Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.01.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.01.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Quốc hội khoá XV họp phiên bất thường lần thứ 5; Các ban, viện trung ương giáo hội tổng kết Phật sự; GHPGVN năm 2023 – Đẩy mạnh công tác quản lý hành chính.
Quốc hội Khoá IX họp bất thường lần thứ 5
Sáng 15/1, thực hiện quy định của Hiến pháp và luật tổ chức quốc hội, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tham dự kỳ họp có chư tôn giáo phẩm đại biểu thuộc GHPGVN.
Phát biểu khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định bốn nội dung quan trọng. Trong đó có Luật Đất đai sửa đổi.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án Luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là dự án Luật rất khó, phức tạp. Kỳ họp bất thường lần thứ 5 diễn ra 2 ngày rưỡi theo hình thức họp tập trung.
Hội nghị Thường niên kỳ 3, khoá IX HĐTS GHPGVN
Ngày 15/1, tại Thiền viện Quảng Đức – TP.HCM đã diễn ra Hội nghị thường niên kỳ 3, khoá IX HĐTS. Cùng tại hội nghị, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã được suy tôn lên ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh.
Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm đầu nhiệm kỳ IX, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm cho việc triển khai phương hướng hoạt động năm 2024. Theo đó, năm 2023 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ 2022-2027, giáo hội phật giáo Việt Nam đã vận dụng trí tuệ tập thể, tinh thần hòa hợp, đoàn kết, phát huy tính sáng tạo của chư Tăng Ni, Phật tử cả nước; từng bước triển khai Nghị quyết Đại hội IX, Hiến chương giáo hội phật giáo Việt Nam sửa đổi lần VII, bổ sung nhân sự 13 Ban, Viện T.Ư; ban hành các Quy chế: Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự cấp tỉnh, cấp huyện; các Ban, Viện T.Ư, Quy chế Ban Quản trị cơ sở tự viện; củng cố cơ sở tại các địa phương; tổ chức hội nghị sinh hoạt hành chánh Giáo hội. Công tác Tăng sự, hoằng pháp, giáo dục, phật giáo quốc tế, pháp chế, nghi lễ đạt được nhiều thành tựu nổi bật, nhất là hoạt động an sinh xã hội được đẩy mạnh với tổng số tiền hơn 2 nghìn tỷ đồng.
Năm 2024, Giáo hội tiếp tục hoàn thành nốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, tập trung vào 11 chương trình, nhiệm vụ trọng tâm về mặt hành chính và nhiều hoạt động Phật sự chuyên môn cụ thể. Dịp này, hội nghị cũng đã thông qua danh sách tấn phong giáo phẩm, Ban thư ký và ban Phật giáo Quốc tế báo cáo về kế hoạch và công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tổ chức tổ chức Đại lễ Vesak 2025 tại Việt Nam.
Đồng thời, toàn thể Hội nghị đã cử hành nghi thức suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự lên ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh và nhị vị Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, đồng Phó Chủ tịch Thường trực hội đồng trị sự tham gia Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh.
Tổng kết các ban chuyên môn
Cuối năm là dịp để các ban viện TƯGH tổng kết các hoạt động phật sự đã thực hiện được trong năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Trong ngày hôm qua 14/1, tại TP.HCM, nhiều ban, viện Trung ương Giáo hội tổ chức Hội nghị để cùng nhìn lại những thành tựu một năm vừa qua, đánh giá các mặt còn tồn tại từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho các Phật sự của năm tới.
Tăng sự, Kiểm soát, Pháp chế tích cực tham mưu, tư vấn cho Giáo hội
Năm 2023, Ban Tăng sự, Ban Kiểm soát, Ban Pháp chế Trung ương với chức năng và nhiệm vụ được giao, các thành viên của các Ban từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều ý kiến, tham mưu giải quyết một số vấn đề liên quan đến Tăng Ni, Tự viện, củng cố và ổn định nhân sự tại địa phương, góp phần thành công cho các hoạt động Phật sự của Giáo hội. Trong đó: Ban Tăng sự Trung ương đã hướng dẫn cho Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành tổ chức Đại giới đàn, khóa An cư kiết hạ; Ban Pháp chế Trung ương tổ chức thành công Khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ năm 2023, đề xuất lãnh đạo Giáo hội các cấp về lĩnh vực pháp chế. Năm 2024, 3 ban sẽ tiếp tục triển khai Hiến chương giáo hội, Quy chế hoạt động, tổ chức hội nghị chuyên đề Tăng sự; quan tâm hỗ trợ Phật giáo Nam tông, thành lập tổ Tư vấn Pháp lý, Tiểu ban Pháp chế Phật giáo Nam tông Kinh;… Dịp này, TƯGH đã trao tặng bằng tuyên dương công đức cho 2 tập thể và 15 cá nhân thuộc Ban Tăng sự, 1 tập thể và 4 cá nhân thuộc Ban Kiểm soát, 1 tập thể và 5 cá nhân thuộc Ban Pháp chế.
Tổng kết Phật sự Ban Nghi lễ TƯGH, công bố dự thảo giáo trình nghi lễ
Năm đầu tiên của nhiệm kỳ IX, Ban Nghi lễ TƯGH tiếp tục đưa ra những phương hướng mới, xây dựng và hoàn chỉnh những đề án, mục tiêu quan trọng, trong đó có công tác biên soạn giáo trình nghi lễ và thống nhất phương thức tổ chức giới đàn, hỗ trợ tổ chức lễ tưởng niệm Bồ-tát Quảng Đức và chư Thánh tử đạo, lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông… Dịp này, Ban đã công bố dự thảo bộ Giáo trình Nghi lễ từ Sơ cấp đến Cao cấp để lấy ý kiến, điều chỉnh và tiến tới hoàn thiện. Tại Hội nghị, TƯGH đã có quyết định tặng Bằng Tuyên dương công đức đến tập thể, cá nhân ban Nghi lễ TƯGH tiêu biểu năm vừa qua.
Ban Văn hóa TƯGH đạt những thành tựu vượt bậc
“Tiếp tục đề nghị Hội đồng Trị sự đồng ý về chủ trương cho phép xây dựng đề án và quy hoạch Trung tâm Văn hóa Phật giáo Phật giáo Việt Nam các khu vực để bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa Phật giáo Việt Nam”. Đây là 1 trong số những nhiệm vụ trọng tâm của Ban văn hóa TƯGH đưa ra tại hội nghị tổng kết hoạt động Phật sự năm 2023 và triển khai hoạt động sắp tới của Ban. Đáng chú ý, Ban sẽ phối hợp với Trung tâm truyền hình Việt Nam khu vực Miền trung – Tây nguyên (VTV8) thực hiện phóng sự giới thiệu 100 ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam, biên tập sách giới thiệu về đề án ngôn ngữ và pháp phục bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt, làm tặng phẩm trong Đại lễ Vesak năm 2025. Trong năm 2023, hoạt động ngành Văn hóa Phật giáo cả nước được đánh giá cao, các tầng lớp xã hội đồng thuận.
Ghi nhận những nỗ lực của các thành viên Ban Văn Hoá, TƯGH tặng Bằng tuyên dương công đức cho 4 tập thể và 20 cá nhân thuộc Ban Văn hóa TƯGH đã có nhiều đóng góp tích cực cho hoạt động Phật sự của Ban.
Tổng kết Ban Thông tin Truyền thông TƯGH: Phát huy tối đa hiệu quả công tác chuyên môn
Năm 2023 cũng là năm thành công của ban TT-TT TƯGH trong việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông Phật giáo, truyền tải nhanh chóng, kịp thời các sự kiện thông qua các kênh thông tin dưới nhiều hình thức: livestream, phóng sự, … Năm vừa qua, ban cũng tổ chức nhiều sự kiện như: tổ chức cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi, chương trình giao lưu nghệ thuật “Vu lan – Đạo hiếu – Dân tộc năm 2023”, khóa tập huấn nghiệp vụ báo chí; … Năm 2024, ban sẽ tăng cường sản xuất tin, bài về công tác Phật sự trong nước và quốc tế; phát huy tối đa hiệu quả hoạt động chuyên môn, tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật “Vu lan – Đạo hiếu – Dân tộc” năm 2024.
Ban Phật giáo Quốc tế TƯGH, Tài chính TƯGH – Thúc đẩy đối ngoại văn hóa, đối ngoại nhân dân
“Đề xuất cơ chế đặc biệt để tiếp đón các đoàn khách quốc tế khi đến Việt Nam giao lưu với Giáo hội”. Đó là một trong những đề xuất, kiến nghị được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết hoạt động Phật sự năm 2023 của Ban Phật giáo Quốc tế TƯGH và Ban Kinh tế – Tài chính TƯGH. Tại đây, ông Vũ Hoài Bắc, Trưởng ban Tôn giáo CP cũng ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của 2 Ban và khẳng sẽ phối hợp cùng các bộ, ban, ngành tháo gỡ thời gian tới.
Trong năm 2023, nhiều hoạt động Phật giáo quốc được thực hiện tạo nên vị thế, uy tín của GHPGVN trong cộng đồng Phật giáo thế giới. Trong khi đó, Ban Kinh tế – Tài chính T.Ư đã cúng dường các cấp Giáo hội, trường hạ, thực hiện từ thiện, an sinh xã hội hơn 100 tỷ đồng. Dịp này, 4 tập thể và 29 cá nhân thuộc Ban Phật giáo Quốc tế; 38 cá nhân thuộc Ban Kinh tế – Tài chính đã nhận Bằng tuyên dương công đức TƯGH.
Ban Hoằng pháp TƯGH: Chấn chỉnh hoạt động thuyết giảng
Trong khi đó, tại phiên họp cuối ngày hôm qua 14/1 tại Văn phòng 2 TƯGH – TP.HCM, chư tôn đức Ban Hoằng pháp TƯGH đề nghị chấn chỉnh việc thuyết giảng của chư tăng ni giảng sai chính pháp, đụng chạm các tôn giáo, phân biệt hệ phái, pháp môn làm ảnh hưởng tinh thần đoàn kết… và đưa ra hướng xử lý đối với từng sai phạm.
Tại đây, HT.Danh Lung, UV Thư ký HĐTS, được bổ nhiệm đảm trách Phó ban Hoằng pháp TƯGH. Đồng thời, sau khi lắng nghe báo cáo của các phân ban chuyên môn, chư tôn đức Ban hoằng pháp TƯGH đã thông qua ý kiến về việc hình thành Phân ban hoằng pháp Phật giáo Nam tông khmer nhằm chung tay phát triển công tác hoằng pháp.
Dự kiến năm 2024, Ban Hoằng pháp TƯGH tiếp tục tổ chức khoá tập huấn nghiệp vụ cho các tỉnh thành miền đông và miền Tây tại Tu viện Khánh An vào tháng 4/2024
Cụm tin từ thiện
Quảng Trị
Hơn 20 suất quà, với kinh phí 16 triệu đồng được trao cho các nạn nhân chất độc da cam huyện Cam Lộ. Còn tại huyện Hướng Hóa, 200 phần quà với kinh phí 140 triệu đồng được trao tới người dân khó khăn. Chương trình do BTS GHPGVN tỉnh Quảng Trị vừa phối hợp với MTTQ tỉnh tổ chức triển khai vào sáng hôm nay 15/01.
Yên Bái
Trước đó ngày 14/01, Đại đức Thích Trung Kính, trụ trì Chùa Linh Long, Thành phố Yên Bái và quý phật tử tặng 02 nhà Đại đoàn kết và 150 suất quà đến học sinh và các gia đình khó khăn huyện Mù Cang Chải. Tổng trị giá chuyến từ thiện gần 200 triệu đồng.
Tiền Giang
Còn tại tỉnh Tiền Giang, sau 20 ngày thi công, một mái ấm với diện tích 75m2, với kinh phí là 90 triệu đồng đã được trao tặng đến hộ ông Võ Văn Thuận, xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Chương trình do chùa Phú Khánh kết hợp cùng chính quyền địa phương và phật tử hỗ trợ.
Bình Dương
Trong khi đó tại Bình Dương, Chùa Hội Khánh, TP.Thủ Dầu Một vừa phối hợp thực hiện “Chương trình y tế 0 đồng lần thứ 1 trong năm 2024” nhằm khám bệnh, cấp thuốc cho người dân khó khăn. Dịp này, Ban tổ chức cũng hướng dẫn bà con cách chọn lựa, bảo quản thực phẩm dịp tết để đảm bảo sức khỏe.
GHPGVN năm 2023 – Đẩy mạnh công tác quản lý hành chính
Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng của GHPGVN, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội IX, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Một khối lượng công việc lớn được đề ra, thế nhưng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐTS đã triển khai nhiều cuộc họp quan trọng, ban hành thông tư, văn bản quy định chi tiết để đưa hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội đi vào nề nếp, quy củ. Trên tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, năm 2023, công tác quản lý hành chính giáo hội đã được đẩy mạnh, mở ra một hành trình mới với nhiều nhiệm vụ vô cùng quan trọng để Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.
Hiến chương sửa đổi – Chuyển mình mạnh mẽ trong công tác Phật sự
Tháng 3/2023, công văn về việc triển khai Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ VII – năm 2022 được HĐTS ban hành gửi các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố. Ngay sau đó, nhiều buổi sinh hoạt phổ biến hiến chương cũng được chư tôn đức TƯGH triển khai. Mặc dù có nhiều nội dung sửa đổi, thế nhưng nhờ sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của HĐTS, Hiến chương nhanh chóng đi vào đời sống, tu học của tăng ni phật tử cả nước. Theo đánh giá chung, năm qua, GHPGVN đã vận dụng trí tuệ tập thể, tinh thần hòa hợp, đoàn kết, phát huy tính sáng tạo, giữ vững niềm tin Đạo pháp của các thành viên Tăng Ni, Phật tử cả nước.
Ban hành Quy chế Hoạt động Ban, Viện tư và củng cố cơ sở Giáo hội địa phương
Ngày 27/12/2022, Hội đồng Trị sự Khóa IX đã thông qua danh sách 13 Ban, Viện Trung ương và Phân ban Ni giới Trung ương và ngay sau đó, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã ký Quyết định chuẩn y nhân sự. Việc chuẩn y nhân sự, hoàn thiện cơ cấu nhân sự được các ban, viện TƯ nhanh chóng triển khai và thực hiện trong năm 2023. Cùng với đó, việc chuẩn y nhân sự Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố nhiệm kỳ IX; kiện toàn nhân sự địa phương cũng được hoàn tất giúp triển khai hiến chương, nghị quyết và quy chế của Giáo hội đến toàn thể tăng ni cả nước. Đặc biệt, quy chế hoạt động của Ban quản trị cơ sở tự viện được ban hành cũng đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong việc kiện toàn, ổn định hoạt động cho GHPGVN cấp cơ sở.
Đổi mới toàn diện công tác Hành chính Giáo hội
Công tác quản lý hành chính giáo hội đóng vai trò rất quan trọng khi là cầu nối chuyển tải thông điệp và hướng dẫn của Hội đồng Trị sự thông qua các văn bản quy phạm từ TƯ đến Ban Trị sự các cấp và Ban, Viện T.Ư. Trong năm 2023, HĐTS đã tổ chức Hội nghị sinh hoạt giáo hội khu vực phía Bắc và các tỉnh thành phía Nam. Điều này đã tạo sự thống nhất, đồng bộ trong các Ban, viện, Giáo hội các cấp, đặc biệt tạo hiệu ứng tích cực, một bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác Phật sự của các cấp giáo hội, phát huy tốt nguồn lực, trân trọng tối đa sự góp sức của chư Tăng Ni, Cư sĩ có uy tín, năng lực đạo hạnh để điều hành công tác Phật sự địa phương.
Nhận thức rõ, tầm quan trọng, trách nhiệm của các cấp cơ sở để thực hiện quy chế hoạt động đi vào nề nếp, năm 2023 cũng đã có 15 BTS GHPGVN tỉnh, thành tổ chức khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì và hành chính giáo hội cho Tăng ni. Các tỉnh thành đã và đang thực hiện tốt những quy chế, quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mỗi thành viên Ban Trị sự và Văn phòng Ban Trị sự để nâng cao hiệu quả công tác, tăng cường đoàn kết nội bộ, sự liên hệ giữa BTS với các cơ quan hữu quan.
Bên cạnh đó, sự hình thành Trung tâm Điều hành điện tử của 2 văn phòng TƯGH chính là thể hiện sự quyết tâm và nghiêm túc của GHPGVN về nâng cao năng lực quản trị hành chính của Giáo hội. Năm 2023, 2 trung tâm này tạo ra sự kết nối thuận tiện và thông suốt giữa TƯGH với các Bộ, ban, ngành, là kênh thông tin giúp các hoạt động Phật sự của Giáo hội được phổ biến một cách nhanh nhất đến Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành và ngày càng được mở rộng tới nhiều địa phương. Ngoài ra, nhiều địa phương khác cũng xây dựng trung tâm điều hành điện tử nhằm kết nối với TƯGH, kết nối các địa phương mang lại kết quả ấn tượng.
TP.HCM: Tưởng niệm cố Trưởng lão Hòa thượng.Thích Thanh Kiểm
Ngày 15/1, tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm, TP.HCM, chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tưởng niệm húy nhật cố Trưởng lão Hòa thượng.Thích Thanh Kiểm, nguyên Trưởng ban Kinh tế – Tài chính TƯGH, viện chủ tổ đình Vĩnh Nghiêm.
Trước Giác linh đường, chư tôn đức thành kính dâng hương tưởng niệm, tri ân công đức cao dày của cố Trưởng lão Hòa thượng.Thích Thanh Kiểm, vị giáo phẩm cả một đời nhiệt thành với công tác Phật sự; bậc thầy khả kính của nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử cả ba miền đất nước.
Cố Trưởng lão Hòa thượng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng: Phó Trưởng BTS Thành hội Phật giáo TP.HCM; Phó Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Đại tạng Kinh Việt Nam; Trưởng ban Kinh tế tài chánh T.Ư; Phó Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni và Ban Phật giáo Quốc tế T.Ư…
Với trình độ uyên bác, ngài tham gia vào công tác giảng dạy, giáo dục đào tạo Tăng tài tại Viện Cao đẳng Phật học, Đại học Vạn Hạnh, Trường Cao cấp Phật học, đảm nhiệm Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM…
Những phát hiện mới trong nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, khoảng thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Cùng với sự phát triển, thăng trầm của đất nước, Phật giáo cũng có những giai đoạn cực thịnh, suy thoái và chấn hưng. Do đó, tài liệu ghi chép về lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng mất mát, và hư hỏng nhiều. Chính vì vậy, chư tôn đức tăng ni, các nhà nghiên cứu luôn nỗ lực phục dựng, khai quật, tìm kiếm thông tin để nối liền sợi dây lịch sử Phật giáo Việt. Và buổi thuyết trình khoa học vừa được Viện Trần Nhân Tông tổ chức sáng ngày 13/1, mà GS.Lê Mạnh Thát làm diễn giả đã chia sẻ nội dung mới trong nghiên cứu lịch sử PGVN.
Tại buổi thuyết trình, GS Lê Mạnh Thát đã chia sẻ những phát hiện mới trong lịch sử PGVN với 3 nội dung chính: Tư liệu mới về PG Thời Hùng Vương; Sự ra đời của chính quyền độc lập TK thứ 5, 6, 7; Tư liệu mới về Không Lộ Giác Hải với Thiền phái Thảo đường.
Trong đó nhiều thông tin còn cần được khảo cứu thêm như: Quê quán, năm sinh – năm mất cụ Lý Nam Đế, người nhờ được nuôi dạy trong môi trường Phật giáo từ thủa bé mà sau luôn lấy 2 chữ Thiện – Đức trong việc trị quốc.
Hay như Chử Đồng Tử – Tiên Dung, vẫn được coi là truyền thuyết với một chi tiết nhỏ kể về Chử Đồng Tử đi học đạo ở núi Quỳnh Viên, cũng đã được xác định là núi Nam Giới thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tại đây, các cuộc khảo sát, tìm kiếm ngôi chùa trong truyền thuyết cũng được triển khai.
Còn rất nhiều phát hiện mới được GS công bố trong bộ sách Lịch sử Phật giáo VN vừa tái bản đã cho thấy sự tổng hợp, nghiên cứu từ các nguồn tư liệu đồ sộ, từ các tư liệu Phật giáo cho đến nguồn sử liệu phong phú.
Với giá trị bộ sách đem lại, cũng tại buổi thuyết trình, Viện Trần Nhân Tông đã ra mắt Tủ sách Lê Mạnh Thát và dự kiến sẽ số hoá với mục đích lan tỏa tri thức, lịch sử Phật giáo Việt đến cộng đồng.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 15.01.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
19 lượt thích 0 bình luận