua cánh cổng chùa Pháp Hoa, không ai là không ấn tượng với bộ kinh được khắc trên đá này. Bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa gồm 20 phiến đá granite bao bọc khung bê tông với chiều dài 14,5m; rộng 4m và cao gần 10m, thiết kế như những trang sách mở. Từng trang 2 mặt đá được cách nhật bởi cột đá trắng vân mây, hoa văn hoa sen, rồng cách điệu thời Lý, Trần được chế tác công phu tượng trưng triết lý Phật giáo. Đây là công trình xuất phát từ tâm thành của nhóm Phật tử tái hiện những tạng kinh Phật với hình thức giúp Phật tử dễ tiếp cận những lời vi diệu của đức Thế Tôn.
Bản kinh Diệu Pháp Liên Hoa gần 70.000 chữ Việt được sắp xếp bố cục hài hòa, chữ màu trắng khắc trên nền đen của đá; khắc từ nguyên bản kinh Đại thừa “Diệu Pháp Liên Hoa” và được Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch sang tiếng Việt. Năm 2010, công trình công phu, tinh tế này đã xác lập kỷ lục Bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa khắc trên đá đầu tiên tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong khuôn viên chùa Pháp Hoa hiện còn tôn trí bộ kinh Di Giáo được tạc bằng tiếng Việt trên đá. Tất cả các đường nét từ đế kinh cho đến phần mái đều được chạm trổ hình ảnh hoa sen, bánh xe pháp luân… công phu, đạt mỹ thuật cao; Kinh Di giáo – ghi chép những lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước khi Ngài nhập Niết bàn tại Câu-thi-na. Đến chùa Pháp Hoa, đọc kinh khắc trên đá, nguyện cầu những điều tốt đẹp; lòng ai cũng thấy nhẹ nhàng, an yên.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 21.10.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
29 lượt thích 0 bình luận