Bản tin An Viên 24H 30.11.2023

01/12/2023 11:33:24 602 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 30.11.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Đoàn Phật giáo An Nam Tông Thái Lan thăm học viện Phật giáo và chùa Khai Nguyên; Trang nghiêm lễ huý kỵ Quốc sư Nguyễn Minh Không; Trưng bày mô hình phục dựng điện Kính Thiên.

Hà Nội: Đoàn Phật giáo An Nam Tông Thái Lan thăm học viện Phật giáo và chùa Khai Nguyên

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, hôm nay 30.11, tại Hà Nội, đoàn Phật giáo An nam tông Thái Lan đã đến thăm Học viện Phật giáo và chùa Khai Nguyên, thị xã Sơn Tây.

Tại Học viện PGVN tại HN, hoà thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo TƯGH, Viện trưởng Học viện vui mừng cung đón và giới thiệu với phái đoàn về Phật giáo Việt Nam, về Học viện – cơ sở cao nhất của Phật giáo Việt Nam đào tạo tăng tài để phát triển giáo hội, đồng hành cùng nhà nước.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, hoà thượng Somdet Phra Mahathirachan, Thành viên Hội đồng Tăng già Phật giáo Thái Lan gửi lời cảm ơn về sự đón tiếp chu đáo của Học viện, nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyến thăm nhằm thúc đẩy mối quan hệ Phật giáo 2 quốc gia. Dịp này, hai bên đã trao quà kỷ niệm, tụng kinh bát nhã cầu nguyện mối quan hệ gắn bó, hoà hợp giữa Phật giáo Việt Nam – Thái Lan đời đời bền chặt.

Chiều cùng ngày, đoàn Phật giáo An nam tông Thái Lan đã đến thăm chùa Khai Nguyên, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Tại đây, ĐĐ.Thích Đạo Thịnh, UV HĐTS, Phó Trưởng ban HDPT TƯGH, trụ trì chùa đã giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển ngôi chùa đến toàn thể thành viên trong đoàn.

TP.HCM: Trao quyết định nhân sự HVPGVN tại TP.HCM

Cũng trong sáng nay ngày 30.11, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã trao quyết định bổ nhiệm nhân sự nhiệm kỳ 2022-2027 đến chư Tôn đức thành viên Hội đồng Điều hành, Ban Chủ nhiệm các khoa và phòng Sau Đại học.

Tại đây, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ HĐCM, Viện trưởng Học viện đã trao quyết định nhân sự cho 37 vị Tăng Ni gồm thành viên Hội đồng điều hành, Ban Chủ nhiệm 12 khoa và Phòng đào tạo sau Đại học.

Dịp này, Chư tôn đức thảo luận về việc Khánh thành thư viện Trí Quảng ngày 21.12, tuyển sinh Thạc sĩ khóa VII ngày 28.12, lễ tốt nghiệp ngày 31.12; nghe báo cáo tiến trình xây dựng thư viện, phòng Hành chính – phòng Đào tạo – phòng Sau Đại học – Ban Quản viện Tăng Ni; chương trình Hội nghị 3 nước Đông Dương ngày 25-26.12.

Bến Tre: Ban tôn giáo chính phủ làm việc với BTS tỉnh

Chiều nay ngày 30.11, tại chùa Viên Minh, phái đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ do ông Phạm Văn Thuận – chuyên viên cao cấp, Phó trưởng phòng Thanh tra Pháp chế làm trưởng đoàn, đã đến thăm và làm việc với chư tôn đức BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thuận gửi lời thăm hỏi sức khỏe đến chư Tôn đức BTS, thông tin kế hoạch Đoàn kiểm tra Ban tôn giáo CP tại tỉnh Bến Tre về thi hành Pháp Luật về tín ngưỡng, tôn giáo năm 2023; lắng nghe những khó khăn, vướng mắc cùng các đề xuất, kiến nghị.

HT.Thích Nhựt Tấn – UVTT HĐTS, Trưởng BTS và chư tôn đức Tăng ni bày tỏ niềm vui đón tiếp Đoàn, thông tin về công tác Phật sự tỉnh nhà. Đồng thời trình bày những khó khăn và nguyện vọng trong quá trình hoạt động và đề nghị những giải pháp để áp dụng vào thực tế mang lại kết quả tốt hơn.

Cụm tin địa phương

Ninh Bình: Trang nghiêm lễ huý kỵ Quốc sư Nguyễn Minh Không

Hôm nay ngày 30.11 (nhằm ngày 18.10 AL), Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình đã trang nghiêm tổ chức Lễ húy kỵ Quốc sư Nguyễn Minh Không tại chùa Bái Đính. Sau khi thực hiện nghi lễ thỉnh Phật, cúng Tổ và trì tụng kinh, Chư tôn đức chia sẻ về vai trò và những đóng góp của Quốc sư Nguyễn Minh Không đối với văn hóa, Phật học, y học, kinh tế… trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam.

Thanh Hoá: Triển khai Phật sự trọng tâm thời gian tới

Chiều cùng ngày, tại Chùa Đại Bi, TP.Thanh Hoá, BTS GHPGVN tỉnh đã họp định kỳ nhằm triển khai công tác phật sự trọng tâm cuối năm. Tại đây, chư tôn đức đã lắng nghe báo cáo công tác hoạt động phật sự đã qua, nổi bật là việc ký kết biên bản hợp tác với Liên Minh Phật giáo Lào tỉnh Hủa Phăn. Dự kiến, BTS sẽ đón tiếp phái đoàn PG tỉnh Hủa Phăn – Lào và đoàn PG tỉnh Quảng nam dự lễ Kỷ niệm và ký kết văn bản hợp tác. Dịp này, chư tôn đức cũng triển khai chuẩn bị lễ Kỷ niệm 715 năm đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông và 12 năm cố đại lão HT. Thích Thanh Tứ viên tịch, các công tác phật sự trước, trong và sau Tết.

Đà Nẵng: Trao quyết định nhân sự Ban Tăng sự GHPGVN TP

Còn tại Đà Nẵng, chiều nay ngày 30.11, Hội nghị tăng sự năm 2023 được tổ chức. Tại đây, BTS GHPGVN TP đã trao quyết định chuẩn y nhân sự ban Tăng sự GHPGVN TP nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 30 thành viên do Hoà thượng Thích Huệ Vinh làm trưởng ban. Dịp này, Ban Tăng sự GHPGVN TP báo cáo các hoạt động Phật sự diễn ra thời gian qua và triển khai phương hướng nhiệm kỳ tới, tiếp nhận các phát biểu đóng góp của chư tôn đức Tăng ni thành viên.

Nâng cao chất lượng nghiệp vụ Chư Tăng Ni trụ trì

Trách nhiệm của một vị trụ trì vô cùng quan trọng vì là hình ảnh của Giáo hội, nếu hoàn thành nhiệm vụ sẽ góp phần xương minh Phật giáo Việt Nam. Để nâng cao năng lực, chất lượng nghiệp vụ cho chư tăng, ni trụ trì tại tỉnh Ninh Thuận, hôm nay, Chư Tôn đức TƯGH đã chia về Trách nghiệm, nghĩa vụ của trụ trì đối với Giáo hội và đạo pháp; phương tiện hoằng pháp trong thời đại mới.

Tại đây, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HĐTS đã phổ biến những điểm mới đáng lưu ý trong Hiến chương Giáo hội và quy chế Ban Tăng sự cũng như bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo, kiến tạo, xây dựng cơ sở tự viện. Qua đó khẳng định, vị trụ trì có vai trò tiên phong, nắm bắt Hiến chương, định hướng đúng đắn các hoạt động tại tự viện. Dịp này, Chư Tăng ni học viên đã có những đề xuất, liên quan đến việc quản lý tự viện theo hiến chương, quy chế ban tăng sự TƯ; trình bày những khó khăn trong quá trình xin khôi phục các tự viện từng là di tích.

Thêm vào đó, HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯGH đã có những chia sẻ nâng cao kỹ năng, chất lượng hoằng pháp đáp ứng nhu cầu thính pháp của đại đa số quần chúng Phật tử, nhất là ở miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa. Đây là yêu cầu được chư tôn đức quan tâm đặt ra trong bối cảnh 4.0.

Ngoài ra, để làm tốt vai trò của của vị trụ trì, chư tôn đức cần thông thạo kiến thức pháp luật về tôn giáo, các quan điểm, chính sách, pháp luật nhà nước. Các nội dung này cũng được tập huấn bởi lãnh đạo các cơ quan địa phương.

Cụm tin từ thiện

Với tấm lòng của những người con Phật, những ngày vừa qua, GHPGVN tại nhiều tỉnh thành vẫn luôn chung tay, góp sức tổ chức các đợt từ thiện giúp đỡ bà con nghèo có hoàn cảnh khó khăn đúng với tinh thần từ bi, lợi đạo ích đời.

Tại Trà Vinh, Thượng tọa Thích Nguyên Ngọc, Trụ trì chùa Long Hòa, huyện Trà Cú vừa tặng học bổng cho 220 em học sinh khó khăn ở các trường tiểu học, trung học địa phương. Tổng số tiền trao tặng học bổng lần này trị giá 54 triệu đồng.

Còn tại tỉnh Thanh Hoá, Đại Đức Thích Tâm Hoà, trụ trì chùa Long Nhương, cùng chư tăng ni phật tử trao 450 suất quà gồm chăn, áo ấm và các nhu yếu phẩm cho học sinh trường Tiểu học Tam Thanh, huyện Quan Sơn. Dịp này, đoàn đã tặng nhu yếu phẩm cho bệnh nhân trung tâm bảo trợ số 3, huyện Ngọc Lặc với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng.

Nhà đại đoàn kết – Giấc mơ an cư của người khó khăn

Để hiện thực hóa giấc mơ an cư của người nghèo, đồng thời hướng đến kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên đã tặng những căn nhà đại đoàn kết đến các gia đình khó khăn, giúp mùa đông này trở nên ấm áp hơn.

Cái rét buốt của mùa đông Điện Biên những ngày này, dường như nhường chỗ cho những tia nắng ấm áp; khi 9 căn nhà đại đoàn kết đã được BTS GHPGVN tỉnh trao cho bà con. Trong đó, 6 căn tại bản Hán Chợ, xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông và 3 căn ở bản Tâu, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên.

Hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2024), BTS GHPGVN tỉnh hỗ trợ 50 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ khó khăn. Số còn lại được tiếp tục trao tặng trong thời gian tới. Mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau, nhưng cảm xúc chung khi được nhận nhà mới khang trang là niềm vui, sự xúc động.

Tết 2024 đang cận kề, vậy là nhiều gia đình được đón năm mới trong ngôi nhà ấm cúng, che nắng che mưa. Sự quan tâm của BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên là động lực để các gia đình tiếp tục vươn lên, ổn định cuộc sống, góp sức cho sự phát triển của địa phương.

Xây dựng công trình dân sinh cho đồng bào dân tộc

Ở những vùng miền xa xôi của Tổ quốc, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Những con đường đá núi gập ghềnh ngăn bước chân con trẻ đến trường, những giọt nước sạch hiếm hoi ngăn người dân có được điều kiện sống tối thiểu… Vậy làm thế nào để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, giúp bà con vùng dân tộc ngày phát triển?. Nhiều năm qua, Phật giáo các địa phương kết nối, kêu gọi cộng đồng phát huy tinh thần tương thân tương ái, xây dựng nhiều công trình dân sinh, nhà văn hóa, hỏa táng – tại vùng sâu, vùng xa khó khăn. Các công trình được xây dựng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao đời sống cho bà con.

Sau hơn 2 năm hoàn thiện con đường dân sinh dài 3km, đời sống bà con đồng bào thôn Nguồn Thượng, xã Tân Thành, huyện Bắc Quang, Hà Giang đã đổi thay rõ rệt. 100% hộ dân của thôn là người dân tộc Dao, kinh tế phụ thuộc nương rẫy. Trước đây, để di chuyển ra trung tâm xã, các em học sinh, người dân phải đi bộ vài giờ đồng hồ qua con đường đất, lầy lội, hiểm chở. Nông sản muốn tiêu thụ cũng rất khó, bởi xe máy không thể di chuyển được.

Từ khi được Phật giáo tỉnh Hà Giang kết nối, vận động các nhà hảo tâm xây dựng đường dân sinh, cuộc sống bà con thay đổi từng ngày. Những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc trên gương mặt bà con dân tộc đã nói lên được tầm quan trọng của việc bê tông hóa đường giao thông. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.

Các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi sông, suối, ảnh hưởng đến việc đi lại, phát triển kinh tế của các địa phương. Để giúp bà con đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa, an toàn mùa mưa lũ, chư tôn đức xây dựng cây cầu vững chắc. Những cây cầu được hoàn thiện tạo bước phát triển đột phá về giao thông, xóa bỏ các điểm cách trở do suối và phát triển kinh tế, đem lại diện mạo mới cho các thôn, bản.

Cùng với việc đầu tư về điện, đường, trường, trạm thì chư tôn đức đã thực hiện dự án “Mang nước sạch đến với bà con dân tộc”. Nhiều năm nay, hàng chục giếng khoan được mang đến bà con. Trao trao tặng hàng trăm bồn chứa nước bằng inox, với mong muốn giúp bà con có được nguồn nước sạch dự trữ để sinh hoạt. Chương trình đã giúp người dân vơi bớt đi nỗi lo vì thiếu nước. Góp phần giải quyết tình trạng cạn nước sạch sinh hoạt, đồng thời cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Một trong những chính sách mang lại hiệu quả thiết thực cho đồng bào dân tộc chính là chương trình xây dựng lò hỏa táng cải tiến bằng điện ở các tự viện phật giáo Nam tông Khmer. Hỏa táng là một phong tục của đồng bào Khmer, vì thế các chùa Nam tông Khmer đều xây dựng lò hỏa táng để phục vụ nhu cầu của bà con. Việc xây dựng các lò hỏa táng giúp bà con thuận tiện giữ gìn phong tục vốn có từ xa xưa.

Từ tháng 9.2022, có 27 lò hỏa táng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được đầu tư, cải tạo. Yêu cầu đặt ra là việc nâng cấp, xây mới các lò hỏa táng phải áp dụng công nghệ mới, hiện đại nhưng thiết kế, kết cấu phải đảm bảo về phong tục, tập quán của đồng bào. Có thể xây lò mới ở các chùa có diện tích rộng, phục vụ cho nhiều địa phương.

Hiện nay, tại 92 điểm chùa Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đều được bố trí lò hỏa táng với thiết kế buồng đốt kín, có lắp đặt ống khói cao và được bố trí trong khuôn viên có nhiều cây xanh. Việc này vừa giúp đồng bào Khmer hoả táng người thân theo đúng phong tục tập quán, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Theo quan niệm của đồng bào Khmer, từ khi sinh ra cho đến mất đi đều gắn liền với nhà chùa, vì thế sau khi mất, mọi người đều được gửi đến chùa để hỏa táng. Do đó, các hoạt động tại tự viện Phật giáo Nam tông Khmer góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, gìn giữ phong tục tập quán từ xa xưa.

Có thể thấy rằng, mỗi công trình cơ sở hạ tầng được xây dựng tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc chính là hạt giống về tương lai tốt đẹp được gieo xuống, hứa hẹn đem lại trái ngọt cho cộng đồng địa phương. Việc chia sẻ, kết nối, hỗ trợ tích cực từ Phật giáo các cấp đã giúp cho bà con dân tộc nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần. Chắc chắn rằng, với những giá trị nhân ái trong tinh thần Phật giáo sẽ ngày càng có nhiều công trình dân sinh được xây dựng, mang lại một sức sống mới, diện mạo mới cho nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Sáng kiến giúp giảm rác thải ở lễ hội hoa đăng Thái Lan

Lần đầu tiên tại lễ hội hoa đăng Loy Krathong, người dân thủ đô Bangkok của Thái Lan có thêm hình thức mới để thể hiện sự biết ơn của mình đối với thần nước mà không nhất thiết phải thả một hoa đăng “thực” ra sông gây rác thải. Đó là sáng kiến krathong “số” của Cơ quan quản lý đô thị Bangkok.

Mỗi dịp diễn ra lễ hội Loy Krathong, người dân thả những chiếc bè krathong được kết cầu kỳ bao gồm lá chuối, hoa, nhựa, nến, nhang và đôi khi là tiền xu xuống sông, hồ, kênh. Điều này dấy lên lo ngại về nguy cơ rác thải nhựa.

Để giải quyết vấn đề này, năm nay Cơ quan quản lý đô thị Bangkok. đã áp dụng một cách tiếp cận mới, khuyến khích tạo krathong số. Sau khi tô màu các bức vẽ krathong trên giấy hoặc trên điện thoại, bản phác thảo được quét và chiếu lên kênh Ong Ang ở thủ đô. Đông đảo người dân đã tỏ ra hứng thú với hình thức mới này.

Dù là năm đầu tiên tổ chức, sáng kiến thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều người trẻ. Kết thúc mùa lễ hội Loy Krathong, sáng kiến đã tạo ra gần 3.800 krathong “ảo” được trình chiếu.

Trưng bày mô hình phục dựng điện Kính Thiên

Chiều hôm qua 29.11, Viện nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP, Bảo tàng Hà Nội – lần đầu công bố kết quả nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc điện Kính Thiên trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (02.12.1953 – 02.12.2023)

Trải qua hơn 388 năm tồn tại, năm 1816, vua Gia Long đã cho xây dựng cung điện mới tại nền điện Kính Thiên để làm hành cung cho các vua nhà Nguyễn mỗi khi tuần du ra Bắc. Năm 1886, sau khi Pháp chiếm Hà Nội, điện Long Thiên bị phá huỷ để xây tòa nhà của quân đội Pháp. Dấu tích lưu lại ký ức vàng son của điện Kính Thiên ngày nay là thềm bậc đá chạm rồng đã trở thành bảo vật quốc gia.

Sau hàng chục cuộc khai quật khảo cổ xung quanh điện Kính Thiên, chìa khóa quan trọng cho hành trình nghiên cứu về hình thái kiến trúc điện Kính Thiên đã được tìm ra. Trên cơ sở đó khẳng định, kiến trúc điện Kính Thiên thuộc loại kiến trúc đấu củng.

Từ các cấu kiện gỗ, ngói, chân cột đá…các nhà khoa học xác định chiều dài, chiều rộng, hình thái kiến trúc, và hình thức xây dựng, trang trí điện Kính Thiên. Kiến trúc này có quy mô to lớn, diện tích gần 1.200 m2 gồm 7 gian, hai chái, chiều sâu lòng điện 6 gian. Điện được xây dựng trên nền cao, phía trước có 11 thềm bậc đá chạm rồng, phân làm ba lối đi, chính giữa dành cho vua, hai bên dành cho các quan đại thần. Mái lợp ngói rồng, men vàng đặc sắc và được trang trí bằng các tượng đầu rồng vươn cao. Đáng chú ý, hoa văn được tô vẽ bằng vàng thật, cho thấy được sự giàu có thời bấy giờ.

Kết quả nghiên cứu này đã đóng góp quan trọng vào việc quảng bá hình ảnh di sản Hoàng thành Thăng Long, giúp hình dung rõ ràng hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ và kỳ bí của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long xưa.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 30.11.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube anvientvbchannel.

21 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2574 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1544 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3692 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2644 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4604 lượt xem 0 Bình luận