Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.03.2024

18/03/2024 08:45:53 870 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.03.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Phú Thọ: Phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho Tăng Ni, Phật tử; Trau dồi giáo lý cho Phật tử tại gia; Đức Phật Thích Ca xuất gia – ý nghĩa của sự từ bỏ vĩ đại.

​​Ban Hoằng pháp TƯGH chuẩn bị khoá bồi dưỡng nghiệp vụ năm 2024

Ngày 15/3, Ban Hoằng pháp TƯGH đã họp trực tuyến, triển khai công tác chuẩn bị cho khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Hoằng pháp năm 2024 tại TP.HCM và phương hướng hoạt động trọng tâm năm 2024.

Tại cuộc họp, Chư tôn đức thảo luận về chương trình thuyết giảng, khâu chuẩn bị tiếp đón, công tác lưu trú và học tập của khóa Bồi dưỡng. Đồng thời thông qua phân công nhân sự thuyết giảng các ngày học của khóa bồi dưỡng.

Đúc kết cuộc họp, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Hoằng pháp TƯGH đã thống nhất về chương trình và công tác tổ chức của khóa Bồi dưỡng; hy vọng các thành viên trong Ban sẽ nỗ lực để khoá học thành công tốt đẹp.

Phú Thọ: phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho Tăng Ni, Phật tử

Ngày 16/3, tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho chư tăng ni, phật tử và người quản lý các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, chư tăng ni, phật tử và người quản lý các cơ sở thờ tự được các chuyên gia giới thiệu về Luật tín ngưỡng – Tôn giáo; Nghị định của Chính phủ cùng các thủ tục hành chính và một số điểm mới trong Luật đất đai, Luật xây dựng có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời thảo luận, trao đổi và giải đáp làm rõ các vấn đề còn vướng mắc liên quan khi triển khai Luật và Nghị định của Chính phủ về tín ngưỡng, tôn giáo ở cơ sở.

Thông qua Hội nghị, các địa biểu hiểu rõ và nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật về tôn giáo để tổ chức các hoạt động ở các cơ sở thờ tự tại địa phương đúng quy định.

CỤM TIN

Kỷ niệm 140 năm khởi nghĩa Yên Thế

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tưởng nhớ, tri ân vị thủ lĩnh áo vải Hoàng Hoa Thám – Đề Thám, Anh hùng dân tộc, cùng các nghĩa quân nông dân kiên cường, bất khuất bảo vệ non sông, đất nước. Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động diễn ra như: khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đình Hả và dâng hương tại Đền thờ Lương Văn Nắm, khai mạc trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế; lễ tế, lễ dâng hương, lễ phóng ngư, thả điểu…

Hà Nội: Kỷ niệm 1984 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Còn tại Hà Nội, hôm qua ngày 15/6, Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo BTS GHPGVN TP đã tham dự Lễ kỷ niệm 1984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đoàn đã dâng hương tưởng nhớ, tri ân công đức Hai Bà Trưng cùng nghĩa quân. Dịp này cũng có các hoạt động: dâng hương và lễ cấp thủy trên sông Hồng theo truyền thống, các trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ… nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Đồng Nai: Ra mắt Đại chánh Tân tu Đại tạng Kinh

Trong khi đó, sáng nay ngày 16/3, tại tỉnh Đồng Nai, Viện Nghiên cứu Châu Á đã tổ chức lễ ra mắt Đại chánh Tân tu Đại tạng Kinh – Việt dịch với sự tham dự đông đảo chư tôn đức tăng ni, phật tử. Đại Chánh Tân tu Đại tạng Kinh có bản tiếng Hán của Phật đà da xá và Trúc Phật Niệm, được Thượng tọa Thích Hạnh Bình cùng chư tôn đức, quý chuyên gia, cư sĩ phật tử cộng tác biên dịch. Qua đó, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục, hoằng pháp; giúp cho người học Phật có thêm tư liệu nghiên cứu.

CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG

Ngày 16/3, tại chùa Hoa Nghiêm (huyện Dak Mil, tỉnh Đắk Nông), khóa huấn luyện kỹ năng Huynh trưởng GĐPT bắt đầu diễn ra.

Khoá huấn luyện do Phân ban GDPT, tỉnh tổ chức trong 2 ngày 16-17/3 với 50 huynh trưởng học viên. Các huynh trưởng được khảo sát chuyên môn và huấn luyện các kỹ năng chuyên sâu như: Tâm lý đoàn sinh; tu học và huấn luyện; soạn chương trình tu học cho đơn vị GĐPT; báo chí trong GDPT. Dịp này, các huynh trưởng cũng tổ chức kỷ niệm ngày Dũng GĐPT Việt Nam và lễ vía Đức Phật xuất gia.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng trong sáng nay ngày 16/3, Phân ban GĐPT tỉnh đã tổ chức trại dũng truyền thống hàng năm cho 250 trại sinh của 20 đơn vị đoàn sinh ngành Thiếu các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và TP Huế. Nhiều hoạt động chuyên môn được áp dụng nhằm phát tinh thần sáng tạo của trại sinh. Bên cạnh đó là các hoạt động cộng đồng, chung tay bảo vệ môi trường. Dịp này, HT. thích Huệ Phước, UVTT HĐTS, Phó Trưởng Ban TT BTS GHPGVN tỉnh chia sẻ pháp thoại về tinh thần ngày Dũng GĐPT.

Trong khi đó, tại tỉnh Tiền Giang, chiều qua ngày 15/3, Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh đã họp triển khai Khóa tu Mùa hè năm 2024. Theo đó, Khóa tu có chủ đề “Con Về Tỉnh Thức” diễn ra tại chùa Kim Linh (huyện Chợ Gạo) từ ngày 10-14/7; và chùa Phước Thới, dự kiến từ ngày 20-24/7. Khóa tu sẽ đổi mới từ hình thức lẫn nội dung, để các em có cách nhìn đa chiều về các Khóa tu trong Phật giáo.

CỤM TIN TP. HCM

Trong ngày 16/03 tại tp. Hcm,  thu hút đông đảo chư tôn đức, Tăng Ni, Phật tử tham dự.

Sáng 16/03, tại Trung tâm Thể dục Thể thao Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, hơn 2.000 vận động viên là chư tăng ni, phật tử và người dân Quận 1 đã tham gia Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024. Sự kiện chào mừng Ngày Thể thao Việt Nam (27/3) qua đó đẩy mạnh phong trào “Khỏe để phụng sự và giữ nước” của chư Tôn đức Tăng Ni, nhân dân và Phật tử cả nước.

Cũng trong sáng 16/3, chùa Minh Đức đã ra mắt điểm an sinh xã hội đầu tiên trên địa bàn TP.Thủ Đức, TP.HCM. Tại đây, chùa sẽ duy trì 2 hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người nghèo, gồm phát cơm từ thiện mỗi ngày từ 250-300 suất, từ thứ 2 đến thứ 6, tổ chức khám chữa bệnh, điều trị bằng đông y lúc 17h-19h, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Nhân dịp này, chùa tặng 50 phần quà cho bà con khó khăn tại địa phương, thể hiện sự chăm lo, hỗ trợ người yếu thế vươn lên trong cuộc sống.

Trau dồi giáo lý cho hàng Phật tử tại gia

Người Phật tử đến chùa ngoài việc tham quan, chiêm bái còn có cơ hội học theo chánh pháp Đức Phật thông qua việc đọc kinh sách, nghe thuyết giảng để biết đúng đường mà tu tập. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, Tịnh xá Lộc Uyển, Quận 6, TP.HCM đã duy trì lớp giáo lý căn bản cho hàng cư sĩ tại gia cố kiến thức, ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống hằng ngày để tìm thấy niềm hạnh phúc, an lạc.

Được duy trì hơn 10 năm qua, lớp giáo lý Tịnh xá Lộc Uyển trở thành môi trường tu học quen thuộc với hàng ngàn Phật tử. Vào mỗi tối chủ nhật hàng tuần, chư Tăng nội tự luân phiên giảng dạy những bài học Phật pháp căn bản, kinh Trung bộ, kinh Pháp Cú, kinh Tứ Thập Nhị Chương, kinh Hạnh Phúc, kinh Hiền Nhân… giúp các Phật tử có cơ hội hiểu đúng và hành theo chánh pháp Đức Phật.

Sau mỗi năm học, Chư tôn đức đều tổ chức kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ và tiếp thu của các Phật tử. Nhiều người đã gắn bó với lớp, cảm nhận rõ sự chuyển hóa thân tâm, noi gương tu hành của chư tôn đức giáo thọ sư mà gieo trồng thiện nghiệp.

Chư tôn đức luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho hàng Phật tử tại gia, những người mang trong mình sự tinh tấn và mong cầu học đạo. Để từ đó, ánh sáng tuệ giác sẽ được lan tỏa và thấm nhuần, định hướng mọi người tới những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.

Đức Phật Thích Ca xuất gia – Ý nghĩa của sự từ bỏ vĩ đại

Hàng năm, cứ đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, Phật tử khắp nơi lại thành tâm làm lễ kỷ niệm ngày xuất gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đức Phật từ bỏ hạnh phúc cá nhân với đầy đủ vinh hoa, phú quý và sau đó tỏ ngộ lý chân, cứu độ trời người vượt thoát khổ đau. Đối với Phật tử tại gia, tham dự Lễ kỷ niệm ngày Phật xuất gia, giúp tăng thêm niềm tin vào Phật pháp, tin vào các nỗ lực chân chính trên nền tảng phương pháp đúng sẽ được thành tựu.

Bản chất của đạo Phật mang tính giáo dục trí tuệ nhân văn, đức Phật Thích Ca là người thầy giáo vĩ đại của nhân loại. Ngài hướng dẫn đường lối tu hành, mong mọi người thành tựu như mình, thoát khỏi khổ đau trong sinh tử luân hồi. Một trong những hạnh lành đáng quý nhất, đáng kính ngưỡng nhất nơi Ngài là sự buông bỏ. Ngài thành tựu Vô thượng Chánh đẳng chánh giác và lập nên con đường sáng cho nhân loại theo đó sống bình an và hạnh phúc cũng nhờ hạnh buông bỏ cao quý này.

Đức Phật vốn là Thái tử Tất-đạt-đa. Từ lúc sinh ra đến lúc trưởng thành, Thái tử sống trong sự sung túc cùng cực về vật chất. Ngài có tài sản, danh vọng, địa vị, gia đình… và trên hết là có cả một vương quốc. Đó là những điều mà bao nhiêu con người trên địa cầu này mải tìm kiếm. Trái lại, Thái tử có tất cả nhưng lại từ bỏ tất cả và việc này có thể xem là sự từ bỏ hy hữu.

Trước nay, hầu hết mọi người đều ca ngợi rằng Đức Phật từ bỏ ngai vàng là sự từ bỏ vĩ đại. Tuy nhiên, Ngài không chỉ có một lần từ bỏ và đó cũng không hẳn là sự từ bỏ lớn nhất. Ngài còn từ bỏ vị trí lãnh đạo tôn giáo vì đó không phải là mục đích tối thượng. Và Ngài cũng biết từ bỏ cả những thứ không phù hợp. Như thời bấy giờ, lối tu khổ hạnh đang trở thành trào lưu thịnh hành. Ngài đã thực hành khổ hạnh, bần uế, yểm ly, độc cư đến độ vượt hơn sự nỗ lực của năm bạn cùng tu. Tuy vậy, Ngài nhận thấy rằng, một thể trạng kiệt quệ không thể nào đưa đến giác ngộ. Do đó, Ngài từ bỏ phương pháp khổ hạnh mà mình đang thực hành.

Thực tế, sự từ bỏ không chỉ trong hình hài thái tử Tất Đạt Đa mà còn ở nhiều đời nhiều kiếp. Ví dụ như tiền thân Đức Phật là một chú thỏ.

Một lần, Thiên chủ Đế Thích hóa thân thành một vị hành khất đến thử lòng. Trong khi 3 người bạn của thỏ là khỉ, chó rừng và rái cá đều bố thí thức ăn của mình là thịt, cá cho người khất sĩ giữ trai giới. Riêng thỏ rất đặc biệt, do thỏ ăn cỏ không có gì bố thí nên nguyện lấy thịt của chính mình trao tặng cho vị hành khất. Thỏ tự nguyện nhảy vào lửa để vị hành khất không phạm giới sát sinh. Trước khi nhảy vào lửa còn lắc người ba lần để côn trùng trong bộ lông của mình rơi ra mà thoát chết.

Đó có thể là huyền sử, tuy nhiên, hình ảnh về sự hi sinh, buông bỏ từ tiền kiếp đức Phật trong hình hài thỏ, một sinh vật nhỏ bé vẫn để lại nhiều bài học sâu sắc và thật đáng để người đời suy ngẫm. Vậy nên,  dù đã trải qua hàng ngàn năm, hình ảnh chú thỏ vẫn luôn mẫu mực, thường hiện hữu trong những tự viện, đạo tràng để chư Tăng Ni, Phật tử cùng nhau ôn lại câu chuyện của đức Phật Thích Ca về sự buông bỏ, nhằm ghi nhớ và noi theo,

Để tưởng nhớ ngày xuất gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhiều tự viện trên cả nước đã tổ chức các hoạt động ý nghĩa. Một trong những chương trình vừa để giao lưu, lại vừa để kiểm tra sự hiểu biết của các Phật tử là trả lời câu hỏi về lịch sử Đức Phật; nhằm tạo cơ hội cho Phật tử hiểu thêm hạnh nguyện con đường tu tập của Đức Phật Thích Ca. Và một trong những dấu mốc người đệ tử Phật không bao giờ có thể quên, chính là ngày 8 tháng 2 âm lịch, Đức Phật xuất gia đi tu, từ bỏ hạnh phúc cá nhân với đầy đủ vinh hoa, phú quý để cứu độ trời người vượt thoát khổ đau.

Là 1 Phật tử trẻ, Bích Vy tham gia trả lời các câu hỏi đố đầy hào hứng. Có những kiến thức lần đầu tiên em được nghe tới; nhưng Vy luôn tâm niệm rằng, biển học là vô bờ, đặc biệt là cuộc đời của Đức Phật với biết bao thăng trầm, khổ hạnh, để tìm ra chân lý giác ngộ, giải thoát. Những phần quà sau cuộc thi đố vui hôm nay làm em tự nhủ lòng phải cố gắng tu học hơn nữa.

Trong không gian linh thiêng chùa Giác Tánh (Quận Tân Bình, TP.HCM), chư tôn đức, quý Phật tử trang nghiêm tưởng niệm ngày xuất gia của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhìn lại gương của Ngài, một vị Hoàng Thái Tử dám từ bỏ cung vàng điện ngọc đi vào rừng sâu núi thẳm để tu hành, để tìm lối thoát, cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn. Tại đây, chư tôn đức cũng có thời pháp thoại ngắn nhấn mạnh ý nghĩa xuất gia của Thái tử Tất Đạt Đa. Việc Thái tử vượt thành đi tầm đạo đã khai thị cho nhân loại một chân lý nhiệm mầu: “Tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật”.

Xuất gia là sự quyết định cho một lối rẽ của cuộc đời, tiến bước đi lên trên con đường giải thoát. Với cả người xuất gia và tại gia, ngày lễ này dù được tổ chức dưới hình thức nào, thì thông qua đó đều khuyến khích những người con Phật phải tinh tấn tu tập để thoát ly khổ ải. Những bông hoa đăng được thắp sáng, cũng chính là tấm lòng tôn kính dâng lên Đức thế tôn.

Dưới ánh hào quang huyền diệu của Đức Phật trong ngày lễ kỷ niệm Ngài xuất gia, người đệ tử Phật khắp muôn nơi thành kính phủ phục, nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, cầu nguyện cho muôn người lđều trọn thành Phật đạo.

CỤM TIN QUỐC TẾ

Phần tin quốc tế sẽ tiếp nối Bản tin với thông tin đáng chú ý từ Thái Lan. Tại đây, Tổ chức Trung tâm Thiền định Phụ nữ Quốc tế (IWMCF) vừa công bố danh sách những người nhận Giải thưởng nữ Phật tử xuất sắc năm 2024.

31 người đến từ nhiều quốc gia khác nhau đã được IWMCF vinh danh Giải thưởng nữ Phật tử xuất sắc với bốn hạng mục: Thực hành Thiền định; Công tác xã hội và phát triển cộng đồng; Hoằng Pháp và Hoạt động Hòa bình. Có trụ sở tại Thái Lan, IWMCF được thành lập nhằm thúc đẩy bình đẳng giới bằng nhiều cách thức khác nhau.

Trong khi đó, Tổ chức phi lợi nhuận Phật giáo – Khyentse Foundation vừa ra mắt mắt cuốn sách dành cho trẻ em mới có tựa đề “Ít thịt hơn, yêu thương hơn!” nhằm mục đích thể hiện tình yêu đối với động vật và đóng góp cho một thế giới bền vững hơn. Theo tác giả cuốn sách, việc ăn ít thịt không chỉ là cách đúng đắn để thực hành lòng từ bi mà còn vì lợi ích của con người khi giảm được tỷ lệ mắc bệnh tim, ung thư ruột kết, tiểu đường và các vấn đề sức khỏe khác cao hơn.

Độc đáo nghệ thuật tranh cát Mandala Tây Tạng

Tại Tây Tạng, Mạn-đà-la là một hình thức nghệ thuật thiêng liêng bằng tranh cát bắt nguồn từ truyền thống Phật giáo nước này. Trong tiếng Phạn “Mạn-đà-la” có nghĩa là vòng tròn, trung tâm chứa sự tinh túy, cốt lõi của cuộc sống. Tranh Mạn-đà-la được xem là tác phẩm dung hòa giữa nhiều yếu tố nghệ thuật và tâm linh sâu sắc.

Mạn-đà-la được lấy ý tưởng từ ngọn núi lửa Meru của Ấn Độ. Một ngọn núi linh thiêng được gọi là trung tâm và được bao bọc bởi bảy ngọn núi nhỏ trong một vòng tròn đồng tâm. Công cụ để sáng tác chỉ đơn giản là hai thanh sắt tròn và rỗng, có một đầu nhọn theo kiểu hình phễu. Nhịp nhàng, thư thả, từ điểm giữa vòng tròn, Chư tôn đức đã đưa những hạt cát màu rất mịn từ trong lòng ống sắt chảy qua một đầu nhọn để tạo nên bức tranh tâm thức bằng cát đầy nghệ thuật và sáng tạo.

Trong quá trình kiến tạo, Chư tôn đức (thường là 4 vị ngồi 4 hướng) phải luôn đối mặt với tâm của Mạn-đà-la. Không vội vàng, thong thả, từ từ, đều đặn trong nhiều ngày làm việc cùng nhau, chư Tăng Tây Tạng vừa thực hiện Mạn-đà-la mà cũng vừa giữ tâm ở trạng thái thiền định. Được biết, theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, Chư Tăng đều phải học qua cách tạo dựng Mạn-đà-la như là phương tiện rèn luyện tâm thức, tinh lọc tâm ý

Trong ý nghĩa thực tiễn, Mạn-đà-la còn là một đàn tràng để hành giả cúng dường, cầu nguyện và tu tập. Mạn-đà-la được hủy bỏ bằng cách trộn đều các loại cát màu lại với nhau, rồi đem ra sông, biển gần đó hoặc phân phát cho những người chiêm bái, với ý nghĩa là chia đều công đức để tất cả cùng lợi lạc.

CỤM TIN VĂN HOÁ

Ngày 15/3, tại thành phố Bắc Ninh đã diễn ra lễ hội làng Viêm Xá (hay còn gọi là lễ hội làng Diềm). Đây là một trong những lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể năm 2016.

Hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh đã cùng tham gia Lễ hội với những nghi lễ trang trọng như chạy cờ, biểu diễn trống hội, tái hiện sự tích Vua Bà phát lệnh mở hội xuân. Lễ hội tổ chức hàng năm, thể hiện sự tôn kính các bậc tiền nhân, khơi dậy niềm tự hào truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.

Trong khi đó, Nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang vừa khai mạc trưng bày chuyên đề “Kỷ niệm 140 năm khởi nghĩa Yên Thế (1884-2024)” với 100 hình ảnh, tư liệu tiêu biểu về cuộc khởi nghĩa Yên Thế theo các chủ đề của từng giai đoạn cuộc khởi nghĩa. Việc trưng bày góp phần tuyên truyền những giá trị đặc sắc của vùng đất, con người huyện Yên Thế nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.

Điện Biên sẵn sàng mang đến trải nghiệm ấn tượng

Là địa phương đăng cai năm Du lịch quốc gia năm 2024, lượng du khách đến với tỉnh Điện Biên được dự báo sẽ tăng mạnh. Với mục tiêu mang đến những ấn tượng khó quên, thì một trong những giải pháp được tỉnh Điện Biên quan tâm thực hiện là tạo ra các không gian trải nghiệm thú vị đối với du khách.

Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia – Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024 là sự kiện văn hóa quan trọng, tiêu biểu của tỉnh Điện Biên. Đây là dịp để quảng bá sâu rộng về mảnh đất, con người; về những sản phẩm du lịch đặc trưng; quảng bá hình ảnh Hoa Ban gắn với nét đẹp văn hóa, con người Điện Biên. Hiện mọi công tác chuẩn bị đang được đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo sẽ hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Không chỉ ở Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tại các điểm di tích lịch sử khác như đồi A1; Hầm Đờ Cát; Đền thờ các liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ.v.v… đội ngũ cán bộ, viên chức, thuyết minh viên cũng đã được phân công nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo công tác tiếp đón, phục vụ du khách luôn được kịp thời, chu đáo.

Ở đỉnh Chóp Ly, đèo Keo Lôm, dọc trục Quốc lộ 12, chợ Phiên Keo Lôm có vị trí khá thuận tiện để giao lưu, gặp gỡ và mua bán, trao đổi hàng hóa. Dù mới được hình thành nhưng nhờ duy trì thường xuyên, các phiên chợ đã trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch vào mỗi dịp cuối tuần.

Năm Du lịch Quốc gia Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban năm 2024 với chủ đề “Về miền Hoa ban” là chuỗi các hoạt động xuyên suốt trong năm. Nhân Lễ Khai mạc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với UBND huyện Điện Biên giới thiệu đến du khách Show diễn thực cảnh “Huyền tích UVA”, kỳ vọng sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, đặc sắc và lôi cuốn.

Đền chùa Trúc Lâm Đảo Trần – Điểm nhấn kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Cô Tô

Huyện đảo Cô Tô với quần thể gồm 71 hòn đảo lớn nhỏ đang trải qua những ngày tháng rộn ràng, kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (23/3/1994 – 23/3/2024). Hàng loạt sự kiện văn hoá, công trình tiêu biểu được khởi công, hoàn thiện và gắn biển, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào kết quả chung toàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, những công trình tín ngưỡng vừa đáp ứng nhu cầu của bà con, vừa thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc, khẳng định chủ quyền đất nước như Đền chùa Trúc Lâm Đảo Trần được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng.

Sáng ngày 16/3, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện Cô Tô đã khánh thành chùa Trúc Lâm Đảo Trần  giai đoạn 1 và gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Cô Tô. Sau 2 năm xây dựng, công trình đã hoàn thành các hạng mục: Ngôi Đại hùng Bảo điện, nhà thờ tổ, nhà tăng, nhà khách và đền thờ Trần Hưng Đạo. Với diện tích xây dựng gần 3ha, tại vị trí xa đất liền, đi lại khó khăn thì việc hoàn thành sớm hơn tiến độ đã thể hiện sự nỗ lực của chư tôn đức nơi đây.

Theo thần tích, vào khoảng cuối Trần triều, đầu hậu Lê, trên hòn đảo tiền tiêu của Nhà nước phong kiến Đại Việt này, người dân bản địa đã xây dựng một ngôi chùa thờ Phật theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, và thờ tướng công hiển thánh Trần Hưng Đạo cùng gia thất nhà Trần. Vì vậy công trình đền thờ, tượng Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn uy nghiêm được cắt băng khánh thành dịp này mang nhiều ý nghĩa lịch sử, niềm tự hào dân tộc.

Dịp này, huyện cũng khen thưởng đến những cá nhân, tập thể có nhiều đóng góp trong quá tình xây dựng đền chùa Trúc Lâm Đảo Trần. Đây không chỉ là sự tri ân những cống hiến, mà còn là sự ghi nhận một công trình tiêu biểu, nhiều ý nghĩa văn hoá, lịch sử nơi vùng biển đông bắc của tổ quốc.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 16.03.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

9 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2546 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1500 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3675 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2618 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4592 lượt xem 0 Bình luận