Bản tin An Viên 24H 28.09.2023
Bản tin An Viên 24H 28.09.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TP.HCM: Học viện Phật giáo Việt Nam họp hội đồng điều hành học viện chuẩn bị cho ABCP; Tổng kết 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc; Thái Nguyên: Công bố quyết định nhân sự các ban chuyên môn.
Tổng kết 20 năm tổ chức Ngày Hội Đại Đoàn Kết Toàn Dân Tộc
Sáng ngày 28/9 tại TP. Bắc Ninh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm kết quả thực hiện Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tham dự Hội nghị có chư Tôn giáo phẩm lãnh đạo TƯGH là thành viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận.
Sau 20 năm triển khai, cứ vào mỗi dịp 18/11 hàng năm, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã thực sự trở thành ngày hội non sông ở các địa phương. Giai đoạn 2003-2023, cả nước có trên 87% số khu dân cư tổ chức Ngày hội, trên 62% số khu dân cư tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết”; tỷ lệ hộ gia đình tham dự trên 70%. Giai đoạn 2016-2022, nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ 100% số khu dân cư tổ chức Ngày hội.
Từ ngày hội, toàn dân đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, duy trì, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh; giúp đỡ hộ nghèo, người khó khăn phát triển kinh tế; tham gia các phong trào, cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc các cấp như “Quỹ vì người nghèo”, xây nhà tình thương. Đến nay, quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội 4 cấp đã vận động được trên 84,4 nghìn tỷ đồng.
Tại Hội nghị, quý đại biểu đến từ 63 tỉnh thành đã có nhiều ý kiến xác đáng, thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Ngày hội trong tương lai.
* Cũng trong ngày 28/9, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 18, khóa 9 đã được diễn ra nhằm xin ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ MTTQ Việt Nam khoá 9; thống nhất nhiều nội dung trong các Đề cương báo cáo sẽ trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Dịp này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phát động đợt thi đua đặc biệt gồm 5 nhiệm vụ trọng tâm nhằm chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc diễn ra vào năm sau.
87% KHU DÂN CƯ TỔ CHỨC NGÀY HỘI
62% KHU DÂN CƯ TỔ CHỨC “BỮA CƠM ĐẠI ĐOÀN KẾT”
70% HỘ GIA ĐÌNH THAM GIA NGÀY HỘI
TP.HCM: HVPGVN họp Hội đồng Điều hành Học Viện chuẩn bị cho ABCP
Cùng thời gian này tại TP.HCM, Hội đồng Điều hành HVPG đã họp toàn thể, thảo luận nhiều nội dung quan trọng và phân công nhân sự chủ chốt một số phòng chuyên môn trực thuộc. Phiên họp dưới sự chủ trì của Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ GHPGVN, Viện trưởng Học viện.
Liên quan đến công tác tổ chức Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình (ABCP) tại Học viện, TT.Thích Nhật Từ thông tin nội dung phiên họp chuẩn bị tại Văn phòng II TƯGH vừa qua. Theo đó, trong chương trình làm việc của Ban Thư ký ABCP sẽ có buổi ra mắt Văn phòng Uỷ ban Bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam và cung thỉnh Đức Pháp chủ, Viện trưởng Học viện vào ngôi vị Chứng minh tối cao của Diễn đàn.
Trước đó, kế hoạch tổ chức Lễ tưởng niệm 50 ngày viên tịch của Hòa thượng.Thích Thiện Hoa đã được thống nhất tổ chức tại Học viện vào ngày 20/12 Quý Mão.
Dịp này, Trưởng lão Hoà thượng Viện trưởng cũng trao quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Lệ Ngôn làm Trưởng phòng Đào tạo và Đại đức Thích Giác Thọ làm Trưởng phòng Hành chính Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM.
Thái Nguyên: Công bố quyết định nhân sự các ban chuyên môn
Cũng trong sáng ngày 28/09, tại chùa Phù Liễn đã diễn ra hội nghị công bố quyết định chuẩn y và ra mắt nhân sự các ban trực thuộc BTS GHPGVN tỉnh Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2022-2027.
Tại Hội nghị, chư Tôn đức đã báo cáo tổng kết công tác tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Thái Nguyên khoá V và danh sách nhân sự 9 ban chuyên môn, 1 phân ban để trao quyết định chuẩn y nhân sự chính thức.
Ban Đạo từ tại hội nghị, Thượng tọa Thích Nguyên Thành – UVTT HDTS, Trưởng BTS tán thán công đức của chư Tăng Ni và Phật tử đã đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo tỉnh nhà các nhiệm kỳ qua; hy vọng tinh thần đoàn kết, hòa hợp tiếp tục được phát huy trong công tác điều hành Phật sự.
Sau khi nhận quyết định, các Ban chuyên môn đã có phiên họp đầu tiên để triển khai công tác Phật sự sắp tới.
CỤM TỰ TỨ
Cho đến thời điểm hiện tại, Phật giáo nhiều địa phương phía Bắc đã bước vào những ngày cuối cùng, chuẩn bị kết thúc mùa hậu an cư PL.2567. Và hôm nay 28/9, lễ tự tứ tại một số trường hạ đã trang nghiêm diễn ra.
Bắc Ninh
Sáng nay ngày 28/9, tại hạ trường chùa Đại Thành (TP. Bắc Ninh), lễ Tự Tứ kết thúc mùa hậu an cư kiết hạ 2023 đã trang nghiêm diễn ra, đánh dấu chư Tăng Ni được tăng thêm tuổi hạ. Trong 3 tháng qua, trường Hạ đã duy trì đầy đủ các thời khóa tụng niệm, nêu cao tinh thần lục hòa cộng trụ giữa 278 hành giả. Ban đạo từ, … tán thán công đức của Phật tử thập phương đã hỗ trơi phẩm vật trong mùa an cư. Đồng thời, khuyến tấn chư hành giả tinh tấn tu học, nối tiếp hạnh nguyện của sứ giả Như Lai.
Hà Giang
Cùng thời gian này, tại hạ trường Thiên Ân, tỉnh Hà Giang, chư Tôn đức Tăng Ni cũng trang nghiêm cử hành lễ Tự tứ kết thúc khóa hậu An cư. Sau nghi thức đảnh lễ, niêm hương trước Tam Bảo, toàn thể hành giả thực hiện pháp Tự Tứ theo Tỳ Ni luật tạng; phát lồ sám hối và nguyện khi về trú xứ, luôn giữ nếp sống lục hòa cộng trụ, thực hiện tốt giới luật Phật chế.
Yên Bái
Còn tại tỉnh Yên Bái, lễ tác pháp Tự tứ được cử hành tại Hạ trường chùa Tùng Lâm Ngọc Am. Trong 3 tháng an cư, chư tăng ni trau dồi đạo hạnh, nâng cao kỹ năng hoằng pháp, kiến thức Phật học, Hiến chương giáo hội, Nội quy Tăng sự… Qua đó làm hành trang để hoàn thành sứ mệnh của người tu sĩ Phật giáo, hành thiện giúp đời.
Tuyên Quang
Trong khi đó, tại TP. Tuyên Quang, trường hạ Chùa An Vinh cũng tổ chức lễ Tự Tứ kết thúc mùa hậu an cư. Qua 3 tháng an tịnh tu tập, chư Tôn đức Tăng, Ni đã nghiêm trì giới luật, thúc liễm thân tâm, chấp hành nội quy hạ trường, hòa hợp đúng tinh thần luật Phật chế định. Nhân buổi lễ, quý Phật tử trong tỉnh phát tâm cúng dường tứ sự và cầu nguyện điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Mộc bản Phật giáo thu hút khách du lịch
Bắc Giang là mảnh đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Và nhắc đến Bắc Giang, đến Tây Yên Tử không thể không nói đến vẻ đẹp văn hóa tâm linh nơi đây, đặc biệt là Chùa Vĩnh Nghiêm, nơi được coi là chốn tổ Thiền phái Trúc Lâm. Ngôi cổ tự hơn 700 năm tuổi còn là nơi lưu giữ hệ thống Mộc Bản – Di sản tư liệu thế giới – khu vực châu Á Thái Bình Dương. Với những giá trị lịch sử tiêu biểu đó, ngôi chùa thu hút hàng triệu du khách mỗi năm về chiêm bái.
Chùa Vĩnh Nghiêm những ngày tháng 8, tấp nập các đoàn khách tìm về chốn tổ chiêm bái, lễ Phật. Chị Hương, người con Bắc Giang, dù rất thân thuộc với chốn già lam này, nhưng vẫn luôn chọn nơi đây là điểm xuất phát cho mọi chuyến đi. Bởi với chị, đến chùa lễ Phật chính là sự khởi đầu cho hành trình suôn sẻ, thuận lợi và bình an. Và chuyến thăm quan của những cựu học sinh trường cấp 3 Hiệp Hoà hôm nay cũng được khởi đầu như thế.
Cùng với vẻ đẹp kiến trúc được bảo tồn gần như nguyên vẹn, Vĩnh Nghiêm tự còn đặc biệt thu hút du khách bởi kho tư liệu mộc bản quý giá. Hơn 3000 tấm mộc bản được khắc từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt.
Số lượng du khách đến với chùa Vĩnh Nghiêm tăng qua mỗi năm không chỉ khẳng định giá trị, sức hút của mộc bản, mà còn cả sự đúng đắn trong tu bổ, cải tạo, nâng cấp các hạng mục, điển hình là hoàn thành xây dựng Nhà lưu giữ mộc bản, mở rộng khuôn viên chùa… của chư tăng chùa Vĩnh Nghiêm nói riêng và BTS GHPGVN tỉnh Bắc Giang nói chung. Đó cũng là cách Phật giáo nơi đây góp phần giới thiệu lịch sử và phát triển du lịch địa phương.
CỤM TRUNG THU
Chăm lo cho đời sống tinh thần luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của GHPGVN các cấp, các tự viện trong những năm qua. Vì thế, Tết Trung thu trở thành thời khắc để chư Tăng Ni tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, ý nghĩa đến với các em. Sau đây là ghi nhận tại Đồng Tháp, Quảng Nam và Tiền Giang
Đồng Tháp
* Phân Ban Ni giới GHPGVN tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức chương trình trung thu với chủ đề: “Trăng Rằm Tuổi Thơ” năm 2023 ở chùa Thiền Huệ, TP. Sa đéc. Tại đêm hội, các em hòa vào các tiết mục múa lân – sư – rồng, đố vui, văn nghệ, trò chơi dân gian, nhận quà từ Phân Ban Ni giới.
* Cùng thời gian này, Ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN tỉnh Đồng Tháp tặng 500 phần quà trung thu cho các em học sinh tại chùa Long Sơn (H.Thanh Bình,). Tặng phẩm bao gồm sách vở, dụng cụ học tập, bánh kẹo, đồ chơi nhằm động viên các em tiếp tục ra sức học tập.
Tiền Giang
Tối ngày 27/9 tại chùa Vĩnh Tràng, TP.Mỹ Tho, Thường trực BTS kết hợp Ban TTXH GHPGVN tỉnh tổ chức trung thu với chủ đề “Vầng trăng Chùa cổ”. Tại đêm hội, các em thưởng thức văn nghệ, trò chơi, nhận bánh cùng lồng đèn xinh xắn. Dịp này, BTC tặng 50 học bổng đến các em học sinh khó khăn.
Quảng Nam
Trong khi đó tại tỉnh Quảng Nam, không khí trung thu diễn ra sôi động khắp các tự viện. Như tại huyện Thăng Bình, chùa Quang Minh tổ chức vui tết trung thu và tặng 400 phần quà đến các em nhỏ địa phương; chùa Bình Hải tổ chức chương trình “Về chùa vui hội trăng rằm”, tặng hơn 800 phần quà và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích cho trẻ nhỏ.
Rộn ràng Tết Trung thu xứ Tây Đô
Trung thu, ngày tết đoàn viên. Nhưng trái với không khí rộn ràng đã tràn ngập khắp các con đường, ngõ xóm, thì nhiều gia đình vẫn bận rộn, bươn chải kiếm sống bởi cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Nhằm san sẻ nỗi vất vả với bà con, và mang đến niềm vui cho những trẻ em Khmer ở huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ), Phật giáo địa phương thực hiện sự sẻ chia ý nghĩa.
Hàng trăm phần quà, hàng trăm chiếc đèn lồng lung linh sắc màu,… được sắp xếp cẩn thận, chu đáo để gửi đến các em nhỏ xứ Tây Đô. Chương trình “Vui Tết Trung thu 2023” mang đến không khí rộn ràng cho các em nhỏ.
Là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, nhiều gia đình ở huyện Cờ Đỏ còn khó khăn, thiếu thốn. Dịp này, chùa Pitukhosarangsay (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã tài trợ, tặng 200 phần quà cho các em thiếu nhi khó khăn; nhằm chia sẻ, động viên các em có cái Tết đoàn viên đầm ấm; bởi tiếng cười, niềm vui của các em là điều quý giá nhất.
Những chiếc đèn ông sao, những phần quà nhỏ; nhưng đó sẽ là cả bầu trời tuổi thơ lấp lánh kí ức đẹp mỗi khi các em nhớ về. Sự quan tâm của Phật giáo các cấp đến đời sống cả vật chất và tinh thần cho thấy sự sẻ chia như được lan toả.
Mang Trung thu tới trẻ em thiệt thòi
Trẻ em sinh ra trên đời là để được yêu thương. Nhưng cuộc sống hạnh phúc tròn đầy không dành cho tất cả. Có những em bé đón trung thu với bàn tay chằng chịt kim tiêm, có những em chẳng còn bố mẹ ở bên để phá cỗ trông trăng. Niềm vui trăng tròn sẽ chẳng thể trọn vẹn nếu không có những hành trình thiện nguyện nối dài từ Bắc vào Nam của xã hội, của chư Tôn đức, quý phật tử trên mọi miền Tổ quốc.
Ngay từ rất sớm, các thành viên của bếp ăn thiện nguyện An Yên đã tất bật nấu nướng. Mặc dù đây là công việc quen thuộc của bếp trong hơn 10 năm qua, nhưng hôm nay đặc biệt hơn khi những phần ăn này để chuẩn bị cho Tết Trung Thu ý nghĩa hướng đến các bệnh nhân nhi hiện đang điều trị tại bệnh viện K Tân Triều.
Sau quá trình chuẩn bị, các thành viên của bếp di chuyển đến trường Tiểu học Yên Xá. Đúng 17h, ngôi trường đã đón rất đông bệnh nhân nhi, mặc dù còn khá mệt mỏi sau quá trình điều trị, nhưng khi được gặp các cô các chú, các em đều rất vui mừng. Và với người mẹ đang có con bị mắc ung thư, chị Đặng Thị Bình cảm thấy hạnh phúc khi được đưa con đến tham dự một ngày Tết Trung Thu đặc biệt như thế này
Tại đây, Các em đã có một đêm hội với những hoạt động thú vị như: tiệc buffet do bếp ăn thực hiện, múa lân, xiếc thú hay những tiết mục văn nghệ do chính các bạn học sinh tại trường thực hiện. Các bệnh nhân nhi đã phải dành phần lớn thời gian tại bệnh viện, chính vì thế mà việc đón Trung Thu dưới mái trường đã trở nên vô cùng ý nghĩa
Với tinh thần mang trung thu đến với các em nhỏ thiệt thòi, không chỉ Hà Nội mà khắp các địa phương trên cả nước, cả xã hội đã quan tâm tổ chức đêm hội trăng rằm. Tại TT-Huế, trong những ngày qua, Gia đình Hương Sen đã dày công chuẩn bị quà như đèn ông sao, bánh kẹo để mang đến các em nhỏ nơi vùng cao.
Băng qua con đường đèo hiểm trở, Gia đình Hương Sen cùng chư Tôn đức đã có mặt tại trường mầm non Hồng Bắc, huyện A Lưới. Đón chào đoàn là những nụ cười, đôi mắt trong veo của các em nhỏ đang theo học tại nơi đây. Tuổi thơ của các em có lẽ ít nhiều không may mắn như các bạn sinh sống ở miền xuôi. Vì thế, ngày tết trung thu là ngày mà các em mong đợi nhất.
Vì lẽ đó, chư Tôn đức và tất cả các Phật tử mong muốn làm điều gì đó thật ý nghĩa với các em. Trong chương trình “Trăng sáng vùng cao”, các em cùng nhau phá cỗ, cầm những chiếc lồng đèn xinh xắn, theo dõi múa lân, chương trình nghệ thuật đặc sắc về sự tích tết Trung thu, Chị Hằng, Chú Cuội.
Hành trình yêu thương của Chư Tôn đức vẫn được nối dài trên khắp mọi miền đất nước, mang mùa trăng trọn vẹn tới những em nhỏ kém may mắn. Chư Tôn đức chùa Bảo Tịnh, TP.Vị Thanh, CLB Những trái tim ấm áp cùng các cơ quan ban ngành, các Phật tử, mạnh thường quân đã tổ chức chương trình “Trung thu yêu thương” cho các em học sinh tại trường dạy trẻ Khuyết tật tỉnh Hậu Giang. Những chiếc lồng đèn, chú gấu bông và những món quà nhỏ bé nhưng cũng đã thắp lên niềm vui, sự hạnh phúc trên gương mặt trẻ thơ. Với Thùy Dương, một học sinh khiếm thị tại trường, đây là món quà đầu tiên em nhận được trong mùa trung thu, nên em cảm thấy vô cùng thích thú.
Hiện trường dạy trẻ Khuyết tật tỉnh Hậu Giang là nơi nuôi dạy gần 40 em học sinh khiếm thị và khiếm thính. Việc giáo dục các em gặp nhiều khó khăn, do các thầy cô cần phải áp dụng phương pháp giáo dục đặc biệt, rất kiên nhẫn với một quá trình liên tục và xuyên suốt. Tại đây, Chư Tôn đức cũng đã kịp thời thăm hỏi, động viên ban giám hiệu, các Thầy cô giáo và các em cố gắng thi đua dạy tốt học tốt, giúp các em có hành trang tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, vững bước trên con đường tương lai với một cuộc sống độc lập và cống hiến cho xã hội.
Không chỉ quan tâm tới trẻ em khuyết tật, Chư Tôn đức còn dành nhiều tình cảm cho các em nhỏ mồ côi. Thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ, thế nhưng hàng chục em nhỏ tại Trường mồ côi Hoa Mai, TP. Vị Thanh rất nghị lực, cố gắng học tập và trưởng thành trong vòng tay thầy cô và bè bạn. Các em được chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ, trang bị điều kiện học tập khang trang. Hôm nay, được quý Thầy tới thăm và động viên, đó là nguồn động lực lớn lao để các em vững vàng trên con đường tương lai rộng mở.
Theo triết lý nhà Phật, việc được sinh ra trên cuộc đời này đã là một đặc ân và niềm hạnh phúc lớn lao. Chính vì vậy, việc khiếm khuyết một phần cơ thể hay đối mặt với thiệt thòi trong cuộc sống chỉ là một sự bất tiện chứ không hề bất hạnh. Thông qua những chuyến thăm giàu cảm xúc như thế này, Chư Tôn đức đem đến bài học nhân sinh sâu sắc, trở thành điểm tựa tâm linh, giúp các em lạc quan, tích cực để vượt lên nghịch cảnh.
Mùa trăng 2023, chứng kiến sự chung tay góp sức của Phật giáo các cấp với hàng loạt các chương trình chăm lo cho trẻ em thiệt thòi, có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, mồ côi… với nhiều hình thức phong phú, đem đến không khí rộn ràng mùa đoàn viên. Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, việc chăm lo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là đối tượng yếu thế, luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Chư Tôn đức, lan tỏa tấm lòng nhân ái, sự đồng cảm, từ đó, tạo điểm tựa vững chắc để các em vượt lên nghịch cảnh, thắp sáng ước mơ đêm rằm về một tương lai tươi sáng.
CỤM TỪ THIỆN
Tiếp theo chương trình là một số hoạt động thiện nguyện của Phật giáo Bạc Liêu và Kiên Giang.
Bạc Liêu
Tại tỉnh Bạc Liêu, NS.Thích Nữ Diệu Nghĩa, Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh cùng chư Tôn đức Ni vừa bàn giao “Mái ấm bình an” số 02 cho gia đình bà Đỗ Thị Đấu, huyện Phước Long. Sau hơn 1 tháng khởi công, căn nhà hoàn thành với tổng kinh phí 53 triệu đồng. Dịp này, đoàn tặng gạo, mì, nhu yếu phẩm và nhận hỗ trợ hàng tháng cho gia đình 10kg gạo.
Kiên Giang
Hôm qua, ngày 27/9, Ban TTXH GHPGVN tỉnh Kiên Giang kết hợp cùng tịnh xá Ngọc Sơn (TP. Rạch Giá) cũng bàn giao nhà Đại Đoàn Kết cho gia đình ông Phan Sáu Nhỏ, huyện Hòn Đất. Căn nhà có diện tích là 36m vuông, bằng bê tông chắc chắn. Dịp này, đoàn tặng bàn, ghế, đèn năng lượng mặt trời, gạo, mì cùng nhu yếu phẩm đến gia đình.
Bếp cơm từ tâm ấm lòng bệnh nhân nghèo
Tịnh xá Ngọc Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị từ lâu đã trở thành địa chỉ nhân đạo quen thuộc. Nơi đây không chỉ che chở cho hàng trăm em nhỏ khuyết tật, mà đều đặn mỗi tháng 2 lần, bếp cơm Từ Tâm lại đỏ lửa, cung cấp 200 suất ăn cho bệnh nhân nghèo dù chỉ có 10 chư Ni và Phật tử đảm trách.
Từ tờ mờ sáng, tại Tịnh xá Ngọc Lộ, các thành viên đã có mặt đầy đủ. Với số lượng lên tới 200 suất ăn, nên mỗi người phải đảm nhiệm nhiều công việc, nhưng ai nấy đều cố gắng để có được những suất cơm tinh tươm và đủ chất cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ.
“Chị em đến đây thì phát từ tâm, không có bất cứ một mục đích nào khác ngoài cầu mong cho sức khỏe đến với các bệnh nhân nghèo và mọi người, một nhà”.
Cách đây 2 năm, bếp cơm Từ Tâm ra đời tại Tịnh xá Ngọc Lộ. Họ là những Phật tử thuần thành, theo lời dạy của Ni trưởng trụ trì mà phát tâm nấu những bữa cơm để san sẻ khó khăn với nhiều hoàn cảnh kém may mắn. Người góp gạo, người bó rau, hay củ quả trồng từ vườn nhà, cùng sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, những suất cơm dinh dưỡng chứa đựng cả tấm lòng tương thân tương ái cứ vậy mà phát triển.
“Hôm nay được nhận bữa cơm yêu thương của Tịnh xá Ngọc Lộ, chúng tôi rất cảm ơn và coi như là niềm hạnh phúc của mình. Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục điều trị cho khỏi bệnh”.
“Bếp ăn từ tâm này xuất phát từ lòng từ bi của những người Phật tử. Mỗi ngày họ đến đây, có người hỗ trợ vật chất, có người lại góp công nấu nướng, vận chuyển đến bệnh viện. Ai cũng hoan hỉ để giúp đỡ phần nào cho các bệnh nhân khó khăn có bữa cơm ngon lành”.
Ngoài nấu cơm chay, Tịnh xá Ngọc Lộ còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ nấu cháo dinh dưỡng cho bệnh nhân. Dù chỉ là những bữa cơm chay, hay bát cháo dinh dưỡng nhưng cũng đủ làm ấm lòng người bệnh vì bên họ luôn có những người yêu thương, san sẻ và động viên.
Việc làm của chư Ni và Phật tử tịnh xá đã góp phần nhân lên những giá trị tốt đẹp về tình yêu thương, lan tỏa đến với cộng đồng.
Mưa lũ tàn phá các tỉnh miền Trung
Ở phần cuối bản tin xin cập nhật thiệt hại do mưa lũ tại các tỉnh miền trung. Thưa quý vị, ngay lúc này mưa lớn kéo dài đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Đặc biệt tại Thanh Hóa nhiều địa phương đã bị cô lập, lượng mưa đo được tại xã Yên Mỹ huyện Nông Cống lên tới 117.8mm, Mai Lâm thị xã Nghi Sơn là 106.6mm…khiến nhiều diện tích hoa màu bị cuốn trôi.
Mưa lớn và nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều đường ở Thanh Hóa bị tàn phá, nhiều nhà dân tại Nghệ An ngập, vạt núi ở Hà Tĩnh sạt lở. Ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, hai ngày qua Thanh Hóa mưa to. Nước lũ gây chia cắt ở tràn Ná Cà 2, tỉnh lộ 520B, đoạn qua xã Thanh Quân, huyện Như Xuân.
Chưa có thống kê thiệt hại song ghi nhận ban đầu hàng nghìn ha lúa và hoa màu của người dân ở các huyện Hà Trung, Vĩnh Lộc, Quan Hoá, Như Xuân, Lang Chánh… bị hư hại do ngập úng, gãy đổ trong mưa lũ. Một số tự viện Phật giáo ở các khu vực này cũng bị ảnh hưởng.
Tại Nghệ An, tối 26/9, mưa lớn khiến nước từ các sông suối dâng cao, tràn vào một số khu dân cư như thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu và thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương. Nước lũ đục ngầu tràn vào xóm làng của xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu. Nhiều tuyến đường lớn qua huyện Quỳ Châu ngập sâu hơn nửa mét, ôtô, xe máy không thể di chuyển.
Tại Hà Tĩnh, mưa lớn kéo dài hai ngày qua khiến hàng trăm khối đất đá sạt lở đổ xuống quốc lộ 8A, đoạn qua xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, khiến giao thông ách tắc.
Với những thiệt hại ban đầu và tình hình mưa bão còn kéo dài trong những ngày tới. chiều nay, ngày 28/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ. Người dân cũng cần thường xuyên cập nhật các bản tin thời tiết để có phương hướng bảo vệ cho bản thân và gia đình.
Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 28.09.2023:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
22 lượt thích 0 bình luận