Bản tin Bchannel – An Viên 24H 08.02.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 08.02.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Không khí chuẩn bị đón năm mới tại các tự viện trên cả nước; CHLB Đức: Đêm hội bánh chưng giữ nét đẹp truyền thống Việt; Độc đáo phiên chợ Tết xưa.
Sắc xuân nơi tự viện miền Bắc
Ngày hôm nay đã là 29 Tết Giáp Thìn, không khí Xuân tràn ngập khắp mọi miền đất nước. Các tự viện cũng khoác lên mình một diện mạo mới, mang màu sắc tâm linh, văn hoá đặc trưng của mỗi địa phương. Mở đầu bản tin ngày hôm nay, kính mời quý vị cùng phóng viên An viên 24h trải nghiệm không khí Tết đặc sắc trên cả 3 miền Tổ quốc.
Miền Bắc những ngày này, trời se lạnh… Khi người người, nhà nhà tranh thủ những ngày cuối cùng của năm để đi sắm tết, thì vẫn luôn có những người lựa chọn tìm về giây phút tĩnh lặng, an yên. Ở cách xa 15km nhưng anh Thắng và cô con gái nhỏ vẫn cố gắng đến lễ chùa Quán Sứ, Hoàn Kiếm, Hà Nội nhân dịp này.
Bên cạnh việc đi lễ chùa thì một số người dân Thủ đô, nhiều năm qua chọn “về chùa”, như một trạm dừng an yên, quen thuộc những ngày cuối năm… Trộn gạo, cắt rửa lá, chuẩn bị nhân và gói bánh, đó là hình ảnh quen thuộc được chư tôn đức và người dân, phật tử duy trì gần 15 năm nay tại chùa Bằng, Hoàng Mai, Hà Nội. Dù tuổi đã 80, nhưng 3 năm nay, ông Tuất vẫn lựa chọn lên chùa cùng các Phật tử để được tự tay gói những chiếc bánh chưng, gói trọn cả tấm lòng thành kính.
Không khí trở nên rộn ràng hơn khi chư tôn đức Tăng cùng ngồi trò chuyện với các phật tử, những câu chuyện ngắn dài, tiếng thủ thỉ bên bếp củi bập bùng nhắc những con người Hà thành trở về xưa cũ, tách biệt với nhộn nhịp tất bật của cuộc sống hàng ngày…
Rời Thủ đô để đến với các tự viện miền núi phía Bắc. Những cánh hoa đào nở rộ, khoe sắc như chào đón du khách đến với chùa Hưng Quốc, tỉnh Sơn La. Cùng với việc trang hoàng tự viện, Tăng ni cùng Phật tử tất bật bao sái tam bảo, bày biện trang trí sao cho đẹp để tạo không khí trang nghiêm, đón Phật tử, du khách đến lễ Phật, du xuân.
Bên cạnh đó, bà con Phật tử dân tộc cũng đang hối hả gói những chiếc bánh chưng chay để dâng cúng Phật và làm quà cho nhân dân hoặc người có hoàn cảnh khó khăn trong những ngày Tết…
Tại tự viện, những điệu múa dân gian đặc trưng của miền núi tỉnh Sơn La cũng được bà con, phật tử gắng sức tập luyện, để gửi đến du khách xa gần. Đó vừa là niềm tự hào cũng như nét đẹp đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống tinh thần của bà con Phật tử miền núi.
Mỗi ngôi chùa mang một nét đẹp riêng, thế nhưng đều ẩn chứa sự tâm huyết, với mong muốn mang đến cho du khách không gian thanh tịnh, là chốn đi về để gạt bỏ lo toan, muộn phiền trong năm cũ, chào đón năm mới với ước vọng mới.
Miền Trung và Tây Nguyên hân hoan đón Tết
Hòa chung không khí đón Tết Giáp Thìn, các tự viện tại miền Trung và Tây Nguyên cũng kiến tạo nhiều hoạt động ý nghĩa cho Phật tử và du khách thập phương. Các tự viện trang hoàng rực rỡ, tươi vui, hân hoan đón mời bà con Phật tử đến chiêm bái lễ Phật.
Ngày cận tết, tiếng huyên náo, vui đùa và cả hương thơm ngào ngạt lan tỏa khắp ngôi chùa Hoằng Phúc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Chư tôn đức, Phật tử quây quần bên nhau để gói những chiếc bánh chưng, bánh tét. Sở dĩ cả hai loại bánh vì người ở trong Nam ra, người ngoài Bắc về nên những chiếc bánh truyền thống nơi đây hòa quyện văn hóa của cả 2 vùng miền.
Bên cạnh đó, không gian chùa được chư Tăng thiết trí cũng làm sống động hơn bầu không khí tết. Khắp mọi nơi, đâu đâu cũng là sắc vàng của cúc mâm xôi, hoa mai và đèn lồng đỏ. Tết đã về nơi chùa Hoằng Phúc.
Điểm mới trong không gian Tết của chùa Hoằng Phúc là khu triển lãm ảnh với những câu đạo lý mang tư tưởng Phật giáo và các bài thơ, kệ của các vị thiền sư, giúp mọi người tìm thấy sự bình yên trong từng giây phút. Ngoài ra, chùa còn thiết trí rất nhiều khu vực tiểu cảnh với các căn nhà truyền thống được xây bằng tre, mái tranh trang trí cùng xe đạp, phích nước…tạo cảm giác hoài cổ.
Đặc biệt, chùa Hoằng Phúc còn kỳ công tái hiện làng hương xứ Huế, tạo nên những gam màu rực rỡ nhân ngày tết đến xuân về. Du khách tới chùa tham quan, vãn cảnh dịp này, ai cũng vui thú trước những điểm check-in, chụp ảnh mà quý thầy kiến tạo nên.
Còn tại phố núi Tây Nguyên, sắc đỏ, sắc vàng, sắc cam hòa vào nhau, tạo nên khung cảnh rực rỡ nơi chùa Nam Thiên (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak). Tết ở đâu cũng chẳng thể thiếu hoa mai, hoa đào, bánh chưng xanh, câu đối đỏ. Với những nguyên vật liệu thân thuộc như tre, nứa, phối hợp với các họa tiết trang trí cách tân; không gian chùa vừa quen thuộc lại vừa mới lạ. Sự trầm mặc vốn có của các ngôi chùa nay nhường chỗ cho sự tươi mới, rộn ràng.
MỘT năm 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông – mùa của sự khởi đầu, sự đổi mới chính là Xuân. Bao nhiêu nét đẹp, sự tươi mới dường như chắt chiu hết trong 3 tháng đầu năm. Màu của Xuân, hương của Tết càng thêm tô điểm khi những Phật tử, và cả các bạn trẻ trong tà áo dài thướt tha chụp ảnh check in, lưu giữ kỉ niệm Xuân Giáp Thìn 2024.
Hòa chung không khí Tết các miền, chùa Huệ Chiếu – trụ sở BTS GHPGVN tỉnh Kon Tum cũng khoác lên mình màu áo mới. Với đặc trưng 1 tỉnh Tây Nguyên, đông đảo bà con là người đồng bào dân tộc, năm nay, chùa tô điểm bằng các mô hình nhà rông, nhà sàn vô cùng độc đáo, sáng tạo. Để có được thành quả rực rỡ này, nhà chùa cùng quý Phật tử phải chuẩn bị từ trước đó cả mấy tháng trời. Chư tôn đức mong muốn, bà con khi đến chùa cảm nhận sự gần gũi, thân thuộc và cầu nguyện một năm mới hạnh phúc, tươi vui như những bông hoa đang nở rộ trong vườn chùa.
Xuân đi, Xuân lại lại
Xuân hồng cánh hoa bay
Xuân mang hương giải thoát
Từ bi mãi đong đầy!
Tết yêu thương nơi thành phố Phương Nam
Tại những thành phố phương Nam nắng ấm, không khí chuẩn bị đón chào năm mới cũng rất rộn ràng. Những ngày này, chư Tăng ni, phật tử TPHCM tất bật trang trí không gian chùa thêm sắc xuân, mang đậm nét đẹp của Tết cổ truyền. Đáng chú ý, nhiều ngôi cổ tự ở thành phố phương Nam còn tổ chức gói bánh chưng để dâng cúng Phật và gửi tặng cho phật tử, người nghèo.
Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, Quan Âm tu viện tại quận Phú Nhuận, TP.HCM đều tổ chức gói bánh chưng chay. Đây là hoạt động truyền thống được chùa duy trì từ thời cố Ni trưởng Thích nữ Như Giác, viện chủ Quan Âm tu viện kéo dài cho đến hiện tại. Rất đông chư ni, phật tử nhiệt tình hưởng ứng.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo phật tử quy tụ về chùa để cùng nhau gói bánh chưng Tết. Những nét mặt hớn hở, những nụ cười rạng rỡ đã thể hiện rõ niềm hạnh phúc khi được chung tay góp một phần nhỏ tạo nên không khí xuân. Đây cũng là hoạt động nhằm chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn nhân mùa xuân về.
Những ngày cuối năm, mọi người cùng nhau quy tụ về đây, góp công, góp sức làm nên những chiếc bánh chưng xanh. Mỗi chiếc bánh đều gói trọn tình yêu thương, sẻ chia dành cho những người khó khăn – một việc làm vô cùng ý nghĩa và tốt đẹp khi Tết đến, Xuân về.
Không chỉ tổ chức gói bánh chưng, đến thời điểm hiện tại, các tự viện nơi TP.Hồ Chí Minh cũng rộn ràng trang trí cho khuôn viên thêm phần rực rỡ. Tại chùa Hoằng Pháp, chùa Pháp Hoa, chùa Minh Đạo,… nhiều mô hình độc đáo, gần gũi, thân thương, mang đậm nét đẹp truyền thống của Tết Việt tạo nên điểm nhấn rất riêng.
Không khí Tết đã rộn ràng ở khắp nơi. Những tự viện trên TP cũng góp phần để tạo nên sắc xuân lung linh, rực rỡ.
CHLB Đức: Đêm hội bánh chưng giữ nét đẹp truyền thống Việt
Những ngày này, bà con người Việt tại trong nước cũng như ở nước ngoài đều háo hức chờ đón tết cổ truyền dân tộc. Khác với mọi nơi, chùa Phúc Lâm ở CHLB Đức lại tổ chức Đêm hội Bánh Chưng, nhằm tôn vinh nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc mỗi khi Tết đến xuân về.
Hàng trăm Phật tử từ Đức, Séc và nhiều nước Châu Âu đã vân tập về Chùa Phúc Lâm – TP Potsdam, CHLB Đức tham dự Lễ hội Bánh Chưng mừng Xuân Giáp Thìn 2024. Trước đó cả tuần, bà con Phật tử đã phát tâm tới chùa gói cả nghìn bánh chưng, bánh tét, trang trí để chuẩn bị cho ngày hội và lễ đón giao thừa! Hòa trong không khí hân hoan đầu xuân, bà con Phật tử được gặp gỡ giao lưu, mua các loại hoa tại Chợ Hoa Xuân tái hiện trong không gian của một vùng thôn quê.
Đêm hội Bánh Chưng là dịp để mọi người ngồi lại bên nhau, cùng ôn lại tích truyện bánh chưng bánh dày đời Vua Hùng thứ 18, cùng kể cho nhau những niềm vui nỗi buồn nơi xa xứ. Hi vọng rằng, chùa Phúc Lâm luôn là nhịp cầu nối cho những người con xa quê, là nơi cửa Phật ấm áp nghĩa tình và chúc cho mọi người đón một mùa Xuân mới ấm áp, sức khỏe và hạnh phúc.
Hoạt động từ thiện ý nghĩa dịp cuối năm
Tiếp theo chương trình là những hoạt động thiện nguyện đáng chú ý. Ghi nhận tại Thanh Hoá và Bình Dương.
Tại Thanh Hoá, Hội sự nghiệp từ thiện Minh Đức và chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Vĩnh Lộc đã phát 105 phần quà tết cho người nghèo trong xã Vĩnh Hoà và các em học sinh khó khăn của trường THPT Tống Duy Tân, THPT Vĩnh Lộc. Đây là điểm cuối cùng của chương trình Tết “Ấm lòng mùa xuân lại về” mà Hội đã thực hiện, trao tổng cộng 500 phần quà tại các tỉnh với tổng kinh phí chương trình hơn 250 triệu đồng. Ngoài ra, chùa cũng tặng 24 suất học bổng cho các sinh viên vượt khó.
Trong khi đó, tại tình Bình Dương, Ban Trị sự GHPGVN huyện Dầu Tiếng phối hợp cùng chính quyền huyện và mạnh thường quân mở “Chợ 0 đồng Tết Nhân Ái – Xuân Giáp Thìn năm 2024”, tặng 150 phần quà đến bà con khó khăn. Qua đó mong muốn hỗ trợ các gia đình có thêm điều kiện vui Xuân đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tăng cường PCCC tại các cơ sở thờ tự dịp cận Tết
Dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, tại các cơ sở thờ tự tín ngưỡng tôn giáo luôn thu hút đông đảo lượng khách đến tham quan, chiêm bái. Chính vì vậy, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ được các tự viện và các đơn vị chức năng tăng cường thực hiện.
Gần đến tết, các ngôi chùa trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ đã có sự chuẩn bị để người dân trong và ngoài thành phố đến tham quan, chiêm bái. Công tác đảm bảo an toàn về điện, phòng cháy chữa cháy được chư tôn đức trụ trì các chùa quan tâm như: bố trí thêm các bình chữa cháy, kiểm tra hệ thống điện trong Chánh điện, việc thắp nhang đèn, cúng bái.
Để các chùa được an toàn dịp Tết, cảnh sát phòng cháy chữa cháy thành phố Cần Thơ cũng bố trí cán bộ hướng dẫn, phối hợp kiểm tra, khắc phục những thiếu sót hạn chế để đảm bảo tốt hơn công tác phòng cháy chữa cháy.
Tết Nguyên đán cũng là thời điểm mùa khô nắng nóng, nguy cơ cháy cao, do đó đảm bảo tốt công tác ngừa hỏa hoạn tại các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng tôn giáo không những tạo an toàn cho người dân đến chùa mà còn góp phần giảm số vụ cháy nổ xảy ra.
Đảm bảo lượng máu cấp cứu và điều trị dịp Tết
Cứ vào dịp cuối năm, nguồn máu dự trữ tại các cơ sở y tế thường bị thiếu hụt. Để đảm bảo cho hoạt động khám, chữa bệnh được thông suốt, cấp cứu bệnh nhân thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhiều chương trình hiến máu tình nguyện mùa xuân đã được phát động trong cộng đồng.
Theo Trung tâm Máu quốc gia, mỗi tháng, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cần tiếp nhận khoảng 40.000 – 42.000 đơn vị máu và 5.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách. Tuy nhiên, càng đến gần Tết, Trung tâm vẫn còn thiếu khoảng 10.000 đơn vị máu. Đây là vấn đề nan giản, cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.
Nhằm hưởng ứng lời kêu gọi hiến máu, Chương trình “Giọt hồng tuổi thanh xuân 2024” đã được tổ chức, hỗ trợ hàng ngàn đơn vị máu cho các bệnh viện. Hoạt động ý nghĩa này thu hút sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ, lan tỏa nghĩa cử cao đẹp, nhân văn trước thềm năm mới.
Mỗi giọt máu trao đi một hy vọng sống được thắp lên cho các bệnh nhân đang ngày đêm vượt lên nghịch cảnh. Nỗi nhớ nhà, xa nhà dịp Tết dường như vơi đi khi luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của các tình nguyện viên và người tham gia hiến máu. Cho đi là nhận lại, để mùa đoàn viên trọn vẹn và yêu thương.
Độc đáo phiên chợ Tết xưa
Mang đậm nét kiến trúc của chợ quê xưa với sự giản dị, mộc mạc và các loại hàng hóa không có ở chợ phố, Chợ Vé, Hải Dương được nhiều người lựa chọn là điểm đến trong những ngày cuối năm. Vậy, những điều gì đặc sắc, ấn tượng với người dân các tỉnh, thành khi đến với phiên chợ Vé ngày Tết ? Mời quý vị cùng trải nghiệm và khám phá qua phóng sự sau.
20 năm lấy chồng xa quê, cuối năm nào chị Yến cũng tranh thủ về quê để đi chợ phiên. Với chị, đi chợ không chỉ là là để sắm sửa, chuẩn bị cho Tết tươm tất, đủ đầy mà còn là một phần ký ức tuổi thơ.
Vẫn chõng che, ghế ngồi thân thuộc, những kỷ vật theo thời gian đã gắn liền với công việc hơn 40 năm bán nước chè tại phiên chợ Vé của ông Hữu Giang. Gặp gỡ mọi người qua phiên chợ, ngồi lại uống với nhau bát nước chè xanh đã mang lại niềm vui cho nhiều người.
Chợ Vé họp theo phiên diễn ra hằng tháng vào các ngày 3, 8, 13, 18, 23 và 28 âm lịch. Chợ bày bán đủ các mặt hàng phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Phiên chợ ngày Tết ngập tràn sắc xuân. Sinh hoạt đậm tình quê hương này luôn trong trái tim của những người con xa quê, đi để trở về.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 08.02.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
16 lượt thích 0 bình luận