Bản tin Bchannel – An Viên 24H 18.07.2024
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 18.07.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Đức Pháp chủ thăm BTS GHPGVN tỉnh và HVPGVN tại Huế; Những người Phật tử hướng về Tứ Trọng Ân; Trách nhiệm tự hoàn thiện bản thân của Tăng Ni trẻ
Đức Pháp chủ thăm BTS GHPGVN tỉnh và HVPGVN tại Huế
Ngày 18/7, tại tỉnh TT-Huế, Đức pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng đã quang lâm, dâng hương tưởng niệm tại Đài thánh tử đạo, thăm hỏi BTS GHPGVN tỉnh, trao học bổng Đức Nhuận đến Tăng Ni sinh tại HVPGVN tại Huế.
Đức Pháp chủ GHPGVN – Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng cùng phái đoàn đã dâng hương tưởng niệm chư Thánh tử đạo, đặc biệt là các Phật tử hy sinh tại Đài Phát thanh Huế trong Pháp nạn 1963.
Tại Tổ đình Từ Đàm – Văn phòng BTS GHPGVN tỉnh, Đức pháp chủ lễ Phật, lễ Tổ, thăm hỏi và ghi nhận những thành tựu Phật sự của Phật giáo tỉnh trong suốt thời gian qua, đồng thời sách tấn chư Tăng Ni cần không ngừng phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, nhân rộng những hoạt động ích đạo lợi đời.
Chiều cùng ngày, đoàn đã đến thăm HVPGVN tại Huế, trao học bổng Đức Nhuận cho Tăng Ni sinh học tập xuất sắc. Đây là niềm vinh dự và sự động viên quý báu đối với Hội đồng điều hành và Tăng Ni sinh nhà trường.
Dịp này, Đức pháp chủ sách tấn Chư tôn đức Hội đồng điều hành, không ngừng đổi mới trong phương pháp đào tạo, lấy Tăng Ni sinh làm trung tâm, phát triển sự nghiệp giáo dục Phật giáo thời hội nhập.
Lan tỏa bộ nhận diện chung cho Đại lễ Vu lan báo hiếu 2024
Ban Văn hóa Trung ương đã phê duyệt lan tỏa bộ nhận diện Đại lễ Vu lan báo hiếu 2024 đến Phật giáo các tỉnh thành và các tự viện trên cả nước.
Bộ nhận diện do nhóm thiết kế Hội quán di sản thiết kế lấy trọng tâm là hình ảnh Bồ Tát Địa Tạng Vương, hoa hồng và thông điệp Vu lan Báo hiếu PL.2568 – DL.2024.
Các phiên bản thiết kế nhận diện gồm key visual, standee, bông hồng cài áo, khung check in, thư tay, banner, khung hình ảnh,… Ban Văn hóa TƯGH mong muốn chư tôn đức, quý Phật tử sử dụng đúng mục đích, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đại lễ “Vu Lan Báo Hiếu 2024”.
Những người Phật tử hướng về Tứ Trọng Ân
Tứ trọng ân là những ân quan trọng trong sự phát triển và tạo nên phẩm chất của mỗi con người. Đó chính là ân cha mẹ, ân Sư trưởng, ân chúng sinh và ân Tổ quốc, đất nước. Nhớ ơn và đền đáp là một quy luật đạo đức và cũng là hạnh nguyện của người con Phật. Hướng tới kỷ niệm 77 năm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, thể hiện tinh thần tứ trọng ân, nhiều phật tử đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ, đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Năm nào cũng vậy, tạm gác lại công việc bận rộn, phật tử Diệu Tuệ, huyện Hoài Đức, Hà Nội đều dành thời gian đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang để thắp nén tâm hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Cầm trên tay nén hương thơm tỏa khói, chị không giấu được niềm xúc động, bởi gia đình cũng có thân nhân là liệt sĩ, anh dũng hy sinh trên chiến trường.
Cũng giống như phật tử Diệu Tuệ, bất kỳ ai khi đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, đều có chung cảm xúc bồi hồi, xúc động. Bởi để có được đất nước thanh bình như hôm nay là nhờ công ơn của nhiều thế hệ cha anh đã ngã xuống. Vì vậy, mỗi người phật tử ghi nhớ tứ trọng ân như một bài học, hạnh nguyện để làm người và cũng để giáo dục thế hệ sau.
Trên mỗi tấc đất quê hương đã thấm không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt và xương máu của tổ tiên. Làm người tiếp nối, người học Phật cũng phải có bổn phận phát huy nền văn hóa dân tộc, trang bị cho mình kiến thức, tinh tấn tu tập và hành thiện. Đó chính là cách để ta đền đáp bốn ân đức một cách thiết thực đúng như lời Đức Phật đã chỉ dạy.
Trang bị kỹ năng sống bổ ích cho khóa sinh trẻ
Mùa hè năm nay, thay vì đi du lịch hay ở nhà vùi đầu vào các tập phim, các trò chơi điện tử… nhiều bạn trẻ đã lựa chọn các khóa tu ở chùa. Tại đây, các em không chỉ được học giáo lý Phật pháp mà còn được trang bị những kỹ năng sống ý nghĩa, phù hợp với từng độ tuổi.
Chùa Vạn Linh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp…ngôi chùa quê nằm bên bờ sông Hậu ngày hôm nay trở nên sôi nổi, rộn rã tiếng cười nói của các em khoá sinh.
Không có sự bao bọc của gia đình, không thiết bị công nghệ…3 ngày tu học ở chùa, các em trải nghiệm sinh hoạt chốn thiền môn và tham gia các hoạt động tập thể, đặc biệt, được vấn đáp về tâm sinh lý, cùng các kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng xã hội “thông thái”.
Thực tế cho thấy, sau thời gian tu học ngắn tại chùa, việc các em trở lại với những chiếc điện thoại là điều khó tránh khỏi bởi nhiều yếu tố, tuy nhiên, những kiến thức được chư Tôn đức và chuyên gia truyền đạt sẽ giúp các em có ý thức, phân biệt đúng sai khi tiếp xúc các thông tin trên MXH hay đơn giản là kiềm chế được sự cám dỗ của điện thoại để đi ngủ sớm.
Thông qua những tình huống giả định, trực quan sinh động, BTC khoá tu này đan xen vào chương trình những kỹ năng sơ cứu khi gặp chấn thương, cách phòng tránh, cấp cứu bạn khi bị đuối nước hay việc tham gia giao thông sao cho an toàn, đúng luật.
Cách bảo vệ trẻ em tốt nhất chính là trang bị đầy đủ kỹ năng sống, giúp các em nhận biết được nguy hiểm, phân biệt được đúng, sai; từ đó có cách xử lý phù hợp, đảm bảo an toàn cho bản thân. Đây chính là mặt tích cực mà các khóa tu mang lại cho các bạn trẻ, bên cạnh việc được tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân và học cách tìm kiếm sự bình an trong cuộc sống.
Trách nhiệm tự hoàn thiện bản thân của Tăng Ni trẻ
Tăng, Ni trẻ là những người bắt đầu hành trình, cần bồi dưỡng tư lương trên con đường học Phật. Để ngôi nhà chánh pháp vững bền, ngoài việc có chư vị cao Tăng thạc đức, các bậc Tôn túc khả kính, thì dưới không thể thiếu hàng ngũ kế thừa, đó là Tăng Ni trẻ.
3h30 sáng, tiếng chuông vang vọng giữa màn đêm tĩnh lặng như xua tan màn vô minh, đánh thức một ngày mới tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Chư tăng ni nhẹ nhàng, tĩnh tại với bước chân tỉnh thức bắt đầu thời khoá tu tập đầu tiên trong ngày. Đều đặn mỗi ngày trong mùa An Cư, trường hạ bắt đầu thời khoá từ 4 giờ sáng đến tối muộn. Với những tăng ni trẻ, 3 tháng an cư này có ý nghĩa đặc biệt khi có thể tiếp thêm năng lượng hành trì, tu học Phật pháp, tăng trưởng công đức.
Tăng, ni trẻ vẫn có nguy cơ còn vọng động, thân và tâm có thể bị nhiễm ô theo sự cám dỗ của thế tục. Chính vì vậy, Giới luật giữ vai trò như sợi dây neo giúp con thuyền tâm thức có nơi bám trụ, từ đó mang lại sự bình ổn và bền vững, không bị dao động trước những thay đổi, biến cố trong cuộc sống.
Tại HVPGVN tại Hà Nội, 3 tháng An cư là cơ hội quý báu để mỗi tăng ni sinh thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới – Định – Tuệ. Mỗi vị Tỳ Kheo trẻ nương nơi Giới luật, lấy đó làm vũ khí để phòng hộ bản thân không bị các dục và triền cái khuyến dụ.
Thời điểm này, Phật giáo cả nước đang trong những tháng an cư kiết hạ, thời gian để chư Tăng Ni tập trung tu học, tránh tối đa mọi tác động ngoại cảnh để chăm sóc và nuôi lớn đạo lực qua việc học tập Phật pháp, tụng kinh bái sám, nỗ lực hành trì thiền định… Đây cũng là giai đoạn để mỗi hành giả trẻ nêu cao ý thức tự thân, điều chỉnh các hoạt động tu học để xứng đáng là hàng ngũ kế thừa sự nghiệp đạo pháp, là bậc mô phạm cho đời.
Trong xã hội tiến bộ này, Tăng Ni trẻ ngoài có nền tảng giới luật vững chắc, còn phải mẫu mực về đạo đức, trình độ Phật pháp vững vàng. Bên cạnh đó cũng cần trau dồi kiến thức thế học để phục vụ cho con đường hoằng dương chánh pháp. Điều này cũng được GHPGVN đặc biệt chú trọng thông qua các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ trụ trì được tổ chức hàng năm tại các tỉnh thành. Đây là cơ hội tốt để những vị tăng ni trẻ học hỏi kinh nghiệm của các thế hệ đi trước, tiếp thu kiến thức cơ bản về Pháp luật, giới luật Phật dạy, quan điểm đường hướng của Giáo hội, trách nhiệm bổn phận tự thân, từ đó tích luỹ tư lương áp dụng vào cuộc sống sau này.
Hiện nay, trước sự phát triển không ngừng của xã hội, có nhiều yêu cầu được đặt ra đối với thế hệ tăng ni trẻ. Ngoài việc tu dưỡng về trí, đức, giữ gìn nghiêm giới luật thì tu sĩ trẻ còn phải phát huy tinh thần dấn thân phụng sự đạo pháp và dân tộc. Thời gian vừa qua, có nhiều hình ảnh những tu sĩ trẻ dấn thân, góp sức kiến tạo nên những điều tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội. Từ vùng sâu cho đến vùng xa, từ miền núi cho đến nông thôn, nhiều vị Tăng Ni trẻ không quản ngại khó khăn, vất vả, đến những vùng đất này để lan tỏa ánh sáng từ bi của đạo pháp.
Kiến tạo những điều tốt đẹp cho cộng đồng luôn là tâm nguyện của những người con Phật. Và sự dấn thân không quản ngại khó khăn, vất vả của những vị tu sĩ trẻ đang nỗ lực cống hiến cho sự phát triển của Phật giáo như là một cách để Hoằng truyền chánh pháp, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức.
Có thể thấy rằng, vai trò của Tăng Ni trẻ trong thời hiện đại là vô cùng quan trọng. Luôn phấn đấu để là người Thầy mô phạm, có đầy đủ giới hạnh đạo đức của một bậc chân tu để từ đó dấn thân vào đời, làm lợi lạc cho nhân sinh. Để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi Tăng Ni trẻ cần gạn lọc, tấn tu Tam Vô Lậu Học, dấn thân và phụng sự để “Tâm thanh mang tấm y vàng Giới nghi nghiêm khắc đáng hàng Sa môn”.
Rộn ràng lớp học chữ Khmer Ở Sóc Trăng dịp hè
Tỉnh Sóc Trăng có trên 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chiếm phần đông là dân tộc Khmer. Việc bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hoá đặc sắc dân tộc là điều mà các ngôi chùa tại đây đặc biệt quan tâm, vì vậy, các lớp dạy chữ Khmer liên tục được mở ra.
Cứ mỗi buổi sáng, tại ngôi chùa Tăng Du, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu lại rộn ràng với những âm thanh tập đọc chữ Khmer của các em học sinh đồng bào dân tộc nơi đây. Hè năm nay, chùa Tăng Du có khoảng 300 em học sinh theo học chữ Khmer ở 3 khối lớp, chủ yếu là con em của đồng bào trong phum sóc.
Còn tại chùa Serey Kandal, Phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu lớp dạy và học chữ Khmer được tổ chức ngay giảng đường và khuôn viên nhà chùa, có trên 400 em tham gia với 11 vị sư giảng dạy. Ngoài dạy chữ Khmer, chư Tăng còn truyền đạt nét văn hóa của đồng bào, yêu quê hương đất nước.
Thị xã Vĩnh Châu có hơn 52% dân số là dân tộc Khmer, trong đó có 21 ngôi chùa Nam tông Khmer dạy chữ, với 160 lớp, 3.283 học sinh theo học. Hàng năm, chính quyền địa phương đầu tư hàng trăm triệu đồng sửa chữa, xây mới cơ sở vật chất, tạo điều kiện tốt nhất cho con em học tập.
Tỉnh Sóc Trăng có 94 ngôi chùa phật giáo Nam tông Khmer, trong đó hơn 67 chùa tổ chức dạy tiếng Khmer với 197 lớp, gần 5000 con em đồng bào học tập.
HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17 về quy định chính sách. đặc thù hỗ trợ người dạy tiếng và chữ Khmer; nhằm phát huy, giữ gìn chữ viết đồng bào dân tộc Khmer ở địa phương.
Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 18.07.2024:
Tin liên quan
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024
Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024
Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024
Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024
Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46
Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024
Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46
11 lượt thích 0 bình luận