Bản tin An Viên 24H 23.11.2023
Bản tin An Viên 24H 23.11.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Hà Nội: Tăng đoàn Thượng mật Viện Ấn Độ thăm Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam; Thái Lan: Diễn đàn về Sự thống nhất trong đa dạng của Phật giáo các quốc gia; Đảm bảo giá trị văn hóa cốt lõi khi thực hành di sản.
TP.HCM: Bế mạc Đại giới Đàn Bửu Huệ 2023
Sau 5 ngày diễn ra tại 5 điểm truyền giới, sáng nay ngày 23/11, Đại giới đàn Bửu Huệ do BTS GHPGVN TP.HCM đã bế mạc trang nghiêm tại Việt Nam Quốc tự. Trước đó, các tân Tỳ-kheo, tân Tỳ-kheo-ni theo truyền thống Bắc tông và quý Phật tử tại gia đã tấn đàn thọ giới Bồ-tát.
Tại giới trường, Trưởng lão Hòa thượng.Thích Minh Thông, UVTT HĐCM, Hòa thượng Thích Lệ Trang, UVTT HĐTS, Trưởng ban Trị sự, Chánh Chủ đàn cùng chư vị giới sư đã niêm hương đảnh lễ chư Phật, chư Bồ-tát và tiến hành nghi thức truyền giới.
Sau đó là nghi thức tạ đàn, trao các phần thưởng khích lệ đến giới tử đạt điểm cao trong kỳ khảo hạch của Đại giới đàn gồm các đàn giới Tỳ-kheo, Sa-di, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa, Sa-di-ni.
Đại diện Ban Kiến đàn, Thượng tọa.Thích Thiện Quý, UV HĐTS, Phó Trưởng ban – Chánh Thư ký BTS phát biểu bế mạc, nhấn mạnh Đại giới đàn Bửu Huệ PL.2567 đã thành tựu viên mãn.
Hà Nội: Tăng đoàn Thượng mật Viện Ấn Độ thăm Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam
Sáng nay 23/11, tăng đoàn Thượng mật Viện Gyuto Ấn Độ đã đến thăm và làm việc với Viện nghiên cứu Phật học, Ban Thông tin Truyền thông TƯGH tại Chùa Quán Sứ – Hà Nội. Hòa thượng.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin Truyền thông, Viện Trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội tiếp đoàn.
Tại đây, hai bên đã trao đổi các vấn đề học thuật và lĩnh vực nghiên cứu Phật học. Hòa thượng Thích Gia Quang giới thiệu chung về công tác đào tạo Phật học tại Việt Nam với 4 Học viện, 32 trường Trung cấp Phật học, với hàng nghìn tăng, ni sinh tốt nghiệp hằng năm. Đặc biệt, GHPGVN có Viện Nghiên cứu Phật học, trụ sở tại TP.HCM và Phân viện Nghiên cứu Phật học tại Hà Nội.
Dịp này Tăng đoàn Thượng mật viện Ấn Độ đã chia sẻ về công tác nghiên cứu. Đây là một trong hai tu viện chính của Phật giáo Mật thừa, giảng dạy Mật thừa theo truyền thống Nalanda – được truyền từ các nhà phiên dịch Lotsava của Tây Tạng.
Thái Lan: Diễn đàn về sự thống nhất trong đa dạng của Phật giáo các quốc gia
Trong 2 ngày từ 22, 23/11, tại thủ đô Bang-kok, Thái Lan, Hội Liên hữu Phật giáo thế giới đã tổ chức Diễn đàn “Hiểu biết Phật giáo ở các quốc gia khác nhau: Sự thống nhất trong đa dạng”. Đây là sự kiện học thuật với sự tham dự của đại diện Phật giáo từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Diễn đàn là dịp để Phật giáo của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm: Úc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Srilanka, Nepal, Butan… có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ sự hiểu biết khác nhau về Phật giáo. Tại diễn đàn, đại diện các nước đã trình bày về lịch sử hình thành và sự phát triển của Phật giáo tại mỗi quốc gia, sự hồi đáp với các vấn đề hiện đại qua đó thấy được sự thống nhất trong đa dạng của Phật giáo nói chung.
Đại diện Phật giáo Việt Nam, đại đức Thích An Đạt, UV HĐTS, Thư ký Ban Biên tập Truyền hình An Viên đã trình bày về vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ lịch sử hình thành, giai đoạn phát triển. Sứ mệnh của Giáo hội trong phụng sự dân tộc và truyền bá chánh pháp tại Việt nam hiện tại. Bài báo cáo nhận sự quan tâm và đặt nhiều câu hỏi của đại biểu các nước.
Dịp này, đoàn Phật giáo Hàn Quốc đã trình diễn nghi thức cúng Phật tại Diễn đàn.
CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG
Hậu Giang: Lãnh đạo tỉnh đối thoại với đồng bào có đạo
Tại buổi đối thoại, các ý kiến đề xuất tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển mạnh mẽ hơn nữa thương mại dịch vụ, tạo việc làm cho người dân địa phương. Qua đó cho thấy tâm huyết của đồng bào đối với sự phát triển thành phố Ngã Bảy và tỉnh Hậu Giang. Các kiến nghị sẽ được tổng hợp đầy đủ và gửi đến các cơ quan để giải quyết thỏa đáng.
Đoàn Đại biểu “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” TP.HCM báo công dâng Bác
Cũng trong ngày 22/11, tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Thủ đô Hà Nội), đoàn đại biểu điển hình tiên tiến “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” TP.HCM, trong đó có chư tôn đức BTS GHPGVN TP đã thành kính dâng hoa và báo công dâng Bác. Thay mặt Đoàn, Phó Chủ tịch Ủy Ban MTTQ Việt Nam TP Phạm Minh Tuấn báo cáo với Bác những thành tích tiêu biểu, nhiều câu chuyện, tấm gương sáng truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng và lan tỏa rộng rãi.
Bình Định: Tuyên dương người tốt việc thiện và phát động “Tết nhân ái”
Còn tại tỉnh Bình Định, chiều ngày 22/11 đã diễn ra Hội nghị tôn vinh, biểu dương những điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc thiện” năm 2023 và phát động phong trào “Tết Nhân ái ” – Xuân Giáp Thìn 2024. Nhiều cá nhân, tập thể, đơn vị tham gia; nhiều mô hình hay, sáng tạo đã được phát huy và nhận giấy khen, trong đó có nhiều chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh.
CỤM TIN TỪ THIỆN
TT – Huế: Nhiều hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sau lũ lụt
Ban Từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế vừa hỗ trợ 450 phần quà cho bà con bị ảnh hưởng do lũ lụt trên địa bàn thị xã Hương Trà, huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền; trao sinh kế 100 triệu đồng, ghe cho gia đình có người bị nước lũ cuốn trôi. Tổng trị giá chuyến thiện nguyện là hơn 276 triệu đồng.
Thanh Hóa: Trao 500 áo ấm cho trẻ em vùng cao biên giới
Trong khi đó, tại tỉnh Thanh Hoá, Chùa Hồi Long (Huyện Hoằng Hóa) và chùa Bồng Hinh (H.Quảng Xương) phối hợp với Trung tâm Kỹ năng The Magic (Hà Nội) tổ chức chương trình chuyến thiện nguyện “Áo ấm cho em”, tặng 500 phần quà gồm áo ấm, áo phông, bánh kẹo và nhu yếu phẩm tại các điểm trường thuộc 2 xã Sơn Thủy và xã Na Mèo. Chư tôn đức dự kiến kéo đường điện, mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ sửa chữa phòng học cho các điểm trường.
Bếp ăn yêu thương nơi Xứ Dừa
Cùng chung suy nghĩ san sẻ với các hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm qua các tổ chức đoàn thể, các tự viện trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã thành lập những bếp ăn 0 đồng. Việc làm này không chỉ thể hiện tinh thần từ bi của người con Phật mà còn mang đến hơi ấm cho những số phận bất hạnh.
Được thành lập cách đây 7 năm, bếp ăn từ thiện tịnh thất Khai An hoạt động nhiều năm nhất trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Đều đặn 4 ngày ăn chay trong tháng, nhóm phật tử thiện nguyện này tập trung về chùa để nấu những suất ăn chay tặng cho bà con khó khăn. Khẩu phần được thay đổi thường xuyên, cung cấp đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng trên địa bàn huyện Châu Thành, quán cơm Nhân ái Phước Viên tại xã Tâm Phước do Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh Bến Tre thành lập, từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người già, neo đơn, bệnh tật. Vào mỗi buổi trưa, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, quán cơm chay này mở cửa kịp thời phục vụ hàng trăm suất ăn tặng cho các bệnh nhân và hoàn cảnh khó khăn.
Với mong muốn lan tỏa yêu thương và tấm lòng thiện nguyện đến với cộng đồng, nhiều bếp ăn từ thiện 0 đồng như bếp ăn Khai Ân, Phước Viên (huyện Châu Thành), hay quán chay gieo duyên chùa Huệ Ân (huyện Giồng Trôm), được thành lập. Phát tâm làm thiện nguyện thông qua việc chế biến những món chay không chỉ chia sẻ khó khăn với bà con mà đây còn là cách gieo duyên để mọi người ăn chay, lan toả phật pháp.
Cứ như vậy những bếp ăn thiện nguyện vẫn đỏ lửa, tiếp thêm động lực, san sẻ khó khăn để bà con nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Sẵn sàng cho mùa Lễ Hội Oóc Oom Bóc trọn niềm vui
Mỗi năm, ghe Ngo của đồng bào Khmer được hạ thủy một lần để tham gia lễ hội Ooc Om Boc. Với tầm quan trọng này, lễ hạ thủy ghe Ngo là sự kiện vừa mang tính truyền thống, vừa mang yếu tố tâm linh, góp phần tạo nên sự đa dạng trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Từ sáng sớm, các huấn luyện viên và hàng trăm vận động viên ghe ngo cùng bà con phật tử trên địa bàn thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã có mặt đông đủ để thực hiện nghi thức lễ hạ thủy ghe ngo, với nhiều lễ vật chu đáo. Hàng năm, đội ghe ngo chùa Thôn Dôn tham gia thi đấu tại lễ hội Oc-om-bok đạt nhiều thành tích cao. Năm nay, đội ghe ngo chùa tham gia thi đấu 2 đội ở cự ly 800m và 1.200 mét.
Khi lễ hạ thủy bắt đầu, chư tăng, À Cha và các vận động viên tiến hành những nghi lễ truyền thống của dân tộc với ý nghĩa cầu mong cho những tay bơi có sức mạnh giành chiến thắng, đạt thành tích cao trong trận đấu năm nay.
Sau khi lễ hạ thủy, các vận động viên khởi động bơi thử để nắm chắc các yếu tố kỹ thuật, hoàn chỉnh đội hình cũng như nâng cao thể lực. Lãnh đạo thành phố cũng như Ban quản trị chùa hỗ trợ các vận động viên trong suốt quá trình tập luyện, nhằm đảm bảo cho các vận động viên đủ tinh thần, thể lực cống hiến hết mình, mang lại thành tích cao trong mùa giải. Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang được diễn ra từ 25 đến 28/11.
Đảm bảo giá trị văn hóa cốt lõi khi thực hành di sản
Việt Nam là 1 đất nước có bề dày truyền thống về lịch sử, văn hóa. Cũng bởi thế, trải dài trên khắp 3 miền, có tới hàng nghìn di sản văn hóa đang được gìn giữ. Tuy nhiên, song song với sự hội nhập, phát triển của xã hội, việc thực hành di sản phi vật thể ở nhiều nơi đang bị biến tướng, sai lệch những giá trị cốt lõi của ông cha.
Một buổi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với đầy đủ các dụng cụ và nghi thức cần có!
Nhưng thay vì ở các đền, điện thờ Mẫu Tam phủ thì nghi thức diễn ra trên sân khấu, … khu vực phố đi bộ,… và đôi khi là ở đám cưới.
7 năm sau khi Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh, sự biến tướng, sai lệch đang xuất hiện tràn lan khi các nghi thức tâm linh dần rời xa không gian thiêng vốn có, dù rằng từ năm 2018, ngành văn hóa đã có văn bản yêu cầu các địa phương không tổ chức nghi lễ liên quan tín ngưỡng thờ Mẫu ở nơi công cộng.
Câu chuyện của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ chỉ là 1 ví dụ cho những vấn đề lâu nay trong việc thực hành di sản tại Việt Nam. Tạm ước tính trên cả nước, đã có khoảng 70 nghìn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có 498 di sản cấp quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh. Đó là minh chứng cho bề dày văn hóa của dân tộc, là nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, song song với việc bảo tồn thì câu chuyện thực hành di sản đang tồn tại nhiều vấn đề.
Ngoài việc sân khấu hóa, rời xa không gian cổ truyền, câu chuyện thương mại hóa di sản cũng nổi cộm ở nhiều địa phương. Xét 1 cách tổng thể, di sản là nguồn lực để phát triển du lịch, nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, nhiều đơn vị đã làm thái quá, liên tục tổ chức chương trình xác lập kỷ lục theo kiểu con gà tức nhau tiếng gáy. Điều này ít nhiều vi phạm nguyên tắc cơ bản là không phân cấp, so sánh các di sản.
Thực hành di sản, đó là nội dung quan trọng nhất, duy trì sức sống, sự tiếp nối liên tục các giá trị văn hóa của ông cha. Tuy nhiên, dường như câu chuyện thực hành và quảng bá đang ít nhiều có sự xung đột, tạo cái nhìn không tốt cho việc bảo tồn, gìn giữ di sản. Và đó sẽ là vấn đề mà mỗi cá nhân đang từng ngày tiếp nối mạch nguồn văn hóa của ông cha phải nhận thức trong tương lai gần.
CỤM TIN VĂN HOÁ
7 Danh nhân của Việt Nam Được UNESCO vinh danh
Phiên họp của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025″. Trong đó có Danh y Hải thượng Lãn Ông – Lê Hữu Trác. Như vậy, đến nay, UNESCO đã thông qua nghị quyết vinh danh và kỷ niệm năm sinh/năm mất của 7 Danh nhân Việt Nam.
Sắp có tuần Lễ Âm nhạc quốc tế đặc sắc tại Huế
Còn tại Huế, tuần lễ Âm nhạc Quốc tế “Huế By Light – the live show” năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 8/12 đến 12/12 tại quảng trường Ngọ Môn-Đại Nội Huế với chủ đề “Giai điệu 4 mùa”. Trong đó, Chương trình “Huế – Bản hòa tấu của thiên nhiên – Phát triển bền vững” biểu diễn những tác phẩm âm nhạc mới lạ kết hợp nhạc cụ truyền thống Việt Nam, trình diễn ánh sáng 3D mapping do các nghệ sĩ, chuyên gia, công nghệ đến từ Cộng hòa Pháp thực hiện.
Làng nghề trong phát triển công nghệ văn hóa
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thủ công mỹ nghệ là thành tố quan trọng cho sự đổi mới, phát triển các ngành thiết kế sáng tạo và du lịch văn hóa. Song, để lĩnh vực này đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều việc cần làm.
Mây tre đan, gốm sứ, đồ gỗ, dệt, thêu ren, sơn mài, chạm khắc đá… Với hơn 2.700 làng nghề, Việt Nam có khoảng 200 loại sản phẩm thủ công khác nhau trong đó có rất nhiều sản phẩm có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm. Từ các làng nghề, các nghệ nhân vẫn miệt mài giữ nghề và sáng tạo thêm nhiều sản phẩm từ nghề truyền thống.
Các làng nghề thủ công hiện nay có thu nhập từ việc sản xuất sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế, thu hút khách du lịch để “xuất khẩu tại chỗ” và phát triển các dịch vụ đi kèm. Riêng Hà Nội, doanh thu từ gần 300 làng nghề năm 2022 lên đến hơn 20 nghìn tỷ đồng. Mặc dù đã có những chính sách thúc đẩy phát triển làng nghề gắn với du lịch, các chiến dịch quảng bá sản phẩm làng nghề từ cấp địa phương đến quốc gia. Song, lâu nay, phần lớn các doanh nghiệp, hộ gia đình vẫn vừa làm nghề vừa tự mày mò tìm đối tác.
Khó khăn nhất của các làng nghề hiện nay là tìm thị trường tiêu thụ. Bởi, sản phẩm của làng nghề truyền thống có giá thành cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 12 lĩnh vực, trong đó thủ công mỹ nghệ là thành tố quan trọng. Các chuyên gia đánh giá, nghề thủ công truyền thống Việt Nam hoàn toàn có cơ sở là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa khác phát triển./.
Vãn cảnh ngôi cổ tự vùng đất Xuân Canh
Xuân Canh xưa là vùng đất cổ, nằm trong xứ Kinh Bắc – một trung tâm Phật giáo nước ta, cũng là vùng đất nổi tiếng văn hiến của châu thổ sông Hồng. Đến thế kỷ XVII – XVIII, cũng như ở nhiều làng quê khác, người dân Xuân Canh đã tạo dựng nhiều công trình kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng, tiêu biểu là chùa Quan Âm – trước đây là chùa “Thượng Lão”. Chùa đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2000 và công nhận di tích lịch sử – văn hóa.
Không rõ chùa được xây vào năm nào, chỉ biết trước kia chùa nằm ở bãi Quan Âm, đến thời nhà Lý, khi đắp đê quai được dời vào địa điểm như hiện tại. Qua năm tháng, chùa Quan Âm không còn giữ được quy mô kiến trúc như ban đầu, song về mặt bằng quy hoạch vẫn khá hoàn chỉnh với các kiến trúc chính gồm: tam quan, chùa chính, nhà mẫu, nhà tổ và nhà khách.
Chùa Quan Âm hiện lưu giữ được nhiều di vật quý, tiêu biểu nhất là hệ thống tượng với 41 pho tượng tròn gồm 35 pho tượng Phật, 3 pho tượng Mẫu và 3 pho tượng Tổ, hầu hết đều mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ 18, 19. Nét mặt các pho tượng đều tỏa ra sự từ bi, nhân hậu ẩn chứa triết lý của đạo Phật. Ngoài ra chùa cũng còn nhiều di vật khác như bia đá, phù điêu, nghê đá, chuông đồng cùng nhiều đồ gỗ khác.
Hiện nay, chùa cũng đang có pho tượng Phật bằng đá trắng lớn nhất Việt Nam. Pho tượng Phật Quan Âm tọa lạc tại sân chùa cao 5,7m (tính từ chân bệ lên tới đỉnh), chiều ngang 2,5m, được tạo tác với tư thế ngồi tọa trên bệ chạm khắc mây tựa như đài sen bên dưới là các đóa sen, lá sen, đài sen. Trên bệ tượng cả hai mặt trước, sau đều có khắc bài kinh Bát Nhã, được sơn vàng. Nhìn ở góc độ nào thì tượng Quan Âm vẫn đều toát lên vẻ từ bi.
Đặc biệt, hàng năm, cứ đến dịp hè, chùa đều tổ chức lễ cầu nguyện mùa thi, thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham dự. Vãn cảnh chùa, ai cũng cảm nhận được sự an yên, tĩnh tại của ngôi cổ tự xứ Xuân Canh.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 23.11.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
18 lượt thích 0 bình luận