Bản tin An Viên 24H 31.10.2023

01/11/2023 16:23:35 572 lượt xem

Bản tin An Viên 24H 31.10.2023 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Hội thảo khoa học quốc gia “Không gian văn hoá Phật giáo Bắc Giang”; Kiên Giang: Triển khai luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2023; Đổi mới trong cấp sổ đỏ cho tổ chức tôn giáo.

Hội thảo khoa học quốc gia “Không gian văn hoá Phật giáo Bắc Giang”

Ngày 31.10, tại Bắc Giang đã diễn ra Hội thảo cấp quốc gia “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)”. Hội thảo do Đại học Quốc gia Hà Nội, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang; cùng sự phối hợp Viện Trần Nhân Tông, Sở Văn hoá tổ chức. Tham dự Hội thảo có Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp Chủ – Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh; Chư tôn đức HĐTS, các Học viện, Trung tâm nghiên cứu thuộc GHPGVN.

 

Hội thảo nhận được 110 tham luận với sự tham gia của 128 học giả thuộc nhiều lĩnh vực. Ban tổ chức tuyển chọn 74 tham luận tiêu biểu để xuất bản, tập trung vào ba nội dung: “Không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam”; “Di sản văn hóa Phật giáo Bắc Giang”; “Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa Phật giáo Bắc Giang (Tây Yên Tử)”.

Những ghi chép trong thư tịch cổ và các kết quả nghiên cứu khảo cổ đều cho thấy dấu chân hoằng pháp đưa Đạo Phật đầu tiên vào Việt Nam đều có tại mảnh đất Bắc Giang. Hiện nay, Bắc Giang có khoảng 940 tự viện Phật giáo, thuộc hai dòng thiền: Lâm Tế và Trúc Lâm. Hội thảo thể hiện mong muốn làm sáng rõ, lan tỏa những giá trị di sản và đương đại một cách có hệ thống và toàn diện. Từ đó, đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị này để tạo thành nguồn lực cho sự phát triển nhân văn, hài hòa và bền vững.

Kiên Giang: Triển khai luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2023

Ngày 30.10, Ban Tôn Giáo, Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hội nghị triển khai, phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo- và các văn bản liên qua đến chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tổ chức Tôn giáo tại tỉnh Kiên Giang.

Ban tổ chức đã triển khai nội dung Luật tín ngưỡng, tôn giáo như Quyền tự do hoạt động tín ngưỡng; đăng ký điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung; đăng ký hoạt động tôn giáo; xuất bản, Giáo dục, Y tế, Bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo của tổ chức tôn giáo; vấn đề tài sản; quản lý Nhà nước và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tín ngưỡng.

Hội nghị giúp chức sắc, chức việc các tôn giáo nắm vững những nội dung cơ bản, cốt lõi nhằm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân đối với quê hương, đất nước; đồng thời tổ chức việc sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật.

Cụm tin từ thiện

TP.HCM: Ủng hộ quỹ “TP nghĩa tình – Kết nối yêu thương”

Tối ngày 30.10, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp với Đài Truyền hình thành phố -tổ chức chương trình văn nghệ với chủ đề TP nghĩa tình – Kết nối yêu thương lần thứ 22 năm 2023.

Ban tổ chức nhận được đóng góp của 90 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm với số tiền hơn 44,3 tỷ đồng. Trong đó, BTS GHPGVN TP.HCM đã ủng hộ 1 tỷ đồng. Dự kiến, chương trình tiếp tục hỗ trợ xây dựng sửa chữa nhà tình thương; chăm lo học bổng Nguyễn Hữu Thọ; trao phương tiện đi học cho sinh viên, học sinh khó khăn; tặng thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ phương tiện kinh tế, đặc biệt là chuẩn bị công tác chăm lo Tết Nguyên Đán năm 2024.

Long An: Khánh thành 2 cầu giao thông nông thôn

Tại Long An, BTS GHPGVN huyện Tân Thạnh phối hợp các đơn vị khánh thành và đưa vào sử dụng hai cầu giao thông nông thôn tại 2 xã Tân Hòa và xã Bắc Hòa, tổng kinh phí xây dựng 1,1 tỷ đồng. Dịp này, BTS GHPGVN huyện Tân Thạnh trao 200 phần quà cho các em học sinh khó khăn với kinh phí 30 triệu đồng.

Tấm lòng của vị tăng trẻ nơi vùng biên

Là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc, đại đức Con Trách, trụ trì chùa Mũi Nai, TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang đã có nhiều đóng góp trong việc vận động bà con Phật tử sống “tốt đời, đẹp đạo”, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, những việc làm của vị Tăng trẻ đã góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội cho vùng biên giới TP.Hà Tiên.

Đại đức Con Trách làm trụ trì tại ngôi chùa này đã được hơn 10  năm. Vị Tăng trẻ luôn chú trọng, “nói đi đôi với làm”, gương mẫu, dấn thân phụng sự đồng thời, tạo mọi điều kiện để bà con thuận lợi sinh hoạt tôn giáo. Vì vậy, người dân nơi đây rất tin tưởng đại đức và coi ngôi chùa như ngôi nhà thứ 2. Khi đại đức vận động người dân làm việc tốt, việc thiện, người dân sẵn sàng làm theo.

Mang tâm niệm sống “tốt đời đẹp đạo” và là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, đại đức được tín nhiệm bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân phường. Từ hoạt động này, giúp cho đại đức có điều kiện tiếp cận với những thông tin mới, chính sách mới, từ đó, dễ dàng làm tốt công tác vận động, tuyên truyền đến nhân dân.

Với những việc làm thiết thực hướng về cộng đồng, là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc, vị Đại đức trẻ cố gắng xây dựng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Kiên Giang nói chung, TP Hà Tiên nói riêng ngày càng vững mạnh, tập hợp chư Tăng, bà con phật tử Khmer vùng biên xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương Kiên Giang giàu đẹp.

TP.HCM: Đổi mới trong cấp sổ đỏ cho tổ chức tôn giáo

Từ năm 2005 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đã xem xét trình công nhận và cấp hơn 800 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất- cho các tổ chức tôn giáo- với diện tích hơn 2 triệu mét vuông. Dù đã có nhiều nỗ lực, song đây vẫn là con số khiêm tốn chỉ chiếm 1/3 – so với số cơ sở tôn giáo hiện có trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, thời gian qua, nhờ sự nghiên cứu và phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị liên quan, việc cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo- đã có những chuyển biến tích cực.

Có tuổi đời hàng trăm năm mặc dù cũng được xây lại từ năm 2012 thế nhưng hàng chục năm nay khu vực phía trước khuôn viên Chơn Đức Thiền Viện, quận Bình Thạnh vẫn còn bị bỏ ngỏ vì thiếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, những hạng mục còn lại, cải tạo cảnh quan, xây cổng chùa khang trang hơn, nay sắp thành hiện thực.

Trước những yêu cầu cấp bách, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã trao 30 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các tổ chức tôn giáo bổ sung cơ sở pháp lý để giải quyết nhiều khó khăn hiện có. Như tại Pháp Viên Minh Đăng Quang, quận 2, TP.HCM, sau khi được trao giấy chứng nhận thì Pháp Viện dự kiến sẽ xin cấp phép cho khu đất khoảng 4.000 mét vuông, xây dựng thêm một số hạng mục phục vụ các hoạt động Phật sự.

Sở tài nguyên môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, do đặc thù loại đất tôn giáo nên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức này thường gặp khó khăn, cần nhiều thời gian do qua nhiều bước khảo sát đánh giá pháp lý đất quy hoạch. Thời gian tới, các cơ quan ban ngành sẽ phối hợp, tiếp tục tổ chức hai đợt trao giới chứng nhận từ nay đến cuối năm.

Những vị tu sĩ gắn với cuộc sống người đồng bào

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng. Với phương châm của Phật giáo song hành giữa đạo và đời, chư Tăng ni luôn hướng tâm hỗ trợ, giúp sức cho sự phát triển của đồng bào các dân tộc, thể hiện cao độ tinh thần đoàn kết dân tộc – vì một Việt Nam hùng cường.

Vào tiết chào cờ thứ 2 đầu tuần tại trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk, dường như cả Thầy và trò đều đã chuẩn bị sẵn sàng, đợi đoàn chư tôn đức Phật giáo huyện Cư Mgar. Trường có 385 em học sinh chia thành 12 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5; 99% học sinh đồng bào dân tộc Ê đê; trong đó rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2020 đến nay, Đại đức Thích Minh Đăng cùng quỹ Tiếp sức em đến trường – hỗ trợ học bổng cho 16 em. Với 2 mức là 300.000đ/tháng và 500.000đ/tháng, con đường đi học của các em bớt chông chênh hơn rất nhiều.

Không chỉ riêng huyện Cư M’gar, quỹ Tiếp sức em đến trường của chùa Hoa Nghiêm và Phật giáo huyện Cư M’gar còn hỗ trợ cho các em học sinh đồng bào dân tộc trên toàn tỉnh Đắk Lắk. Mỗi tháng 1 lần, chư Tăng cùng quý Phật tử lại đi khắp các huyện để trao học bổng. Ở buôn Ea Hiao 1, xã Ea Hiao, huyện Ea H’Leo – 1 huyện vùng xa cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột hơn 100km, căn nhà của em Kpa H’Narin – lớp 1C, trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn – lụp xụp, tạm bợ. Nhìn vậy nhưng đó là chỗ che nắng che mưa cho gia đình 4 người. Nhận học bổng, bánh kẹo và những cuốn sách truyện còn thơm mùi giấy từ chư tôn đức, H’Narin khá rụt rè.

Sự quan tâm đặc biệt đến các em học sinh đồng bào; đó là cách để vun bồi các mầm non tương lai của đất nước. Điều kiện vật chất còn thiếu thốn, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng đó sẽ không là rào cản để ngăn các em tìm đến với con chữ, bởi đã có sự đồng hành của chư Tăng ni.

Cũng dành nhiều thời gian, tâm sức cho công tác giáo dục, chùa Pitukhosarangsay (TP. Cần Thơ) do TT.Lý Hùng trụ trì còn được nhiều phương tiện thông tin đại chúng ngợi ca là “nơi cưu mang, nuôi hơn nghìn sinh viên nghèo thành tài, có người trở thành giám đốc doanh nghiệp, có người đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ”. Thượng tọa Lý Hùng xây hai ký túc xá trong chùa để nhận nuôi, lo chỗ ăn ở miễn phí cho sinh viên Khmer theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở TP.Cần Thơ. Từ năm 1996 đến nay, với sự dìu dắt, cưu mang, giúp đỡ của Thượng tọa Lý Hùng, đã có hơn 1.000 sinh viên ra trường nên danh và lập nghiệp.

Đã từng trải qua tuổi thơ cơ cực, nên khi thấy sự khó khăn của sinh viên dân tộc Khmer, Thượng tọa luôn sẵn lòng giúp đỡ. Sống trong chùa hoàn toàn miễn phí từ điện, nước, ăn uống, sinh hoạt… Bên cạnh đó, chùa còn mở lớp dạy tiếng Khmer, dạy lễ nghi, phong tục tập quán, nếp sống, văn hóa của dân tộc. Với nhiều sinh viên, nơi đây như ngôi nhà thứ 2. Dẫu đi đâu, làm gì cũng luôn nhớ quãng thời gian sống trong chùa và lời Sư dạy – cố gắng thành tài để giúp ích cho đời, phụng sự đất nước.

Bằng nhiều cách khác nhau, chư Tăng ni Phật giáo luôn mong muốn hướng tâm, giúp sức cho sự phát triển của đồng bào các dân tộc. Và đó đôi khi còn là sự dấn thân nơi miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có dịp đến huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai mới có thể tận mắt chứng kiến những tập giấy A4 xếp thành chồng, được Thượng tọa Thích Giác Duyên – Trụ trì Tịnh xá Phú Cường chép đầy đủ số nhân khẩu từng nhà và pháp danh từ Phật tử. Thiếu thốn, bất đồng ngôn ngữ; thế nhưng chẳng gì có thể làm chùn bước chân hoằng hóa của bóng áo nâu nơi núi rừng.

Giờ đây, chỉ cần nghe thông báo lịch sinh hoạt tu tập, bà con huyện Chư Sê đã hồ hởi đến chật cứng chánh điện Tịnh xá Phú Cường. Sau 1 thời gian được hướng dẫn, bà con đồng bào có thể tự tụng kinh niệm Phật. Những lời chư Tăng dạy, như cái nắng, cái gió của núi rừng, dần dần thấm sâu trong tâm trí của người đồng bào. Hơn cả, họ trân trọng sự tận tâm của chư tôn đức dấn thân nơi đại ngàn.

Từ trái tim sẽ đến với trái tim. Những món quà yêu thương từ khắp mọi miền Tổ quốc thông qua chư tôn đức được trao đến bà con bằng cả tấm lòng. Nụ cười rạng rỡ của bà con là kết quả rõ nét nhất cho sự dấn thân không ngừng nghỉ của các vị tu sĩ và sự gắn bó, hướng tâm với đồng bào dân tộc ở khắp các vùng miền trên cả nước.

Độc đáo lễ hội Kin Lẩu khẩu mẩu của người Thái

Bên cạnh rất nhiều các lễ hội mùa thu, ở Lai Châu, hàng năm cứ đến tháng 9 âm lịch, sau khi thu hoạch lúa mùa xong,  bà con người dân tộc Thái ở xã Mường So, huyện Phong Thổ-  lại nô nức tổ chức Lễ hội Kin Lẩu khẩu mẩu, còn được gọi là lễ tạ ơn hay lễ hội cốm mới, để tri ân các vị thần linh đã ban cho vụ mùa bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Lễ hội cũng là nơi giao lưu tình cảm của các người dân địa phương.

Kin lẩu khẩu mẩu, Lễ hội cốm mới của người Thái trắng xã Mường So – huyện Phong Thổ đã có từ rất lâu đời. Sau thời gian bị mai một, lễ hội đã được tổ chức, phục dựng lại tại bản Huổi Én, xã Mường So vào năm 2007 và duy trì đến bây giờ. Lễ hội là dịp để người dân tạ ơn thần linh, ông bà, tổ tiên đã ban phúc cho một vụ mùa bội thu; và cầu mong mưa thuận gió hoà, vạn vật sinh sôi phát triển. Trong lễ hội, phần không thể thiếu là hoạt động chọn lúa làm cốm. Cúng tế xong, người làm lễ vãi cốm ra xung quanh để tượng trưng cho sự sung túc, no đủ, của tất cả mọi người.

Lễ hội cốm mới mang đặc trưng rất riêng của dân tộc Thái trắng Phong Thổ, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và khách du lịch. Tham gia lễ hội, mọi người còn chơi các trò chơi dân gian, hòa mình vào những tiết mục văn nghệ. Qua đó, góp phần duy trì và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.

Cùng với nhiều các lễ hội khác trong năm, Kin Lẩu Khẩu Mẩu đang dần trở nên hấp dẫn khách du lịch. Đến đây, tất cả được sống và hòa vào không với nguyên vẻ đơn sơ, hồn hậu không lẫn với bất cứ nơi nào.

Gia Lai ơi – Khúc ca thổ cẩm của Tây Nguyên

Thổ cẩm Gia Lai được xem là một trong những loại thổ cẩm đẹp nhất, với hoạ tiết, màu sắc phong phú, đa dạng. Mỗi dân tộc lại có những nét riêng biệt về chất liệu, kỹ thuật, họa tiết và màu sắc của thổ cẩm. Để bảo tồn và phát huy di sản văn hoá bản địa, Gia Lai đã chú trọng gìn giữ, nâng cao ý thức bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc, trong đó có trang phục thổ cẩm. Mới đây, chương trình “Gia Lai ơi” được tổ chức, đã mang đến không gian nghệ thuật tôn vinh Thổ cẩm vô cùng độc đáo.

Hơn 200 người gồm các nghệ nhân, học sinh, người mẫu, ca sĩ, diễn viên và nghệ sĩ mua đã cùng tham gia chương trình nghệ thuật thời trang thổ Cẩm “Gia Lai ơi” tại Quảng Trường Đại Đoàn Kết, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai. Những trang phục thời trang 4 mùa được thiết kế bằng chất liệu thổ cẩm kết hợp với các chất liệu khác, tạo ra những tác phẩm thời trang độc đáo, hiện đại mà vẫn giữ nét truyền thống. Và được trình diễn trên nền nhạc dân gian mang âm hưởng Tây Nguyên, với phần phụ họa của các nghệ nhân, diễn viên, nghệ sĩ múa góp phần tái hiện không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đầy sắc màu của thổ cẩm, lãng mạn và huyền ảo.

Chương trình “Gia Lai ơi” là hoạt động nhằm duy trì cam kết với UNESCO về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó trang phục thổ cẩm là một trong những giá trị nổi bật cần được bảo tồn, phát huy cũng như quảng bá hình ảnh đến với du khách trong và ngoài nước, góp phần thu hút đầu tư, phát triển du lịch bền vững.

Sự kiện lần này có ý nghĩa văn hóa, nghệ thuật cao, góp phần bảo tồn và phát triển di sản thổ cẩm của các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là ở Gia Lai. Đêm hội diễn ra cũng nhằm tôn vinh và tri ân đến nghệ nhân, những người đã gìn giữ và làm sống lại một nét đẹp văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

An yên với nghệ thuật thư pháp giấy dó

Giữa nhịp sống hiện đại hối hả, bất cứ ai trong chúng ta cũng mong muốn tìm về những giây phút thong dong, thực tập chánh niệm, cảm nhận sâu sắc nội tâm mình. Với mục đích đó, một buổi trải nghiệm nghệ thuật thư pháp giấy dó- đã được tổ chức, đem đến cho người trải nghiệm những khoảnh khắc an yên, khơi dậy sự kết nối giữa bàn tay và con chữ.

“Chạm dó là yên” là tên gọi của buổi trải nghiệm đặc biệt, với cơ hội tìm hiểu sâu sắc về nghệ thuật thư pháp giấy dó truyền thống. Các quy trình làm nên tờ giấy dó với bao tâm huyết của các nghệ nhân, được truyền tải sinh động tới các nhân vật trải nghiệm. Từ đó, lan toả tình yêu văn hoá dân tộc tới các bạn trẻ.

Việc viết thư pháp chữ không chỉ đơn thuần là viết cho đẹp mà qua những nét chữ, trạng thái nội tâm và cảm xúc của bản thân được thể hiện rõ nét. Chính vì vậy, đây là cơ hội để nuôi dưỡng tinh thần và trái tim, rèn luyện cho bản tính cẩn thận, kiên trì và tập trung.

Ngày nay việc chăm sóc sức khỏe tinh thần đang ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều người trẻ, tìm cho mình những khoảng thời gian sống chậm lại, cảm nhận sâu sắc nội tâm mình. Thời gian tới, BTC sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động thiền thông qua nghệ thuật truyền thống, yoga, thiền chuông… lan toả nếp sống lành mạnh cả thể chất và tâm hồn.

Mời Quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ bản tin An Viên 24H ngày 31.10.2023:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

9 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2585 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1569 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3701 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2661 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4613 lượt xem 0 Bình luận