Bản tin Bchannel – An Viên 24H 08.06.2024

10/06/2024 09:01:27 2595 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 07.06.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Triển lãm Văn hóa Phật giáo trong Festival Huế 2024; Nơi đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài; Chiến dịch tình nguyện hè 2024 – Những hành trình nhân văn.

Hà Nam: Ra mắt Ban TT-TT và Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh

Tại tỉnh Hà Nam, nhân lễ khai pháp an cư tại trường hạ thuộc huyện Kim Bảng, BTS GHPGVN tỉnh đã ra mắt ban Thông tin truyền thông và Ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Hà Nam.

Hạ trường chùa Thi Sơn, huyện Kim Bảng có 39 hành giả an cư nhằm tịnh hoá thân tâm, dành thời gian nâng cao kiến thức, trí tuệ và đạo hạnh theo đúng tinh thần, giới luật phật pháp.

Đặc biệt, trong dịp này, BTS GHPGVN tỉnh Hà Nam ra mắt Ban Thông tin truyền thông với 19 thành viên do thượng tọa Thích Bản Lượng, Phó Trưởng ban Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Ban Thông tin Truyền thông GHPGVN tỉnh Hà Nam và 20 thành viên Ban văn hóa do đại đức Thích Minh Hạnh, Ủy viên Thường trực Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Hà Nam.

Chuyên tâm tu học mùa An cư

Dù trải qua bao năm tháng, truyền thống an cư của chư Tăng ni xưa kia vẫn được gìn giữ và phát triển, được coi là thời điểm vàng son nhất trong một năm của người xuất gia. Trong phần tiếp theo của bản tin, kính mời quý vị đến thăm trường hạ Võ Lăng, tại huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội để cảm nhận nét đẹp tĩnh lặng, đặc trưng của an cư kiết hạ miền bắc.

Trường hạ Võ Lăng những ngày đầu nhập hạ. 6 thời khóa tu tập tụng kinh, niệm Phật theo nghi thức truyền thống với 3 thời niệm Phật và 3 thời tụng kinh được hành giả thực hiện nghiêm túc, miên mật.

Mùa an cư năm nay, trường hạ Võ Lăng tu học bộ Sám Nguyện yếu giải, nội dung giải thích về phép sám hối, phát nguyện mà người hành giả cần thực hành để được thành tựu sở nguyện. Theo nghi thức cổ truyền “bình văn giảng nghĩa” như chư Tổ đã dạy, trong mùa an cư hành giả vẫn sử dụng chữ Hán để học tập, tiếp nối truyền thống.

Trường hạ rất nghiêm, thời khóa đúng giờ, các uy nghi được chúng tăng giữ gìn, đúng tinh thần lục hòa trong nếp sống thiền môn như thời của đức Phật. 3 tháng an cư, người xuất gia có dịp trở về cùng nhau sống chung tu học, trau dồi giới đức, chia sẻ kinh nghiệm pháp học lẫn pháp hành để cùng nhau tiến tu đạo nghiệp.

Thời gian an cư, mỗi hành giả được  ôn lại những di huấn của Như Lai, tưới tẩm cho hạt giống Bồ Đề được nảy mầm và phát triển. Qua đó góp phần làm phong phú các truyền thống tu học trong ngôi nhà Phật pháp.

Tiền Giang: Nơi đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài

Việc xây dựng và phát triển các cơ sở đào tạo không chỉ đơn thuần để phục vụ nhu cầu tu học của chư Tăng ni sinh trong cả nước mà còn là nơi để các cấp Giáo hội đào luyện và tuyển chọn ra những nhân sự có đủ đức, đủ tài gánh vác được công việc của Phật sự và thế gian trong thời đại mới. Tại nhiều tỉnh thành, chư tôn đức vẫn đang ngày ngày cố gắng duy trì, trao truyền lại những kiến thức cho thế hệ sau…

Tọa lạc ngay trung tâm thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, chùa Phật Ân – hay còn được biết đến là trường TCPH tỉnh được xây dựng và thành lập từ năm 1950. Nơi đây dần đã trở thành cái nôi đào tạo của biết bao thế hệ Tăng tài và là niềm tự hào của Tăng ni sinh đã và đang theo học tại tỉnh Tiền Giang.

Hiện trường đang có 100 Tăng Ni sinh theo học với nội dung giảng dạy nội điển gồm kinh – luật – luận cùng một số kỹ năng, ngôn ngữ Phật giáo. Dù quá trình học có nhiều khó khăn nhưng dưới sự chỉ dạy nhiệt tình của Chư tôn đức, Tăng ni sinh vẫn nỗ lực học tập và trau dồi kiến thức đặc biệt là trong thời buổi công nghệ phát triển.

Nhờ công sức, trí tuệ cống hiến của chư Tôn đức giảng sư tiền bối, nhiều thế hệ Tăng ni trong và ngoài tỉnh đã được học tập và trưởng thành. Các thế hệ tiếp nối đem kiến thức, đạo đức, tình thương về trú xứ, góp phần vào công cuộc hoằng pháp, làm cho Phật pháp xương minh, trang nghiêm Giáo hội.

Chiến dịch tình nguyện hè 2024 – Những hành trình nhân văn

Khi tiếng ve gọi hè về, các địa phương bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm của phong trào thanh niên tình nguyện với hàng loạt chiến dịch như: Thanh niên tình nguyện hè, Mùa hè Xanh hay chiến dịch Hoa phượng đỏ.v.v. Năm 2024, đánh dấu tròn 25 năm hình thành và phát triển của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, Trung ương Đoàn đã phát động nhiều hoạt động nhân văn, ý nghĩa, hướng về người nghèo, thanh thiếu niên khó khăn.

125 nghìn, đó là số thanh niên tình nguyện của TP.HCM và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước tham gia chiến dịch tình nguyện hè năm 2024 với chủ đề “Năm Thanh niên tình nguyện”. Không chỉ có số lượng đông nhất từ trước tới nay, các chương trình tình nguyện trong 3 tháng hè cũng tạo một dấu ấn mạnh mẽ, mới mẻ với 7 tuyến nội dung, gồm: tham gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng đô thị văn minh và thực hiện Tháng công nhân; tình nguyện an sinh xã hội và đền ơn, đáp nghĩa; chăm lo cho thiếu nhi; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tình nguyện hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; tình nguyện vì biển đảo quê hương..v.v. Với các hoạt động rộng khắp, thanh niên thành phố mang tên Bác nói riêng và cả nước nói chung đã thể hiện tinh thần xung kích, đi đầu và “sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến”

Với thông điệp “Kết nối tình nguyện – Lan tỏa yêu thương”, chiến dịch tình nguyện Hè năm 2024 ở TP.HCM có nhiều sáng kiến mới, tập trung vào chuyển đổi số, trồng cây xanh, thực hiện công trình “Sông Sài Gòn – Con sông của thành phố tôi”; tăng cường kết nối các tổ chức, CLB, đội, nhóm tình nguyện trong và ngoài nước.

Cụ thể hoá nội dung hoạt động của “Năm Thanh niên tình nguyện”, tỉnh Đoàn Tây Ninh cùng TƯ Đoàn cũng đã tổ chức “Ngày hội thanh niên công nhân” khu vực phía Nam năm 2024. Tổng giá trị các nguồn lực mà Ngày hội mang lại trên 470 triệu đồng và chăm lo cho trên 5.500 lượt thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các gian hàng bình ổn giá; khám bệnh, phát thuốc thuốc miễn phí và; Khánh thành Công trình “Thắp sáng đường quê và đường cờ Tổ quốc”.

Trong khi đó tại Sơn La, thanh niên thể hiện vai trò xung kích trong chuyển đổi số khi tổ chức các phiên chợ điện tử, giúp bà con nông dân tiêu thụ nông sản trên nền tảng số.

Tại nhiều địa phương có phong trào thanh niên khởi nghiệp sáng tạo trong sản xuất đã nhận được sự khuyến khích, ủng hộ mạnh mẽ của Đoàn Thanh niên thông qua nhiều hình thức khác nhau. Như tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, anh Thanh Sơn cùng các bạn trẻ khác đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thành lập HTX để liên kết, đồng hành cùng bà con nông dân trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ sen.

Còn đây là công trình “Thắp sáng đường quê” có kinh phí 150 triệu đồng vừa được đoàn thanh niên xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định lắp đặt và đưa vào sử dụng, giúp bà con đi lại thoải mái và yên tâm về an ninh trật tự.

Triển khai thực hiện những đường điện chiếu sáng ở nông thôn, các cấp đoàn thanh niên Nam Định đã tích cực vận động ủng hộ xây dựng 50 công trình trên địa bàn toàn tỉnh. Từ những công trình của thanh niên, các địa phương đã nhân rộng cách làm, góp phần hoàn thành tiêu chí điện sáng nông thôn trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Không chỉ khuyến khích các đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia tình nguyện trong các hoạt động ASXH, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế địa phương, vừa qua hơn 300 đội hình tình nguyện với 4 nghìn TNV được lập nhằm tham gia hỗ trợ thiết thực cho dự án đường dây 500kV mạch 3, từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, góp sức đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành sớm dự án năng lượng trọng điểm quốc gia này.

25 năm một chặng đường, các chiến dịch tình nguyện hè đã trở thành trường học lớn để đoàn viên, thanh niên cả nước rèn luyện và trưởng thành. Với sự  đồng hành của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã không ngừng tạo dựng nên cảm xúc, nhiệt huyết cho các thế hệ thanh niên. Và trong “Năm Thanh niên tình nguyện” 2024 này, hàng trăm nghìn thanh niên cả nước lại tiếp bước truyền thống, dấn thân trên khắp các mặt trận, vì hạnh phúc của đồng bào, người dân, vì sự phát triển của đất nước và quan trọng hơn để những tháng ngày tuổi trẻ thỏa mãn niềm khát khao cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc.

Khai mạc tuần Lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024

Tối 7/6, tại sân khấu điện Kiến Trung, TT-Huế, Ủy ban nhân dân tỉnh khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.

Lễ khai mạc diễn ra với chương trình nghệ thuật đặc sắc mang chủ đề “Rạng rỡ ngàn sau” trên sân khấu hiện đại, thể hiện được những nét riêng về Huế với khát vọng hội nhập, phát triển – đem đến cho khán giả những cảm xúc khó quên.

Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 diễn ra từ ngày 07/6 đến ngày 12/6, quy tụ gần 30 đoàn nghệ thuật đến từ Cộng hòa Pháp, Vương quốc Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam với nhiều chương trình nghệ thuật đậm bản sắc của các vùng văn hóa trên Thế giới.

Một trong những điểm nhấn của Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 là triển lãm Văn hóa Phật giáo do BTS GHPGVN tỉnh tổ chức. Triển lãm giới thiệu hơn 100 tác phẩm thông qua hình tượng hoa sen và các biểu tượng Phật giáo của 24 tác giả là những họa sĩ, nhà điêu khắc tại Huế và trong cả nước.

Những tác phẩm phong phú về hình thức, thể loại; đa dạng về chất liệu như: sơn mài, gốm, đồng, đá cuội, tranh lụa và các chất liệu truyền thống khác… với mong muốn hướng tâm người xem có cái nhìn toàn diện về Văn hóa Phật giáo gắn liền với đời sống con người

Từ kinh Phật đến âm nhạc Phật giáo

Tối ngày 7/6, tại Nhà hát lớn Hà Nội, chương trình biểu diễn Nghệ thuật Âm nhạc Phật giáo Việt Nam đã diễn ra, thu hút đông đảo khán giả đến xem và thưởng thức.

1 đêm nhạc với sự đầu tư công phu, kĩ lưỡng. Những lời kinh Chuyển pháp luân do Ban Văn hoá TƯGH thực hiện đã được hòa âm – phối khí bởi nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Anh không phải là cái tên xa lạ với làng Âm Nhạc Việt Nam. Thời gian gần đây, người nhạc sĩ ấy dành nhiều thời gian hơn cho các dự án về cộng đồng, tạo năng lượng tràn đầy hơn nhờ luôn mở lòng mình ra.

Chương trình nghệ thuật biểu diễn Âm nhạc Phật giáo Việt Nam do Ban Văn hoá TƯGH chỉ đạo nội dung, và Công ty TNHH đầu tư và phát triển Nibivision phối hợp thực hiện. Nhạc Phật thì không hiếm, nhưng những bài hát được hoà âm từ lời kinh rất ít ỏi. Sự khác biệt, đặc biệt đó đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả.

Chương trình Âm Nhạc Phật Giáo được xem là tour xuyên Việt độc đáo mà nhạc sĩ Lê Minh Sơn cùng các cộng sự thực hiện. Thời gian tới sẽ tiếp tục diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương, TP. Đà Nẵng (15/6) và Nhà hát Lớn – TP.HCM (12/7).

Tết Đoan ngọ trong kinh thành Thăng Long xưa

Đoan Ngọ (Đoan Dương) là Tết cổ truyền của Việt Nam và một số quốc gia Đông Á, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Nhằm bảo tồn, tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc nói chung và phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tái hiện “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”. Đây là cơ hội để quảng bá văn hóa cùng những phong tục tốt đẹp mà cha ông gìn giữ từ nghìn năm nay.

Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long từ đầu tháng 5 âm lịch rộn ràng trong không khí ngày Tết Đoan Ngọ.

Ở Việt Nam, sách Đồng Khánh địa dư chí chép: “Tết Đoan Ngọ chuẩn bị đầy đủ rượu nếp và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. Mọi người đều uống rượu, ăn hoa quả.

Và đặc biệt Tết Đoan Ngọ trong cung đình được tái hiện với nghi lễ thiết triều, tiến phẩm dâng hương lên các vị tiên đế và nghi lễ ban quạt dưới triều Lê Trung Hưng cũng được tái hiện tại sân Điện Kính Thiên…

Xã hội hiện đại với nhiều nét văn hóa dần mai một, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm để tái hiện nhằm quảng bá những nghi lễ, phong tục xưa đến người dân và du khách.

Bên cạnh đó, để khách tham quan hiểu thêm về phong tục uống trà giải nhiệt phòng chữa bệnh cho đến nghệ thuật thưởng trà cung đình, Trung tâm  phối hợp với các nghệ nhân trà tổ chức các buổi trình diễn, giao lưu, chia sẻ chuyện hay, những bí quyết ướp trà, pha trà, thưởng trà.

Chuyện về những bông hoa đẹp

Nhân Kỷ niệm 76 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2024), nhằm thiết thực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hôm qua 7-6 tại Hà Nội diễn ra Chương trình Giao lưu trực tuyến gương điển hình tiên tiến, Người tốt, việc tốt với chủ đề “Thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại”. Tại đây nhiều câu chuyện xúc động, ý nghĩa đã được những “bông hoa đẹp” chia sẻ, truyền cảm hứng cho nhiều người.

Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng chàng trai này đã vượt qua sự mặc cảm, tự ti, những rào cản để trở thành sinh viên của Học viện âm nhạc Việt Nam. Không chỉ là tấm gương vượt khó, vươn lên đầy nghị lực, Thiện còn truyền cảm hứng cho mọi người vì những đóng góp cho cộng đồng, xã hội. Chàng trai này hiện là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát xẩm Tâm Việt – câu lạc bộ đàn, hát xẩm đầu tiên của người khiếm thị tại Việt Nam và cũng là người đồng sáng lập Mái ấm Đông Đô cùng ban nhạc người khiếm thị “Nắng mới”, giúp đỡ nhiều mảnh đời cùng cảnh ngộ.

Còn đây là cô gái nhỏ tài năng, gương mặt thiếu nhi tiêu biểu Thủ đô năm 2024. Không chỉ năng nổ trong các phong trào thanh thiếu nhi, Trà My còn đam mê nghệ thuật, đạt nhiều giải thưởng cao và tích cực vì cộng đồng.

Tại buổi giao lưu nhiều tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực: “dạy tốt, học tốt”, “lao động, sản xuất”, “sáng kiến, sáng tạo” cũng đã chia sẻ câu chuyện của bản thân. Góp phần lan tỏa phong trào thi đua yêu nước đến mọi tầng lớp nhân dân.

Mỗi một tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt chính là một bông hoa đẹp trong một rừng hoa đẹp. Dù có xuất thân thế nào và hoàn cảnh ra sao thì họ vẫn luôn cố gắng, vươn lên để khẳng định bản thân, đóng góp cho cộng đồng vì một Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại nói riêng và vì một Việt Nam tươi đẹp nói chung.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 08.06.2024:

 

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

8 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 26.07.2024

Bản tin 24h 27/07/2024 09:11:09

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 26.07.2024

Bản tin 24h 27-07-2024 09:11:09

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 26.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lễ truy điệu và an táng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Các tự viện thỉnh chuông tiễn biệt cố Tổng Bí Thư; Thắp sáng tinh thần tri ân báo ân nơi biển đảo tổ quốc.
4126 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 24.07.2024

Bản tin 24h 25/07/2024 15:59:11

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 24.07.2024

Bản tin 24h 25-07-2024 15:59:11

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 24.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TƯGH hướng dẫn tổ chức nghi lễ tưởng niệm cố Tổng Bí thư; TP.HCM: Tưởng niệm 9 năm ngày viên tịch cố Trưởng lão Hòa thượng. Thích Giác Nhiên; Hành trình 50 năm dấn thân cho lý tưởng phụng sự.
2362 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.07.2024

Bản tin 24h 24/07/2024 11:47:56

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.07.2024

Bản tin 24h 24-07-2024 11:47:56

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 23.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TƯGH gửi thư chia buồn về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần; Hà Nội: Đoàn Ủy Ban MTTQVN TP dự Lễ tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thực tập hạnh Bồ Tát trong từng phút giây.
1164 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.07.2024

Bản tin 24h 23/07/2024 11:24:38

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.07.2024

Bản tin 24h 23-07-2024 11:24:38

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 22.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Phật giáo các địa phương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; TP.HCM: Lễ truy niệm, phụng tống kim quan cố Hòa thượng.Thích Huệ Trí; Kết quả ban đầu triển khai thí điểm Hệ thống Dữ liệu Tăng Ni, Phật Tử.
5263 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.07.2024

Bản tin 24h 22/07/2024 08:46:04

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.07.2024

Bản tin 24h 22-07-2024 08:46:04

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Thông cáo đặc biệt về lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; TP.HCM: Lễ nhập kim quan cố Hòa thượng.Thích Huệ Trí; Tăng Ni trẻ vun bồi đạo hạnh.
3534 lượt xem 0 Bình luận