Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.05.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.05.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Điện Biên: Nhiều phái đoàn chúc mừng kỷ niệm 10 năm BTS GHPGVN tỉnh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Phật giáo; Hà Nội: Trang nghiêm tưởng niệm cố Trưởng lão Hoà thượng Kim Cương Tử.
Trọng thể mít tinh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Sáng nay, ngày 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đoàn khách các nước bạn Lào, Campuchia, Trung Quốc, Pháp cùng tham dự sự kiện.
Lễ mít tinh bắt đầu bằng 21 loạt pháo lễ trên nền nhạc quốc ca. Cùng lúc diễn ra lễ chào cờ, đội bay gồm 9 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ Quốc bay qua Lễ đài chính. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Đảng, Nhà nước trình bày thể hiện lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; khắc ghi và biết ơn công lao to lớn của các bậc tiền bối, các anh hùng liệt sỹ và nhân dân cả nước đã tận tâm, tận lực, anh dũng chiến đấu, hy sinh góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, với “đôi chân đất”, tinh thần thép và ý chí chiến đấu quật cường, bền bỉ, anh hùng của quân và dân ta, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vang dội, đánh bại nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Điện Biên: Nhiều phái đoàn chúc mừng kỷ niệm 10 năm BTS GHPGVN tỉnh
Trong không khí rộn ràng, hào hùng trên mảnh đất Điện Biên và hân hoan chào đón kỷ niệm 10 năm Thành lập BTS GHPGVN tỉnh, nhiều phái đoàn đã đến thăm, chúc mừng BTS và dâng hương tại chùa Linh Quang – trụ sở Ban Trị sự.
Trong không khí thân mật, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dâng hương tại chùa Linh Quang, trân trọng gửi lời chúc mừng đến toàn thể tăng, ni đã luôn đạt được nhiều thành tựu Phật sự; đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Phật giáo cho sự phát triển tỉnh trong 10 năm qua. Mong rằng, chư Tăng ni tiếp tục phát huy tinh thần “Phụng đạo yêu nước”, hướng dẫn bà con đồng bào dân tộc tu tập theo đúng chánh pháp.
Dịp này, Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã gửi lời thăm hỏi, chúc mừng BTS đã có nhiều hoạt động phật sự hiệu quả, đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội.
Trân trọng đón tiếp, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Trưởng ban Ban Trị sự cảm ơn tình cảm của các phái đoàn và khẳng định Phật giáo tỉnh tiếp tục tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh.
Chuyện về vị Ni Trưởng từng là “Chiến sĩ Điện Biên”
Cả đất nước đều hân hoan, vui mừng và xúc động hướng về mảnh đất Điện Biên để kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954 -7/5/2024. Hòa chung vào không khí háo hức, tưng bừng và niềm vui chung của dân tộc, Bản tin An Viên 24h đến với vùng quê yên bình để gặp gỡ một vị Ni trưởng cựu binh ở tuổi 110, người đã từng “gấp áo cà sa, khoác chiến bào” để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đấu tranh để bảo vệ Tổ Quốc.
Đến thăm ngôi chùa Sùng Phúc, tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương một ngày mưa đầu tháng 5 mới cảm nhận được hết vẻ yên bình, giản dị nơi thôn quê. Đây cũng chính là nơi mà ni trưởng Thích Đàm Thảo trụ trì năm 1961 cho đến tận bây giờ, sau khi trở về từ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Sinh năm 1914 tại Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, năm 1920, Ni trưởng xuất gia tu học tại tổ đình Hương Tích với Tổ Thích Thanh Tích. Năm 1952, theo lời kêu gọi kháng chiến, Ni trưởng cùng với nhiều vị Tăng ni khác tại miền Bắc đã tạm gấp áo ca-sa và khoác chiến bào, trực tiếp tham gia chiến trường Điện Biên Phủ, đảm trách nhiệm vụ y tế tại đồi A1.
Những ký ức về một thời chiến tranh ác liệt có lẽ chẳng thể nào phai, nhưng ở cái tuổi xưa nay hiếm, mắt đã mờ, chân đã yếu, mặc dù còn rất minh mẫn nhưng để có thể kể lại quãng thời gian xa xưa đó ngay lúc này với ni trưởng là một điều thật khó. Những câu chuyện, những kỷ niệm ấy thi thoảng mới được chia sẻ cho thế hệ sau.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã để lại nhiều giá trị, trong đó giá trị lớn nhất chính là những người đã trực tiếp làm nên chiến thắng này để biến điều đó thành điểm tựa sức mạnh trao truyền lại cho các thế hệ tiếp nối. 70 năm trôi qua, dù kỷ vật thời tham chiến không còn nữa nhưng vẫn còn đó vị ni trưởng là minh chứng sống rõ nét, là tấm gương để thế hệ tăng ni, phật tử sau này học tập, noi gương.
Trong 110 năm cuộc đời, ngoài 6 năm còn nhỏ chưa xuất gia và 2 năm tạm gấp áo nhà tu ra mặt trận, thì ni trưởng Thích Đàm Thảo vẫn còn hơn 100 năm dành trọn cho việc đạo và đời. Trước đó, năm 1951, Ni trưởng được tháp tùng hòa thượng Thích Tố Liên tham dự Hội nghị Phật giáo thế giới lại Colombo (Sri Lanka), mang lá cờ Phật giáo thế giới về Việt Nam và nay là đạo kỳ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Với nhiều đóng góp cho đạo pháp và dân tộc, Ni trưởng đã được Đảng, Nhà nước và Giáo hội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Cả cuộc đời ni trưởng khả kính là tấm gương sáng, thể hiện Đạo Pháp và Dân tộc luôn đồng hành cùng nhau.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Phật giáo
Đúng ngày này của 70 năm về trước, Việt Nam đã tạo nên một cơn chấn động địa cầu, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc. Chiến thắng Điện Biên Phủ không đơn thuần là thắng lợi chiến lược, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, mà còn thể hiện sự kiên cường, ý chí bất khuất, lòng đoàn kết toàn dân dưới sự dẫn dắt, mưu lược của những nhà lãnh đạo kiệt xuất. Trong đó, người nắm vai trò then chốt chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự đại tài. Và trong chuyên mục tiêu điểm hôm nay, bản tin An Viên xin phép không nhắc lại những trang sử hào hùng mà mỗi người Việt đều thuộc lòng, mà chỉ xin chia sẻ những điều bình dị phía sau cuộc chiến, nhưng làm nên một danh nhân, nhà văn hoá, một thầy giáo yêu hoà bình, luôn hết lòng vì sự phát triển của dân tộc.
Lật dở từng tấm thiệp chúc mừng năm mới với chữ ký của đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi tặng qua … năm liền, anh Tùng vẫn không khỏi bồi hồi về vị danh tướng mang tầm thế giới nhưng lại vô cùng gần gũi, bình dị và sâu sắc.
Trong một lần trả lời phỏng vấn nhà báo quốc tế, Stanley Karnow, tác giả của cuốn sách ” Vietnam – a History”, đại tướng đã nói: “Xin nhớ, tôi là vị tướng chiến đấu vì hòa bình. Nếu không trở thành người lính, có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo, có thể dạy Triết học hoặc Lịch sử”.
Coi trọng lịch sử, văn hoá, giáo dục và hoà bình, cuộc đời đại tướng đã có rất nhiều nhân duyên gắn bó với Phật giáo. Từ hiến pháp của nhà nước non trẻ Việt Nam năm 1946, khi đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Bí thư Đảng đoàn Chính phủ đã ký sắc lệnh với nội dung: Tôn trọng tự do tín ngưỡng và không được xâm phạm vào đình, đền, chùa, nhà thờ, các công trình tôn giáo.
“Mái chùa che chở hồn dân tộc”, không chỉ là biểu tượng văn hoá của Việt Nam, mà trong thời chiến, chùa còn là căn cứ cách mạng. Chư tôn đức tăng ni đã luôn xả thân che giấu, bảo vệ sự an toàn cho các chiến sĩ, nhà hoạt động cách mạng.
Trong những năm tháng chiến tranh, chùa Sủi là nơi sơ tán của nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể, trong đó có Trường đào tạo kiểm sát viên. Năm 2005, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Thượng tọa Thích Thanh Phương trụ trì chùa đã tiến hành tôn tạo, phục dựng lại chùa. Và nhân duyên trong một lần đến thăm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cung tiến, ủng hộ chùa 2 triệu đồng để tôn tạo. Khi trao số tiền này cho Thượng tọa.Thích Thanh Phương, Đại tướng nói: “Đây là số tiền trích ra từ tiền lương của tôi, là tấm lòng của tôi, mong nhà chùa hãy nhận”.
Năm 2007, Trong lần thứ hai về quê hương, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đến tư gia thăm Đại tướng. Thiền sư đã họa tặng Đại tướng bức thư pháp với dòng chữ “Bản Môn Xuân Ấy Còn Nguyên Vẹn” như muốn nói con đường ấy, con người ấy, tất cả là chân thật …như mùa Xuân của tình huynh đệ, của sự chan hòa, ấm áp một nhà.
Đặc biệt năm 2008, trong khuôn khổ đại lễ Tưởng niệm 700 năm ngày nhập niết bàn của Đức Vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông, ban tổ chức hội thảo khoa học “Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, con người và sự nghiệp” đã gửi thư mời đại tướng với tư cách là vị chủ tịch danh dự của Hội Khoa học Lịch sử VN, đồng thời là một danh nhân, một vị tướng của thời đại HCM. Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu, đại tướng không thể về tham dự nên đã gửi một bức thư đến ban tổ chức để động viên GHPGVN và khách mời.
Cũng trong bức thư, đại tướng mong quý đại biểu đi sâu nghiên cứu, làm sáng tỏ công lao, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông, của Phật giáo Trúc lâm. Đặc biệt là tinh thần hòa hiếu, hòa hợp của Phật giáo. Qua đó, thực hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc mà Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm là một ví dụ điển hình nhất.
Cùng với sự quan tâm, ủng hộ sự phát triển của Phật giáo thì Đại tướng còn áp dụng Phật giáo vào cả cuộc sống thường nhật. Từ những năm 80, trong căn nhà số 30 Hoàng Diệu, ngày 2 buổi sáng chiều, đại tướng đều thực hành thiền như một phương pháp rèn luyện sức khỏe. Nguồn năng lượng toả ra từ đại tướng vẫn khiến đại tá, nhà báo Trần Hồng xúc động khi nhớ lại buổi chụp ảnh hôm đó.
Đại tướng đã ra đi nhưng những tình cảm gắn bó giữa Phật giáo với gia đình đại tướng vẫn vẹn nguyên. Hàng năm chư tôn đức tăng ni vẫn dành thời gian thăm viếng, tụng kinh chúc phúc đến đại tướng. Nhiều ngôi chùa cũng giống chùa Sủi, dành không gian trang nghiêm để thờ phụng vị tướng lĩnh tài ba, vị anh hùng dân tộc.
Có thể thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là thiên tài quân sự, người kiến tạo nên “thiên sử vàng” Điện Biên, mà còn là hình tượng tiêu biểu cho một danh nhân văn hoá dung dị, nhân văn và có những mối lương duyên đáng trân trọng với Phật giáo – một tôn giáo yêu chuộng hoà bình, luôn đồng hành cùng dân tộc.
Hà Nội: Trang nghiêm tưởng niệm cố Trưởng lão Hòa thượng. Kim Cương Tử
Sáng ngày 7/5, tại chùa Trấn Quốc, HĐCM, HĐTS BTS GHPGVN TP. Hà Nội và môn đồ pháp quyến thành kính tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 23 ngày viên tịch của cố Trưởng lão Hòa thượng.Kim Cương Tử.
Trong không khí trang nghiêm, chư tôn đức lắng lòng nghe cung tuyên tiểu sử và dâng lời tưởng niệm cố cố Trưởng lão HT.Kim Cương Tử; nguyên là Thành viên HĐCM, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, đại biểu Quốc hội khoá VIII, IX, X, viện chủ tổ đình Trấn Quốc, Hà Nội. Ngài được trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân” và nhiều bằng khen, giấy khen của Giáo hội, UBND, UBMTTQVN TP.Hà Nội.
Cả cuộc đời hơn 80 mùa sen nở của Ngài rất bình dị, chân tu. Đức hạnh và trí tuệ của ngài mãi mãi là ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho hàng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam”
Trước di ảnh cố Trưởng lão Hòa thượng.Kim Cương Tử, chư tôn đức và quý đại biểu thành kính dâng hương tri ân công đức to lớn của Ngài cho đạo pháp và dân tộc. Đồng thời tụng thời kinh Bát nhã cầu nguyện cho thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc.
Ban Hoằng pháp TƯ triển khai công tác thuyết giảng mùa Phật đản và ACKH 2024
Tối ngày 06/5, Ban Hoằng pháp TƯGH đã họp trực tuyến triển khai công tác thuyết giảng mùa Phật đản, An cư Kiết hạ PL.2568 và một số công tác Phật sự quan trọng khác thời gian tới.
Đồng thời thảo luận các nội dung trọng tâm thời gian tới cần tập trung gồm: việc thuyết giảng trên không gian mạng và có sự đồng bộ trong quy tắc thuyết giảng; triển khai Thông điệp, Diễn văn và Ý nghĩa đại lễ Phật đản củng cố niềm tin của tín đồ Phật tử, Thông bạch 95 của TƯGH về tổ chức khóa tu mùa hè; phát động cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim con”; phối hợp với Ban Kinh tế Tài chính TƯ đi thăm và cúng dường các trường hạ mùa An cư 2024.
CỤM TIN PHẬT SỰ
An Cư Kiết hạ là những nội dung chính mà PG các tỉnh thành chú trọng trong kế hoạch sắp tới. Cập nhật từ Yên Bái, Sóc Trăng và Khánh Hoà.
Sáng nay, ngày 7/5, tại chùa Tùng Lâm Ngọc Am, BTS GHPGVN tỉnh Yên Bái họp triển khai công tác tổ chức Phật đản và ACKH 2024. Tại đây, chư tôn đức đã lần lượt báo cáo các chuẩn bị và phân công nhiệm vụ cho Phật đản diễn ra vào 8h ngày sáng ngày 15/4 ÂL. Về khoá ACKH, chư Tăng Ni trong tỉnh sẽ An cư tập trung tại trường hạ chùa Tùng Lâm Ngọc Am – trụ sở VP BTS từ ngày 16/4 – 16/7 âm lịch.
Trước đó, tại Thiền viện Trúc Lâm Sóc Trăng, BTS GHPGVN tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết Phật sự quý I, triển khai công tác quý II; báo cáo kế hoạch tổ chức Đại lễ Phật đản, khoá khóa An cư Kiết hạ, bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì và kiến thức an ninh quốc phòng năm 2024. Dịp này, chư tôn đức cũng thảo luận việc thành lập ban Quản trị cho các tự viện, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.
Mới đây, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hoà họp tại chùa Long Sơn thống nhất các hoạt động tuần lễ Phật Đản như: Lễ rước Tôn tượng Đức Phật đản sinh, Lễ Tắm Phật, Thuyết giảng, kỷ niệm Bồ tát Quảng Đức vào ngày 20/5, các chương trình Văn nghệ. Ngoài ra, trong các buổi tối tại lễ đài chính, ban Nghi lễ tụng kinh Khánh Đản, và Ban An toàn Giao thông tỉnh có tuyên truyền an toàn giao thông vào đêm ngày 10/4 ÂL.
Đồng hành chăm sóc sức khỏe người dân
Những chuyến xe chở nước ngọt tới vùng hạn, mặn chỉ là một trong những thiện nguyện đầy nghĩa tình của chư Tôn đức Tăng Ni dành cho bà con nhân dân các địa phương gặp khó khăn. Một hoạt động thầm lặng khác cũng đáng trân quý của Phật giáo diễn ra hàng ngày tại các Tuệ Tĩnh Đường. Đây là nơi mà hàng ngàn bệnh nhân nghèo không có điều kiện điều trị bệnh đã và đang được giúp đỡ bởi những tấm lòng từ bi.
Tuệ Tĩnh đường Linh Chiếu, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai mỗi tháng tiếp đón hàng ngàn người tới thăm khám và điều trị bệnh. Được thành lập từ năm 1988 bởi Trưởng lão Hoà thượng Thích Thanh Từ, đây là một trong số những Tuệ Tĩnh đường hoạt động hiệu quả, mang tới cơ hội được chăm sóc sức khỏe miễn phí cho bà con nghèo trong vùng.
Thời gian đầu chỉ những bà con trong vùng tới khám chữa bệnh nhưng sau “tiếng lành đồn xa” ngày càng nhiều người từ các vùng miền khác biết, tìm đến nơi đây và đều nhận được sự quan tâm chăm sóc như nhau.
Bà Nhung sau thời gian điều trị hậu Covid-19 đã khỏe trở lại, giờ bà tình nguyện xin làm công quả để cùng góp sức với chư Ni giúp đỡ những người bệnh khác.
36 năm qua, Tuệ Tĩnh đường Linh Chiếu không ngừng phát triển. Hiện Phòng khám đông y từ thiện này có 3 Y sĩ đông y, 6 Lương y gia truyền, cùng hàng chục nhân viên tình nguyện, trang thiết bị tiên tiến và các phòng chức năng phân chia rõ ràng. Để duy trì và làm tốt công việc thời gian dài đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó nếu không có sự kiên trì, nhẫn nại và tấm lòng thì chắc chắn sẽ khó làm được.
Với mỗi y sĩ, lương y của TTĐ Linh Chiếu, công việc giúp họ có những trải nghiệm quý báu về tình người và tinh thần từ bi, từ đó thấy mình có ích, là chỗ dựa tin cậy của bệnh nhân. Được chăm sóc, được thấy niềm vui của bệnh nhân khi khỏi bệnh là hạnh phúc, là động lực để chư Ni tiếp tục dấn thân trên con đường tu tập và cống hiến vị nhân sinh.
Thăm Thiền viện trúc lâm Phượng Hoàng
Tọa lạc trên đỉnh Non Vua, ngọn núi cao nhất trong dãy Nham Biền, Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng là điểm dừng chân hấp dẫn, thiêng liêng mới trên chặng đường du lịch Bắc Giang của du khách thập phương. Ẩn mình dưới những tán cây rừng xanh mướt, thiền viện hiện ra mang đậm dấu ấn kiến trúc Phật giáo Việt Nam với không khí yên bình, thanh tịnh.
Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng thuộc thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng, cách TP Bắc Giang chừng 10km. Thiền viện được xây dựng trên diện tích rộng lớn, với tổng cộng hơn 18 hecta, các công trình kiến trúc với nhiều nét đặc sắc, gắn kết được sự tôn nghiêm, hoà quyện với hồn thiêng của vùng đất Phượng Hoàng.
Khi đến thăm Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, du khách trải qua các điểm quan trọng như Cổng ta m quan, lầu chuông, lầu trống, Tòa điện chính, nhà tổ, nhà khách, nhà trưng bày, thiền đường, và các khu vực khác như thư quán và trai đường. Tất cả hình thành một quần thể chùa hoàn chỉnh, không chỉ đẹp mắt mà còn lưu giữ sự cổ kính.
Thiền Viện Trúc Lâm Phượng Hòa Bắc Giang sở hữu không gian xanh mát nhờ có nhiều cây cối. Đến đây du khách được hòa quyện với thiên nhiên, được tìm về với sự bình an, tĩnh tại thực sự trong tâm hồn.
Ngoài ý nghĩa là cảnh quan đặc sắc chốn thiền môn của vùng đất Phượng Hoàng, nơi đây còn gắn kết các miền di sản, kết nối du khách giữa các điểm du lịch văn hóa, sinh thái, tâm linh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và các khu vực lân cận như chùa Vĩnh Nghiêm, Suối Mỡ, Tây Yên Tử, chùa Bổ Đà, Côn Sơn – Kiếp Bạc…
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 07.05.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
15 lượt thích 0 bình luận