Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.07.2024

04/07/2024 08:52:45 3649 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ban Hoằng pháp và Ban KTTC TƯGH thăm trường hạ tại Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu; Phật giáo nhập thế trong đạo đức, văn hóa xã hội; Khi trẻ học sử dụng mạng xã hội an toàn.

Ban Hoằng pháp và Ban KTTC TƯGH thăm trường hạ tại Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu

Nhân chuyến đến thăm, cúng dường các trường hạ tại tỉnh Đồng Nai, đoàn ban Hoằng pháp và KTTC TƯGH đã đến trường hạ chùa Quốc Ân Khải Tường, vấn an Trưởng lão Hòa thượng.Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS GHPGVN.

Đoàn đã báo cáo sơ nét về chuyến đi bắt đầu từ ngày 26-6 đến ngày 3-7-2024 đến thăm, thuyết giảng và cúng dường trường hạ tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ và cả nước của 2 Ban. Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn bày tỏ niềm hoan hỷ về truyền thống tốt đẹp nhiều năm của Ban Hoằng pháp TƯGH, mong chuyến đi góp phần tạo nên sự hòa hợp, đoàn kết của Tăng đoàn.

Dịp này, phái đoàn cũng đã đến chùa Tỉnh Hội thăm và cúng dường 38 trường hạ tỉnh Đồng Nai với tổng cộng 5.349 hành giả. Đoàn đã nhắc nhở, sách tấn hành giả cần nghiêm trì giới luật trong thời gian cấm túc và gửi tịnh tài, tĩnh vật hỗ trợ đời sống, tu học chư Tăng ni.

Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sáng nay, đoàn đã đến thăm và cúng dường trường hạ tại chùa Từ Quang. Thay mặt 400 hành giả an cư, BTS GHPGVN tỉnh bày tỏ niềm hoan hỷ khi cung đón và tiếp nhận quà lưu niệm, tịnh tài cúng dường từ phái đoàn.

Cùng thời gian này, đoàn Phân ban ni giới TƯ đã đến thăm và cúng dường hành giả ni an cư tại chùa Diệu Đức, tỉnh Thừa Thiên Huế và chùa Long Hưng, tỉnh Quảng Trị. Tại đây, Ni trưởng Thích Nữ Nhật Khương, Ủy viên Thường trực HĐTS, Trưởng Phân ban hỏi thăm sức khỏe và sách tấn chư hành giả Ni đang an cư Tinh tấn, nỗ lực tu học, sống chánh niệm tỉnh giác.

Nâng cao vai trò của trụ trì trong thời đại mới

Nhằm nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho Tăng, Ni trụ trì học tập và bồi dưỡng những kiến thức quan trọng đối với thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, nhiều khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì đã được tổ chức trong mùa an cư kiết hạ. Diễn ra trong thời gian từ 4-7 ngày, các nội dung quan trọng về Pháp luật, giới luật Phật dạy, đường hướng của Giáo hội, kỹ năng hoằng pháp, cách sử dụng mạng xã hội,…đã được chia sẻ, truyền tải một các sinh động, dễ hiểu, giúp mỗi hành giả an cư dễ dàng tiếp cận và ứng dụng trong tu học.

Năm nào cũng vậy, tại mùa an cư kiết hạ, Phật giáo tỉnh Kiên Giang đều tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì cho các hành giả an cư. Năm nay, ban tổ chức tập trung chia sẻ các vấn đề như: giới luật, kỹ năng Hoằng pháp, kỹ năng thuyết giảng, vấn đề Tăng sự hiện nay, Quy chế Tăng sự, Tăng Ni sử dụng không gian mạng… để các hành giả có thêm kiến thức, áp dụng trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài việc truyền trao kiến thức về Phật học để tạo sự trang nghiêm thanh tịnh cho tăng đoàn thì năm nay khóa tập huấn còn tổ chức thực tập thuyết giảng về củng cố niềm tin đối với tín đồ Phật tử. Dịp này, Công an tỉnh Kiên Giang cũng triển khai công tác phối hợp bảo vệ An ninh tổ quốc. Đây là những nội dung thiết thực giúp chư Tăng Ni trụ trì có thể áp dụng ngay sau khi học xong, trở về địa phương điều hành Phật sự.

Việc tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì hiện nay có ý nghĩa quan trọng, phần nào đáp ứng nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử tại cơ sở. Qua đó góp phần đưa đến sự ổn định, giúp Phật giáo địa phương hòa nhập ngôi nhà chung GHPGVN.

Khi trẻ học sử dụng mạng xã hội an toàn

Theo số liệu từ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan trẻ em mỗi năm, thì số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng nhiều. Nguy cơ bị dụ dỗ, phát tán thông tin cá nhân, lừa đảo, khủng bố tinh thần, bắt nạt online, … đang đe dọa đến sự an toàn của trẻ em. Thậm chí nhiều mâu thuẫn trên không gian mạng dẫn tới không ít vụ xô xát, ảnh hưởng thể chất và tinh thần ở đời thực. Vì vậy trong các khóa- tu mùa hè, nhiều chùa đã trang bị kỹ năng an toàn mạng cho trẻ.

Miền quê nghèo xa xôi tại xã Định Yên, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp vốn không có nhiều hoạt động vui chơi cho trẻ em. Vì vậy, vào những ngày hè, khi trẻ có thời gian rảnh, bố mẹ đi làm thì nỗi lo về việc sử dụng thiết bị điện tử, tham gia không gian mạng và bị ảnh hưởng tiêu cực trở thành vấn đề của nhiều phụ huynh. Thấu hiểu điều đó, Ni sư Thích nữ Đức Liên – Trụ trì Tịnh xá Ngọc Phước phối hợp với BTS GHPGVN tỉnh, huyện, chính quyền địa phương và Phân ban Thanh thiếu niên Phật tử TƯGH tổ chức khóa tu cho các em.

Khoá tu dành phần lớn thời gian để trang bị kỹ năng sống cho các em. Từ kỹ năng giao tiếp, ứng xử đến sử dụng điện thoại – an toàn mạng xã hội. Trong đó, 10 nguyên tắc các em cần nhớ gồm: Không cung cấp thông tin cá nhân, không một mình đến gặp người hẹn trên mạng, không vào những chatroom về giới tính, không gửi tiền để nhận phần thường… và phải luôn chia sẻ với cha mẹ khi bị quấy rầy.

Cũng trong khóa tu, chư ni còn giúp trẻ hiểu hơn về đạo làm con, cũng như gắn kết tình cảm gia đình thông qua đêm hoa đăng, nghi thức rửa chân báo ân đấng sinh thành. Mỗi khoảnh khắc của khóa tu Hoa Từ Bi đều trở thành những bài học ý nghĩa, sâu sắc, giúp các em trưởng thành trên hành trình phía trước.

Vườn thuốc nơi cửa thiền

Đến thăm chùa Đồng Đắc (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình); nếu không được giới thiệu, ít ai để ý có 1 khu vườn trồng rất nhiều dược liệu. Tất cả được phục vụ cho việc làm thuốc phong, khớp của chùa.

Khu vườn làng Đồng Đắc trong khuôn viên chùa Đồng Đắc (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) trồng hàng chục loại cây thuốc khác nhau. Lá ngải, lá lốt, kinh giới, lá sài hồ,… đều là những thứ lá phổ biến, gần gũi với người dân; nhưng lại có công dụng chữa bệnh hiệu quả. Để làm ra được 1 thang thuốc thì công đoạn chế biến rất cầu kì. Lá sau khi rửa sạch, được băm, phơi khô, nghiền và sao; trộn với 32 vị thuốc Bắc.

Theo người dân địa phương, thuốc phong chùa Đồng Đắc đã có trăm năm nay, truyền từ đời này sang đời khác. Bà con trong vùng và cả những tỉnh xa đến chùa hỏi về thuốc rất đông. Nhiều người dùng xong hiệu quả, lại đến chùa lấy thêm.

Để chăm sóc vườn thuốc làng Đồng Đắc được xanh tốt, đó là công sức của biết bao chư Tăng, Phật tử; bởi mọi người luôn tâm niệm rằng “giúp người cũng là giúp đời”.

Phật giáo nhập thế trong đạo đức, văn hóa xã hội

Trong quá trình tồn tại và phát triển cho đến hiện nay, Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát huy vai trò nhập thế, lan tỏa những các giáo lý và tư tưởng đạo đức tốt đẹp. Với tinh thần từ bi, trí tuệ, hướng dẫn con người sống thiện, có trước có sau, tri ân báo ân… Phật giáo đã đi sâu vào đời sống, kiến tạo nên những giá trị chân thiện mỹ. Trong chuyên mục tiêu điểm hôm nay, kính mời quý vị đến với tinh thần nhập thế cao đẹp của đạo Phật, góp phần xây dựng xã hội nhân ái, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc, vì một cuộc sống an lạc cho số đông.

Không chỉ trong lịch sử, ngày nay, tinh thần Phật giáo nhập thế, những tư tưởng và giá trị cao đẹp của đạo Phật đã đi sâu vào đời sống và những sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân. Trước khi biết đến Phật pháp, cuộc sống của bà Lương Thị Quê, TP.Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang là một màu tăm tối, đắm chìm trong rượu chè, cờ bạc… Đến nay, bà đã hoàn toàn thay tâm đổi tính, nhờ hiểu được thế nào là tam quy, ngũ giới, tránh xa những tệ nạn xã hội, hướng tới cuộc sống lành mạnh và tích cực hơn.

Bên cạnh là nơi tham quan, chiêm bái, mỗi tự viện đã trở thành một trung tâm cảm hóa thông qua lời kinh tiếng kệ và những thời khóa chốn thiền môn. Nhiều nội dung lời Phật dạy được bố trí khéo léo trong khuôn viên tự viện, để những giáo lý Phật đà trở nên gần gũi, tự nhiên hóa độ vào đời. Như tại Tịnh thất Phước Ân (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ), một bức tranh tường tôn vinh lời Phật dạy đã được Chư tôn đức cùng các họa sĩ dành nhiều tâm huyết để hoàn thành. 

Với tinh thần từ bi, hỷ xả dựa trên nền tảng trí tuệ, đạo Phật luôn hướng con người tới những giá trị tốt đẹp, tinh thần lạc quan, kể cả là những bước chân lầm lỡ. Khi Luật Tín ngưỡng Tôn giáo và Luật Thi hành án hình sự được áp dụng vào đầu năm 2020, thư viện tại các trại giam được bổ sung thêm các cuốn kinh sách, ấn phẩm tôn giáo cho phạm nhân sử dụng. Từ đó, các triết lý nhân sinh cao đẹp của Phật giáo khiến họ thay đổi nhiều về nhận thức, tìm về nẻo thiện, cố gắng cải tạo để hòa nhập cộng đồng.

Để các Phật tử có cơ hội dễ dàng tiếp cận giáo lý Phật đà, những tủ sách miễn phí trong khuôn viên tự viện như thế này, đang ngày càng trở nên phổ biến. Không chỉ có kinh sách, nhiều tác phẩm với những thông điệp nhẹ nhàng, nhân văn cũng được Chư tôn đức bố trí, đem lại môi trường học tập lành mạnh cho đông đảo Phật tử khi đến chùa lễ Phật, chiêm bái.

Tinh thần tri ân báo ân, hạt mầm hiếu hạnh cũng là một trong những giá trị đạo đức được truyền tải mạnh mẽ thông qua những sinh hoạt Phật giáo. Tại không gian linh thiêng nơi tự viên, Chư tôn đức thường xuyên tổ chức các buổi giảng pháp, hướng dẫn các Phật tử nhỏ tuổi từng lời ăn tiếng nói, cách ứng xử đúng mực, bày tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Các em như mầm cây non, ngày ngày được nuôi dưỡng bởi dòng nước mát lành của giáo lý nhà Phật.

Đạo Phật còn có nhiều bài học về sự tử tế trong văn hóa kinh doanh, lấy việc hướng đến cộng đồng làm tôn chỉ hoạt động. Theo quan điểm của Phật giáo, 3 yếu tố chính quyết định đến sự tử tế của doanh nghiệp đó là: mang lại lợi ích cho nhiều người; dựa trên nguyên tắc về lòng bao dung và sự hòa hợp;  bảo vệ sự vững bền của Trái Đất. Điều này là nền tảng căn cơ để doanh nghiệp phát triển, từ đó lan tỏa sự thịnh vượng đến nhiều người.

Đặc biệt, Từ thiện xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của Phật giáo các cấp, trở thành hoạt động mang tính “nhập thế” rõ nét nhất. Các lĩnh vực như chăm sóc thương bệnh binh, trợ giúp và đỡ đầu các gia đình có công với cách mạng, ủng hộ các công trình xã  hội, tặng quà tình nghĩa cho người nghèo, già cả, neo đơn, khám chữa bệnh, khen thưởng, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó.. được tiến hành thường xuyên, xây dựng cộng đồng nhân ái. Theo đó, tổng số tiền từ thiện xã hội năm 2023 là 2.100 tỷ đồng.

Tinh thần nhập thế Phật giáo trong xã hội ngày nay đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống, đem lại sự chuyển hóa về đạo đức tới mọi đối tượng trong xã hội. Những giáo lý đạo Phật không hề xa xôi, giáo điều mà vô cùng gần gũi, thiết thực. Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên, Phật giáo Việt Nam đã hòa hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội sẻ chia, nhân ái.

Quảng Ninh: Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tâm linh

Mỗi năm, Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh thu hút khoảng 1 triệu khách hành hương về tham quan, lễ Phật và trải nghiệm tại vùng đất Phật linh thiêng này. Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều loại hình dịch vụ khác nhau được khai mở mang giá trị văn hoá đặc sắc, riêng có của đất và người nơi đây để đáp ứng nhu cầu du khách.

Yên Tử là nơi du khách hành hương về với những giá trị văn hoá của dân tộc, tìm về cội nguồn của tâm linh. Để khu trung tâm lễ hội thu hút du khách, bảo vệ được cảnh quan khu di tích – danh thắng Yên Tử, Ban quản lý đã cải tạo không gian thông thoáng về giao thông; Nâng cấp công suất 2 tuyến cáp treo; đưa các đặc sản chay vào dịch vụ ăn   uống.

Triển khai các chương trình nghệ thuật, các tour trải nghiệm đêm, trải nghiệm di sản cộng đồng người Dao Thanh Y dưới chân núi, cũng được Ban quản lý khai thác khá bài bản. Đặc biệt, người dân địa phương còn được tham gia vào các hoạt động văn hoá – du lịch tại khu vực Làng Nương. Qua đó, giúp du khách có những trải nghiệm mới lạ, và hiểu thêm về lịch sử, văn hoá và con người nơi đây.

Yên Tử có lịch sử hàng nghìn năm, hiện nằm trong Quần thể di sản Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được đề cử UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Vì vậy, việc mở rộng kết nối du khách với mô hình du lịch ở địa phương sẽ góp phần lan tỏa mạnh mẽ các giá trị của Yên Tử gắn với nâng cao đời sống dân sinh khu vực di sản.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 03.07.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

3 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 05.07.2024

Bản tin 24h 06/07/2024 08:46:44

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 05.07.2024

Bản tin 24h 06-07-2024 08:46:44

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 05.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lớp học yêu thương nơi cửa chùa; Niềm vui tuổi xế chiều trong ngôi nhà mới; Chú trọng giới luật và kiến thức ngoại điển cho chư hành giả An cư.
3141 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.07.2024

Bản tin 24h 05/07/2024 09:17:58

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.07.2024

Bản tin 24h 05-07-2024 09:17:58

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TP.HCM: BTS GHPGVN TP sẽ tổ chức 7 đoàn thăm trường hạ; An cư nơi rẻo cao; Phật giáo góp sức cho thành công của MTTQ Việt Nam.
2267 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 29.06.2024

Bản tin 24h 01/07/2024 09:14:15

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 29.06.2024

Bản tin 24h 01-07-2024 09:14:15

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 29.06.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Ban Hoằng pháp và Ban KTTC TƯGH thăm trường hạ tại Sóc Trăng và Hậu Giang; Trợ duyên sách mùa An cư - Tấm lòng người con Phật; Bố thí nội tài theo lời Phật dạy.
4539 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 26.06.2024

Bản tin 24h 27/06/2024 09:53:36

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 26.06.2024

Bản tin 24h 27-06-2024 09:53:36

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 26.06.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Chư Tôn Giáo phẩm đại biểu Quốc hội góp ý Luật Di sản sửa đổi; Lý tưởng phổ hiền Bồ Tát; “Sĩ tử” - Hành trình chinh phục tri thức.
1268 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 25.06.2024

Bản tin 24h 26/06/2024 10:01:39

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 25.06.2024

Bản tin 24h 26-06-2024 10:01:39

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 25.06.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TƯGH ký kết phối hợp tuyên truyền vận động hiến mô, tạng; Phân Ban Ni giới T.Ư thăm trường hạ tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ; Lý tưởng Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát.
1484 lượt xem 0 Bình luận