Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.04.2024

17/04/2024 10:38:48 35518 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.04.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Giáo dục Phật giáo theo xu hướng mới của thời đại; Trang nghiêm khai mạc Đại giới đàn Thiện Duyên 2024; Hân hoan rước kiệu về Đền Hùng.

Giáo dục Phật giáo theo xu hướng mới của thời đại

Nằm trong khuôn khổ khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm năm 2024 dành cho các giáo thọ sư, giảng viên tại các trường Phật học trên toàn quốc đang diễn ra tại TP.Đà Nẵng, nhiều nội dung hay, hữu ích được chia sẻ. Trong xu hướng của thời đại mới, ngoài việc nâng cao kiến thức, trình độ giảng dạy cho các giáo thọ sư thì việc ứng dụng tâm lý học sư phạm nghề nghiệp và chinh phục người học bằng tương tác tâm lý là điều cần thiết.

Đây là buổi chia sẻ của Tiến sĩ Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý và hướng nghiệp 4.0 Jobway đến gần 350 giáo thọ sư, giảng viên tại Khoá bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm năm 2024. Sôi nổi, thú vị, hấp dẫn, đó đều là cảm nhận của hầu hết chư tôn đức học viên có mặt.

Những ví dụng sinh động, gần gũi; Những lời động viên, khích lệ, sự quan tâm được đề cập. Bởi đây là điều dễ thực hiện và có tính hiệu quả cao trong kết nối giữa giáo viên và học sinh.

Thông qua chương trình, các giảng viên có thể hiểu được cách chuẩn bị một bài giảng, cách trình bày số liệu, nội dung, giọng điệu, ngữ điệu khi nói để từ đó có thể truyền đạt hiệu quả tới người học.

Tiết học thú vị đem đến cho quý giáo thọ sư cảm nhận về nghệ thuật định hướng tâm lý cho người học, tạo nên sự kết nối một cách nhuần nhuyễn giữa thầy và trò. Những cách thức này có thể đã được quý giáo thọ sư ứng dụng một nhưng chưa có cái nhìn tổng quan. Vì vậy sau khoá bồi dưỡng này, phương pháp, nghệ thuật mới sẽ được áp dụng, tạo sự phong phú, sinh động hơn cho bài giảng.

Bến Tre: Trang nghiêm khai mạc Đại giới đàn Thiện Duyên 2024

Sáng nay, ngày 16/4, tại chùa Viên Minh (TP. Bến Tre), Đại giới đàn Thiện Duyên PL.2567 – DL.2024 do BTS GHPGVN tỉnh Bến Tre tổ chức đã chính thức khai mạc với hiện diện của chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, quý vị lãnh đạo tỉnh, đại diện các Sở, Ban ngành.

Đại giới đàn Thiện Duyên năm 2024 có tổng số 326 giới tử. Trong đó: thọ Tỳ kheo 80 vị, Sa Di 47 vị, thọ Tỳ kheo Ni 82 vị, Thức xoa 72 vị, Sa di Ni 45 vị. Đàn đầu giới đàn Tăng là Trưởng lão Hòa thượng. Thích Như Niệm – Phó Thư ký Ban thường trực Hội đồng Chứng minh; giới đàn Ni do Ni trưởng Thích Nữ Như Ngọc làm đàn đầu Hoà thượng.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bến Tre kiền thỉnh tôn hiệu cố Đại lão Hòa thượng Thiện Duyên đặt tên cho Đại giới đàn; thể hiện sự tôn kính ân đức của bậc cao Tăng thạc đức cả cuộc đời phụng sự cho đạo pháp và dân tộc. Chư giới tử đều nỗ lực noi gương các bậc cao tăng thạc đức; phụng sự Giáo hội.

Đại giới đàn diễn ra từ ngày 14-17 tháng 4, hướng chư Tăng Ni trẻ tiến thân tu học, chính thức bước vào hàng “Chúng Trung Tôn”, tiếp tục thắp sáng ngọn đèn trí tuệ, duy trì mạng mạch Chánh pháp của Như Lai.

CỤM TIN ĐỊA PHƯƠNG

Ngày 15/4, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã khai mạc Lớp phổ biến giáo dục quốc phòng và an ninh cho gần 200 tăng, ni, Phật tử. Đây là lớp thứ 2 dành cho tăng, ni, Phật tử.

Trong 2 ngày 15, 16/4 của khoá học, chư tăng ni, phật tử được phổ biến quan điểm, chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo gắn với quốc phòng – an ninh trong tình hình mới; Phòng, chống vi phạm trên không gian mạng; phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại nhân dân… Qua đó, góp phần phát huy hơn nữa vai trò của chư tăng, ni, phật tử trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới.

Cùng ngày 15/4, Tại chùa Duệ Tú, Hòa thượng.Thích Thanh Điện, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó TT Ban HDPT TƯ, cùng chư tôn đức, các ban ngành, nhân dân đã thành kính tưởng niệm Thánh Tổ – Thiền sư Lê Nghĩa. Thủa sinh thời, thiền sư không chỉ là một đại sư đắc đạo mà còn là lương y, công thần giúp nước thời nhà Lý. Sau này, Ngài được các triều Vua phong tước Thượng đẳng thần. Dịp này, chùa Duệ Tú khai hội và thắp nến hoa đăng tưởng niệm.

Cũng trong dịp này, Phân ban GĐPT trực tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm 55 năm ngày mất Cư sĩ, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, người con quê hương Quảng Nam. Tại buổi lễ, chư tôn đức và các huynh trưởng, đoàn viên đã cùng ôn lại cuộc đời của vị cư sĩ trường trai, nghiên cứu kinh điển Phật giáo, góp sức hoàn chỉnh các tổ chức của Phật giáo và hệ thống đào tạo Tăng tài, các lớp Phật học cho thanh niên, viết sách, hướng dẫn tu học giúp các tự viện tại những nơi có mặt.

GĐPT TT- Huế noi theo bước chân tiền nhân

Cư sĩ, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám là người có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ XX, sáng lập viên GĐPT Việt Nam. Vì thế mà năm nay, Phân ban Hướng dẫn GĐPT Việt Nam chủ trương cả nước đều tổ chức lễ tưởng niệm bác Tâm Minh vào tháng 3 âm lịch, nhằm khẳng định tinh thần đoàn kết, đồng lòng thực hành theo con đường của bậc tiền nhân.

Tại mảnh đất cố đô Huế những ngày cuối tuần tháng 3 âm lịch, các tự viện đều thu hút đông đảo đoàn sinh GĐPT các đơn vị vân tập về dưới mái già   lam. Với tâm nguyện tưởng nhớ bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám, người đã công lao to lớn với Phật giáo Việt Nam nói chung và tổ chức GĐPT nói riêng, Phân ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh tổ chức nhiều hoạt động. Đặc biệt, hội trại Tâm Minh lần đầu tiên được tổ chức.

Tinh thần này đã được lan tỏa đến các đơn vị GĐPT toàn tỉnh. Do vậy, khi nghe tin hội trại tưởng nhớ bác sĩ Tâm Minh được tổ chức, Phật tử Nhuận Hoa người dân tộc Paco – GĐPT Sơn Nguyên đã vượt quãng đường hơn 100 cây số về tổ đình Tường Vân, TP. Huế tham dự.

Tại đây, trại sinh nhận lời sách tấn của chư tôn đức; được những anh chị huynh trưởng nhiều lần tham gia trại chia sẻ kinh nghiệm tu học và tổ chức nhiều hoạt động như thi Phật pháp, thi trò chơi lớn, được đông đảo đoàn sinh tham gia nhiệt tình

Có thể nói, Sự nghiệp phụng sự Chánh pháp và công lao sáng lập tổ chức giáo dục Thanh, Thiếu niên Phật tử của bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám thật rực rỡ, trường tồn mãi với Phật giáo nước nhà cũng như với GĐPT Việt Nam. Do vậy mà tấm gương của ông được các đoàn sinh, huynh trưởng noi theo để xây dựng tổ chức GĐPT ngày càng lớn mạnh cả về chất và lượng.

CỤM TIN TỪ THIỆN

Chư tôn đức thực hiện, góp phần sẻ chia, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn, lan tỏa tinh thần từ bi của đạo Phật.

Hôm qua 15/4 tại Trà Vinh, sư cô Thích Nữ Như Hạnh, trụ trì chùa Phước Thiện, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận tặng 150 phần quà đến bà con khó khăn. Tặng phẩm gồm mỳ, dầu ăn, trà thảo mộc và một số nhu yếu phẩm khác… giúp đỡ bà con vượt khó, vươn lên.

Trong khi đó tại Long An, kể từ đầu tháng 4 đến nay, chùa Giác Nguyên, huyện Cần Giuộc tích cực mang nguồn nước mát lên những vùng bị hạn mặn. Ngoài ra, chùa còn vận động MTQ cấp hơn 1500 bình nước tinh khiết, giúp người dân giảm nhẹ chi phí mua nước uống.

Nước suối nghĩa tình

Do ảnh hưởng của El Nino, từ đầu năm đến nay lượng mưa ở nhiều vùng trên cả nước bị thiếu hụt, nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn xảy ra ở một số địa phương, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên. Vì vậy, cũng giống như Long An, Phật giáo tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều hoạt động thiết thực, khẩn trương đưa nước về cho bà con tại Tiền Giang.

Đây là chuyến khảo sát nhà máy cung cấp nước cho chuyến hỗ trợ bà con tỉnh Tiền Giang của Phật giáo Đồng Tháp. Từ nguồn nước, quy trình sản xuất, đến giấy phép, chứng nhận kiểm định chất lượng đều được chư tôn đức cẩn thận xem xét. Biết được việc làm ý nghĩa này, chủ cơ sở sản xuất nước ủng hộ đoàn 15.000 chai nước. Toàn bộ hàng được chuyển về huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

Vượt hơn 160Km từ huyện Lấp Vò, chư tôn đức và quý Phật tử, mạnh thường quân đã về đến huyện Gò Công Đông. Đây là địa phương ven biển, tình trạng nhiễm mặn ngày càng nặng, nước sinh hoạt của bà con vô cùng khó khăn. Vì vậy nghe tin đoàn mang nước sạch về, người dân đến xếp hàng đông đủ từ sớm.

Sau khi tặng nước đến bà con, chư tôn đức trực tiếp đưa số nước còn lại đến xã Tân Phước và Gia Thuận. Đây là 2 nơi ở xa, đường đi lại khó khăn nên bà con không thể đến lấy nước. Món quà tuy không lớn nhưng là cả tấm lòng mong sẻ chia khó khăn, giúp bà con vượt qua mùa hạn

Rộn ràng ngày vui

Chôl Chnăm Thmây là ngày tết mang đậm màu sắc văn hóa của đồng bào Khmer. Chôl Chnăm Thmây còn gọi là lễ chịu tuổi, lễ đón năm mới. Trong ba ngày Tết, Phật tử, đồng bào trở về chùa lễ bái Tam bảo, cầu nguyện một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Và tại TP.HCM, suốt tuần này, đông đảo nhân dân, Phật tử người Khmer, sinh viên, học sinh người Lào, Campuchia… đang học tập tại thành phố đã về chùa đón Tết. Hoà cùng niềm vui đó, dịp này, VP2 TƯGH cũng đã tổ chức nhiều chuyến thăm, chúc mừng đến chư tôn đức Phật giáo Nam tông Khmer.

Trong tinh thần đoàn kết hòa hợp, Chư Tôn đức VP2 TƯGH đã thăm, gửi lời chúc an lành tới Hòa thượng Danh Lung, Uỷ viên Thư ký HĐTS, cùng toàn thể chư Tăng chùa Candaransi, chùa Tông Kim Quang, đồng bào Phật tử Khmer, du học sinh Lào, Campuchia… đón năm mới sức khỏe, thân tâm an lạc. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây dù là nét văn hóa đặc trưng riêng có của đồng bào Khmer, nhưng từ lâu ngày lễ đã trở thành một thành tố văn hoá không thể thiếu nơi đây.

Tết thường là ngày người người, nhà nhà trở về quây quần, sum vầy với gia đình. Nhưng không phải tất cả những người Khmer đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh đều có điều kiện trở về quê hương. Để ngày Tết này trọn vẹn ý nghĩa, những ngày qua, Chư Tăng chùa Candaransi (TP.HCM) đã cẩn thận chuẩn bị, tự tay trang hoàng tự viện để chào đón những người con, đồng bào Khmer về chùa đón Tết với tất cả những nghi lễ truyền thống.

Trong không khí vui tươi, toàn thể chư Tăng, nhân dân Phật tử đồng bào Khmer đã trang nghiêm cử hành nghi thức Tắm Phật thiêng liêng, lễ té nước chúc phúc,  “cột tay” (Lễ buộc tay). Đặc biệt, Sau lễ Tắm Phật truyền thống là lễ Tắm sư, trong văn hóa người Khmer, lễ này tượng trưng cho chúc phúc, chúc thọ các vị sư lớn tuổi nhân năm mới và cùng cầu nguyện vị thần cai quản năm nay gia hộ cho đất nước được bình an, người dân có cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Tết Chol Chnam Thmay tri ân tiên tổ

Tết Chol Chnam Thmay không chỉ thể hiện quan niệm của người Khmer về chu kỳ vận chuyển của năm, mà còn nhằm giáo dục con người về tấm lòng hiếu thảo, đoàn kết gắn bó thắt chặt tình đoàn kết thương yêu nhau, và tưởng nhớ, tri ân ông bà tiên tổ. Trong phóng sự tiếp theo của Chuyên mục

Dù ở đâu, đi làm ăn xa, thì ngày Tết Chol Chnam Thmay, con cháu trong gia đình ông Đào Loan đều trở về nhà, quây quần làm mâm cơm dâng cúng tổ tiên. Mỗi người mỗi việc, các món ăn chẳng quá cầu kỳ, nhưng quan trọng là không khí sum vầy. Một phần cơm được xếp lên mâm để cúng tại nhà, còn một phần được xếp gọn gàng vào cà mên để mang cúng dường chư Tăng ở chùa.

Đốt nén nhang, con trai cả ông Đào Loan lễ Phật, lễ bàn thờ tổ tiên, đủ cả trong nhà lẫn ngoài trời. Cả năm mới có mấy ngày Tết – đón năm mới, nên các thành viên đều muốn mọi thứ được chuẩn bị chu đáo, đủ đầy nhất. Đối với người Khmer, trên mâm cơm ngày Tết có những món không bao giờ có thể được thiếu.

Ở khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ hiện có hơn 250 hộ gia đình Khmer sinh sống không tập trung. Việc bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc được dạy từ đời này sang đời khác. Vậy nên, tri ân tổ tiên trong ngày Tết là điều đặc biệt quan trọng mà ai cũng buộc phải khắc ghi.

Bên cạnh việc cúng tổ tiên tại gia, người đồng bào Khmer còn đến chùa dịp này. Đối với họ, chùa là nơi tôn nghiêm, là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Ngày thường, chư Tăng mang bình bát đến các phum sóc người Khmer khất thực vào các buổi sáng. Nhưng với Tết Chôl Chnăm Thmây thì người Khmer mang cơm đến tận chùa dâng cúng, nghe tụng kinh chúc phúc cho thí chủ và cầu siêu cho những linh hồn đã khuất.

Dịp Tết Chol Chnam Thmay năm nay, người Khmer đang công tác, học tập, làm việc tại Cần Thơ được nghỉ 3 ngày. Các hoạt động lễ nghi, vui chơi văn hóa văn nghệ tại các tự viện Phật giáo Nam Tông Khmer diễn ra liên tục. Và dù trải qua năm tháng với biết bao đổi thay, thì Tết Chol Chnam Thmay vẫn là dịp đồng bào thể hiện ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, và để tưởng nhớ tổ tiên quá vãng, tri ân những thế hệ đi trước.

Đón Tết trong niềm vui no ấm

Tại tỉnh Sóc Trăng, những ngày này, không khí rộn ràng khắp các gia đình, đường làng, ngõ xóm. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là dịp để giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ; các thành viên trong gia đình cùng tề tựu, sum họp sau những ngày tháng làm việc, lao động. Năm nay, bà con Sóc Trăng đang đón Tết cổ truyền với nhiều nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian trên tinh thần đoàn kết, vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Từ nhiều ngày nay, gia đình phật tử Lâm Văn Kiên, huyện Thanh Trị, tỉnh Sóc Trăng cùng nhau sửa soạn, dọn dẹp nhà cửa tươm tất để đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây sum vầy và hạnh phúc. Năm nay, công việc làm ăn thuận lợi, ruộng vườn bội thu nên gia đình có thời gian, dư dả kinh tế để chuẩn bị chu đáo mọi thứ cho 4 ngày Tết thêm ấm cúng, đong đầy yêu thương.

Đối với bà con người Khmer, chùa là nơi tôn nghiêm và cũng chính là ngôi nhà chung của cả cộng đồng. Vì vậy, trong những ngày này, chùa chuẩn bị chu đáo để bà con tập trung tại chùa đón Tết. Dưới sự hướng dẫn nghi lễ của chư tôn đức, tất cả cùng cầu nguyện, mong năm mới luôn được ấm no, hạnh phúc.

Các trò chơi dân gian, vũ điệu, hát, múa cũng được mọi người cổ vũ và tham gia rất náo nhiệt. Trong sinh khí vui tươi, tại các làng quê diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao sôi nổi. Tại thị xã Vĩnh Châu và huyện Thạnh Trị tổ chức giải đua vỏ lãi, mỗi giải thu hút từ 30 đến 40 đội với hàng trăm vận động viên tham gia. Các điểm chùa tại huyện Mỹ Tú và huyện Châu Thành đã tổ chức giải bóng đá mỗi giải có từ 20 đến 25 đội tham gia.

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây diễn ra vào thời điểm kết thúc mùa nắng chuẩn bị bước sang mùa mưa. Đây là thời điểm trời đất giao hòa, muôn cây xanh tốt, đâm chồi nảy lộc. Tết biểu trưng cho lời cầu nguyện khởi đầu năm mới, mùa màng mới tươi đẹp, bắt đầu một cuộc sống ấm no, sung túc, hạnh phúc. Có thể thấy rằng, Tết Chol Chnam Thmay – Tết cổ truyền của cộng đồng người Khmer đã trở thành nét đẹp của sự hòa hợp các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam.

CỤM TIN VĂN HÓA

Ninh Bình có thêm 2 di sản quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố thêm 8 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Ninh Bình có 2 di sản là: Nghề thủ công truyền thống thêu – ren Ninh Hải với tuổi đời trên 700 năm và Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường tại 2 địa phương là huyện Nho Quan và thành phố Tam Điệp. Như vậy, đến hiện tại, Ninh Bình đang sở hữu 6 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lào Cai: Phát động tuần lễ trang phục các dân tộc

Chào mừng kỷ niệm Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức phát động “Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 từ ngày 15 – 19/4. Sự kiện nhận được sự hưởng ứng của đông đảo cán bộ và các tầng lớp nhân dân. Trang phục dân tộc truyền thống và nghề làm trang phục là một trong 41 di sản văn hóa quốc gia tại Lào Cai.

Hân hoan rước kiệu về Đến Hùng

Mùng 7/3 âm lịch, các xã, phường, thị trấn vùng ven Đền Hùng hồ hởi rước kiệu và biểu diễn múa lân sư rồng, thể hiện tính cộng đồng cao, tư tưởng hướng về cội nguồn. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần vào thành công chung của Giỗ tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa – du lịch đất Tổ năm Giáp Thìn 2024.

Ngay từ sáng sớm, các đoàn rước kiệu đã có mặt tại sân trung tâm lễ hội, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng khiến không khí trở nên tấp nập, rộn rã. Lễ rước kiệu năm nay có sự tham gia của 7 xã, phường, thị trấn vùng ven khu di tích là các xã Hy Cương, Chu Hóa, Hùng Lô, Kim Đức và phường Vân Phú của Thành phố Việt Trì, xã Tiên Kiên, Thị trấn Hùng Sơn của huyện Lâm Thao.

Trong tiếng trống hội âm vang, tiếng nhạc sênh tiền rộn rã, các đoàn rước kiệu lần lượt tiến vào khu hành lễ. Đi đầu là đội múa sư tử; tiếp đó là các đội rước Quốc kỳ, cờ hội; đội rước biểu dấu, bát bửu, đội diễn trò và đội kiệu. Mỗi cỗ kiệu đều gắn liền với những câu chuyện, huyền thoại từ thời Hùng Vương dựng nước, được người dân gìn giữ như báu vật minh chứng cho lịch sử lâu đời của làng.

Sau 14 năm liên tiếp tổ chức, lễ rước kiệu về Đền Hùng đã trở thành nét đẹp văn hoá độc đáo, góp phần tái hiện lại các hình thức sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của cư dân vùng đất Tổ. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò của người dân trong giữ gìn và thực hành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như cam kết với UNESCO.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 16.04.2024:

 

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

19 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2621 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1640 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3729 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2695 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4634 lượt xem 0 Bình luận