Bản tin Bchannel – An Viên 24H 18.06.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 16.06.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Công bố giải báo chí Phật giáo lần thứ nhất, năm 2024; Hải Dương: Sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm; Tự viện chung tay hỗ trợ tâm lý cho người trầm cảm.
Công bố giải báo chí Phật giáo lần thứ nhất, năm 2024
Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), ngày 18/6 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, Ban Thông tin Truyền thông TƯGH đã họp báo công bố Giải báo chí Phật giáo lần thứ nhất, năm 2024. Với chủ đề “Tuyên truyền lối sống Tốt đạo- Đẹp đời, Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng Dân tộc”, giải nhận được sự quan tâm của rất nhiều cơ quan báo chí trong nước.
Trong những năm qua, các cơ quan báo chí nói chung và các cơ quan báo chí Phật giáo nói riêng đã phát huy mạnh mẽ vai trò cung cấp thông tin cho độc giả trong và ngoài nước, mang đến thông điệp, giá trị và niềm tin thực hành giáo lý Phật giáo- sống “Tốt Đạo – Đẹp Đời”. Qua đó, lan tỏa và thúc đẩy những giá trị nhân văn, nhân bản tích cực trong xã hội, khích lệ lối sống thiện lành trong cộng đồng Tăng ni, Phật tử Việt Nam, khẳng định vai trò của GHPGVN đối với sự phát triển của đất nước.
Với ý nghĩa đó, việc tổ chức giải Báo chí toàn quốc về Phật giáo nhằm lựa chọn những tác phẩm báo chí xuất sắc, chất lượng cao, giàu ý tưởng và sự sáng tạo, có nội dung – hình thức hấp dẫn, phản ánh trung thực, phong phú về sinh hoạt Phật giáo. Qua đó, cổ vũ kịp thời các phóng viên, nhà báo khắc phục khó khăn, phấn đấu để có những tác phẩm về Phật giáo chất lượng, mang lại giá trị tích cực cho xã hội.
Giải sẽ chính thức nhận bài dự thi từ ngày 18/06/2024 tới ngày 05/01/2025. Thời gian trao giải dự kiến vào Quý I năm 2025. Các tác giả tham gia giải là công dân Việt Nam có tác phẩm báo chí viết về lĩnh vực Phật giáo được đăng tải, phát sóng trên các cơ quan báo chí được cấp phép trong thời gian quy định. Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm báo chí (viết bằng tiếng Việt) phù hợp thể lệ Giải. Tác giả không vi phạm 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí; Luật Tín ngưỡng và tôn giáo và các quy định khác của pháp luật.
Có 5 mức giải cá nhân, trong đó giải đặc biệt có trị giá 50 triệu đồng, có thể gửi theo đường bưu điện, hoặc trực tiếp tại địa chỉ: Ban Thông tin – Truyền thông TƯGH, phòng 221, chùa Quán Sứ, số 73 Phố Quán Sứ, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội. Hoặc gửi trực tuyến, vào địa chỉ: giaibaochiphatgiao2024@gmail.com.
Hải Dương: Sơ kết công tác Phật sự 6 tháng đầu năm
Chiều 17/6, BTS GHPGVN tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phật sự 6 tháng đầu năm 2024 với những thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt là công tác an sinh xã hội, hoằng pháp.
Tại hội nghị, chư tôn đức lắng nghe báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 với nhiều hoạt động nổi bật như: tổ chức thành công Đại lễ Phật đản và nhiều lễ hội cổ truyền truyền, các chùa là di tích lịch sử – văn hóa được quy hoạch, trùng tu khang trang, công tác từ thiện xã hội đạt hơn 3 tỉ đồng.
Từ nay đến cuối năm, BTS GHPGVN tỉnh sẽ từng bước khắc phục những hạn chế, nêu cao tinh thần đoàn kết, triển khai các sinh hoạt khoá An cư Kết hạ; đại lễ Vu Lan, Đại giới đàn Gia Huệ; đẩy mạnh hoằng pháp; tích cực vận động cho công tác từ thiện xã hội…
Long An: Nâng cao nhận thức Tăng Ni trong quá trình tu tập và hoạt động Phật sự
Ngày 17/6, tại Long An đã diễn ra Lễ khai giảng khóa Bồi dưỡng trụ trì và Hành chính Giáo hội năm 2024 do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức. Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Minh Thiện, UV HĐTS, trưởng BTS, Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh, giá trị của khóa học là để nâng cao trình độ nhận thức của Tăng Ni trong quá trình tu tập và làm Phật sự hiện nay.
Khóa bồi dưỡng có 420 học viên là chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố; Tăng Ni tỉnh Long An. Chương trình khóa học diễn ra từ ngày 17 – 22/6 với các nội dung được triển khai như: Nghị quyết Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX; Hiến chương tu chỉnh lần thứ VII; Luật Tín ngưỡng Tôn giáo và Nghị định 95; kỹ năng về thông tin – truyền thông; Nghị định 30 về công tác văn thư; công tác chuyển đổi số của Giáo hội; hướng dẫn thủ tục hành chính; kỹ năng quản trị tự viện.
Khóa bồi dưỡng với kiến thức đa dạng, cập nhật được kì vọng giúp chư tôn đức tăng ni nâng cao trình độ nhận thức trong quá trình tu tập và làm phật sự. Bên cạnh đó, các buổi toạ đàm với nhiều chuyên đề cũng giúp học viên có cơ hội mở rộng kiến thức ngoại điển, để trau dồi thêm tư lương tự thân, làm lợi lạc cho đạo pháp và dân tộc.
Mâm cơm hiếu hạnh tri ân cha mẹ
Các khóa tu mùa hè đang diễn ra bài bản và chuyên nghiệp với nhiều nội dung phong phú tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, việc vun bồi đạo hiếu cho trẻ nhỏ luôn được Chư tôn đức quan tâm, lồng ghép. Trong phóng sự sau đây, kính mời quý vị đến với những khoảnh khắc xúc động bên Mâm cơm hiếu hạnh, gắn kết tình cảm gia đình.
Tại khóa tu mùa hè chùa Bùi Xá, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; nhiều em nhỏ lần đầu tiên được chuẩn bị mâm cơm chay để báo hiếu cha mẹ. Trước đó, tay cha mẹ nắm chặt tay con, lắng đọng trong lời pháp nhũ của Chư tôn đức về đạo hiếu, nhắc nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, từ những hoạt động nhỏ nhất.
Lời bộc bạch trong lá thư gửi bố mẹ, những giọt nước mắt khi nghĩ về lúc chưa vâng lời. Tất cả như vun bồi tình yêu thương và hạt giống hiếu hạnh trong mỗi khóa sinh. Nhiều phụ huynh không giấu nổi niềm xúc động, khi chứng kiến sự trưởng thành, thay đổi rõ rệt của con sau khóa tu này.
4 ngày diễn ra tu mùa hè “Con về bên Phật” là khoảng thời nhiều cảm xúc đặc biệt. Từ đó, không chỉ rèn luyện những kỹ năng thiết thực mà còn giúp các em được trau dồi đạo đức, sự hiếu thảo, sẻ chia với những người xung quanh.
Tự viện chung tay hỗ trợ tâm lý cho người trầm cảm
Xã hội ngày càng phát triển, con người phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề tâm lý, căng thẳng, lo âu. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Tại Việt Nam hiện nay, trầm cảm đang gia tăng đặc biệt là trong giới trẻ. Trong chuyên mục tiêu điểm hôm nay, kính mời quý vị tìm hiểu những nỗ lực của các tự viện Phật giáo trong việc phối hợp với các đơn vị, chung tay hỗ trợ tâm lý cho đối tượng dễ bị tổn thương.
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, khoảng 8% – 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần; ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.
Theo GS TS Bahr Weiss, chuyên gia tâm lý học lâm sàng của ĐH Vanderbilt, Hoa Kỳ, người từng có 25 năm sinh sống cũng như nghiên cứu các về vấn đề sức khỏe tinh thần tại Việt Nam, một thực trạng với những người gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần tại nước ta là: họ nghĩ rằng mình có thể tự khỏi bệnh mà không cần ai giúp đỡ.
GS TS BAHR WEISS, Chuyên gia Tâm lý học lâm sàng: “Văn hóa Việt Nam xoay quanh yếu tố gia đình thì đây cũng là điều tốt. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại hệ lụy là khi mà một thành viên nào đấy có vấn đề về sức khỏe tâm thần thì họ che giấu và không tìm kiếm sự trợ giúp vì xem đó là nỗi xấu hổ cho gia đình của mình. Thực tế thì bệnh về tâm lý cũng giống như thế chất thôi, chúng ta có thể hiểu đây là vấn đề về não bộ nhưng hầu như mọi người lại rất khó khăn để hiểu rằng đó cũng là vấn đề về sức khỏe. Nhiều người rất ngần ngại hoặc xấu hổ khi mà phải đến bệnh viện tâm thần hay phòng khám điều trị tâm lý. Không phải chỉ riêng Việt Nam đâu mà ngay cả Mỹ hay châu Âu cũng có tình trạng tương tự. Vậy nên mục tiêu dự án để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần thoải mái, ở nơi họ có thể tin tưởng. Ví dụ như những ngôi chùa”.
Chính vì vậy mà GS.TS Bahr Weiss cùng các đồng nghiệp tại Việt Nam đã triển khai dự án “Hỗ trợ tâm lý cho người có trầm cảm tại các chùa Hà Nội”. Theo giáo sư, chùa là địa điểm lý tưởng để những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể yên tâm gửi gắm những tâm tư, nguyện vọng cũng như giải quyết các khúc mắc trong đời sống tinh thần một cách thoải mái nhất.
Và chùa Long Hưng, huyện Đông Anh, Hà Nội là một trong những ngôi chùa đầu tiên của Thủ đô, triển khai chương trình được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Lâm sàng về Xã hội Tâm lý và Giáo dục, Đại học Giáo dục Đại học quốc gia Hà Nội. Ban điều hành dự án dành nhiều tâm huyết để xây dựng chương trình trị liệu với 7 phiên, phần nào đem lại hỗ trợ tâm lý đối với người có trầm cảm vừa và nhẹ.
“Chương trình này đã trải qua 1 đợt trị liệu, ban đầu có khoảng 30 người, qua chương trình sàng lọc kết hợp với các bác sĩ… Dự án này là dự án mới, dự án đầu tiên áp dụng tại chùa ở VN cũng như trên thế giới, mong mọi người có sự chuyển hóa tốt hơn để hòa nhập cộng đồng.”
Cũng chính vì là một dự án mới, lần đầu tiên được triển khai nên khó tránh khỏi những khó khăn ban đầu. Nhìn chung, những người có trầm cảm thường có năng lượng thấp, khả năng duy trì sự tập trung thấp, suy nghĩ về những điều tiêu cực và né tránh hiện tại. Chính vì vậy, việc thảo bỏ những nút thắt của bản thân, mở lòng tiếp nhận sự hỗ trợ là yếu tố tiên quyết để bắt đầu chương trình trị liệu.
Phương pháp của dự án là dựa vào Chánh niệm để trị liệu nhận thức cho Rối loạn trầm cảm. Không chỉ dừng lại là một trong 8 chi phần quan trọng của Bát chính đạo, ngày nay, chánh niệm đã trở thành phương pháp quan trọng dành cho mọi người, hướng tới sự tỉnh giác, cảm nhận trọn vẹn tất cả những gì đang diễn ra mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây. Mức độ chánh niệm từ thấp tới cao được thể hiện rõ nét qua nội dung của mỗi buổi trị liệu:
Kết thúc đợt trị liệu đầu tiên, những người mắc trầm cảm đã có những chuyển biến tích cực, tiếp tục duy trì thực hành chánh niệm trong đời sống hàng ngày.
Bên cạnh chữa trị bằng chánh niệm, dự án còn đang thực hiện hỗ trợ người gặp vấn đề về sức khỏe tâm lý bằng phương pháp thiền định. Hai phương pháp được thực hiện ở các chùa khác nhau, nhằm đảm bảo tính khoa học cũng như đem lại sự so sánh, kết luận chính xác. Từ đó tìm ra hướng đi tốt nhất có thể. Và quan trọng là cả hai phương pháp đều mang chủ thể là ngôi tự viện.
Trong thời gian tới, dự án sẽ được triển khai rộng rãi hơn với các tự viện khu vực miền Trung và miền Nam. Từ đó, giúp cho người dân có thêm sự lựa chọn để điều trị sức khỏe tinh thần… ở nơi mà họ cảm thấy thoải mái nhất là tự viện Phật giáo.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 17.06.2024:
https://www.youtube.com/watch?v=L8EgLPFYmxY&t=372s
Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.
Tin liên quan
Kỹ sư Hoàng Thanh Bình: Đánh thức nội tâm bên trong nhờ cuốn sách “An Lạc Từng Bước Chân”
Chưa phân loại 11/10/2024 16:24:00
Kỹ sư Hoàng Thanh Bình: Đánh thức nội tâm bên trong nhờ cuốn sách “An Lạc Từng Bước Chân”
Chưa phân loại 11-10-2024 16:24:00
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 28.08.2024
Chưa phân loại 29/08/2024 08:28:58
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 28.08.2024
Chưa phân loại 29-08-2024 08:28:58
Những người anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh
Chưa phân loại 18/04/2024 09:41:31
Những người anh hùng của thời đại Hồ Chí Minh
Chưa phân loại 18-04-2024 09:41:31
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.02.2024
Chưa phân loại 16/02/2024 09:08:58
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 15.02.2024
Chưa phân loại 16-02-2024 09:08:58
Các tự viện chủ động đảm bảo phòng cháy chữa cháy ngày Tết
Tin Phật sự 07/02/2024 16:50:35
Các tự viện chủ động đảm bảo phòng cháy chữa cháy ngày Tết
Tin Phật sự 07-02-2024 16:50:35
14 lượt thích 0 bình luận