Bản tin Bchannel – An Viên 24H 11.04.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 11.04.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TP. HCM: VP2 TƯGH tiếp tục triển khai hội nghị giao ban với các tỉnh thành phía nam; Lan tỏa lòng nhân ái từ những bếp ăn tình thương; Độc đáo Tết Thanh minh của các dân tộc ít người.
TP.HCM: VP2 TƯGH tiếp tục giao ban với các tỉnh thành phía Nam
Tiếp tục Hội nghị giao ban giữa VP2 TƯGH với BTS GHPGVN các tỉnh thành phía nam, sáng nay ngày 11/4, tại Thiền Viện Quảng Đức – TP.HCM, chư tôn đức đại diện Phật giáo 5 tỉnh: Đồng Nai, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã nêu ra nhiều nội dung, vấn đề cần sự hướng dẫn của HĐTS.
Hội nghị giao ban được lắng nghe các vướng mắc, góp ý, đề xuất: về thủ tục xin cấp đất tôn giáo, phục hồi các tự viện có từ thời chiến tranh, thành lập Ban Quản trị tự viện, Tăng Ni từ địa phương khác đến cất am thất không chuyển vùng sinh hoạt tôn giáo, thành lập điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, vấn đề cầu y chỉ, kiểm tra thu chi tiền công đức theo Thông tư 04 của Bộ Tài chính, bổ sung nhân sự của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; các trường hợp cụ thể như Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị mong muốn đưa tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang làm cơ sở quản lý công của Phật giáo tỉnh; thành lập Ban Quản trị tổ đình Thiên Ấn (Quảng Ngãi), vấn đề mái ấm tình thương tại Quảng Nam; thành lập Trường TCPH tỉnh Quảng Trị…
Ghi nhận tất cả các ý kiến, đề xuất, chư Tôn đức Chủ tọa đoàn đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của BTS GHPGVN các tỉnh, thành, đồng thời cho biết sẽ đệ trình đến Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự có hướng giải quyết phù hợp.
CỤM CHÚC TẾT CHÔL CHNĂM THMÂY
Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2024 của đồng bào dân tộc Khmer, các sở, ban ngành của các địa phương đã thăm, chúc tết chư tăng, đồng bào phật tử khmer an lành, hạnh phúc. Ghi nhận tại Sóc Trăng, An Giang.
Tại Chùa Soài So, tỉnh An Giang, phái đoàn lãnh đạo Tỉnh do Ông Lê Hồng Quang – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh dẫn đầu đã thăm hỏi đời sống và chúc Trưởng lão Hòa thượng Chau Ty – Phó pháp chủ HĐCM cùng chư tôn đức và người dân Khmer đón Tết Chôl Chnam Thmay vui tươi, ấm áp. Dịp này, đoàn cũng thông tin về tình hình KT-XH của tỉnh và cảm ơn sự đóng góp lớn của Phật giáo Nam tông, người dân Khmer trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển đời sống địa phương.
Tỉnh Sóc Trăng thành lập 15 đoàn đến thăm, chúc tết 60 gia đình cán bộ dân tộc Khmer tiêu biểu, 4 tập thể là đơn vị có đông cán bộ, viên chức, người lao động dân tộc Khmer và 30 tự viện phật giáo Nam tông Khmer. Tại các nơi đến, các đoàn đánh giá cao những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và mong muốn các tập thể và cá nhân tiêu biểu tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ của mình, góp phần xây dựng quê hương thêm phát triển, ổn định.
Góp phần cho cái Tết Chool Chnăm Thmây đủ đầy
Thị xã Vĩnh Châu , tỉnh Sóc Trăng có gần 90 nghìn người Khmer, chiếm hơn 50 % dân số. Đa phần bà con dân tộc sống bằng nghề nông nghiệp, còn nhiều khó khăn. Để chia sẻ phần nào khó khăn, nhiều hoạt động cộng đồng đã được thực hiện, giúp bà con có cái tết cổ truyền được ấm cúng hơn.
500 phần quà được trao tận tay đồng bào dân tộc Khmer thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng lần này là do địa phương kêu gọi các mạnh thường quân, trong đó có Phật giáo các cấp đóng góp. Mặc dù là nhu yếu phẩm, nhưng đây cũng mang lại sự ấm lòng cho người dân.
Thời gian qua với chính sách của Đảng và Nhà nước, đời sống bà con ngày càng được ổn định; tuy nhiên hộ đồng bào dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn, ít đất sản xuất nên giúp bà con ngày ổn định luôn được quan tâm.
Mong rằng với những chính sách tốt đẹp cùng sự hỗ trợ của mạnh thường quân, bà con đồng bào Khmer ngày càng phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần công cuộc phát triển quê hương.
Hòa Bình: Hội nghị triển khai Phật sự năm 2024
Sáng nay ngày 11/04, tại chùa Phật Quang, TP. Hòa Bình; BTS GHPGVN tỉnh Hoà Bình tổ chức hội nghị triển khai công tác Phật sự năm 2024.
Tại Hội nghị, chư tôn đức nghe báo cáo Phật sự thời gian qua, đồng thời thảo luận các Phật sự sắp tới gồm đại lễ Phật Đản và an cư kiết hạ 2024. Theo đó, lễ Phật đản sẽ bắt đầu từ ngày 8 đến 15/4ÂL với nhiều hình thức, nội dung; chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội; Lễ đài chính đặt tại chùa Phật Quang, bao gồm lễ thuyết giảng, văn nghệ mừng khánh đản….
CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG
Chiều ngày 10/4, tại Việt Nam Quốc Tự, Phân ban Ni giới GHPGVN TP.HCM họp để triển khai nội dung Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ năm 2024.
Tại buổi họp, chư tôn đức nghe và thảo luận về “Thông tư Hướng dẫn thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện nhiệm kỳ 2022 – 2027 và thủ tục thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện (NK 2022 – 2027); cử đoàn tham dự Đại lễ tưởng niệm Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo tại Cần Thơ. Dịp này, công tác thiết trí xe hoa mừng Phật đản, triển lãm Văn hoá phẩm Phật giáo, hội chợ Văn hoá, Văn nghệ,… cũng được thống nhất.
Còn tại tỉnh Kiên Giang, BTS GHPGVN tỉnh vừa tổ chức Hội nghị Tăng sự thường kỳ nhằm triển khai các công tác Phật sự trong thời gian tới như: khoá Tập huấn Nghiệp vụ Hoằng pháp, tập huấn Nghiệp vụ Sư phạm tại TP.Đà Nẵng; kế hoạch họp giao ban các chùa Phật giáo Nam Tông Khmer tại các huyện: Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao; chúc tết Chol Chnăm Thmây đến HT.Danh Đổng; khoá tập huấn An ninh và Quốc phòng; Công tác tổ chức Đại lễ Phật đản, Đại Giới đàn 2024 và khóa Huân tu Kiết đông vào tháng 10ÂL.
Trong khi đó, sáng nay ngày 11/4, Trường trung cấp Phật học tỉnh Đồng Nai khai mạc kỳ thi tốt nghiệp khoá X (niên học 2021 – 2024). Đây là dịp nhà trường kiểm tra khả năng thực học, thực tu đúng với nội quy nhà trường của Tăng ni sinh. Đồng thời, mong muốn qua kỳ thi này Tăng Ni sinh tiếp nối sự nghiệp Hoằng pháp của Giáo hội, rèn đức luyện tài để tham gia phát triển mạng mạch của Phật pháp.
CỤM TIN TỪ THIỆN
Ngày 10/4, nhằm mang đến mái ấm An cư trọn vẹn cho những hoàn cảnh khó khăn, Phân ban Hướng dẫn Phật tử Dân tộc thuộc Ban HDPT TƯGH tiếp tục khởi công xây dựng Nhà Đại Đoàn kết cho các gia đình tại Hà Giang, Yên Bái.
Tại Hà Giang, Phân ban Hướng dẫn Phật tử Dân tộc TƯ phối hợp BTS GHPGVN tỉnh khởi công xây dựng Nhà Đại Đoàn kết cho hộ gia đình Anh Hoàng Văn Minh, huyện Xín Mần. Căn nhà có diện tích 54m2 với kinh phí khoảng 80 triệu đồng. Qua đó, mong muốn gia đình ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế. Dự kiến nhà đại đoàn kết hoàn thành vào ngày 10/5.
Còn tại Yên Bái, Phân ban cũng phối hợp BTS GHPGVN tỉnh khởi công xây dựng Nhà Đại Đoàn kết cho hộ gia đình ông Hoàng Văn Huy, huyện Văn Yên, kinh phí xây dựng là 80 triệu đồng. Tại đây, chư tôn đức động viên gia đình sớm ổn định đời sống, thoát nghèo phát triển kinh tế.
Trong khi đó, sáng nay ngày 11/4 tại quận Ô Môn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Cần Thơ phối hợp với các cơ quan khởi công xây dựng 60 căn nhà Nhân ái cho đồng bào tín đồ Phật giáo và Công giáo, trị giá 3 tỷ đồng. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đại biểu UB MTTQ Việt Nam Thành phố lần thứ X và Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2024 – 2029.
Lan tỏa lòng nhân ái từ những bếp ăn tình thương
Phát huy truyền thống nhân ái và trách nhiệm với cộng đồng, thời gian qua, các tổ chức Phật giáo trên địa bàn tỉnh BR-VT đã tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, chung tay cùng các cấp chính quyền chăm lo đời sống người dân. Trong đó, mô hình “Bếp ăn tình thương” là điểm sáng trong hoạt động nhân đạo, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được Phật giáo tỉnh duy trì hơn 20 năm qua.
Duy trì hoạt động suốt 20 năm, bếp ăn tình thương ở bệnh viện Lê Lợi, nay là BV Vũng Tàu do BTS GHPGVN TP.Vũng Tàu chủ trì thực hiện đã hỗ trợ khoảng 900 ngàn suất ăn cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Hiện mỗi ngày, bếp ăn phục vụ miễn phí từ 350-500 suất cơm cho bệnh nhân, thân nhân người bệnh
Hiện Phật giáo tỉnh BR-VT đang duy trì 4 bếp ăn tình thương tại 4 cơ sở y tế trong tỉnh gồm: Bệnh viện Vũng Tàu, bệnh viện Bà Rịa, TTYT huyện Châu Đức và bệnh viện Tâm thần tỉnh. Từ năm 2023 đến nay, các bếp ăn đã phục vụ hàng chục ngàn suất ăn miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh, với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, do phật tử, nhà hảo tâm đóng góp.
Ngoài ra, nhiều tự viện trên địa bàn tỉnh cũng xây dựng và duy trì các bếp ăn tình thương tại địa phương với nguồn kinh phí đóng góp từ các phật tử, nhà hảo tâm. Các bếp ăn này thường hoạt động trong các ngày: mùng 1, rằm và 30 âm lịch. Mỗi đợt phát khoảng 350- 1000 suất cơm cho người lao động, người khuyết tật, người cao tuổi khó khăn.
Không chỉ nhận những bữa ăn miễn phí, đến với các bếp ăn tình thương, mỗi hoàn cảnh khó khăn, không may mắn còn cảm nhận hơi ấm tình người, để có thêm niềm tin, động lực vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.
Độc đáo Tết Thanh Minh của đồng bào các dân tộc ít người
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ xa xưa, cứ vào ngày Tết Thanh Minh, bà con các dân tộc tại vùng núi phía Bắc lại tổ chức lễ tảo mộ để tưởng nhớ công lao của ông bà tổ tiên và gọi là tết thanh minh. Nhân đúng dịp 3/3 AL, ngày thanh minh theo truyền thống của bà con, BTAV xin gửi tới quý vị nét đẹp và cả những điều thật đặc biệt mà dung dị của ngày này nơi vùng cao.
Thanh minh là tiết thứ năm trong “nhị thập tứ khí” và đã được người phương Đông coi là một lễ tiết hàng năm. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang Tiết Thanh Minh.
Theo nhiều giả thiết, ban đầu, chỉ có người dân tộc ở các vùng núi cao mới tổ chức Tết Thanh minh, sau dần, người Kinh ở xuôi lên những nơi này sinh sống cảm nhận nét đẹp văn hóa nơi đây cũng đã hưởng ứng, tổ chức Tết Thanh minh, đi tảo mộ giống như bà con người dân tộc.
Phong tục mỗi nơi mỗi khác nhưng điểm chung là đi tảo mộ tổ tiên vào ngày 3/3 âm lịch. Ngoài ý nghĩa tưởng nhớ người đã khuất, Tết Thanh minh còn là dịp để con cháu trong dòng họ đoàn tụ sum vầy, gắn kết tình cảm và cả tình thân láng giềng.
Họ quan niệm mỗi năm chỉ có một ngày, dù ai đi đâu, ở đâu, đến ngày 3/3 âm lịch cũng về với gia đình để tảo mộ, báo hiếu với người đã khuất. Và đây được coi như một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm.
Trong quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số, tổ tiên thường hay trở về thăm con cháu là khoảng thời gian từ tờ mờ sáng đến lúc gà gáy, cho nên đồ lễ được chuẩn bị từ 3 – 4 giờ sáng. Mâm cúng đặt ở giữa nhà, trước bàn thờ có bát hương, 3 chén rượu, đèn, hương, giấy bản; xôi ngũ sắc…
Trong đó, xôi ngũ sắc gồm các màu xanh, vàng, tím, màu đỏ và trắng. Họ quan niệm rằng, tháng 3 là tháng đồng bào làm nương trồng lúa, đang mùa sinh sôi, phát triển nên làm xôi cúng tổ tiên, để cầu mong tổ tiên phù hộ cho mùa màng được tươi tốt. Đặc biệt, Mâm cúng phải do chủ nhà chuẩn bị, hoặc là con trai trưởng đảm trách.
Riêng Với người Tày ở Hợp Thành phần lễ làm ở nhà sẽ có 3 phần, bàn thờ cao nhất là thờ ông bà tổ tiên, bàn thờ thứ hai là thờ ông bà bên nhà ngoại và bàn thấp nhất là thờ thổ địa.
Một nét đặc trưng của đồng bào dân tộc trong tết thanh minh là tranh cắt giấy. Đây là phẩm vật quan trọng bắt buộc phải có theo quan niệm của đồng bào. Người đàn ông thì lo làm giấy cúng, mua những tờ giấy ngũ sắc cắt thành những lá cờ, đến ngày tảo mộ sẽ buộc lên những cành cây, cắm lên trên mộ.
Từ rất sớm, tại khu nghĩa trang, gia đình ông Đàm Văn Hùng, người Nùng ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã quây quần con cháu, cùng nhau đi tảo mộ. Không khí đông vui, nhộn nhịp, mỗi người mỗi việc, thanh niên thì phát cỏ, sang sửa, cuốc đất, sạch sẽ; người già bày biện mâm lễ cúng tổ tiên với đầy đủ những món ăn ngon. Trẻ nhỏ cũng được theo ông bà cha mẹ đi tảo mộ, trước là để biết dần những ngôi mộ của gia tiên, sau là để tập cho con cháu sự kính trọng tổ tiên qua tục viếng mộ.
Theo phong tục của đồng bào các dân tộc ở Lạng Sơn, Tết Thanh Minh cũng được tổ chức trong tháng 3 âm lịch và tục lệ đi tảo mộ kéo dài suốt tháng. Tết Thanh minh đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Xứ Lạng bởi đây không chỉ là ngày tri ân tổ tiên mà con thể hiện sự quan tâm đến những nấm mồ hoang. Những ngôi mộ vô chủ, nếu nằm gần khu vực có mồ mả của người nhà, cũng được những người đi tảo mộ thắp hương và đốt vàng mã.
Sau khi lễ dọn dẹp phần mộ và thờ cúng, mỗi ngôi mộ đều được gắn 1 cành nêu. Cây nêu treo các lá cờ được cắt theo hình đồng xu cổ ngày xưa để khi hóa vàng thì các cụ nhận được tiền bạc con cháu gửi. Thời gian làm lễ thường từ sáng sớm đến gần trưa. Sau khi hoá vàng, gia đình thường thụ lộc ngay bên phần mộ. Mọi người tụ họp nghe người lớn tuổi kể về những người đã khuất, nhắc nhở nhau hướng về nguồn cội, đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ trong cuộc sống, công việc, học tập để làm rạng rỡ tổ tiên. Có thể thấy rằng, Tết thanh minh đã góp phần tô đậm bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc.
CỤM TIN QUỐC TẾ
Trung Quốc: Học sinh trải nghiệm khoá tu tập tại chùa
Tại Trung Quốc, mới đây Chùa Phật Quang Sơn Phổ Tiên tổ chức khóa học “Thiền trong đời sống với giới trẻ năm 2024”. bao gồm các nghi lễ Phật giáo cơ bản, thiền trà và tụng kinh niệm Phật trải nghiệm một ngày là tu sĩ, thu hút đông đảo học sinh các trường học tham gia. Thông qua sự kết hợp giữa Phật giáo nhân văn và văn hóa nghệ thuật, giới trẻ có thể Thiền tập, tụng kinh và tu học một cách nghiêm túc, có những trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
Hàn Quốc: Triển lãm quốc tế Phật giáo lần thứ 6
Còn tại Hàn Quốc, triển lãm Phật giáo quốc tế lần thứ 6 đã được tổ chức với 369 gian hàng từ 212 cá nhân, tổ chức tham gia, tập trung vào các lĩnh vực Nhà ở; Thiền trà đạo; ẩm thực chay; Nghệ thuật/sản phẩm văn hóa; Lễ hội Phật Đản. Du khách còn có thể nghe các buổi thuyết giảng bởi chư tăng ni, diễn giả nổi tiếng, bên cạnh đó là chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Trải nghiệm những sắc màu văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội
Với chủ đề “Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”, Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội 2024 đã chính thức khai mạc vào sáng nay, ngày 11/4. Khách tham quan có trải nghiệm đa sắc màu văn hóa, các chương trình du lịch cùng các sản phẩm OCOP của các vùng miền. Đặc biệt là những cảm xúc đặc biệt khi đến với gian hàng của Ấn Độ – quốc gia cội nguồn của Phật giáo.
Tìm hiểu bản đồ du lịch Ấn Độ, booklet giới thiệu các di sản UNESCO tại Ấn Độ, địa điểm hành hương đất Phật.
Giao lưu văn hóa, trải nghiệm các điệu múa truyền thống, đố vui về Ấn Độ, chụp ảnh lưu niệm, vẽ henna,…
Đó là những hoạt động thú vị khi đến tham quan gian hàng Ấn Độ tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam ở Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô. Đại sứ quán Ấn Độ muốn lan tỏa, giới thiệu và quảng bá du lịch thông qua chương trình này.
Sau dịch Covid-19, người Việt Nam đi du lịch Ấn Độ nói chung và du lịch tâm linh, hành hương về xứ Phật nói riêng chiếm số lượng nhiều nhất trên thế giới. Ấn Độ có bề dày lịch sử văn minh trải dài nhiều thế kỷ. Đây còn là quốc gia có sự đa dạng tôn giáo. Nếu là tín đồ Phật giáo, chắc hẳn ai cũng muốn được về thăm vùng đất ra đời của Đức Phật một lần. Vì vậy, việc thúc đẩy phát triển du lịch Ấn Độ trong thời gian gần đây lại càng được quan tâm hơn bao giờ hết.
Với chủ đề “Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”, Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội 2024 thu hút hơn 700 doanh nghiệp từ 55 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 16 quốc gia, vùng lãnh thổ; và diễn ra từ ngày 11/4-14/4. Đây cũng là dịp để các cơ quan xúc tiến du lịch, cơ quan quản lý giới thiệu các sản phẩm mới, tạo đà cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, trong khu vực và trên toàn thế giới.
CỤM TIN VĂN HÓA
Mới đây, tại tỉnh Thừa Thiên – Huế đã khai hội Lễ hội điện Huệ Nam 2024. Đây là sự kiện văn hóa được tổ chức quy mô và mang đậm nét văn hóa lễ hội, là điểm nhấn của Lễ hội mùa Hạ trong khuôn khổ Festival Huế 2024.
Lễ hội diễn ra trong 2 ngày 10 – 11/4, với nhiều nghi lễ truyền thống. Đặc biệt là hoạt động tái hiện carnival dân gian quy mô và độc đáo với lễ rước cung nghinh Thánh Mẫu Hội đồng Tứ phủ trên tuyến đường bộ kéo dài 3km. Lễ hội điện Huệ Nam mang yếu tố văn hoá tâm linh thờ phụng Thánh Mẫu Thiên Y-A-Na, ước tính thu hút khoảng 3.000 – 5.000 người tham gia. Thông qua đó nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, di sản gắn với di tích, thu hút khách du lịch đến với Huế.
Một lễ hội đặc biệt khác vừa được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội Đền thờ Quang Trung ở Lạch Bạng và Cù Lao Biện, tỉnh Thanh Hóa. Lễ hội nhằm ghi nhớ công ơn của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, đề cao tinh thần thượng võ, cổ vũ dân chài vươn khơi bám biển làm giàu và bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Mới đây, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển phối hợp với các cơ quan tỉnh Thanh Hoá tổ chức liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại Đền mẫu Phủ Sung. Qua đó, tôn vinh nét đẹp truyền thống, quảng bá đến du khách giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bánh trôi nghệ thuật được ưa chuộng dịp Tết Hàn Thực
Bánh trôi là loại bánh truyền thống của người Việt Nam được thưởng thức vào ngày Tết Hàn thực 3/3 âm lịch hằng năm. Năm nay, những viên bánh trôi trắng tròn đã được biến tấu với nhiều hình thù và màu sắc khác nhau, giúp món ăn truyền thống này trở nên lạ lẫm, thú vị và ngon mắt hơn rất nhiều.
Một hồ sen thơm ngát với những chú cá vàng bơi tung tăng tựa như một bức tranh này thực chất lại là những chiếc bánh trôi được làm dịp Tết Hàn thực. Vẫn là nguyên liệu quen thuộc như gạo nếp, đường, vừng, đậu xanh,… vẫn trải qua những công đoạn quen thuộc như nhào nặn, luộc bánh,…nhưng thành phẩm lại độc đáo và vô cùng bắt mắt.
Mới mở bán được khoảng 2 tuần nay nhưng mỗi ngày căn bếp của chị Giang bán ra gần 50 set bánh đến tay khách hàng và được đón nhận tích cực.
Những chiếc bánh trôi được đóng gói theo set gồm bánh, nước đường, vừng,… rất tiện lợi cho người tiêu dùng với mức giá chỉ từ 100.000 đồng. Chính vì thế mùa Tết Hàn thực năm nay, nhiều người tiêu dùng chọn mua bánh trôi xinh xắn này thay cho những viên bánh trôi trắng tròn truyền thống.
Theo phong tục của người Việt, Tết Hàn thực là một dịp để con cháu hướng về cội nguồn, tổ tiên, ghi nhớ công ơn của những người đã khuất. Trong ngày này, mâm cúng dâng lên ban thờ tổ tiên không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Những chiếc bánh trôi với tạo hình bắt mắt, tiện lợi không chỉ là tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên mà còn khiến cho không khí gia đình ngày Tết hàn thực thêm đầm ấm và sum vầy hơn.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 11.04.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
15 lượt thích 0 bình luận