Bản tin Bchannel – An Viên 24H 20.03.2024

21/03/2024 09:06:47 7467 lượt xem

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 19.03.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Bắc Giang: Tăng đoàn Đoàn Drukpa thăm chùa Phúc Sơn; Thái Nguyên: BTS GHPGVN tỉnh làm việc với lãnh đạo tỉnh về quản lý tiền công đức.

Bắc Giang: Tăng đoàn Drukpa thăm chùa Phúc Sơn

Ngày 20/3, Tăng đoàn truyền thừa Drukpa do Ngài Drukpa Thuksey Rinpoche làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm chùa Phúc Sơn, Bắc Giang. Thượng tọa Thích Đức Thiện – Phó chủ tịch, Tổng thư ký HĐTS GHPGVN đã thân mật tiếp đoàn.

Thượng tọa. Thích Đức Thiện bày tỏ niềm vui khi đón tiếp phái đoàn và cùng thực hiện nghi thức cầu an, lan tỏa năng lượng thiện lành để cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhà nhà hạnh phúc. Đáp lại sự đón tiếp chu đáo, Tăng đoàn truyền thừa Drukpa tri ân Thượng tọa. Thích Đức Thiện cùng chư tôn chùa Phúc Sơn, tỉnh Bắc Giang và nhân dân tín đồ Phật tử địa phương.

Chùa Phúc Sơn (hay còn gọi là chùa Ngô Xá), xã Cao Xá được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI). Năm 2009, chùa Phúc Sơn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

CỤM TIN

Thái Nguyên: BTS GHPGVN tỉnh làm việc với lãnh đạo tỉnh về quản lý tiền công đức

Tại buổi làm việc, Thượng tọa. Thích Nguyên Thành, UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Thái Nguyên cho biết nhiều địa phương trong tỉnh chưa thực hiện theo đúng Thông tư 04 khi thành lập đoàn kiểm tra việc thu chi tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo và hoạt động nghi lễ tôn giáo, mặc dù các cơ sở này không thuộc phạm vi điều chỉnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh tiếp thu ý kiến và chỉ đạo các cơ quan thực hiện đúng Thông tư 04/BTC cũng như hướng dẫn của của UBND tỉnh về việc kiểm tra quản lý tiền công đức, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trên địa bàn.

Khánh Hòa: BTS trao đổi công việc Phật sự với ban tôn giáo tỉnh

Còn tại Khánh Hoà, cùng thời gian này, Ban tôn giáo tỉnh đến thăm và đánh giá cao những thành tựu Phật sự mà Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã đạt được trong năm 2023, đặc biệt là công tác từ thiện. Song song đó, đề nghị BTS thúc đẩy tiếp tục bổ nhiệm trụ trì, thành lập Ban Quản trị để thuận tiện trong việc cấp con dấu cho các chùa. Hoà thượng Thích Minh Thông – UV HĐTS, Trưởng BTS cảm ơn và mong đoàn hỗ trợ pháp lý các tự viện xin cập nhật đất Tôn giáo, bổ nhiệm trụ trì, thành lập Ban Quản trị.

Trà Vinh: BTS ký kết văn bản phối hợp với Hội LHTNVN tỉnh

Ngày 20/3, tại tỉnh Trà Vinh đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh với BTS GHPGVN tỉnh, giai đoạn 2024 – 2025.

Chương trình phối hợp nhằm triển khai hiệu quả, sáng tạo các cuộc vận động, các chương trình công tác của Hội LHTN Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh trong thanh thiếu nhi Phật giáo. Hai bên cùng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đoàn kết, tập hợp thanh niên Phật tử góp phần thực hiện tốt chính sách tôn giáo; tăng cường các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thanh thiếu nhi; phát huy vai trò xung kích của thanh niên Phật giáo trong tham gia đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Hoạt động thiện nguyện hỗ trợ người khó khăn

Sáng nay ngày 20/3, Chư tôn đức chùa Long Hương, Đồng Nai và các mạnh thường quân đã khởi công đổ bê tông đường giao thông nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. dài hơn 2.000m, ngang 3.5m. Cũng tại huyện này, đoàn đã khánh thành con đường mới với chiều ngang 3.5m, dài gần 1.000m. Tổng trị giá chương trình gần 4 tỷ đồng

Còn tại tỉnh Long An, BTS GHPGVN tỉnh đã xây dựng cầu nông thôn nối liền giữa 2 xã An Lục Long và Dương Xuân Hội, thuộc huyện Châu Thành, giúp người dân thông thương và đi lại an toàn. Công trình với thiết kế bê tông, cốt thép, có chiều dài gần 20 mét, rộng 3,5 mét. Tổng kinh phí của công trình khoảng 200  triệu đồng.

Các tự viện tại Bến Tre đẩy mạnh công tác an sinh xã hội

Thời gian qua, các tự viện trên địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) đã tích cực thực hiện – tổ chức các hoạt động thiện nguyện. Điều này đã góp phần không nhỏ vào kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Trên địa bàn xã An Hoá (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) có 2 cơ sở tôn giáo là chùa An Phước và Thánh thất Cao Đài An Hoá. Với tinh thần đoàn kết gắn bó, các cơ sở tôn giáo luôn tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, giúp những người khó khăn ổn định cuộc sống. Trong đó, MTTQVN xã giữ vai trò kết hợp đánh giá và lập danh sách các hộ nghèo, cận nghèo để từ đó có kế hoạch vận động hỗ trợ.

Đối với chùa An Phước, thời gian qua, các hoạt động an sinh xã hội được duy trì thường xuyên như nấu ăn từ thiện cho bệnh nhân tâm thần, nấu và phát cơm vào mùng 1 hằng tháng tại chùa. Đồng thời, mỗi năm tổ chức 3 đợt tặng quà cho người dân khó khăn trên địa bàn xã, vận động kinh phí xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ học bổng giúp các em học sinh, sinh viên cố gắng vươn lên trong học tập

Các cơ sở tôn giáo tham gia công tác an sinh xã hội đã và đang phát huy hiệu quả, lan tỏa và khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đem lại hiệu quả thiết thực kịp thời hỗ trợ người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương.

Đọc sách chốn thiền môn

Đến chùa không chỉ để vãn cảnh lễ Phật, mà nhiều người tìm về không gian an yên này để có cơ hội trau dồi tri thức. Những tủ sách hay các thư viện trong chùa đã và đang ngày càng góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

Hàng nghìn đầu sách đủ các thể loại từ sách Giáo lý nhà Phật, đến sách về văn hóa Tây Nguyên, sách kỹ năng sống… – được TT.Thích Hải Định – Trụ trì chùa Hoa Lâm, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk nâng niu, trân trọng. Tất cả được trưng bày trong tủ tại hội trường, để bất kì ai đến đây cũng có thể mượn sách và đọc.

Đến chùa đọc sách có đủ lứa tuổi, ngành nghề; nhưng tất cả đều chung niềm đam mê với những trang giấy, con chữ. Ngoài hoạt động đọc sách, chùa còn tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa nhằm kích thích sự yêu thích đọc sách và đề cao vai trò của sách. Trong không gian an yên, sau mỗi giờ đọc sách, chư tôn đức cùng quý Phật tử lại thảo luận về những nội dung mà mình vừa trải nghiệm.

Mùi của giấy, âm thanh lật giở từng trang sách, hay việc đánh dấu, ghi chú lại những đoạn tâm đắc… mang lại cảm xúc, để lại ký ức mà không thiết bị nào làm được. Chính vì lẽ đó nên chùa Hoa Lâm nỗ lực phát triển các tủ sách, đẩy mạnh hoạt động đọc sách và trao đổi sách giữa chùa với các đơn vị tặng sách, phật tử, người dân.

Hạnh phúc cho mọi người

Ngày 20/3 là ngày Quốc tế hạnh phúc. Với chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người”, Ngày quốc tế hạnh phúc năm 2024 nhằm khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình và cộng đồng. Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức thì con người vẫn có thể hạnh phúc hơn nhờ sự yêu thương, quan tâm lẫn nhau qua những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực hàng ngày.

Sau 12 năm ngày Liên hợp quốc công bố ngày 20/3 hằng năm là Ngày quốc tế hạnh phúc, đến nay thế giới vẫn chưa có một định nghĩa, khái niệm hay công thức chung nào cho sự hạnh phúc, bởi hạnh phúc ở mỗi quốc gia, mỗi con người, tuỳ vào từng hoàn cảnh, thời gian, môi trường mà có sự cảm thụ khác nhau. Tuy vậy, việc tôn vinh hạnh phúc của nhân loại là hành động cụ thể để các quốc gia có thể sống thân ái, tạo dựng một thế giới hòa bình, ổn định. Năm nay, Ngày quốc tế hạnh phúc lấy chủ đề “Hạnh phúc cho mọi người” có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh thế giới biến động và nhiều thách thức. Trong đó, mỗi cá nhân đóng góp cho hạnh phúc chung của nhân loại cũng là đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.

Cùng với nhận thức chung, Hạnh phúc là sự hài lòng, biết chấp nhận, Phật giáo kiến giải cụ thể hạnh phúc theo hai thành tố gồm hạnh phúc thân và hạnh phúc tâm. Bên cạnh đó, Hạnh phúc là biết cho đi, mong mỏi được đóng góp, cống hiến sức lực, tạo dựng niềm vui và to lớn hơn là hạnh phúc cho người khác.

Trong cuộc sống không khó để thấy những tấm gương, những con người đã chọn cách sống cống hiến sức lực, trí tuệ của mình để mang lại hạnh phúc, niềm vui cho cộng đồng, xã hội. Đó là câu chuyện hiến máu tình nguyện suốt 24 năm của người cựu chiến binh Lê Đình Duật cùng gia đình 3 thế hệ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Những giọt máu hồng của ông Duật cùng 6 thành viên trong gia đình đã trao tặng cho cuộc đời những mầm sống, thắp lên ngọn lửa của lòng nhân ái, yêu thương và trách nhiệm. Việc làm tốt đẹp, thầm lặng ấy đã lan toả mạnh mẽ tới cộng đồng, đến nay có hơn 1.300 người được ông vận động đã tham gia hiến máu tình nguyện hơn 1.211 đơn vị máu an toàn, cứu chữa hàng ngàn người bệnh.

Mang tới hạnh phúc cho mọi người cũng là cách mà anh Nguyễn Ngọc Giang San cùng các bạn trẻ ở Đồng Nai chọn làm tôn chỉ sống, cống hiến của mình. Thông qua Nhóm thiện nguyện “Vạn sự tuỳ duyên”, anh San cùng các bạn kêu gọi giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Hạnh phúc cho cộng đồng không phải là câu chuyện chỉ được thực hiện vào ngày Hạnh phúc mà đó là những hành trình dài bền bỉ. Với những người con Phật, hạnh phúc là trao đi – Triết lý sống giản đơn ấy cũng là cách thực hành giáo lý “Từ bi hỉ xả” của Đức Thế tôn. Tuy bận rộn với cuộc sống nhưng nhiều năm nay, nhóm Phật tử mang tên Hoa Từ Bi, TP.HCM với tấm lòng từ luôn cố gắng tổ chức các hoạt động thiện nguyện để mang sức trẻ, sự yêu thương bù đắp những hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi.

Trong hành trình thiện nguyện này, điều giản dị mà các các thành viên mong mỏi là được thăm hỏi, trò chuyện, lắng nghe tâm sự của những ông, những bà, em nhỏ đang sống tại chùa Từ Hạnh, TP.HCM. Mong nhận lại chỉ là những nụ cười hạnh phúc của các cụ ông, cụ bà, nay đã 90-100 tuổi.

Không chỉ đến những điểm cố định, nhóm còn rong ruổi những tuyến đường để gửi tặng những suất cơm chay 0đ đến bà con lao động nghèo và người cơ nhỡ. Hay đồng hành cùng chùa xây cầu, xây mái ấm, tổ chức những phiên chợ 0đ… đem lại hạnh phúc cho mọi người.

Câu chuyện anh Giang San ở Đồng Nai, của người cựu chiến binh Lê Đình Duật ở Hà Nội hay các bạn trẻ ở nhóm Hoa từ bi – TPHCM, dù cách làm có khác nhau nhưng có cùng điểm chung là “trao đi để nhận lại”. Họ đã trao hạnh phúc để nhận về hạnh phúc… Ở tuổi 81, ông Duật hạnh phúc bởi đã tạo dựng và gìn giữ nếp nhà luôn giúp đỡ người khác, con cháu noi gương ông bà luôn yêu thương, đùm bọc nhau. Các bạn trẻ trao đi niềm vui, hạnh phúc để nhận về những tháng năm thanh xuân đầy ý nghĩa và không hối tiếc.

CỤM TIN VĂN HÓA

Chuyên gia Unesco khảo sát danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc

Theo đánh giá của UNESCO, hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc đáp ứng tất cả yêu cầu kỹ thuật được hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới. UNESCO cũng đề nghị cung cấp bổ sung hình ảnh về quần thể di tích theo đúng kích cỡ, tiêu chuẩn, quy định. Hồ sơ sẽ được gửi đồng thời tới Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS). Trên cơ sở đánh giá hồ sơ, các cơ quan của UNESCO sẽ cử đoàn chuyên gia tới khảo sát thực tế.

Đà Nẵng: Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2024 tuân thủ “5 không”

Ngày hôm qua, TP.Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị rà soát công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024. Theo đó, lễ hội  sẽ đảm bảo ‘5 không’: không trộm, cướp và tệ nạn xã hội; không xin ăn; không xả rác, không vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; không chèo kéo khách, nâng, ép giá; không- phóng sinh và các hoạt động mê tín dị đoan. Năm nay, lễ hội dự kiến diễn ra trong 4 ngày, từ 26 – 29/3 tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm, TP.Đà Nẵng với nhiều hoạt động văn hoá ,tâm linh, xã hội.…

Thái Bình: Khai mạc Lễ hội Vạn Xuân năm 2024

Cùng thời gian này, tại khu Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia Miếu Hai thôn (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Lễ hội Vạn Xuân năm 2024 đã khai mạc. Diễn ra từ ngày 19/3 – 21/3 ( nhằm ngày 10/2 – 12/2 âm lịch), lễ hội gồm nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: lễ cáo thánh, lễ cầu an, thả hoa đăng, rước kiệu, tế lễ. Cùng với đó, các trò chơi dân gian truyền thống và một số môn thể thao.

Tinh hoa văn hóa trong tranh truyện hàng Trống

Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc sắc của Thăng Long – Hà Nội nói riêng, vốn di sản của dân tộc Việt Nam nói chung. Đứng trước tình trạng tranh dân gian đang dần bị quên lãng, mới đây, tại Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam, đã diễn ra Lễ khai mạc triển lãm Tranh truyện Hàng Trống.

Triển lãm trưng bày 40 bức tranh thuộc 10 bộ truyện là những tích cổ quen thuộc trong đời sống văn hóa của người Việt. Điểm nhấn chính của các tác phẩm là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, và đặc biệt là sự kết tinh giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa độc đáo của người Kinh kỳ xưa.

Tranh Hàng Trống được chia thành nhiều loại như tranh thờ, tranh sinh hoạt, thiên nhiên, tranh truyện, tranh Tết. Tham quan triển lãm, khán giả được tiếp cận những bộ tranh quý vẽ theo tích truyện cổ như bộ Tứ Dân, Sơn Hậu, Tam Quốc, Chiến Quốc, Hán Sở tranh hùng… với đường nét sinh động, màu sắc phong phú đặc trưng.

Triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” diễn ra đến hết ngày 31/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chùa Trăm Gian – Cổ tự nghìn năm

Đến thăm xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa cổ Trăm Gian. Được hình thành cách đây khoảng 1.000 năm, từng là ngôi chùa lớn, trung tâm Phật giáo của cả nước, trường dạy kinh Phật cho hàng nghìn phật tử, đến nay, ngôi chùa vẫn giữ được kiến trúc độc đáo và lưu giữ được nhiều cổ vật giá trị.

Tọa lạc ở thôn quê yên bình, gần dòng sông Kinh Thầy, chùa Trăm Gian còn có tên chữ là Vĩnh Khánh. Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào ngôi chùa là không gian thanh tịnh với những mái ngói rêu phong, vườn tháp cổ kính. Được xây dựng quy mô lớn vào thế kỷ XVII và trùng tu nhiều lần nên kiến trúc ngôi chùa mang dấu ấn của thời đại. Các công trình chính năm trong quần thể như khép kín. Từ phía đông, mở đầu là gác chuông với 5 gian bít đốc, 3 gian giữa chồng diêm, mái cong. Tiếp về phía sau là tiền đường 7 gian, 3 gian tam bảo tạo thành hình chữ đinh.

Đến nay tại chùa Trăm Gian còn lưu giữ được hàng trăm cổ vật có giá trị như các pho tượng Phật có niên đại thời Lê và thời Nguyễn, trong đó có tượng Trúc Lâm tam tổ, nhiều đại tự, câu đối, bát hương cổ, bia đá… Ngoài ra, chùa Trăm Gian còn nổi tiếng với những mộc bản kinh Phật phục vụ in ấn. Ngôi chùa còn lưu giữ được hơn 700 mộc bản kinh Phật thuộc 7 đầu sách kinh vừa được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Trải qua thời gian, chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Được trùng tu nhiều lần, đến nay, chùa tiếp tục được tu bổ, tôn tạo với kinh phí 29 tỷ đồng. Là danh thắng có một không hai của xứ Đông, việc bảo tồn, trùng tu chùa Trăm Gian rất cần thiết giúp giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo của dân tộc.

Mời quý vị theo dõi chi tiết bản tin Bchannel – An Viên 24H ngày 20.03.2024:

Đón xem các thông tin, chương trình hấp dẫn khác của Truyền hình Bchannel – BTV9 An Viên trên kênh YouTube.

15 lượt thích 0 bình luận

Trả lời

Tin liên quan

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05/09/2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024

Bản tin 24h 05-09-2024 10:47:37

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 04.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Tầm quan trọng của giới luật với Tăng Ni trẻ; Nét đẹp ẩm thực chay nơi tự viện; Huy động nguồn lực nhân dân trong trùng tu di tích.
2545 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04/09/2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024

Bản tin 24h 04-09-2024 09:03:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 03.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Lan tỏa pháp phục Phật giáo Việt Nam; Đẩy mạnh lưu trữ và nghiên cứu Phật giáo; Chắp cánh ước mơ.
1499 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03/09/2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024

Bản tin 24h 03-09-2024 09:00:30

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 02.09.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: Rực rỡ sắc màu Quốc khánh; Câu chuyện về tình yêu đất nước; CH Séc: TƯGH thăm hỏi Phật tử Việt Nam tại Teplice và Chomutov.
3674 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02/09/2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024

Bản tin 24h 02-09-2024 09:23:16

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 31.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày: TT-Huế: Trang nghiêm tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; Thăm mái già lam “Che chở hồn dân tộc”; Gieo duyên Phật pháp đến bà con vùng cao.
2617 lượt xem 0 Bình luận

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31/08/2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024

Bản tin 24h 31-08-2024 11:01:46

Bản tin Bchannel – An Viên 24H 30.08.2024 cùng một số nội dung chính đáng chú ý trong ngày:  TT- Huế: Khai kinh cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông 2024; BTS GHPGVN Tỉnh Đồng Nai khánh tuế Đức Pháp chủ GHPGVN; Phật giáo chung tay hỗ trợ người dân sau lũ.
4591 lượt xem 0 Bình luận