Bản tin Bchannel – An Viên 24H 06.03.2024

07/03/2024 08:51:53 1115 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 06.03.2024 Hà Nội: Tưởng niệm Đức Đệ nhị Pháp chủ Đại lão HT. Thích Tâm Tịch; Phật giáo đồng hành với công tác giữ gìn ANTT tại cơ sở; Bảo tồn giá trị nguyên bản của lễ hội.

Hà Nội: Tưởng niệm Đức Đệ nhị Pháp chủ – Cố Đại lão Hòa thượng. Thích Tâm Tịch

Ngày 6/3, tại tổ đình Bồ Đề, TP. Hà Nội, chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS và môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tưởng niệm húy kỵ lần thứ 19 của Đức Đệ nhị Pháp chủ – cố Đại lão Hòa thượng.Thích Tâm Tịch. Đại lão Hòa thượng. Thích Trí Quảng – Đức Pháp chủ GHPGVN và Trưởng lão Hòa thượng.Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ, Chủ tịch HĐTS quang lâm tưởng niệm.

Trước Giác linh đài, Đức Pháp chủ cùng chư tôn giáo phẩm thành kính đảnh lễ, niêm hương, tri ân công đức của Đức Đệ nhị Pháp chủ đã dành cả đời phụng sự cống hiến cho ngôi nhà chung – GHPGVN, nhất tâm tụng Bát-nhã tâm kinh cầu nguyện Giác linh cố Đại lão Hòa thượng cao đăng Phật quốc. Đây là lần đầu tiên, lễ Húy nhật Đức đệ nhị Pháp chủ GHPGVN được cử hành theo nghi thức 3 miền Bắc – Trung – Nam.

Cố đại lão Hòa thượng.Thích Tâm Tịch, pháp hiệu Như Sơn, thế danh là Nguyễn Đình Khuê, sinh năm Ất Mão – 1915, viên tịch ngày 06 tháng 3 năm 2005 (nhằm ngày 26 tháng Giêng năm Ất Dậu), trụ thế 91 năm, Hạ lạp 66 năm. Ngài là bậc thạch trụ tòng lâm, dành cả cuộc đời hành trì Giới Định Tuệ và hết lòng vì sự phát triển ngôi nhà GHPGVN.

Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm toàn quốc diễn ra vào tháng 4

Vừa qua, Ban Giáo dục Phật giáo TƯ vừa ban hành thông báo về kế hoạch tổ chức Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm toàn quốc, dự kiến diễn ra từ ngày 15 đến 21-4-2024 tại TP. Đà Nẵng.

Thành phần tham dự Khóa bồi dưỡng bao gồm Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội, chư tôn đức cố vấn và lãnh đạo Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư, quý giáo thọ, giáo viên các trường Trung cấp, Cao đẳng Phật học. Thời hạn gửi đăng ký về BTC trước ngày 20-3.

Được biết, sau khóa học, các học viên sẽ được cấp Giấy chứng nhận, nhằm đi đến sự thống nhất, đồng bộ trong việc đào tạo ở hệ thống Trung cấp Phật học.

Long An: Triển khai các Phật sự đầu năm Giáp Thìn 2024

Ngày 05/3, tại chùa Thiên Châu – TP. Tân An, BTS GHPGVN tỉnh Long An đã họp phiên đầu năm Giáp Thìn 2024 với sự tham dự của chư tôn đức các ban chuyên ngành, BTS cấp huyện.

Tại cuộc họp, chư tôn đức nghe báo cáo các phật sự được thực hiện được trong 2 tháng vừa qua. Nổi bật là hoạt động an sinh xã hội, tổ chức nhiều Pháp hội Dược sự cần an đầu năm…

Dịp này, chư tôn đức đã thảo luận việc biên soạn, xuất bản Kỷ yếu Đại Giới Đàn Liễu Lạc, Danh Tăng Phật giáo Long An quyển 2, Khóa tập huấn Thông tin Truyền thông, Khóa bồi dưỡng Hoằng pháp viên, Khóa Kiết Đông, bổ sung nhân sự cho các Ban Trị sự cấp huyện.

Đồng hành với công tác giữ gìn ANTT tại cơ sở

Đồng hành cùng với sự phát triển của địa phương, nhiều năm qua, Phật giáo Long An luôn bám sát phương châm “tốt đời, đẹp đạo”. Ngoài các hoạt động an sinh xã hội, thiện nguyện vì cộng đồng, Phật giáo tỉnh nhà còn tích cực tham gia hỗ trợ giữ gìn ANTT tại địa bàn cơ sở.

Thực hiện mô hình “Chức sắc, chức việc, tăng, ni, phật tử huyện Cần Đước, tỉnh Long An tham gia giữ gìn an ninh, trật tự”, hơn 2 năm qua, BTS GHPGVN huyện chính là cầu nối quan trọng giữa Công an địa phương với các tín đồ phật tử. Nhờ đó mà chư Tăng ni, phật tử luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật và Hiến chương của Giáo hội Phật giáo.

Để thực hiện hiệu quả mô hình, Công an huyện thường xuyên thông báo thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm phạm pháp luật đến chư Tăng ni để tuyên truyền đến phật tử kịp thời nắm bắt mà phòng ngừa hiệu quả.

Trong 2 năm qua, tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở thờ tự được giữ vững  ổn định, không xảy ra tội phạ-m, tệ nạn xã hội, cháy, nổ. Ngoài ra, chư tăng, ni, phật tử và tín đồ tôn giáo đã cung cấp trên 300 thông tin có giá trị cho lực lượng Công an địa phương.

Mô hình “Chức sắc, chức việc, tăng, ni, phật tử huyện Cần Đước tham gia giữ gìn an ninh, trật tự” đang phát huy hiệu quả, chính là tín hiệu tính cực, cho thấy sự đoàn kết, nhất tâm của mọi tầng lớp nhân dân trong việc chung giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở.

CỤM TIN QUỐC TẾ

Thái Lan: Kích hoạt định danh điện tử cho chư Tăng

Sáng kiến ​​này là một phần trong nỗ lực của Chính phủ nhằm cập nhật lý lịch chư Tăng về số lần, thời gian và địa điểm xuất gia nhằm đẩy lùi vấn nạn giả mạo tu sĩ. Sáng kiến này hiện được tiến hành và kỳ vọng phân phối cho hơn 280.000 chư Tăng khắp toàn quốc. Qua đó, cũng góp phần giảm tải thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian khi xuất trình giấy tờ của chư Tăng khi thẻ ID có thể tích hợp trong các thiết bị di động.

Hàn Quốc: Ngắm hoa mận đỏ rực tại các tự viện

Còn tại Hàn Quốc, những ngày qua, người dân và Phật tử thích thú trước khung cảnh thơ mộng khi hoa mận nở đỏ rực tại nhiều tự viện. Đông đảo Phật tử đã dành thời gian tới chùa, lễ Phật và lưu lại những khoảnh khắc ấn tượng. Các tự viện đã trang trí thêm nhiều tiểu cảnh, phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm bái. Hoa mận Hàn Quốc thường nở rộ vào tháng 3 và tháng 4 hàng năm tạo khung cảnh rực rỡ các tự viện xứ kim chi.

Bảo tồn giá trị nguyên bản của lễ hội

Trong những ngày đầu Xuân, rất nhiều lễ hội đã được diễn ra trên mọi miền đất nước. Tại đây, nếu như phần Lễ là những nghi thức tâm linh, biểu hiện cho lòng thành kính của con người trước đấng thiêng, thì Hội chính là biểu hiện cho nhu cầu vui sống của người dân. Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện đại, nhiều lễ hội truyền thống đang có sự biến chuyển khi 1 số hoạt động của phần hội đã bị giản lược, chỉ tập trung vào phần lễ. Điều này phần nào làm mất đi giá trị nguyên bản của các lễ hội. Và câu chuyện này sẽ là chủ đề của mục Tiêu điểm ngày hôm nay. 

Đây là hình ảnh tại Lễ hội chùa Keo Hành Thiện tại tỉnh Nam Định. Sau các nghi thức tâm linh, hàng chục nghìn người dân và du khách cùng tham dự các hoạt động được mong chờ của phần hội. Đó là đua thuyền! Sau những màn đua tranh sôi nổi, Xóm thắng thì tự hào mà buông vài lời trêu đùa. Xóm thua có bực nhưng cũng chẳng lấy đó làm buồn. Họ cười xuề xòa và hẹn năm sau. Đấy là nét văn hóa của làng quê, được phản ánh rõ ràng thông qua mùa lễ hội.

Còn tại lễ hội chùa Keo, tỉnh Thái Bình, bên cạnh những nghi lễ tâm linh truyền thống như lễ Phật, rước kiệu Thánh còn có những hoạt động văn hóa như du thuyền hát giao duyên, liên hoan các câu lạc bộ chèo và đặc biệt là múa rối nước. Thông qua phần hội, người tham dự hiểu hơn về văn hóa cha ông để lại, tạo nên cảm giác tự hào của quê hương, xứ sở.

Từ ngàn đời nay, Lễ và Hội luôn song hành, tạo nên bản sắc cho từng sự kiện truyền thống ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế là sự cân đối giữa phần lễ và phần hội đang dần có sự chênh lệch. Như ở lễ hội chùa Hoằng Phúc tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình…đây là lễ hội lớn của tỉnh và hàng năm đều thu hút được hàng vạn người dân, Phật tử tới tham quan, lễ bái. Nếu như ở phần lễ… đây là hình ảnh thường thấy khi người đi kẻ lại tấp nập…thì ở phần hội…dường như người dân kém hào hứng hơn. Đây cũng là điều khiến chư tôn đức ban tổ chức trăn trở.

Đây không chỉ là riêng câu chuyện tại chùa Hoằng Phúc. Bởi ở nhiều địa phương khác, phần lễ cũng đang được chú trọng hơn phần hội. Như ở lễ hội kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh Huyền Thiên Hắc Đế, năm qua, lần đầu lễ hội khôi phục thành công tục rước nước từ chùa Một Cột về đền núi Sưa với các nghi thức trang nghiêm. Thậm chí là quyết tâm mỗi năm khôi phục một tục. Nhưng ở phần Hội thì chỉ có thể làm từ từ, mang tính chất duy trì. Điều này được lý giải cũng một phần do tâm lý người dân và sự phát triển quá nhanh của xã hội.

Rõ ràng chẳng một lễ hội nào mà BTC không muốn phần lễ và phần hội trọn vẹn. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, nhiều người đã quên đi hoặc không còn hứng thú với những giá trị xưa cũ. Bởi thế, sự thay đổi cả về cách thức tổ chức lẫn suy nghĩ của người dân là điều cần thiết lúc này, để vừa gìn giữ giá trị nguyên bản nhưng cũng phù hợp với nếp sống hiện đại.

Khai mạc Liên hoan diễn xướng Chầu Văn tỉnh Lạng Sơn mở rộng năm 2024

Liên hoan diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/3, với sự tham gia của gần 60 nghệ nhân, thanh đồng đến từ 15 tỉnh, thành phố. Việc tổ chức hoạt động này nhằm tôn vinh di sản tín ngưỡng thờ mẫu, khơi dậy ý thức giữ gìn và phát huy giá trị tinh túy của nghệ thuật diễn xướng Chầu văn; là dịp để đưa loại hình nghệ thuật này đến gần hơn với công chúng.

Núi Bà Đen Tây Ninh là điểm đến hấp dẫn dịp 8/3

Trong khi đó, Rất nhiều trải nghiệm thú vị diễn ra tại núi Bà Đen, Tây Ninh, đưa đỉnh núi cao nhất Nam bộ trở thành điểm đến hấp dẫn phái đẹp trong dịp 8/3 năm nay. Ngoài thưởng hoa, du khách còn được thưởng thức show nhạc nước trước tôn tượng Đức Phật Di Lặc và tham gia nghi thức dâng đăng thiêng liêng mỗi tối thứ Bảy trong mùa Hội Xuân Di Lặc đang diễn ra.

Công nghệ tiếp thêm sức sống cho di sản

Không gian di sản về đêm, lâu nay, vẫn được xem là buồn tẻ, nhàm chán. Nhưng, tại Hà Nội, xu hướng khai thác thế mạnh công nghệ hiện đại trong các tour di sản đang góp phần đánh thức những tiềm năng tưởng chừng bị bỏ quên. Điểm chung của những tour này đều sử dụng kết hợp nhiều ứng dụng khoa học công nghệ để làm nổi bật giá trị di sản.

Mở cửa… sáng đèn sau 17h… tăng cường ứng dụng công nghệ âm thanh – ánh sáng hiện đại… là cách mà một số di tích, di sản tại Thủ đô thực hiện thời gian gần đây. Mới đây nhất, đền Ngọc Sơn mở tour “Ngọc Sơn – Đêm huyền bí”… tạo nên điểm nhấn cho bức tranh sáng tạo của Hà Nội với những sản phẩm mới lạ và đa dạng cung bậc cảm xúc cho người xem.

Có một trải nghiệm mới mẻ cũng là cảm nhận của rất nhiều du khách tham gia tour đêm tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tại đây, công nghệ đã “biến” bia đá thành những cuốn sách, lịch sử khoa cử nhiều triều đại phong kiến.

Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long… và nhiều di sản khác đang đánh dấu bước chuyển mình để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, thêm sản phẩm du lịch đêm áp dụng công nghệ cũng góp phần xóa đi quan niệm lâu nay là “cơm tối, rối nước” khi du khách đến thủ đô.

Từ Tính Tứ Linh – Nhắc nhớ tìm về nguồn cội

Với nguồn cảm hứng từ văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc, tại TP.HCM, có một chàng hoạ sĩ thế hệ 9x đã ghi dấu ấn trong lòng cộng đồng người yêu mến nghệ thuật thông qua những tác phẩm sơn dầu, mang đến cảm xúc tự hào xứ sở.

Long – Lân – Quy – Phụng

Đó là những bức tranh nằm trong bộ sưu tập “Từ tính tứ linh” được chàng hoạ sĩ trẻ 9x giới thiệu về các linh thú trong văn hóa lịch sử Việt Nam, tập trung ở 4 triều đại tiêu biểu: Lý, Trần, Hậu Lê, và Nguyễn. Bắt đầu từ sự hình thành nghệ thuật Việt độc lập – Nhà Lý, từ giao ban chính trị, tiếp biến văn hóa và giao lưu với nền nghệ thuật Champa, cho đến triều đại phong kiến cuối cùng – Nhà Nguyễn; các linh thú bắt đầu xuất hiện, hoàn thiện về mặt thẩm mỹ. Mỗi tác phẩm được anh chú thích cẩn thận để mỗi người khi đến thưởng lãm có thể hiểu hơn về ý nghĩa của từng linh thú qua các triều đại.

Trong văn hóa tôn giáo của Việt Nam, hình tượng linh thú cũng là một phần không thể thiếu. Mọi hoa văn, đường nét, ánh mắt đều được hoạ sĩ phối hợp một cách khéo léo giữa lịch sử và đương đại cùng những đường nét vừa mượt mà lại ẩn hiện sự mạnh mẽ. Từ đó đã tạo nên những bức tranh tác động mạnh tới thị giác. Mỗi tác phẩm như đi qua các triều đại của đất nước, giúp mọi người có cơ hội ngắm nhìn, tìm hiểu và nhắc nhớ một nền văn hiến mấy ngàn năm lịch sử.

Đó không còn là nét vẽ đơn thuần của thẩm mỹ mà còn là dấu ấn của thời đại, của sự kiện, của chứng nhân lịch sử, song song đó là cảm xúc thán phục tài nghệ và thành tựu của tiền nhân… Đây sẽ là cơ hội để mọi người biết đến nhiều hơn về các câu chuyện, những sự tích, quan niệm cổ xưa hình thành nên tín ngưỡng của người Việt và còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Lan tỏa yêu thương tới bà con vùng hải đảo

Xã Thạnh An, huyện Cần Giờ là xã đảo duy nhất của TPHCM, là địa phương còn nhiều khó khăn do cách trở, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thủy. Chính vì vậy, đời sống của người dân luôn được quan tâm. Và vừa qua, nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới bà con vùng hải đảo đã diễn ra, thể hiện sự đồng hành nhiều hoàn cảnh yếu thế nơi đây.

Bà con tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ hôm nay phấn khởi hơn mọi ngày khi được chào đón đoàn bác sĩ tình nguyện của các bệnh viện tuyến đầu thành phố tới thăm khám và phát thuốc miễn phí. Với bà Nguyễn Thị À, đã từ lâu bà không có điều kiện đi khám sức khỏe do gia đình khó khăn. Thế nên, được chăm sóc tận tình như thế này, bà cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chương trình, Ngày hội biên phòng toàn dân đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các gia đình chính sách, xây dựng và sửa chữa 7 căn nhà đại đoàn kết. Đồng thời, trao hàng trăm suất học bổng cho các em học sinh hiếu học, giúp các em vững bước trên hành trình tri thức, sau này góp sức xây dựng quê hương.

Những hoạt động mang ý nghĩa hướng về biên giới, biển đảo có đóng góp quan trọng cho sứ mệnh bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân, gắn bó; chung sức, đồng lòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới biển, cửa khẩu của Thành phố phương Nam.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 06.03.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

14 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2585 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1569 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3701 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2661 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4613 lượt xem 0 Bình luận