Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.02.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.02.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Viếng tang Trưởng lão HT.Thích Hiển Tu tân viên tịch; TP.HCM: Khánh tuế Đức Pháp chủ và họp mặt tân niên.
Viếng tang Trưởng lão HT.Thích Hiển Tu tân viên tịch
Do niên cao lạp trưởng, Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu, Phó pháp chủ HĐCM GHPGVN đã thu thần viên tịch vào lúc 22 giờ 30 phút, ngày 12 tháng 02 năm 2024 (nhằm ngày mùng 03 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại chùa Phật Học Xá Lợi, quận 3, TP.HCM. Trụ thế 104 năm, hạ lạp 83 năm. Để bày tỏ lòng thành kính và niềm tiếc thương, những ngày qua, nhiều phái đoàn đã đến viếng và thắp hương tưởng niệm vị giáo phẩm khả kính tân viên tịch.
Trong sáng nay ngày 15.02, chư tôn đức HĐCM và HĐTS do Trưởng lão HT. Thích Thiện Nhơn, Phó Phó pháp chủ HĐCM, Chủ tịch HĐTS dẫn đầu đã đến viếng tang cố Trưởng lão hòa thượng Thích Hiển Tu. Trước giác linh đài, chư tôn giáo phẩm thành kính dâng hương, tưởng niệm công đức sâu dày, tiễn biệt cố Trưởng lão Hoà thượng về miền Phật quốc.
Trước đó, vào trưa ngày 14.02, Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà Nước, Chính phủ do ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã đến viếng tang cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu. Trước Giác linh đường, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng phái đoàn thành kính dâng hương, dành phút mặc niệm, tri ân những đóng góp của Ngài đối với đạo pháp và dân tộc.
Cũng thời gian này, đoàn Ủy ban TƯ MTTQVN, Thành ủy TP.HCM, Ban Tôn giáo Chính phủ, cùng lãnh đạo các ban ngành đến chùa Phật Học Xá Lợi thành kính đảnh lễ, dâng hương kính viếng Giác linh cỗ Trưởng lão Hòa thượng tân viên tịch.
Trước đó, nhiều ban viện TƯGH, BTS GHPGVN các tỉnh thành, cùng chư tăng ni, phật tử các tự viện trên cả nước đã quang lâm về chùa Phật Học Xá Lợi, thành kính tưởng niệm, tri ân cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu – bậc cao tăng thạc đức của Phật giáo Việt Nam, tấm gương đạo đức mẫu mực của hàng Tăng Ni, Phật tử hậu học.
Trưởng lão HT.Thích Hiển Tu – Cội bồ đề trăm năm
Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu viên tịch đã để lại sự kính tiếc vô hạn, là sự mất mát to lớn đối với Phật giáo Việt Nam. Hiện thân của Ngài in đậm trong tâm khảm mỗi người con Phật về cội bồ đề phạm hạnh với đời sống giản dị, một đời cống hiến cho Đạo pháp và Dân tộc.
Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu, thế danh Nguyễn Tấn Hưng, sinh năm Nhâm Tuất (1921), tại xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Do căn lành nhiều đời của ngài với Phật pháp, thuở nhỏ đã được thân cận Tam bảo, gần gũi chư Tăng. Đến năm 8 tuổi, ngài đảnh lễ Hòa thượng Vĩnh Tấn thế phát xuất gia, được ban pháp danh là Thiện Duyên, tập sự công phu dưới sự hướng dẫn của Hòa thượng bổn sư.
Cố Trưởng lão Hòa thượng sinh trưởng trong thời gian đất nước trải qua nhiều biến động lịch sử lớn, thuở thiếu thời nương cửa thiền, chuyên tâm nội điển, noi gương Tổ đức cần mẫn công phu. Trong giai đoạn 1945 đến 1949, thực dân Pháp trở lại đánh chiếm Nam kỳ. Trong Pháp nạn năm 1963, cố Trưởng lão Hòa thượng đã cùng chư tôn đức tham gia lãnh đạo phong trào đấu tranh hòa bình, phản đối chính sách đàn áp của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Từ năm 1966 đến năm 1975, Ngài được suy cử Chánh Đại diện Phật giáo Lục Hòa Tăng tỉnh Kiến Hòa (nay là tỉnh Bến Tre). Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, Hòa thượng là người tiên phong, góp phần cho sự hòa hợp, thống nhất giữa các tổ chức Phật giáo. Năm 1988, Ngài được Thành hội Phật giáo TP.HCM chính thức bổ nhiệm Trụ trì chùa Phật Học Xá Lợi.
Với uy tín và đạo hạnh, cố Trưởng lão Hòa thượng lần lượt được suy cử làm Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN, Phó Trưởng ban Trị sự, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM, Chứng minh Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN… và đặc biệt tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII và IX, cố Trưởng lão Hòa thượng được Đại hội được suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Hiển Tu là bậc thầy về nghi lễ Phật giáo với chất giọng thiên phú, cách xướng lễ giàu âm điệu nghệ thuật. Có thể thấy, Ngài dành cả đời cống hiến cả thân giáo, khẩu giáo và ý giáo, chứ không chỉ dừng lại ở những bản kinh dịch thuật. Mỗi lần vấn an sức khỏe tiền nhân, Hòa thượng Thích Lệ Trang, UVTT HĐTS, Trưởng Ban Nghi lễ TƯGH lại cùng người Thầy khả kính ôn lại những bài kinh kệ cổ mà tưởng rằng chẳng ai còn nhớ rõ.
Mặc dù đảm nhiệm cương vị khác nhau của Giáo hội qua các thời kỳ, trụ trì nhiều chùa, dành nhiều tâm huyết cho công tác Phật sự của Giáo hội, thế nhưng Ngài luôn giữ đời sống thanh bần giản dị, gần gũi với hàng Phật tử. Đức tu của cố Trưởng lão Hòa thượng mãi là chỗ nương tựa cho tứ chúng tu tập, là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.
Cho dù không còn trên cõi sa bà này nữa, thế nhưng Cuộc đời Ngài là hiện thân của cội bồ đề trăm năm, tận lực chuyên tâm vào sự nghiệp hoằng dương chính pháp, phục vụ nhân sinh. Những lời dạy của Ngài mãi là kim chỉ nam trên bước đường tu học của hậu thế, là tấm gương sáng tốt đạo đẹp đời của hôm nay và mai sau.
Cụm tin Phật sự
TP.HCM: Khánh tuế Đức Pháp chủ và họp mặt tân niên
Sáng mùng 6 Tết Giáp Thìn, tại Việt Nam Quốc Tự, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã họp mặt tân niên, khánh tuế Đức Pháp chủ và chư tôn giáo phẩm Hội đồng Chứng minh.
Tại hội trường Việt Nam Quốc Tự, chư tôn đức thành kính đảnh lễ, tác bạch khánh tuế đến Đức Pháp chủ, Chứng minh Đạo sư GHPGVN TP.HCM pháp thể khinh an, làm điểm tựa tâm linh chư Tăng ni, Phật tử Việt Nam cũng như TP.HCM. Đáp từ, Đức Pháp chủ GHPGVN nói về ý nghĩa các đại nguyện của Đức Phật Dược Sư, từ đó huấn thị chư Tăng Ni, Phật tử, đặc biệt là những người lãnh đạo cần thương yêu, chăm sóc và nâng đỡ tinh thần nhau.
Dịp này, BTS GHPGVN TP.HCM đã trang nghiêm khai đàn Pháp hội Dược sư Xuân Giáp Thìn, hồi hướng công đức nguyện cầu nhân dân lạc nghiệp an cư. Pháp hội sẽ diễn ra đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng.
Phân ban Phật tử Hải ngoại TƯGH khai xuân trực tuyến
Vừa qua Phân ban Phật tử Hải ngoại TƯGH đã khai xuân, chúc tết, cầu an trực tuyến đầu xuân Giáp Thìn 2024 cho quý Phật tử ở nhiều quốc gia trên thế giới. Là sinh hoạt thường kỳ mỗi dịp đầu Xuân, chương trình có ý nghĩa với người con xa quê khi được chư Tôn đức Tăng Ni chúc phước lành, nhiều an lạc, cát tường trong năm mới.
Đồng Nai: 210 Phật tử dự khoá xuất gia gieo duyên đầu năm
Cũng trong những ngày đầu năm mới, Thiền viện Phước Sơn, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức khóa tu xuất gia gieo duyên từ ngày 11 đến 24/2, với 210 giới tử trải nghiệm nếp sống thiền môn. Thời khóa gồm thực tập thiền vipassana, nghe pháp, tụng Tam tạng Pali Việt, Khóa tu giúp giới tử thực hành chánh niệm, rèn luyện đạo đức Phật giáo để sống thiện lành và tỉnh thức.
Hà Nội: Trang nghiêm khai hội chùa Hương
Sáng ngày 15.02 (nhằm mùng 6 tháng Giêng) Lễ hội chùa Hương Xuân Giáp Thìn 2024 chính thức khai mạc với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn – văn minh – thân thiện”. Ngay từ sáng sớm hàng nghìn du khách thập phương đã về Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn để chiêm bái, lễ Phật.
Tiếng trống linh thiêng được gióng lên đã khai mở hội chùa Hương năm Giáp Thìn 2024, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người được bình an, ấm no hạnh phúc. Là sự kiện truyền thống, có lịch sử lâu đời gắn với Nam Thiên Đệ Nhất Động, lễ hội là dịp để mỗi người dân và Phật tử trân trọng các giá trị truyền thống nghìn đời của ông cha.
Năm nay, Lễ hội chùa Hương ghi nhận nhiều điểm mới như công tác phân luồng giao thông, tăng cường số lượng xe điện đưa đón khách thăm quan, trẩy hội. Ngoài ra, BTC cũng bố trí 10 cửa soát vé tự động… qua đó, giúp cho công tác vận hành, an ninh trật tự tại quần thể di tích được đảm bảo, văn minh, lịch sự. Tại trạm soát vé và khu vực trung tâm Thiên trù, Ban Tổ chức bố trí các điểm quét mã QR code giúp du khách dễ dàng truy cập, tìm hiểu thông tin về di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn.
Dù ngày 15.02 mới chính thức khai hội nhưng từ ngày mùng 1 Tết đến nay, hàng trăm nghìn lượt người dân và du khách đã đến chùa Hương để chiêm bái, đảnh lễ, ước nguyện bình an cho bản thân và gia đình. Lễ hội chùa Hương sẽ tiếp tục đến hết tháng 3 âm lịch.
Hàng chục nghìn Phật tử hành hương khai hội chùa Bái Đính
Cũng trong mùa Lễ hội đầu Xuân, sáng ngày 15.02, nhằm mùng 6 tháng giêng, BTS GHPGVN tỉnh Ninh Bình đã trang trọng khai hội chùa Bái Đính – Xuân Giáp Thìn. Là sự kiện thường niên mỗi dịp đầu năm và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch, Lễ hội nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị về văn hóa, lịch sử và con người của mảnh đất Ninh Bình.
Lời thơ của ông Quỳnh cũng là tiếng lòng của bao người con Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhân dân thập phương nô nức hành hương về chùa Bái Đính lễ Phật, khai hội. Lễ hội năm nay được tổ chức quy mô, gồm 2 phần chính. Phần lễ với các nghi thức dâng hương cầu nguyện quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa; tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân. Phần hội là các nghi thức rước Rồng, rước Kiệu cùng chương trình nghệ thuật mừng xuân an lạc.
Hội Xuân Bái Đính là hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch, đa dạng, hấp dẫn trên quê hương Cố đô Hoa Lư nghìn năm văn hiến; là dịp để người dân, du khách tham quan, chiêm bái, cảm nhận những giá trị văn hóa, lịch sử lâu bền của đất và người Ninh Bình.
Nằm trong Quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, chùa Bái Đính trở thành điểm đến du lịch tâm linh, sinh thái hấp dẫn. Những nghi lễ truyền thống tại Lễ hội chùa Bái Đính tiếp tục khẳng định Phật giáo luôn gắn kết giữa đạo với đời và đồng hành cùng dân tộc, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán Nôm
Tỉnh Thừa Thiên Huế với bề dày văn hiến đang đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó có di sản Hán Nôm đồ sộ và phong phú.
Thừa Thiên – Huế sở hữu hệ thống tư liệu Hán Nôm đồ sộ như sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, bằng cấp, ngự bút của nhà vua … Trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc và thời tiết khắc nghiệt, di sản độc đáo này, nhất là nguồn tư liệu giấy dần bị thất thoát, mất mát, hư hỏng khá nghiêm trọng. Hơn 10 năm qua Thư viện Tổng hợp tỉnh đã phối hợp với nhiều đơn vị khảo sát, sưu tầm và số hóa để bảo tồn.
Việc số hóa nguồn tư liệu Hán Nôm được Thư viện tổng hợp tỉnh Thừa Thiên – Huế triển khai tại 187 làng, 923 họ tộc và 18 phủ đệ nhằm gìn giữ những mảnh ghép đa sắc màu trong bức tranh lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô. Thư viện cũng tổ chức nhiều cuộc triển lãm, trưng bày các tư liệu Hán Nôm quý hiếm, đặc biệt, tuyển chọn xuất bản được một số ấn phẩm có giá trị công bố ra công chúng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tư liệu Hán Nôm ở trong cộng đồng làng xã, các họ tộc, tư gia còn rất đa dạng và phong phú.
Hệ thống di sản Hán Nôm cũng đối diện với nguy cơ hư hỏng, mất mát do ảnh hưởng của thời tiết, điều kiện bảo quản, trong khi những người làm công tác nghiên cứu ngày càng ít đi, thế hệ trẻ không dễ tiếp cận những tư liệu này. Vì vậy, cần thiết phải đẩy mạnh việc sưu tầm, số hóa và phát huy giá trị di sản bởi đây là những tư liệu quý.
Hán Nôm là nguồn di sản đặc trưng của mảnh đất cố đô Huế, đồng thời cũng là thông điệp quan trọng bằng ngôn ngữ viết để kết nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp cho các thế hệ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn lịch sử, văn hóa của dân tộc.
Nét đẹp tặng chữ đầu xuân
Trong những ngày đầu năm mới, mọi người thường đi chùa vãn cảnh, lễ phật, cầu mong năm mới bình an hạnh phúc. Tại chùa Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), hoạt động xin chữ, tặng chữ đầu xuân là điểm nhấn thu hút đông đảo người dân trong những ngày đầu tiên của năm mới.
Trong không gian lễ chùa đầu xuân mới Giáp Thìn 2024, Chùa Cam Lộ dành góc dành riêng để tặng chữ miễn phí cho du khách thập phương. Những câu đối, chữ thư pháp mang nhiều ý nghĩa như: phúc, lộc, an… được viết trên phôi giấy với hoạ tiết thư pháp đẹp mắt. Điều đặc biệt là các chữ thư pháp được tặng miễn phí cho bất cứ ai có mong muốn. Người xin chữ lựa chọn theo ý muốn, với tâm nguyện cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với bản thân và gia đình.
Tục xin chữ – cho chữ, có lẽ bắt nguồn từ những người hiếu học, trân trọng con chữ đẹp, nên ngày xuân xin về, như xin một thứ phúc lộc may mắn, giỏi giang. Về sau, phong tục tốt đẹp này càng phổ biến. Chữ xin được thể hiện lời chúc của người viết hoặc mong muốn của người xin, thường là sự an lành, may mắn, thành công, đỗ đạt.
Những ước vọng đầu xuân được gửi vào câu chúc, lời hay ý đẹp, đó là món quà tinh thần chào đón năm mới, đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật thư pháp Việt Nam.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 15.02.2024:
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
15 lượt thích 0 bình luận