Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.07.2024

19/07/2024 14:00:18 3874 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 17.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Điện Biên: Đại lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; Trang bị kiến thức về ATGT cho đồng bào dân tộc; Tháng 7 tri ân ở ngã ba Đồng Lộc.

Điện Biên: Đại lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ

Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhằm thể hiện tinh thần tri ân và báo ân, trong 2 ngày 16-17/7, tại Nghĩa trang liệt sĩ A1, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Điện Biên phối hợp Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế trang nghiêm tổ chức Đại lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đại nghĩa.

Trong khuôn khổ Đại lễ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dâng hương, tưởng niệm và tri ân công lao của các AHLS đã hi sinh vì độc lập tự do dân tộc.

Chứng minh lễ cầu siêu có có Hòa thượng Thích Chơn Hương, Thành viên HĐCM, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế cùng chư tôn giáo phẩm HĐTS, BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây, chư tôn đức, quý Phật tử nhắc lại quá khứ hào hùng của dân tộc và sự hy sinh cao cả của anh hùng liệt sỹ. Sau các nghi lễ, chư tôn giáo phẩm cùng đại biểu thắp hương tưởng niệm, nhiễu quanh Tượng đài để tưởng nhớ công ơn tiên nhân.

Nhân dịp này, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Điện Biên và tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao tặng 100 học bổng, trị giá 100 triệu đồng, tặng các em học sinh vượt khó tại các trường Tiểu học, THCS tỉnh Điện Biên.

Trang bị kiến thức về ATGT cho đồng bào dân tộc

Được sự quan tâm của các cấp, đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi, biên giới ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, nhận thức về pháp luật và ý thức tự giác chấp hành tham gia giao thông chưa cao, tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp… Chính vì vậy, tại tỉnh Bình Phước, Phân ban Phật tử dân tộc TƯ, BTS GHPGVN tỉnh phối hợp Phòng CSGT, Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền, trang bị kiến thức về ATGT cho đồng bào.

Những ánh mắt chăm chú.

Có cả những nỗi sợ.

Và cả nụ cười giòn tan…

Hàng nghìn đồng bào khu vực Tây Nguyên – miền Trung – Đông Nam Bộ đã có những trải nghiệm ý nghĩa qua buổi tuyên truyền Luật giao thông. Cách kể chuyện gần gũi, dễ hiểu, hình ảnh trực quan lôi cuốn, để đồng bào dễ lắng nghe, nắm bắt và chấp hành luật giao thông.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đồng bào sống rải rác ở triền núi, xa trung tâm, việc tổ chức hoạt động tuyên truyền gặp khó khăn. Đây là lần đầu tiên đơn vị có thể tập hợp đông đảo bà con dân tộc từ các tỉnh thành. Qua đó, hiệu quả công tác tuyên truyền được nâng cao.

Để hoạt động này lan tỏa sâu rộng, cần sự trợ duyên của chư tôn đức, người uy tín, già làng, trưởng thôn, cùng vận động, tuyên truyền, khuyên bảo bà con chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đồng bào, giúp giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn giao thông.

Bắc nhịp cầu yêu thương

Không chỉ tại tỉnh Tiền Giang, mà tại nhiều địa phương với địa hình kênh rạch chằng chịt, việc đi lại và giao thương của bà con gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu nỗi vất vả ấy, Chư tôn đức Tăng Ni đã bắc những nhịp cầu yêu thương, góp phần thay đổi diện mạo miền sông nước, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Do cây cầu cũ đã xuống cấp và không đảm bảo an toàn, đoàn Ban Từ thiện xã hội GHPGVN TP. Thủ Đức, TP.HCM đã tới xã Bình Hoà và xã Bình Tiên, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre khánh thành và bàn giao cầu giao thông nông thôn bằng bê tông kiên cố. Đây là tấm lòng và sự quan tâm đặc biệt của Chư tôn đức, Phật tử thành phố phương Nam dành cho địa phương vùng sâu vùng xa, khó khăn do địa hình bị kênh rạch chia cắt.

Công trình có chiều rộng 2,8m, dài 3,8m, tải trọng 8 tấn. Cây cầu bê tông thay thế cây cầu tạm xuống cấp không chỉ tạo diện mạo khang trang hơn cho xã vùng sâu mà còn rút ngắn khoảng cách với các địa bàn lân cận, giúp người dân đi lại thuận lợi, dễ dàng.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn trước mắt, thế nhưng với sự đồng hành của Chư tôn đức, những khu vực vùng sâu vùng xa luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời, phát triển văn minh giàu đẹp.

Phát huy nguồn lực Di tích lịch sử – Tôn giáo

Tính đến nay, trong hơn 40 nghìn di tích được xếp hạng trên toàn quốc, Phật giáo chiếm tỷ trọng lớn nhất khi sở hữu gần 10% di sản trong số đó. Đáng chú ý, các tự viện không chỉ chứa đựng những giá trị lịch sử – kiến trúc, mà còn lưu giữ nhiều loại hình di sản như: tư liệu, phi vật thể,… Bởi vậy, ở kỳ họp Quốc hội thứ 7 vừa qua, nhiều ý kiến đã đề xuất đưa Di tích Lịch sử – Tôn giáo vào loại hình Di tích hỗn hợp nhằm tạo thuận lợi trong bảo tồn, phát huy giá trị.

Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội hơn 20km, chùa Thầy có tên chữ là “Thiên Phúc Tự” nằm gối vào sườn núi Phật Tích, còn gọi là núi Thầy, thuộc địa phận hai thôn Đa Phúc và Thụy Khuê, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014. Song song với đó, lễ hội chùa Thầy đã được Nhà nước xếp loại di tích lịch sử cấp quốc gia, và là một lễ hội đặc sắc “có một không hai” khi kết hợp khéo léo, sinh động của 3 tôn giáo Phật, Đạo, Nho và tín ngưỡng dân gian; diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba âm lịch; nhằm tưởng nhớ đến thiền sư Từ Đạo Hạnh. Bên cạnh đó, tháng 4 năm 2023, chùa Thầy tiếp tục được công nhận điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt.

Cũng là 1 Di tích Quốc gia đặc biệt được công nhận năm 2013, Chùa Dâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam. Năm 2017, bộ tượng Phật Tứ pháp vùng Dâu được công nhận Bảo vật quốc gia. Tin vui nối tiếp, đầu năm 2024, mộc bản chùa Dâu cũng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Với 107 ván mộc bản, trong đó có 92 ván được khắc 2 mặt và 15 ván khắc 1 mặt, tổng số là 199 mặt ván khắc, chia làm 13 bộ khác nhau.

Chùa Thầy và chùa Dâu chỉ là 2 ví dụ cụ thể minh chứng cho bề dày, sự phong phú của các di sản Phật giáo, đặc biệt ở khu vực phía Bắc. Tại đây, nhiều tự viện vừa là di tích, vừa sở hữu di sản phi vật thể hoặc lưu giữ hiện vật, bảo vật cổ. Và để lưu giữ, bảo tồn mỗi loại hình di sản lại cần có các phương thức khác nhau. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý vẫn chưa có sự phân định rạch ròi, gây khó khăn cho địa phương và cộng đồng sở hữu di sản.

Khó khăn, bất cập thì có lẽ dễ dàng để nhận ra. Nhưng làm thế nào để giải quyết triệt để; đó là sự trăn trở, là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Chính vì những hạn chế như vậy nên trong lần xem xét, góp ý cho Dự thảo Luật Di sản Văn hóa sửa đổi tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7 vừa qua, Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã đề xuất đưa Di tích Lịch sử – Tôn giáo vào loại hình hỗn hợp nhằm tạo thuận lợi trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản

Hiện theo Dự thảo thứ 5 vừa được trình lên Quốc hội, có 4 loại hình di tích gồm: lịch sử; kiến trúc, nghệ thuật; khảo cổ và Danh lam thắng cảnh. Tại đây, để được phân loại, xếp vào nhóm hỗn hợp thì di tích sẽ phải đáp ứng ít nhất 2 loại hình ở trên. Tuy nhiên, với bề dày văn hóa sẵn có, việc không quy định Di tích Lịch sử – Tôn giáo thuộc nhóm hỗn hợp rõ ràng là 1 thiếu sót lớn.

Di tích hỗn hợp là định nghĩa mới, chưa áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, dựa trên các quy định của UNESCO và kinh nghiệm các quốc gia, việc phân loại hỗn hợp sẽ giúp Di tích được bảo tồn đồng bộ theo không gian văn hóa thay vì từng loại hình di sản. Và điều đó rất phù hợp với Di tích Lịch sử – Tôn giáo vốn mang tính thiêng, là điểm tựa tâm linh của cộng đồng dân cư.

Hiện đề xuất của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận và có thể bổ sung trong dự thảo lần 6. Tuy nhiên, để triển khai, áp dụng vào thực tiễn thì vẫn là chặng đường dài khi cần định nghĩa thêm nội hàm, các chủ thể liên quan của loại hình hỗn hợp và thậm chí là Di tích Lịch sử – Tôn giáo.

Xác định loại hình di sản là bước đầu tiên, định hình cho công tác bảo tồn sau này. Cũng bởi thế, việc phân loại, đưa Di tích Lịch sử – Tôn giáo vào nhóm hỗn hợp sẽ giúp các tự viện là di tích được bảo tồn đồng bộ theo không gian, bối cảnh văn hóa. Qua đó, gìn giữ trọn vẹn giá trị lịch sử nghìn năm của ông cha.

Cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là một trong những chương trình ý nghĩa để tri ân, báo ân, hàn gắn vết thương chiến tranh. Chỉ trong năm 2023, chương trình đã huy động được hơn 2 tỷ 141 triệu đồng, 14 nhà tình nghĩa đã được xây mới, gần 600 nạn nhân ở 22 tỉnh thành được hỗ trợ, nhiều nạn nhân tại các Trung tâm bảo trợ xã hội được tặng quà…

Những năm qua, đặc biệt là năm 2023, hành trình “Xoa dịu nỗi đau da cam” luôn có sự đồng hành của chư tôn đức tăng ni, phật tử. Ngôi nhà của cựu chiến binh Nguyễn Văn Khanh ở Ngã Tư Sở, Hà Nội chưa giờ phút nào nguôi ngoai nỗi đau khi cậu con trai ngoài 30 tuổi bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nằm liệt ngây dại một chỗ. Sự quan tâm, chia sẻ thường xuyên đã góp phần giảm bớt nỗi đau tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần.

Để lan tỏa phong trào nhắn tin từ thiện “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia phát động, chư tôn đức tuyên truyền bà con, phật tử ủng hộ. Dù là nhỏ thôi nhưng thể hiện tinh thần, tấm lòng của người con Phật góp sức giúp nạn nhân nhiễm chất độc da cam có điều kiện cải thiện cuộc sống, chăm sóc sức khỏe và ổn định tinh thần.

 Tiếp nối thành công năm 2023, năm nay, cuộc vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin được tổ chức với mục tiêu vận động trên 2 tỷ nhằm hỗ trợ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, hỗ trợ vốn sản xuất, xây và sửa nhà cho gia đình nạn nhân da cam khó khăn.

Chương trình nhận hỗ trợ qua 2 hình thức: Quét mã QR/chuyển khoản ủng hộ đến số Tài khoản 1961 tại Ngân hàng Quân đội MB, chủ tài khoản Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam hoặc ủng hộ qua Ví điện tử VTC.

Tháng 7 tri ân ở ngã ba Đồng Lộc

Tháng Bảy về cũng là lúc muôn vạn trái tim lại hướng về Ngã ba Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh – nơi 10 nữ Anh hùng Thanh niên Xung phong hy sinh trong kháng chiến. Những ngày này, nơi đây ghi dấu chân hành hương của hàng nghìn người viếng thăm, tri ân.

Khu mộ của 10 nữ Anh hùng Thanh niên xung phong nằm dưới một ngọn đồi thoai thoải. Các ngôi mộ nằm sóng hàng theo đội hình của người xung trận giữa bao la đất trời. Những ngày tháng 7, “không hẹn mà gặp” du khách mọi miền Tổ quốc lại về đây để bày tỏ lòng tri ân với các anh hùng liệt sỹ.

Ngã ba Đồng Lộc từng là “tọa độ lửa”. Dưới “mưa bom, bão đạn” hàng nghìn người từ mọi miền Tổ quốc đã hy sinh trên vùng đất này. Ngày nay, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc là minh chứng để mỗi người khi về đây có thể cảm nhận được đau thương, mất mát do chiến tranh gây nên. Từ đó thêm trân trọng và gìn giữ giá trị của hòa bình.

Những ngày tháng Bảy này, mỗi ngày, Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc đón trên 2.000 lượt khách. Vì vậy, đơn vị quản lý đã xây dựng kế hoạch chi tiết đảm bảo an ninh trật tự, cơ sở vật chất, nhân lực để đón người dân.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, cuộc sống đã được hồi sinh mạnh mẽ ở Đồng Lộc. Huyền thoại về 10 cô gái thanh niên xung phong, về những người lính chiến đấu nơi đây đã trở thành cội nguồn sức mạnh để thế hệ hôm nay viết tiếp những trang sử hào hùng.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 17.07.2024:

 

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

11 lượt thích 0 bình luận

Để lại một bình luận

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2628 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1660 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3736 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2705 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4641 lượt xem 0 Bình luận