Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

05/09/2024 10:47:37 2546 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.

Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ

Giới luật giữ vai trò then chốt trong tu học của tu sĩ Phật giáo. Tăng, ni trẻ là những hành giả dễ bị nhiễm ô theo sự cám dỗ của dục lạc. Chính vì vậy, Giới luật giữ vai trò như sợi dây neo giúp con thuyền tâm thức có nơi bám trụ, giúp mang lại sự bình ổn và bền vững, không bị dao động trước thay đổi, biến cố trong cuộc sống.

Tranh thủ mỗi khi rảnh sau giờ lên lớp, ni sinh Thích Nữ Diệu Nguyện, HVPGVN tại Hà Nội đều dành thời gian lên thư viện để nghiên cứu về giới luật. Đối với vị ni trẻ này, giới luật chính là cốt tủy của Phật giáo, là nền móng và cột trụ giúp giữ vững ngôi nhà chính pháp. Việc tuân thủ giới luật là thiết yếu của việc tu học vì lợi ích của tự thân và sự phát triển của Phật pháp mai sau.

Tăng, ni trẻ là những người sơ phát tâm, vẫn còn là những “cây non” chưa đủ cành lá và gốc rễ để có thể chống lại những tác động của ngoại cảnh. Tăng ni trẻ cũng chưa trang bị đủ năng lực và sự kiên cố để chống đỡ lại những cuốn hút bên ngoài hay chưa thể đương đầu với phiền não dẫn đến dễ thoái thất Bồ Đề Tâm khi gặp biến cố. Do vậy, tỳ kheo trẻ cần phải nương nơi Giới luật, lấy đó làm vũ khí tự bảo vệ mình để không bị các dục và triền cái khuyến dụ.

Tăng ni trẻ phải luôn nghiêm trì Giới luật, tinh tấn trong việc trau dồi giới đức, vì giới là cội gốc Bồ đề, là nền tảng Niết bàn, là viên ngọc quý giúp chúng ta trang nghiêm pháp thân.

Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện

Nhiều năm qua, bên cạnh các thời khóa tu học hàng ngày, Chư Ni chùa Hiền Lương, huyện Phong Điền tỉnh TT-Huế duy trì hoạt động làm các món chay, vừa gieo duyên ăn chay tới người dân Phật tử, vừa giúp chùa vượt qua khó khăn thiếu thốn vùng thôn quê.

Mỗi buổi chiều, sau các thời khóa tu học, Chư Ni cùng các Phật tử chùa Hiền Lương lại tất bật sơ chế rong biển. Nguồn nguyên liệu được lựa chọn đảm bảo và tươi ngon, nhằm tạo sản phẩm an toàn, bổ dưỡng. Dù vất vả, nhưng Chư Ni mong sao có thể gieo duyên ăn chay đến với mọi người, đồng thời giúp ngôi chùa quê có thêm nguồn lực, phục vụ các Phật sự.

Với ý nghĩa nhân văn, nhiều Phật tử đã tới chùa, phát tâm ủng hộ và duy trì thói quen ăn chay, sống hài hòa với muôn loài vạn vật. “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”, chư Ni ngày nay phát huy tinh thần của tiền nhân, hăng say lao động, đem lại những giá trị tích cực cho cộng đồng.

Thời gian tới, chùa Hiền Lương tiếp tục đa dạng hóa nhiều món chay, tùy theo khẩu vị và nhu cầu của người dân, Phật tử. Từ đó, lan tỏa nét đẹp ẩm thực chay đến với mọi người.

Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích

Trong dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030 thì việc tu bổ, tôn tạo di tích tiếp tục được quan tâm. Theo đó đến năm 2030 sẽ có 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được trùng tu, sửa chữa. Mong muốn là vậy nhưng việc thực hiện ra sao thì vẫn còn là dấu hỏi chưa có câu trả lời khi mà số lượng di tích tại Việt Nam lên đến hàng nghìn. Bởi thế, tìm ra giải pháp để hài hòa các mục tiêu là câu chuyện mà ngành văn hóa phải làm ngay lúc này.

Khát kinh phí, cạn tài nguyên, di tích xuống cấp trầm trọng.

Thủ tục lâu, nhiều ý kiến, di tích nằm chờ được trùng tu.

Hay có kinh phí nhưng trùng tu lại không theo thiết kế ban đầu. Làm mới, hư hại di tích…

Đó là những câu chuyện không mới tại một số địa phương.

Cùng với sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian thì chính sự chậm trễ trong việc tìm kinh phí, tìm giải pháp khắc phục đang đẩy nhiều di tích đứng trước nguy cơ trở thành phế tích. Vì vậy, chương trình quốc gia về phát triển văn hoá đã đặt mục tiêu 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia sẽ được tu bổ, tôn tạo trước năm 2030.

Các di tích đều có kiến trúc phức tạp, quy mô công trình lớn và muốn sửa chữa phải được sự cho phép của chính quyền cấp tỉnh, thành, cao hơn là Bộ VH-TT&DL. Cùng với đó, để thực hiện 1 dự án tu bổ phải trải qua 7 bước với thời gian thực hiện tính bằng năm, thậm chí là nhiều năm. Vì vậy, trùng tu hàng nghìn di tích trong 5 năm với những quy định hiện hành gần như bất khả thi.

Trước những khó khăn trong bảo tồn di sản, nhiều địa phương đã có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, huy động nguồn lực từ nhân dân trong việc trùng tu di tích. Và câu chuyện tại chùa Mét thuộc xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng là 1 ví dụ. Được công nhận di tích cấp Quốc gia từ năm 1999, chùa có lịch sử từ thế kỷ thứ 13, là trung tâm văn hóa – tâm linh của người dân địa phương hàng trăm năm qua. Tuy nhiên, cũng vì là di tích nên khi có sự xuống cấp, chính quyền các cấp rất vất vả trong việc xây dựng hồ sơ bảo tồn, trùng tu.

Để giải quyết bài toán này, ban quản lý đã chủ động cùng chùa và nhân dân địa phương đóng góp, xã hội hóa nguồn kinh phí trùng tu. Nhờ vậy, những hạng mục hư hỏng, xuống cấp đều nhanh chóng được khắc phục.  

Cũng lấy tiêu chí xã hội hoá để giải quyết bài toán kinh phí trùng tu, chùa Tây Ngư, xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng đã trở thành điểm nhấn văn hóa của địa phương với kiến trúc độc đáo là 100 cột gỗ.

Được xây dựng từ thế kỷ thứ 17 thời Lê Trung Hưng , trải qua sự bào mòn của thời gian, số lượng cột đã mất mát, hư hỏng nhiều. Trước nguy cơ gãy đổ, biến mất của di tích mang nhiều dấu ấn lịch sử, ban quản lý, người dân và chính quyền đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp với nguồn kinh phí hạn hẹp.

Cùng với việc nâng – bổ sung cột, nhà chùa cũng đặc biệt quan tâm đến 2 ngôi tháp cổ thờ vọng chư vị tổ sư từng tu hành tại đây. Căn cứ vào chất liệu xưa, ngôi tháp được giữ nguyên hình dáng, chỉ bỏ phần vôi cũ mục thay bằng vôi mới trộn mật mía và xi măng.

Bên cạnh đó, để có nơi sinh hoạt cho chư tăng, cũng như đáp ứng nhu cầu tu học cho bà con, thượng toạ Trụ trì xây dựng bổ sung một vài công trình sao cho hài hoà với kiến trúc di tích gốc và không làm thay đổi cảnh quan.

Câu chuyện trùng tu di tích tại Việt Nam đang đứng trước 1 bài toán khó khi số lượng nhiều nhưng nguồn lực có hạn, chịu sự ràng buộc từ cơ chế, chính sách. Bởi vậy, huy động nguồn lực xã hội hóa dưới sự chủ trì của chính quyền địa phương cùng ngành di sản có thể là lời giải cho vấn đề này. Có như vậy thì mục tiêu tu bổ, tôn tạo di tích trong dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030 mới có thể hoàn thành.

Bảo tàng Ninh Bình gìn giữ di sản Phật giáo

Bên cạnh các tự viện, nhiều bảo tàng cũng là nơi đang lưu giữ các di sản Phật giáo với những giá trị điêu khắc và mỹ thuật độc đáo. Nhiều năm qua, bảo tàng tỉnh Ninh Bình dành nhiều tâm huyết, góp phần gìn giữ, lan tỏa tinh hoa của bảo vật tới đông đảo công chúng.

Tại bảo tàng tỉnh Ninh Bình, bên cạnh Cột kinh Phật thời nhà Đinh vừa được công nhận là Bảo vật quốc gia, thì một loạt mô hình tháp, gạch, ngói, tượng, hoa văn Phật giáo tại các ngôi chùa, đều được được gìn giữ cẩn thận. Các di vật có niên đại từ thế kỷ thứ X – thế kỷ thứ XIII, với những đường nét chạm khắc tinh tế, khẳng định vị thế và sự phát triển của Phật giáo tại cố đô Hoa Lư.

Ngoài ra, nhiều di sản, di vật Phật giáo đã được giới thiệu tại nhiều triển lãm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, góp phần lan tỏa giá trị bảo vật Phật giáo tới đông đảo nhân dân, Phật tử. Đặc biệt, giúp thế hệ trẻ tiếp cận với lịch sử một cách trực quan, sinh động.

Thời gian tới, Bảo tàng Ninh Bình có kế hoạch trùng tu, cải tạo khu vực lưu giữ và trưng bày triển lãm. Đồng thời, tăng cường công tác số hóa di sản nhằm bắt kịp xu hướng lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa thời đại mới.

Những ngôi trường “cổ tích” của trẻ vùng cao

Ở vùng núi tỉnh Quảng Nam, có những khu dân cư nằm biệt lập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn mà người dân thường gọi là “nóc”. Tại các nóc này, trẻ mầm non và lớp 1, lớp 2 phải học trong những lớp học tạm bợ. Nhờ sự chung tay hỗ trợ từ nhiều phía, tại các nóc này hiện đã có thêm nhiều điểm trường được xây dựng kiên cố, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn, mở ra tương lai tươi sáng sau này.

Đây là a hình ảnh mới nhất về điểm trường Tăk Rối. Ít ai nghĩ rằng đây là lần thứ 2 điểm trường này được xây dựng lại, bởi lần trước, chỉ sau một năm đưa vào sử dụng, điểm trường này bị bão làm hư hỏng.

Nhưng với sự đồng lòng của người dân, cùng sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, điểm trường Tăk Rối được xây dựng lại chỉ một năm sau. Nơi đây chỉ là một trong chục ngôi trường ở các điểm trường lẻ được xây dựng kiên cố tại huyện Nam Trà My thông qua sự tài trợ của các mạnh thường quân.

Tại các địa phương vùng núi của tỉnh Quảng Nam hiện vẫn còn rất nhiều điểm trường lẻ nằm cách xa trường chính với điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, khiến tỷ lệ trẻ đến trường trong độ tuổi mầm non, tiểu học chưa cao. Nhờ những ngôi trường mới khang trang này, các thầy cô cũng như các bậc cha mẹ tại đây đã thấy được tương lai tươi sáng hơn khi con trẻ được đến trường.

Khi điều kiện sống của người dân còn thiếu thốn, thì sự học đối với con em học cũng chưa được quan tâm thỏa đáng. Bởi nếu điểm trường chính quá xa xôi hoặc điểm trường không đảm bảo điều kiện, gia đình cho con em nghỉ học để theo cha mẹ lên rẫy. Nên những điểm trường kiên cố như thế này sẽ giúp các em viết tiếp giấc mơ của mình./.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 04.09.2024:

 

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

4 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1500 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3675 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2618 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4592 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.08.2024

Bản tin 24h 28/08/2024 08:37:31

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.08.2024

Bản tin 24h 28-08-2024 08:37:31

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 27.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Điện Biên: Ban TTXH TƯGH làm việc với UB MTTQVN tỉnh; Nét đẹp xuất gia báo hiếu của đồng bào Khmer; Lễ Vu Lan nơi xa xứ.
24153 lượt xem 0 Bình luận