Bản tin Bchannel – An Viên 24H 10.06.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 10.06.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Mang niềm vui về vùng cao Tây Bắc; Bóng áo nâu của những người nghèo; Tết Đoan Ngọ – Diệt trừ tham sân si.
Mang niềm vui về vùng cao Tây Bắc
Được tận mắt chứng kiến mới có thể cảm nhận hết được cái nghèo, sự thiếu thốn của các em học sinh vùng sâu vùng xa nơi vùng cao Tây Bắc. Hướng đến mùa Vu lan năm 2024 với tinh thần tri ân báo ân; Ban tổ chức chương trình Vu lan – Đạo hiếu và Dân tộc đã có nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa tại Điện Biên.
Những can nhựa này là dụng cụ để cô và trò điểm trường Nậm Ty, thuộc trường Tiểu học xã Hua Thanh, huyện Điện Biên dùng để đi xách nước về nấu ăn, sinh hoạt mỗi mùa khô. Điểm lấy nước cách trường khoảng 2km. Hiện ở đây có 141 học sinh, 100% là dân tộc Mông. Buổi trưa các em ăn ở trường; Thầy cô vừa dạy vừa phân công nấu ăn luân phiên.
Sau khi nấu ăn tại căn bếp đã cũ này, các Thầy cô phải mang lên từng lớp học cho các em. Sự thiếu thốn đủ bề làm việc dạy và học ở điểm trường vùng cao vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Với mong muốn sẻ chia, Ban tổ chức chương trình Vu lan – Đạo hiếu và dân tộc năm 2024 phối hợp cùng Công ty cổ phần Sen Cộng đã khởi công Nhà ăn điểm trường Nậm Ty, mang đến niềm vui cho cô và trò nơi đây. Cùng tham gia chương trình còn có chư tôn đức từ miền Nam, không quản ngại đường xa, đóng góp tịnh tài ủng hộ.
Điểm trường Nậm Ty được xây dựng khang trang theo đề án của quốc gia, phục vụ công tác giáo dục vùng sâu vùng xa; thế nhưng, những công trình phụ trợ vẫn còn thiếu thốn. Sự đồng hành của chư tôn đức sẽ giúp các em có 1 nhà ăn tiện nghi, thể hiện tinh thần gắn bó giữa Đạo và Đời của Phật giáo Việt Nam.
Bóng áo nâu của những người nghèo
Nằm trong con hẻm nhỏ tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, Niệm Phật đường Pháp Tuyền không chỉ là nơi để người dân trong vùng tu tập, gửi gắm niềm tin tâm linh mà ở nơi đó còn là mái nhà chung của những trẻ mồ côi không nơi nương tựa, san sẻ khó khăn với người nghèo. Trụ trì Niệm Phật đường giàu lòng nhân ái này đó chính là Đại đức Thích An Thuận, người được người dân và chính quyền yêu quý gọi với các tên bóng áo nâu của những người nghèo.
Sinh ra trong gia đình cách mạng, hầu hết thân nhân đều là liệt sĩ, nên ngay từ nhỏ đại đức Thích An Thuận đã cảm nhận được nỗi đau của chiến tranh, của sự bất hạnh, nghèo khó. Sau hơn 10 năm làm cán bộ nhà nước, Đại đức đã quyết định xuất gia, khoác lên mình tấm áo nâu với mong muốn dành thời gian để tu tập, làm việc thiện.
Cùng với việc hướng con người đến việc thiện, thông qua những trang kinh, bài pháp, đại đức Thích An Thuận còn là cầu nối đứng ra tổ chức các hoạt động để các nhà hảo tâm gặp gỡ, chia sẻ khó khăn với người nghèo bằng những việc làm cụ thể như: giúp đỡ người mù, chăm sóc người lao động, người nhiễm HIV, nấu ăn cho người lang thang không nơi nương tựa.
Tâm niệm lời Phật dạy người có lòng lương thiện yêu thương mọi người, luôn giúp đỡ người khác mà không mưu cầu hồi báo thì chính là người đã tích được công đức lớn. Đại đức Thích An Thuận đang là cầu nối giữa đạo và đời bằng con đường thiện nguyện như thế.
Tết Đoan Ngọ – Diệt trừ tham sân si
Ngày 5 tháng 5 âm lịch là ngày Tết Đoan Ngọ, hay còn gọi là Tết Đoan Dương, một trong những ngày Tết truyền thống trong tâm thức của người Việt. Trải qua thời gian, Tết Đoan Ngọ vẫn được gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa dân gian đậm đà bản sắc. Bên cạnh ý nghĩa diệt trừ sâu bọ, phòng chống dịch bệnh, đây còn là cơ hội để mỗi người con Phật loại bỏ tam độc tham sân si, chuyển hóa bản thân và mang lại niềm vui, an lạc cho những người xung quanh.
Theo thuyết xưa truyền lại, Tết Đoan Ngọ gắn liền với sự tích ông lão Đôi Truân. Vào một ngày sau vụ mùa, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái. Nhân dân vô cùng lo lắng, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân, chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây. Chỉ một lúc sau, sâu bọ té ngã rã rượi. Từ đó, người nông dân mỗi năm vào đúng ngày này duy trì truyền thống ấy và Tết Đoan Ngọ ra đời.
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc thường gồm: Vải, mận, rượu nếp, cơm rượu nếp, bánh gio… Ngoài ra, theo phong tục của từng vùng miền, mâm cúng còn có thêm các lễ vật khác đặc trưng. Trải qua thời gian, Tết Đoan Ngọ vẫn duy trì được những phong tục hết sức độc đáo nhằm tôn vinh kinh nghiệm, phương pháp truyền thống dân gian và đề cao tinh thần phòng chống dịch bệnh của ông cha ta từ thời xưa. Chính vì thế, tết Đoan Ngọ còn 1 cái tên dân giã khác là Tết diệt sâu bọ.
Nhưng có lẽ, ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ không dừng lại ở đó. Mỗi năm cứ đến dịp Tết Đoan Ngọ, gia đình Phật tử Ngộ Thành An, tỉnh Hải Dương lại chuẩn bị mâm cơm chay, dâng cúng ông bà tổ tiên. Với gia đình anh chị, Tết Đoan Dương không chỉ là dịp xua đuổi bệnh tật, mà còn là cơ hội để tiêu diệt tam độc tham sân si, dọn dẹp khu vườn tâm của chính mình.
Những giá trị tốt đẹp của đạo Phật thông qua ngày Tết Đoan Ngọ cứ thế được trao truyền qua nhiều thế hệ. Thông qua lời kinh tiếng kệ, qua những lời dạy quý báu của Đức Thế Tôn về nhân quả, nghiệp báo, bố mẹ đã giảng giải cho con cái bài học gần gũi, giản dị, dễ dàng áp dụng trong đời sống hàng ngày để vun bồi đạo hiếu, xây dựng giá trị đạo đức, gieo hạt giống bồ đề trong tâm hồn con trẻ.
Không chỉ dừng lại tại tư gia, các hoạt động thiết thực để dọn dẹp khu vườn tâm của các Phật tử cũng được lan tỏa tại các tự viện, đem đến sự cộng hưởng của số đông. Người lớn và trẻ nhỏ, bố mẹ và con gái cùng nhau tụng kinh, niệm Phật, phát nguyện bỏ đi những điều nhỏ nhen, tầm thường, sống hòa hợp yêu thương, khơi tuệ giác, tỏ nguồn tâm.
Từ Bắc đến Nam, mỗi vùng miền lại có một cách khác nhau để hướng về cội nguồn tổ tiên dịp Tết Đoan Ngọ. Như tại tỉnh Kiên Giang, những ngày này, dù bận rộn đến mấy, gia đình bà Huệ cũng tập trung đông đủ các thành viên, chuẩn bị mâm cũng gia tiên, với phẩm vật không thể thiếu đó là bánh xèo, món ăn biểu trưng cho sự hội tụ, tinh thần gắn kết, chia sẻ niềm vui. Những giây phút đoàn viên quý giá này như giúp mỗi người buông bỏ mọi muộn phiền, xô bồ của cuộc sống hiện đại.
Có thể khẳng định, văn hóa Phật giáo Việt Nam đã hòa quyện và làm phong phú thêm giá trị dân gian truyền thống của dân tộc. Chính vì vậy, như lẽ tự nhiên, triết lý đạo Phật và ý nghĩa ngày Tết Đoan Ngọ có nhiều điểm tương đồng. Sâu bọ phá hoại mùa màng, giun sán trong cơ thể con người có lẽ chẳng đáng sợ bằng loài sâu bọ tham, sân, si đang ẩn náu và gặm nhấm tâm ta. Chính vì vậy, dịp này, mỗi người quay về để nhận diện và sửa đổi bản thân mình.
Gieo nhân nào ắt sẽ gặp quả ấy, giáo lý ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con Phật, để rồi ghi nhớ lời Phật dạy để gieo trồng hạt giống bồ đề. Nếu như chỉ mâm cao cỗ đầy, dừng lại ở nghi thức bên ngoài thì sẽ chẳng bao giờ đạt được sự chuyển hóa nội tâm thực sự. Những suy nghĩ, lời nói, hành động chân chính là nền tảng để xây dựng cuộc sống từ bi, hài hòa giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, vạn vật.
Tuy bắt nguồn từ xa xưa, nhưng tới hôm nay ý nghĩa và giá trị dân gian của Tết Đoan Ngọ vẫn còn lưu giữ vẹn nguyên, làm giàu thêm kho tàng văn hoá dân tộc Việt. Diệt trừ sâu bọ, loại bỏ u mê phiền não là cách mà người con Phật đang ngày ngày hành trì, tu tập, đem lại sự thanh tịnh thân tâm, xây dựng xã hội lục hòa, nhân ái.
Rộn ràng mùa sen nở
Được thiên nhiên ưu ái ban cho vẻ đẹp nên thơ hữu tình, bên cạnh những rặng núi non trùng điệp, hùng vĩ, Ninh Bình còn nổi tiếng với những đầm sen tỏa hương thơm ngát vào mùa hè. Những ngày này, các đầm sen đã nở rộ rực rỡ tạo nên một vẻ đẹp kiều diễm tinh khôi cho vùng non nước Ninh Bình thu hút người dân và du khách thăm quan, chụp ảnh. Về Ninh Bình dịp này, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên với những đầm sen thơm mát giữa núi non hùng vĩ của miền đất Cố đô.
Tháng 5 đến tháng 7 là thời điểm sen nở rộ nhất trên khắp những khu đầm ở Ninh Bình. Trong đó, một trong những địa điểm ngắm sen đẹp nhất ở Ninh Bình là ở Khu du lịch Hang Múa thuộc xã Ninh Xuân, Hoa Lư. Mỗi mùa sen nở, du khách lại từ khắp nơi đổ về rất đông. Những ngày gần đây, lượng khách tới tham quan, chụp ảnh với sen Hang Múa tăng đột biến bất kể ngày nắng hay mưa.
Hoa sen là loài hoa gần gũi nhưng không kém phần thanh cao, loại hoa này trong tâm thức của người Việt là biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng, tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Màu xanh của lá, sắc hồng phấn hay trắng của những đóa sen trải khắp cả vùng rộng lớn càng khiến hình ảnh của Cố đô Hoa Lư – Ninh Bình lịch sử trở nên thanh bình hơn bao giờ hết.
Những năm gần đây, nhiều người dân Ninh Bình chọn cây sen để trồng nhằm tạo thêm nơi thăm quan cho du khách và phát triển kinh tế.
Đến với các đầm sen ở Ninh Bình, du khách cũng có thể thử trải nghiệm đi thuyền hái sen, thưởng thức món cháo sen lạ miệng. Tại địa phương một số sản phẩm làm từ sen đã được công nhận là sản phẩm OCOP, có thể giúp du khách có thêm sản phẩm làm quà lưu niệm mang hương vị đặc trưng của vùng đất Cố Đô. Sen từ lâu không chỉ còn là loài hoa đẹp mà còn mang lại giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 10.06.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
15 lượt thích 0 bình luận