Bản tin An Viên 24H 21.11.2023
Bản tin An Viên 24H 24H 21.11.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TP.HCM: Khai mạc Đại giới đàn Bửu Huệ PL.2567 đề cao chất lượng Giới tử; Xây dựng văn hóa tham gia giao thông; Rộn ràng chuẩn bị Lễ hội Ok Om Bok.
TP.HCM: Khai mạc Đại giới Đàn Bửu Huệ PL.2567 – Đề cao chất lượng giới tử
Ngày 21/11, tại Việt Nam Quốc Tự, lễ khai mạc Đại giới đàn Bửu Huệ Phật lịch 2567 do Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tổ chức đã trang nghiêm diễn ra. Số lượng giới tử có phần khiêm tốn hơn so với các đại giới đàn trước, nhưng ban tổ chức quan tâm đến vấn đề chất lượng và mong muốn đây là hình mẫu của đại giới đàn trên phạm vi cả nước trong thời gian tới.
Tại đại giới đàn Bửu Huệ PL.2567, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đặt mục tiêu về chất lượng, nên giới tử được tòng Tăng học hạ trong ba tháng, thông làu bốn quyển Luật Trường hàng. Qua đó giúp chúng xuất gia ngày càng được chọn lọc kỹ càng.
Có 208 giới tử xuất gia và hơn 400 Phật tử đăng ký thọ giới Bồ tát đủ điều kiện thọ giới tại các điểm, cụ thể: Bắc tông Tăng tại giới đài viện chùa Huệ Nghiêm (Q.Bình Tân); Đàn giới Ni Bắc tông tại chùa Thanh Tâm (H.Bình Chánh); Đàn giới Nam tông tại chùa Bửu Quang (TP.Thủ Đức); điểm truyền giới Tăng hệ phái Khất sĩ tại tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh); truyền giới Ni Khất sĩ tại tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp).
Ngay sau lễ khai mạc, Đức Pháp chủ GHPGVN, trưởng lão hòa Thượng Thích Trí Quảng đã khai đạo, nhắc nhở các giới cần phải có tâm thanh tịnh; chí thành khi tấn đàn thọ nhận giới pháp nhằm giúp cho thành tựu giới thể.
Ninh Thuận: Triển khai Phật sự trọng tâm thời gian tới
Ngày 20/11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Thuận đã họp triển khai các công tác phật sự quan trọng, rà soát việc chuẩn bị khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì và chương trình Ký kết hợp tác văn hóa với Ban Văn hóa TƯGH.
Tại cuộc họp, chư tôn đức các ban phụ trách chuyên môn báo cáo công tác chuẩn bị, những khó khăn nhằm tháo gỡ để khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì diễn ra chu đáo, đặc biệt là đưa đón đại biểu, phối hợp cơ quan báo chí, truyền thông.
Theo kế hoạch, Khóa Bồi dưỡng có sự quang lâm và chia sẻ của chư Tôn đức giáo phẩm Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Nội dung tập trung vào quản lý và điều hành tại các cơ sở tự viện thời kỳ số hóa; cập nhật thông tin hoạt động của Giáo hội, triển khai Hiến chương, Quy chế Ban Tăng sự Trung ương và chính sách tôn giáo.
CỤM TIN TỪ THIỆN
Bình Phước: Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết
Ngày 21/11, Phân Ban Phật tử dân tộc Trung ương phối hợp các cơ quan động thổ xây nhà đại đoàn kết số 12 cho hộ gia đình Điểu San, người phật tử dân tộc S’Tiêng tại Thôn Bù Khơn, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Căn nhà có diện tích 45m2 với tổng trị giá 80 triệu đồng. Qua đó, hi vọng gia đình ổn định cuộc sống, yên tâm lao động để xóa đói giảm nghèo.
Quảng Trị: Vận động 20.000 suất quà cho bà con khó khăn
Trong khi đó, UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị vừa ban hành kế hoạch tổ chức Chương trình “Nối vòng tay nhân ái” xuân Giáp Thìn 2024, vận động khoảng 20.000 suất quà, mỗi suất trị giá từ 300.000-500.000đ để hỗ trợ người đặc biệt khó khăn. Đối tượng vận động là cán bộ, nhân dân, các tổ chức, cá nhân hảo tâm cả nước, bắt đầu từ ngày 5/12 và kết thúc vào ngày 8/2/2024.
Hàng nghìn người dự lễ dâng y Kathina ở chùa Khmer
Những năm gần đây, người dân Khmer tại huyện Phú Giáo và khắp nơi của tỉnh Bình Dương đã có cơ hội xây dựng đời sống tâm linh, văn hóa tại địa phương khi ngôi chùa Khmer duy nhất mới được xây dựng – chùa Tông Kim Quang. Nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa người Khmer đã diễn ra trong suốt thời gian qua.
Từ sớm, hàng nghìn người vân tập về chùa Tông Kim Quang, tham dự Lễ dâng y Kathina truyền thống – ngày lễ đặc biệt quan trọng và gắn liền mật thiết với đời sống tâm linh của người Khmer. Lễ dâng y Kathina chỉ diễn ra một lần trong năm – sau khi chư Tăng kết thúc ba tháng an cư kiết hạ theo Phật lịch, đây là truyền thống của Phật giáo Nam Tông bắt nguồn từ thời Đức Phật.
Khóa lễ năm nay do Hòa thượng Danh Lung – Ủy viên Thư ký HĐTS và chư Tăng, Phật tử chùa Candaransi (Quận 3, TP.HCM) là đại thí chủ. Những bộ y mới được Hòa thượng và các đại thí chủ đội trên đầu, nhiễu y từ cổng vào đến chánh điện, với tấm lòng thành kính dâng lên cúng dường chư Tăng vừa kết thúc mùa an cư kiết hạ.
Sau khoá lễ, chư Tăng thực hiện nghi thức cầu an, chúc phúc đến Phật tử; đồng thời, có lời pháp thoại, giải thích nguồn gốc, ý nghĩa và lợi ý của việc cúng dường trong lễ dâng y Kathina. Chùa Tông Kim Quang cũng là ngôi chùa Khmer duy nhất tại tỉnh Bình Dương, được thành lập từ năm 2018. Thời gian qua, chùa góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc người Khmer.
Xây dựng văn hóa tham gia giao thông
Theo thông lệ hằng năm, ngày Chủ nhật thứ 3 của tháng 11 được chọn là ngày tưởng niệm các nạn nhân vì tai nạn giao thông. Đây là dịp để nhắc nhở người ở lại có trách nhiệm khi tham gia giao thông. Những năm qua, cùng với các tổ chức xã hội, Giáo hội các cấp luôn có những hoạt động thiết thực trong việc tưởng nhớ và kỳ nguyện cho các nạn nhân tử vong; quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với nạn nhân, những người bị thương tật do tai nạn giao thông để từ đó tuyên truyền, nhắc nhở người dân, phật tử nghiêm túc chấp hành luật an toàn giao thông.
Tại Việt Nam, mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người, làm 20.000 bị thương. Qua đó, gây thiệt hại to lớn về sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân, để lại nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của người thân, bạn bè người bị nạn.
Ngày 19/11/2023 là năm thứ 12 Việt Nam cùng thế giới tổ chức “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT”. Với chủ đề năm “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT năm nay để bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông, kêu gọi mỗi người dân, vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng, tự giác chấp hành các quy định về an toàn để ngăn chặn thảm họa giao thông.
Tại các tỉnh thành, nhiều Đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông cũng được Phật giáo các địa phương tổ chức. Vừa qua, tại tỉnh Lào Cai, ngoài việc ký kết Chương trình phối hợp Tuyên truyền, vận động “Tăng, Ni, Phật tử tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2026, BTS GHPGVN tỉnh đã tổ chức Lễ cầu nguyện cho các nạn nhân tử vong do TNGT và trao quà từ thiện giúp đỡ những nạn nhân, người thân bị ảnh hưởng tai nạn giao thông. Đây là việc làm ý nghĩa giúp tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.vC
Là địa phương từng có số vụ tai nạn giao thông cao, nhiều năm qua, BTS GHPGVN tỉnh Bạc Liêu thường xuyên phối hợp với UBMTTQVN tỉnh, ban ATGT tỉnh tưởng niệm cầu siêu cho nạn nhân tử vong do TNGT. Tại đây, ban tổ chức trình chiếu những hình ảnh về các vụ tai nạn, các hoạt động thăm hỏi hỗ trợ gia đình có nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua buổi lễ, chư tăng ni, phật tử trên địa bàn tỉnh và đặc biệt là những người tham gia hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng văn hoá khi tham gia giao thông.
Liên tiếp thời gian qua, Phật giáo các tỉnh Lạng Sơn, Lai Châu, Đồng Nai, … cùng tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Có thể nói đây là loạt sự kiện có sức lan tỏa lớn, để mỗi chư tăng ni, phật tử với vai trò là sứ giả truyền đi thông điệp có sức cảnh tỉnh mạnh mẽ về trách nhiệm của mỗi người khi tham gia giao thông, vì thương xót những người đã mất mà hành động cho người đang sống.
Mặc dù vậy, những buổi lễ này chỉ mang ý nghĩa sẻ chia về mặt tâm linh, chỉ là lời cảnh tỉnh thông qua việc lay động cảm xúc, tinh thần. Để giảm thiểu tối đa rủi ro mà tai nạn giao thông gây ra thì cần nâng cao nhận thức hiểu biết về Pháp luật cho người tham gia cùng với việc ban hành những chế tài đủ mạnh, có tính răn đe. Hiểu được điều đó Chư tôn đức tăng ni luôn thể hiện vai trò đồng hành cùng chính quyền trong việc đảm bảo ATGT. Gần đây nhất, tại kỳ họp quốc hội lần thứ VI, vào sáng 10/11, thượng tọa Thích Đức Thiện đã có những góp ý về vấn đề cần phải có quy định trừ điểm bằng lái xe trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó Luật cần quy định rõ vai trò và trách nhiệm của sát hạch, cấp bằng lái xe gắn với đảm bảo trật tự an toàn giao thông
Thời gian qua, rất nhiều lễ ký kết giữa BTS GHPGVN các tỉnh thành với Ban ATGT tỉnh về chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động “chư tăng ni, phật tử tham gia đảm bảo trật tự ATGT” được triển khai đã mang lại tín hiệu tích cực. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch này tạo thêm nguồn lực mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhất là chư Tăng Ni, Phật tử.
Bên cạnh đó, Chư tôn đức tăng ni cũng trở thành những tuyên truyền viên trong việc vận động, hướng dẫn quý Phật tử chấp hành các quy định giao thông. Việc gắn an toàn giao thông trong các bài thuyết giảng chính là một trong những nội dung quan trọng mà BTS GHPGVN các tỉnh thành thực hiện theo nội dung của chương trình phối hợp hành động giữa TƯGH và Bộ Công an được ký kết
Phật giáo các cấp cũng tổ chức nhiều buổi phổ biến kiến thức an toàn giao thông. Hoạt động này là một trong những nội dung của kế hoạch phối hợp giữa công an tỉnh thành và BTS về việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động tăng ni, phật tử tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông giai đoạn 2023 – 2026.
Mỗi buổi lễ cầu siêu cho các nạn nhân khi kết thúc đều để lại những dư âm lắng đọng cùng nhiều cảm xúc đan xen. Đó là tình cảm trân quý bởi tính nhân văn sâu sắc của buổi lễ, là nỗi xót xa với những người ở lại khi mất đi người thân, là sự tiếc nuối bởi chỉ một chút thiếu an toàn mà cái giá phải trả quá lớn lao, là nhận thức sâu sắc của người tham gia giao thông về những điều đang và sẽ phải làm để không còn nỗi đau nào như thế nữa. Văn hoá giao thông được xây dựng từ tư tưởng, thái độ, hành vi tham gia. Có thể nói, trong những năm qua PGVN đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi văn hoá tham gia giao thông theo hướng tích cực thông qua rất nhiều hoạt động ý nghĩa, đặc biệt có sự lay động và lan tỏa.
CỤM TIN QUỐC TẾ
Thái Lan: Hội nghị đa tôn giáo thúc đẩy Hòa Bình
Lãnh đạo các tôn giáo đặt ra những vấn đề và thách thức của nhân loại thời đại mới với thực trạng biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế, xung đột sắc tộc tôn giáo không ngừng gia tăng. Do vậy, việc tăng cường giáo dục tín đồ về lòng từ bi, yêu thương, khoan dung chính là chìa khóa để mở ra một thế giới hòa bình, đoàn kết. Do vậy, một chương trình thuyết giảng dài hạn được xây dựng, với sự phối hợp giữa các tôn giáo, giúp chữa lành vết thương tinh thần cho tín đồ, thông qua đạo đức và thiền định.
Đài Loan: Hàng nghìn người “Đi bộ vì sự tử tế”
Còn tại Đài Loan (Trung Quốc), vừa qua, hàng nghìn Chư Tăng Ni, Phật tử và nhân dân đã tham gia chương trình “Đi bộ vì sự tử tế” 2023. Dòng người chắp tay cùng nhau nguyện, bước đi, tụng Chú Đại Bi, mong cho ai cũng an vui. Chương trình Đi bộ vì sự tử tế 2023 được kéo dài từ nay đến hết ngày 26/11 với nhiều hoạt động thiền hành ý nghĩa.
Biểu tượng kiến trúc chùa cổ tại Lào
Tọa lạc ở ngã ba, nơi sông Nám-khan hợp lưu với sông Mekong hùng vĩ, chùa Xiềng Thoong, không chỉ là một công trình tôn giáo đẹp nhất và quan trọng nhất tại cố đô Luổng Pha-bang (Bắc Lào), mà còn là một trong những ngôi chùa cổ nhất, lưu giữ kiến trúc đặc trưng cho văn hóa chùa chiền cổ ở đất nước “triệu voi”. Ngôi chùa là nơi tổ chức các sự kiện tôn giáo và là biểu tượng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Kính mời quý vị cùng tìm hiểu kiến trúc tinh xảo độc đáo và cổ kính cùng sự linh thiêng của ngôi chùa đặc biệt này.
Vắt Xiềng-Thoong có nghĩa là “Chùa của thành phố vàng”, được xây dựng từ những năm 1559 – 1560. Nằm giữa khuôn viên chùa là Tòa chính điện mang phong cách kiến trúc cổ điển Luổng Pha-bang với mái cong 3 tầng, hai bên mái áp vào nhau cong vút ở phía trên và buông sâu dần hướng về mặt đất.
Qua nhiều thế kỷ tồn tại, chùa Xiềng Thoong vẫn giữ được vẻ đẹp giản dị, cổ kính, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với bất kỳ du khách nào khi tới Luổng Pha-bang.
Không chỉ là nơi lưu giữ văn hóa, nghệ thuật cổ truyền thống đặc trưng của Lào, chùa Xiềng Thoong còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như bức tượng Phật nhập niết bàn bằng đồng đúc nổi tiếng, từng trưng bày tại Hội chợ triển lãm Paris 1931.
Rộn ràng chuẩn bị Lễ Hội Ok Om Bok
Đến với Sóc Trăng những ngày này, mọi người sẽ cảm nhận không khí vui tươi, rộn ràng để chuẩn bị cho Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo năm 2023. Để giúp cho Lễ hội diễn ra chu đáo, vui tươi, các đội ghe ngo đã có sự tập luyện kỹ càng, mang đến cuộc thi điều thú vị nhất.
Chùa Ô Chum có 2 đội ghe nam và nữ tham gia thi đấu trong Lễ hội Oóc Om Bóc – Đua ghe Ngo và cũng là đại diện duy nhất của thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng góp mặt trong lễ hội năm nay. Chính vì vậy càng đến gần Lễ hội không khí tập dợt càng khẩn trương, nhất là các vận động viên của đội ghe nữ – đương kim vô địch. Cứ đúng 2 giờ chiều, các thành viên cố gắng làm xong việc nhà để đến tập luyện với quyết tâm giữ vững thành tích.
Để không thua kém các chị nữ, đến với Giải đấu năm nay, đội ghe nam cũng có những thay đổi về lực lượng, với sự quay lại của những vận động viên có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt là sự thay đổi về kỹ chiến thuật từ tăng cường rèn thể lực trên bờ đến những hồi dầm mãnh liệt dưới nước nhằm cải thiện thành tích thi đấu.
Để thi đấu tốt tại mùa giải năm nay, các tự viện đã có sự chuẩn bị chu đáo, tập hợp vận động viên tập luyện diễn ra sớm hơn so các năm trước. Đồng thời, vận động đóng góp kinh phí và tiến hành sửa chữa, sơn lại ghe ngo cho đội nam.
Với sự quan tâm của các ban ngành, cùng sự chuẩn bị chu đáo, hăng say tập luyện của các vận động viên, các đội ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng đã sẵn sàng cho giải đua lớn với sự tự tin và nỗ lực cao nhất.
CỤM TIN VĂN HÓA
Tuần lễ văn hóa, du lịch – Ẩm thực gắn với Lễ Hội Ok Om Bok
Các hoạt động chính của tuần lễ gồm: không gian ẩm thực Nam bộ, giới thiệu tuyến điểm du lịch mới của tỉnh Trà Vinh, trải nghiệm dự án con đường bích họa tại Làng văn hóa du lịch Khmer, hội thi trình diễn trang phục truyền thống, gian hàng trưng bày các sản phẩm đồng bào dân tộc Khmer, triển lãm Du lịch phía Đông ĐBSCL… Qua đó vừa nhằm mục đích bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer vừa quảng bá, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch của tỉnh.
Triển lãm “Châu bản triều nguyễn – Ký ức một triều đại”
Trong khi đó, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) phối hợp trưng bày “Châu bản triều Nguyễn – Ký ức một triều đại” tại Hà Nội. Triển lãm giới thiệu đến công chúng hàng trăm trang tài liệu đặc sắc và nhiều hiện vật tiêu biểu. Trong đó, nhiều văn bản quan trọng lần đầu được công bố như: bản đồ khẳng định Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam; các bút tích của các vua triều Nguyễn… . Một trong những điểm đáng chú ý là không gian thiết kế ấn tượng kết hợp công nghệ trình chiếu, nghệ thuật sắp đặt để tôn lên giá trị của Châu bản triều Nguyễn.
Di sản cố đô Huế “Hội tụ” tại Hà Nội
Huế được biết đến là thành phố du lịch đặc trưng – thành phố festival của Việt Nam, cũng là nơi lưu giữ nhiều di sản cộng đồng đã được công nhận. Chào mừng ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã phối hợp với các đơn vị làm văn hóa tại Hà Nội quảng bá những “đặc sản” cố đô: Từ di sản thế giới Châu bản triều Nguyễn, Nhã nhạc cung đình Huế đến các trò chơi dân gian trong cung đình xưa.
Lần đầu tiên tại di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, du khách được tham gia các trò chơi cung đình Huế như: Trò xăm hường; Trò Bài vụ; Trò Đầu hồ; Trò thả thơ và viết tặng Thư pháp. Đây là các trò chơi đã được Bảo tàng cổ vật cung đình Huế phục dựng và đưa vào hoạt động giáo dục di sản những năm qua.
Đặc biệt, nhã nhạc cung đình Huế được quảng bá đậm nét trong trong chương trình nghệ thuật “Di sản hội tụ”. Diễn ra vào ban đêm, sự hội tụ, chung tay của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Hoạt động Văn hóa giáo dục Văn Miếu – Quốc Tử Giám tiếp tục khẳng định nét tương đồng trong việc phát huy giá trị di sản, khẳng định mục tiêu khai thác không gian di sản về đêm thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Qua những hoạt động ý nghĩa, trưng bày nhằm đưa di sản thế giới đến gần hơn với công chúng, tạo cơ hội giao lưu, quảng bá văn hóa giữa các đơn vị bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Chùa Bình Định – Chốn thanh tịnh tìm về an yên
Ngôi chùa không chỉ là nơi tu học dành cho bà con Phật tử, mà còn là chứng tích của dòng thời gian. Trải qua thăng trầm, nhiều ngôi chùa đến nay đã được khôi phục lại, trở thành không gian sinh hoạt tâm linh, chốn tìm về sự an yên của nhân dân thập phương.
Theo ghi nhận từ những dấu tích còn lại, chùa Bình Định (xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), trước đây là chùa Tiên Sơn – đã có từ rất lâu đời. Trải qua chiến tranh và những biến thiên của thời gian, ngôi chùa chỉ còn lại dấu tích. Năm 2016, chùa Bình Định đã được khôi phục, với diện tích trên 10.000 m2. Lịch sử của ngôi chùa được nhân dân trong vùng khắc ghi, mỗi khi có dịp lại nhắc nhớ cho con cháu đời sau.
Ngôi chùa không chỉ là nơi bà con hướng về Phật, mà còn là nơi sẻ chia mọi niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống, lắng nghe lời dạy của chư tôn đức – đoàn kết, sống tốt đời đẹp đạo, chung tay tham gia vào sự phát triển của địa phương. Từ đó, nhiều năm qua, Phật tử luôn tích cực, ra sức lao động sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ngoài pho tượng Bồ tát Quan Âm giữa đất trời, chùa Bình Định còn mang kiến trúc độc đáo với những nét chạm khắc tinh xảo. Vẻ đẹp hài hòa giữa công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, cây cối xanh mát quanh năm, tạo nên không gian ngôi chùa làng yên bình, thanh tịnh.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 21.11.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
16 lượt thích 0 bình luận