Bản tin Bchannel – An Viên 24H 14.02.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 14.02.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Đức Pháp chủ GHPGVN khai thị đầu năm Giáp Thìn; Toạ đàm sách Phật giáo trong thời đại 4.0; Nghệ thuật Phật giáo lan toả năng lượng an lành ngày xuân.
Đức Pháp chủ GHPGVN khai thị đầu năm Giáp Thìn
Đầu Xuân năm mới Giáp Thìn 2024, chư Tăng Ni, Phật tử đã về chùa Huê Nghiêm – TP.HCM khánh tuế Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ GHPGVN và được khai thị đầu năm.
Hòa thượng Thích Lệ Trang, UVTT HĐTS Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM thay lời chư Tăng Ni, Phật tử hiện diện tác bạch khánh tuế Đức Pháp chủ nhân dịp đầu năm mới Giáp Thìn – 2024.
Dịp này, Đức Pháp chủ đã có lời khai thị toàn thể chư Tăng Ni, và hơn 2.000 Phật tử tham dự. Ngài nói về nguồn gốc của bình an thực sự phải đến từ tâm thanh tịnh và trí tuệ sáng suốt. Với người con Phật, mọi lễ nghi cầu nguyện đều phải đưa đến sự an tịnh trong tâm. và khuyến khích quý Phật tử trì tụng kinh Dược Sư, đồng thời suy ngẫm, tập làm theo hạnh nguyện của Đức Phật Dược Sư và lối sống của các vị Bồ-tát.
TT – Huế: Đảnh lễ chư Tôn túc Giáo phẩm dịp đầu xuân
Cũng nhân dịp đầu xuân, đoàn BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế do HT.Thích Huệ Phước, UVTT HĐTS, Phó Trưởng Ban Thường trực BTS làm trưởng đoàn đã đến các tổ đình, tự viện dâng hương, đảnh lễ chư Tôn túc Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội các thời kỳ.
Chư Tôn đức đảnh lễ, dâng hương tưởng niệm và tri ân đến các chư Tôn túc lãnh đạo Giáo hội đã viên tịch, đã góp công lớn trong công cuộc chấn hưng, thống nhất Phật giáo Việt Nam, và dành nhiều tâm huyết trong việc giáo dục đào tạo Tăng tài, hoằng dương chánh pháp, một đời phụng sự đạo pháp và dân tộc; là tấm gương sáng ngời đạo hạnh trong lòng Tăng Ni và Phật tử Việt Nam.
Toạ đàm sách Phật giáo trong thời đại 4.0
Nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024, nhà sách Vĩnh Nghiêm thuộc Trung tâm biên phiên dịch tư liệu Phật giáo quốc tế, đã tổ chức tọa đàm “Hương xuân – Sách Phật”, nhằm lan toả sách Phật giáo đến gần hơn với cộng đồng. Trong đó, việc giới thiệu sách Phật giáo phù hợp với thời đại 4.0 được Chư tôn đức đặc biệt quan tâm.
Tại tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ về quá trình lưu giữ kinh sách thông qua mộc bản của cha ông, đồng thời khẳng định sứ mệnh của hậu thế trong việc gìn giữ, lan tỏa những triết lý cao đẹp của đạo Phật trong cộng đồng. Trong thời đại số, việc lan tỏa sách Phật giáo đứng trước nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, đòi hỏi Chư tôn đức và các cư sĩ cần có sự chuyển mình để nắm bắt và phù hợp với cuộc sống đương đại.
Cũng tại tọa đàm, các Phật tử đã được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu sách Phật giáo cũng như tu tập, nhận kinh sách tặng và lời pháp ngữ chúc phúc đầu năm.
Tết thầy – Nét đẹp tri ân báo ân
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, câu nói “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” lại trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết. Qua đó, mọi người nhắc nhở nhau về những trình tự lễ nghi cần thực hiện đúng và đủ trong 3 ngày Tết, đồng thời gợi nhớ truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta. Và tại chùa Bằng, Hà Nội, đông đảo Phật tử đã dâng hương, bạch Phật và lễ thầy, thể hiện nét đẹp tri ân báo ân.
Giữa không gian trang nghiêm, cùng sắc xuân của muôn hoa hòa quyện với khói hương trầm nhẹ nhàng và tinh tế, thanh dịu, từ sớm, người người, nhà nhà đã chọn lên chùa tĩnh tâm, thắp nén hương dâng Phật tỏ lòng thành kính. Và Phật tử Pháp Minh cùng chư tôn đức, những người bạn đồng tu vượt hàng trăm km từ Hải Phòng về chùa Bằng, Hà Nội để lễ Phật, lễ Tổ, đảnh lễ Hòa thượng trụ trì nhằm tri ân công lao giáo dưỡng của người Thầy khả kính.
Tại lễ đài chùa Bằng, trước tôn tượng Đức Phật Thích Ca uy nghi, hàng Phật tử đã được nghe những lời thuyết pháp, chỉ dạy tu tập của Hòa thượng trong năm mới, đồng thời cũng được đón nhận những Lời chúc mừng năm mới.
Dịp này, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm lựa chọn tặng những tấm thẻ in hồng danh chư Phật và những lời Đức Phật dạy trong kinh như món quà lì xì đầy ý nghĩa trao tặng đến các Phật tử. Và chỉ trong 5 ngày tết, chùa đã trao hơn 10.000 tấm thẻ.
Có thể thấy, lễ chùa đầu năm không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà đã trở thành nét văn hóa truyền thống, tạo nên bức tranh đa sắc mùa xuân trong nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc để thêm yêu, trân trọng những giá trị cội nguồn, hướng con người tới giá trị chân – thiện – mỹ.
Tết yêu thương nơi bản làng vùng cao
Nét đẹp ý nghĩa, văn hoá ngày đầu xuân cũng được chư tôn đức mang đến những bản làng xa xôi, nơi người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Và tại đây, ngôi chùa vừa là ngôi trường dạy điều hay, lẽ phải, vừa là mái nhà san sẻ yêu thương, là sân chơi rực rỡ, an yên cho người dân địa phương dịp tết đến xuân về.
Chùa Sơn Nguyên trên mảnh đất vùng cao A Lưới năm nay mở hội xuân với phiên chợ mang tên “Tết Nhà”. Tại đây, bà con địa phương vừa được đến chùa lễ Phật, vừa được tham quan, tìm hiểu những ấn phẩm Phật giáo ý nghĩa. Vì vậy, từ sáng sớm, Phật tử Nguyễn Văn Hải, người dân tộc Tà Ôi đã vượt nhiều km để về du xuân tại ngôi chùa này.
Khi bà con đã về quây quần đông đủ, chương trình xổ số vui xuân đã thành truyền thống lại được diễn ra. Những tấm vé số phát miễn phí không chỉ là niềm vui mà còn là lời chúc phúc của GĐPT Sơn Nguyên gửi đến bà con ngày đầu xuân. Và niềm hạnh phúc, niềm tin vào năm mới may mắn lại được nhân đôi khi ai ai cũng nhận được món quà lộc trên tay.
Nơi vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng chư Tăng ni Phật tử đã tạo nên mùa xuân ngập tràn hỷ lạc đến bà con. Và trong không gian thanh thịch chốn thiền môn, bà con đã niêm hương bạch Phật, viết lời nguyện cầu bình an cho bản thân và gia đình.
Nghệ thuật Phật giáo lan toả năng lượng an lành ngày xuân
Bên cạnh các hoạt động tri ân và chăm lo, trong những ngày đầu năm mới, rất nhiều người dân và Phật tử đã tham gia vào các hoạt động trải nghiệm nghệ thuật Phật giáo, gìn giữ nét đẹp văn hóa, đồng thời có được những giây phút an lành ngày xuân.
Xin chữ đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong tâm thức mỗi người dân Việt. Dù khá đông, nhưng ai nấy đều hoan hỷ chờ đợi, xếp hàng để được nhận những nét thư pháp của Chư tôn đức, gửi gắm những ước nguyện an lành, may mắn.
Bên cạnh khu vực xin chữ thư pháp, hoạt động trải nghiệm in kinh mộc bản cũng thu hút sự tham gia của đông đảo người dân, Phật tử. Nhiều bạn nhỏ lần đầu tự tay tìm hiểu về phương pháp xưa của cha ông, cảm thấy vô cùng thích thú.
Ngày nay, thay vì lì xì truyền thống, nhiều người đã chọn sách để mừng tuổi đầu năm. Đặc biệt, những cuốn sách Phật giáo, được trình bày sinh động với nội dung dễ tiếp cận như thế này, đã trở thành sự lựa chọn của đông đảo độc giả.
Theo thời gian, việc “ăn Tết”, “chơi Tết” của người dân, Phật tử Thủ đô có thể có những đổi thay, thế nhưng, tựu chung lại vẫn đều là để gìn giữ những nét đẹp văn hóa, cội nguồn dân tộc. Nghệ thuật Phật giáo đã đến gần hơn với đời sống, trở thành điểm tựa tinh thần, như lời chúc an lành ngày Xuân.
Nét đẹp đầu năm của người Việt tại Lào
Tại Lào, đi lễ chùa đầu năm là một trong những hoạt động không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền với những người Việt đang sinh sống tại đây. Họ lên chùa để tìm sự an yên và lưu giữ nét đẹp văn hóa, trao truyền cho thế hệ sau.
Chùa Phật Tích thủ đô Viêng Chăn rất đông bà con kiều bào, cộng đồng người Việt Nam đến dâng hương, lễ Phật trong những ngày đầu năm mới, với mong ước sức khỏe – hạnh phúc – bình an. Hơn nữa, duy trì đi lễ vào ngày đầu năm còn là để cho các thế hệ sau hiểu được các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Với mỗi người dân Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu trên Trái đất, thì nét đẹp văn hóa đi lễ chùa đầu năm vẫn là cách để bà con lưu giữ, truyền lại những giá trị truyền thống tốt đẹp ngày Tết cổ truyền, thể hiện khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy thêm yêu và trân quý những giá trị cội nguồn.
Là 1 trong 2 ngôi chùa Việt lớn nhất tại thủ đô Viêng Chăn; chùa Bàng Long những ngày đầu năm cũng rộn ràng người đến lễ Phật, cầu an. Chùa còn trang trí rất nhiều tiểu cảnh không gian làng quê Việt, để khơi gợi lại nỗi nhớ, niềm thương với quê hương. Và việc đến chùa vào những ngày năm mới cho thấy cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài nói chung và tại Lào nói riêng vẫn luôn gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc trong những ngày Tết cổ truyền.
Gìn giữ Tết Việt nơi đất khách
Không phải là 1 quốc gia đón Tết âm lịch, thế nhưng bà con người Việt tại CH Séc những ngày này vẫn tạm gác công việc, lên chùa Giác Đức – TP Ostrava tụng kinh cầu nguyện năm mới. Trong không gian ấm cúng, câu kinh tiếng kệ bằng tiếng mẹ đẻ vang lên chao ôi sao gần gũi, thân thương. Mâm lễ cũng là những phẩm vật quen thuộc như bưởi, phật thủ,… Và một nét đẹp không thể thiếu những ngày đầu năm là tục lì xì. Mỗi phong bao đỏ chư tôn đức gửi tặng như thay cho lời chúc năm mới hạnh phúc, phát tài phát lộc.
Đi khắp 4 phương trời, Tết nguyên đán của người Việt vẫn là nét đẹp được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Tại Nga, sự kiện “Tết sum vầy” cho lưu học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại các trường đại học ở Moskva đã được tổ chức. Các bạn học sinh sinh viên Việt Nam và Nga có cơ hội trải nghiệm các trò chơi văn hóa truyền thống của Việt Nam như ô ăn quan, nhảy dây, vượt chướng ngại vật … cùng chụp ảnh lưu niệm trong khoảng “không gian Tết”.
Không được đón tết ở quê nhà, những gia đình người Việt ở nước ngoài vẫn luôn cố tìm vị Tết trong những chiếc bánh chưng tự gói, trong tấm áo dài truyền thống, những câu đối hay những món ăn đặc trưng ngày xuân của dân tộc… những thứ tưởng chừng quen thuộc ấy, nay lại lạ lẫm với trẻ nhỏ người Việt được sinh ra và lớn lên tại Mỹ, chưa một lần ăn Tết tại quê nhà.
Niềm vui, sự phấn chấn ánh lên trên từng khuôn mặt kiều bào ta tại nước ngoài khi được vui xuân, đón tết bên nhau. Với họ, Tết cổ truyền của dân tộc sẽ luôn được gìn giữ và duy trì ở bất cứ nơi đâu trên Trái đất này, dù là CH Séc, Nga hay Mỹ… Chỉ cần ở nơi đó có dấu chân người con đất Việt.
Về xứ Nghệ xin chữ đầu năm
Trong không khí hoan hỷ đón chào xuân mới, sáng ngày 14.02 nhằm mùng 05.01 năm Giáp Thìn tại chùa Đại Tuệ, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã diễn ra Lễ khai bút cầu trí tuệ. Đây là nét đẹp văn hoá của dân tộc Việt Nam thể hiện ước vọng về điều tốt lành thuận lợi trên con đường học hành, thi cử; cũng như giáo dục con cháu truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
Cứ đến mùng 05.01AL hằng năm, bà con nhân dân Phật tử khắp nơi đổ về chùa Đại Tuệ (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) tham dự Lễ khai bút cầu trí tuệ. Những nét chữ thư pháp đầu năm mới mang lại sự bình an, động viên mọi người phấn đấu chăm chỉ, nâng cao trí tuệ để làm lợi lạc nhân sinh, phục vụ đất nước và nhân dân.
Những lời ước nguyện đầu năm mới còn được bà con gửi gắm thông qua những mảnh vải đỏ, vàng – màu sắc tượng trưng cho sự may mắn và treo lên cây. Bao lời hay ý đẹp được gửi vào gió, theo hương tỏa khắp muôn nơi. Với nhân dân Phật tử, Lễ hội Khai Bút Chùa Đại Tuệ là duyên lành để về chùa dâng hương, chiêm bái bày tỏ lòng thành kính của mình lên Đức Phật Mẫu Đại Tuệ và tôn vinh giá trị tư tưởng cốt lõi của đạo Phật “Duy Tuệ Thị Nghiệp” – lấy trí tuệ soi sáng cho tất cả hành vi trên lộ trình giải thoát, an lạc và giác ngộ.
Dịp này, BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An cũng phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, trao 29 phần quà khuyến học khuyến tài cho các em có thành tích xuất sắc nhất tại kỳ thi của tỉnh, quốc gia và quốc tế trong năm 2023, với trị giá là 100 triệu đồng, khơi dậy tinh thần truyền thống hiếu học trên quê hương bác Hồ kính yêu.
Hàng vạn du khách trẩy hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích
Hòa chung không khí tươi vui Xuân Giáp Thìn, ngày 13.02, hàng vạn du khách đã về lễ phật cầu an tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh và dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn.
Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích là lễ hội lớn và sớm nhất trong năm của tỉnh Bắc Ninh. Sự kiện có từ lâu đời gắn liền với lịch sử chùa Phật Tích, trên mảnh đất khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam. Năm nay, thời tiết thuận lợi nên rất đông du khách đã về chùa lễ Phật, cầu bình an và hân hoan tham dự lễ hội Khán hoa mẫu đơn.
Để đảm bảo an ninh, an toàn cho Lễ hội, Ban tổ chức đã huy động tối đa lực lượng, thành lập các tổ chốt phân luồng giao thông, bố trí lực lượng an ninh vòng trong, vòng ngoài. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, đảm bảo vệ sinh, môi trường, an toàn thực phẩm, PCCC cũng luôn được đảm bảo. Qua đó, để lại ấn tượng đậm nét đối với du khách thập phương.
Nếu phần hội Khán hoa mẫu đơn chùa Phật Tích trang nghiêm với nghi lễ dâng hương, pháp hội đại bi cầu Quốc thái dân an thì phần hội lại vô cùng rộn ràng, tươi vui với nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ và các trò chơi dân gian. Lễ hội không chỉ là sân chơi rực rỡ giúp gắn kết tình cảm, mà còn là dịp để các gia đình hướng thiện, cùng nhau làm việc tốt dịp đầu năm mới.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 14.02.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
16 lượt thích 0 bình luận