Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.01.2024

03/01/2024 09:14:40 814 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.01.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ban Từ thiện xã hội TƯGH thăm và làm việc với BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa; Thiền phái Liễu Quán – Lịch sử hình thành và phát triển; Lan tỏa lịch sử Việt Nam qua Festival Huế 2024.

Thanh Hóa: Ban Từ thiện xã hội TƯGH thăm BTS GHPGVN tỉnh

Chiều ngày 2/1, đoàn ban TTXH TƯGH do Hoà thượng Thích Quảng Tùng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TTXH TƯGH làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa.

Tại chùa Đại Bi, chư tôn đức ban Từ thiện Xã hội TƯGH đã trao đổi, thống nhất với BTS GHPGVN tỉnh Thanh Hóa kế hoạch tổ chức buổi Tọa đàm về công tác Từ thiện, an sinh xã hội năm 2024. Cùng với đó, là kế hoạch trao quà ở 8 huyện khó khăn trên địa bàn.

Đáp từ, Thượng toạ Thích Tâm Hiền, Phó BTS GHPGVN tỉnh báo cáo tình hình hoạt động phật sự của tỉnh nhà, đồng thời nhấn mạnh các kết quả về từ thiện xã hội đạt được trong năm vừa qua.

Dịp này, đoàn Ban Từ thiện – Xã hội TƯGH  trao quà cho các hộ gia đình khó khăn tại tỉnh Thanh Hóa với tổng số tiền dự kiến khoảng 1 tỷ 420 triệu đồng.

Cụm tin Phật sự

Đồng Nai: Tưởng niệm Tổ sư Linh Nhạc – Phật Ý

Tổ sư Linh Nhạc – Phật Ý sinh năm 1725, viên tịch năm 1821, đời thứ 35 dòng truyền thừa Đạo Bổn Nguyên, phái Lâm Tế. Trong cuộc đời hoằng pháp, tiếp Tăng độ chúng, Tổ đã đào tạo ra nhiều thế hệ cao Tăng danh chấn tòng lâm. Nơi hương án trang nghiêm, đối trước di ảnh Tổ Linh Nhạc – Phật Ý và linh vị chư vị Tổ sư, chư tôn Trưởng lão Hòa thượng HĐCM, chư tôn giáo phẩm HĐTS thành kính dâng hương tưởng niệm, tụng kinh cúng dường và nhất tâm đảnh lễ tri ân công đức sâu dày của chư vị Tổ sư.

Bình Định: Phân Ban GĐPT tổng kết Phật sự 2023

Cùng thời gian này tại Bình Định, Phân ban GĐPT GHPGVN tỉnh đã kết công tác Phật sự 2023, đề xuất phương hướng hoạt động 2024. Hiện toàn tỉnh có 38 đơn vị GĐPT với 263 huynh trưởng với 1135 đoàn sinh. Trong năm qua, Phân ban đã tổ chức các khóa tu học Bậc lực, kỷ niệm ngày Dũng, ngày Hạnh truyền thống, ủng hộ công tác từ thiện với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Thời gian tới, Phân ban tập trung thành lập các đơn vị GĐPT mới, tái sinh hoạt các đơn vị GĐPT ngưng hoạt động, tổ chức hoạt động kết nối tình lam.

Nhìn lại những dấu ấn của khóa tu “Một ngày an lạc”

Những ngày đầu năm 2024 cũng là khoảng thời gian Phật giáo các địa phương nhìn lại 1 năm hoạt động đã qua. Như tại tỉnh Bình Thuận, 9 khóa tu Một ngày An lạc đã thực sự trở thành ngày hội, giúp hàng nghìn Phật tử tăng trưởng đạo tâm, tìm được sử bình yên dưới ánh sáng Phật Đà.

Dù mới tổ chức từ đầu năm 2023, nhưng nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Thuận và Ban Trị sự GHPGVN huyện Hàm Thuận Bắc mà chư tôn đức đã luôn cố gắng phấn đấu, nỗ lực không ngừng để mở những chuyến xe 0 đồng, mỗi tháng 1 lần, luân phiên đến các tự viện trên địa bàn để tổ chức khóa tu “Một ngày An Lạc”. Qua 9 lần thực hiện, Khóa tu đã trở thành nhịp cầu, tạo duyên cho quý Phật tử gần xa về các đạo tràng để học lời Phật dạy.

Với nhiều nội dung thiết thực, bổ ích như nghe pháp, tụng kinh cầu Quốc Thái Dân An, Niệm Phật Kinh hành, quý Tu sinh được hiểu rõ những ý nghĩa và giá trị của giáo pháp. Từ đó, những suy nghĩ chánh niệm được nảy mầm và áp dụng trong đời sống thường nhật.

Ở khóa tu Một ngày An Lạc lần thứ 9 vừa qua, quý Phật tử đã dâng lời cảm niệm, tri ân sâu sắc đến chư tôn đức. Dịp này, Ban Trị sự GHPGVN huyện Hàm Thuận Bắc cũng tuyên đọc quyết định và trao Bằng Tuyên dương công đức đến tập thể, cá nhân có những đóng góp trong công tác Hoằng pháp trên địa bàn trong suốt thời gian qua. Và chắc chắn, từ những thành tựu của năm cũ, Khóa tu Một ngày An Lạc sẽ giúp nhiều người dân noi theo lời dạy của Đức Phật để tìm được sự an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày.

Lưu giữ Di tích thời kháng chiến

Do chiến tranh, cùng với sự thăng trầm của đất nước, nhiều ngôi chùa cổ được ông cha xây dựng từ hàng trăm năm trước đã bị tàn phá. Do đó, việc trùng tu, tôn tạo những ngôi tự viện ấy là điều cần thiết để chư Tăng Ni, phật tử có nơi tu tập, nương theo giáo lý của đạo Phật để sống tốt đời, đẹp đạo. Đó cũng là cách để thế hệ sau giữ gìn và phát huy sinh hoạt tâm linh xa xưa của ông cha.

Chùa Ba Đông là một ngôi chùa cổ có giá trị tâm linh to lớn đối với người dân làng Ba Đông, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây từng lưu trữ và in ấn tài liệu của Đảng, nuôi dưỡng, che giấu cán bộ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, trải qua chiến tranh và thời gian, chùa bị tàn phá hoàn toàn khiến người dân nơi đây vô cùng xót xa.

Thấu hiểu niềm mong mỏi, ước mơ về một ngôi tam bảo khang trang, điểm tựa tâm linh vững chắc, chùa Ba Đông đã được khởi công, xây dựng lại, mang đến niềm vui, sự phấn khởi cho người dân và phật tử địa phương.

Sau nhiều năm, ước mơ về 1 ngôi Tam bảo khang trang của bà con Phật tử địa phương đã thành hiện thực. Chùa Ba Đông được trùng tu, tôn tạo không chỉ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương, mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa  tín ngưỡng của cha ông, tạo thuận lợi cho Tăng chúng và tín đồ Phật tử an tâm tu học.

Trùng tu, tôn tạo, xây dựng các ngôi tự viện gắn với lịch sử cách mạng là một trong những Phật sự mà GHPGVN luôn quan tâm, chú trọng. Đó là niềm mong mỏi không chỉ của chư tăng ni, phật tử mà còn là cách để gìn giữ những giá trị tâm linh, lan tỏa giáo lý của đạo Phật đến gần hơn với mọi người.

Cụm tin từ thiện

Long An

Sáng ngày 01/01, chùa Tân Phước, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã tổ chức “Phiên chợ 0 đồng” hỗ trợ nhiều loại thực phẩm như: Rau, dầu ăn, đường, bột ngọt, gạo, mì… cùng các nhu yếu phẩm khác. Nhân sự kiện này, chùa phối hợp các nhóm thiện nguyện trao 400 phần quà đến người khiếm thị và người neo đơn, giúp bà con có điều kiện sống tốt hơn dịp năm mới 2024.

Kon Tum

Còn tại tỉnh Kon Tum, chùa Tháp Kỳ Quang, huyện Đăk Hà, phối hợp cùng nhóm thiện nguyện “Trái tim đến trái tim” đến từ TP.HCM trao tặng 80 suất quà từ thiện cho quý Phật tử neo đơn khó khăn. Tặng phẩm gồm các nhu yếu phẩm với tổng trị giá 24 triệu đồng. Cùng ngày đoàn còn trao 20 suất quà đến bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà.

“Cánh én yêu thương” nơi đại ngàn 

Hỗ trợ trẻ em và người dân khó khăn, nhất là trong dịp Tết đến Xuân về, luôn được Phật giáo các cấp cùng các mạnh thường quân trên khắp mọi miền Tổ quốc quan tâm. Tích tiểu thành đại, mỗi người một chút sẽ giúp bữa cơm ngày Tết đủ đầy hơn.

Vượt cái lạnh của mùa đông nơi đại ngàn, vượt đường xá xa xôi, 250 phần quà gồm áo khoác, sữa tươi, vở, ba lô, một số nhu yếu phẩm khác đã được trao tận tay đến các em học sinh trường Tiểu học Lê Hồng Phong, xã Quảng Tín, huyện Dak Rlap, tỉnh Đắk nông. Không chỉ vậy, các em còn tham gia các trò chơi do các thành viên nhóm Tâm Thiện tổ chức. Còn tại bon Ol Butung xã Quảng Tín, 150 phần quà được nhóm Tâm Thiện trao tặng cho bà con gồm nhu yếu phẩm và quần áo mới. Bà con ai nấy đều vui mừng, phấn khởi, đặc biệt là khi Tết Nguyên đán đã gần kề.

Chương trình “Cánh én yêu thương” được nhóm Tâm Thiện (TP.HCM) tổ chức thường niên vào dịp cuối năm. Năm nay, nhóm chọn xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp để thực hiện chương trình, bởi đây là địa phương có đông đồng bào dân tộc, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn.

Số quà trao đợt này là 400 phần với tổng tiền trên 100 triệu đồng. Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân, nhưng nhiều cánh én cùng hợp sức, sẽ giúp cho bà con đồng bào vùng sâu, vùng xa nơi đại ngàn đón Tết ấm cúng, sum vầy.

Bếp cơm mãn tự đồng hành cùng người nghèo

Với sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM, Bếp cơm buffet chay Mãn Tự đã được ra đời. Duy trì hoạt động suốt 6 năm qua, bếp cơm đem lại hàng ngàn suất ăn nghĩa tình mỗi ngày cho bà con nghèo. Từ đó không ngừng lan tỏa tình yêu thương của những người con Phật nơi thành phố phương Nam.

Đều đặn 2 bữa một ngày, bữa trưa và bữa tối, bếp cơm Mãn Tự (quận 1, TP.HCM) lại tấp nập, rộn ràng không khí chuẩn bị nguyên liệu. Tất cả rau củ quả được chọn lọc kỹ càng, để hàng ngày đem đến hơn 2000 suất ăn chay giàu dinh dưỡng. Thực đơn đa dạng, phong phú, được thay đổi hàng ngay, vừa gieo duyên ăn chay, vừa san sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền cho những hoàn cảnh khốn khó.

Bếp cơm mở cửa chào đón tất cả mọi người, không phân biệt hoàn cảnh, công việc, giàu nghèo… Ai cũng được trả tiền tùy tâm, vì thế mọi người đều cảm thấy bình đẳng qua bếp cơm ấm cúng này. Có những người đã dùng cơm chay ở đây nhiều năm qua, cảm thấy ấm lòng với tình cảm của những người con Phật.

Giữa nhịp sống hối hả, những hình ảnh an yên như thế này, chính là những nguồn năng lượng tích cực, làm xã hội thêm tin tưởng vào tình người và giá trị tốt đẹp. Thời gian tới, bếp chay Mãn Tự mong muốn mở rộng hơn nữa tại các quận huyện trong địa bàn TP, san sẻ khó khăn cùng bà con nghèo.

Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển

Thiền sư Liễu Quán, là vị Tổ đã khai sáng dòng thiền cùng tên kể từ thế kỷ 18, mà tư tưởng đại diện cho Phật giáo thời Hậu Lê lúc bấy giờ. Cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài là một tấm gương sáng, ảnh hưởng sâu rộng đối với Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, Ngài là nhân vật đặc biệt, quan trọng lãnh đạo Phong trào Phục hưng Phật giáo ở đàng Trong, cũng như góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Ngài là điểm son đánh dấu sự đổi mới dòng thiền Lâm Tế. Dù đã trải dài hơn 270 năm nhưng Đạo mạch do Tổ khai sáng, không những đã tỏa rộng khắp mọi miền đất nước, mà còn lan đến nhiều Châu lục trên thế giới.

Từ khoảng giữa thế kỷ thứ 16 đến cuối thế kỷ thứ 18, Đại Việt chia làm Đàng Trong và Đàng Ngoài với sông Gianh làm địa giới. Sự phân tách hành chính khiến đời sống văn hóa xã hội có ít nhiều khác biệt. Trong đó, ở Đàng Trong, sự di cư của cộng đồng Minh Hương khiến văn hóa khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của Phương Bắc. Điều này diễn ra trong thế kỷ thứ 16 và Phật giáo cũng không năm ngoài trào lưu này. Trước tình hình đó, một vị thiền sư lỗi lạc đã đứng lên, thành lập một dòng thiền Phật giáo mới mang bản sắc thuần Việt, và dòng truyền thừa đó được gọi là dòng Lâm Tế Liễu Quán.

Thiền sư Liễu Quán họ Lê, húy là Thiệt Diệu, pháp tự là Liễu Quán, tại làng Bạc Mã, huyện Đông Xuân, tỉnh Phú Yên. Ngài được Hòa thượng Minh Hoằng Tử Dung truyền pháp, kế thừa tông Lâm Tế đời thứ 35, pháp húy Thiệt Diệu, sau này môn nhơn gọi Ngài là Tổ Thiệt Diệu Liễu Quán. Từ đây, một phái thiền mới thuộc dòng thiền Lâm Tế đã được khai sáng ở Thuận Hóa, thiền phái Liễu Quán. Nối tiếp truyền thống Trúc Lâm ở Yên Tử, một lần nữa, khát vọng Việt hóa lại được thực hiện. Sự kết hợp hài hòa giữa các dòng thiền Lâm Tế và Tào Động với tinh thần yêu nước, vì dân tộc trong bối cảnh đất nước, đời sống nhân dân bất ổn trước cuộc tranh vương quyền của chúa Trịnh – chúa Nguyễn.

Sự ra đời của dòng thiền Liễu Quán đã đáp ứng được nhu cầu của phần lớn người Việt lúc này, và Liễu Quán nhanh chóng trở thành dòng triết lý chính yếu cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật và chính trị của đất nước. Dòng thiền Liễu Quán được coi là đã tiếp tục truyền thống của dòng thiền Trúc Lâm, bởi cả hai đều mang yếu tố thuần Việt, do người Việt sáng lập, thoát khỏi mọi ràng buộc của văn hóa nước ngoài.

Thêm một yếu tố giúp cho thiền phái Liễu Quán trở nên đặc sắc trong giai đoạn lịch sử đó là thay vì câu nệ vào giáo lý và văn tự, người tu tập theo thiền phái tập trung vào việc tham cứu chân tâm và định hướng tu tập theo điều chân thật. Khi đã thấu suốt tự tâm, hành giả tiếp tục thực hiện các hoạt động Phật giáo, tùy theo duyên của mỗi người.

Đọc thi kệ Thị tịch của Tổ sư Thiệt Diệu – Liễu Quán, thấy Tổ đã chỉ rõ, Ngài từ đâu đến và đi về đâu.

Kệ rằng:

“Thất thập dư niên thế giới trung

Không không sắc sắc diệc dung thông

Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý

Hà tất bôn mang vấn Tổ tông”.

Nghĩa là:

“ Hơn bảy mươi năm giữa cõi đời

Không không sắc sắc thảy dung thông

Sáng nay nguyện mãn về quê cũ

Nào phải bôn ba hỏi Tổ Tông”.

Bài kệ thị tịch của Tổ sư Liễu Quán vừa có tính tác dụng giác tỉnh nội quán, để thể chứng pháp thân thường trú hay thể tính không, bất sinh, bất diệt, nơi tự tâm và vạn hữu, đồng thời cảnh báo cho học trò và những thế hệ tiếp sau, đừng rong ruổi tìm cầu bên ngoài, mà luống uổng công phu tu tập và đồng thời cũng cảnh báo cho những người lãnh đạo xã hội đương thời, không nên biến Tổ tông trở thành một công cụ sắc thanh, danh tướng để phục vụ cho thời đại, mà cụ thể là danh tướng cho bản ngã của chính mình.

Đóng góp lớn nhất của thiền phái Liễu Quán đối với Phật pháp là phát triển mạnh mẽ hệ thống truyền thừa khắp xứ Huế và lan rộng đến các tỉnh miền Nam. Nhờ những thiền sư của thiền phái này mà nhiều ngôi chùa được xây dựng, tu bổ làm cơ sở cho Tăng Ni tu học, nơi nương tựa tinh thần cho người dân buổi đầu khai khẩn vùng đất phía Nam. Sự phát triển này là nhờ các hàng hậu học noi theo gương sáng của Thiền sư Liễu Quán. Hành trình hoằng đạo, thuyết pháp độ sanh của Thiền sư không biết mỏi mệt, Ngài vân du khắp nơi, từ Phú Xuân đến Phú Yên và ngược lại. Đạo đức và danh tiếng của Ngài vang vọng khắp chốn, đệ tử thọ giới với Ngài kể cả xuất gia và tại gia gần 4.000 người, trong số xuất gia có 49 vị đắc pháp nổi tiếng.

Sự ra đời của Thiền phái Liễu Quán không chỉ đáp ứng nhu cầu của thời đại mà còn để lại ảnh hưởng sâu rộng đến ngày nay. Trong hơn 300 năm tồn tại, Thiền phái Liễu Quán không ngừng phát triển, lan tỏa Phật pháp, không chỉ tại Huế mà trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam, và nước ngoài.

Tại hải ngoại, chư Tăng thiền phái Liễu Quán đã có nhiều đóng góp thiết thực cho sứ mệnh truyền bá Chánh Pháp như: Tổ chức lễ quy y, Sáng lập Hội sinh viên và Kiều bào Phật tử Việt Nam, Xây dựng chùa làm trung tâm Văn hóa Phật Giáo Việt Nam giúp bà con xa xứ không chỉ đi chùa lễ Phật, mà còn được học tiếng nói, chữ viết quê hương, từ đó góp phần gìn giữ nét văn hóa Việt. 

Nhờ dòng Thiền thuần Việt Lâm Tế Liễu Quán mà từ kiến trúc, lễ nhạc mang màu sắc Phật giáo Trung Quốc đã dần dần trút bỏ, thay bằng bản sắc dân tộc Việt. Có thể nói, từ khi hình thành cho đến nay thiền phái Liễu Quán luôn phát triển mạnh mẽ và liên tục, đóng góp lớn cho Phật giáo Đàng Trong nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Cụm tin du lịch

Lào Cai: Đón trên 155 nghìn lượt khách nhân Tết Dương lịch 2024

Theo số liệu của Sở Du lịch Lào Cai, trong 3 ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch vừa qua, địa phương đã đón khoảng 155.600 lượt khách, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Tại đây, lượng khách tập trung chủ yếu ở Sa Pa với khoảng 85.400 lượt. Theo kỳ vọng của Lào Cai, địa phương đặt mục tiêu đón hơn 8 triệu lượt khách trong năm 2024.

Ninh Bình: Hơn 300 nghìn lượt khách đến với địa phương

Còn ở Ninh Bình, cũng trong dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch, toàn tỉnh đã đón 313 nghìn lượt khách, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu ước đạt 420 tỷ đồng. Đáng chú ý, các di tích tâm linh, danh lam thắng cảnh như chùa Bái Đính, vườn chim Thung Nham, quảng Trường Đinh Tiên Hoàng Đế đã đón gần 120 nghìn lượt khách. Các công tác trật tự được đảm bảo; không có tình trạng chen lấn, ép khách.

Lan tỏa lịch sử Việt Nam qua Festival Huế 2024

Trong những ngày này, người dân và du khách đến với TP. Huế đang được tận hưởng bầu không khí của Lễ hội mùa Xuân thuộc Festival năm 2024. Tại đây, nhiều sự kiện tái hiện các Nghi lễ của Vương triều Nguyễn đã được thực hiện, giúp người dân và du khách hiểu thêm những nét lịch sử của đất cố đô.

Lễ Ban Sóc, 1 nghi lễ hành chính quan trọng bậc nhất của các Triều đại phong kiến, mở đầu cho năm mới đã được tái hiện chân thực tại Festival Huế năm 2024. Theo Đại Nam Thực lục Chính biên – Bộ Quốc sử của Vương triều Nguyễn ghi chép lại, Lễ Ban Sóc là lễ phát lịch được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức Lễ Ban sóc dưới sự điều hành của hai quan viên ở Bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng Cung và phân phát cho các địa phương sử dụng.   

Tái hiện Lễ Ban sóc là tái hiện tinh thần nhân văn của người xưa và là dịp để du khách, người dân Huế cùng trải nghiệm với di sản cố đô Huế ngày đầu năm mới.

Là chương trình khởi đầu Festival Huế năm 2024, Lễ hội “Xuân Cố đô” diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3, ngoài Lễ Ban Sóc, BTC sẽ tái hiện nhiều hoạt động như Tết cung đình;  không gian văn hóa Tết truyền thống. Qua đó, giới thiệu đến người dân và du khách nét lịch sử cùng sinh hoạt của đất cố đô 2 thế kỷ trước.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 02.01.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

17 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2620 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1638 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3729 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2695 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4634 lượt xem 0 Bình luận