Bản tin Bchannel – An Viên 24H 01.05.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 01.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Mở rộng thí điểm hệ thống Quản lý Tăng ni, Phật tử quốc gia; Du lịch Điện Biên hướng tới phát triển bền vững; Tạo thói quen tiết kiệm điện qua triết lý Thiểu dục Tri thức.
Mở rộng thí điểm Hệ thống quản lý Tăng Ni, Phật tử quốc gia
Sau 1 thời gian triển khai thí điểm tại tỉnh Bắc Ninh, trong tháng 5 này, Hệ thống quản lý Tăng Ni, Phật tử Quốc gia tiếp tục mở rộng ở nhiều địa phương. Qua đó, giúp đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện hệ thống trước khi áp dụng toàn quốc.
Với mục tiêu áp dụng công nghệ số vào thực hiện quản lý thông tin Tăng Ni, Phật tử; tối ưu hóa việc thực hiện hồ sơ, thủ tục giấy tờ; Hỗ trợ Phật tử trong việc ghi danh Quy y Tam bảo và theo dõi các hoạt động Phật sự. Sau 9 tháng triển khai, HĐTS phối hợp với Bộ Công an đã giới thiệu Hệ thống quản lý Tăng Ni, Phật tử Quốc gia nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong hành chính Giáo hội. Với 3 trụ cột gồm: ứng dụng “VNPHATTU”, website Cổng hành chính điện tử và website Hệ thống Quản lý Tăng, Ni, Phật tử, Hệ thống đang được thí điểm tại Bắc Ninh và sẽ mở rộng đến Phật giáo Hà Nam, Thái Nguyên và Hải Dương. Điều này giúp đơn vị thực hiện có thể ghi nhận các ưu, nhược điểm, tiếp tục hoàn thiện trước khi áp dụng toàn quốc trong tương lai.
Tích cực triển khai chuyển đổi số trong Hành chính Giáo hội
Việc mở rộng thí điểm Hệ thống quản lý Tăng Ni, Phật tử Quốc gia là một trong nhiều hoạt động của Giáo hội các cấp nhằm triển khai công tác chuyển đổi số. Và dù mới bước đầu thực hiện nhưng đã có những kết quả rất đáng khích lệ.
Bắc Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm Hệ thống quản lý Tăng Ni, Phật tử Quốc gia. Dù mới bước đầu thực hiện nhưng chư tôn đức đã nhận thấy sự thuận lợi, giúp việc quản lý hành chính Giáo hội được thông suốt và hiệu quả hơn.
Là chủ trương quan trọng của Giáo hội, Phật giáo nhiều địa phương đang dần số hóa việc quản lý dữ liệu Tăng, Ni. Tuy nhiên, do khối lượng khá lớn nên 1 số tỉnh thành đang đề ra lịch trình cụ thể nhằm từng bước phổ biến đến các đơn vị, đặc biệt là việc triển khai ứng dụng VNPHATTU.
Đây chính là bước đi, giúp việc quản lý hành chính Giáo hội đồng bộ với Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư. Qua đó, tạo tiền đề để GHPGVN từng bước chuyển mình, phù hợp với sự phát triển của thời đại 4.0.
CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG
200 đại biểu là chức sắc, chức việc và thành viên ban quản lý cơ sở tự viện, cán bộ làm công tác quản lý tín ngưỡng, tôn giáo đã tới tham dự hội nghị Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo năm 2024 do UBND xã Bình Định, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Qua đó nâng cao nhận thức và góp phần thực hiện tốt trong thời gian tới.
Tại An Giang, Ban Tuyên giáo huyện Chợ Mới vừa tổ chức hội nghị thông tin thời sự thời gian gần đây để các chức sắc, chức việc Tôn giáo, cán bộ hưu trí và văn nghệ sĩ thực hiện tốt công tác tuyên truyền tới người dân nhằm nâng cao lòng tự hào dân tộc, nhất là trong dịp lễ 30/4 – 01/5.
CỤM TIN TỪ THIỆN
Với tấm lòng của những người con Phật, những ngày vừa qua, GHPGVN đã tổ chức các đợt từ thiện giúp đỡ bà con nghèo có hoàn cảnh khó khăn đúng với tinh thần từ bi, lợi đạo ích đời.
Tại Campuchia, Đoàn hệ phái Khất sĩ Việt Nam do TT. Giác Hoàng – Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Chánh Thư ký Hệ phái Khất sĩ làm trưởng đoàn đã đến thăm và tặng 350 phần quà cho bà con Việt Nam khó khăn, sống lênh đênh trên Biển Hồ Tonle Sap. Chư tôn đức đã động viên bà con luôn cố gắng làm ăn, học hành, không ngừng vươn lên trong cuộc sống.
Trong khi đó Đại đức Thích Nguyên Thông, Phó Trưởng ban Thường trực ban Từ thiện xã hội GHPGVN tỉnh Đồng Nai, trụ trì thiền tự Phước Quang cùng đoàn từ thiện đã lần lượt tới huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre và huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An tặng bà con khó khăn 1 nghìn bình nước 20 lít cùng 500 thùng nước suối, 200 thùng mì với tổng trị giá 86 triệu đồng.
Còn tại Tp.HCM nhóm từ thiện Simi đã tham gia Chương trình từ thiện tại bệnh viện nhi đồng 2 (quận 1), trao bánh ướt, nước ngọt đến đến các gia đình khó khăn nhằm động viên bệnh nhân vượt qua bệnh tật. Được biết, nhóm hoạt động từ tháng 10/2023 đến nay, mỗi tuần nhóm phát 500 phần quà gồm thức ăn và nước uống vào thứ hai hằng tuần.
Mang nước ngọt xoa dịu “cơn khát” vùng hạn mặn
Những ngày này, về vùng cuối nguồn Ngọt hóa Gò Công, không khó để bắt gặp hình ảnh những đoàn từ thiện mang theo nước ngọt xoa dịu cơn khát của bà con vùng hạn mặn nơi đây. Đồng hành trên hành trình yêu thương đó, có những người đệ tử đức Phật rong ruổi khắp các thôn xóm mang nước ngọt và trái tim từ bi để tưới mát lòng dân, làm cho nghĩa tình mùa hạn, mặn thêm đong đầy.
Trong cái nắng như đổ lửa, chư ni Phân ban ni giới TƯGH có mặt tại các xã Gia Thuận, xã Tân Phước, xã Kiểng Phước, xã Tân Điền huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang để trao tận tay nước ngọt tới bà con. Có hiện diện thế này, mới cảm nhận được hết nỗi khó khăn, vất vả của người dân khi hơn 1 tháng nay phải sống trong cảnh thiếu nước.
60 mét khối nước uống tinh khiết được trao tặng, dù không đáng là bao so với nhu cầu cấp thiết của người dân, nhưng cũng đủ để mang đến niềm vui, sự phấn khởi cho bà con vùng hạn mặn. Mỗi giọt nước được trao tặng là tình người lúc gian khó được sẻ chia, mang những dòng nước mát xoa dịu nắng nóng, xoa dịu lòng người trong mùa khô hạn.
Cuộc chiến ứng phó với hạn, mặn đang bước vào giai đoạn cam go nhất. Cũng chính lúc này, vẫn luôn có những con người với trái tim nhân ái, ngày đêm chở sự tử tế và niềm yêu thương đi khắp các nẻo đường đến với bà con, góp phần lan toả những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
CỤM TIN QUỐC TẾ
Tại Đài Loan, Trung Quốc, các tự viện đang dần thay thế bóng đèn truyền thống bằng thiết bị điện sử dụng năng lượng mặt trời, thể hiện nỗ lực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Thành phố Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc) đã hướng dẫn các tự viện thay thế hoàn toàn bóng đèn truyền thống bằng đèn led sử dụng năng lượng mặt trời, giảm thiểu khí thải carbon, thân thiện với môi trường. Sau khi áp dụng, lượng điện tiêu thụ đã giảm 50% và nhận được ủng hộ của đông đảo Tăng Ni, Phật tử. Bên cạnh đó, việc đốt hương, vàng mã cũng được cắt giảm, lan tỏa trách nhiệm và thông điệp tích cực về lối sống xanh trong cộng đồng.
Còn tại Hàn Quốc, cũng với ý nghĩa bảo vệ môi trường, các tự viện tổ chức Lễ hội Vẽ đèn lồng, nhằm bảo vệ các loài sinh vật và Trái đất. Tại đây, Chư tôn đức đã thuyết giảng lời dạy của Đức Phật về tôn trọng sự sống, bảo vệ muôn loài, đồng thời đưa ra các nguyên tắc để chung sống hài hòa với thiên nhiên. Thời gian tới, các tự viện tiếp tục vận động Phật tử hạn chế sử dụng sản phẩm dùng một lần, quyên góp quần áo và sách vở không dùng đến, sử dụng vật liệu tái chế.
Du lịch Điện Biên hướng tới phát triển bền vững
Cả nước đang hướng về Điện Biên với lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Và “Điện Biên” đang là từ khóa được tìm kiếm nhiều trên Google với 304 triệu kết quả trong 0,4 giây. Nhiều khán giả cũng tò mò rằng liệu Điện Biên ngoài những di tích lịch sử thì có gì mà hấp dẫn vậy.
Đến với tỉnh Điện Biên, khắp các bản làng đều thấy thấp thoáng những nếp nhà sàn của người Thái. Điện Biên có 19 dân tộc anh em, dân tộc Thái có số dân đông nhất, chiếm hơn 38% dân số toàn tỉnh. Giờ đây, ngôi nhà sàn không chỉ là nơi lưu giữ văn hóa cội nguồn dân tộc Thái mà còn để kinh doanh du lịch. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, tạo thành yếu tố cuốn hút riêng cũng là cách để phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại Điện Biên.
Để tạo cảnh quan phục vụ du lịch, người dân nhiều bản làng tại Điện Biên đã tập trung làm con đường đá trong bản, dựng cầu tre, bố trí nhiều bồn hoa cây cảnh, lắp đường điện, làm cọn nước, dọn dẹp vệ sinh, cảnh quan thoáng đãng, xanh mát… Bên cạnh đó, các nguyên vật liệu sử dụng đa số bằng mây, tre, nứa, gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường và tận dụng nét đặc trưng như trang trí thổ cẩm. Và chắc chắn, muốn du lịch phát triển bền vững thì không chỉ từ phía người dân, người kinh doanh mà mỗi du khách cũng cần chung tay.
Với tiềm năng là Quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ bao gồm các điểm di tích chính như: Đồi A1; Hầm Đờ Cát; Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng; Hận thù Noong Nhai; Di tích Đồi E, đồi D, Đồi Him Lam,…; đây là yếu tố khởi điểm cho phát triển du lịch của Điện Biên. Bởi hầu hết các đoàn khách khi lựa chọn đến với Điện Biên đều mang tính chất về nguồn. Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã thực hiện nhiều giải pháp; từ việc đầu tư để trùng tu, tôn tạo và cải tạo di tích cho đến nâng cao kiến thức lịch sử cho đội ngũ làm du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ du lịch.
Một trong những điểm đến nổi bật là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ – công trình có kiến trúc hiện đại; hình dáng bên ngoài được thiết kế là hình chiếc mũ nan phủ lưới ngụy trang của Chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Phần trưng bày được bố trí ở tầng một của Bảo tàng với diện tích rộng 1.250m2 với gần 1.000 tài liệu, hiện vật, ảnh, bản đồ, được đánh giá là một trưng bày hiện đại, khoa học và mỹ thuật với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến. Điểm nhấn của Bảo tàng là Bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là bức tranh lớn nhất Đông Nam Á và là một trong ba bức tranh lớn nhất trên thế giới; được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan, với 4.500 nhân vật cùng phong cảnh núi rừng; tất cả đã tái hiện trọn vẹn, liền mạch các trận đánh tiêu biểu theo diễn biến của chiến dịch Điện Biên.
Bên cạnh đó, du lịch tâm linh tại Điện Biên cũng đang trên đà phát triển, với các điểm đến như: Chùa Linh Quang, Chùa Linh Sơn, chùa Linh Ứng đang xây dựng, Đền Hoàng Công Chất, các Nghĩa trang liệt sỹ và Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh,… Đến với những chốn thiêng liêng này, du khách mong cầu tìm về sự thanh tịnh, an yên.
Năm 2024 này, Điện Biên còn tổ chức Năm Du lịch quốc gia Điện Biên có chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ-Trải nghiệm bất tận” gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954/7-5-2024). Từ đó, thúc đẩy các sản phẩm du lịch cũng như du khách đến với Điện Biên. Các công ty lữ hành cũng mở nhiều tour du lịch với các hình thức khác nhau để mang đến trải nghiệm hữu ích cho du khách về vùng Tây Bắc Tổ quốc.
Mới đây, tại Điện Biên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững”. Theo đó, Điện Biên sẽ hướng tới phát triển du lịch bền vững, có tính đến đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại – tương lai, vừa đáp ứng được nhu cầu của du khách và sự phát triển của ngành, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và các yêu cầu của cộng đồng địa phương. Điện Biên là tỉnh có nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn. Bởi vậy điều quan trọng là phải làm nổi bật lên những giá trị tiềm ẩn ấy để phát triển du lịch. Phát triển du lịch Điện Biên vì thế cần có định hướng cụ thể, tạo nên sự riêng biệt từ những sản phẩm độc đáo, riêng có.
Tính đến hết năm 2023, Điện Biên có 33 di tích văn hóa vật thể được xếp hạng (trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 14 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh); và 18 di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Với những tiềm năng, lợi thế riêng có, ngành du lịch Điện Biên có nhiều cơ hội phát triển bền vững. Về lâu về dài, hi vọng rằng Điện Biên sẽ gỡ “nút thắt” khiến tiềm năng chưa được khai phá; để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
CỤM TIN VĂN HÓA
Trong không khí tưng bừng của cả nước chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tối hôm qua 30/4, TP.HCM đã tổ chức chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật, rực sáng trời đêm.
Hàng chục ngàn người đã đổ về khu vực công viên Bến Bạch Đằng (quận 1), công viên bờ sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) và các tuyến đường quanh Đường hầm sông Sài Gòn để chờ xem bắn pháo hoa mừng “lễ thống nhất”. Ngoài ra, năm nay, TP.HCM còn tổ chức bắn pháo hoa tại 4 điểm tầm thấp, gồm: Khu biệt thự Thảo Điền, Khu đô thị Vạn Phúc (TP Thủ Đức), Khu Công nghiệp Tây Bắc (huyện Củ Chi) và Công viên văn hoá Đầm Sen (quận 11).
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa cho biết trong tháng 4 vừa qua lượng khách quốc tế vẫn duy trì ở mức tốt, đạt trên 1,5 triệu lượt. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm ngoái. So sánh với trước dịch covid-19, tổng lượng khách quốc tế 4 tháng đầu năm nay cao hơn 3,9%, cho thấy sự phục hồi và phát triển rất tốt của thị trường du lịch Việt Nam.
Đúng vào dịp lễ 30/4 năm nay, khu du lịch Núi Bà Đen đã cán mốc 3 triệu lượt đi cáp treo tính từ đầu năm đến nay. Núi Bà Đen vào dịp nghỉ lễ trở thành điểm đến lý tưởng với nhiều hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật độc đáo qua các di sản văn hóa phi vật thể cùng nếp sống sinh hoạt bình dị của người dân cũng trở thành những trải nghiệm mới lạ cho du khách đến Tây Ninh.
Tác động của El Nino mạnh nhất trong hơn 70 năm
Đầu năm đến nay, cả nước đã hứng chịu nhiều đợt nắng nóng gay gắt, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của hàng triệu người. Theo các chuyên gia, điều này do tác động của hiệu ứng El Nino, và thậm chí, hình thái thời tiết này đang có diễn biến mạnh nhất trong hơn 70 năm qua.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, hiệu ứng El Nino đang có hoạt động mạnh nhất kể từ năm 1950 cho đến nay. Điều này khiến nhiệt độ đại dương tăng cao, gây những cơn sóng nhiệt càn quét nhiều khu vực trên thế giới. Như tại Philippines, 1 số địa phương đang hứng chịu đợt nắng nóng lên đến 53 độ C khiến phải ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp. Theo tính toán của Liên Hợp Quốc, khoảng 40 đến 50 triệu người ở 16 quốc gia hiện đang bị ảnh hưởng bởi El Nino. Tại Việt Nam, những ngày qua cả nước ghi nhận 32 khu vực có nền nhiệt trên 38 độ C, trong đó 1 số địa phương có mức nắng nóng đặc biệt gay gắt trên 40 độ C như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị,… ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Ngành điện chịu áp lực lớn vì nắng nóng
Theo Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương, do nắng nóng, lượng điện tiêu thụ của toàn quốc trong những ngày qua ghi nhận những kỷ lục mới, đạt gần 947 triệu kW giờ. Riêng miền Bắc tăng hơn 31,7 triệu kW giờ mỗi ngày. Tính từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ điện trên cả nước tăng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đang gây áp lực lớn đến ngành điện khi mà tình hình hạn hán, lượng mưa giảm diễn ra trên toàn quốc.
Hiện các đơn vị đang nỗ lực xây dựng các phương án, kế hoạch cho mùa nắng nóng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 7. Trong đó, tập trung vận hành hiệu quả, huy động hết công suất các Nhà máy điện; rà soát, đa dạng hóa nguồn điện, đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Cùng với đó, các địa phương phải xây dựng phương án sử dụng điện hiệu quả; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tiết kiệm điện.
Theo dự báo, lượng tiêu thụ điện trong mùa hè năm 2024 sẽ tiếp tục ghi nhận những kỷ lục mới do nắng nóng. Bởi thế, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm trong mỗi cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình là giải pháp để kiểm soát, giảm sản lượng điện năng tiêu thụ, tránh quá tải cục bộ cho hệ thống. Và đây cũng chính là cách tiêu dùng thông minh, tiết kiệm chi tiêu cho các hộ gia đình trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn.
Giảm lượng tiêu thụ điện là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn năng lượng quốc gia, hướng đến việc bảo vệ môi trường. Cũng bởi thế, tiết kiệm điện phải thật sự trở thành thói quen, thể hiện trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đông.
Tạo thói quen tiết kiệm điện qua triết lý Thiểu Dục Tri Túc
Dù Bộ Công thương đã cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu điện trong mùa hè năm nay. Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của thời tiết thì trường hợp xấu nhất vẫn có thể xuất hiện. Bởi vậy, nâng cao ý thức tiết kiệm điện cho người dân là điều mà các đơn vị, địa phương đang tích cực triển khai. Trong hành trình đó, GHPGVN luôn kêu gọi chư Tăng, Ni, Phật tử thực hiền, gắn với lời dạy về thiểu dục tri túc của Đức Thế tôn.
Thời gian qua, chùa Nam Hải – Trụ sở BTS GHPGVN TP. Hải Phòng đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ nhu cầu tu học hàng ngày. Điều này không chỉ giúp chùa giảm thiểu chi phí vận hành mà còn bổ sung nguồn năng lượng cho lưới điện thành phố.
Câu chuyện của chùa Nam Hải chỉ là 1 ví dụ cho sự chủ động, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo mà nhiều tự viện đang thực hiện. Cùng với đó, qua mỗi thời giảng pháp, chư tôn đức cũng lồng ghép tuyên truyền, nâng cao ý thức tiết kiệm điện gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hành động này cũng phù hợp với triết lý thiểu dục tri túc, giúp mỗi người hiểu việc tiết kiệm năng lượng cũng là thực hành lời Phật dạy.
Tiết kiệm điện không chỉ là hành động trong chốc lát mà phải được duy trì thành thói quen của mỗi người, từ đó lan tỏa đến xã hội. Và với triết lý nhân bản, hướng tới cộng đồng, GHPGVN đang tiên phong thực hiện việc làm ý nghĩa này. Chắc chắn, với sự góp sức của chư Tăng, Ni, Phật tử, việc nâng cao nhận thức của xã hội về tiết kiệm năng lượng sẽ còn được lan tỏa hơn nữa.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 01.05.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
9 lượt thích 0 bình luận