Bản tin An Viên 24H 26.09.2023
Bản tin An Viên 24H 26.09.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Gia Lai: Triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm 2023; Mang ánh sáng Phật pháp đến vùng sâu vùng xa và tin Trung thu các địa phương.
Tiền Giang: Triển khai các hoạt động Phật sự trọng tâm sắp tới
Sáng ngày 26.09, BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã tổ chức phiên họp thường kỳ nhằm triển khai và thảo luận các hoạt động Phật sự trong 3 tháng cuối năm.
Báo cáo tại phiên họp, trong thời gian qua, BTS GHPGVN tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu trong việc tuyên truyền, vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Cùng với đó là công tác hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, an sinh xã hội.
Thời gian tới, Phật giáo tỉnh sẽ tập trung triển khai kế hoạch tổ chức Tết Trung thu cho các em thiếu nhi tại chùa Vĩnh Tràng, trụ sở BTS và 10 điểm thuộc các huyện, hướng về các em thiếu nhi.
Gia Lai: Triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm 2023
Cũng trong ngày 26.09, tại Thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên – trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Gia Lai, Hội nghị sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng cuối năm 2023 đã trang nghiêm diễn ra.
Tại Hội nghị, chư tôn đức báo cáo Phật sự nổi bật thời gian qua, đặc biệt phải kể đến việc các ban ngành trực thuộc đi vào hoạt động ổn định; tích cực công tác an sinh xã hội, lan tỏa Phật pháp đến vùng sâu vùng xa. Hiện toàn tỉnh Gia Lai có 121 tự viện, 495 Tăng Ni đang sinh hoạt.
Thời gian tới, BTS GHPGVN tỉnh tiếp tục kiểm tra, xem xét việc xin thành lập mới các chùa, tịnh xá nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của bà con Phật tử; tổ chức các ngày lễ lớn hàng năm của Phật giáo, chỉ đạo BTS các huyện thị tổng kết Phật sự địa phương.
Trước đó, BTS GHPGVN tỉnh đã thắp hương tưởng niệm cố chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Văn phòng BTS – Thiền viện Trúc Lâm Tây Nguyên.
Kiên Giang: Chuẩn y nhân sự BTS GHPGVN huyện Kiến Hải NK.2022-2027
Trước đó, vào sáng 25.09, tại chùa Phật Quang Phổ Chiếu, Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Kiên Giang họp mở rộng để đánh giá, tổng kết các hoạt động đã qua cũng như đề ra các Phật sự trọng tâm trong thời gian tới.
Tại phiên họp, chư tôn đức đã trao quyết định chuẩn y nhân sự BTS GHPGVN huyện Kiên Hải nhiệm kỳ 2022 – 2027 gồm 11 thành viên cùng Ban Quản trị của 1 số tự viện trên địa bàn; trình dự thảo kế hoạch họp giao ban Trụ trì, Ban Quản Trị các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để quý sư sãi tham gia, góp phần thực hiện các Phật sự của Phật giáo Nam Tông Khmer trên địa bàn.
Cụm Phật sự
Hà Nội: Hội thảo “Vai trò của chùa Thưa trong hệ thống chùa thờ Quốc sư Từ Đạo Hạnh”
Chùa Thưa hay Cổ Sơn Tự tại quận Đống Đa là 1 trong những ngôi cổ tự nghìn năm trên địa bàn Thủ đô. Chùa thờ bà Từ Nương, tương truyền là chị gái của Quốc sư Từ Đạo Hạnh. Bởi vậy tại Hội thảo, chư tôn đức cùng quý học giả, nhà nghiên cứu đã thảo luận về công lao, hành trạng của bà Từ Nương đối với nhà Lý, cũng như mối liên kết của chùa Thưa với hệ thống tự viện thờ Quốc sư Từ Đạo Hạnh như chùa Láng và chùa Thầy.
Hà Nội: Pháp thoại “Phước đức, công đức và trí tuệ”
Cùng thời gian này tại chùa Long Hưng – Hà Nội, Hoà thượng Giới Đức, Viện chủ chùa Huyền Không Sơn Thượng, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi pháp thoại với chủ đề “phước đức, công đức và trí tuệ”. Bằng những ví dụ rất sinh động và cụ thể, Hòa thượng đã giúp hàng nghìn Phật tử hiểu và phân biệt rõ nội hàm của phước đức và công đức và trí tuệ, qua đó có thêm kiến thức, hỗ trợ cho việc tu tập mỗi ngày.
TP.HCM: Học viện Phật giáo tổ chức hiến máu nhân đạo lần 5
Còn tại TP.HCM, mới đây, chư Tăng Ni sinh của Học viện Phật giáo đã tham dự chương trình hiến máu nhân đạo lần thứ 5. BTC đã tiếp nhận 170 đơn vị máu từ hơn 130 Tăng Ni sinh cùng quý Phật tử, cư sĩ đủ điều kiện hiến máu, là nguồn lực đáng kể giúp các bệnh viện trên địa bàn kịp thời cứu chữa bệnh nhân.
Mang ánh sáng Phật pháp đến vùng sâu vùng xa
Chùa Kim Phong – Núi Thần Đinh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nằm bên dãy Trường Sơn hùng vĩ là nơi bà con bà con dân tộc Bru Vân kiều sinh sống lâu đời và tu tập theo Phật giáo trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Hiện nay, việc quan tâm và lan tỏa ánh sáng Phật pháp đến bà con đồng bào dân tộc là 1 trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Bà con Bru Vân Kiều chủ yếu sinh sống theo làng bản vùng sâu, vùng xa trên dãy Núi Trường Sơn, ban đầu không có tộc, họ. Mãi cho đến năm 1957, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quân và dân Quảng Bình đã gặp gỡ các già làng Bru Vân Kiều. Theo nguyện vọng của bà con, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cho bà con dân tộc Bru Vân kiều là Họ Hồ.
Trong quá trình giao lưu, hội nhập hiện nay, văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều có những biến đổi trên nhiều bình diện, cả văn hóa vật chất và tinh thần. Và để đưa ánh sáng Phật pháp đến gần hơn với bà con, vừa qua, chùa Kim Phong đã tổ chức đại lễ quy y Tam bảo – truyền ngũ giới cho 500 phật tử đồng bào dân tộc. Quý Phật tử được hướng dẫn sám hối, phát nguyện thọ trì tam quy ngũ giới, nguyện Phật hóa gia đình và xây dựng xã hội hạnh phúc.
Những năm gần đây, nhờ nghe Phật Pháp nên phần lớn bà con dân tộc thường xuyên về chùa Kim Phong quy y Tam bảo và tu tập chuyển hóa đời sống ngày thêm tốt đẹp. Việc tổ chức đại lễ quy y cho đồng bào dân tộc là việc làm thiết thực thể hiện sự chăm lo và quan tâm của cộng đồng Phật giáo đối với đồng bào các tỉnh miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.
Cũng tại buổi lễ̉, chùa Kim Phong đã trao tặng 500 suất quà trị giá trên 300 triệu đồng gồm tiền mặt và các nhu yếu phẩm. Việc hướng bà con dân tộc Bru Vân Kiều theo đạo Phật có ý nghĩa khi kiến tạo cuôc sống có niềm tin, sống hiền thiện theo lời Đức Phật dạy.
Cụm quốc tế
Hàn Quốc: Tổ chức tiệc chay gây quỹ từ thiện
Là lần đầu tiên được tổ chức, sự kiện được diễn ra tại quận Seongbuk (Sông – búc) của Thủ đô Seoul, thu hút hàng trăm Phật tử tham dự. Tại đây, các tự viện đã giới thiệu nhiều món chay đặc sắc trong chùa đến người dân. Quan trọng hơn, Phật giáo thành phố đã có thêm nguồn kinh phí để đóng góp cho công tác an sinh, hỗ trợ người khó khăn, nhất là khi mùa đông sắp đến.
Đài Loan (Trung Quốc): Chương trình đi bộ gây quỹ từ thiện
Trong khi đó, mới đây Phật Quang Sơn tại TP.Đài Đông của Đài Loan – Trung Quốc đã tổ chức chương trình đi bộ gây quỹ từ thiện với sự tham dự của gần 100 VĐV. Theo điều lệ, mỗi VĐV hoàn thành 10km đi bộ thì nhà tài trợ sẽ tặng 5 kg gạo cho quỹ thiện nguyện trên địa bàn. Được biết, đây là hoạt động thường kỳ do Phật Quang Sơn TP.Đài Đông tổ chức nhằm khuyến khích người dân về sự sẻ chia, hướng tới cộng đồng.
Điều đọng lại sau mùa hậu an cư
Trong tuần qua, nhiều địa phương trong cả nước tiến hành tạ pháp hậu an cư. Vậy là cả tiền và hậu an cư đều dần kết thúc. Nhiều nội dung nổi bật đã được Phật giáo các tỉnh thành triển khai. Và điều đọng lại sau 3 tháng thúc liễm thân tâm sẽ là hành trang để chư hành giả nỗ lực hơn nữa trên con đường tu học, trở thành sứ giả như lai.
Vậy là sau 3 tháng cấm túc hậu an cư, thúc liễm thân tâm; chư hành giả toàn tỉnh Ninh Bình đang bước vào thời gian hành đạo để chuẩn bị kết thúc. Tuần vừa qua, 3 trường hạ của tỉnh Ninh Bình gồm chùa Yên Vệ, chùa Đồng Đắc, chùa Hồng An lần lượt trang nghiêm tạ pháp. Vượt qua nhiều khó khăn, chư hành giả nỗ lực tịnh tu tam nghiệp, lấy kinh văn làm tôn chỉ hành trì; duy trì thời khóa công phu lễ bái theo quy củ thiền môn, trau dồi Kinh – Luật – Luận, sống trong tinh thần lục hòa cộng trụ, vô ngã vị tha. Đặc biệt, mùa an cư năm nay, ban chỉ đạo, ban chức sự luôn quan tâm sát sao đến chư hành giả, sắp xếp thời gian đến thăm, giảng huấn từng hạ trường. Các Tăng Ni trẻ cũng được tô bồi, rèn luyện kĩ năng, thể hiện tài năng của mình thông qua việc thực hành giảng dạy.
Cũng là 1 tỉnh hậu an cư, năm nay Phật giáo tỉnh Hải Dương có hơn 380 hành giả tu học, hành trì. Bên cạnh kiến thức kinh – luật – luận, Ban chức sự còn tập trung vào việc phổ biến Hiến chương Giáo hội sửa đổi lần VII, Nội quy Ban Tăng sự TƯ, Thông tư 04 về quản lý thu chi tiền công đức,… Càng vinh dự, vui mừng hơn khi tuần vừa qua, chư hành giả tỉnh Hải Dương đã được đoàn TƯGH đến thăm và sách tấn. Bên cạnh đó, những kiến thức về pháp luật, luật tín ngưỡng tôn giáo; luật di sản văn hóa, cũng được phổ biến tại các hạ trường toàn tỉnh. Đây là việc làm cần thiết, nâng cao hiểu biết cho chư tăng ni.
Không chỉ riêng Ninh Bình, Hải Dương; Phật giáo các tỉnh thành năm nay đều phát huy những kinh nghiệm an cư từ những năm trước và có đổi mới để phù hợp với thời cuộc. Tính riêng năm 2023, có 40 tỉnh thành tổ chức tiền an cư, thường bắt đầu từ 16/4 AL và còn lại là hậu an cư, thường từ ngày 16/5 AL. Các tỉnh thành tổ chức hậu an cư đến thời điểm này đều kết thúc, chỉ những ngày hành đạo cuối cùng. Dù ở trong bối cảnh nào, thời gian an cư vẫn vô cùng quan trọng với các Tăng Ni; để thúc liễm thân tâm, giữ gìn quy củ tòng lâm. Có thể hiểu rằng, chữ “cư” nghĩa là ở; chữ “an” nghĩa là yên. “An cư” là ở yên một chỗ, chuyên tâm tu tập, giữ cho thân tâm thanh tịnh. Khi kết thúc ba tháng an cư kiết hạ này, chư Tăng thêm một tuổi đạo, hay còn gọi là hạ lạp.
Năm 2023 còn là năm đầu tiên triển khai thực hiện tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động tăng, ni, phật tử tham gia bảo đảm TTATGT giai đoạn 2023 – 2026. Chính vì vậy, ngay trong mùa an cư kiết hạ này, Phật giáo các tỉnh thành đã triển khai phổ biến, mời các chiến sĩ công an về tuyên truyền tại hạ trường. Với sự hướng dẫn của TƯGH, ATGT trở thành nội dung quan trọng trong sinh hoạt ngoại điển mùa an cư PL2567; góp phần làm cho chư Tăng Ni, phật tử hiểu biết về Pháp luật ATGT, xây dựng văn hóa giao thông văn minh, đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Bên cạnh đó, các kiến thức an ninh mạng, phòng cháy chữa cháy,… cũng được tập trung triển khai trong mùa an cư kiết hạ này.
Dù ở miền ngược hay miền xuôi, các tỉnh miền núi phía Bắc hay các tỉnh Tây Nguyên, một ngày an cư đều bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối khuya; có chăng khác nhau chỉ ở nội dung học tập. Ở bất cứ đâu thì chư hành giả đều phải giữ gìn phạm hạnh, thanh quy thiền môn, ngoài phần tu học rèn luyện chính Giới, chính Định, chính Tuệ, còn giữ đúng quy tắc chung của đoàn thể; y cứ nơi Giới luật, oai nghi của Đức Phật chế định, thực hành nếp sống chung thanh tịnh. Các thời khóa tụng niệm hàng ngày theo truyền thống Phật giáo mỗi vùng miền, nguyện cầu Phật pháp trường tồn, Tăng già hòa hợp, đất nước thái bình, hưng thịnh, nhân dân an lạc.
3 tháng an cư mỗi năm – đó chỉ là khoảng thời gian ngắn trong cuộc đời mỗi vị xuất gia, thế nhưng lại vô cùng quan trọng. Năm 2023 với nhiều biến động của thời cuộc cũng như nhiều đổi mới sau Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, NK 2022-2027; các nội dung triển khai trong mùa an cư có nhiều hơn mọi năm, nhưng đó là những kiến thức quý báu để chư Tăng Ni tinh tấn trên con đường tu học.
Cụm Trung thu Phật giáo
Chỉ còn 3 ngày nữa là đến Tết Trung thu, bởi thế Phật giáo các địa phương đã có nhiều chương trình ý nghĩa, giúp các em thiếu nhi có 1 mùa trăng tháng 8 thật trọn vẹn.
Nhân mùa Trung thu năm nay, Ni trưởng Thích nữ Từ Nhẫn Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN TP.HCM, Trụ trì chùa Phước Viên sẽ tặng 10.000 phần quà đến trẻ em các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Đông Tây nguyên, miền tây và TP.HCM. Đoàn vừa tổ chức chương trình “Đêm hội Trăng rằm” tại trường PTTH Nguyễn Văn Trỗi – Tỉnh BRVT, tặng 600 phần quà cho các em thiếu nhi trị giá khoảng 300 triệu đồng.
Trong khi đó, chiều ngày 25/9, chư tăng Chùa Viên Giác, tỉnh Đồng Nai cùng quý mạnh thường quân tổ chức giao lưu và tặng quà Trung thu cho hơn 200 em tại Trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật tỉnh. Tại đây, nhiều hoạt động như văn nghệ, múa lân, đố vui đã diễn ra, giúp các em có 1 mùa trung thu đáng nhớ.
Cùng thời gian này tại Bình Phước, Chùa Thanh Lâm thuộc xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản đã tổ chức “Đêm hội Trăng Rằm” dành cho 600 thiếu niên, nhi đồng người dân tộc. Qua những tiết mục văn nghệ cùng phần quà ý nghĩa, sự kiện giúp các em hiểu hơn về văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Tại chùa Xuân An, chùa Phật Quang 2 và chùa Phổ Đà, tỉnh Bình Thuận phối hợp cùng Đoàn trường nhạc viện TP.HCM đã tổ chức chương trình “Vầng trăng yêu thương” lần thứ 12 cho học sinh Trường tiểu học xã Măng Tố, huyện Tánh Linh. Tại đây, Đoàn đã tặng 350 phần quà trung thu cùng 5 suất học bổng cho trẻ em hiếu học trên địa bàn.
Riêng tại tỉnh Kon Tum, chư tôn đức chùa Khánh Lâm thuộc huyện Kon Plông phối hợp cùng Quỹ Từ thiện Bông Sen Vàng tổ chức chương trình “Trung Thu Bàn Tay Ấm 2023”. Ban tổ chức đã tặng 1300 phần quà cho các em thiếu nhi với tổng giá trị trên 95 triệu đồng.
Vui Trung thu vùng biên cương
Không khí trung thu đang rộn ràng tại các tự viện trên khắp cả nước. Tại tỉnh Điện Biên, những ngày qua, các hoạt động vui trung thu đã được Chư tôn đức chùa Linh Quang dày công chuẩn bị, với mong muốn đem đến cho các em nhỏ dân tộc mùa trăng ý nghĩa và trọn vẹn.
Trong không khí trung thu rộn ràng, hàng trăm em nhỏ vùng núi Điện Biên đã vân tập về chùa Linh Quang tham gia chương trình Tết trung thu với chủ đề “Ánh Trăng Linh Quang”. Bên cạnh các thời khóa tu tập, nghe giảng pháp, tụng kinh, các em được hòa mình vào không gian nghệ thuật. Các tiết mục múa lân, mùa rước đèn… khiến các em theo dõi vô cùng chăm chú và thích thú.
Ngoài ra, các điệu múa, làn điệu dân ca truyền thống của bà con cũng được cất lên giữa không gian tự viện nơi núi rừng biên cương. Dù cuộc sống còn nhiều vất vả khó khăn, nhưng bà con và các em nhỏ luôn lạc quan, tích cực hướng về tương lai tươi sáng. 1000 phần quà đã được Chư tôn đức tặng đến các trẻ em khó khăn tại địa phương.
Hy vọng rằng, ước mơ đêm rằm của các em nhỏ về cuộc sống ấm no, hạnh phúc sẽ sớm trở thành hiện thực. Với sự đồng hành của Chư tôn đức, đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao. Từ đó, thêm động lực để vượt lên khó khăn, thiếu thốn nơi biên cương xa xôi.
Người trẻ tái hiện không gian Trung thu truyền thống
Ngày nay, trước sự hội nhập và giao thoa văn hóa mạnh mẽ, thế hệ trẻ đứng trước nguy cơ đánh mất những giá trị bản sắc văn hóa, điều làm nên sự đặc biệt riêng có của mỗi dân tộc. Trước thực trạng trên, nhiều bạn trẻ đã dành tâm huyết, xây dựng các dự án xã hội trở về với hồn Việt xưa. Cuối tuần qua, sự kiện “Một trường trăng trong” đã được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, đem đến một không gian Trung thu xưa với thật nhiều hình ảnh thân thuộc.
Đình Kim Ngân, Hoàn Kiếm, Hà Nội… hôm nay rực rỡ hơn mọi khi vì được trang hoàng với những đồ chơi trung thu đặc trưng. Đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi, những chiếc nón chuông… đã tạo nên không gian đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Lấy chất liệu từ chính làng nghề và câu chuyện nghề của mình, các nghệ nhân nón lá làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội) truyền tải tới khách tham dự nguồn gốc và ông tổ nghề của làng, đồng thời trực tiếp hướng dẫn các bạn trẻ tự tay làm nên một chiếc nón chuông truyền thống.
Rất nhiều bạn trẻ say sưa tự tay làm những chiếc mặt nạ giấy bồi Ông Hảo (Hưng Yên). Song song với việc thực hành, người tham gia còn được lắng nghe nghệ nhân giải thích ý nghĩa của từng công đoạn, đồng thời chia sẻ kỷ niệm cá nhân về những ngày làm nghề. Các hoạt động trải nghiệm ý nghĩa này khơi dậy tình yêu, niềm tự hào với nghệ thuật truyền thống của cha ông.
Sức lan tỏa của những dự án xã hội hướng về giá trị truyền thống, đã phần nào thể hiện trách nhiệm và nỗ lực của thế hệ trẻ trong quá trình kế thừa và gìn giữ di sản của dân tộc. Một mùa trung thu nữa lại về, là cơ hội để người trẻ sống chậm lại, trân trọng tinh hoa văn hóa, vẽ những gam màu tươi sáng trên bức tranh di sản đa dạng và muôn sắc.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 26.09.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
25 lượt thích 0 bình luận