Bản tin Bchannel – An Viên 24H 01.04.2024

02/04/2024 14:05:56 3147 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 01.03.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TP. HCM: Tưởng niệm chung thất cố Trưởng lão HT. Thích Hiển Tu; TP. HCM: Văn phòng 2 TƯGH giao ban với BTS GHPGVN các tỉnh thành phía Nam; Phát huy truyền thống phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân của Phật giáo thời Lý.

TP.HCM: Tưởng niệm chung thất cố Trưởng lão Hòa thượng. Thích Hiển Tu

Trong 2 ngày 30 và 31/3, Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng. Thích Trí Quảng, chư Tôn Giáo phẩm HĐCM, HĐTS đã quang lâm chùa Phật Học Xá Lợi (TPHCM) trang nghiêm tưởng niệm chung thất trai tuần cố Trưởng lão Hòa thượng.Thích Hiển Tu, Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN.

Nơi Giác linh đường trang nghiêm, Đại lão Hòa thượng. Thích Trí Quảng thành kính dâng nén tâm hương tưởng niệm, tri ân công đức cao dày của cố Trưởng lão HT Phó Pháp chủ HĐCM, bậc tòng lâm thạch trụ đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời vì đạo pháp và dân tộc.

Chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS cũng đã thành kính đảnh lễ Giác linh, dâng trà và phạm thực cúng dường, một lòng hướng về bậc tòng lâm thạch trụ, tri ân công đức cao dày của Ngài, tụng thời Bát-nhã tâm kinh, đồng nhất tâm cầu nguyện Giác linh cố Trưởng lão Hòa thượng cao đăng Phật quốc.

TP.HCM: Văn phòng 2 TƯGH giao ban với BTS GHPGVN các tỉnh thành phía Nam

Ngày 01/04, tại Thiền viện Quảng Đức, TP.HCM đã diễn ra hội nghị giao ban giữa Ban Thường trực HĐTS – khu vực phía Nam, VP2 TƯGH với chư tôn đức lãnh đạo và đại diện Ban Tôn giáo 7 tỉnh: Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh.

Tại hội nghị, đại diện BTS GHPGVN 7 tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Trà Vinh đã lần lượt báo cáo hoạt động Phật sự tại địa phương thời gian qua và nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Chư tôn giáo phẩm VP2 TƯGH lắng nghe, ghi nhận và tổng hợp tất cả những ý kiến của chư tôn đức, lãnh đạo Ban Tôn giáo các địa phương. Từ đó, sẽ tham mưu cho Ban Thường trực và Hoà thượng Chủ tịch HĐTS giải quyết những vấn đề phát sinh.

Dự kiến Hội nghị giao ban giữa Ban Thường trực HĐTS – khu vực phía Nam, VP2 TƯGH với BTS GHPGVN các tỉnh thành miền nam được tổ chức liên tiếp trong tháng 4. Hội nghị nhằm phát huy những thành tựu Phật sự đã đạt được trên cơ sở phối hợp hoạt động giữa Văn phòng TƯGH và BTS GHPGVN các địa phương.

Hội thảo Khoa học Quốc gia phát huy truyền thống “Phụng Đạo yêu Nước, hộ Quốc an Dân”

“Phát huy truyền thống phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân của Phật giáo thời Lý, Trần trong xây dựng nước Việt Nam phát triển, giàu mạnh hướng tới hùng cường”, là chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia được diễn ra ngày 31/3. Hội thảo do Ban Hướng dẫn Phật tử TƯGH phối hợp với Ban Tôn giáo (UB TƯ MTTQ VN), Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức. Đây là hội thảo thứ tư và có quy mô lớn nhất từ trước đến nay thu hút các nhà khoa học có uy tín về tham dự.

Tại Hội thảo, chư tôn đức, các nhà khoa học tham dự chia sẻ ý kiến, trao đổi kết quả nghiên cứu về vai trò của Phật giáo Việt Nam trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế; khẳng định Phật giáo đã giữ vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt.

Nhiều tham luận khẳng định, đoạn lịch sử thời Lý, Trần, Phật giáo đã góp phần định hình quốc gia dân tộc, định đô Thăng Long và đóng góp quan trọng trong tiến trình lịch sử dân tộc; ảnh hưởng đến tư tưởng chính trị, tổ chức chính trị, giá trị văn hóa  thời Lý, Trần.

Từ đây, rút ra một số vấn đề đối với công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh, hướng tới hùng cường hiện nay.

HỌP BTS

Để chuẩn bị cho những Phật sự trọng tâm thời gian tới, hôm nay 1/4, BTS GHPGVN một số tỉnh thành đã họp; bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sáng 1/4, Ban Thường trực Ban trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Điện Biên họp trực tuyến từ trụ sở TƯGH đến Ban trị sự GHPGVN tỉnh Điện Biên với sự chủ tọa của Thượng tọa.Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký HĐTS, Trưởng Ban Trị sự. Tại đây, chư tôn đức thảo luận các nội dung chính như: công tác chuẩn bị sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập BTS; Đại lễ cầu siêu Quốc gia dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và triển khai thông bạch của HDTS về Phật đản và An cư kiết hạ PL.2568. Theo đó, lễ kỷ niệm 10 năm thành lập BTS GHPGVN tỉnh diễn ra vào ngày 9/5 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh và Đại lễ cầu siêu diễn ra ngày 10/5 tại Nghĩa trang A1. 

Chiều cùng ngày, BTS GHPGVN tỉnh Bình Phước cũng họp trực tuyến dưới sự chủ trì của Thượng tọa. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng BTS để nghe báo cáo, nhìn nhận lại các hoạt động Phật sự Quý I/2024. Trong đó, nổi bật là công tác từ thiện ASXH dịp tết với tổng số tiền là 15,26 tỷ đồng; Tổ chức đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử nạn do TNGT; ký kết hợp tác với Hội LHTNVN; hơn 80 buổi thuyết pháp trên toàn tỉnh. Trong quý II/2024, BTS sẽ tặng quà, chúc Tết đến bà con Khmer dịp tết Chol Chnam Thmay, chăm lo đời sống, tu tập cho đồng bào dân tộc; tổ chức Phật Đản. Đặc biệt, thực hiện theo thông bạch khóa tu mùa hè 2024 cũng là nhiệm vụ trọng tâm được BTS chú trọng triển khai nhằm đảm bảo sự trang nghiêm, an toàn, hiệu quả trong công tác tổ chức, hoằng pháp khóa tu.

Triển lãm về cuộc đời và đạo nghiệp của cố Trưởng lão Hòa thượng. Thích Trí Tịnh

Chiều 31-3, triển lãm về cuộc đời và đạo nghiệp của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã khai mạc tại chùa Vạn Đức, TP.HCM. Triển lãm không chỉ nhắc nhớ về một bậc Cao tăng thạc đức mà qua đó còn là lời khuyến tấn hàng hậu học noi theo gương sáng của ngài.

Triển lãm là ý nguyện của toàn thể môn đồ pháp quyến, nhân tưởng niệm tròn 10 năm ngày cố Trưởng lão Hòa thượng.Thích Trí Tịnh viên tịch. Ngoài hơn 60 hình ảnh liên quan đến sinh hoạt đời thường, công tác Phật sự và 69 hiện vật là kinh sách, thủ bút, vật dụng của cố Đại lão Hòa thượng, triển lãm còn lần đầu tiên trưng bày các tư liệu liên quan đến hội Cực lạc Liên hữu mà Ngài khai lập vào năm 1955, nhằm xiển dương pháp môn Tịnh độ lúc bấy giờ.

Từ hiện vật và hình ảnh giúp chư tăng ni, phật tử thấy rõ hành trạng của ngài: Trên cương vị lãnh đạo cấp đã phụng sự và cống hiến trong nhiều tổ chức Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, đào tạo Tăng tài, là nhà dịch giả Phật giáo lỗi lạc, kỳ công xây dựng pháp môn niệm Phật phát triển hiện tại và tương lai, hình mẫu về đời sống thiểu dục tri túc và giới đức trang nghiêm thanh tịnh.

Triển lãm kéo dài từ ngày 31-3 đến 7-4 tại chùa Vạn Đức. Cũng trong ngày 31/3, Hòa Thượng Thích Nhật Quang, UVTT HĐCM đã có buổi trò chuyện về cố Trưởng lão HT.Thích Trí Tịnh, cùng thời gian tuổi trẻ tu học tại chùa Vạn Đức. Dù đi đâu về đâu, song Hoà thượng vẫn luôn nhớ về ân đức dạy dỗ của vị thầy của những bậc Thầy Phật giáo Việt Nam.

CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG

Ngày 01/4, Ban TT-TT GHPGVN tỉnh Tiền Giang đã Khai mạc Khóa Bồi dưỡng chuyên ngành Thông tin Truyền thông năm 2024 tại chùa Vĩnh Tràng, TP.Mỹ Tho.

Khóa bồi dưỡng có 145 chư Tăng Ni và Phật tử chính thức đăng ký theo học, diễn ra từ ngày 01/04 – 07/04. Mỗi ngày học 02 buổi, với sự hướng dẫn, thuyết trình của Tôn đức và các Cư sĩ Phật tử có nhiều kinh nghiệm về truyền thông… Bên cạnh đó BTC cũng sắp xếp thời gian để các học viên thực hành làm video, viết tin, thực tập phỏng vấn… Đây là cơ hội để các thành viên trang bị kiến thức, góp phần trang nghiêm Giáo hội và lợi lạc nhân sinh.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, Ban HDPT tỉnh đã tổng kết công tác Phật sự năm 2023, thảo luận nhiều chương trình trọng tâm năm 2024. Thời gian tới, Chư tôn đức tập trung tham gia các hoạt động của Giáo hội, chuẩn bị Đại lễ Phật đản; Lễ Phật Thành đạo, Đại lễ Vu Lan, Tổ chức khóa tu mùa hè và khóa tu cho cư sĩ trên địa bàn tỉnh.

Ngày 31/03, tại chùa Phước Vân, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, 100 Phật tử dự Khóa tu “Một ngày tỉnh thức” nhằm học hỏi thêm giáo lý căn bản của đức Phật, thăng tiến trên con đường thực tập. Khoá tu lần đầu được chùa tổ chức và sẽ duy trì mỗi tháng 1 kỳ.

Người bị tạm giam được sử dụng Kinh sách để bày tỏ niềm tin tôn giáo

Theo Nghị định số 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29-12-2023, từ ngày 30-3-2024, phạm nhân, người bị giam giữ được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Việc bảo đảm và quản lý kinh sách; thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách thực hiện theo nội quy, quy chế của cơ sở quản lý, giam giữ.

CỤM TIN GDPT

Trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, Phân ban GĐPT các tỉnh thành đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm, hội trại. Ghi nhận của bản tin An Viên 24h tại TT-Huế, Bình Dương và Quảng Bình.

Tại TT – Huế, lễ hội “Quán Tự Tại” do GĐPT huyện Phong Điền tổ chức đã diễn ra trong 2 ngày 30 – 31/3 với nhiều nghi lễ truyền thống: Khai kinh, Trai đàn Chẩn tế, Hoa đăng, thả đèn ước nguyện, Thính pháp…; phần hội cũng phong phú với Hội trại dành cho Huynh trưởng, Đoàn sinh GĐPT, triển lãm tranh, thư pháp, buffet chay. Đây cũng là dịp để cầu mong mưa thuận gió hòa, một năm tốt lành, vạn sự như ý.

Còn tại chùa Phước Huệ (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương); Phân Ban Gia đình Phật tử tỉnh tổ chức Trại Kiền Trắc IV năm 2024 với sự tham dự của 170 khóa sinh. Xuyên suốt kỳ trại là các hoạt động nhằm rèn luyện cả về đạo đức Phật giáo, ý chí vươn lên; cũng như hòa mình cùng tập thể, nêu cao tinh thần đồng đội của GĐPT Việt Nam

Trong khi đó tại Quảng Bình, hơn 100 bạn trẻ thuộc Hội thanh niên Phật tử chùa Hoằng Phúc, huyện Lệ Thủy và huyện đoàn đã tham gia chương trình dọn dẹp bãi biển Ngư Thủy Bắc để chào đón mùa hè. Bãi biển từng ngập rác, sau nhiều năm được chư tăng, phật tử dọn dẹp đã tương đối sạch đẹp, ít rác thải. Dịp này, BTC mang đến hoạt động vui chơi chơi bổ ích, lý thú cho các bạn trẻ.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức áo lam

Nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt và tu học cho các Huynh trưởng GĐPT trên địa bàn TP. Đà Nẵng, Phân ban Gia đình Phật tử TP đã tổ chức khóa tu Bát Quan Trai dành cho huynh trưởng đang tham gia các bậc học Kiên – Trì – Định – Lực tại chùa Bà Đa, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Khóa tu giúp tăng trưởng năng lượng an lành, lòng từ bi và đạo đức cho các huynh trưởng.

Khóa tu Bát Quan trai dành cho huynh trưởng GĐPT tại TP. Đà Nẵng diễn ra với nhiều nội dung như: thắp nến tri ân, ngồi thiền, tụng kinh Phước Đức, kinh Người áo trắng, niệm Phật kinh hành… Đây là cơ hội để các huynh trưởng được vân tập về chùa, cùng thọ trì 8 giới, tăng trưởng công đức, tinh tấn tu tập.

Khóa tu có sự tham dự của 300 huynh trưởng trên địa bàn TP. Dù chỉ diễn ra 1 ngày nhưng khóa tu đã đọng lại trong các giới tử những điều bổ ích sau một ngày một đêm thực hành hạnh xuất gia.

Tham gia khoá tu giúp mỗi huynh trưởng hướng tới thanh tịnh và giải thoát, làm hành trang cho bước đường tu học tự thân, trở thành tấm gương sáng cho thế hệ đàn em, xây dựng và phát triển tổ chức Gia đình Phật tử.

CỤM TIN TỪ THIỆN

Cuối tuần qua, tại các địa phương trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động từ thiện xã hội ý nghĩa, đặc biệt là các chương trình tặng quà, thăm khám, phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo. Ghi nhận của Bản tin An Viên 24h tại Kiên Giang, Bạc Liêu và Bình Dương.

Tại tỉnh Kiên Giang, Ban Từ thiện Xã hội Trung ương cùng quý mạnh thường quân, trao quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hàng ngàn người dân tại chùa Hang (chùa Hải Sơn), huyện Kiên Lương. Ngoài ra, đoàn trao 700 phần quà cho bà con và ủng hộ trên 90 triệu đồng cho công trình tôn tượng Quán Thế Âm cao 33 mét. Tổng kinh phí chuyến từ thiện trên 350 triệu đồng.

Còn tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, Hội Từ Thiện Chùa Sùng Hưng đã trao 500 suất cơm chay 0 đồng đến các bệnh nhân đang. Sau 5 năm hoạt động, hội cung cấp trên 27.500 suất cơm, giúp bệnh nhân có thêm niềm vui trong cuộc sống, vượt qua bệnh tật.

Trong khi đó, tại tỉnh Bạc Liêu, Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP. Bạc Liêu phối hợp đoàn từ thiện trao 350 phần quà cho bà con khó khăn. Tặng phẩm gồm gạo, mì, nhu yếu phẩm và tịnh tài, tổng kinh phí 136 triệu đồng nhằm động viên, bà con có thêm động lực vượt qua khó khăn cuộc sống.

Phát huy truyền thống Phụng Đạo, yêu Nước, hộ Quốc, an Dân của Phật giáo thời Lý, Trần

Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, tồn tại và phát triển gắn liền với lịch sử đất nước và góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, thời Lý – Trần, Phật giáo phát triển hưng thịnh và trở thành hệ tư tưởng chủ đạo trong đời sống nước ta. Để có được sự công nhận đó, chính là nhờ tinh thần từ bi, vô ngã phù hợp với văn hoá bản địa, cũng như tài năng, đức độ của những vị thiền sư đã luôn dấn thân, hộ quốc vì sự phát triển của đất nước. Nhằm tri ân và lan tỏa giá trị tốt đẹp đó, trong chuyên mục tiêu điểm ban tin An Viên hôm nay, mời quý vị cùng tìm hiểu những vấn đề lịch sử, những ý kiến khoa học mà Chư tôn đức, cũng như các vị giáo sư, tiến sĩ đã đưa ra trong hơn 300 bài tham luận gửi về Hội thảo khoa học quốc gia Phát huy truyền thống phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân của Phật giáo thời Lý Trần vừa diễn ra.

GS.TS Trần Đức Cường, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là người có nhiều sự quan tâm đến Phật giáo. Bởi Phật giáo là một phần của lịch sử, sẽ không thể hiểu thấu đáo, đầy đủ sự thăng trầm, phát triển của lịch sử Việt Nam nếu không xét đến Phật giáo.

Nếu như ở thời Đinh, Tiền Lê, các nhà sư là những người có tri thức bắt đầu được trọng dụng, tham gia vào định hướng xây dựng, bảo vệ đất nước và công cuộc đối ngoại. Thì đến thời Lý Trần, địa vị của Phật giáo càng được nâng cao. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện nhiều vị cao tăng xuất thân từ tầng lớp quý tộc. Ngay cả một số vua thời Lý – Trần cũng đi tu như Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Anh Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông… Trong đó, Lý Thánh Tông là người có công trong việc sáng lập ra phái Thảo Đường, và Trần Nhân Tông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Trúc Lâm.

Nhà Lý thành lập vào năm 1009. Trong việc tổ chức, triều Lý rất quan tâm sự đóng góp của các vị cao tăng Phật giáo. Bên cạnh việc kế thừa đội ngũ cao tăng của thời trước, nhà Lý đã duy trì hệ thống thống, tăng lục, tăng chính… dùng tăng quan giúp nhà vua và triều đình quản lý về mặt hành chính và tăng đồ trong nước. Nhờ vậy, nhiều vấn đề lớn được giải quyết như: củng cố nội trị, chuyển kinh đô từ Hoa Lư khuất nẻo về Đại La rộng lớn.

Với mục tiêu củng cố nền độc lập, xây dựng lực lượng về mọi mặt để ổn định cuộc sống cho người dân, nhà Lý đã lấy tư tưởng Phật giáo làm hệ tư tưởng chính thống cho đất nước.

Thời Trần, các vị vua anh minh của nhà Trần đã biết vận dụng, chọn lọc tư tưởng nhập thế phù hợp với thời đại của Phật giáo để làm hệ tư tưởng chủ đạo của quốc gia Đại Việt như: “Hòa quang đồng trần, Tùy duyên bất biến, Phật tại tâm, Cư trần lạc đạo v.v.” Nhờ vậy mà các biện pháp thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội đều phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng Đại Việt thành quốc gia độc lập, cường thịnh, đoàn kết, nhiều lần đánh tan quân xâm lược.

Không chỉ góp phần xây dựng đạo đức, Phật giáo còn giúp phát triển chính trị, kinh tế, văn hoá. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, thiền sư Từ Đạo Hạnh không chỉ đặt nền móng cho giáo lý Phật học mang tính dân gian bản địa; mà còn được coi là ông tổ nghề múa rối nước và nghệ thuật chèo. Thiền sư đã đưa nghệ thuật chèo tiến lên một bước phát triển mới, định hình phong cách của loại hình nghệ thuật biểu diễn độc đáo. Ngài là người đầu tiên soạn các tích trò thành văn bản viết. Hầu hết các tích trò ngài soạn đều là những câu chuyện đạo lý, toát lên tinh thần khuyến thiện, trừng trị kẻ ác…

Phật giáo thời kỳ Lý, Trần đã giúp củng cố hệ thống đạo đức cá nhân và xã hội, khuyến khích tuân thủ luật lệ và quy tắc. Những giáo lý về nhân quả, tùy duyên, từ bi đã góp phần gắn kết cộng đồng, tạo nên khối đại đoàn kết yêu thương, đùm bọc và sẻ chia. Và tinh thần đó vẫn tiếp tục được phát huy trong giai đoạn hiện nay. Dễ dàng nhận thấy, trong mọi vấn đề của dân tộc từ xoá đói, giảm nghèo, phổ biến chính sách pháp luật, đến lao vào tâm dịch, hỗ trợ các chiến sĩ đều có sự hưởng ứng, đóng góp rất lớn của chư tăng ni và Phật tử.

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang mở cửa hội nhập, giao lưu với thế giới, và GHPGVN cũng đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần quảng bá đất nước, con người Việt, cũng như thắt chặt thêm tình đoàn kết với anh em năm Châu. Trong năm 2023, GHPGVN đã tổ chức nhiều đoàn ra nước ngoài tham dự hội nghị, hội thảo, mở rộng quan hệ quốc tế, tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương, các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Nhìn lại những thành tựu đã đạt được suốt chiều dài lịch sử dân tộc, dù trong hoàn cảnh nào, Phật giáo Việt nam với tinh thần từ bi trí tuệ và phương châm sống tốt đời đẹp đạo luôn phát huy vai trò, sứ mệnh quan trọng để đấu tranh với cái xấu, thúc đẩy đoàn kết, hướng tới xây dựng đất nước hòa bình, thịnh vượng, nhân dân ấm no hạnh phúc đúng theo tinh thần Phật dạy Vì hạnh phúc cho số đông, vì an lạc cho chư Thiên và loài người và thực hiện tinh thần hộ quốc an dân, phụng sự tổ quốc, và nhân dân.

Nhật Bản: NS.Thích Nữ Tâm Trí nhận giải thưởng Hòa Bình Niwano

Ni sư Thích nữ Tâm Trí sang Nhật du học năm 2000, tốt nghiệp khóa Tiến sĩ Đại học viện của Nhật Bản năm 2014 và hoằng pháp tại đây. Ni sư hiện đang là Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, trụ trì chùa Đại Ân Tochigi và chùa Đại Ân Honjo Saitama. Hoạt động Phật sự của Ni sư Tâm Trí được đại diện Quỹ Niwano đánh giá cao vì đã cứu giúp rất nhiều người Việt Nam khó khăn tại Nhật Bản. Đặc biệt, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, chùa Đại Ân trở thành nơi nương tựa, là mái nhà chung của người Việt có hoàn cảnh khó khăn. Với việc một tu sĩ người Việt tại Nhật Bản đầu tiên nhận được giải thưởng này sẽ giúp giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, Phật giáo, con người, văn hóa của Việt Nam trên xứ sở hoa anh đào

Những người trẻ “Tử tế với môi trường”

Mối quan hệ mật thiết giữa mỗi người với môi trường bắt đầu từ khi ra đời. Sống trong môi trường này, nhưng trước đây con người thường ít dành thời gian nghĩ và quan tâm về nó, cho tới khi những sức ép và nguy hại lên môi trường ngày càng rõ rệt, thậm chí ảnh hưởng ngược lại đến cuộc sống. Thế hệ trẻ sẽ là người tiếp tục song hành cùng Trái Đất trong tương lai. Hiểu được điều này, họ đang thể hiện mối quan tâm và trách nhiệm từng ngày bằng nhiều cách, trong đó rõ rệt nhất là qua những chiến dịch về môi trường.

Trong những năm gần đây, giới trẻ thủ đô đang được chứng kiến ngày càng nhiều những trào lưu hướng đến môi trường, như “giảm thiểu rác thải nhựa”, “ống hút tre”, và “mang bình nước riêng để được giảm giá.” Điều này không chỉ nhắc nhở về tác hại của rác thải nhựa lên nhiều khía cạnh đời sống, mà còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Bằng sự phát triển và khả năng kết nối mạnh mẽ, mạng xã hội là kênh thông tin và giao tiếp quan trọng của những chiến dịch tổ chức bởi thế hệ trẻ, và dành cho thế hệ trẻ.

Thành đoàn Hà Nội đã hướng dẫn các cơ sở thực hiện các mô hình, công trình, phần việc thanh niên thiết thực, hiệu quả như: Mô hình biến điểm tập kết rác thành vườn hoa, mô hình Con đường bích họa, tranh tường bích họa, đường hoa thanh niên, mô hình Bốt điện nở hoa, mô hình Rừng cây thanh niên, Rừng cây măng non, Tuyến đường văn minh… Các đơn vị tổ chức cũng có những chiến dịch dài hơi để khơi dậy nhận thức của giới trẻ về bảo vệ môi trường

Điều tích cực là giới trẻ thủ đô cũng như cả nước ngày càng quan tâm đến môi trường nhiều hơn, thậm chí được coi là lực lượng đổi mới và hành động. Một nguyên nhân lớn là bởi người trẻ và những thế hệ tương lai đang đứng trước nguy cơ phải đón nhận những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với nguồn nhiệt huyết và khả năng dồi dào, họ có cơ hội đưa ra những quyết định và hành động nhằm định hình tương lai bền vững và kiên cường hơn.

Khôi phục kiến trúc ngôi chùa cổ từng bị lãng quên

Cách chùa Tây Phương khoảng 500m về phía Tây Bắc, có 1 ngôi chùa cổ mà rất ít người biết đến, đó là chùa Cực Lạc (hay còn gọi là chùa Lôi Âm), xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây cũ nay thuộc thành phố Hà Nội. Ngôi chùa Cực Lạc đã bị sập đổ và những vật liệu kiến trúc bị vùi sâu dưới lòng đất khiến chùa bị lãng quên. Gần đây việc phát hiện ra những vật liệu kiến trúc cổ dần dần trả lại vị trí vốn có của ngôi chùa.

“Thạch là đá

Đá là tinh của trời đất

Chùa đá – Tượng đá

Có sự uy nghi muôn thuở”.

Nét độc đáo của chùa Cực Lạc là tất cả các công trình đều được tạo dựng hoàn toàn bằng đá, sỏi. Việc bố trí thờ cúng ở chùa Cực Lạc theo tín ngưỡng của người Việt “Tiền thần hậu Phật”, nên ngay trước cổng chùa là tượng của 8 vị thần bằng đá xanh rất đồ sộ, cao trên 2m, cầm binh khí, lệnh bài. Điều đặc biệt là hoa văn cách điệu trên tượng thần đều được trang trí bằng đá dăm và sỏi đa sắc, trông rất lạ mắt.

Chùa Cực Lạc được xây dựng trên đỉnh núi đất cao, nằm ở vị trí tiếp giáp với ba thôn nên có tên gọi là Tam Thôn. Nơi đây trước kia vốn có một ngôi chùa cổ nhưng hiện tại đã bị san phá để xây một ngôi chùa mới. Ngôi chùa mới được làm trên nền ngôi chùa cổ. Theo nhân dân địa phương, ngôi chùa vốn có từ lâu đời, đã nhiều lần được tu sửa. Trước khi bị sập đổ hoàn toàn, chùa được xây gạch, lợp mái ngói, cột và bộ mái được làm bằng gỗ bạch đàn, lâu dần chùa bị xuống cấp, từ năm 2004 chùa được làm mới lại hoàn toàn.

Vãn cảnh chùa, nhân dân Phật tử còn ấn tượng bởi vườn đá cảnh với hình ảnh cây cối, con vật, cột trụ đều được làm từ chất liệu đá. Cây đa và cây đại trong khuôn viên chùa còn được công nhận là “Cây cổ thụ có giá trị lịch sử gì hóa”. Ngôi chùa với kiến trúc đặc biệt đã níu chân bao vị khách tha phương, tìm về xứ Đoài để cảm nhận sự an yên, thư thái.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 01.04.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

8 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 24.07.2024

Bản tin 24h 25/07/2024 15:59:11

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 24.07.2024

Bản tin 24h 25-07-2024 15:59:11

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 24.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TƯGH hướng dẫn tổ chức nghi lễ tưởng niệm cố Tổng Bí thư; TP.HCM: Tưởng niệm 9 năm ngày viên tịch cố Trưởng lão Hòa thượng. Thích Giác Nhiên; Hành trình 50 năm dấn thân cho lý tưởng phụng sự.
2358 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.07.2024

Bản tin 24h 24/07/2024 11:47:56

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.07.2024

Bản tin 24h 24-07-2024 11:47:56

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TƯGH gửi thư chia buồn về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần; Hà Nội: Đoàn Ủy Ban MTTQVN TP dự Lễ tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thực tập hạnh Bồ Tát trong từng phút giây.
1162 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.07.2024

Bản tin 24h 23/07/2024 11:24:38

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.07.2024

Bản tin 24h 23-07-2024 11:24:38

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Phật giáo các địa phương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; TP.HCM: Lễ truy niệm, phụng tống kim quan cố Hòa thượng.Thích Huệ Trí; Kết quả ban đầu triển khai thí điểm Hệ thống Dữ liệu Tăng Ni, Phật Tử.
5262 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.07.2024

Bản tin 24h 22/07/2024 08:46:04

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.07.2024

Bản tin 24h 22-07-2024 08:46:04

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Thông cáo đặc biệt về lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; TP.HCM: Lễ nhập kim quan cố Hòa thượng.Thích Huệ Trí; Tăng Ni trẻ vun bồi đạo hạnh.
3532 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 19.07.2024

Bản tin 24h 20/07/2024 09:15:45

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 19.07.2024

Bản tin 24h 20-07-2024 09:15:45

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 19.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần; TP.HCM: Trang nghiêm tưởng niệm cố Đại lão Hòa thượng. Thích Thiện Hào; Lời dạy của Đức Phật về 5 đức của người thuyết pháp
1457 lượt xem 0 Bình luận